TIN TỨC
  • Truyện
  • Bến sông trăng – Truyện ngắn của Võ Anh Cương

Bến sông trăng – Truyện ngắn của Võ Anh Cương

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-08-14 23:26:18
mail facebook google pos stwis
905 lượt xem

Hắn cho xe chạy theo Khánh Linh, cô gái có cái trán dô bướng bĩnh giơ tay chỉ về phía trước nói với hắn “ông cứ chạy thẳng đường Điện Biên Phủ này chừng nào thấy cái tháp nước bên tay phải thì quẹo vô con hẻm bên dưới tới quán cà phê cóc là nhà ông nội tôi, tôi có việc tới sau”. Nói xong cô gái rồ ga chạy thẳng bỏ mặc hắn với gương mặt ngơ ngác. Không biết nghĩ gì hắn tặc lưỡi đôi mắt có chút lưu luyến nhìn theo cô gái.

Tác giả Võ Anh Cương.

Thấy cái tháp nước rồi, hắn nhanh chóng tìm đúng nhà có quán cà phê và hơn nữa lại có một cây trứng cá. Hắn lơ ngơ dựng xe chưa kịp nói gì thì ông chủ quán, một ông già hói đầu đã hỏi trước “cậu uống gì, quán tôi chỉ có cà phê và các loại nước uống có ga… à mà thêm ya ua nữa!”.

Hắn ấp úng “dạ cháu chào ông, Khánh Linh biểu cháu chờ…”, chưa kịp hết câu ông già đã chặn ngang “Khánh Linh nào nhà này đâu có đứa nào tên đó…”. Nói đến đó gương mặt ông già hơi giãn ra như vừa phát hiện ra điều gì đó, ông nói tiếp “à à… con Mi, con Mi… ở nhà tui chỉ kêu nó tên này riết rồi quên mất tiêu tên thiệt của nó”.

Ông già đổi tông thật nhanh, giọng ông trở nên ấm cúng hẳn “con vô đây, uống gì để ông pha, thiệt tình cái con nhỏ Mi, dẫn bạn về mà lại bỏ đi đâu không biết”.

Ông nội bạn gái hắn bưng cho hắn một ly ya ua đá. Ông kéo ghế ngồi xuống “con tên gì, là bạn cùng lớp của con Mi hả?”.

Hắn đáp “dạ con là Tùng, Khánh Linh hay kêu con là Tùng… phèo”. Ông già cười ha hả coi bộ sảng khoái “cái con nhỏ thiệt là…”.

Ông nội cô gái mang ra bức tượng vũ nữ bằng đồng đã ố đen để trước mặt chàng thanh niên khi biết mục đích của Tùng. Tùng ngắm nghía pho tượng rất kỹ trước khi vẽ, lúc làm việc hắn như quên hết, hắn không biết ông già thỉnh thoảng liếc hắn làm việc, kể cả việc lúc cô gái về hắn chỉ ngước lên một chút rồi cúi xuống nhìn tờ giấy vẽ, trong đó cô vũ nữ ẩn hiện mờ mờ.

Khi Tùng vẽ xong, bản phát thảo cô vũ nữ như đang liếc mắt nhìn, ông nội cô gái khen “con vẽ đẹp ha, kìa, dường như trong tranh cô gái đang cử động cánh tay!”. Khánh Linh từ nhà trong đi ra nghe ông bình luận cô cũng sà vào xem. Cô vũ nữ người trong bức phát thảo thật sinh động. Nhất là cặp mắt được chàng hoạ sĩ thổi hồn vào trở nên lúng liếng. Cô gái bình “ông vẽ người yêu năm cũ?”. Ngước mắt lên cô gái chạm vào mắt chàng trai. “Người yêu năm cũ nào?”. “Còn ai nữa hổng lẽ ông có nhiều người yêu xưa hả?”. Chàng trai bối rối, hắn đã đem hết cảm xúc vào bản phát thảo chưa kịp định thần đã vấp phải một câu hỏi làm khó hắn.

Ông nội cô gái lúc này y như ly ya ua đá ngon tuyệt lúc nãy, có lẽ chàng trai nghĩ vậy khi nghe ông già nói “hoạ sĩ phải là người yêu cái đẹp mới vẽ được, thằng Tùng có chục cô người yêu năm cũ để vẽ cũng là chuyện…bình thường!”. Cô gái hứ một tiếng nhỏ trong cổ “chắc ông cũng vậy?”. Ông già cười hơ hớ “tao à, chỉ…hai thôi là chịu không nỗi rồi!”.

Ông già thật là tuyệt vời, ông bẻ câu chuyện về tới Hội An và khuyến khích chàng trai một lần về phố Hội để vẽ những cánh cổng chùa. “Có tới mấy cảnh chùa được xây từ thế kỷ mười bảy, con về tha hồ vẽ. Ông thấy nhiều tay hoạ sĩ người nước ngoài ngồi đồng ở mấy cổng chùa để vẽ ngày này qua ngày nọ”. Rồi ông nói về mì quảng và cao lầu, ông không quên kể luôn cái giếng thần thánh cho thứ nước làm cao lầu không đâu có được!

Chàng thanh niên háo hức nghe ông già nói, mắt chàng ánh lên vẽ thèm khát cháy bỏng. Cô gái không lạ gì ánh mắt đó “ông nội đừng kể nữa, Tùng nghe chừng đó là đã…phèo rồi!”. Cô cười ngặt nghẽo còn ông già thì ngạc nhiên “bay nói phèo là sao?”.

“Là muốn ngay tức thời bay liền ra đó để vẽ… nhưng rờ túi thì… phèo”. Dường như muốn ông nội hiểu hơn cô gái tiếp “Tùng mê vẽ, lúc rảnh đi chép tranh thuê dự định dồn tiền làm một chuyến Mỹ Sơn nhưng không biết đến chừng nào mới đủ!”. Mắt cô dịu xuống như một tiếng thở dài.

Quả nhiên ông nội còn tuyệt vời hơn…một ly ya ua đá, ông khoát tay “chuyện tiền à… để nội tính: bay đi xe Phương Trang tới Vĩnh Điện rồi đi xe ôm về, không nhiêu tiền. Nhà chú Mai có cái home stay để ông gọi điện dành cho con một phòng lấy giá rẻ, chú Mai có mấy chiếc xe đạp con có thể mượn đi lại. Ăn uống tự lo đi… chừng vài triệu là có thể vi vu chục ngày ở Hội An rồi!”.

Cô gái thắc mắc việc ông già mới gặp bạn cô lần đầu mà sao nhiệt tình quá, cô nghĩ sao đó mà bỗng nhiên cô đỏ mặt. Một lúc sau cô nói như reo “đi đi…tôi sẽ xin ba mẹ cho về thăm quê, tuần tới, ok?”. Tay cô giơ lên, hai ngón cái và ngón trỏ chạm nhau tạo thành một hình tròn.

Chàng trai suýt… tắc thở khi nghe ông nội cô gái nói “con vẽ cho ông bức chân dung… để thờ, ông trả con ba triệu”.

… Đó là câu chuyện tuần trước, còn hiện tại là đêm, mà đêm rằm. Đêm rằm rơi vào chủ nhật, phố cổ Hội An lung linh dưới ánh đèn lồng, tạo cho người ta cảm giác lạc vào phố thị cách nay hàng trăm năm nếu không bắt gặp những chiếc xe máy dựng trong nhà mà dường như nhà nào cũng có. Chỉ có điều trong phố không nhe bất cứ một âm thanh nào của xe máy hay xe hơi cả. Những ngôi nhà bán hàng như từng bán hàng trăm năm qua chứa đựng bên trong nó một thứ không khí nhuốm mùi xưa cũ. Không biết nghĩ gì chàng thanh niên dừng lại vẻ lắng nghe. Không chỉ Tùng mà nhiều du khách cũng đứng yên y như vậy, họ đang nghe bài chòi, trong đó mấy người đang hát bài chòi trong một ngôi nhà góc phố. Không có cảnh diễn nhưng âm nhạc lại tràn đầy quyện trong không gian cổ kính vừa lạ vừa quen…

Tùng chỉ thức tỉnh khi Khánh Linh kéo tay “đi thôi… ông như người mất hồn”. Vừa đi cả hai vừa nói chuyện tuy rằng chỉ cô gái nói là chính. “Cà phê Vọng phố hồi sáng cũng hay hay, ông thấy sao?”. “Vọng phố… vọng phố” chàng trai ấp úng. “Ông sao vậy… năm ngoái cô Trang dẫn tui uống cà phê nớ, cổ nói chỗ này trước kia là một thửa ruộng, còn bây chừ miếng đất đó có giá vài chục tỷ. Còn con đường xi măng bên hông quán dẫn tới nhà ba cô Trang là một con suối, phòng ông ở sát bên con suối đó”.

“Bây giờ con mương này đã bị lấp mất, ông nội tôi kể hồi ổng mười tuổi, ông diễn văn nghệ trên chiếc ghe neo trên con mương này nhân dịp tổng thống Ngô Đình Diệm về Hội An kinh lý!”.

Cô gái cứ kể, chàng trai im lặng nghe. Dường như hắn để hồn đâu đâu thì phải. Cuối cùng thì cô gái cũng phát hiện ra vẻ khác lạ của chàng trai. “Ông sao vậy, bộ có chuyện gì sao?”. “Không có gì đâu, tôi chỉ tiếc con chó đá chùa Cầu sao lại bị mẻ một miếng trên đầu, thiệt là uổng!”. “Tôi đã nói với ông rồi, trên đời này làm gì có sự hoàn hảo, cái chi cũng vậy”. “Nè, Khánh Linh trở thành triết gia hồi nào vậy?”.

Sau câu nói đó cả hai cười vui vẻ, hình như họ quên tuốt khúc bài chòi dân dã, mấy cái đèn lồng khiến người ta nhớ tới ngày xưa cho đến chùa Cầu có hai con chó đá mặt buồn ngồi im ngày này qua tháng nọ. Họ đang trẻ, chỉ vậy thôi.

Đang đi Khánh Linh kéo chàng trai rẻ vào một con đường nhánh. “Đi ra bờ sông Hoài kiếm cái gì ăn, tôi đói bụng rồi”. Cô gái nói.

Sông Hoài giống như là một con sông đào bởi người ta làm bờ kè bằng đá hộc hai bên, trên bờ xây lối đi bộ giờ được người ta bao chiếm bán hàng ăn. Dưới sông thuyền chèo tới lui nhộn nhịp, trên thuyền bao giờ cũng có mấy chiếc đèn lồng như là một thứ thương hiệu Hội An.

Hai người đi trên con đường, gió sông mát rượi, Tùng và Khánh Linh lẫn vào đám du khách qua lại ngó nghiêng. “Cao lầu đi cô cậu ơi”. Khánh Linh hỏi Tùng “cao lầu hỉ?”. Tùng đáp với vẻ háo hức “tôi chưa ăn cao lầu bao giờ, vậy thì tại sao không?”.

Dĩ nhiên cao lầu ngon và lạ, lạ như con gái Hội An. Nghĩa là Khánh Linh bày Tùng ăn cao lầu đúng cách. “Không phải gắp mấy cọng rau như ông, phải một gắp lớn trộn lên rồi… lùa như ông nội tôi nói mới đúng kiểu… Hội An”. Tùng làm theo nhưng trợn mắt khi thấy Khánh Linh ăn nhỏ nhẻ như một con mèo. “Nhìn gì, cách tôi chỉ ông ăn chỉ dành cho đàn ông, còn con gái thì… không bắt buộc!”. Đúng sai chỉ trời biết nhưng và một miếng cao lầu với nhiều rau thiệt là đã, chàng trai cũng cắn một miếng ớt xanh như cô nàng bày hắn.

Ăn xong Khánh Linh dẫn Tùng xuống bến thuyền. Tùng mặc cho bạn nói cái gì đó với chủ thuyền, hắn tẩn mẩm ngắm chiếc thuyền đang tròng trành trên mặt nước. Trên thuyền có đèn lồng, không có ánh đèn huyền hoặc đó không ra thuyền ở Hội An.

Khánh Linh chèo thuyền ra vẻ cứng tay, những cái quẩy nước thuần thục đưa thuyền lướt đi trên nước êm ru.

“Đêm ni tôi cho ông ngắm sông nước quê tôi, khúc sông Hoài nhắn ngủn kia dành cho du khách, còn tôi đưa ông ra sông Thu Bồn”.

Trên trời trăng rằm chiếu xuống soi bóng chiếc thuyền nhỏ, bóng trăng phía xa xa dưới mặt nước tan vỡ theo mái chèo của Khánh Linh. Mái tóc cô gái bay bay trong gió, cô bỗng ngừng chèo để thuyền tự trôi. Cô hỏi “ông dòm tôi chi mà dữ rứa?”. Chàng trai không trả lời trực tiếp câu hỏi của cô gái mà chỉ nói “bạn mình về tới quê bỗng biến thành một người lạ huơ lạ hoắc…”. “Là sao?”. “Con gái Hội An đẹp quá chừng chừng…”.

Cô gái hơi có chút lúng túng với câu nhận xét của bạn, cô để thuyền tự trôi cập vào bờ. Trên bờ dưới ánh trăng một ngôi nhà mái tranh như mọc ra từ cổ tích. Tùng say sưa ngắm quên mất câu định nói tiếp với bạn gái. Cô gái cũng vậy, cả hai ngơ ngác trước một cảnh tượng mộng mị này. Họ để mặc cho chiếc thuyền trôi vào bến nước trước nhà.

Một người đàn bà từ trong nhà bước ra, có cái lạ mà cả hai người không ai chú ý đến: đêm trăng mà người này lại đội nón! Người đàn bà lên tiếng, giọng Quảng Nam đặc sệt “cô cậu tìm nhà ai?”, ngừng một chút người lạ nói tiếp “tui thấy cô gái này quen quen, tui hỏi khí không phải cô có bà con chi với họ Nguyễn Hồng ở Cẩm Kim?”. “Dạ, ông nội con là người Cẩm Kim, tên ông là Nguyễn Hồng Khánh Mai!”. Người đàn bà tỏ ra mừng rỡ “rứa à, tui là em con chú của ông Mai, cháu phải kêu bằng bà cô kìa… mà thôi, cháu kêu bằng cô cũng được rồi, cô là cô Bốn Kiểm”.

Hai người theo cô Bốn vào nhà. Ngôi nhà đơn sơ với mấy vật gia dụng nhà quê hiện ra dưới mắt Tùng như xuất hiện từ cổ tích, một cổ tích tập 2.

Tùng ngắm nghía mấy cái nia, thúng, dóng gánh bằng mây tre dưới ánh ngọn đèn dầu vàng vọt, hắn để mặc bạn gái nói chuyện rì rầm với bà cô Bốn.

Thực tế Tùng chưa thấy những vật dụng này bao giờ, chúng lạ lẩm với chàng thanh niên và hắn cũng chẳng biết những thứ này dùng vào việc gì?

Cô Bốn Kiểm đứng lên nói với đôi bạn trẻ “cô có xí việc, các cháu cứ ngồi chơi chừng nào về chỉ cần khép cánh cửa lại giùm cô!”.

Bà đi ra ngoài và nhanh chóng biến mất, Tùng và Khánh Linh ngơ ngác nhìn theo bộ đồ màu trắng của bà cô tan vỡ cùng ánh trăng…

Hai người không ngồi trong nhà, đêm trăng Hội An mà ngồi nhà là phí phạm của trời, Tùng nói với bạn như vậy. Khánh Linh không biết nghĩ gì mà bỗng dưng đỏ mặt, màu đỏ được ánh trăng tan hoà thành một màu hồng nhuận, Tùng ngắm bạn đến ngơ ngẩn cả người.

Hai người ngồi trước cửa nhà cô Bốn, không ai nói với ai câu nào. Bãi cỏ chỗ họ đang ngồi mềm như tấm thảm nhung, Tùng bỗng nhiên nằm xuống, thấy vậy Khánh Linh cũng nằm ngắm trăng như bạn. Họ thiếp dần vào giấc ngủ hồi nào không rõ…

Buổi sáng có tiếng chim, tiếng chim đánh thức đôi bạn cùng lúc với ánh mặt trời vừa lên. Vừa thức giấc Khánh Linh bối rối “thôi chết… không lẽ cả đêm qua mình ngủ chỗ này?”. Tùng cũng vừa ngồi dậy, hắn ngơ ngác ngó nghiêng chung quanh. Dưới sông nước vẫn chảy lặng lờ, con thuyền nhỏ vẫn được cột vào một cái cọc ven bờ.

Tùng quay qua Khánh Linh nhìn bạn đúng lúc cô gái cũng nhìn Tùng. Họ không nói gì nhưng mắt họ không giấu được vẻ ngạc nhiên “mái nhà tranh đêm qua đâu rồi?”.

Họ đang ngồi trên bãi cỏ còn đẫm sương đêm, Tùng nói “chắc mái nhà tranh tối qua là mình nằm mơ thôi”. Khánh Linh lại khác, mặt cô tím tái thấy rõ “không… chiều hôm qua tôi theo ông chú Ba đi thắp hương tại nghĩa trang dòng họ Nguyễn Hồng, tôi có đốt cho bà cô Bốn ba cây hương…”.

“Bà cô Bốn chết năm 72 lúc mười tám tuổi… tôi nghe kể hồi đó bà làm du kích”.

Giọng run run của Khánh Linh lọt thỏm vào buổi ban mai như thể hoà tan vào ngày mới.

Thế là một bến sông trăng!

11/8/2022

V.A.C

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm