TIN TỨC

Biên thùy thiêng liêng ngàn yêu thương

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-05-01 05:34:24
mail facebook google pos stwis
947 lượt xem

HOÀI HƯƠNG

Biên giới, ngàn mến thương
Từng tấc đất quê hương bao máu xương đã đổ…”

Câu hát trong ca khúc “Trái tim em trong ba lô” của nhạc sĩ Tăng Minh Thành hơn 40 năm trước cứ theo chúng tôi suốt cả chặng đường gần 200km từ TP Hồ Chí Minh về miền biên thùy Tây Nam, Long Khốt (Vĩnh Hưng- Long An), nơi đầu nguồn con sông Vàm Cỏ Tây nước trong xanh biêng biếc êm đềm, nơi có những đồng lúa xanh bát ngát chao nghiêng cánh cò bình yên, nơi có những đầm sen đang vào mùa hoa hồng rực tỏa hương thơm an nhẹ thanh khiết...

Nắng vẫn đậm ngọt sóng sánh như mật tràm ngàn năm nay ở miền đất cổ này. Những cơn gió đổi chiều vun vút thênh thang bên đây đất Việt Nam bên kia đất bạn Campuchia vẫn thế. Mà màu xanh của mạ non nhu nhú sao cứ làm mắt cay cay, nhịp tim rưng rưng... Có một nơi mà bất kỳ lúc nào chạm vào cũng thấy nhiều cảm xúc - là biên giới - là phên giậu biên thuỳ - là cột mốc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Một nét bút cha ông vẽ hình đất nước. Một mảnh cương giới địa đồ. Một linh thiêng đất đai Tổ quốc, bao đời tổ tiên, ông cha nhiều thế hệ đã giữ gìn. Một chủ quyền lãnh thổ Việt Nam bất di bất dịch muôn đời.


Đoàn nhà văn trong chuyến đi thực tế Long Khốt

Và càng cảm xúc hơn khi nơi đó, được biết, có rất nhiều linh hồn bất tử - linh hồn những người Việt Nam đã quyết tử chống quân xâm lược ngoại quốc, để bảo vệ, để giữ gìn chủ quyền toàn vẹn mảnh đất Việt. Có một khoảnh khắc hơi thở như nghẹn lại khi nhìn mấy dãy đá hoa cương khắc tên hơn 7000 liệt sĩ đã nằm lại mảnh đất thiêng này. Có những giọt nước mắt không cầm được khi đọc câu thơ trong ngôi Đền thờ các liệt sĩ ở Long Khốt:

"Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc
Hồn bay lên hoá linh khí quốc gia".

Cột mốc 223, một trong 12 cây cột mốc nằm trong chiều dài biên giới 17,3km, thuộc đồn biên phòng Long Khốt quản lý, khi chúng tôi đến chỉ mới 10 giờ sáng, nắng đã đậm đặc sắc vàng phủ hết cả vùng biên. Mà kỳ lạ, nắng đậm như mật nhưng lại trong suốt như thủy tinh, cho ánh mắt trải dài mê mải băng qua những cánh đồng trống mênh mông, nổi bật màu phù sa trầm tích và gần như chỉ lơ thơ một ít cỏ xanh. Nghe những người lính biên phòng nói, đất đang được “phơi” nắng, “nghỉ dưỡng”, chuẩn bị khi mùa mưa về, là xạ lúa. Bên mình, bên bạn cùng như thế. Con đường tuần tra chung, bên này của mình, bên kia của bạn, một bờ ruộng mỏng, nhìn xa xa như một nét vẽ mảnh, lượn mềm mại qua những cánh đồng. Một không gian êm ả hiền hòa ngập tràn thân thương.

Một khoảnh khắc se sắt chùng lại khi nhìn mấy bụi hoa mua tím rung nhẹ trong gió mảnh, khiêm nhường vươn mấy nhánh lá xanh bên cạnh cột mốc chủ quyền. Loài hoa của thương nhớ hoài niệm làng quê ruộng đồng, không biết có phải vì nắng miền biên cương mà sắc hoa tím đậm đến xao lòng. Hay ẩn trong đó có linh hồn bất tử của những người lính trẻ, dâng cả thanh xuân, hy sinh để giữ chủ quyền từng tấc đất cha ông nơi đây? Nghe mơ hồ lao xao trong nắng ong ong gần đỉnh trưa những bước chân, những tiếng cười, những thấp thoáng qua lại đoàn quân…Nắng rát nóng, mà sao bỗng thầy phất qua làn gió lạnh. Đưa tay vuốt nhẹ cánh hoa, như gởi một lời thương, như lưu lại một tưởng niệm mãi mãi…

Hoàng hôn biên thùy hình như muộn hơn, quá chiều mà mặt trời vẫn lơ lửng chùng chình nghiêng trên dòng Long Khốt mùa nước cạn, chiếu những ánh đỏ, hồng, tím loang trên mặt sông vẫn đầy nước, hắt lên những bụi cỏ hàng cây hai bờ ánh lấp lánh sáng, như một cuộc dạo chơi thong dong trước khi rơi xuống xa tít chân trời. Mùa khô, hình như chỉ để nước sông trong hơn, dù nghe nói sông nơi này khi triều lên nước xanh biêng biếc màu lá, triều xuống nước đục ngầu màu phù sa.

Đứng bên bờ ngắm nhìn dòng nước lững lờ trôi, trong hiu hiu gió, chiều chênh vênh vài tia nắng muộn còn sót lại trên vài ngọn cây cao, thảng mấy cánh cò chao nghiêng soi bóng mặt nước sông. Tôi đã lặng người khi nghe những người cựu chiến binh, Trung đoàn 174, Sư đoàn 5, Quân khu 7, từng một thời chinh chiến kể lại, tại Long Khốt, ngay nơi bến nước này, nửa thế kỷ trước, hàng trăm đồng đội của họ đã nằm dưới dòng sông vĩnh viễn sau những trận quyết chiến “mở cửa”…

Trong chạng vạng phủ màu tím nhạt như khói, những hoài niệm xưa đang đầy ắp thổn thức khắc khoải trong trái tim, trong ánh mắt vời vợi nhìn dòng sông, trong mỗi câu chuyện của những cựu chiến binh... Để rồi như một dẫn dụ kỳ lạ, họ như đang lạc thần về một ngày chiến trận năm xưa. Có chút hoa mắt, hình như bóng dáng năm sáu người lính đang bá vai bá cổ nhau cùng hòa giọng: “…bình minh lấp lánh chân trời xa/ miền biên giới xanh thẳm/ hạt sương long lanh cành lá…/ chúng con đi …/ son sắt nguyện thề/ tình non nước, hiến thân đời con”...

Chiều biên giới em ơi!/ Có nơi nào xanh hơn/ Như chồi xanh cỏ biếc/ Như rừng cây của lá”… Một cảm xúc xốn xang, rất khó gọi tên khi tạm biệt biên giới trong hoàng hôn tím sẫm, trong xào xạc gió trên những vòm lá xum xuê, trong tiếng thầm thì âm vọng từ dòng Long Khốt. Và trăng đang rằm tỏa ánh sáng bạc phủ một lớp bụi bàng bạc cho không gian miền biên thùy thêm vẻ huyền ảo, thiêng liêng, thấm đẫm yêu thương./.

Long Khốt- Sài Gòn - Tháng 4/2022
Nguồn: Báo CATP số ra Thứ bảy 23/4/2022.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm
Nợ sách đèn
Ngày ấy, chúng tôi từ khi đầu tiên mới tập tễnh cặp sách vào lớp 1 bậc tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, thế hệ học trò chúng tôi trải qua khá nhiều kỳ thi qui định. Học trò có thi đỗ mới được lên lớp.
Xem thêm
Thương một nhà văn cao tuổi
Nghe tin một nhà văn cao tuổi (85 tuổi) là Hội viên Hội Nhà văn TPHCM, cũng là người tôi quý mến bị bệnh ung thư và khó qua khỏi trong thời gian tới. Tôi lật đật chạy đến thăm ông dưới cái nắng hè oi bức.
Xem thêm
Chất lính - Bút ký của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Báo Văn nghệ - Hội Nhà Văn Việt Nam số 3262 – 3263.
Xem thêm
Beijing lá phong vàng (8) – Tùy văn Nguyễn Linh Khiếu
Kẻ yếu thua từng trận nhưng thắng toàn cuộc. Kẻ mạnh thắng từng trận nhưng thua toàn cuộc. Chủ thuyết Tàu là Salami.
Xem thêm
Cha tôi: Một ngón đàn tài tử đậm hồn thơ – Tạp bút Tương Như
Trong suốt cuộc đời, đôi khi phải chịu đựng cảnh mưa gió chìm nổi, tôi vẫn thường tự nghĩ mình là có lẽ là nơi hội tụ cơ duyên giữa ba dòng sông nghệ thuật: mỹ thuật, thi ca và âm nhạc.
Xem thêm
Duyên đá - Bút ký của Minh Đan
Mỗi ngày, mặt trời phía xa xa chưa kịp lấp ló, đã thấy ba tôi cần mẫn xách những xô nước mát trong trĩu nặng đôi bờ vai xương xẩu tưới lên những tia sống khỏe, mớm yêu cho từng khóm cây, chậu cảnh vườn nhà.
Xem thêm
Sức quyến rũ của sự chân thành
16 giờ ngày 14.4.2024, Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu giữa tác giả - Tiến sĩ Lê Kiên Thành (con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn)
Xem thêm
Sông chảy bên đời – Tuỳ bút của Nguyễn Thị Thu Thủy
Một đời người đã đi qua biết bao dòng sông, bao nhiêu ngã rẽ, khúc cua; mỗi dòng sông đều để lại bao luyến lưu, vương vấn, để lại những kí ức luôn tươi xanh mỗi khi nhớ về. Sông vẫn cứ chảy như thời gian trôi đi mải miết vì vậy “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”.
Xem thêm
Rặng Diên Vĩ - Tản văn của Quốc Tuấn
Gió vẫn thổi, mái tóc thơm tuột khỏi giây buộc, quấn quanh đầu như vòng hoa nâu thẫm, vô tình quất bỏng môi người. Mùi hương đó, quen quá. Mùi tóc mẹ, hương quê vị quán. Tựa như làn nước lung linh, hơi thở chị uyển chuyển theo nhịp điệu không gian. Đôi mắt và đôi môi vẫn mỉm cười nhưng đã có chút tiếc nuối. Chính nỗi buồn ẩn chứa trên khuôn dung đã khiến chị trở nên hấp dẫn, pha lẫn sự hồn nhiên, ngây thơ tạo nên một tổng thể đẹp đến khó tin.
Xem thêm
Trần Bảo Định - Thú thưởng ngoạn văn chương qua tác phẩm “Đọc thơ bạn”
Có thể nói Trần Bảo Định là một hiện tượng văn học Việt Nam hiện đại: Chỉ trong vòng khoảng hơn 10 năm trở lại đây, từ khi về hưu anh đã cho ra đời 6 tập thơ, hơn 10 tập tản văn, truyện ngắn và 3 tập tiểu luận phê bình trong khi phải chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác...
Xem thêm
Canh cá rô đồng – Tản văn của Châu Duyên
Tôi biết về món canh cá rô đồng đã lâu theo lời kể của cô bạn đang ở thành phố mang tên Bác, toàn những tin nhắn như là: Ê! Trưa nay tớ đang ăn canh cá rô đồng nè.
Xem thêm
Sài Gòn như nhà, như mẹ, như quê… – Tản văn của Triệu Vẽ
Ở Sài Gòn, không có ranh giới trọng khinh giữa dân “Sài Gòn” hay dân “tỉnh lẻ”, dân “phố” hay dân “phèn”. Trong huyết quản sâu xa của người Sài Gòn có ruộng đồng, bờ bãi, con trâu, con gà.
Xem thêm
Ơi mùa hoa ban! – Bút ký của Nguyễn Huy Bang
Chiếc máy bay VJ 299 từ Tân Sơn Nhất (sau 2 giờ 5 phút) bay qua không phận 3 nước.
Xem thêm
Tháng Ba hoa gạo – Tản văn của Bằng Lăng Tím
Đào phai, mai vàng là sự kì diệu của tháng giêng. Chúa của các loài hoa tháng ba chính là hoa gạo. Xuân sắp sửa đi qua, hạ lấp ló ở đầu ngõ. Hoa gạo đẹp theo nét riêng và tùy vào thời tiết. Hôm nào trời quang hoa đỏ thắm, ngời sắc trong khoảng không. Ríu rít đàn chim, lao xao ong bướm. Hoa như đốm lửa thắp sáng cả bình minh. Hôm nào sương dày đặc, nhìn hoa như ánh lửa đêm đông, lập lòe mang đến sự ấm áp lạ thường.
Xem thêm