TIN TỨC

Bùi Đức Ánh và những trang thơ với nhiều cung bậc cảm xúc

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-05-22 11:33:15
mail facebook google pos stwis
1282 lượt xem

 

Hồ Xuân Đà

Thơ, dường như là món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi con người. Thơ như tiếng lòng, là tâm tư là cảm xúc của những tâm hồn đẹp – rất đẹp, rất người. Thơ giúp người ta nói lên được những suy nghĩ riêng tư, những mơ ước, những khát khao về cuộc sống, tình yêu, gia đình. Thơ cũng là vườn hoa muôn sắc màu cảm xúc, về những buồn vui đan xen. Thơ cũng như một khu rừng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc vô vàn. Tình cảm con người vốn là loại tình cảm phức tạp nhất, rối ren nhất, giống như hệ thần kinh với rất nhiều dữ liệu mà con người hàng ngày phải sắp xếp, phải tu dưỡng, phải kiểm soát để chắt lọc lại cho mình những giá trị tinh tế nhất, để hướng tới bản ngã tốt đẹp. Nhìn vào những hình ảnh ngôn ngữ trong thơ, để soi chiếu lại chính mình, nhìn lại mình, nhìn lại những năm tháng đã đi qua để cuộc sống này mỗi lúc một tốt đẹp hơn. Nhà thơ Bùi Đức Ánh, vốn là một con người như thế, ông làm thơ, ông sống như những trang thơ ông viết.


Nhà thơ Bùi Đức Ánh.

Tuổi trẻ làm thơ vốn rất yêu đời yêu người, thì tuổi già càng yêu người, yêu đời, yêu cuộc sống quanh ta. Bùi Đức Ánh thiên về thơ tình rất nhiều, ông viết nhiều thơ tình, vì có lẽ trên đời này không có gì xoa dịu cuộc sống bon chen bộn bề của mỗi con người xã hội. Chính vì vậy mà dù ở độ tuổi nào, ông cũng làm thơ tình để tặng độc giả của mình. Victor Hugo là một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch thuộc chủ nghĩa lãng mạn nổi tiếng của Pháp. Ông cũng đồng thời là một nhà chính trị, một trí thức dấn thân tiêu biểu của thế kỷ XIX. Victor Hugo chiếm một vị trí trang trọng trong lịch sử văn học Pháp. Ông viết: “Ai khổ vì yêu hãy yêu hơn nữa. Chết vì yêu là sống trong tình yêu” (Victor Hugo). Chính vì vậy , mà nhà thơ Bùi Đức Ánh cả một đời người, tới gần tuổi nghỉ ngơi, mà trong tâm hồn ông mãi mãi không ngừng yêu, không ngừng viết lại những cảm xúc thơ tình cho các bạn trẻ, cho những độc giả chiêm ngưỡng vẽ đẹp của tình yêu, vì không gì hơn trong cuộc sống này ngoài tình yêu, tình yêu nuôi dưỡng những linh hồn, xoa dịu những nỗi đau và làm lành lặn những vết thương, tình yêu vì thế mà đẹp mà cao cả, bởi người nữ có thể vì người nam mà trở nên đời hơn, lộng lẫy hơn, người nam vì người nữ mà trở nên mạnh mẽ hơn, khát khao xây dựng cuộc đời hơn, dẫu bao nhiêu ngôn ngữ cũng không thể nào nêu lên hết được tất cả cảm nhận của tình yêu, chỉ có Bùi Đức Ánh, một tâm hồn thơ ca, dù ở độ tuổi nào ông cũng vẫn luôn trẻ lại với giá trị vĩnh viễn  gọi là thơ ca. Thơ ông như chính cảm xúc được bật ra từ tiếng lòng của ông, không cần phải gọt dũa, trang điểm, mà tự nhiên cảm xúc được thành thơ, vì vốn cảm xúc con người đã rất đẹp rồi, bởi nó rất đẹp, nên mới khiến con người ta rung động vì nhau, sống chết vì nhau, và nguyện trọn đời trọn kiếp bên nhau. Trong thơ Bùi Đức Ánh, chúng ta cảm nhận được những điều ấy.

“Xin làm đôi mắt biếc

Để còn biết đắm say

Những đam mê ngày nắng

Những ngày còn chưa biết

Tình yêu có màu gì

Màu nhung hoa hồng đỏ

Hay màu của pha lê

Trong từng giờ suy nghĩ

Xin làm một kẻ dại

Để thẫn thờ yêu đương”

(Trích Tình Yêu Có Màu Gì)

Xuyên suốt tập thơ, chúng ta bắt gặp có quá nhiều cảm xúc yêu thương, đau, khổ và trân trọng. Những cảm xúc tình yêu trong từng hơi thở, trong từng sợi dây thần kinh, được thẩm thấu, diễn tả bằng ngôn ngữ hình ảnh thơ ca, có tính nhịp điệu giàu cảm xúc, vô vàn sự khát khao để vươn tới hạnh phúc, mưu cầu cuộc sống trọn vẹn đó. Là con người thì ai mà không mong muốn được yêu đương, được hạnh phúc, được đắm say trong dư vị vô hạn của tình yêu. Nhà thơ Bùi Đức Ánh, vốn là một nhà thơ, lại được biết đến với thể loại thơ tình, Tập thơ này, là tập thứ bảy, ngoài ra ông còn sáng tác 5 tập truyện ngắn, ngoài ra ông còn sáng tác tạp văn và tiểu thuyết.Thì phải công nhận rằng, nhà thơ Bùi Đức Ánh đã lao động rất chăm chỉ, miệt mài. Những trang thơ với vô vàn cảm xúc đan xen, những nguồn mạch sống như tràn bờ, như muốn ôm lấy trọn vẹn sự sống này để giữ bên mình, phải chăng là sự tham lam, phải chăng là nhà thơ thiết tha quá độ, nhưng không, sự tham lam đó chính là vốn sống để nhà thơ trở nên một nhà thơ không hề bất tài, không hề bất lực trước cuộc sống này, tâm hồn nhà thơ phải luôn trẻ mãi, đẹp mãi, như nhà thơ Xuân Diệu viết: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ, em ơi, em/ tình non sắp già rồi”. Đã là thơ thì sự tham sống, khát khao được sống hạnh phúc, được cống hiến cho xã hội là một lẽ tất nhiên bởi nếu như không có sự tham ấy thì nhà thơ sẽ chết, nhà thơ sẽ không còn tồn tại để viết lên những bài thơ tình, mà khi chúng ta đọc, chúng ta cũng muốn yêu, cũng muốn khát khao sống vui vẻ, sống giá trị và đáng một cuộc đời đáng sống. Chỉ duy nhất tình yêu có thể làm được duy nhất điều đó mà thôi. Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ với rất nhiều bài hát nói về tình yêu, mang tầm triết lý, mà hiện nay, rất nhiều người yêu và đang yêu đồng cảm, nương nhờ vào nhạc vào tình ca của ông trong những phút giây lạc lõng, ông viết: “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá Đời”. Đó là những gì mà giá trị từ thơ ca mang lại cho tinh thần tình cảm con người. Thơ Bùi Đức Ánh cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Em là em, người tình tôi yêu dấu

Tôi thở cho em và em thở cho tôi

Tôi là người, em cũng là người

Tự kết mình lại, gọi nhau tiếng tình nhân

Tôi mơ em bằng tất cả linh hồn

Tôi mơ em bằng những điều rất thật

Tôi hiểu em hơn cả hiểu chính tôi

Tình nhân ơi, căn phòng nhỏ của tôi

Tôi muốn nhốt mình cả khi tôi đã chết

Với ngực em ấm tràn đầy bao nhựa sống

Với môi em cười chất ngất khoảng trời tôi

Tình nhân ơi, có điều riêng mình hiểu

Tôi nhốt mình trong em, nuôi những tháng năm dài.

(Trích Khi Mình Là Tình Nhân)

Khi nhà thơ không còn sống cho mình nữa, tức là người viết thơ người làm thơ viết vì con người, nhân danh tình yêu, cảm được cái giá trị tình yêu mà họ viết, mà họ ưu tư để chúng ta có những bài thơ thật đẹp, để trân trọng cái cảm giác mà tình yêu mang lại, để người ta còn có cái tựa vào, an ủi từng phận đời, từng phận người, dù thế giới này có mệt mỏi, có khổ đau như thế nào, cũng phải vươn lên mà sống, vươn lên mà nở hoa, mà thong dong tự tại, mà hạnh phúc. Vì chắc chắn, không có gì tự nhiên mà trở nên lộng lấy, ngay cả cái cây ngọn cỏ, dù cho nó vốn sinh ra đã đẹp nhưng không vun trồng chăm sóc, thì nó cũng trở nên hoang tàn, phế phủ, dù thế nào thì muốn đạt đến một vẻ đẹp đích thực là món quà của thượng đế mang lại cho chúng ta, thì chúng ta cần phải trân quý nó, gìn giữ từng cảm xúc của nó, để nó đẹp, để nó nuôi dưỡng chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta sống một đời đáng sống, sống một cuộc đời dẫu mai này có trở về cát bụi thì cũng đã rất đẹp, mà điều gì đã làm được điều đó, chỉ có tình yêu làm được những điều đó, làm nên cái chất trong thơ nhà thơ Bùi Đức Ánh.

Ngọn gió từ em

Thổi vào anh những nỗi niềm khao khát

Bao năm tình đi lạc

Xin gió hãy thì thầm anh nhớ mãi về em

Ngày lại ngày cứ rơi

Anh không thể xem người yêu như em gái

Mùa sắp tàn sao tình còn vương mãi

(Trích Ngọn Gió Từ Em)

Lực hấp dẫn không chịu trách nhiệm cho việc con người ta yêu nhau. – Albert Einstein – Nhà Vật Lý học  định nghĩa cho tình yêu là như vậy, cho nên tình yêu không ai nói trước được điều gì, cảm xúc đó, rung động nhẹ nhàng hay mãnh liệt, hay êm đềm tha thiết, đều là những rung động vô cùng hấp dẫn con người, làm con người tràn ngập năng lượng. Chính vì vậy, làm gì có chuyện, ai dám chắc rằng mình sẽ không bao giờ biết yêu, tình yêu kỳ diệu, trách nhiệm vì nhau, và con người ta yêu nhau nó sẽ làm nên một thế giới đa dạng, phong phú biết chừng nào, nên lực hấp dẫn của nó cũng không thể cưỡng cầu, chối từ được. Bởi vì, tình yêu vốn là đề tài mà khó ai giải thích được kết quả mà nó mang lại, nó xuất phát từ đâu, nó làm bằng chất gì mà có thể giúp người ta làm lành vết thương, cũng như chữa lành tâm hồn, làm nên những giá trị.

Nếu như không thể tin

Bầu trời sẽ không hề có nắng

Và những giọt sương mai

Không lóng lánh như sáng nay

Em ngước lên nhìn bầu trời trong xanh vẫy gọi

Em ngắm nhìn anh trong giấc ngủ sáng nay

Anh hiền như một ông lão

Vung từng lưỡi câu đợi cá đớp mồi

Em ngồi trước hiên

Vuốt từng sợi lông của con mèo lười

Em đổi tấm chăn, từng chiếc khăn trải bàn

Em cắm hoa, em ngồi đợi anh về…

(Trích Tình Yêu Và Niềm Tin)

Nhà thơ Bùi Đức Ánh làm nhiều thể loại thơ, từ tự do, đến lục bát, ngũ ngôn,.. Những vần thơ giàu nhạc điệu, nên thơ ông được các nhạc sĩ phổ nhạc rất nhiều, ông còn làm thơ cho quê hương, cho những nơi mà ông đến ghé thăm, như Vũng Tàu, Tây Ninh,… cũng quá đỗi tha thiết tình cảm con người với quê hương, với làng xóm phố phường.

Anh đến Tây Ninh một buổi chiều

Thăm núi Bà Đen ngày hai ta hẹn ước

Em đâu rồi tiên nữ miền sơn cước

Lá sắp ngủ rồi chẳng thấy em đâu

Em hay cơn gió vô tình

Nhắm vào lồng ngực anh mà thổi

Bên kia tòa thánh vẫn xanh màu mây mới

Sao tình mình buồn như lá vàng rơi

Từ ngàn xưa cho đến bây giờ

Núi Bà Đen vẫn phơi mình đón nắng

Thương em gái Trảng Bàng tươi tắn

Nụ cười duyên ngúng nguẩy đến say lòng

(Trích Nhớ Tây Ninh)

Viết cho một địa danh, mà nhà thơ cũng lãng mạng, cũng đa tình với những cảnh đẹp, với sự dịu dàng của người con gái Tây Ninh, thì chỉ có tính chất đặc trưng của người thi sĩ mới làm được điều đó mà thôi. Mà đúng rồi, Bùi Đức Ánh, ông vốn là một nhà thơ tình, thì thơ ông viết ra đúng là quá tình tứ cơ mà. Tình tứ với cảnh vật, với quê hương, thì quả thật quá tài năng rồi, quá thi sĩ rồi. Chính từ bản chất là một nhà thơ xứ Quảng, ông sinh ra ở quê hương Quảng Ngãi, trước đây vốn là nhà giáo cho nên thơ ông hồn hậu, dễ gần, dễ nhớ, dễ thuộc với ngôn phong giản dị, mộc mạc, nhưng cũng không kém phần mộng mơ, mang đầy tính triết lý nhân sinh hiện hữu rất đời, rất thực.

Tôi muốn đọc câu thơ viết về hoa cỏ

Về tình yêu đôi lứa với cảm xúc rất say

Tôi muốn yêu con người

Tối muốn yêu hòa bình

Tôi không cần đúng sai

Tôi chỉ cần em nói yêu tôi

Bằng tất cả tấm lòng

Của đôi lứa yêu nhau

(Trích Tôi Yêu Em-Yêu Hòa Bình)

Sống trong những ngày giãn cách xã hội, do ảnh hưởng Của dịch bệnh Covid-19. Nhà thơ Bùi Đức Ánh, càng đắm chìm hơn trước những nỗi đau của nhân loại, với con virus với vô vàn biến chủng, và rồi nhà thơ phải đối diện với nó, ông sẽ làm gì, chỉ có cách là làm thơ, làm thơ để nói hộ tiếng lòng của bao con người, bởi sứ mệnh của nhà thơ đến với cuộc đời này là như thế, là cảm nhận, là viết ra suy nghĩ trong một trạng thái quân bình, không thể đứng về phía một ai hoàn toàn, mà chỉ có thể nói, có có thể viết, có thể diễn đạt bằng trái tim mình.

Anh thấy phố buồn mà lòng đau như cắt

Những tháng ngày lịch sử em có biết không em?

Muốn đến bên em, trăm ngàn lần có thể

Có gì dày vò hơn hoàn cảnh này đây?

(Trích Ẩn Mình sau Lớp Khẩu Trang)

Quả vậy chỉ có con đường từ trái tim mới đi đến trái tim, nên thơ Bùi Đức Ánh gần gũi như là cảm xúc của từng con người trong những ngày xã hội đau bệnh, thành phố đông dân nhất nước phải buồn tênh, nhà nhà cửa đóng then cài, giấu mình sau lớp khẩu trang. Rồi nhà thơ tự cho mình phải gánh trách nhiệm, phải viết về điều đó, còn gì hơn khi trước sự sợ hãi, nhưng vẫn biết nghĩ về trách nhiệm với đồng loại, đó chính là nét đẹp trường tồn khi mang danh trên mình hai chữ “Nhà Thơ”.

Không tự nhiên mà anh lại làm thơ

Viết về những đau thương

Viết về những chuyện buồn thế kỷ

Ngày đêm anh suy nghĩ

Làm thế nào để ủi an cùng nhau

Để thấu cảm những mảnh đời bất hạnh

Những tâm hồn vá víu dưới cầu thang

Những ưu tư đong đầy nơi khóe mắt

Cũng như là chuyện cơm áo hằng ngày

Những sinh linh chưa kịp nói lời chào

Những ranh giới buộc người ta chọn lựa

Nó khắc nghiệt đến từng hơi thở vội

Làm sao đây, khi anh chỉ là một nhà thơ…

(Trích Nhà Thơ Không Thất Nghiệp)

Bùi Đức Ánh làm thơ thật tự nhiên, tự nhiên và hồn hậu như chính con người ông, lạc quan như chính tính cách của ông, lấy niềm tự hào khi chính mình nhà thơ, dù kiếm sống bằng thơ có mấy ai được như ý, nhà thơ luôn nghèo, nhưng lại luôn tự hào về nghề nghiệp của mình. Cho nên thơ ông cũng tự nhiên, mọi cảm xúc đều rất người, những rung động đều rất đẹp, bởi con người luôn đẹp là nhờ vào cảm xúc mà, là nhờ vào những rung động mà hình thành nên tình cảm, và những giá trị đạo đức và tư tưởng sống của một con người đi trước để lại cho con người đi sau, là gia tài mà thế hệ trước để lại cho thế hệ sau.

Xuyên suốt chiều dài của tập thơ: “Tình Yêu có màu gì” của nhà thơ Bùi Đức Ánh, chúng ta như được trải nghiệm qua rất nhiều cảm xúc của con người, từ tình yêu, đến tình cảm vợ chồng, với quê hương, với đất nước và con người, ông rung động từng với cái cây, ngọn cỏ, với những câu chuyện đời thường dung dị, hóa thân vào nhiều nhân vật, có khi ngôi thứ là nam, cũng có khi ngôi thứ là nữ, là nhân vật chính trong bài thơ, có khi hóa thân vào người vợ nói với chồng, rồi chồng nói với vợ. Cho nên, tập thơ như là món quà, là bữa tiệc tinh thần vô vàn dư vị, màu sắc cho những ai muốn cảm nhận về tình yêu, về cảm xúc cho con người.

Tình yêu có màu gì, mỗi người sẽ cảm nhận theo một màu khác nhau, nhưng với riêng tôi, tập thơ thật dịu nhẹ, cũng thật nhiều hoài niệm, và thật nhiều khao khát mong muốn được an nhiên hạnh phúc. Đó phải chăng là ước muốn của biết bao con người trong xã hội này, với quá nhiều hỉ, nộ ái, ố, vây quanh. Thì tập thơ sẽ như những bản hòa ca giúp nó trở nên sáng hơn, trong hơn, con người biết đặt vị trí vào nhau hơn, thấu cảm nhau hơn, để cuộc sống này được trọn vẹn hơn.

H.X.Đ

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm