TIN TỨC

‘Cái chi còn lại họa còn văn chương’

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1547 lượt xem

 

Những ranh giới giữa đạo và đời đã không còn nữa, mà quấn quyện vào nhau trong một dòng chảy bất tận trong không gian lẫn thời gian, dung hóa mọi tư tưởng nhân sinh qua huệ nhãn của nhà thơ – thiền sư Phạm Thiên Thư. Ông không vọng tưởng “ném một quả bom vào dư luận”, như triết gia Đức nổi tiếng F.Nietzche từng tuyên ngôn. Thơ Phạm Thiên Thư lặng lẽ hóa hiện giữa bao huyên náo của dòng đời với ý nguyện làm một tiếng ca vui hát giữa thành vách sương mù, làm chim gõ mõ xua tan hồng trần.


Nhà thơ Phạm Thiên Thư

Thơ ca, với thi nhân họ Phạm là một diệu dụng để cho chúng sinh vượt qua mọi bến bờ, nhập vào chân thể vũ trụ. Ông suy niệm: “Cái chi còn lại họa còn văn chương”…

Dưới đây là cuộc trò chuyện của nhà báo Bảo Trung với nhà thơ Phạm Thiên Thư.

* Ông thường hành thiền để làm thơ; thơ ông là những ám ảnh mang sắc màu triết lý của Phật giáo. Theo ông, cầu nối xúc cảm đặc biệt này có chứa đựng thuộc tố siêu nhiên hay bí nhiệm nào không?

– Phương pháp vô thức nó có nhiều ý tưởng lạ, gọi là Phathata (pháp – thân – tâm). Không chỉ có Phật giáo mà là một hướng quan tâm mới được rất nhiều nhà khoa học trên thế giới hiện đang hướng tới. Vũ trụ tích hợp bằng một tập hợp các nguyên tử, từ nguyên tử chuyển hóa thành tâm tử (siêu vật chất). Tức là một dạng ánh sáng. Điện có ở con người, cỏ cây, động vật, và điện của người âm nữa. Kiếp đầu thai là một dạng điện đặc biệt. Còn phải kể đến điện của máy móc, điện môi trường… Từ đó chúng ta mới thấu triệt được lẽ sinh – tử. Nếu chúng ta chỉ dừng ở thói quen trước đây thì con người ta bằng tâm tư (vật chất của siêu vât chất), biết loại bỏ những thói quen, thoát vượt lên một tầng nấc khác cao hơn về nhận thức.

Tôi quan niệm, thơ hay thì phải qua nhiều trải nghiệm, phải chiếm cảm quan, phải san trí tuệ, phải để trong tâm, phải trầm trong nhạc, phải nạp trong tình, tụ hình tới khoảng trống (vô thức) để sống với tất cả. Ví dụ: Tôi đã thực hành một kết nối uyển chuyển từ ngôn ngữ của thiên nhiên: Sớm nay thông ngó mây về/ Non xa xõa mái tóc thề chơi vơi/ Cành thông vươn day ngó trời/ Tự nhiên bật tiếng cả cười hoan ca./ Cho thơ hòa với trăng sao/ Cho trăng sao hóa chiêm bao cõi người/ Khí thiêng sông núi nên lời/ Cỏ cây giam kín một đời tinh anh.; tới giấc mộng hoàng lương của Trang Sinh mô tả phù hư của cuộc đời: Cây cầu lửng giữa chiêm bao/ Phải chăng cửa ngõ đi vào huyền căn/ Tiếng tơ kết kén ôm tằm/ Biết đâu hóa bướm trăm năm một lần (Đoạn trường vô thanh).

Tôi nhận thấy dường như có một từ lực bí nhiệm nào đó khiến tôi viết ra được những câu thơ như vây, cảm giác không phải do chính mình viết ra.

Bạn hỏi tôi về sự bí nhiệm trong khi hành thiền, có đấy! Năm 1972, nhạc sĩ Phạm Duy có đặt cho tôi viết lời 10 bài đạo ca để phổ nhạc, thời gian quá gấp gáp. Buổi tối, tôi bắt đầu ngồi thiền, hướng tâm về tượng Đức Quán Thế Âm và cầu niệm. Tôi cảm giác mình có được một trợ lực siêu hình nào đó khiến tôi viết 10 bài đạo ca chỉ trong thời gian chưa đầy một tuần lễ. Sau này, khi bắt tay vào thi hóa Kinh Phật tôi cũng thực hiện phương thức này. Có lẽ, tôi là người tu tập lâu năm nên đã khải thị được lối tư duy vi diệu này.

* Các bộ sử thi đồ sộ của Ấn Độ có tới 124.00 câu thơ. Riêng thi nghiệp của ông đã có tới 126.000 câu thơ và chưa dừng lại ở mức độ này. Ông có tham vọng làm một kỷ lục về số lượng, trong khi thơ chỉ cần “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”?

– Tôi không có tham vọng này. Đương nhiên thơ tôi có những câu thơ chưa đạt. Tôi viết vì tấm lòng mà thôi. Tôi muốn nhắc thế hệ trẻ là phải biết vượt lên tiền nhân, không bao giờ tự ti với bản thân. Đạt hay không thì cứ để hậu thế phán xét. Xin cứ xem đây như là một khát vọng, chứ không phải tham vọng nào cả.

* Tác phẩm “Đoạn trường vô thanh” được giải Nhất văn chương miền Nam năm 1971, thi phẩm này được coi là viết nối tiếp “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Đoạn trường vô thanh đã vượt thoát khỏi bút pháp ước lệ, tượng trưng của chủ nghĩa cổ điển; khai triển tứ thơ nhẹ tự sự, nặng trữ tình trong từng màn độc thoại nội tâm sâu sắc. Liệu có “độ vênh” nào trong sự tiếp nối độc đáo này không, khi mà cảm thức về lịch sử, thời đại giữa hai tác giả bị gián cách về thời gian tới hàng trăm năm?

– Tôi có mong muốn nối dài đời sống của Kiều. Trong cuộc đời Kiều đã phải mang nhiều đau khổ không thể bộc lộ hết được. “Vô thanh” là lý do như vây, Đoạn trường vô thanh: nỗi đau đứt ruột không thốt nên lời. Tôi muốn viết Đoạn trường vô thanh mang thuần túy hồn vía Việt Nam. Trong tập thơ này có thêm nhiều nhân vật mới xuất hiện. Đoạn trường vô thanh mượn đoạn sau của đời Kiều để mô tả cõi “phù du mộng”, cái vô tướng, vô ngã của cuộc đời thông qua từng nỗi đau nhân thế cũng như thân phận của con người. Giam trong tài mệnh giả chân/ Trăm năm hồ dễ một lần bay cao (Đoạn trường vô thanh). Nguyễn Du từng trải qua bao cuộc bể dâu của cuộc sống, tôi cũng có những niềm dâu bể riêng mình, mặc dù đời sống, tài năng, số mệnh của tôi và Nguyễn tiên sinh hoàn toàn khác nhau.

Với Đoạn trường vô thanh, tôi muốn chuyển tải những tiếng lòng, nỗi đau không nói nên lời của Kiều tới tha nhân, hầu mong để hiểu và chia sẻ với một đấng tài hoa, bạc mệnh. Trong Đoạn trường vô thanh mô tả Kiều khi về lại cố hương và chính nàng chợt nhận ra rằng, quê hương chính là nơi để suy nghiệm, dự phóng những tư tưởng, đoạn trừ bao khổ lụy, hướng về những khát vọng muôn thuở của con người. Một nàng Kiều trở về cố hương với xiết bao ngỡ ngàng: Bao năm vẫn một mùi hương/ Trước sau thơm đến dị thường trong ta/ Phải chăng hoa của quê nhà?/ Thơm trong hoài niệm vẫn là mãi tươi? (Đoạn trường vô thanh).

Trong Đoạn trường vô thanh có nhân vật Hồ Ông là người chữa bệnh tinh thần cho Kiều. Thấm nhuần triết lý của thầy, Kiều mới cảm thấy tịnh tâm trong cuộc trở về lần này, nàng thấy lòng thanh thản hơn. Quê hương và tình người đã dung hóa, tài bồi cho Kiều một nguồn năng lượng mới, đem lại cho nàng khát vọng vượt lên khỏi trùng vây của tư tưởng, để sống có ích hơn trong chuỗi ngày còn lại của mình.

Có chăng con người ta càng có trí tuệ cao thì nỗi đau cũng được lũy thừa đến n lần. Phương pháp Phathata của tôi cũng chú trọng phương pháp chữa bệnh tinh thần của con người, bởi đây là căn bệnh của thời đại, rất khó chữa tận gốc.

* Một loạt các bộ Kinh Phật pháp đã được ông “thi hóa” bằng thơ – thư ngữ ngôn của trần thế; Chuyển kinh Kinh Kim Cương thành tập thơ Qua suối mây hồn”, Kinh Hiền Ngu thành tập thơ Hội Hoa Đàm, Kinh Pháp Cú Dahammpapa thành tập thơ Suối nguồn vi diệu… Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn rằng phương pháp này sẽ làm cho kinh không còn giữ được giá trị uyên áo vốn dĩ nữa mà sẽ trở nên… “thất kinh”!? Trong tương lai, ông có dự định “thi hóa” thêm bộ Kinh Phật nào nữa không?

– Trong bài kệ chính yếu của Kinh Kim Cương, Phật dạy: Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo, bất năng kiến như lai (Dịch nghĩa: Nếu đem sắc thì người ấy đã lạc tướng để mong nhìn thất ta, hoặc đem âm thanh để nhận biếr ta thì người ấy đã lạc đường, không thể nào gặp được Như Lai). Tôi đã thi hóa như sau: Dùng thân vàng thấy ngọc/ Dùng khánh ngọc cầu ta/ Ngươi đó lạc tà đạo/ Đũa ngọc gắp sao tà (Kinh Ngọc). Tôn giáo thường đem mình đồng hóa mọi người, còn tôi làm thơ là tìm cách phân thân mình ra thành một người khác để ngắm mình rõ hơn. Theo thiển ý của tôi, muốn chở được đạo, phải nhờ “con thuyền nghệ thuật” mới đi vào thẳm sau lòng người một cách sâu sắc được. Nhiều bậc chân tu khi đọc những tác phẩm dạng này của tôi, họ rất thích thú bởi qua một lần chuyển ngữ, những giá trị sâu sắc của tư tưởng Phật giáo không hề mất đi giá trị uyên nguyên của nó mà lại dễ dàng lay thức lòng người hơn. Hiện tôi đang viết từ điển 10.000 câu về Phật, ý Phật, dạng như châm ngôn.

* Ông từng nói: cần phải dưỡng nuôi lòng tin, vì ở đó lòng tin đóng vai trò đánh thức tâm linh. Sẽ thú vị hơn nhiều trong khi cứ phải đăm đắm vào phân tích đúng – sai. Thơ của ông mong đánh thức gì ở người đọc giữa chốn ta-bà này?

– Tấm lòng của tôi là vậy. Tôi xin đọc mấy câu ngắn gọn mà tôi luôn tâm niệm trong suốt quãng đời làm văn chương của mình: Luôn biết mình dốt, để gột tính kiêu, để yêu như mới, để cởi mối hiềm, để thêm tinh tiến… Còn thơ tôi có đến được với đời hay không thì còn tuỳ thuộc vào cái duyên của tôi với mọi người. Theo tôi, sự thức tỉnh không nên áp đặt mà mỗi người tự nhận thức.

* Nếu Phạm Thiên Thư chỉ sớm tối miệt mài kinh kệ, không rời bước khỏi cổng chùa, không biết chuyện hẹn hò (Đưa em tìm động hoa vàng), không lẽo đẽo theo một bóng hồng mỗi khi tan trường về (Ngày xưa Hoàng thị…) thì hẳn không có một Phạm Thiên Thư độc đáo như ta đã biết. Có chính xác không khi ông tự bạch: “Vạc rằng: thưa bác Thiên Thư/ Mặc chỉ cái áo thiền sư ỡm ờ”. Một kiểu ỡm ờ lưỡng khả: nửa đạo nửa đời?

– Đây là sự hòa minh giữa vô thức và vô tướng. Đời tôi là vô tướng để cuối cùng đi đến vô thức. Thiền là một cầu nối tư tưởng của tôi mà thôi. Đi tu, bỏ đạo rồi làm thơ, trong chuỗi những tiếp biến này, tôi muốn dung hòa giữa đạo với đời, cả hai thực chất chỉ là một. Tôi đã áp dụng một dạng thức hành thiền mới, bởi sau lớp vỏ uyên ảo của triết lý Phật giáo là một thứ ngôn ngữ văn hóa gắn liền với cuộc sống, nó rất đời chứ không cao siêu, xa vời như quán tính suy nghĩ của mọi ngươi. Phật giáo khi hòa nhập vào phẩm tính Việt Nam đã trở thành một giá trị văn hóa, không còn đơn thuần là một tôn giáo.

***

Phạm Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long, sinh ngày 1/1/1940. Quê quán: Lạc Viên, Hải Phòng. Trú quán: Trang trại Đá Trắng, Chi Ngãi, Hải Dương (1943-1951), Sài Gòn, TP.Hồ Chí Minh (1954-nay)

Từ 1964-1973: Tu sĩ Phật giáo, làm thơ. Năm1973, đoạt giải nhất văn chương toàn quốc (miền Nam) với tác phẩm Hậu Truyện Kiều – Đoạn trường vô thanh. Năm 1973-nay: Nghiên cứu, sáng lập và truyền bá môn duỡng sinh Điện công Phathata (Viết tắt chữ Pháp-Thân-Tâm)

Tác phẩm đã in: Thơ Phạm Thiên Thư (1968), Kinh Ngọc (Thi hóa Kinh Kim Cương), Động hoa vàng (Thơ-1971), Đạo ca, Đoạn trường vô thanh (1972), Kinh thơ (Thi hóa Kinh Pháp Cú), Quyên từ độ bỏ thôn Đoài (Thơ); Kinh Hiếu, Kinh Huyền Ngu gồm 12.000 câu lục bát, Ngày xưa người tình (Thơ), Trại hoa đỉnh đồi (Thơ-1975)

Thơ phổ nhạc: Ngày xưa Hoàng thị, Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đóa, hoa sầu, Huyền thoại trên một vùng biển… (Nhạc Phạm Duy); Vết chim bay (Nhạc Cung Tiến), Guốc tía, Đôi mắt thuyền độc mộc (Nhạc Võ Tá Hân)…

Tác phẩm sắp xuất bản: Hát ru lịch sử (Trường ca lục bát); Từ điển cười (70.000 câu thơ); Huyền ngôn xanh; Điện công Phathata dưỡng sinh; Vua núi, vua nước (Sơn Tinh – Thủy Tinh)…

Bảo Trung/Báo Văn nghệ 

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đi nhậu và viết văn tuy hai mà một
Sáng 6/12, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức hội thảo “Nhà văn Nguyễn Quang Sáng – Cuộc đời và sự nghiệp” nhân 10 năm ngày ông qua đời.
Xem thêm
Một gương mặt khác của nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 153, ngày 5/12/2024.
Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm