TIN TỨC
  • Truyện
  • Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung

Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-04-28 12:47:01
mail facebook google pos stwis
775 lượt xem

Văn chương TP. Hồ Chí Minh trân trọng giới thiệu một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn của Đặng Đình Cung về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước. Mời quý vị và các bạn cùng đọc.
 

ĐẶNG ĐÌNH CUNG

I

- Mày có chịu lấy chồng không thì bảo. Cha mệt mỏi lắm rồi. Ngày nào cũng trụ như chó trụ nây như thế này thì làm sao sống nổi hả con! Mày không thấy mấy con chó nhà ta con mô giừ cũng hai trốôc à!!!

Tiếng người cha lần này vang lên không còn tức giận như trước đây nữa. Giọng của ông không còn róng riết. Đầy van xin và dường như bất lực. Ông cầm con dao thiểu não đứng nhìn đứa con đầu của mình đang cúi đầu nghe cha quát mắng mà không dám nói nửa lời. Người cha chán nản lắc đầu rồi chậm rãi đi ra vườn. Sáng nay tranh thủ khi vợ đi cấy ông dựng lại mấy cái đày trầu lâu ngày đã bị mục và đổ xuống.

Người con gái đó là Mai. Năm nay Mai đã 23 tuổi rồi nhưng nhìn bề ngoài không ai nghĩ là Mai tuổi đã đến cỡ đó. 23 tuổi ở quê đã là nhiều tuổi quá, thậm chí già quá khó lấy chồng. Bọn con gái thường học hết cấp II đã có người dạm hỏi rồi đi làm vài năm sau là rủ nhau đi lấy chồng. Loáng cái chúng đã con bế con bồng. Chỉ còn trơ lại Mai.

Không phải Mai không muốn lấy chồng. Bọn con trai trong làng ngày nào chả đến nhà Mai ngồi lì đến mức cạn mấy nồi nước chè. Hết ban ngày lại ban đêm. Chúng “cưa” Mai nhưng người cha vẫn phải tiếp đón kẻo người ta lại bảo là con cháu địa chủ mà kiêu căng. Đêm nào cũng thế. Lũ chó sủa bọn con trai cưa Mai đinh tai, nhức óc cả đêm đến cả xóm không thể nào ngủ được. Sáng ra mấy con chó vốn đã đói ăn càng thêm hốc hác giơ xương vì bao nhiêu sức lực đã dồn hết cho việc sủa ban đêm đến mức nhìn vào không phân biệt đâu là đầu, đâu là đít nên người cha thường nói vừa vui vừa chua chát là nhờ Mai chó nhà ta đã có hai trốôc (đầu).

Nói thế để biết Mai không đén nỗi nào nếu không nói là rất có duyên. Nước da Mai trắng, người nhỏ nhắn nên từng ấy tuổi nhưng nom Mai vẫn như bọn con gái mới học xong cấp II. Là con đầu nên Mai vất vả từ nhỏ. Lũ em lần lượt ra đời và đứa nào cũng đều thượng trên hông, trên tay, trên lưng chị cả. Mới ngoài 10 tuổi mà Mai đã phải chịu cái nạn “con cháu địa chủ”, chịu cái thân phận phải biết nín lặng, đi đâu phải biết nhìn quanh và cúi đầu. Cha dặn đi dặn lại là không bao giờ được cãi lại người khác vì mình là người thành phần. Lâu dần Mai có thói quen không bao giờ nhìn lên. Hai bàn chân cứ di di trên mặt đất để kìm cảm xúc mỗi lần buồn, thậm chí cả khi vui.

Nhưng chính những đặc điểm này của Mai lại thu hút bọn con trai. Người ta cần một người con gái ngoan, biết điều, im lặng, luôn nhường nhịn như Mai. Người ta cần một người con gái đảm đang, biết lo gia đình như Mai. Và sâu xa người ta cũng có phần hãnh diện được lấy một người xuất thân trong một gia đình nề nếp như Mai mặc dù là “con cháu địa chủ”.

Nhưng Mai chả ưng ai. Mai chả gật đầu với ai trong số bọn con trai đêm nào cũng khiến cho bọn chó đít biến thành đầu mặc dù trong số họ có cả những người có vai vế. Có một người là em của chủ tịch xã. Anh này làm cán bộ trên huyện và có vẻ có quyền lực lắm. Người anh đã có lần bắn tin nếu Mai đồng ý lấy anh ta thì bọn em út của Mai sẽ được tạo điều kiện chứ không bị làm khó. Làm khó ở đây là việc bị điều đi dân công ở xa. Mai đã đi dân công mấy tháng gánh đất cho công trình thủy lợi đến mức rụng cả tóc. Giờ là đến lượt đứa em thứ hai, và sau đó là đứa thứ ba, thứ tư. Đứa nào có học giỏi cũng khó mà xin được giấy đi học chuyên nghiệp. Nhưng anh này rất hay khoe khoang và dẻo mép. Mỗi lần về xã anh ta thường mang theo bên hông cái xắc cốt da, mở đài Ô ri ông tông oang oang rồi đi xe đạp nghênh ngang, chẳng chào hỏi ai cả. Đời nào Mai đồng ý lấy một người như vậy. Mai đã quyết.

Điều Mai quyết là phải thoát ly khỏi mảnh đất này. Muốn thế phải lấy một ông chồng thoát ly. Nhưng làm sao thì Mai không biết. Mai nghĩ nhiều lắm và chờ đợi nhiều lắm nhưng cơ hội đối với một người con gái ở một vùng thôn quê miền núi cách biệt và nghèo đâu có. Biết thế nhưng Mai vẫn mong, vẫn chờ. Ước mơ cháy bỏng đến mức Mai phũ phàng khước từ tất cả bọn con trai. Mới đây thôi có một người con trai của một ông làm ở ngành đường sắt đến ngỏ lời với Mai. Nhưng anh này ở quê chứ không thoát ly như cha mình. Nhận lời anh này thì mình vẫn ở lại quê thôi. Vẫn chẳng thay đổi được gì và ước mơ của mình sẽ tan như bong bóng xà phòng. Anh này dường như cũng đoán được suy nghĩ của Mai và nói nếu Mai lấy anh ta thì cha anh ta sẽ xin cho Mai đi làm công nhân đường sắt. Mai thoáng có chút hi vọng nhưng rồi mắt lại nhìn xuống. Nói thế biết thế thôi chứ lấy gì làm đảm bảo. Lỡ lấy anh ta rồi không thoát ly được thì phải ở nhà đẻ con và phục vụ cả gia đình anh ta thì mọi công sức chờ đợi của Mai sẽ như đổ nước vào rổ mà thôi.
 

II

- Chú có một người bạn cùng tập kết chưa có vợ. Nếu cháu đồng ý thì o (cô) sẽ mai mối cho. Xong xuôi mọi việc chú sẽ lo cho cháu thoát ly lên nông trường với lí do hợp lí gia đình. O thương cháu lắm. Ở quê quá vất vả thế này mà cháu tuổi cũng đã lớn rồi. Suy nghĩ rồi quyết đi cháu nhé.
Mai suy nghĩ lung lắm suốt mấy ngày nay về lời nói của bà cô ruột khi vợ chồng cô về quê giỗ họ. Bà cô này chỉ hơn Mai vài tuổi nhưng đã có 2 đứa con rồi. Để thoát cảnh con địa chủ, bà cô cũng đã chấp nhận lấy một người đàn ông lớn tuổi vốn là dân miền Nam tập kết ra Bắc. Ông này làm giám đốc một nông trường ở miền tây, nơi chỉ nghe nói là Mai đã hình dung ra cảnh chim kêu vượn hót. Nhưng nhìn thầy vợ chồng cô chú về thăm quê ai cũng tỏ ra thèm thuồng, thậm chí ghen tỵ. Họ ăn mặc bảnh bao, đi xe đạp Phượng hoàng. Đi đâu bà cô cũng mau mồm giới thiệu chồng là giám đốc nông trường trước ánh mắt ghen tỵ của người dân. Cô chú còn mang về hẳn một bao tải cam biếu mỗi nhà vài ba quả. Bọn trẻ con thì cứ bám theo hai vợ chồng cô chú bởi từ chiếc đài (radio) Nhật be bé chú mang bên hông luôn có tiếng người nói phát ra. Chúng đố nhau làm sao mà có người có thể chui vào trong chiếc đài bé tý thế nhỉ. Có đứa còn chạy về xin mẹ củ khoai mang ra đưa cho chú để mời người trong đài ra ăn vì chú bảo trong ấy có người đang nói làm bọn trẻ tin đến sái cổ.
Chuyện của Mai thực ra đã được cha mẹ Mai bàn với o, chú rồi. Cha trịnh trọng mời chú ngồi lên chiếc ghế gỗ chân có tiện khắc các hình thù khác nhau, thứ mà cha nói là được ông bà để lại và không hiểu sao còn sót lại sau thời kỳ cải cách ruộng đất trong khi nhiều đồ vật khác đều đã bị trưng thu vì được coi là tài sản của địa chủ. Nhìn chú oai vệ ngồi nói chuyện và cha thì khiêm tốn thưa gửi mặc dù cha là bậc anh của chú ấy mà Mai thấy thương cha. Mình chưa làm được gì mà cha đã phải hạ mình để nhờ vả cho mình rồi. Mai có cảm giác sẽ đồng ý ngay lập tức để cha mẹ đỡ khổ và để mình thoát ra khỏi cảnh này. Nhưng người đàn ông ấy là ai, tính khí thế nào thì Mai chưa hề được biết. Liệu lấy một người như thế có làm sao không? Tấm ảnh be bé của người đàn ông đó mà người chú rút từ trong xắc ra cho cha và Mai xem không đủ làm Mai tự tin. Cảm giác đầu tiên của Mai về người đàn ông ấy là ông nhiều tuổi quá. Ừ, cũng phải vì ông ấy là bạn của chú Mai mà. Mai đem băn khoăn của mình ra nói với mẹ. Mẹ đang thái rau cho lợn rồi dừng lại một hồi. Chắc mẹ cũng suy nghĩ nhiều lắm vì mẹ rất thương Mai. Nó là con đầu vất vả vì lắm em, lại không được khỏe. Tóc rụng hết vì mấy đợt dân công tận miền rừng thiêng nước độc. Đoạn mẹ bảo:
- Thôi con ạ. Người ta có già nhưng chắc là người tốt vì là bạn của chú. Có tuổi càng chín chắn, biết lo việc gia đình. Con có chỗ dựa thì mẹ cũng đỡ lo cho con. Thôi nghe mẹ quyết đi con.
Nhìn mẹ rơm rớm nước mắt Mai thương quá. Trong nhà Mai là người đỡ đần mẹ nhiều nhất và hiểu mẹ nhất. Mẹ theo chồng về xứ này làm dâu mang tiếng lấy con địa chủ nhưng chẳng được hưởng gì của ông bà. Rồi đùng một cái cải cách ruộng đất nổ ra. Bao nhiêu của cải bị mất sạch. Ông bà bị đấu tố và ra đường cũng không dám ngửng mặt lên. Rồi ông qua đời trong cảnh nghèo đói, nhà cửa xác xơ. Một tay mẹ lo toan cho cả nhà mình và cho cả ông bà. Mai biết thế và hễ rảnh là đỡ đần cho mẹ. Giờ mình đi lấy chồng mọi việc mẹ đều phải gánh hết. Nhìn bàn tay đầy chai, da nhăn nheo của mẹ Mai cũng không cầm nổi nước mắt. Mai chạy vào trong buồng cố kìm cơn nấc nhưng nước mắt vẫn cứ thế dàn dụa chảy ra.
Ba tháng sau đám cưới đã được tổ chức tại nhà Mai. Cha mẹ Mai thương con gái đã không kiêng cự “mất lộc”. Đám cưới ngọt chỉ có chút bánh kẹo, thuốc lá và trà, thứ vốn lạ lẫm và xa xỉ ở miền quê của Mai lúc đó. Mai trầm ngâm bên một người đàn ông đứng tuổi nói giọng miền Nam mà hầu như câu nào bà cô của Mai cũng phải “thông ngôn” lại vì chả ai hiểu anh ấy nói gì. Chỉ có lũ trẻ là vô tư. Chúng ngẩn mặt đọc các câu dán ở hạ nhà, phên nhà đến thuộc lòng. Nào là “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ mới”. Nào là “Thế gian đẹp nhất mặt trời/Cuộc sống đẹp nhất là người mình yêu”. Lại còn có cả hai con chim cu cu (bồ câu) mỏ chụm vào nhau nữa chứ! Chúng thoải mái cười đùa, chui từ gậm bàn này sang gậm bàn khác để chờ thời cơ người lớn không để ý là thò tay ra thó bánh, kẹo. Rồi chúng tập hợp nhau nhại tiếng chú rể cười ầm ĩ một góc sân. Nào là eng (anh), nào là béng séng (bánh sắn). Duy chỉ có thằng em mới 7 tuổi của Mai là không nhập hội này. Nó đã có cảm giác buồn vì trong ngôi nhà sẽ vắng bóng chị. Rồi ai sẽ hàng ngày đọc thơ cho nó nghe. Mai nhớ mãi buổi chia tay cha mẹ và các em để theo chồng lên nông trường. Một cảm giác bịn rịn, lạ lẫm khó tả chen lẫn niềm vui được thoát ly khiến Mai không biết phải làm gì. Thằng em ôm lấy chị mãi không muốn rời và chỉ buông Mai ra khi Mai vỗ về: “Rồi chị sẽ về mua cho em quyển thơ. Để chị đi kẻo muộn”.

Mai đi một đoạn khá xa và quay lại nhìn ngôi nhà vẫn nằm trong sương mù buổi sáng. Bóng thằng em nhỏ thó lẫn vào sương mờ. Mắt Mai cay cay, không biết có phải vì sương vương vào không.

 

III

- Sáng nay cháu phải dọn sạch cây ở khoảng đất này để buổi chiều công nhân đào gốc cây và làm sạch cỏ. Cháu rõ công việc chưa? Sao bác hỏi mà không trả lời?

Ông đội trưởng dáng người nhỏ thó nhưng có bộ mặt nghiêm nghị, khắc khổ hỏi đến lần thứ hai thì Mai mới giật mình. “Dạ, cháu rõ rồi chú ạ”. Mai trả lời mà vẫn chưa tin vào mắt mình. Buổi làm đầu tiên, công việc đầu tiên của đời thoát ly là thế này ư? Dù hay tưởng tượng nhưng Mai cũng không ngờ.

…Mai hết sức ngạc nhiên và bối rối. Thực ra Mai đã có cảm giác này kể từ lần đầu tiên thấy người đàn ông mà giờ đã là chồng Mai. Một người đàn ông tuổi đã lớn và không giống lắm trong ảnh. Có lẽ ảnh đã chụp từ lâu. Người đàn ông có da ngăm đen, dáng đi bè bè và giọng nói khác hẳn. Mai nhiều lần nghe và cố đoán nhưng cũng khó hiểu. Đặc biệt người đàn ông này hút thuốc liên tục. Mỗi lần hút thuốc, anh ta lại lấy ra một bịch sợi thuốc và một mảnh giấy rồi vê lại thành điếu thuốc trên nhỏ dưới to và châm lửa. Mùi thuốc lá hắc tỏa ra xung quanh người anh ta. Bọn trẻ con hỏi thì anh ta bảo đó là thuốc rê. Mai đã đọc trong sách viết về anh hùng Núp là đồng bào dân tộc Tây Nguyên thường hút thuốc rê nhưng cụ thể nó thế nào thì giờ Mai mới mục sở thị. Lúc đó Mai ngỡ ngàng và có chút thất vọng. Người đàn ông này là chồng mình ư? Mình sẽ có con với anh ta ư? Dù gì người đàn ông này cũng không phải như Mai hình dung. Nhưng đám cưới đã được tổ chức, mọi thứ đã an bài rồi. Mai tự nhủ. Mình đã hứa lấy người ta rồi và anh ta sẽ là chồng mình. Mình có bổn phận làm vợ anh ta. Dù gì mình cũng sẽ thoát được cảnh ở nhà và được thoát ly. Có gì mà không có giá cơ chứ!

Mai vung con dao rựa trong tay và nhằm gốc cây nhát đầu tiên. Con dao chạm mạnh vào gốc cây và bật lại làm tay Mai đau điếng. Hồi ở nhà tuy phải làm nhiều việc nhưng chặt cây bằng dao thế này thì Mai chưa bao giờ làm. Nhưng vốn là đứa tinh ý nên Mai biết phải làm gì. Mai không bổ con dao vuông góc với gốc cây nữa mà nghiêng nó đi. Dần dần con dao cũng đã ăn vào gốc cây và cuối cùng sau khoảng 15 phút cái cây cứng đầu đã đổ vật xuống. Mai lấy vạt áo chùi mồ hôi vã ra trên mặt. Vẫn còn khoảng 15 cây nữa. Phải hoàn thành công việc này. Vạn sự khởi đầu nan. Mai tự nhủ và lại tiếp tục vung dao.

Buổi sáng hôm ấy Mai đã vượt qua đầy lao lực. Tất cả số cây trên mảnh đất ông đội trưởng giao cho Mai giờ đã được chặt xuống. Mai nhìn số cây và không khỏi tự hào. Mình đã làm được, đã vượt qua được thử thách đầu tiên. Buổi trưa hôm ấy Mai được ăn bữa cơm tập thể đầu tiên với những người chưa có gia đình riêng. Mỗi người được non hai bát cơm trộn khoai lang sát (một loại khoai lang thái ra phơi khô) với măng luộc chấm muối. Họ vui vẻ, hồn nhiên trò chuyện khiến Mai dần dần không có cảm giác xa lạ. Mai cố ăn thêm vài nhánh tỏi theo lời họ khuyên là sẽ tránh bị sốt rét và ngã nước vì nước ăn uống ở đây vẫn phải lấy từ con suối cạnh đó.

Nơi Mai làm việc được gọi là nông trường và công việc chủ yếu là chặt cây rừng để lấy đất trồng cà phê và cam. Có điều công việc chủ yếu làm bằng tay. Việc chặt cây ngày đầu đã làm tay Mai phồng lên, chảy nước và chỗ da phồng bị tuột ra khiến Mai đau đớn. Nhưng Mai đã nghĩ ra một cách. Mai buộc giẻ rách nhiều lớp vào hai bàn tay tránh để dụng cụ tiếp xúc trực tiếp vào da tay đang bị loét ra. Không ngờ cách này giúp Mai không những đỡ đau mà còn làm việc nhanh hơn. Kết thúc tuần làm việc đầu tiên Mai có số điểm chấm công cao nhất trong đội và được ông đội trưởng tuyên dương trên loa phóng thanh vào tối thứ Bảy. Lúc đó chồng Mai nhìn Mai với thái độ nể phục trong khi Mai nắm chặt hai bàn tay của mình không muốn chồng nhìn thấy da tay nham nhở và đang dần biến thành chai lỗ chỗ, thô ráp.

Công việc tuy vất vả nhưng Mai không sợ. Điều Mai sợ nhất là nhớ nhà, nhất là khi đêm xuống. Căn phòng lợp tranh, phên nứa của hai vợ chồng Mai cứ đêm đến đầy muỗi, con nào con ấy to như con ruồi, tiếng kêu như sáo. Bên Mai người chồng đã ngáy như sấm nhưng Mai vẫn không sao chợp mắt được. Ngoài kia là rừng núi đen thẫm, là cây cối đủ hình thù với những tiếng kêu của các con vật hoang vọng vào. Hơi lạnh dần miền núi thấm vào da thịt gây tê buốt. Mai nhớ căn nhà tranh ở quê nơi có cha, có mẹ và các em. Cha mẹ ơi, cha mẹ đã ngủ chưa? Cha mẹ có biết con gái của cha mẹ như thế nào không? Không, con sẽ không kể những vất vả, khó khăn của con đâu. Con sẽ viết thư cho cha mẹ nói rằng cuộc sống của con rất thuận lợi để cha mẹ an tâm. Mai cứ ngồi lặng đi trong nỗi nhớ. Hai mắt của Mai rơm rớm nước nhưng chỉ một lúc Mai thầm bảo mình: “Muộn rồi, ngủ thôi để còn lấy sức cho ngày mai”. Ngày mai tranh thủ lúc nghỉ trưa Mai định bụng sẽ xuống vỡ khoảnh đất hoang cạnh suối để trồng rau muống. Mai tưởng tượng bữa ăn tối của gia đình sẽ có thêm đĩa rau muống luộc mà thèm. Tương thì sẽ về xin mẹ một ít. Mai nhớ lời mẹ luôn dặn: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Rồi Mai chìm dần vào giấc ngủ.


Ảnh: Internet.

 

IV

- Không biết chị ấy có sống nồi không? Khổ thân, “tử phục trung” là đã nguy hiểm rồi huống hồ đã 3 ngày. Mà chồng chị ấy đâu chả thấy.

Mai nghe loáng thoáng cuộc nói chuyện của ai đó và cố mở mắt. Đầu tiên là cảm giác trống rỗng và sau đó là cảm giác đau, đau lạ lùng. Mai định nhỏm dậy nhưng không thể. Mai nhìn quanh thì nhận ra mình đang nằm trên một chiếc giường đơn trong một căn phòng không lớn lắm và cũng có mấy người đang nằm như mình. Mai cố nhỏm dậy một lần nữa nhưng cơn đau lại ập đến. Mai khẽ kêu lên thành tiếng.

- Chị ấy tỉnh rồi. Đừng nhỏm dậy kẻo băng huyết đó. Cứ nằm im thế.

Mai nghe lời nằm im thiêm thiếp cho đến khi bác sĩ tới. Mai chợt thấy bụng mình trống rỗng. Mai đưa tay xuống sờ bụng và choáng váng khi chị y tá cho biết đứa con trong bụng mình đã không còn nữa. Mà đó lại là đứa con gái, đứa con Mai mong mỏi vì Mai đã có hai đứa con trai.

Đứa con gái là mơ ước của Mai kể từ khi có chồng. “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”, mẹ vẫn thường nói với Mai như thế. Mẹ sinh ra Mai cũng là con gái đầu lòng. Có Mai mẹ đỡ vất vả rất nhiều. Giờ đén lượt mình Mai cũng muốn thế. Đứa con gái đầu lòng sẽ biết giúp mẹ bao nhiêu việc từ trông em, nấu ăn, giặt giũ đến dọn dẹp nhà cửa, trồng rau nuôi gà lợn-những thứ con trai chả bao giờ phải làm. Nhưng rồi Mai liên tục đẻ hai đứa con trai. Thế là nhà có đến 3 người đàn ông, chỉ mỗi mình Mai là đàn bà. Mọi công việc đều một tay Mai lo toan cả, chả có ai ghé vai vào gánh đỡ. Đã thế, những lúc buồn, vui Mai cũng không có đứa con gái để chia sẻ. Cứ tưởng giấc mơ của mình đã thành hiện thực nhưng không ngờ. Con ơi…

Người y tá kể cho Mai nghe người ta đã gánh Mai đến bệnh viện trong trạng thái mê man. Từ lời kể của những công nhân nông trường gánh Mai đến các bác sĩ đã nhanh chóng phát hiện ra thai lưu trong bụng Mai. Họ tìm cách lấy thai lưu ra bằng cách thông thường nhưng rồi bất lực vì Mai yếu quá lại đang trong tình trạng mê man. Cuối cùng bệnh viện phải dùng đến phẫu thuật. May là mọi việc đều suôn sẻ nhưng do sức khỏe Mai quá kém và thai lưu trong bụng quá lâu nên di chứng sẽ nặng nề. Mai sẽ không thể sinh nở được nữa.

Không hiểu do số phận hay sao mà những lúc nguy nan Mai hầu như không có ai bên cạnh. Lần sinh đứa con trai đầu cũng thế. Đang hái cà phê thì đột nhiên Mai đau bụng. Mấy chị công nhân đã dìu Mai về thẳng nhà hộ sinh của nông trường. Lúc đó chồng Mai đang đi công tác. Đứa thứ hai thì Mai cũng sinh một mình vì chồng đang ốm nằm viện. Và lần này thì anh ấy ở tận miền Nam. Mới cách đây mấy tháng anh ấy đã gia nhập quân đội và quay trở lại chiến đấu ở quê hương. Tối hôm đó Mai còn đang giặt quần áo thì chồng báo tin sẽ cùng với mấy anh em tập kết quay trở lại miền Nam. Mai buông bộ quần áo đang vò dở xuống trong chốc lát nhưng rồi lấy lại thăng bằng. “Nhất quyết phải thế hả anh?”, Mai hỏi nhưng đã biết câu trả lời của chồng. “Không sao, em chỉ mong anh bình an, chân cứng đá mềm rồi giải phóng xong trở về với ba mẹ con em”. Chồng đi rồi Mai như rơi vào khoảng trống. Căn nhà tranh nứa đêm đêm gió lùa vi vu khiến Mai chuyếnh choáng. Nhưng rồi Mai đã bình tĩnh trở lại. Kể từ khi lấy chồng Mai đã quen làm mọi thứ một mình, nghĩ một mình. Giờ vắng anh ấy Mai chịu được. Chỉ tội hai đứa con lúc nào cũng hỏi bao giờ ba về. Những lúc đó Mai chỉ về phía vạt rừng âm u mà nói với các con “Lúc nào chặt hết chỗ cây đó thì ba sẽ về các con ạ”.

Sức khỏe của Mai suy sụp nhanh chóng sau khi đi viện về nhưng Mai vẫn cố. Mà không cố cũng không được vì ai lo cho hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Mai cắn răng không thèm kêu ca với ai, kể cả bà cô ruột. Hết lũi lũi làm việc nông trường lại lùi lũi làm việc nhà. Cho đến sau cái hôm bị ngất đi trong nương cà phê thì Mai mới quyết định đánh điện về nhà nhờ cha mẹ nuôi giúp đứa con đầu một thời gian chứ một mình Mai không còn đủ sức lo cho hai đứa con. Nhận được điện con gái người cha buộc một ít gạo đằng sau chiếc xe đạp và hối hả đạp xe lên nông trường. Vừa thấy cha Mai òa khóc nức nở như đứa trẻ khiến người đàn ông gầy gò, hai gò máy nhô cao cũng rơm rớm. Ông vỗ nhè nhẹ vào lưng đứa con gái ốm yếu mà không nói gì. Đợi Mai bình tĩnh trở lại ông đưa cho Mai một cái hộp bọc giẻ rất cẩn thận. Đó là món bổ dưỡng làm từ thịt chó con mà mẹ Mai đã lùng mua rồi cha hì hụi chế biến mất mấy bữa trưa không ngủ. Cha bảo Mai chịu khó ăn cho hết thì sẽ khỏe. Mai vừa mở bọc ra đã có cảm giác nôn ẹo nhưng cố nín sợ cha buồn. Sáng hôm sau thằng lớn nhà Mai theo ông ngoại về quê. Hai ông cháu đi rồi nhưng Mai vẫn đứng tựa lưng vào cái cột tre đầu hiên nhà mà lòng như thắt lại khi tiếng khóc của thằng con cứ nhỏ dần rồi mất hút cùng chiếc xe đạp. Đêm về không tài nào Mai ngủ được. Xa chồng Mai còn chịu được chứ xa con thật là khủng khiếp. Mai cắn răng vào chiếc gối để cố kìm tiếng khóc bật ra.
 

V

- Chị ấy đấy. Nói nhỏ thôi kẻo chị ấy biết. Khổ thân. Cứ ngỡ lấy trai tân ai ngờ lấy phải đàn ông đã có vợ. Giờ thì chắc gì ông ấy sẽ quay về. Khổ một đời đàn bà.

Những tiếng xì xào đột nhiên im bặt khi Mai bước qua nhưng không phải Mai không biết. Họ nói gì Mai đều biết cả nhưng Mai im lặng. Thì còn biết nói gì nữa đây khi sự thật đã rõ ràng: Mai đã lấy phải một người chồng đã có vợ và có cả một đứa con!

Mới chiều hôm qua thôi, lúc ấy đã muộn lắm. Những tia nắng cuối cùng đã tắt trên những vạt cây rừng khiến không gian dần tối lại, âm u và bí hiểm. Mai vác chiếc cuốc trên vai, tay cầm bó rau khoai lang bước vội về nhà thì có tiếng gọi. Mai quay lại thì nhận ra người chị cùng quê cũng lấy chồng tập kết và lên nông trường như Mai. Cùng cảnh nên hai chị em rất thân nhau. Nhìn nét mặt bí hiểm của người bạn Mai đang định cất tiếng hỏi thì chị ta đã nhanh nhảu ghé sát vào tại Mai thì thào:

- Mày đã biết tin gì chưa?

- Tin gì chị?

- Thì ra mày chưa biết gì à. Mai ơi là Mai. Mày bị lừa rồi.

- Ai lừa em hả chị? Mà chị nói nhanh xem nào.

 Thế là người bạn bắt đầu kể cho Mai nghe về chồng Mai. Thì ra trước khi tập kết ra Bắc anh ấy đã có vợ và một đứa con trai. Nhóm người tập kết giữ kín chuyện này khi giới thiệu anh ấy cho Mai, kể cả ông chú lấy bà cô ruột của Mai. Mai còn nhớ là ông chú còn giở cả lý lịch có dán tấm ảnh be bé ra đảm bảo anh ấy là trai chưa vợ. Dù mong muốn thoát ly nhưng không đời nào Mai chịu lấy một người đã có vợ. Mai là gái tân chứ có phải nạ dòng đâu. Còn danh dự gia đình nữa chứ. Gia đình Mai dù gì cũng nổi tiếng dòng dõi trong vùng. Mai phải giữ danh dự cho gia đình. Giờ mọi chuyện lại tệ hại đến thế kia ư?

Mai tập tễnh bước về nhà như đi trong khoảng không. Trong Mai một cảm giác uất hận trào lên. Mai còn nhớ đêm tân hôn chồng Mai đã ôm lấy Mai và nói Mai là người đàn bà đầu tiên anh ấy yêu và anh ấy nói sẽ trọn đời ở với Mai. Cả khoảng thời gian bắt đầu lấy Mai cho đến khi có hai đứa con và quyết định quay trở lại miền Nam chưa bao giờ Mai thấy chồng mình thân mật với bất kì người đàn bà nào. Đi đâu anh cũng nói với Mai và tìm mọi cách về với vợ. Dân nông trường đều nói chồng Mai là người nghiêm túc, thậm chí nghiêm túc đến khắc khổ. Chỉ có Mai là hiểu vì sao chồng mình lại cư xử như vậy. Anh ấy nể phục Mai vì trong gia đình Mai tháo vát, lo toan gánh vác tất cả chứ không bao giờ ỷ lại cho chồng. Dường như chồng Mai cũng biết chênh lệch tuổi tác với vợ nên cố không làm Mai buồn.   

Ánh chiều sắp tắt nhưng cơn tức giận của Mai thì cứ bùng lên. Mai muốn hét lên một tiếng cho hả giận. Anh ấy đã lừa mình. Làm sao anh ấy dám lừa mình cơ chứ! Mai giận lây sang cả ông chú, bà cô. Họ đều một giuộc che dấu cho nhau cả. Họ dám lừa gạt một người con gái quê mùa như Mai. Họ dám lừa cả cha mẹ nữa. Sao có loại cán bộ, đảng viên như thế cơ chứ. Nếu biết từ đầu Mai sẽ không bao giờ lấy anh ta dù có được thoát ly. Mai tưởng tượng nếu có mặt anh ta ở đây Mai sẽ chửi mắng, không Mai sẽ lao vào cấu xé cho hả giận. Một đời con gái trinh trắng chưa một lần cho ai cầm tay mà lâm vào cảnh nhục nhã thế này Mai ơi.

Nhưng nghĩ tới những năm chung sống với anh ấy lòng Mai lại như dịu lại. Ừ, công nhận anh ấy vụng về nhưng cũng không đến nỗi nào. Cũng biết thương vợ con, biết nghe lời Mai trong mọi chuyện. Mà anh ấy thật thà như đếm, có giữ kín được chuyện gì đâu. Nhưng sao chuyện này anh ấy lại có thể giấu Mai được nhỉ? Làm sao mà anh ấy có thể giữ kín chuyện tày trời như thế bao năm? Chẳng thà anh ấy cứ nói thẳng với Mai còn hơn. Thảo nào anh ấy không chịu ra Bắc dù miền Nam đã giải phóng mấy tháng rồi. Mày phải làm gì đây hả Mai?

Bỗng Mai hực lên một tiếng và ngã chúi về đằng trước, đầu bàn chân đau điếng. Mai nén đau lồm cồm bò dậy sờ vào chân thì thấy nhớp nháp. Trong chút ánh sáng mờ mờ của ráng chiều đã gần như tắt hẳn Mai nhận ra bàn chân mình máu chảy ròng ròng. Mai vội tháo ngay cái quai nón buộc chặt chân rồi đặt cái quốc trên vai và tập tễnh lê về nhà. Uất ức, bất lực, tủi thân. Những cảm xúc lẫn lộn giằng xé Mai làm Mai như người đi trong mộng.

 “A, mẹ đã về. Sao mẹ về muộn thế?”. Tiếng hai đứa con kêu lên làm Mai bừng tỉnh. Mai bước vào nhà. Trong ánh sáng mờ mờ của cây đèn dầu hỏa Hoa Kì Mai thấy hai đứa trẻ đang chăm chăm nhìn mẹ. Thông thường mỗi lần về ba mẹ con đều ôm lấy nhau nhưng hôm nay hai đứa không dám làm thế khi nhìn khuôn mặt mẹ. Không phải mẹ chúng giận. Không phải mẹ chúng buồn. Không phải mẹ chúng đau khổ. Có một điều gì làm khuôn mặt Mai thay đổi đến mức bọn trẻ cảm thấy sợ và không dám ngó lâu.

Mai vất bó rau và cái cuốc xuống đất, lưỡng lự trong giây lát rồi ôm lấy hai đứa con. Một cảm giác được bù đắp, an ủi khiến nước mắt Mai trào ra. Mai vẫn còn hai đứa. Chúng là nguồn sống của Mai. Mai hôn lên hai mái tóc cứng như rễ tre của hai thằng con trai và có cảm giác như đụng phải tóc của chồng. Mai buông chúng ra và khẽ nói: “Các con nấu cơm rồi phải không? Ba mẹ con ta ăn thôi”.

Căn phòng ảo mờ dưới ánh đèn Hoa Kì leo lét đầy tiếng muỗi kêu.
 

VI

- Chú cho tôi hỏi đây có phải là đơn vị B không?

- Chị là ai? Hỏi đơn vị B làm gì?

- Tôi là Mai từ ngoài Bắc vào. Tôi muốn tìm chồng tôi là N.V.B.

- À, ra thế. Chị đợi cho một lát.

Anh bộ đội gác cổng trao súng cho người bên cạnh và chạy vào doanh trại. Một lát sau một người đàn ông quân phục có quân hàm quân hiệu chỉnh tề vội vã bước ra. Đó là chồng Mai.

- Ủa, em đấy à? Em vào làm gì mà không báo cho anh biết?

- Em muốn hỏi anh một chuyện.

- Thì em cứ vào đây đã. Chuyện để sau.

Chồng Mai dẫn Mai vào trong phòng khách rồi chạy đi. Lát sau anh quay lại và hồ hởi: “Anh báo cáo với thủ trưởng rồi. Ta về phòng khách đi em”. Hai vợ chồng đi về dãy nhà khách ở phía cuối doanh trại.

Suốt cả quãng đường từ Bắc vào đến chỗ chồng Mai suy nghĩ lung lắm. Gặp anh ta mình sẽ làm gì để cho hả cơn giận của mình đây? Anh ta đường đường là một người cán bộ mà đang tâm lừa dối một người con gái như mình, làm mình lở dỡ cả một đời con gái. Mình sẽ chửi rủa anh ta ư? Không, mình không đủ sức làm việc đó. Mình không có năng khiếu. Mà làm thế cũng chẳng để làm gì. Thế thì mình vào đây để làm gì?

Thực ra câu hỏi đó Mai đã nghĩ suốt chặng đường hơn 600 cây số và ba lần chầu chực chờ xe. Lần cuối khi chiếc xe ọp ẹp vừa ì ạch leo đến nửa chừng dốc đèo Hải Vân thì chết máy. Hành khách xuống hò nhau đẩy vã cả mồ hôi nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy. Thế là cả bọn nhảy xuống đường giữa lúc trời nóng chang chang để vẫy xe xin đi nhờ. Mãi đến quá trưa may có chiếc xe tải thương tình cho đi. Cả tốp người hồ hởi leo lên thùng xe vẫn còn vương vãi phân và nước đái lợn.

Mai thì không còn lòng dạ nào mà kêu ca nữa. Ngọn lửa giận dữ đã không còn bùng lên nhưng đã ủ trong than hồng luôn tỏa ra một sức nóng khiến Mai luôn như người lên cơn sốt. Mình sẽ gặp trực tiếp thủ trưởng của anh ta. Mình sẽ hỏi kĩ càng để chứng minh rõ ràng chứ không thể chịu nhục như thế này. Mình sẽ lạnh lùng với anh ta. Mình sẽ không còn gì để nói với anh ta cả. Mình đã mất cả đời con gái trinh trắng cho anh ta. Đủ rồi!

Nhưng một cơn mưa rào bất chợt trút xuống làm Mai ớn lạnh. Ngọn lửa âm ỉ trong lòng bỗng lụi xuống và Mai có cảm giác lúng túng. Mình sẽ làm rõ trắng đen để rồi chia tay anh ta ư? Nếu muốn thế thì cần gì mình phải vào tận đây. Mai ơi, mày là đứa biết suy trước tính sau mà giờ sao như gà mắc tóc thế. Hãy gạt tất cả cảm xúc sang một bên. Hãy dùng lí trí. Hãy dùng bản lĩnh để giải quyết chuyện này. Dù gì đi nữa mày phải giữ được danh dự cho gia đình đấy nhé.

Suốt cả buổi chiều hôm đó Mai không nói nửa lời mặc cho chồng luôn hỏi. Không phải vì Mai không muốn nói mà Mai không biết bắt đầu thế nào mặc dù Mai đã nghĩ rất kĩ. Mai không muốn mình là người bắt đầu câu chuyện ấy. Mai muốn anh ấy phải tự nhận ra lí do Mai từ Bắc vào đây và tự nói ra với Mai. Kể cả khi khách khứa đã rời khỏi phòng và cũng đã khuya, chỉ còn hai người với nhau Mai vẫn im lặng. Cuối cùng chồng Mai dường như cũng đã hiểu và đắn đo mãi anh ta mới cất tiếng:

- Anh biết lí do em vào đây rồi. Giờ thì anh không thể giấu em được nữa. Trước khi anh lấy em anh đã có vợ và một đứa con trai. Anh xin lỗi em. Cũng do hoàn cảnh chiến tranh. Chẳng ai biết lúc nào chiến tranh kết thúc. Em thông cảm cho anh.

Chồng Mai nói nhiều lắm khác hẳn bản tính của anh. Anh nói rằng tất cả đều do hoàn cảnh tạo nên chứ anh cũng không muốn thế. Anh nói anh rất yêu thương Mai và hai đứa con. Anh còn nói vợ cũ của anh đã lấy một người lính ngụy khi anh tập kết ra Bắc và như vậy cô ấy đã bỏ anh trước khi anh lấy Mai. Anh van xin Mai tha thứ và hứa sẽ về với mẹ con Mai.

Mai nghe chồng nói nhưng thật ngạc nhiên là Mai không còn cảm giác tức giận, đau khổ như lần đầu Mai nghe tin chồng đã có vợ con. Ánh mắt Mai ráo hoảnh và đầu Mai tỉnh táo. Mai nghĩ đến các con. Mai quyết định tha thứ cho chồng.

Sáng hôm sau Mai lên gặp thủ trưởng của chồng. Mai kể hết mọi chuyện và xin họ đừng kỉ luật chồng. Cuối cùng khi họ hỏi Mai có nguyện vọng gì không thì Mai một mực xin lãnh đạo giải quyết cho chồng Mai ra Bắc. Trước thái độ kiên quyết của người đàn bà bé nhỏ, thủ trưởng của chồng Mai đã đồng ý: “Tôi xin hứa sẽ sớm giải quyết nguyện vọng chính đáng của chị. Mong chị yên tâm trở ra Bắc, giữ gìn sức khỏe và chăm lo cho hai cháu”. Dường như chưa an tâm vị lãnh đạo này còn quả quyết: “Tôi là người lính. Tôi sẽ giữ lời”.

Mai lộn ra Bắc và thấp thỏm chờ đợi nhưng chưa đầy một tháng sau chồng Mai cũng đã quay lại nông trường đúng như lời hứa của vị thủ trưởng nọ. Lời nhà binh có khác.
 

VII

- Hôm nay em mời anh, chị ra đây chỉ để nói một việc, một việc em suy nghĩ đã gần 20 năm nay. Em quyết định trả anh cho chị. Em mong cả hai người ủng hộ em để em giải quyết dứt điểm rắc rối này trong gia đình.

Trước mặt Mai hai người, một đàn ông, một đàn bà vẫn ngồi im lặng. Họ không nói gì và cũng không dám nhìn vào Mai. Cả hai người đều nhìn vào mấy cốc nước trên bàn, hai bàn tay như thừa ra cứ làm hết động tác này đến động tác khác.

Năm ấy, nước nhà thống nhất và sau chuyến vào Nam của Mai, chồng Mai đã trở về. Cuộc sống gia đình những tháng ngày sau đó cũng không được an bình như thuở trước. Vết thương lòng vẫn thỉnh thoảng nhói lên làm Mai đau đớn và đôi khi trong cơn bực bội Mai cũng buông lời cay nghiệt với chồng. Anh ấy không nói lại nửa lời, nhẫn nhịn nghe Mai trách cứ. Cách phản ứng của chồng càng làm Mai bực bội thêm. Thà anh ấy vỗ về, an ủi Mai hoặc thậm chí nổi giận đòi chia tay Mai thì chắc Mai lại cảm thấy dễ chịu hơn. Đằng này anh ấy cứ lầm lì, lẳng lặng đốt thuốc lá. Căn nhà mới được làm lại khang trang nhưng có vẻ lạnh lẽo, thiếu tình người.

 “Con tha thứ cho chồng con đi. Hoàn cảnh chiến tranh buộc người ta phải làm như thế làm chứ có ai muốn đâu. Mà anh ấy cũng đã chuộc lỗi trở về. Cha thấy chồng con có đến nỗi nào đâu. Với gia đình ta, với cha mẹ chồng con làm đủ bổn phận mà”.

Lời người cha già trong chuyến về quê đã làm cho Mai mềm lòng trở lại. Mai thương cha, thương mẹ và nghĩ ngợi rất nhiều. Chia tay anh ấy ư? Điều đó làm cho cha mẹ khó tránh khỏi thái độ chê bai, khinh rẻ của dân làng. Mai biết cha mẹ trọng danh dự lắm mà chuyện gái bỏ chồng là chuyện tày trời ở quê. “Ná (nứa) trôi sông không gãy cũng dập/Gái bỏ chồng không chứng nọ cũng tật kia”. Mẹ Mai vẫn thường ru con bằng câu này. Nhưng cứ sống như những ngày qua thì cũng thật khốn khổ, khổ cho cả mình, cả anh ấy và nhất là hai đứa con. Chúng có tội tình gì. Thôi, phận mình đã vậy. Mình đành chịu nhưng không thể bắt người khác chịu đựng thêm nữa.

Mai đã quyết và đã quyết là làm. Trở về nông trường Mai nói thẳng với chồng: “Từ nay em sẽ không nhắc lại chuyện xưa nữa. Em coi đó là số phận. Em chỉ mong vợ chồng mình sống hòa thuận, vui vẻ để chăm cho hai đứa con học hành nên người. Anh đồng ý với em không?”. Chồng Mai gật đầu nhưng không dám nói gì. Anh cảm động giơ tay định âu yếm vợ nhưng Mai đã nhanh chóng né người ra.

Cuộc sống của gia đình Mai trôi đi bình thường như bao gia đình bình thường khác. Hai đứa con đã trưởng thành và làm việc ở miền Nam. Đứa con đầu của chồng Mai nhờ thừa hưởng gia thế cách mạng của bà nội và của người bố nên cũng có vai vế trong xã hội đã giúp tìm việc cho hai đứa em cùng cha khác mẹ của mình. Rồi vợ chồng Mai được nghỉ hưu. Mai bàn với chồng nên chuyển vào sinh sống cùng các con để còn giúp đỡ chúng và nhờ cậy con khi ốm đau. Cha mẹ Mai cũng ủng hộ quyết định chuyển vào Nam sống cùng hai đứa con của Mai tuy ông, bà rất buồn vì phải xa con và cũng có phần lo lắng. Hai vợ chồng Mai thu xếp bán nhà cửa, nương vườn rồi chào mọi người ra đi. Mọi việc cứ thế trôi đi bình lặng cho đến một ngày…

- Con chào má ạ. Hôm nay là ngày vui của anh con. Con đến mừng anh chị con và chào má. Con xin phép má từ nay cho phép con qua lại thăm má và các anh.

Mai ngẩn người như trời trồng suýt nữa thì đánh rơi đĩa kẹo. Trước mặt Mai là một cậu bé, không phải cậu bé mà là một thanh niên hẳn hoi có khuôn mặt, dáng người giống chồng Mai như đúc. Thảo nào Mai đã ngờ ngợ khi thấy dáng đi của cậu thanh niên gọi mình bằng má này.

Mai ngồi phịch xuống ghế cố trấn tĩnh lại. Hôm nay là ngày cưới vợ cho con trai Mai và Mai phải vui. Mai gật gật đầu với cậu thanh niên rồi cố đứng dậy. Xung quanh bao nhiêu là khách của chồng đang chờ Mai đến. Dù mới ở đây không lâu nhưng mọi người trong vùng đã biết Mai vì sự tháo vát, nhanh nhạy, đảm đang, hay giúp đỡ người khác của Mai. Họ quý trọng Mai vì lẽ đó hay có lẽ vì một lẽ khác là dù Mai là người miền Bắc nhưng biết nhanh chóng hòa nhập phong tục tập quán của quê chồng.

Đám cưới đã xong, chỉ còn lại Mai và anh ấy. Hai người ngồi đối diện nhau như lần Mai vào đơn vị gặp chồng sau khi biết tin chồng đã có vợ trước khi cưới mình. Nhưng lần này thì chồng Mai chủ động lên tiếng trước:

- Bà à, ông ngập ngừng giây lát rồi nói tiếp. Hôm nay thằng Lực chủ động ra mắt bà đó. Bà thông cảm cho tôi. Cũng là do tình cảm vợ chồng cũ tôi không kìm được mà có nó. Giờ bà nói gì tôi cũng chịu. Tôi sai rồi.

Tranh thủ khi Mai im lặng chồng Mai kể ra hết sự tình câu chuyện. Thì ra sau khi giải phóng miền Nam người vợ cũ của chồng Mai đã tìm gặp chồng cũ. Người chồng thứ hai của bà đã vượt biên và nghe đâu đã mất xác ở ngoài biển. Hai người gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Tình cũ không rủ cũng gặp. Rồi hai người có thêm thằng Lực. Và hôm nay thằng Lực chủ động đến gặp Mai, gọi Mai bằng má và xin đi lại. “Bà đồng ý nhé. Tôi biết bà rất nhân hậu và bản lĩnh mà. Có gì là bà không làm được”, chồng Mai nói thêm sau khi ngừng kể.

Mai cố kìm cơn giận bốc đùng đùng trong người. Chuyện tày trời như thế mà ông ta kể cứ là ráo hoảnh “Bà đồng ý nhé”. Ừ, trước đây Mai đã tha thứ cho chuyện ông ta lừa dối cả nhà Mai rằng mình chưa có vợ để cưới Mai. “Cũng là do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt chả ai biết đâu mà lường con ạ”. Mai nhớ mãi người cha vốn rất nghiêm khắc đã tỷ tê an ủi Mai như thế. Mai nhớ ông còn vỗ vỗ lên vai Mai khi Mai không kìm được cơn nức nở vì tủi thân và giận số phận mình. Nhưng lần này thì không thể. Cứ nghĩ đến cảnh ông ta và bà vợ cũ gặp nhau mà Mai thấy buồn nôn. Làm sao ông ta có thể gặp lại vợ cũ khi bà này đã bỏ ông ta lấy một thằng ngụy để tòi ra một đứa con nữa! Danh dự ở đâu, tư cách ở đâu? Rõ ràng ông ta không nghĩ gì về Mai và hai đứa con lúc ấy cả! Người như thế không thể gọi là có tình, có nghĩa, không thể xứng đáng. Nếu mình chấp nhận thì mình sẽ sống tiếp với ông ấy sao đây? Các con mình sẽ nghĩ sao đây? Rồi ra đường làm sao còn dám nhìn hàng xóm, láng giềng nữa không? Chao ôi, sao cái số mình ẩm ương đến thế. Hai lần bị lừa dối. Hay mình báo cáo với chi bộ cho ra ngô ra khoai? Nếu thế thì tương lai hai đứa con mình sẽ ra sao?

Bao đêm Mai trằn trọc suy nghĩ người cứ rộc cả đi. Chồng Mai biết nhưng không dám hó hé nửa lời. Ông ấy tìm mọi cách để đền bù cho Mai. Ông ấy quét nhà. Ông ấy rửa bát. Ông ấy giặt quần áo. Nhưng chả việc nào ra việc ấy vì cả đời ông ấy đã làm những việc ấy đâu. Đôi khi nhìn dáng đi đã chậm chạp, hơi còng xuống của chồng Mai cũng mủi lòng nhưng rồi Mai cố lấy hết can đảm để tự quyết định việc của mình, một quyết định mà mãi sau này Mai thấy sao mà nhẹ nhàng đến thế. Mình sẽ nhường lại chồng mình cho chị ấy. Một mình mình có thể xoay xở được, lại có hai đứa con ở bên cạnh chứ người đàn bà ấy không được như mình. Họ cũng có hai đứa con trai. Cứ để họ quay lại với nhau. Như thế thì mình cũng thoát được cảnh trớ trêu để còn sống tiếp. Như giải thoát được gánh nặng Mai chìm vào trong giấc ngủ. Một cảm giác nhẹ nhàng trùm lên Mai khiến sáng hôm sau chồng Mai ngơ ngác, không hiểu việc gì xảy ra với vợ mình. Mai trở nên khác hẳn: vui vẻ, nhanh nhẹn như chưa từng có việc gì xảy ra. Mai không nấu cơm sáng cho chồng như mọi hôm mà chạy ù ra ngõ mua cho chồng một bát bún bò Huế đầy ú tụ. Người chồng vừa ngơ ngác, vừa lo sợ. Kinh nghiệm sống với vợ từng ấy năm giúp ông láng máng đoán một việc gì đó nghiêm trọng sẽ xảy ra khi Mai nhìn ông mà nói nhẹ nhàng “Ông ăn đi cho nóng”.


VIII

- Sao? Tôi đang nghe hai người nói đây. Chuyện của hai người mà sao hai người im lặng vậy là sao? Tôi nhường chồng chứ có phải tranh cướp chồng đâu mà hai người ngại?

Người vợ cũ của chồng Mai ngửng lên nhìn Mai. Đó là lần đầu tiên Mai trực diện với bà gần như vậy. Một khuôn mặt già nua nhưng vẫn rất phồn thực. Chắc hồi trẻ, lũ đàn ông khao khát bà này lắm thì phải. Mai chợt nghĩ đến cảnh chồng mình cùng người phụ nữ này đang âu yếm nhau thì bà cất tiếng:

- Em ạ. Cho chị nói vài lời.

Bằng một chất giọng đùng đục người đàn bà này kể lể hết nỗi khổ của mình khi chồng tập kết. Bà kể rằng buộc phải lấy một người lính ngụy để an thân chứ chiến tranh kéo dài biết bao giờ chồng cũ trở lại. Rồi chiến tranh kết thúc, chồng bà vượt biên một đi không trở lại. Bao nhiêu tài sản bà đã bán mua vàng đưa cho chồng những mong cùng chồng có cuộc sống mới ở xứ bên kia. Thế rồi bà phải vật lộn kiếm sống và tình cờ gặp lại người chồng đầu. Tình cảm năm xưa trỗi dậy và hai người không kìm được dục vọng. Bà biết là tội lỗi nên lẳng lặng một mình nuôi con, không dám làm phiền chồng cũ sợ ảnh hưởng đến anh ấy. Giờ thì bà chỉ có nguyện vọng xin lỗi Mai và xin Mai tha thứ chứ bà không bao giờ dám có lại chồng cũ. Bà nói bà không xứng đáng. Người xứng đáng là Mai. Vả lại, giờ bà cũng đã già, vụng tay vụng chân không thể chăm lo cho ông ấy được. Chỉ có Mai là làm được việc ấy mà thôi.

Mai nhìn người đàn bà trước mắt mình với cái nhìn đáng thương hơn đáng giận. Mai biết bà ta thật lòng. Cái mặt kia không thể nào là mặt của kẻ điêu toa, gian dối dù vẻ phong sương đã nhuốm đầy. Mà nói cho cùng bà ta nói cũng có lí. Mai nhìn sang chồng. Ông ấy không dám nhìn hai người vợ của mình. Ông ấy đã già rồi, tóc chả còn mấy sợi đen nữa. Để ông ấy quay về với vợ cũ liệu rồi ông ấy còn được bao lâu. Ông ấy đã quen được mình chăm sóc cả đời rồi. Thôi, phận mình đã thế thì đành chấp nhận thế. Gia đình này cần một chữ Nhẫn và cần hơn một chữ Hòa. “Gia hòa vạn sự hưng”. Cha đã dặn đi dặn lại mình như thế. Nghĩ vậy nhưng Mai vẫn tỏ ra không dễ dãi. Cô nhìn thẳng vào chồng và hỏi:

- Ý ông thì sao?

Dường như chồng Mai chờ đợi đã lâu lắm cơ hội được bày tỏ lòng mình nên ông không muốn bỏ lỡ. Ông mạnh dạn nhìn vào bà vợ cũ và nói:

- Tôi không thể sống với bà được. Tôi cũng không thể giúp bà được.

Rồi ông quay sang Mai, giọng dịu xuống:

- Tôi đã sống với bà từng ấy năm và muốn sống quãng đời còn lại với bà. Tôi chỉ mong bà tha thứ cho tôi.

 

VĨ THANH

Buổi sáng mùa xuân này ở nhà Mai thật thảnh thơi. Bên Mai là người đàn bà đã từng là vợ, là mẹ của con trai chồng Mai trước khi ông cưới Mai rồi sau đó mấy chục năm lại là mẹ của đứa con trai thứ tư của chồng Mai, đứa con vừa cưới vợ hôm qua. Mai là người đứng ra lo liệu chu tất cho đám cưới của con chồng và người đàn bà này sau khi bà ấy chủ động đến gặp Mai và cầu xin Mai đứng ra giúp bà ấy. Đám cưới rất đặc biệt vì chú rể có hai người má và cả hai cùng nắm tay chú rể và cô dâu đi chào khách dự lễ cưới.

Giờ thì hai người đàn bà đã trải qua bao biến cố của cuộc đời cũng vì do chiến tranh đang ngồi bên nhau. Người vợ cũ của chồng Mai nhìn Mai đầy biết ơn và nể phục. Phía trong nhà, người đàn ông có 4 đứa con trai với hai người vợ ngồi im lặng vừa hút thuốc vừa lắng nghe câu chuyện của hai người đàn bà ngoài sân. Có điều ông không còn phải tự tay quấn điếu thuốc rê như thuở nào. Không hiểu hai người đàn bà nói chuyện gì nhưng có vẻ vui lắm. Chợt họ cười thành tiếng và người vợ cũ của chồng Mai ôm chầm lấy Mai. Thì ra Mai vừa ngỏ lời mời bà về sống chung. Bất chợt một cơn gió xuân thoảng qua làm cây mai tứ quý cạnh bàn họ ngồi bỗng đung đưa. Những cánh hoa mai nhẹ nhàng rơi trên tóc, trên vai hai người đàn bà. Phía trong nhà chỗ người đàn ông ngồi khói thuốc lá mù mịt nhưng mùi thì không còn khét như thuở nào.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm
Cá sấu báo thù – Truyện ngắn của Hồng Chiến
 Những cây gỗ hương cao lừng lững, đứng thành hàng như được xếp vào ô bàn cờ, trải dài trước mắt gần như vô tận. Ngửa mặt nhìn lên không thấy gì ngoài lá và cành cây. Dưới mặt đất chỉ có một con đường mòn dày đặc dấu chân trâu rừng đi giữa các hàng cây.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm
Mẹ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Tác phẩm Giải thưởng Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Xem thêm
Tiếng chuông muộn màng – Truyện ngắn của Trần Minh Ánh
Đêm đã khuya, mọi cảnh vật đã chìm vào giấc ngủ, tiếng điện thoại tôi đổ chuông, bên kia đầu dây là một giọng đàn ông tiếng Quảng Nam nhưng rất lạ: Alo có phải anh Minh không?
Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm