TIN TỨC

Chinh Văn, lời chim bão tố

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-10-07 08:46:43
mail facebook google pos stwis
1096 lượt xem

HUỲNH VĂN HOA

Chinh Văn tên thật Phan Tân Minh, sinh năm 1945, tại làng Bảo An, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Các bút danh khác Phan Oanh Giang, Trần Thị Lý, …

Đã theo học Đại học Văn khoa - Sài Gòn, Trường Báo chí Trung ương Cục Miền Nam, Trường viết văn Nguyễn Du - Hà Nội.

Tham gia phong trào TNSVHS, Phong trào tự trị đại học, Thành viên Liên minh các Lực lượng Dân tộc - Dân chủ - Hòa bình từ năm 1968.

Có thơ, truyện đăng trên các báo, tạp chí: Ngày Mới, Giữ thơm quê mẹ, Tranh Đấu, Hồn Trẻ, …

Tác phẩm: - Lời chim bão tố, Thơ, 1967/ - Trên đường vinh quang, Kịch thơ, 1967

Chinh Văn là em ruột nhà văn Chinh Ba (Phan Tân Nhựt, sinh này 10-12-1934, mất ngày 12-07-2022), cùng tộc với Phan Khôi. Chinh Ba, tác giả nhiều truyện ngắn hay viết và in trong những năm 50, 60 của thế kỷ XX tại Sài Gòn, nổi tiếng với truyện ngắn Bài thơ trên xương cụt, viết trong nhà tù Chí Hòa, đăng trên Giữ thơm quê mẹ, số 4, tháng 10-1965, sau in trong tập Ảo tượng cùng với những tác giả như Sơn Nam, Thiều Chi, Nhất Hạnh, Võ Phiến, Tuệ Uyển, Hồ Hữu Tường, do Lá Bối xuất bản, in lần đầu 1966, lần thứ hai 1971.

Những bài thơ đầu tiên của Chinh Văn in rải rác trên các báo, tạp chí là những dòng thơ trong sáng, nặng tình quê và tình người. Thơ Chinh Văn thường dài, cấu trúc theo thể tự do, độ dài ngắn mỗi dòng thơ thường không đồng đều.

Vậy mà, trên Trăm năm thơ Đất Quảng, NXB Hội Nhà văn, 2005, có tuyển bài Mai sau viết tại Phan Rang, năm 1962, chỉ 8 câu lục bát. Tám dòng lục bát là lời những cầu xin, lời cầu xin chân thành, tha thiết, dẫu có lìa đời:

Mai sau dẫu có lìa đời

Xin làm ghế đá đợi người bên sông

Để trời rộng bớt mênh mông

Để em bớt chút long đong đường dài

Để con trẻ có chỗ chơi

Để người già có chốn ngồi nghỉ chân

Để đôi lứa bớt phân vân

Có nơi ngồi lại ân cần bên nhau.

Tâm tình của tác giả qua năm lần sử dụng từ "để" và ba lần dùng từ "bớt". Qua đó, ghế đá trở thành một bến đỗ bình yên, trở thành một nơi chốn vui vầy, đoàn tụ, thành nơi đi và về của những con người cần sự sẻ chia, sự thông cảm. Ý tưởng nhân văn đó thấm vào từng câu thơ, từng hình ảnh, tạo nên giá trị thẩm mỹ của bài thơ. Vì thế, cái  vòng sóng yêu thương cứ lan tỏa, lan tỏa mãi, tạo sự đồng cảm nơi người đọc.

Cái bao la của đất trời bớt mênh mông. Cái đường dài xa thẳm bớt long đong. Nơi con trẻ có chỗ vui chơi, đùa giỡn. Nơi người già, có chốn dừng chân. Nơi đôi lứa yêu nhau, có nơi ngồi lại ân cần bên nhau. Mọi lứa tuổi, mọi đối tượng, xét về quyền sống, đều được thụ hưởng và có quyền thụ hưởng. Đích đến của bài thơ là ở chỗ đó. 

Trên tạp chí Giữ thơm quê mẹ, số 7&8, Xuân Bính Ngọ, 1-1-1966, Lời chim bão tố xuất hiện. Câu đầu tiên của bài thơ: Hãy ở lại với chúng tôi. Từ đây, điệp khúc này được lặp lại nhiều lần.

Bài thơ có 389 từ với 89 dòng, kể cả dòng chỉ một từ, có đến 18 lần sử dụng từ "hãy", đặt ở đầu mỗi dòng thơ. Bài thơ viết theo thể tự do, không gò bó trong niêm luật. Bài thơ khiến cho ta dễ hình dung như một bầy chim bay trong con lốc của bão tố. Sự cuồng phong về ngôn ngữ, hình ảnh đã xô giạt cảm xúc, suy tư của người đọc, nhất là qua lớp từ đậm sắc thái biểu cảm của từ cầu khiến: HÃY. Mười tám lần kêu lên: HÃY. Có lẽ, đây là bài thơ có số lượng phó từ cầu khiến chiếm số lượng và tỷ lệ cao trong thơ ca yêu nước tại miền Nam trước 1975: 

Hãy ở lại với chúng tôi (4 lần)

hãy cất cao lời thơ hùng vĩ

hãy cất cao lời ru sầu xứ

hãy thêm cao

hãy thêm nặng

hãy gào thét nung tinh thần bất khuất

hãy bước tới           

hãy thêm

thêm nhiều nữa

hãy cuồng nhiệt cho sóng triều trùng điệp

hãy hăng say như vận tốc mặt trời

hãy vào lò và gió

hãy ngàn khơi

hãy bão tố dậy cuồng phong

hãy ngàn trượng

Từ "hãy", qua ngữ cảnh của bài thơ, tạo nên một sắc thái nghĩa đa dạng, phong phú. Theo Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, do Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, 2005, trang 426, "hãy", có nghĩa: 

1. Thường kết hợp với từ còn; dùng phụ trước tính từ, đồng từ, biểu thị sự tiếp diễn của trạng thái, chưa có sự biến đổi, chưa chuyển sang trạng thái khác.

2. Biểu thị tính chất tạm thời của một việc làm trong khi chưa có gì khác, chưa có gì thay đổi.

3. Biểu thị ý yêu cầu có tính chất mệnh lệnh hoặc thuyết phục, động viên nên làm việc gì đó, nên có thái độ nào đó.

Trong ba nghĩa trên, dễ thấy là, nhà thơ nghiêng về phía nghĩa thứ ba.

Từ "hãy" là phó từ , đi kèm với động từ, tính từ để bổ sung ý nghĩa cho tính từ, động từ. Từ "hãy" cộng với lớp từ kêu gọi "cất cao lời thơ hùng vĩ, cất cao lời ru sầu xứ, cuồng nhiệt cho sóng triều trùng điệp, hăng say như vận tốc mặt trời, hãy ngàn khơi, bão tố cuồng phong", ...

Các nguồn năng lượng mạnh mẽ, rùng rùng đứng dậy: sóng, gió, mặt trời, ngàn khơi, cuồng phong, ngàn trượng dồn dập, đi tới, khiến cho bài thơ có điệu gấp, sáng bừng lên những hình ảnh về thiên thần, cánh hồng bay bổng, tiếng sáo ngà, những thiên nga vàng son đôi cánh, hỡi những thi sĩ, ngợi ca hài bảy dặm, xiềng xích trăm năm đừng ngân nữa sợi tơ trùng, đừng nhấn nữa phím tơ căng, nếu chỉ biết khóc than, niềm riêng tư bé bỏng ...

Chinh Văn sử dụng phương thức tu từ so sánh, so sánh dân tộc Việt với hai mươi bảy triệu mặt trời / đang đổ lửa / hôm nay / làm nên lịch sử / hỡi những bước chân đi / chuyển núi rung đồi / xanh ngắt vượt từng không / làm ngơ ngẩn loài chim chiền chiện / rẽ sóng mà đi / hỡi kình ngư / xé gió mà tung / hỡi cánh chim bão tố ...

Lời kêu gọi mạnh mẽ, hãy gào thét nung tinh thần bất khuất / hãy bước tới / chớ bao giờ ngờ vực / gió lên rồi / xé ngang trời / sạch không rác rếnh tanh hôi ...

Điều đặc sắc của Lời chim bão tố là vừa mãnh liệt vừa trữ tình, vừa cất cao lời thơ hùng vĩ lại vừa những thiên thần đẹp đẽ / những đàn con yêu mến quê hương / những chàng tóc xanh / thi sĩ của mặt trời ... Tính lưỡng phân này làm cho bài thơ hay, đẹp như cánh hồng bay bổng, như tiếng sáo ngà da diết thổi thâu đêm.

Trên Giữ thơm quê mẹ, số 9, tháng 3-1966, một bài thơ có niêm luật chặt chẽ, dài đến 82 câu, có tên Tiếng đêm. Nhân vật trữ tình xưng "tôi" trong bài thơ là sự hóa thân của tác giả: Tôi mở mắt / Tôi lắng im / Tôi đứng lại soi mình trong quạnh quẽ / trong cô tịch, tôi nghe tôi đằng hẵng / tôi núi đá đã vạn đời câm nín / tôi chẳng dám ngẩng đầu trông lên nữa / tôi chằng dám chờ mong dù đốm lửa / sợ cô đơn, tôi sợ cả câu chào / úp mặt xuống, tôi bước đi thờ thẩn / tôi thổ mộ khuya về trên phố vắng / kiếp đi hoang, tôi là gió không nhà / tôi núi đá đã vạn đời câm nín / nghe hải triều ngờ ngợ giấc bao la / tôi đâu biết, tôi chẳng hề hay biết / mở mắt nhìn tôi chợt thấy tôi đây / tôi đâu biết, tôi chằng hề chém giết / mũi súng nào chợt bay khói trên tay / tôi đứng đó, giữa tháng năm hờ hững / không biết nữa, vì đâu tôi ủy mị, ...

Thời khắc "đêm" của hồng thủy, phong ba, rắn rít, tha ma. tiếng gì tru tréo, của thú hay ma với "chẳng dám" , "không" và "tại", kéo dài suốt bài thơ, gây nên cảm giác quạnh quẽ, đờ đẫn, rũ rượi, phai tàn, cuồng điên. Chỉ hai câu thơ cuối cùng, khiến cho bài thơ sáng lại, nồng nàn:

đêm nay trời rộng sông dài

có con thuyển nhỏ chở hai đứa mình

Bài thơ như một phản ứng tâm lý của một người trẻ khi nhìn hiện thực có những gam màu tối. Người đọc có cảm giác như tác giả giằng xé nội tâm, sợ mình, sợ chung quanh mình, cứ loay hoay mãi, không tìm thấy lối ra, may sao có con thuyền nhỏ, vươn ra trời rộng sông dài.

Trong thơ Chinh Văn, Hợp tấu khúc mùa xanh, bài được tuyển chọn, in trong Tiếng hát những người đi tới, Tuyển tập thơ văn, Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ, NXB Trẻ, 1993, dài đến 153 câu, 820 từ. Bài thơ này, đã đăng trên KẾT HỢP - Hội LHTNSVHS, Phong trào tự trị Đại học và trong Lời chim bão tố, 1967. Chủ đề bài thơ, lấy âm nhạc làm nền, trải ra một không gian rộng lớn, một thời gian dài thế kỷ, thế kỷ nhân loại đấu tranh cho khỏi những kiếp đời nô lệ, gọi mặt trời lên, thắp sáng niềm tin cho các dân tộc, vì hòa bình, cơm áo, tự do.  

Bài thơ có không gian rộng lớn, trên bốn đại dương, đây Bắc băng dương, đây Sahara, đây Nam Bắc Phi, đây Ấn Độ dương, đây đất Hy La, đây Châu Á, Trung Hoa, đây miền Á Phi, đây Châu Âu, Paris, ...

Mỗi đại lục, một tiếng đàn độc đáo. Mỗi đại dương, một giọng sáo du dương. 

Mở đầu bài thơ: Chỉ một lần / Trong giờ thiêng duy nhất / Mozart đã viết lên giòng thời gian / Những âm thanh đẹp nhất loài người ... Âm nhạc đã tấu lên rồi. Cứ thế, người nhạc trưởng tài hoa / Đã không ngừng vẽ lên không trung / Từng vòng đũa thép / Dẫn anh em ta đi quanh / Mọi vùng cuộc sống phì nhiêu, kể cả: Cát bỏng trùng trùng / cánh đồng nô lệ / người nhốt đầy bóng tối / từ đó:      

Việt Nam đứng lên rồi

Á Châu đứng lên rồi

Âu, Úc, Mỹ, Phi hãy góp triệu bàn chân

Việt Nam sắp vinh quang rồi

đó đây cũng náo nức vinh  quang

bài ca mới vỗ tay to mà hát

mặt trời lên trên những lời ca

mặt trời lên sáng chói màu da

làm sao chết dưới ánh ngày đẹp thế

Âu, Á, Mỹ, Phi dựng chung thế hệ

dựng lại tình người

xây lại ấm no

chúng tôi lắng im trăm năm rồi

nên cất được tiếng hát to

bốn bề năm châu hãy lên lời hòa điệu

Năm 1945, Việt Nam đốt lên ngọn đuốc soi đường, thì Maroc, Algérie, Tunisie, hãy còn đang say ngủ / mộng mị chiêm bao chếch choáng nhọc nhằn /  loài ác quỷ xông mê hồn dày đặc / chúng tôi kêu lên / kêu lên thất thanh / bóng tối cứ làm ngơ. Rồi 1965, hai mươi năm sau, mặt trời đã lên cao:

ôi biết bao nhiêu là bàn tay sạm nắng

biết bao nhiêu là hùng vĩ dưới trời xanh

bốn bề năm châu đã bão tố tung hoành

có muốn ngủ cũng không còn ngủ được

Cánh chim bão tố bay ra, sấm chớp tứ bề và trời đất bao la: cho ý nhạc tuyệt vời / cho lời ca tưng bừng âm sắc / cho trời xanh long lanh xanh trong mắt / cho bóng tối rùng mình / cho lang sói hãi kinh / cho uất hận bất bình biến thành sức mạnh / cho tình người ấm lạnh dắt dìu nhau

Bài thơ kết thúc bằng niềm tin:

sang mùa rồi

lúa đồng reo phơi phới

trời vào xuân

loài người mang áo mới

hạnh phúc về rồi, đó - ngày mai

hỡi các em tôi

bầy chim nhỏ tương lai

chân thoăn thoắt trên đường xanh cỏ mướt

em hãy biết rằng

mặt đất dưới chân em

mặt đất từng cho hoa thơm cỏ biếc

giòng suối xanh

vẫn âm thầm chảy miết

vào sông xanh

hòa biển xanh

làm xanh vút tận trời xanh.

Âm nhạc và màu sắc (đường xanh, giòng suối xanh, sông xanh, biển xanh, xanh vút tận trời xanh) hòa điệu làm nên cung bậc tình yêu, niềm tin cho bài thơ.

Thơ Chinh Văn nói chung, Hợp tấu khúc mùa xanh nói riêng, đã góp phần vào thành tựu đáng trân trọng của văn nghệ học sinh sinh viên các đô thị miền Nam trước 1975.

*

Thơ Chinh Văn, điều dễ thấy, đó là tiếng gọi đàn của loài chim trong cơn bão tố, là tiếng hát của lòng nhân ái, đấu tranh cho hạnh phúc con người, chống mọi sự áp bức, bóc lột, thể hiện khát vọng, tình yêu về hòa bình, thống nhất đất nước, một tiếng vọng thẳm sâu, đượm tinh thần nhân đạo.

Những dòng thơ Chinh Văn phản ánh chân dung, nhân cách của người nghệ sĩ Chinh Văn.

Tháng 9-2022.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm
Những vần thơ sáng nghĩa kim bằng
Nhà thơ Trinh Bửu Hoài là người bạn văn tốt của tôi đã quen thân nhau từ năm 1970 khi anh hoạt động văn nghệ ở An Giang. Cách nay hơn 10 năm, sau khi nhà văn quá cố Nguyễn Khai Phong đã vài lần giục tôi làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam cùng với tán thành của nhà thơ đánh kính Trịnh Bửu Hoài. Dù biết ở Cần Thơ mình là người mồ côi, kém tài lại vụng về trong giao tiếp nên ít có bằng hữu tình thâm, năm 1918, tôi vẫn đánh bạo nghe lời những người bạn tốt xin vô Hội Nhà văn Việt Nam với sự giới thiệu nhiệt tình cùng lúc của các nhà văn : Nguyễn Khai Phong, Trịnh Bửu Hoài, Lê Đình Bích, Lương Minh Hinh, Nguyễn Trọng Tín. Mặc dù biết rằng với mình, con đường về La Mã vẫn còn diệu vợi ! Hôm nay, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã về với cõi Ly Tao bất diệt, tôi viết bài này để ân tình bày tỏ lòng nhớ ơn anh, một thi sĩ tài hoa nhân cách rất tốt với bạn bè.
Xem thêm
Nội trú trong ta một nỗi buồn
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về “Năm ngón chưa đặt tên” của Đinh Nho Tuấn, NXB Hội Nhà văn 2024
Xem thêm
Thấy gì từ “Ký họa thơ” của Nguyên Hùng?
Bài viết của Lê Xuân Lâm, cộng tác viên tích cực của Văn chương TPHCM.
Xem thêm
Mấy điều bất thường xung quanh bài thơ “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ
Không phải vì tác giả là người viết kịch, có duy nhất một bài thơ được chọn vào sách “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân, mà bài thơ này có tính bất thường. Trong sách của Hoài Thanh và Hoài Chân có những tác giả sau chỉ có một bài : Thúc Tề, Đoàn Phú Tứ, Vân Đài, Phan Khắc Khoan, Thâm Tâm, Phan Thanh Phước, Hằng Phương, Mộng Huyền. Có hai tác giả được nói đến mà không trích bài nào trọn vẹn là T.T.KH, và Trần Huyền Trân. Vậy thì bài thơ của Đoàn Phú Tứ bất thường ở chỗ nào?
Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm