- Bút ký - Tạp văn
- Chữ tình đọng lại
Chữ tình đọng lại
BÀI DỰ THI BÚT KÝ “NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG”
NGỌC LAN
Năm 2021, giữa lúc TP Hồ Chí Minh đối mặt với đỉnh dịch kinh hoàng, lãnh đạo tỉnh Phú Yên cùng các ban ngành, hội, đoàn thể và doanh nghiệp làm nên kỳ tích: Đưa gần 17.000 người từ tâm dịch trở về quê hương. Hành trình đón người dân hồi hương trở thành một biểu tượng đẹp của tình đồng bào, của trách nhiệm, của lòng nhân nghĩa.
Hội Đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh mà người chỉ huy là GS-TS-nhà văn Trình Quang Phú đã tận lực tận tâm với “chiến dịch” vô tiền khoáng hậu này.
730 chuyến xe đưa đồng bào rời tâm dịch
Sáng sớm ngày 27/7/2021, Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) thức giấc khi 20 xe khách Phương Trang lăn bánh qua những con phố lặng ngắt. Với xe cảnh sát giao thông dẫn đầu, đoàn xe khách màu cam nhuốm bụi đường xa chầm chậm rẽ vào sân vận động.
20 xe khách của Tập đoàn Phương Trang đưa gần 400 người lao động nghèo, mất việc làm do dịch bệnh, người cao tuổi, sinh viên… rời tâm dịch TP Hồ Chí Minh, trở về quê hương.
Thời điểm đó, Sài Gòn đã ghi nhận gần 67.000 ca COVID-19 trong cộng đồng. Thành phố siết chặt việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và chuyển dần chiến lược điều trị để hạn chế số trường hợp tử vong.
Phú Yên khi đó cũng đang gồng mình chống dịch. Toàn tỉnh vừa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Những người hồi hương không có người thân đến đón, không có cảnh tay bắt mặt mừng... Sau hành trình dài và rất đặc biệt, ai nấy đều thấm mệt nhưng mừng xiết bao khi được trở về quê hương trên những chuyến xe miễn phí của Tập đoàn Phương Trang.
Trong thời điểm mà hai tiếng “COVID” là nỗi sợ của biết bao người, UBND tỉnh Phú Yên ban hành kế hoạch đón dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê hương. Kế hoạch này thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh trong công tác phòng chống dịch và là một minh chứng về tình người, tình đồng bào cao đẹp. Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương nói: “Việc hỗ trợ người dân quê hương Phú Yên - dù ở bất kỳ đâu trên đất nước - sinh sống và làm việc là trách nhiệm của các cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh. Đặc biệt, trong thời gian này, khi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang triển khai nhiều biện pháp thắt chặt để chống dịch thì việc hỗ trợ bà con Phú Yên ở khu vực này được chúng tôi đặc biệt quan tâm”.
Lãnh đạo tỉnh thấu hiểu được tình cảnh vô cùng khó khăn của người dân Phú Yên xa quê sau nhiều tháng không thể làm việc, không có thu nhập do đại dịch COVID-19. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế nói: “Nếu chúng ta không có kế hoạch đón thì người dân bằng mọi cách về quê tự phát, ồ ạt, lúc đó không thể quản lý được làn sóng dịch lây lan từ đây. Đón người dân về quê trước hết là nghĩa vụ, là trách nhiệm chính trị, đồng thời chia sẻ áp lực với TP Hồ Chí Minh, là nghĩa đồng bào trong lúc khó khăn”.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, Hội Đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh được phân công làm đầu mối, lập kế hoạch, thông báo, tiếp nhận đăng ký, tổ chức sắp xếp, phối hợp với Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, Sở GT-VT Phú Yên, TP Hồ Chí Minh... đưa bà con trở về quê hương trên những chuyến xe miễn phí của Tập đoàn Phương Trang.
Từ ngày 25/7 đến 8/10/2021, với tinh thần làm việc quên mình vì đồng bào của cán bộ các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan; với sự hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Phú Yên đã thực hiện 30 đợt đón với tổng cộng 730 chuyến xe, đưa gần 17.000 người trở về quê hương. Đây là một kỳ tích giữa đại dịch!
Tận tâm, tận lực vì đồng bào
GS-TS-nhà văn Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, Chủ tịch Hội Đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ rằng ông rất vui mừng trước quyết định nhân văn của tỉnh nhưng cũng rất lo lắng về bài toán làm thế nào để đưa bà con hồi hương được an toàn.
Các cuộc họp online diễn ra khẩn trương. Các tiểu ban được thành lập, phân công nhiệm vụ cụ thể: thu thập thông tin bà con đăng ký về quê, lập danh sách, chọn những người cần ưu tiên...
Chỉ sau 3 ngày, Ban điều phối của Hội Đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh đã kết nối được 4.000 người và chọn 400 người để đưa về đợt đầu tiên. Trong số này có ông Lê Sỹ (71 tuổi), quê ở TX Đông Hòa (Phú Yên), vào Sài Gòn mưu sinh. Sau những ngày tháng không thể làm việc, từng đồng tiền còm cõi dành dụm được từ việc đội nắng cọc cạch đạp xe bán vé số cũng cạn kiệt, thắt ruột lo lắng, ông Sỹ đã nghĩ đến việc đạp xe vượt hơn 500km về quê. Nghe tin tỉnh sẽ đón bà con Phú Yên hồi hương, ông Sỹ mừng muốn khóc.
Và còn nhiều, rất nhiều mảnh đời khốn khó được trở về trên những chuyến xe ấm tình đồng bào. Những công nhân nghèo đã cạn kiệt tiền bạc. Những người mẹ hàng tuần liền chỉ dám ăn mì gói, để dành gạo được cứu trợ nấu cháo cho con. Những người già xa quê kiếm sống bằng việc bán vé số, lo lắng và sợ hãi, khao khát được trở về nhà...
Không ít người, sau mấy lần đăng ký mới có tên trong danh sách trở về quê hương, như K.H.T (*) - một bà mẹ trẻ quê ở xã Ea Trol, huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên). Vì mưu sinh, T. đành gởi đứa con mới 3 tuổi cho cha mẹ chăm sóc, vào Nam làm công nhân. Đại dịch ập đến. T và các công nhân trong khu nhà trọ cầm cự bằng mì gói, trứng, rau củ... do các nhà hảo tâm hỗ trợ. Ai cũng mong mỏi được trở về quê nhà. T. kể: “Tôi đăng ký 3 đợt mới về được. Đợt đầu, tôi đăng ký xong thì chỗ ở bị phong tỏa. Đợt thứ hai, đăng ký xong thì tôi mắc COVID. Khỏi bệnh, có kết quả xét nghiệm âm tính rồi, tôi tiếp tục đăng ký để được về quê. Lúc lên xe, mừng ơi là mừng, không tả được”.
GS-TS Trình Quang Phú (bìa phải) và vợ - Th.S Huỳnh Thị Kim Hương - có mặt tại Bến xe Miền Đông, điều hành việc đón người dân trở về quê hương. Ảnh: ĐĂNG QUANG
Trong các đợt đón bà con Phú Yên trở về quê hương, GS.TS Trình Quang Phú cùng người bạn đời của ông - Th.S Huỳnh Thị Kim Hương, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Sao Việt - thường xuyên có mặt tại Bến xe Miền Đông. Đại dịch COVID-19 hoành hành; giáo sư đã ngoài 80, vợ ông cũng cao tuổi. Nhưng vào thời điểm đó, họ không nghĩ nhiều đến nguy cơ lây nhiễm mà nghĩ đến tình cảnh của bà con đồng hương. Bà Huỳnh Thị Kim Hương nhớ lại: “Mỗi đợt khoảng 500-600 người xin về quê; nhiều người không có tên trong danh sách. Mình phải có mặt để giải quyết những việc phát sinh. Các con nói: “Trời ơi, con lạy ba măng. Ba măng đừng ra bến xe nữa! Ba măng già rồi, lỡ bị lây bệnh thì khó lắm”. Nhưng hai vợ chồng vẫn đi. Bà con mình, nhiều người tội lắm! Có người nói tui đã trả phòng trọ rồi, cũng không còn tiền. Ở lại Sài Gòn thì tui biết phải làm sao? Có người nói “Tui muốn về, chết tại quê nhà, tui không muốn chết ở xứ người”. Nếu hai vợ chồng không ra Bến xe Miền Đông để giải quyết, mấy em sinh viên biết đường nào mà xử lý?”.
Trong thời gian đầu đồng hành với chồng, tại Bến xe Miền Đông, bà Huỳnh Thị Kim Hương đã gặp những người không còn đồng nào trong túi. “Họ đói. Tôi đặt mua bánh bao, nước suối, sữa... phát cho bà con. Hội đâu có kinh phí. Mình lấy tiền nhà ra mua và vận động bạn bè thân quen. Sau đó thì những nhà hảo tâm ủng hộ. Người Sài Gòn hào sảng lắm! Biết tin Phú Yên đón đồng bào về quê, họ mang đến ủng hộ rất nhiều”, bà Hương kể, giọng đầy cảm kích.
Phu nhân GS Trình Quang Phú chia sẻ rằng khoảng thời gian đó, bà không có cảm giác mệt. Thấy bà con vui mừng khi được về quê, bà cũng vui theo. Phu nhân GS Trình Quang Phú rưng rưng: “Có người nghèo đến nỗi cái xe đạp rách nát mà cũng đem về. Có người ốm nhom, đi bộ tới Bến xe Miền Đông, trong túi không còn đồng nào, khát nước quá trời không có nước uống. Thấy tội quá, tôi cho 500.000 đồng. Trước mấy cảnh đó cầm lòng không được, cứ vậy mà cho hoài. Đó là những người về quê trong mấy đợt đầu. Toàn người khổ, nhìn thì biết liền hà”.
Tác phẩm “Những chiến binh sao đỏ” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Trọng Cường, ghi lại hình ảnh đoàn xe của Tập đoàn Phương Trang đưa người dân rời tâm dịch, về đến sân vận động Tuy Hòa.
Nhớ lại những ngày tháng không thể nào quên đó, GS Trình Quang Phú nói rất giản dị: “Tất cả vì bà con nghèo khó, mọi người sẵn sàng đóng góp bằng chữ “tình” trọn vẹn với quê hương. Vì thế, anh em Hội Đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh nỗ lực vượt qua bao khó khăn để đưa đồng bào mình về quê tránh dịch”.
Người bạn đời của giáo sư thì nói vui: “Cũng may là hồi đó không bị nhiễm bệnh”. Đến tháng 11/2021, vợ chồng GS Trình Quang Phú “mới” mắc COVID-19.
Ngay sau khi khỏi bệnh, xuất viện, vợ chồng ông tiếp tục kết nối, chuẩn bị cho một hoạt động thiện nguyện khác: Mang tết đến với đồng bào nghèo.
Trọn vẹn chữ tình
Năm nào cũng vậy, khi xuân chưa đậu xuống những nụ mai vàng trên vùng đất dãi dầu mưa nắng, Hội Đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh đã kết nối các doanh nghiệp, các “Mạnh Thường Quân” và chuẩn bị hàng nghìn suất quà tết tặng đồng bào nghèo nơi quê nhà Phú Yên.
Suốt 30 năm qua, Hội bền bỉ duy trì hoạt động vô cùng ý nghĩa này. 30 năm với biết bao thử thách. 30 năm với biết bao kiên trì. 30 năm với biết bao yêu thương dành cho những người nghèo khó… Bà Trần Thị Tú Hà, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú (Tuy Hòa, Phú Yên) cảm kích: “Năm nào Hội Đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh cũng dành những suất quà cho bà con An Phú, giúp bà con vơi bớt khó khăn, có một cái tết ấm cúng hơn”.
Giáp Tết Nhâm Dần, những người con đầy tâm huyết với Phú Yên trở về quê hương cùng 2.500 suất quà dành cho đồng bào nghèo, từ vùng đồng bằng, ven biển đến vùng núi, trong đó có không ít người là hành khách đặc biệt trên những chuyến xe rời tâm dịch trước đó không lâu. Chuỗi hoạt động đầy ý nghĩa này có tổng kinh phí 1,06 tỷ đồng; Hội Đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh có sự đồng hành tài trợ chính của Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Miền Bắc và Công ty Du lịch Sao Việt. GS Trình Quang Phú chia sẻ: “Tôi rất vui. Cứ nghĩ năm nay tình hình khó khăn, nếu xin được 1.000 suất là mừng rồi. Vậy mà khi xin thì nhiều người cho, tôi rất mừng. Các đơn vị, các nhà hảo tâm thương Phú Yên và thương mình nên ủng hộ”.
GS Trình Quang Phú quê ở An Chấn (Tuy An, Phú Yên); Th.S Huỳnh Thị Kim Hương là người miền Nam nhưng rất gắn bó với quê chồng. Vợ chồng ông không chỉ được biết đến qua việc biến ngọn đồi khô cằn ở cửa ngõ phía bắc Tuy Hòa thành Khu du lịch sinh thái Sao Việt đạt chuẩn 5 sao và rất nhiều hoạt động kết nối, quảng bá quê hương mà còn được yêu quý bởi luôn hết lòng với cộng đồng. Việc vợ chồng ông tận tâm tận lực cùng Hội Đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh đồng hành với tỉnh, đưa gần 17.000 người dân trở về quê hương trong thời điểm dịch dữ hoành hành là một minh chứng. “Chiến dịch” vô tiền khoáng hậu này của Phú Yên cũng đã góp phần chia sẻ áp lực với TP Hồ Chí Minh trong lúc dầu sôi lửa bỏng. Bao năm qua, thành phố phương Nam thảo thơm, nhân nghĩa này đã cưu mang hàng vạn người dân Phú Yên.
Th.S Huỳnh Thị Kim Hương (bìa trái) và GS-TS Trình Quang Phú (bìa phải) cùng nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tặng máy tính cho học sinh ở Tuy An (Phú Yên). Ảnh: MINH ĐĂNG
*
Còn nhớ vào tháng 11/2021, ngay sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh mở Trại sáng tác Văn học tại Phú Yên. Trong lễ khai mạc, nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh phát biểu: “Sự kiện đón người về quê hương Phú Yên trở thành một biểu tượng đẹp, một biểu tượng của tình người, của trách nhiệm, của lòng nghĩa nhân. Chính vẻ đẹp làm xao động lòng người đó đã thúc giục Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh quyết tâm đưa đoàn nhà văn gần 30 người đến với mảnh đất đầy ắp nghĩa tình này”.
Theo thời gian, rất nhiều thứ rồi sẽ phôi phai. Chỉ còn chữ tình đọng lại.
Ghi chú: (*): Ksor H’Thương.