- Bút ký - Tạp văn
- Chúng tôi đi mãi đất nào mộ anh?
Chúng tôi đi mãi đất nào mộ anh?
Lê Xuân
Kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7
Chiến tranh đã lùi xa hơn một phần tư thế kỷ, nhưng dư âm của nó vẫn còn in đậm nét trên mỗi khuôn mặt người mẹ, người vợ, người con, những đồng đội có người thân nằm lại các chiến trường. Hài cốt các anh, chị đang ở trên mảnh đất Khe Sanh, đường Chín Nam Lào, rừng già Tây Nguyên hay bưng biền Đồng Tháp? Các anh không về, lòng mẹ lặng im (Phạm Minh Tuấn). Xương máu của các anh đã góp phần tạo nên một Dáng đứng VIệt Nam tạc vào thế kỷ (Lê Anh Xuân). Thơ về đề tài người lính, về anh bộ đội Cụ Hồ, về thương binh liệt sĩ nhiều như sao trên trời, nhưng những vần thơ viết về nghĩa cử cao đẹp đi tìm hài cốt đồng đội, tuy ít nhưng vẫn làm xúc động bao thế hệ hôm nay và mai sau.
Xin dâng lên hương hồn các anh - những chiến sĩ hữu danh và vô danh của đất mẹ yêu dấu, những vần thơ tưởng niệm thành kính. Đó là nén tâm nhang của những thi sĩ chuyên nghiệp và những cây viết nghiệp dư. Hàng ngày ở hậu phương: Bao bà mẹ mắt mòn bên lối cỏ/ Đã bấy nhiêu năm hoá tượng đài (Lê Mạnh Tuấn). Mẹ cứ đợi một ngày nào đó được thấy hình hài của con dù chỉ là một nắm tro tàn để vơi nỗi cô đơn. Nhà thơ Lê Đình Cánh đã gởi vào Gió đất lời thì thầm tới cõi tâm linh, nơi các anh yên nghĩ ở một nghĩa trang trắng trời lau bát ngát:
Người còn tên. Người mất tên…
Giãi dầu mưa gió, nằm bên giãi dầu
Gió sương cỏ dại phai màu
Nắm mồ liệt sĩ, như nhau nấm mồ.
Cảm động biết bao, những người đồng đội còn may mắn sau cuộc chiến, mang trong người mảnh đạn nhưng vẫn cố lặn lội đi tìm hài cốt bạn trong một chiều xuân: Nắng nung/ Đầu đạn còn ở trong lưng/ Vui với mùa xuân/ Chúng tôi đi tìm hài cốt đồng đội (Tìm đồng đội – Sơn Thu). Những câu thơ như một lời quyết tâm hứa với người đã khuất. Người nằm dưới đất sâu đã cảm được Lời thiêng: Thương bạn ngược xuôi/ Đi tìm đồng đội/ Tôi hoá đất rồi/ Cỏ đã xanh chưa? Tôi hoá đá dưới chân Tô Thị/ Tận bến Kỳ Cùng/ Bạn nhớ đến thăm (Trần Ngọc Tuấn). Các anh nằm ở đâu? Chúng tôi đang vượt Trường Sơn trong cảnh sáng nắng, chiều mưa để tìm các anh đây. Nỗi nhớ, nỗi khát khao hiện lên cả ở trong giấc mơ:
Trường Sơn năm đợi tháng trông
Ngày tìm đồng đội đêm nồng chiêm bao
Núi cao, thác lũ, mưa trào
Chúng tôi đi mãi, đất nào mộ anh?
(Đồng đội – Đinh Ngọc Du).
Nhà thơ Quang Chuyền trong lời Ru đồng đội đã hỏi trời, hỏi đất, hỏi núi, hỏi sông: Nơi nào cất giấu hình anh? Nơi nào giấu cuộc chiến tranh thuở nào? Nơi nào mưa thấp mây cao? Nơi nào tên tuổi chìm vào đất đai? Những câu hỏi như xoáy vào lòng người đang bước thấp bước cao ngày đêm đi tìm đồng đội, nhắc nhở chúng ta hãy nghĩ về các anh, về trách nhiệm của những người còn sống đối với những chiến sĩ vô danh ấy. Nghiêm Thị Hằng lại hoá thân vào vai một người em đi tìm mộ anh theo lời trăng trối của cha mẹ trước lúc ra đi:
Trong ngàn nấm mộ vô danh
Em đi tìm viếng mộ anh, em tìm
Khấn trời lạy đất linh thiêng
Chỉ cho em một cõi riêng anh nằm.
Thời gian trôi đi tưởng có thể làm vơi phần nào nỗi đau mất mát, nhưng thời gian cũng làm tăng thêm niềm day dứt khôn nguôi khi những người thân chưa tìm được hài cốt các anh. Thời gian tâm lý của những người đi tìm mộ như muốn kéo thời gian của tạo hoá chậm lại:
Níu thời gian gỡ nỗi đau
Đi tìm đồng đội rừng sâu gửi mình.
(Tìm đồng đội – Phạm Thông)
Nhà thơ Tô Hoàn với bài Tôi gọi rừng già đã hỏi mây, hỏi chim, hỏi rừng… về bạn mình ở đâu và cũng chỉ nhận ở cõi hư vô một lời thinh không với lòng mình: Thế mà đã mấy mươi năm/ Ánh cây bóng cỏ bạn nằm giờ đâu?/ Rừng hoang rờn rợn một màu/ Cây nằm cây đứng đan nhau rối bời/ Hỏi chim – chim lặn vào trời/ Hỏi mây – mây xoã tóc trôi trắng ngàn. Những câu hỏi vang lên và tan biến vào rừng xanh hoang vắng. Một không gian rợn ngợp, một con người cô đơn, ngơ ngác giữa rừng sâu.
Trong cuộc thi thơ lục bát của báo Giáo dục – Thời đại (1996 - 1998) có bài thơ đạt giải Nhì của Đinh Phạm Thái: Cái roi ngày ấy đã dựng lại nỗi đau của một người mẹ có đứa con duy nhất hay nghịch ngợm có lần đã bị đánh đòn. Anh đi bộ đội và nằm lại Trường Sơn. Người mẹ mỗi lần chạm tới cái roi là như đụng tới một nỗi đau sâu lắng:
Bây giờ con ở đâu xa
Nắm xương không cửa, không nhà mãi đi
Trường sơn một dải xanh rì
Đất đen, đất đỏ đất gì chôn con?
Chân run quờ chiếc gậy mòn
Sợ cầm phải cái roi còn đâu đây.
Kỷ niệm xưa như một nhát cắt ứa máu trong trái tim mẹ. Trong cuộc tìm kiếm đồng đội này, cũng có những người may mắn tìm được nắm xương của bạn mình. Cả làng xóm lại nâng niu đón hài cốt anh, cũng như trước đây đã tiễn anh ra đi. Về với quê nhà, người người rơi lệ, mừng mừng tủi tủi. Làng đón bạn về bạn ạ, như ngày làng tiễn ta đi/ Chỉ khác xưa những bàn tay vẫy/ Nay nâng niu hài cốt bạn về…/ Cờ đỏ quá trong tay người lặng lẽ/ Vải màu cờ ôm giấc bạn ngàn năm (Bạn về - Vũ Toàn). Có một người mẹ Nam Bộ ngoài bảy mươi tuổi bên bờ sông Tiền, đã từng khóc chồng, khóc con hết nước mắt, nay nhận được hài cốt của thằng Út do đồng đội đem về:Mẹ nhận về hài cốt đứa con trai/ Một nắm xương không còn nguyên vẹn/ Ngày anh đi tuổi vừa tròn mười tám/ Mũ tai bèo vành vạnh vầng trăng. Mẹ run run, thoáng một chút ngỡ ngàng khi thấy mười ngón tay. Mẹ sững sờ nhớ lại thằng Út con mẹ mất một ngón tay cái khi chặt dừa cơ mà? Mẹ lặng im và cao đẹp biết bao, đã tự nhận hài cốt vô danh ấy như chính thằng Út của mình: Tôi sững lặng trước trái tim người mẹ/ Thằng Út nào cũng máu thịt sinh ra (Trái tim người mẹ -Võ Thị Kim Liên). Trong ngàn ngàn ngôi mộ không tên ở Quảng Trị, Trường Sơn, Tây Ninh, Đồng Tháp… ngày ngày ta vẫn thấy có những người mẹ, người vợ, người em cứ lần từng tấm bia, may ra tìm thấy tên người thân trong đó. Hy vọng thật mong manh, và một người em đã thốt lên:
Em đi tìm/ Không thấy tên anh trong danh sách nối dài/ Không thấy mồ anh trong nghĩa trang cỏ ấy/ Đất như gọi bước chân em trở lại/ Bên cánh đồng lá lúa- mũi kim (Tìm Anh – Vũ Toàn). Còn như Mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc thì vẫn y nguyên nằm đó với tên tuổi đàng hoàng trên mộ chí:
Mười ngôi mộ chẳng biết già
Bởi xây bằng tiếng chim ca bên trờ
(Đồng Đức Bốn).
Biết bao cô gái khác chỉ để lại một khoảng trời con gái không tên: Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong lòng đất/ Đêm đêm tâm hồn em toả sáng/ Những vì sao ngời chói, lung linh (Khoảng trời, hố bom - Lâm Thị Mỹ Dạ). Trong một chiều hành quân sau chiến tranh biên giới phía Bắc - 1979, những người lính bắt gặp những nấm mộ vô danh bên đường, họ như được tiếp thêm nghị lực trước giờ xuất kích: Các em đi khi mười tám tuổi xuân/ Và để lại những trái tim trong trắng/ Tiếng các em thét gọi nhau trong chiến hào khói lửa/ Còn cháy lòng bao chiến sĩ xung phong. (Gặp lại các em - Nguyễn ĐÌnh Chiến). Các anh, các chị, các em hãy tha lỗi cho chúng tôi vì việc tìm kiếm quá muộn. Biết bao ngôi mộ không tên, anh nằm trong đó và: Sau hy sinh, anh hy sinh lần nữa (Nhật Linh). Một dáng mẹ già đi ngược chiều gió vào nghĩa trang, trước những tấm bia vô danh, mẹ vẫn tâm niệm và tưởng tượng ra: Con mang tên chung của bao anh em/ Gương mặt con tươi nụ cười đồng đội (Bên mộ liệt sĩ vô danh - Nguyễn Đức Hạnh). Những người mẹ ấy Là trầm hương, thắp sáng mộ anh (Lê Huy Hạnh).
Có những người yêu, chỉ một lần tiễn anh lên đường ra hoả tuyến, để rồi biền biệt chờ mong và trở thành Tô Thị. Có những người vợ chỉ gần chồng trong gang tấc rồi âm thầm nuôi con một mình khi người anh nằm lại ở chiến trường. Căn nhà của chị trở nên trống trải, chị thương con: Chỉ nhớ gương mặt mẹ, còn cha thật xa vời. Biết bao dãi rừng bạt ngàn với sỏi đá, cỏ cây phủ lên các anh, ôm ấp chở che anh trong lòng đất mẹ:
Phủ lên ngôi mộ hao gầy
Một xanh thoáng mát, một ngày sắc quê
Cho hồn bạn níu trở về
Bớt đi một chút vụng về miền Trung
(Cỏ - Lê Thanh Xuân)
Đêm đêm có những người vợ vẫn tâm tình kể chuyện quê nhà cho người chồng ở chốn xa xôi dưới lòng đất nghe: Quê nhà mấy trận bão giông/ Mãi lo nước ngập trắng đồng lúa xanh/ Mãi lo cơm đủ áo lành/ Còn đâu lúc rãnh để thành Vọng Phu (Lê Đình Cánh). Nỗi đau tưởng đã hoá đá, con người tưởng như bị bi kịch nhấn chìm. Nhưng không, đẹp biết bao hình ảnh người phụ nữ Việt Nam vẫn nén nỗi đau để lo việc nhà, việc nước thay anh. Chất lạc quan vút cao từ niềm tin ở cuộc đời mới, niềm vui độc lập tự do của dân tộc, niềm tự hào vì đã có chồng con góp xương máu để làm nên một Việt Nam bát ngát mùa xuân.
Các anh đã trở nên bất tử cùng núi sông đất nước, đã hoà vào cỏ cây hoa lá để muôn đời con cháu tươi xanh. Các anh đã viết tiếp những trang sử vàng chói lọi của dân tộc, vang dội bước quân hành của một thời chống Pháp, chống Mỹ hào hùng. Hồn thiêng các anh thúc giục chúng ta- những người đang sống, hãy nghĩ về các anh, hãy tìm kiếm các anh để làm vơi đi phần nào nỗi đau của những người thân trong cuộc sống hôm nay.
L.X