- Truyện
- Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Tác giả Lê Thanh Huệ ở Đồng Tháp Mười.
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm. Nhưng nó phải nhè ra vì cỏ lấm đầy bụi. Chiếc xe tải chạy sớm, vụt qua mặt nó, tung bụi đỏ mù mịt. Con Khỏe nhắm mắt lại, rùng mình nhớ tiếng gầm rú của máy bay ném bom. Lửa phụt lên cùng với đất đá và những tiếng gầm trầm đục. Mẹ nó khụy xuống. Những con trâu khác, con thì quỵ xuống, con bị hất tung lên. Trong tiếng rền của bom, con Khỏe nghe tiếng rống thảm thiết, khiếp đảm của bầy trâu. Có ai đó quất vào mông nó đau điếng. Như những con trâu khác, nó lồng lên, chạy và chạy, thoát càng xa càng tốt. Mãi đến sau này, nó vẫn còn kinh hoàng, lồng lên mỗi khi chớp giật kèm theo tiếng sét. Chạy đến lúc không còn sức để chạy nữa, nó gục xuống, mê man. Có người rút mảnh bom ở mông nó. Đau nhói làm nó vùng dậy tính chạy, nhưng không đủ sức. Nó bắt gặp ánh mắt rất lạ nhìn nó. Suốt đời nó không thể quên được cái nhìn xót thương, âu yếm, lo lắng dành cho nó. Sau đó, giữa những cơn mê man, nó cảm nhận được mùi quen thuộc của người nâng đầu nó, bón cho nó từng cùi dìa cháo, đắp cho nó tấm nệm cũ và nhẹ nhàng rửa vết thương nó bằng thứ nước ấm, nhất là bàn tay chai sạn đó vuốt ve nó, như có phép màu, làm giảm bớt cơn đau hành hạ nó. Nó vượt qua những cơn sốt nhiễm trùng. Lúc con Khỏe bình phục được; như động vật lông vũ, khi chui ra khỏi vỏ trứng, sinh vật nào trước mắt chính là mẹ; tiềm thức nó lẫn lộn hình ảnh mẹ trâu với khuôn mặt kia. Nó hồi sinh được có lẽ nhờ sự chăm sóc vật chất cộng với ý thức rằng mình đang có chỗ dựa vững chắc nơi chủ nó.
Chủ nó sống trong túp lều dựng bằng tràm lợp bằng lá đưng. Trong túp lều rộng hơn lều giữ vịt đó còn có bà chủ và hai đứa con chung sống. Chủ nó nghèo, làm ruộng bằng sức người. Từ lên liếp, xẻ rãnh, đào kênh cho đến cuốc đất, gieo trồng, thu hoạch đều trông cả vào bàn tay. Tuy còn nhỏ, khi bình phục, con Khỏe được giao công việc đầu tiên, đạp nhừ mảnh ruộng lầy bùn chuẩn bị sạ giống lúa cao cây.
Nó phải kéo cày khi còn là trâu tơ. Lần đầu tiên, cái ách lên vai nó. Khó chịu, nó lồng lên. Ông chủ cầm cặp sừng chưa đủ dài, vỗ vỗ vào cổ nó. Con Khỏe chịu đứng im. Phải gần tháng trời nó mới chịu khuất phục cái vai cày, biết hô đi, hô đứng, rẽ phải, rẽ trái theo tiếng, “dí, thái” cùng với hiệu lệnh từ cái roi.
Nó nổi tiếng sau trận đánh nhau với con trâu đầu đàn ở xã bên, không phải vì khỏe mà do lòng dũng cảm. Nó là con trâu tơ làm sao địch nổi con trâu đầu đàn to khỏe. Cuộc đấu của hai võ sĩ không cùng hạng cân diễn ra chốc lát, con Khỏe chạy bán thân nhảy qua mương và lướt qua đám mua vàng ệch, nó khựng lại. Dưới bốn chân con Khỏe là thằng Hai, con ông chủ. Nó đứng im không động cựa. Con trâu đầu đàn vọt qua mương, không húc vào mông mà vòng lại, nhằm đôi sừng con Khỏe húc. Con Khỏe gồng mình chịu cú đánh chát chúa, đau đớn. Nó trợn mắt, giữ miếng. May mắn, ông chủ ngồi hút thuốc lá đầu bờ, thấy vậy, vơ vội nắm rơm mục, châm lửa lao đến. Thấy lửa, con trâu đầu đàn dạt ra, con Khỏe sợ hết hồn, nhắm nghiền mắt. Chỉ khi ông Ba kéo thằng Hai ra, vỗ vào mông nó, con Khỏe mới mở mắt, cất bước, gục gặc đôi sừng. Máu từ những vết rách ở cổ rỉ ra rát bỏng.
Khi đủ lớn, nó trả được món nợ cũ. Con trâu đầu đàn vẫn không quên con Khỏe. Nhưng cứ gặp con Khỏe, lại bị con Khỏe cậy đến chủ nó để tránh tham chiến. Rút kinh nghiệm, con trâu đầu đàn đón chặng đường về và lùa con Khỏe ra tận bờ sông. Con Khỏe nhảy ùm xuống nước, không dám bơi qua bờ bên kia là đất của con trâu đầu đàn. Nó đành quay đầu lại, nghiêng cổ chờ. Con trâu đầu đàn, đang đà chạy, sục xuống bờ sông, chưa kịp trụ vững chân trong bùn lấy thế đã bị con Khỏe ngoặc lấy sừng, vặn ngược lại. Mất thế, con trâu đầu đàn không gượng lại được, bị dìm mũi xuống nước, sặc sụa đổ kềnh, giãy giụa một hồi lâu rồi im luôn. Con Khỏe phải gục gặc đầu, loay hoay rút sừng ra, lồng lên, chạy một mạch về nhà, tự vào chuồng nằm im. Từ đó nó được đặt tên là con Khỏe.
Nhờ con Khỏe, công việc của chủ chạy hơn. Nó kéo cày khỏe, kéo bừa rất hay. Dáng nó cao, hai chân trước cao hơn, lúc kéo cày, mặt nó ngẩng lên, không như một vài con, mặt cúi gầm, mỗi khi trượt chân lại chúi nhủi. Nó làm quần quật, ăn vội vàng, vậy mà vẫn béo tốt. Lão Ba tận dụng nó ra trò và chăm bẵm nó hết sức. Sáng tinh mơ nó đã ra đồng. Trưa nắng rát, nước nóng bỏng, nó vẫn cùng chủ lội bì bõm trong bùn. Lão còn tranh thủ những đêm trăng cày thuê ruộng người khác. Đang vụ mùa, ai mà không gấp, thành ra tiền thuê càng cao. Bù lại, chủ dành cho nó những bó cỏ non, ánh mắt dịu dàng, thân thiết của người bạn và những luôn vuốt ve trìu mến. Những đêm gió, lão Ba cầm đèn xem chuồng trại có bị dột nát không. Nếu có, sáng sau, lão sửa sang ngày. Nó, một con trâu được cứu sống, luôn trung thành với chủ, còn cần gì hơn.
Nó là con trâu biết nghe lời chủ. Mỗi ngày thằng Hai dắt nó ra bờ ruộng, vít đầu nó xuống bờ cỏ dặn “Ăn cỏ, không được ăn lúa nghen” đoạn dí dí mồm nó vào nhành lúa non, ra roi đe dọa, thằng Hai yên tâm bỏ đi chơi, để mặc nó. Con Khỏe cúi đầu gặm cỏ bờ ruộng, không dám liếc mắt ngang qua những khóm lúa mơn mởn, ngọt xớt hai bên bờ.
Một hôm, ông Ba thấy bộ lông đen láng của nó nhấp nhô giữa đám ruộng đang thì con gái, vội tắt đồng chạy ra, miệng rủa thằng Hai, rủa con Khỏe. Đến nơi, thấy không mất đám lúa nào mà cỏ thì bị gặm sạch, mừng rối rít, lão vuốt vuốt cái má đang tóp tép nhai cỏ, phát hiện thêm ở nó một công dụng mới. Lão còn biết, mỗi lần thằng Hai hô nằm xuống, con Khỏe quỳ xuống cho thằng Hai leo lên lưng. Bảo đứng lên nó lập tức đứng lên. Trong một buổi cày, cao hứng, lão bảo con Khỏe nằm xuống, lập tức nó nằm xuống giữa bùn lạnh sớm mai. Lão bảo nó đứng lên, lập tức nó đứng dậy kéo cày đi ngay. Lão ra roi, hạnh phúc nghĩ mình có con trâu thông minh và trung thành. Người đời có mấy ai được như thế.
Mùa lại mùa, chủ nó ngày một khá hơn, dựng được nhà, mua được ghe chở mướn kiếm lời. Con Khỏe không biết mình đã góp phần đưa gia đình chủ đi lên. Nó quen với vai cày tới mức mỗi lần được khoác cái ách lên vai, được bước những bước chắc chắn, chân lún sâu vào bùn, phía sau có ông chủ: chỗ dựa vững chắc về vật chất và tinh thần; nó thấy vui, tự hào, hạnh phúc.
Một chiếc xe đò sớm chạy qua, hắt bụi đỏ vào mắt con Khỏe. Nó nhắm mắt đứng lại. Chủ nó quất roi “đi”. Nó lại bước tiếp, nhớ lại ngày chủ nó rước về cái máy cày còn mới cứng. Trước đó chừng hai năm, đã có những con quái vật ầm ĩ, sồng sộc kéo về đây, trút ra từ đít cơ man đất. Những khối đất lớn dần thành cái luống to, dài tít tắp đến tận chân trời. Năm sau chúng lại kéo đến, lũ xe vội vội vàng vàng mang về vô khối đất đỏ. Chiếc máy san lăng xăng lui tới lùa san những đống đất đỏ thành tấm lụa nhung màu đỏ tươi trên nền đất xám đen. Mấy chiếc xe lu vàng ệch, nặng nề, chậm chạp lu đi, lu lại mặt đường cho đến khi chặt, phẳng lỳ. Xóm nhỏ hết vẻ quạnh hiu. Ngày ngày xe cộ rượt đuổi nhau vội vã qua lại tung bụi mù mịt. Dưới sông tiếng ghe máy rộn rã vọng lên. Con Khỏe mơ hồ lo lắng. Tiếng ì ầm xe máy nhắc nó nhớ lại tiếng gầm rú của máy bay ném bom thuở nào.
Vài năm sau kể từ khi có con đường ô tô xuyên Đồng Tháp Mười, chủ nó cưỡi về một chiếc máy cày. Con quái vật thật đáng ghét. Chẳng ăn uống gì, nó ngủ li bì suốt ngày đêm. Nhưng hễ chủ nó cưỡi lên lưng, lập tức nó cậy thế, gầm lên đắc thắng. Nó nhìn con Khỏe bằng đôi mắt trắng dã, gầm gừ đe dọa rồi lừng lững tiến ra cánh đồng. Mấy lần con Khỏe mon men ra đồng nhìn máy cày làm việc. Nò cày khỏe gấp họ nhà trâu đến chục lần, cứ chạy băng băng, cười lanh lảnh. Thấy con Khỏe, nó hộc lên, phun khói, nhìn con Khỏe bằng đôi mắt lúc nào cũng trắng một màu lạnh lùng không sinh khí. Con Khỏe đành lủi thủi quay về nhà. Ban đêm, khi cái máy cày thức giấc, mắt nó sáng quắc lên mới đáng sợ làm sao. Nó tranh hết việc của con Khỏe đã đành, ông chủ suốt ngày bên chiếc máy cày, hì hụi cùng nó, ngắm nó, vuốt ve nó bằng đôi mắt mãn nguyện vô cùng. Lại sai dỡ chuồng trâu, tận dụng những cây tràm còn chắc dựng lán cho máy cày ở. Ông không còn đả động đến con Khỏe. Nếu có nhìn nó, ánh mắt ông ánh lên sự tính toán lạnh lùng. Con Khỏe thành bơ vơ.
Lão Ba tính đem con Khỏe bán đi, thêm tiền mua máy tuốt lúa. Chỉ cần nối với trục sau của máy cày, ôm lúa bỏ vào, máy sẽ phóng rơm ra một phía và những hạt lúa vàng mẩy sẽ chảy ra như từ một điểm nguồn bất tận. Mùa vụ, ở đất Tháp Mười nay ai mà không vội trước lúc lũ tràn về. Ông sẽ tuốt lúa thuê cho những hộ khác. Tiền cứ chảy về túi ông như nước. Nhưng bán con Khỏe cho ai? Bán cho xóm giềng, người ta sẽ có nó, sẽ ít đi một người thuê máy của ông. So về kinh tế sẽ ít lợi hơn. Mấy tay lò mổ đến mua nó với giá rẻ mạt, lão do dự. Lão cần thời gian để hỏi giá cả trước. Một hôm, lão Ba về, vui vẻ ra mặt. Thứ nhất thị trường thế giới đang cần da trâu, da bò. Bộ da còn nguyên cái đuôi, sau khi ướp theo công thức, sẽ được xuất qua đường Hồng Kông. Con trâu, con bò, càng lớn, càng béo tốt, bộ da càng có giá. Thứ hai, trâu béo, chưa già, sau khi thịt có loại hóa chất, ngâm vào có thể đem lừa người mua gọi là thịt bò, bán được giá cao hơn. Lão Ba càng hả hê bao nhiêu thì con Khỏe càng trở nên vô dụng dưới con mắt của lão. Lão thấy mình mẩy nó có mùi hôi khó chịu. Cái mùi mồ hôi trâu và cả mùi phân trâu, khi xưa lão thấy nồng nồng, âm ấm, bây giờ trở thành mùi khó ngửi nhất. Lão nhìn khuôn mặt vợ con lão giàn giụa nước mắt, xin để con trâu lại, đừng bán cho lò mổ, cười nghĩ thầm: Ủy mị, cứ y hệt như trong tuồng cải lương. Kiểu đó có ăn cám. Nếu như xưa mình cũng y vầy, cũng dắt con trâu lạc, lội bưng biền tìm chủ cũ trả, chắc gì giờ này đã được khá như vầy. Làm ăn phải có nguyên tắc, tính toán lạnh lùng nhưng phải hết sức sòng phẳng. Khi cần, khi chung mục đích phải sát cánh, hết lòng thương yêu nhau. Còn khi không có lợi cho công việc làm ăn lại còn chịu tốn kém thì nên một lần sòng phẳng rồi xa nhau. Đối với con Khỏe, lão đã quá sòng phẳng với nó trong công việc và trong sự chăm sóc rồi.
Sáng nay con Khỏe đang ngủ, sợi dây mũi buộc tạm vào cọc sắt được mở ra làm nó tỉnh hẳn. Nó mừng rơn, tưởng chủ lại đưa nó ra đồng. Ngẩng cao đầu, nó bước qua cái máy cày đang ngủ say, lòng đầy phấn khởi. Đang đi, nó ngửi thấy mùi đồng loại. Người ta đang chất những cần xé đầy thịt trâu bò, tim gan, phèo phổi và những bộ da lên chiếc xe tải đậu bên lề đường. Nghi ngại, con Khỏe dợm mình tính quay lại. Lão Ba túm lấy dây mũi, dắt nó bỏ con lộ sỏi đỏ, men theo con đường nhỏ gập gềnh ven sông dưới đám tràm. Giữa khu đất nhầu nát, đầy vết chân trâu, chân bò, đóng mấy cái cọc sắt để buộc trâu bò, xung quanh vây bởi hàng rào tạm bằng cừ tràm, con Khỏe ngửi thấy mùi tanh của máu đồng loại mình. Buộc con Khỏe vào cọc sắt giữa bãi, lão Ba bước vào căn lán dựng bằng cây tràm, mái lợp dừa nước. Bên kia là dãy chuồng trại sơ sài. Con Khỏe đưa mắt nhìn theo chủ, bắt gặp mấy cái đầu trâu, đầu bò, hốc mắt trống hoác, mũi mồm trắng toát, nó rùng mình, sởn gai ốc. Một người tay cầm cây dũa tròn, ghì chắc đầu trâu, tay kia thoăn thoắt đường dao nhọn, sắc ngọt, bóc ra từng miếng thịt đỏ hỏn cho đến khi cái đầu chỉ còn trơ lại màu xương trắng hồng mới chịu buông tha. Anh ta ném cái sọ xuống đống sọ dưới đất khiến những chiếc sừng động vào nhau lộp cộp. Con Khỏe nhìn về chủ nó, dứt dứt dây mũi, cầu cứu. Chủ nó mặc cả với chủ lò mổ, giọng lạnh lùng:
- Thịt trâu có rẻ hơn thịt bò nhiều đâu. Thịt con này ngon đâu thua con bò ốm nhách đó. Da bò bảy ngàn đồng thì da trâu cũng năm ngàn một ký rồi…
- …Anh chưa cho nó ăn sáng, như vầy thịt nó ít ngon… Tôi có được ăn không đâu cha nội… Còn thuế má nữa chớ…
Người chê, kẻ khen, nâng lên, hạ xuống mãi rồi mới ngã giá. Chủ lò mổ gọi. Một thanh niên vạm vỡ chạy ra thưa: “Mất điện cả tiếng rồi, làm sao chích được. Con này khỏe lắm… Hay là thôi…”.
- Mày sợ à! - Ông chủ nói khích. Anh thanh niên mở dây mũi, tính dắt con Khỏe đến gần mép sông cho tiện lấy nước rửa. Ngửi thấy mùi đồng loại từ những vụn thịt bám ở tay anh, con Khỏe nghi ngờ, gục gặc đầu, lùi lại. Thấy vậy, lão Ba bước tới nắm sợi dây thừng, kéo nó đi. Con Khỏe thấy an tâm trở lại, ngoan ngoãn đi theo chủ nó. Buộc con Khỏe vào cọc sắt xong, lão Ba quay về lán thong thả đếm tiền. Phía trong, chủ lò mổ kêu con bắc thêm chảo luộc lòng, nói: “Con này độ hai tạ rưỡi thịt, ráng làm gọn trong tiếng, kịp chuyến xe sáng. Cẩn thận khi lột da nghen. Thủng một lỗ họ trừ của tao một ký đó”, quay ra nói với ông Ba: “Xong rồi. Anh Ba ở lại lai rai với tụi tui chơi.” Anh thanh niên xách búa tạ ra. Nhìn anh cầm cái búa đi, vung vẩy như lũ trẻ con cầm đồ chơi, lão Ba chờn chợn nghĩ: Thời con Khỏe hết rồi. Giờ là thời của máy cày. Mày tuy cùng tao gây dựng được cơ nghiệp, nhưng giờ để mày chỉ vướng cho tao. Tao đang cần mua cái máy tuốt đặng tận dụng hết khả năng cái máy cày mới mua. Mày lấy cái chết để giúp tao là tỏ thêm lòng tận trung của mày, đừng oán tao nghen.
Con Khỏe nhác thấy anh thanh niên cầm búa bước tới, tức thì nó ngẩng mặt nhìn về phía chủ cầu cứu. Nó rống lên thảm thiết. Nước mắt giàn giụa, nó khuỵ xuống, đứng lên lại khụy xuống, đầu gục gặc. Nhìn nó, anh thợ mổ bủn rủn chân tay nghĩ: Nó lạy mình, nó có phải là trâu không? Anh đã giết biết bao nhiêu trâu bò, chỉ cần một cú chích điện hoặc một quai búa là đổ vật ra giẫy tê tê rồi tắt thở. Con này cũng chỉ một búa vào đúng trán là xong một đời nó. Nhưng chưa bao giờ anh thấy con trâu, con bò nào lại khóc, lạy như nó. Cái giống ngu đần, đến giờ chết mà vẫn quen thói nô lệ, giương đôi mắt tròn, thơ ngây chờ được sai phái. Anh nâng búa lên, lại thấy nó khụy xuống, nước mắt tuôn ra. Vứt búa, anh gọi:
- Tụi bây, đứa nào giúp tao đập đầu con quỷ này… Kiểu này, tao phải bỏ nghề mất…
Mấy chàng trai xúm quanh hoang mang, đùn đẩy nhau, không ai cầm búa. Có người nói thêm: “Sợ quá, chắc bỏ nghề luôn.” Trước cảnh tượng quái đản đó, chủ lò mổ còn kinh ngạc hơn lão Ba. Sau chút bàng hoàng, chủ lên tiếng:
- Chắc trả lại anh Ba thôi… Con này coi bộ không phải là trâu… còn khỏe… bán nó cho người cày, chớ nó làm vầy, tụi nhỏ sợ, hết dám làm việc ở đây… anh Ba à!
Lão Ba bước ra. Trong đầu lão hiện lên chiếc máy tuốt lúa màu xanh đứng đằng sau máy cày màu đỏ. Nếu không bán nó, lấy tiền ngay, làm sao lão có thể về tỉnh mua cái máy tuốt về. Bán cho người cày, họ là người nghèo, không lấy được tiền ngay, đã vậy, người thuê máy cày của lão cũng ít đi. Thời vụ sắp tới, lão sẽ mất đi một cơ hội hái ra tiền…
- Nhưng mà… anh có kêu tôi mới dắt nó tới…
- Tại vì… anh Ba à… nếu có ai giết được nó…
Lão Ba quay lại nhìn gói tiền, lẩm bẩm “Mày hết thời rồi… Đừng oán tao nghen!” đoạn cúi xuống lượm cây búa tạ. Chủ lò mổ can:
- Anh Ba… không biết đập đầu, nguy hiểm lắm.
Làm bộ không nghe thấy, lão Ba bước lên. Con Khỏe trông thấy chủ đến, mừng rơn. Chắc chắn chủ nó sẽ dẫn nó về và nó sẽ cùng chủ nó bước những bước chắc chắn trên cánh đồng lầy lội với cái cày sau lưng. Giữa cánh đồng quen thuộc, nó sẽ hít căng lồng ngực làn không khí quện hương cỏ hòa với hương tràm, hương lúa và những thứ hương đồng nội khác. Nhưng, trong tay chủ nó, cây búa thay cho cây roi, chủ nó nghiến răng, khuôn mặt méo mó, dễ sợ. Nó chợt nhớ tới ánh mắt đầy xót thương vẫn dành cho nó. Chủ nó vung tay, một vật đen đen bay vào mặt nó, nó gục gặc đầu tránh. Chiếc búa trượt qua sừng tuột khỏi tay. Đau điếng, con Khỏe rống lên thảm thiết, sụn xuống, lại gượng dậy. Trong ngàn vạn con đom đóm bay đầy trời, nó kịp nhận ra chủ nó lao sang nhặt cây búa. Nó nghĩ: Tại sao chủ nó không đánh bằng roi? Chủ nó lại vung tay. Con Khỏe lại lắc đầu, cố gạt phăng ý nghĩ: chính chủ nó đánh vào sừng nó. Chỉ có họ nhà trâu mới nhằm sừng nhau làm mục tiêu tấn công trước. Sạt! Chiếc búa sượt qua trán bóc đi một mảng da đầu. Con Khỏe không còn cảm thấy đau đớn. Nó cố đứng vững để xác định một lần nữa. Máu chảy vào mắt khiến hình ảnh ông chủ bị nhòe và méo đi làm nó hiểu kẻ tấn công nó không phải là ông chủ, một người nào đó hay một con vật gì đó như là con trâu mộng đầu đàn thuở nào. Mắt nó long sòng sọc. Mùi máu khiến cho sự nhạy cảm trong nhận biết kém đi. Hai lần đánh trượt khiến lão Ba tức tối, thở hồng hộc. Như kẻ lâm trận, máu hăng nổi lên, mặt lão bừng bừng trông lạ đi. Lão lại xông đến nhặt búa và lao vào con Khỏe. Lão chẳng mảy may đề phòng, vì lão biết đâu rằng trong con vật hiền lành, ngoan ngoãn kia tiềm ẩn sức mạnh ghê gớm, loại sức mạnh mù quáng đã có từ thời cha sinh mẹ đẻ ra nó. Sức mạnh đó đang dồn nén lại và chỉ cần con Khỏe xác định trước mặt nó không phải là ông chủ, sẽ bùng ra. Con Khỏe thôi không nhìn cái búa để tránh nó mà nhìn người cầm búa. Cái đầu trâu của nó tuy chậm hiểu nhưng đã vỡ lẽ ra rằng cả cái búa và con người cầm búa đều là kẻ thù của nó, tuy có nét giống ông chủ nó nhưng không phải là chủ của nó thuở nào và rõ ràng là chẳng còn liên quan với nó về phương diện tình cảm của chủ và trâu như ngày trước. Nó không nghĩ được ông chủ phản bội mình mà mang máng hiểu đang bị tấn công. Ý nghĩ sau rốt đó đục thủng nguồn sức mạnh tiềm tàng trong nó. Con Khỏe giật tung dây mũi, vật ràng buộc nó với cọc sắt và con người. Nó xông lên trong lúc cái búa đang bay tới. Khi lâm trận, con Khỏe nhanh nhẹn lạ thường. Chỉ một cái vẩy sừng, cái búa trượt đi, lao xẹt theo sống lưng và bay về phía sau. Thuận đà, nó tiếp thêm cái vẩy hất tung lão Ba lên không trung. Lão rơi ùm xuống mé sông, lăn lộn. Nó lao ngay vào thớt thịt. Thớt thịt bay, căn lán rung rinh. Nó ngỡ căn lán đang nhún mình lấy thế chống lại nó. Con Khỏe nhằm cái cột chính bằng tràm húc bừa tới. Căn nhà đổ ụp xuống. Con Khỏe chui ra từ trong đám cột kèo, lá lợp. Nó không nhìn đám người tán loạn chạy tháo thân mà nhằm hàng rào xông tới. Hàng rào bằng tràm băng đi. Nó nhác thấy ông chủ lò mổ ở phía bên kia chuồng gà. Không kịp vòng tránh chuồng gà, con Khỏe xông thẳng tới, húc chuồng gà đổ ụp. Con gà mái ấp trứng quanh quác bay ra, ổ trứng đổ ào xuống vỡ tung tóe, lổn nhổn những thân thể gà con mới thành hình. Mặc, cứ xông tới. Lão chủ lò mổ quỵ xuống. Sợ giẫm chân lên con người, nó khựng lại, chợt nhớ, nó ngoặc sừng vào tấm lưng đen nhẻm loáng ướt mồ hôi lạnh. Một tiếng thét thất thanh, đau đớn làm con trâu thất kinh. Nó lên cơn điên giẫm bừa qua lão chủ lò mổ chạy thẳng ra đường xô phải chiếc xe đạp. Tiện thể nó húc cô gái đi xe đạp bay vào vệ đường. Như một cơn lốc, con Khỏe ào ào lao đi, cuốn phăng những gì cản bước trên con đường dẫn nó đến với tự do và cuộc sống.
Bằng sự tàn phá, sức mạnh mù quáng trong cơ thể con Khỏe được giải thoát. Những nhánh tràm ven sông dịu dàng níu nó lại. Mùi cỏ non, mùi bùn xộc vào mũi khiến con Khỏe dần dần bình tâm. Thấm mệt, đau đớn và khát, con Khỏe lội ra bờ sông uống căng bụng, lên bờ, nó nằm vật xuống và thiếp đi. Trong mơ, nó thấy mình tung vó giữa bầy đàn đông đúc. Nó, con trâu to khỏe, khôn ngoan nổi bật hẳn lên. Phía dưới chân, cỏ non, những bụi tràm lúp xúp trải đến tận chân trời. Bầu trời lồng lộng, ngập tràn ánh nắng rực rỡ. Tất cả đều tươi mát, lung linh, thơm ngọt và ngát hương. Đó là những hình ảnh xa xưa, từ thời hồng hoang, còn chưa thành kẻ nô lệ trung thành, vẫn còn lưu truyền lại trong họ nhà trâu.
Cái đói đánh thức con Khỏe dậy. Trời đã về chiều. Nó quơ lưỡi bứt gọn nắm cỏ, nhai. Máu từ vết thương đang âm ỉ đau, chảy ra. Bờ sông vắng lặng làm nó sợ. Nó ngẩng mặt nhìn vầng mặt rời đỏ ối. Cánh rừng ven sông được nhuộm đỏ rực trong ánh nắng chiều. Khi đã giải thoát được khối năng lượng khổng lồ, con Khỏe trở thành kẻ mất phương hướng, nó hoang mang: Mình vừa làm một việc ghê gớm để làm gì? Để được cái gì? Nó đâu cần tự do. Trong một loạt hành động nổi loạn vừa qua, nó cần tìm lại sự liên kết lâu bền và có vẻ đúng đắn. Nó không đủ trí khôn, sự tỉnh táo, lòng can đảm để tìm cuộc sống tự do; nơi ngự trị của sức mạnh mù quáng, sức mạnh siêu nhiên và sự khôn khéo của bản năng. Ở đó, nó chỉ biết nương tựa vào chính nó và dĩ nhiên nó không thể lột xác để trụ lại được. Nó chọn con đường quen thuộc nhất, dễ dãi nhất: tìm về với cái vai cày, với cánh đồng còn sót lại những ngọn cỏ ven bờ chưa bị bụi đường lấp kín. Nó cần người chủ để nó nương tựa lâu dài, chắc chắn cả về vật chất lẫn tinh thần. Nó cần làm việc dưới sự sai phái của ông chủ và được chăm sóc, vuốt ve. Đó là tất cả ước mơ được tạo lập và đang được củng cố thêm của giống lòai nó.
Trong hoàng hôn rực màu đỏ của đất Tháp Mười, con Khỏe gục gặc cái đầu sưng vù, còn đang rỉ ra những giọt huyết thanh trong trong, vàng vàng, nó đánh hơi, vội vã tìm đường về nhà chủ của nó.
L.T.H
Nguồn: Điều còn lại – tác giả Lê Thanh Huệ - Nhà xuất bản Thanh niên in năm 2018. Mã số ISSBN: 978-604-64-9888-9