TIN TỨC
  • Truyện
  • Đêm nghiêng – Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Yến

Đêm nghiêng – Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Yến

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
846 lượt xem

Ví thử có một nhiếp ảnh gia nào nảy ra ý tưởng độc đáo muốn mô tả “thành phố chết” thì cứ vào những thời khắc này đứng trên một toà cao ốc nào đó lia ống kính xuống chắc hẳn sẽ rất hài lòng. Những dòng xe cộ biến mất, đoàn người tấp nập biến mất và những âm thanh đinh tai nhức óc cũng biến mất. Tất cả im ắng tuyệt đối nhường chỗ cho khí sương lành lạnh mang đậm hơi hướng miền núi ngấm dần vào từng thớ thịt. Liễu dừng xe trước ngôi nhà hai tầng xây theo kiểu cổ, bấm chuông liên hồi. Bà Lan lớn tiếng quát con chó phốc rồi nhanh chóng khép cổng sau khi Liễu dựng gọn xe máy trong sân…

Nhà văn Nguyễn Ngọc Yến ở Yên Bái

 

Liễu đi lại một vòng quanh nhà rồi mới ngồi xuống ghế, vẻ thân mật vốn có của hai cô cháu bị câu chuyện làm cho gượng gạo:

– Vâng cô cố tìm xem có người nào có điều kiện, sẵn sàng giúp đỡ mẹ con cháu. Chỉ cần người ấy khoẻ mạnh, bình thường…

– Mày cứ suy nghĩ cho kỹ đi, chồng mày mới mất được chưa đầy một năm đâu.

– Cháu suy nghĩ kỹ rồi. Cháu biết làm như thế có lỗi với anh Bành, nhưng không thế cháu không biết làm thế nào…

– Thôi đừng khóc nữa, để cô liên hệ với người ta, rồi cô sẽ điện…

Liễu nắm chặt gấu áo trong tay, nước mắt cứ thế chảy thành dòng…

***

Vừa đúng 51 tháng, 11 ngày. Hôm ấy là ngày cưới của Liễu. Liễu không ra vui cũng không ra buồn, đám cưới này là việc Liễu nhắm mắt đưa chân. Người Liễu yêu và từng dâng hiến là người anh em có họ xa mà sau này khi đưa nhau về ra mắt hai nhà đã kịch liệt phản đối. Tuyệt vọng, Liễu nhận lời lấy Bành qua mai mối. Đến khi ở cùng nhau mới biết Bành không được bình thường. Cả ngày Bành chẳng nói chẳng rằng, Liễu có hỏi gì thì Bành cũng chỉ cười cười một cách ngô nghê. Thời gian đầu có lúc Liễu định tự tử, nhưng sống với nhau Liễu thấy tuy không khôn ngoan như người ta nhưng Bành được cái hiền lành, biết thương vợ. Liễu mặc phận mình cho ông trời định đoạt. Chỉ nỗi cái chuyện vợ chồng tuy Bành vẫn ý thức được xong chẳng đến đâu. Cưới nhau mấy năm chưa có con, họ hàng lối xóm dèm pha, niềm khao khát được làm mẹ khiến Liễu luôn ý thức chủ động trong những lần vợ chồng gần gũi. Cuối cùng cũng được một cậu con trai kháu khỉnh. Nhà chồng lại xì xào “Thằng bé đâu có giống bố”. Liễu nuốt nước mắt vào trong, nếu nói cho rành rẽ mọi chuyện thì trong mắt họ Liễu có khác gì đứa đàn bà lẳng lơ.

Những lúc vợ chồng tình cảm, Bành lấy nước cho Liễu ngâm chân, kỵ đi kỵ lại những ngón chân đã trắng lợt của Liễu thủ thỉ: “Yêu vợ đấy”. Liễu vuốt vuốt mái tóc xù của chồng như nựng một đứa trẻ “Biết rồi. Nhưng nhớ phải ngoan nhé”. Thế rồi đang gội đầu cho khách ở quán, điện thoại của Liễu réo liên hồi. Một người lạ báo cho biết Bành bị tai nạn trên đoạn đường đại lộ, đang cấp cứu trong bệnh viện. ở bên chồng không đủ một ngày, Liễu phải quấn khăn tang cho con trai 11 tháng tuổi… 30 triệu là cái giá cho sự tồn tại của Bành. Liễu xin mẹ chồng một phần ba số đó để mở quán nuôi con nhưng mẹ chồng Liễu gắt “tao trả nợ hết rồi, giờ mày có muốn vay thì tao vay hộ”. Liễu hiểu như thế có nghĩa là bà từ chối. Ngôi nhà mà vợ chồng Liễu ở mang tiếng là cho Bành nhưng vẫn đứng tên bố mẹ chồng. họ cho ở lúc nào, biết lúc ấy. Thằng Quốc thì ngày càng lớn, bao khoản phải chi tiêu, cái nghề cắt tóc gội đầu này đâu có giá theo tuổi…

***

Không lâu sau buổi tối hôm ấy, Liễu gặp Thịnh theo sự thu xếp của bà Lan. Sau mấy lần gặp mặt, Liễu quyết định gửi thằng Quốc về bà ngoại rồi cùng Thịnh đi Hà Nội. Nơi đây ồn ào, náo nhiệt chứ không buồn tẻ, rỗi rãi ngồi xếp hàng buôn chuyện như mấy ông bà cùng xóm của cô. Thịnh một tay cầm vô lăng, một tay chỉ cho Liễu nhìn những cành phượng tím đang cố nở hoa vào giữa đông. Những cánh hoa co lại trước cái rét, không nở bung mơn mởn như giữa nắng hè. Thịnh bảo đã đến giờ ăn trưa. Chiếc xe lao xuống tầng hầm của một toà nhà 7 tầng. Đi cầu thang máy lên khu ăn uống, Liễu choáng ngợp trước không gian lung linh bởi dàn điện trần, nhạc không lời du dương, những cô lễ tân xinh đẹp, những vị khách trang nhã, không khí sạch sẽ, thơm tho. Các món ăn được lựa chọn thông qua bảng điện tử trên bàn, lệnh được chuyển thẳng cho bộ phận đầu bếp và các món ăn được mang lên trong vòng chưa đến mười phút. Hai cô nhân viên xinh xinh như hai bức tượng đứng bên cạnh, chỉ đợi ly nước của Liễu vơi là lập tức rót vào, hay một món ăn nào vừa hết lập tức được thu dọn sạch sẽ. Liễu giật mình khi bảng báo giá món ăn hiện lên bằng cả tháng ăn của hai mẹ con. Món nào cũng ngon, món nào cũng hấp dẫn vậy mà Liễu thấy cứ vướng ở cổ không sao nuốt nổi.

Tranh của họa sĩ Thành Chương

– Liễu hãy coi tôi như một người bạn. Chúng ta cùng nói chuyện một cách cởi mở- Thịnh mở đầu câu chuyện với âm giọng trầm và đục.

– Vâng, cháu… cháu… chỉ mong tìm được một người sẵn sàng giúp đỡ mẹ con cháu.

Liễu thấy anh ta lướt cái nhìn qua mặt Liễu, qua chiếc áo dạ màu rêu úa, dừng một lúc ở chiếc khăn quàng lụa màu xanh da trời rồi chuyển hướng tập trung vào ly nước cam vàng sóng sánh. Thịnh ngoài bốn mươi, tầm mét sáu, khuôn mặt tròn căng bóng, có một sợi râu rất dài mọc ra từ nốt ruồi bên cằm trái. Câu chuyện của Liễu cuốn đi vẻ mất tự nhiên giữa hai người. Thịnh lắng nghe, ánh mắt đầy thông cảm giúp Liễu có thêm tự tin để giãi bày. Suốt chiều, Thịnh lái xe đưa Liễu lòng vòng quanh ngũ hồ, cùng nhau ăn bánh tôm Hồ Tây, rồi quay về café ở khu phố cổ. ở bên Thịnh, Liễu cảm thấy hưng phấn và hào hứng. Với cô trước đó là thứ cảm giác chết. Lúc chia tay, Thịnh dặn đi dặn lại: “Liễu cứ yên tâm, tôi thương hoàn cảnh mẹ con Liễu nên dù giữa chúng ta có không có gì thì tôi vẫn giúp”. Liễu ngân ngấn nước mắt “Vâng, cháu cảm ơn chú”.

***

Năm nay nàng đông ngúng ngoảy hơn bao giờ hết. Mới hôm qua còn nắng chang chang, một áo cánh đã toát mồ hôi thế mà tối nay Liễu mặc tới hai áo len, thêm một áo khoác mà mấy đầu ngón tay vẫn tím ngắt. Thằng Quốc đi chơi với bác từ chiều, một mình Liễu nằm xem ti vi đợi điện thoại của Thịnh. Thịnh bảo đang trên đường đi công tác, tiện đường muốn gặp Liễu. Café Bong Bóng là nơi lý tưởng cho những đôi đang hẹn hò. Thịnh có vẻ hơi quá chén nên suốt buổi Thịnh là người nói. Góp nhặt những đoạn rời rạc không đầu không cuối, Liễu loáng thoáng biết Thịnh chuyên thầu các công trình giao thông, thường xuyên đi đó đi đây, có khá nhiều đất dưới Hà Nội, còn đất ở Việt Trì đủ để cho anh ta mở mấy trang trại. Thịnh bảo không có thói quen rượu, chè, thuốc lá, không cà phê, còn bồ bịch là một khái niệm xa lạ. Anh ta nói ban đầu không có ý định gặp Liễu nhưng nghe cô Lan kể chuyện thấy hoàn cảnh liễu đặc biệt nên tò tò muốn gặp. Thịnh chỉ một lần và sau này cũng không bao giờ nhắc đến nữa đó là vợ con. “Anh tôn trọng gia đình của mình” – Thịnh chốt lại như vậy.

Lúc gọi thanh toán Liễu thấy Thịnh có ghé tai nói nhỏ với cậu bồi bàn, ánh mắt có chút gì ma mãnh. Ngay lập tức một giai điệu nước ngoài trẻ trung, nồng nàn cất lên. Thịnh hỏi: “Liễu có biết bài hát này không?”. Liễu lắc đầu thú nhận: “Cháu không biết”. Thịnh nói với âm lượng vừa đủ nghe cho hai người: “I don’t care, who you are?/ Whrere your from?/ What’s you did?/ As long as you love me” (Tôi không quan tâm, em là ai/ Em từ đâu tới/ Em đã làm gì/ Miễn là em yêu tôi)… Liễu đỏ mặt, lâu lắm rồi Liễu mới được nghe những ngôn từ “xa xỉ” kiểu như vậy. Hình như các mạch máu trong cơ thể Liễu đang chạy rần rật. Liễu đưa mắt nhìn ra xung quanh, mỗi bàn là một đôi nam nữ đang ngồi thủ thỉ tâm sự, tay nắm tay vô cùng tình tứ. Quen Thịnh chưa lâu nhưng Liễu thấy như thân thiết, gần gũi lắm. Rồi không biết vì lý do gì trên đường về chiếc xe chở hai người vô tình dừng ở cửa một khách sạn. Cậu tiếp tân chạy ra nhiệt tình xi nhan cho xe nhưng Thịnh đánh lái từ từ lướt qua. Cả hai không nói gì. Lúc chào ra về hình như Liễu đã gọi Thịnh bằng một danh từ xưng hô nào đó, nhưng không phải là chú.

***

Thịnh không chỉ là chỗ dựa về vật chất mà cả về tinh thần cho mẹ con Liễu. Những lúc vui, những lúc buồn, những lúc chịu cảnh ấm ức với nhà chồng và ngay cả khi bố mẹ dưới quê có việc cần giúp đỡ thì Thịnh luôn kịp thời động viên, chia sẻ, gánh bớt những lo toan cho liễu. Đâu có đồ ăn ngon Thịnh đều đưa Liễu đến thưởng thức. Cao hổ, cao ngựa bạch Thịnh nhờ người quen mua hộ gửi về cho “mẹ vợ”, chiếc ví, đôi dép, đi đâu thấy đẹp Thịnh đều mua cho cô. ai cũng bảo Liễu may mắn lắm mới tìm được người đàn ông như thế, chả hơn khối những người mang tiếng có chồng, đã làm việc quần quật kiếm tiền, lại phải phục vụ nhà chồng, lựa trên lựa dưới… Nhìn Liễu trẻ hẳn ra, da trắng hơn, má đượm sắc hồng, thân hình thêm phần đầy đặn. Gái một con mà như gái chưa chồng. Mấy người đến đặt vấn đề muốn cùng Liễu đi bước nữa nhưng đều nhận được câu trả lời từ chối. Mọi người không hiểu cứ thắc mắc tại sao cái anh Bành dở người ấy lại có thể trú ngụ trong trái tim Liễu lâu đến vậy. Liễu thì tỏ ra thản nhiên như không bởi Liễu biết mình đang làm gì và điều gì đang chờ đợi phía trước.

Thịnh hứa nếu Liễu chịu làm người đàn bà riêng của anh ta thì tiền sẽ được chuyển hàng tháng vào tài khoản riêng của cô. Với số tiền ấy, mẹ con Liễu không phải lo lắng đến cuộc sống thường ngày. Suy nghĩ đi suy nghĩ về, Liễu đồng ý gặp Thịnh tại một nhà nghỉ tận sâu trong ngõ.

Căn phòng được sơn màu vàng be, tấm rèm cửa bằng voan màu sữa mơn man bên ô kính xanh màu ngọc bích. Chăn đệm trắng tinh phảng phất mùi oải hương khiến dây thần kinh của con người ta dễ sa vào mộng mị. Liễu giật thót khi tiếng chốt cửa đánh tách một tiếng. Tự dưng Liễu có cảm giác bất an. Liễu xin phép được vào nhà tắm. Liễu vặn nước rồi cứ kệ cho nó chảy. Liễu mong sự xối xả của nước sẽ giấu được sự lúng túng của mình. Qua ô kính cửa phòng tắm, Liễu thấy màn hình ti vi lúc sáng lúc không, bóng Thịnh đi đi lại lại. Cố trấn tĩnh mà chân tay Liễu cứ lóng ngóng mãi mới mở nổi cửa bước ra ngoài. Liễu ngồi mớm ở mép giường.

– Hôm nay chỉ có anh với em thôi nhé! – Rất nhanh chóng, Thịnh ngồi sát vào người Liễu.

– Vâng.

Tiếng “vâng’ của Liễu miễn cưỡng đến mức Thịnh phải ngồi nhích ra một chút. Thịnh lấy tất cả sự dịu dàng để trấn an cô:

– Sao thế? Em có gì mà phải băn khoăn? Đâu mình em, chị gái em và ngay cả cô Lan cũng phải tìm cho mình một người đàn ông xứng đáng khi cần một chỗ dựa… Em nói em yêu anh đúng không?

– Vâng…

Không đợi hết câu trả lời của Liễu, Thịnh luồn tay qua eo cô, rất nhanh kéo cô vào lòng, hít một hơi thật sâu trên tóc cô như đang cố tìm kiếm một mùi hương nào đó.

Liễu ngồi im cố dìm mọi suy nghĩ. Tự dưng Liễu thấy mình rẻ rúng hơn bao giờ hết. Bàn tay Thịnh chầm chậm lướt qua vai cô cùng chiếc khăn tắm tuột xuống nền nhà. Liễu rùng mình. Thịnh chắc chỉ kém bố cô chưa đến 3 tuổi… “Rồi sẽ quen thôi, một đời chồng rồi có gì mà sợ. Thằng quốc có quyền được hưởng tất cả những thứ mà những đứa trẻ có bố có mẹ đang được hưởng. Mình chịu khổ, chịu nhục là vì con cơ mà”…

Liễu nhắm mắt, các cơ như chết cứng. Hơi thở của Thịnh rất gần, gấp gáp và nóng hổi. Bàn tay Thịnh siết mạnh trên vai khiến Liễu co rúm lại. “Em xin lỗi, em không… không làm được”. Nói rồi Liễu quơ vội khăn chạy thẳng vào nhà tắm. Có tiếng gõ cửa, tiếng đập cửa nhưng tai liễu như ù đi, tiếng khóc nấc lên át cả tiếng gọi. Liễu lấy hết sức đè cả người vào cánh cửa, chỉ sợ cánh cửa sẽ bất ngờ bị mở toang.

Liễu nghe tiếng đổ vỡ, và hình như có cái gì đó bị ném về phía phòng tắm. Tiếng “Chiết tiệt” bị kẹt lại phía trong cánh cửa bị đóng mạnh đột ngột. Không gian tự nhiên trở nên im ắng đến kỳ lạ. Từ phòng tắm Liễu nghe rõ tiếng đùa rúc rích ở phòng bên, tiếng bước chân rất nhanh, tiếng cánh cửa đóng vội của phòng đối diện. Không còn tiếng động ngoài phòng khách, liễu mới rón rén trở ra. Mọi thứ ngổn ngảng, bừa bộn. Trên chiếc giường chưa kịp đón khách vẫn còn vương lại dấu tích của những cuộc yêu trước đó. Liễu vội mặc quần áo, lao ra khỏi phòng rồi cứ thế chạy như có ai đang đuổi sát phía sau..

***

Đêm mùa đông không còn mùi nồng nàn của hoa sữa, không có vẻ diệu kỳ, đôn hậu của ánh trăng, chỉ còn sương, còn gió lạnh và mưa phùn quấn riết. Cây ngọc lan trước cửa ướt sũng bởi những hạt nước li ti. Thân cây mốc thếch, những chiếc lá đồng loạt úa vàng để chống chọi với cái rét. Liễu khép cửa, đi vào nhà. Em gái Liễu đã ngủ say, còn thằng Quốc cuộn tròn giữa đống chăn gối. Liễu cúi xuống, hôn lên chiếc má phinh phính đã bắt đầu hồng lên vì nẻ. Thằng Quốc ngọ nguậy ra chiều không thích. Liễu khẽ vuốt vuốt những lọn tóc tơ của thằng bé gọn sau vành tai. Liễu đi về phía bếp, chất thêm mấy thanh củi. Những hạt than hồng như những bông hoa lửa bùng lên, lập loè trong gian bếp. ngọn lửa rực lên thứ ánh sáng ma mị làm mọi thứ trong mắt Liễu nhoè đi. Tất cả cứ lướt qua, lướt qua như hư như thực. Mọi thứ trở nên ngả nghiêng, lóng lánh, diệu vợi…

Ngoài kia những ngọn gió cô đơn đang lang thang đi kiếm tìm nơi trú ngụ…

N.N.Y

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm