- Truyện
- Một lần trốn chạy | Truyện ngắn dự thi của Tịnh Vũ
Một lần trốn chạy | Truyện ngắn dự thi của Tịnh Vũ
1.
Đặt lon bia xuống đất, Hoa đưa tay quệt nhẹ ngang miệng. Vài giọt bia còn đọng lại nơi khóe mép, ướt lan sang mặt cô. Cảm giác rít rít, dính dính của men bia ngày nào cũng làm Hoa cảm thấy khó chịu. Nhưng không uống không được. Hoa cảm giác như mình sẽ chết vì buồn bực và bế tắc tận cùng nếu không được uống bia. Phải có hơi men thì Hoa mới không suy nghĩ nhiều. Mà đúng hơn là sau khi uống, cơ thể mệt nhoài, cô chẳng còn sức để mà nghĩ nữa.
Thở dài một tiếng, Hoa buông mình nằm xuống bãi cỏ. Cỏ đêm ướt đẫm sương. Buông hai tay trên mặt đất, Hoa nhìn đăm đăm vào ánh trăng vằng vặc đang chiếu thẳng vào cái dáng người gầy nhom, yếu ớt và rũ rượi của mình.
Đêm nào cũng vậy. Khoảng 11 giờ đêm, khi khách đã vãn bớt, Hoa lại xách hai lon bia ra cánh đồng trước ngõ, rồi cứ một mình một trăng, Hoa ngồi lì ở đó. Giữa thênh thang gió, nhiều đêm Hoa khóc, rồi cũng có lắm khi Hoa cười như điên. Vừa nói chuyện một mình, Hoa vừa cười. Vừa cười, Hoa vừa chửi. Mà chửi ai đâu, Hoa chửi ánh trăng, chửi cuộc đời. Hoa cứ nói số mình khốn nạn vì cuộc đời dung túng cho những kẻ thất đức. Vì có những kẻ thất đức nên họ mới bắt, mới đánh và giam lỏng Hoa ở cái xứ khỉ ho cò gáy này.
Khóc mãi đến sưng cả mắt, vào nhà Hoa lại bị đánh tiếp. Lâu dần, Hoa chai lỳ và quên luôn cả cách khóc. Bà Diệu thường ngồi gấp một chân trên tấm phản lớn, vừa đưa ngón trỏ lên miệng liếm một cái rồi xoành xoạch đếm tiền, bà vừa nói:
- Trước giờ đi ngủ mà mày còn khóc. Sáng mai tỉnh dậy, mặt mũi sưng húp lên thì khách nào mà chịu. Làm sao mày tiếp khách được? Phải đánh cho mày tỉnh ra.
Nói rồi, bà lệnh cho mấy thằng con trai, thanh niên có, thiếu niên có, tụi nó đứa thì tát, đứa thì dùng dây nịt quất vào người cô rịn cả máu.
- Đánh tiếp cho tau, đã lỡ khóc rồi thì cho nó khóc tiếp. Ngày mai cho nó làm việc nhà, khỏi tiếp khách.
Cũng có đứa chùn tay mà không nỡ đánh Hoa. Nhưng nếu tha cho Hoa thì ai sẽ tha cho tụi nó. Ở đây, tất cả đều chịu sự quản lý của bà Diệu. Ngày này qua ngày khác, bà cứ giương giương tự đắc chỉ một gương mặt duy nhất, vui cũng như buồn. Nếu không có những nụ cười ngẩng cao mặt lên trời hỉ hả thì khó ai biết được trong lòng bà có đang vui hay không. Có một lần Hoa bắt gặp cảnh bà uống thật say, ôm chai bia mà ầng ậng nước mắt. Bà khóc quằn quại một mình trong căn phòng trang hoàng đủ thứ váy vóc, trang sức và lắp gương kín những bức tường. Nhìn về góc nào cũng thấy cặp mắt đỏ lòm của bà đang hằn rõ những vệt tia máu. Cảnh tượng ấy đã khiến cô sợ hãi và ám ảnh theo vào giấc ngủ suốt một tháng trời. Vậy mà sáng hôm sau, bà Diệu vẫn tỉnh bơ như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Bà vẫn quát nạt, vẫn đay nghiến, vẫn cười sảng khoái trên những đồng tiền giày vò thân xác và bóc lột sức lao động của những đứa con gái như Hoa và mấy thằng con trai chỉ biết đến mùi đời ở trong cái “trại tù” này.
Hoa đưa lon bia lên miệng, nốc một hơi dài. Hơi men cay xè nơi cổ họng. Cô ngước thẳng lên nhìn trăng lẩm nhẩm “4 năm, 7 tháng, 19 ngày, khốn nạn, quá khốn nạn” rồi lại uống thêm một hơi nữa.
Bỗng nhiên cô thấy buồn cười. Ở đây đã hơn bốn năm rưỡi, nhưng thân thuộc với Hoa nhất chỉ có ánh trăng đó. Nó luôn nhìn Hoa cái kiểu nửa vời và đầy giễu cợt. Mây kéo qua thì nó nấp. Mây bay mất thì nó lại ngạo nghễ xuất hiện trước mặt Hoa. Cô cảm giác như nó luôn tuyên bố “Tao ở đây, tao thấy hết. Nước mắt, nụ cười, sự ê chề, nhục nhã gì của mày thì tao cũng biết hết, mà tao mặc kệ mày thôi”.
2.
Gió bỗng nhiên từ đâu dội lên thật mạnh. Những lùm cỏ quanh chỗ Hoa nằm cứ đập phần phật vào nhau. Lẫn trong gió, Hoa nghe rõ tiếng ếch nhái kêu van. “Chắc trời sắp mưa rồi đây!” - Hoa tặc lưỡi. Hễ cứ nghĩ đến chuyện trời mưa, không được ra đây nằm phơi sương, ngắm trăng và thở dài chán chê để đếm ngày đếm tháng, Hoa thấy buồn lạ.
Rỉ rả trong mấy đám cỏ, thi thoảng cô còn nghe tiếng dế kêu rõ mồn một. Bất chợt, Hoa nhớ nhà khủng khiếp.
Nhà có 4 anh chị em, Hoa là con út nên được ba mẹ cưng chiều nhất. Cả cái làng An Gia rộng ơi là rộng, nhà giàu có, nghèo có nhưng nhắc đến chuyện ba mẹ nâng niu như trứng mỏng thì ai cũng biết tên Hoa. Từ nhỏ, Hoa muốn gì được nấy. Ngoài việc phải hằng ngày cắp sách đến trường, cô không phải động tay động chân làm bất kỳ việc gì. Thành thử ra Hoa sinh hư. Mỗi lần muốn gì, Hoa phải làm cho bằng được.
Có hôm thấy lũ bạn nghịch nước dưới khúc sông ngay trước nhà vui quá, Hoa cũng muốn xuống tắm. Nhưng cô không biết bơi. Thế là Hoa chạy một mạch về nhà, vừa nhõng nhẽo vừa kéo bằng được anh Hai ra bờ sông. Hoa bắt anh mình phải vừa cõng cô trên lưng, vừa lội dần xuống nước. Hoa ghì chặt hai bả vai của anh Hai mà đạp chân bì bõm cho đến khi chán mới chịu về nhà.
Hoa 18 tuổi, đang lúc chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông thì nghe lời rủ rê của bạn bè, lên Lao Bảo chơi một chuyến cho bớt căng thẳng. Mặc cho cả nhà khuyên răn, Hoa vẫn đi. Cô theo lũ bạn, bắt xe thồ lên Đông Hà. Rồi từ Đông Hà lại theo chuyến xe gió lên thẳng Lao Bảo chỉ hơn 1 giờ đồng hồ. Ở đó, lần đầu tiên cô uống bia. Lần đầu tiên Hoa xây xẩm mặt mày vì hơi men và ói lên ói xuống. Khi tỉnh lại, cô không còn biết đường về nhà nữa. Thế là cuộc đời Hoa, vốn sẽ tiếp tục bằng phẳng và ấm êm dưới sự bảo bọc của ba mẹ lại trở nên nhàu nhĩ, tan tác và ê chề suốt chừng ấy năm.
Hoa vẫn luôn nói nơi này là trại tù. Lần đầu, bà Diệu tát thẳng vào mặt cô và nói “Mày nghĩ mày ở tù mà được ăn ngon mặc đẹp vầy hả con?”. Lần hai, bà Diệu nhéo thật mạnh vào hông cô khi quát lớn “Ờ thì ở tù, nhưng có cơm dâng tận miệng, nước rót tận giường, mày oán cái gì nữa hả con kia?”. Lần ba, bà Diệu liếc Hoa bằng một ánh mắt bén ngót rồi cứ thế đi ra ngoài, bỏ mặc cô đang tự xỉ vả chính mình trong góc nhỏ phòng vệ sinh còn hằn đầy những vết giày dép dơ bẩn.
Lâu dần thành quen! Tất cả những cảm xúc, những chịu đựng, với Hoa và những cô gái ở đây, dần cũng thành thói quen. Từ chỗ không biết uống bia, giờ Hoa nghiện. Đêm nào cô cũng mang hai lon bia ra ngồi giữa cánh đồng này và một mình uống ừng ực từng ngụm dài. Có khi uống nhiều quá, Hoa cảm giác như bia hóa thành nước mắt lúc nào chẳng biết. Rõ ràng là cô không khóc, chỉ có con nhỏ nào đó ở bên trong cô cứ muốn thoát ra ngoài nức nở. Nó cứ gào mãi, từng ngày từng giờ. Nó bảo Hoa “Trốn đi, mày phải tím cách trốn cho bằng được, trốn đi”. Nhưng Hoa nào đâu dám.
Hai năm trước, Hoa đã từng trốn. Hôm đó là ngày kỷ niệm của bà Diệu. Mọi người chỉ được biết đó là một ngày đặc biệt, không tiếp khách, không đánh đập, không mắng nhiếc. Còn chính xác nó là ngày gì thì chẳng ai rõ.
Tất cả mọi người được phép ăn uống no say và cùng nhau ca hát. Hoa không uống. Cô vẫn giả vờ nghiêng ngửa khi liên tục đưa ly bia lên nhấp môi và lén quan sát thái độ của bà Diệu. Không hiểu nguyên cớ gì, bà Diệu uống thật nhiều và nói cũng thật nhiều. Đó cũng là lần duy nhất Hoa vô tình nhìn thấy được góc khuất của bà Diệu khi bà rũ rượi khóc trong căn phòng lắp kín gương kỳ lạ của mình.
Chỉ là Hoa không hề biết, những người như cô vốn là tầm ngắm của bà Diệu kể từ khi chồng bà ngoại tình và bỏ bà đi theo một người phụ nữ khác. Cũng tóc ngắn ngang vai, nhuộm vàng, giống Hoa lúc 18 tuổi. Vì người phụ nữ đó mà bà mất đi giọt máu mới hơn 10 tuần thai. Thế là bà hận. Và Hoa cũng chỉ là một trong những đối tượng vô tình lọt vào tầm mắt của bà Diệu, trở thành một công cụ để bà trả thù đời. Ở đây, không ai được phép có thai dù ngày này qua tháng nọ phải tiếp rất nhiều khách hàng khác nhau. Vậy mà Hoa vẫn vô tình để một giọt máu rơi vào người mình. Thai được hơn 2 tháng, cô vẫn không biết. Những đêm uống rượu ngoài bãi cỏ, những chuếnh choáng say và chân thấp chân cao bước vào nhà đã khiến Hoa vấp ngã rồi sảy thai. Bà Diệu gọi bác sĩ đến nhà, khám cho Hoa. Hoa vừa chớm khỏe, bà vừa đay nghiến, vừa đánh Hoa và bỏ đói cô vì cái tội không nghe lời bà. Những cô gái khác nhìn thấy cảnh Hoa bị giày vò, ai cũng sợ. Họ nép về một phía, nhìn Hoa đau đớn rên la. Tất cả họ rấm rứt khóc trong đêm. Vì Hoa mà họ khóc, nhưng thật ra đang khóc cho chính mình. Ai cũng sợ cơn giận của bà Diệu. Ai cũng lo lắng những rủi ro. Và hơn hết, họ nghĩ chẳng may một hình hài thai nhi tụ lại nơi bất kỳ người nào trong số họ thì số phận của họ và của đứa nhỏ sẽ thê thảm như thế nào.
Sau lần đó, Hoa quyết tâm trốn đi. Nhưng cô không biết đây là nơi nào. Muốn trốn đi thì phải có tiền, cô lén giấu tiền không quá khó. Nhưng phải biết đường đi, quan trọng vẫn là trốn làm sao để không bị bắt lại. Nếu không, cô sẽ lại bị đánh nhừ tử và phơi nắng, phơi sương suốt 3 ngày dài không cho ăn gì cả. Lúc ấy thì chỉ có chết thôi. Nhưng chết cũng không sao, vì Hoa cũng đã từng tự sát. Cô có sợ gì chuyện sống chết. Ở cái trại tù này, chết cũng là một lựa chọn hạnh phúc. Nhưng bà Diệu dễ gì để cho đứa nào chết. Tất cả những cô gái như Hoa là công cụ kiếm tiền của bà Diệu, làm sao bà ấy để cho cô được chết một cách dễ dàng. Mà quan trọng nhất là, lúc này Hoa không thể chết. Cô đã lỡ một lần để sảy mất một đứa con, lần này cô quyết phải giữ lại cho bằng được. Hoa có thai rồi. Cô đã uống thuốc theo lời bà Diệu. Nhưng nó vẫn đến với cô. “Nó đã chọn mình làm mẹ, chắc chắn phải có lý do thì con mới đến với mình, phải giữ, phải giữ cho bằng được” - Hoa nhiều lần nghĩ như vậy kể từ khi biết đến sự xuất hiện của đứa nhỏ. Nó là giọt máu của cô. Dù không biết cha nó là ai, dù cô có nhem nhuốc thì nó cũng xứng đáng được sinh ra như bao đứa trẻ khác. Vì vậy, Hoa phải tìm cách trốn bằng mọi giá. Cũng vì lý do đó mà đêm nay Hoa mang ra hai lon bia, nhưng chỉ uống vài ngụm cho thỏa cơn thèm và để không ai nghi ngờ. Phần còn lại cô sẽ đổ hết giữa đám cỏ, cũng chẳng ai biết được.
3.
Đêm đã dần tàn. Hoa nhỏm dậy, khui nốt lon bia còn lại, dốc ngược nó xuống bãi cỏ. Gió thổi hơi bia bay xộc vào mũi Hoa, nghe nhạt thếch. Mắt chăm chú nhìn theo từng giọt bia rơi khỏi miệng lon, Hoa vừa lẩm nhẩm tính rồi thở dài liên tục “Bốn, hai, tính thêm mấy sào ruộng, cũng gần 7 cây số, xa quá, mi tính chạy nổi không Hoa?”.
Hoa vốn không biết đây là xứ nào hay bằng cách nào có thể ra khỏi được địa bàn của bà Diệu. Nhưng mấy lời của vị khách trung niên hôm trước cứ lặp đi lặp lại trong đầu cô, không thể nào thôi nghĩ đến nó được. “Em chạy hết mấy sào ruộng, chạy liên tục 4 cây số, gặp một ngã ba đường, rẽ phải rồi chạy thêm 2 cây số nữa sẽ gặp trạm kiểm soát nhỏ nằm ngay dưới bóng cây cổ thụ lớn. Vào đó, em nhờ người ta giúp cho” - Hoa bỗng giật mình khi nhớ đến chỉ dẫn của người đó rồi chột dạ nghi ngờ.
“Nhỡ đâu người khách đó là của bà Diệu sắp đặt thì chết, chỉ có chết thôi Hoa ơi!”.
“Nhưng không liều thì cái thai làm răng đây, không lẽ lại sảy một lần nữa hả Hoa?”.
“Có trốn được không, chạy nổi không, xa quá trời ơi!”.
“Mặc kệ thôi, liều một lần nữa, không trốn được thì coi như cái số thôi Hoa”.
Cô nhìn chằm chằm vào lon bia trên tay và liên tục lẩm bẩm. Suy nghĩ này đuổi theo ý nghĩ khác. Hoa sợ! Kể từ khi có ý nghĩ bỏ trốn lần đầu tiên, Hoa chưa từng chọn phương án về lại quê cũ. Cô thấy mình đã nhàu nhĩ, tàn tạ và thê thảm đến tận cùng. Cô không còn đủ can đảm đối diện với cả nhà mặc dù sự nhớ thương cứ ngập đầy trong tâm trí và ngày càng dày thêm lên. Hoa sẽ trốn đến một nơi thật xa lạ. Chỉ cần có cơ hội ra khỏi đây, chỉ cần có thể ném bỏ sau lưng những ngày tháng tăm tối và ê chề ở địa ngục trần gian này thì đi đâu cũng được, không nhất thiết phải về nhà. Vừa chua chát lại vừa hy vọng, Hoa nuốt ực nước bọt xuống cổ một cách sợ hãi.
Trăng vẫn soi sáng mấy cánh đồng rộng thênh thang. Gió lùa qua từng vạt lúa. Hoa nghe rõ từng âm thanh cuộc đời đang gọi mình, rõ mồn một. Phía xa xa, Hoa thấy mình đứng đó, nở nụ cười nhìn chính mình. Hoa ở đó, đưa một bàn tay ra, bảo cô hãy đứng dậy đi, hãy tự mình giải thoát cho mình và cái thai vừa tượng hình trong bụng, đừng để bà Diệu làm hại nữa.
“Hai ngày nữa bà Diệu sẽ đi lấy “hàng”, mình phải nhân cơ hội đó, phải liều một lần thôi”. Ánh mắt Hoa đảo qua lại liên tục. Cô ngồi co ro ôm gối, hai tay đan chéo qua, bàn tay bóp chặt hai bắp tay. Một giọt nước mắt rơi xuống. Cô duỗi chân ra, nhìn xuống bụng.
- Mẹ sẽ đưa con ra khỏi đây. Lần ni, hai mẹ con mình sẽ thoát thôi, chắc chắn sẽ thoát, con đừng lo.
4.
- Tui đưa đủ phần tiền ngày ni rồi nghe. Tui ra uống bia đây, nóng quá.
Hoa nói với thằng Trung quản lý rồi quay mặt về phía kệ nước, đưa tay bốc hai lon bia, bỏ vào bao rồi hướng thẳng ra ngõ. Hễ mỗi lần bà Diệu ra ngoài thì thằng Trung lại là trùm ở đây. Nếu nó vui, đứa nào cũng thoải mái, yên ổn. Nếu nó buồn, nó đánh còn hơn cả cơn giận của bà Diệu. Thế nên, không chỉ Hoa mà những cô gái khác, ai cũng rụt rè khi đứng trước mặt Trung những lúc thế này.
Trưa nay, trước khi đi, bà Diệu đóng chặt cửa phòng rồi quay lại xẵng giọng dặn dò “Mấy đứa bây coi quán xuyến nhà cửa, tao đi sáng mai về liền. Ở nhà xảy ra chuyện gì là coi chừng tao”. Có vẻ bà Diệu đang không vui. Vài nếp nhăn ở hai khóe mắt của bà nhíu lại. Bà đảo mắt nhìn Hoa, chững lại tầm vài giây rồi lia tiếp ánh mắt bén ngót của mình sang những người khác. Đến cả thằng Trung cũng gãi gãi đầu nói lí nhí mà không dám nhìn thẳng vào mắt bà “Mọi chuyện má cứ để con lo, má cứ yên tâm”.
Hoa bước từng bước chậm rãi ra ngõ. Vẫn cái dáng bất cần đó, Hoa đi thong thả. Vừa đi, cô vừa khui một lon bia, đưa lên miệng nhấp nhẹ một ngụm. Trăng đã lên cao. Bầu trời sáng rực không một gợn mây. Từ chỗ Hoa hay ngồi hằng đêm, cô liếc về phía trại tù mang tên “nhà bà Diệu”. Không thấy ai, cô chống hai tay ra sau lưng, nhích dần về phía đống rơm ở gần đó. Mấy hôm nay, đêm nào Hoa cũng nhét một vài thứ trong người khi mang bia ra đây ngồi uống. Hoa giấu chúng ngay dưới đống rơm. Lúc thì cái áo, lúc là cái khăn, có lúc Hoa mang vừa bia vừa nước suối để uống, nhưng thực chất là cô giấu nước suối ở đó, chờ lúc trốn đi.
Đêm nay Hoa sẽ trốn. Thằng Trung đã từ lâu không còn nghi ngờ gì Hoa nữa. Từ đợt Hoa bị đánh bầm dập vì sảy thai lần trước, chính thằng Trung đưa Hoa từ chỗ sống đến chết, rồi cũng là nó cứu Hoa từ tay thần chết về lại với bà Diệu. Vậy nên lần này nó sẽ không nghi ngờ Hoa. Đêm nào Hoa cũng ngồi đến khuya mới vào nhà. Đây là lúc tốt nhất để trốn đi, không còn cơ hội nào tốt hơn được nữa.
Hoa dùng tay bới vội đống rơm và lấy hết những thứ đã giấu ở đó. Cô cho chúng vào trong cái bao đựng bia lúc nãy.
Cô đứng thẳng dậy. Một lần nữa nhìn về hướng căn nhà đó, không thấy động tĩnh gì, Hoa bắt đầu quay lưng bỏ chạy. “Chỉ cần ra khỏi đây sẽ sống, cố lên Hoa ơi, cố lên Hoa ơi!”. Trăng rực đỏ trên đầu. Đêm 16, ánh trăng cháy rực soi tỏ cuộc đời Hoa.
Bà Diệu bước chậm ra trước ngõ. Tựa lưng vào trụ cổng, bà nhìn theo cái dáng nhỏ vẹo xiêu đầy sợ hãi của Hoa đang chạy vội vàng. Thằng Trung đứng cạnh, châm điếu thuốc, hỏi bà:
- Cứ để hắn đi vậy hả má? Nhỡ đâu…
- Khoảng 3, 4 giờ sớm mai, dọn dẹp hết, chuyển qua chỗ mới nghe chưa?
Bà Diệu vẫn nhìn thẳng về hướng Hoa, vừa ngắt lời Trung. Mặc kệ thằng Trung đang rất thắc mắc vì sao bà lại dễ dàng tha cho Hoa trốn chạy. Dù biết rõ bà Diệu chỉ giả vờ đi khỏi nhà, tạo cơ hội cho Hoa tìm cách bỏ trốn, nhưng thằng Trung không dám hỏi.
Bà Diệu quay lưng, bước vào nhà. Ngẩng mặt nhìn lên ánh trăng vằng vặc trên đỉnh đầu, bà thở dài, khóe mắt bất chợt ngấn nước. “Lần này mày phải giữ cho được cái thai, phải sinh ra và nuôi con cho thật tốt, đừng có như tao nghe chưa Hoa?”. Bà Diệu đăm đăm nhìn thẳng vào ánh trăng và mong nó chiếu sáng hơn nữa, rọi tỏ cho Hoa băng ruộng, băng đường mà đi.
T.V