TIN TỨC
  • Lý luận - Phê bình
  • “Dòng sông thơ ấu” như là dòng chảy cuộc đời của nhà văn Nguyễn Quang Sáng

“Dòng sông thơ ấu” như là dòng chảy cuộc đời của nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-12-07 19:37:27
mail facebook google pos stwis
342 lượt xem

HÀ THANH VÂN

(Tham luận đọc tại Hội thảo “Nhà văn Nguyễn Quang Sáng – Cuộc đời và sự nghiệp”)

Nguyễn Quang Sáng (12/1/1932 – 13/2/2014), còn có bút danh là Nguyễn Sáng, là một nhà văn nổi bật của văn học Việt Nam hiện đại, sinh ra tại xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ông dấn thân vào sự nghiệp văn chương và gặt hái nhiều thành công trong giai đoạn đất nước trải qua nhiều biến động, từ thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ đến thời kỳ đổi mới. Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II về văn học nghệ thuật được trao cho Nguyễn Quang Sáng vào năm 2001 là sự ghi nhận cao nhất cho những đóng góp của ông vào nền văn học Việt Nam hiện đại.


TS Hà Thanh Vân phát biểu tham luận tại Hội thảo, sáng 6/12/2024.

 

Một tuổi trẻ sôi nổi với kháng chiến và văn chương

Nguyễn Quang Sáng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và bắt đầu sáng tác từ những năm 1950. Ban đầu, ông chủ yếu viết các truyện ngắn về cuộc sống và chiến đấu ở miền Nam. Nguyễn Quang Sáng phản ánh lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu của nhân dân Nam Bộ thông qua những câu chuyện giản dị nhưng xúc động, đặc biệt là trong các truyện ngắn của ông. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ở thập niên 1960 – 1970, Nguyễn Quang Sáng chuyển sang viết văn xuôi, tập trung khai thác hiện thực chiến tranh và đời sống người dân Nam Bộ. Tác phẩm tiêu biểu thời kỳ này là “Chiếc lược ngà”, một truyện ngắn cảm động về tình cha con giữa khói lửa chiến tranh. Thời kỳ này, Nguyễn Quang Sáng ghi dấu ấn mạnh mẽ với những tác phẩm mang đậm chất nhân văn, phản ánh cuộc sống chiến tranh khốc liệt nhưng tràn đầy tình người. “Chiếc lược ngà” là minh chứng cho khả năng khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật trong hoàn cảnh chiến tranh. Sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, Nguyễn Quang Sáng tiếp tục sáng tác về cuộc sống thời hậu chiến, các mâu thuẫn xã hội trong thời kỳ xây dựng và đổi mới đất nước. Ông chuyển sang phản ánh những thay đổi xã hội, khai thác các vấn đề xã hội, đạo đức và con người.

Những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Quang Sáng là “Con chim vàng” (tập truyện ngắn, 1956), “Người quê hương” (tập truyện ngắn, 1968), “Nhật ký người ở lại” (tiểu thuyết, 1961), “Đất lửa” (tiểu thuyết, 1963), “Câu chuyện bên trận địa pháo” (truyện vừa, 1966), “Chiếc lược ngà” (tập truyện ngắn, 1966), “Bông cẩm thạch” (tập truyện ngắn, 1969), “Cái áo thằng hình rơm” (truyện vừa, 1975), “Mùa gió chướng” (tiểu thuyết, 1975), “Người con đi xa” (tập truyện ngắn, 1977), “Dòng sông thơ ấu” (tiểu thuyết, 1985), “Bàn thờ tổ của một cô đào” (tập truyện ngắn, 1985), “Tôi thích làm vua” (tập truyện ngắn, 1988), “25 truyện ngắn” (1990), “Paris – tiếng hát Trịnh Công Sơn” (1990), “Con mèo của Foujita” (tập truyện ngắn, 1991), “Nhà văn về làng” (tập truyện ngắn, 2008).

Nguyễn Quang Sáng còn là nhà biên kịch phim xuất sắc, với các tác phẩm kinh điển như bộ phim “Cánh đồng hoang”, được tặng Huy chương vàng liên hoan phim toàn quốc (1980), Huy chương vàng liên hoan phim quốc tế ở Moskva (1981); “Mùa gió chướng đoạt Huy chương bạc liên hoan phim toàn quốc (1980). Ông cũng là tác giả kịch bản của nhiều bộ phim khác như “Pho tượng” (1981), “Cho đến bao giờ” (1982), “Mùa nước nổi” (1986), “Dòng sông hát” (1988), “Câu nói dối đầu tiên” (1988), “Thời thơ ấu” (1995), “Giữa dòng” (1995), “Như một huyền thoại” (1995).

Nguyễn Quang Sáng được xem là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học cách mạng Việt Nam. Với phong cách viết mộc mạc, giản dị nhưng giàu cảm xúc, ông khắc họa thành công cuộc sống và tâm hồn con người miền Nam trong các thời kỳ chiến tranh và hòa bình. Nguyễn Quang Sáng nổi bật với khả năng khai thác các khía cạnh đời thường trong những hoàn cảnh đặc biệt. Các tác phẩm của ông không chỉ là câu chuyện cá nhân mà còn là câu chuyện chung của dân tộc, phản ánh trung thực và sâu sắc sự chuyển mình của đất nước. Ông có đóng góp lớn cho thể loại văn xuôi và dòng văn học chiến tranh.


TS Hà Thanh Vân (đeo kính) tại buổi hội thảo “Nhà văn Nguyễn Quang Sáng – Cuộc đời và sự nghiệp” - Ảnh Trần Quang Khánh.


“Dòng sông thơ ấu” là hoài niệm và cũng là dòng đời tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Quang Sáng

“Dòng sông thơ ấu” là một trong những tác phẩm nổi bật của Nguyễn Quang Sáng, được xuất bản vào năm 1985. Đây là câu chuyện về tuổi thơ của nhân vật lấy cảm hứng từ chính tuổi thơ của nhà văn và những người bạn ở một vùng quê Nam Bộ, với dòng sông gắn liền cuộc sống của họ. “Dòng sông thơ ấu” có nguyên mẫu là dòng sông Tiền chảy qua làng Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, An Giang, quê hương của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Dòng sông dưới ngòi bút của Nguyễn Quang Sáng cũng trở thành một dạng nhân vật, như lời ông Hai Thợ Bạc, một nhân vật trong tác phẩm hay triết lý: “Nỗi nhớ của con người có lúc nó nằm yên rồi chợt gặp một dáng đi, giọng nói của ai đó, hoặc gặp một bài hát mà nó hay hát, nỗi nhớ lại dâng lên cuồn cuộn như sóng. Và kỷ niệm như những con thuyền trăn trở không yên. Nỗi nhớ như con sông vẫn chảy mãi trong đời người”. Năm 1995, tác phẩm “Dòng sông thơ ấu” được dựng thành phim với tên gọi “Thời thơ ấu” do chính nhà văn Nguyễn Quang Sang chuyển thể thành kịch bản phim, với sự tham gia của các diễn viên như Thành Lộc, Quyền Linh, Mỹ Hạnh, Mạc Can...

Tác phẩm “Dòng sông thơ ấu” xoay quanh hồi ức tuổi thơ hồn nhiên nhưng cũng đầy khó khăn của nhân vật trong bối cảnh Nam Bộ trước năm 1945 với điểm nhấn là những ngày hào hùng đầy chất sử thi của tháng 8/1945, nhưng tiểu thuyết in dấu trong lòng người đọc lại là nét văn hóa đặc trưng sông nước của miền Tây, với những con người hồn hậu, nghĩa tình. Qua dòng sông, nhà văn gợi lên hình ảnh quê hương yên bình nhưng cũng đầy biến động của những năm tháng đã qua, phản ánh mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, con người và xã hội đặt trong một bối cảnh lịch sử đặc thù

“Dòng sông thơ ấu” phản ánh bức tranh tuổi thơ miền Tây Nam Bộ. Đó là một câu chuyện về tuổi thơ không chỉ của riêng nhân vật mang tên “Năm” theo thứ bậc của người miền Tây Nam Bộ trong gia đình, mà còn là tuổi thơ chung của cả một thế hệ sống giữa khói lửa chiến tranh, trong sự đan xen giữa cái hồn nhiên và cái khắc nghiệt của cuộc đời. Dòng sông trong tác phẩm không chỉ là một không gian địa lý mà còn là biểu tượng của ký ức, của sự trưởng thành và những mất mát khó quên.

Nguyễn Quang Sáng khắc họa tuổi thơ của nhân vật chính là cậu bé Năm cùng nhóm bạn qua những trò chơi nghịch ngợm, những mẩu chuyện đời thường giản dị nhưng mang tính biểu tượng sâu sắc. Từ những trò nghịch phá của cậu bé Năm và bạn bè, cho đến những cú va chạm đầu đời với hiện thực nghiệt ngã, tác phẩm vẽ nên một bức tranh sinh động về tuổi thơ miền quê Tây Nam Bộ: vừa dung dị, thơ mộng, vừa ám ảnh bởi bóng đen của chiến tranh thế giới thứ hai và mùa thu cách mạng, kháng chiến 1945, cùng với những nét văn hóa, tôn giáo đặc trưng của mảnh đất An Giang với những nhân vật lịch sử của đạo Hòa Hảo có thật đan xen, khiến cho tác phẩm “Dòng sông thơ ấu” phảng phất bóng dáng của tự truyện.

 

“Dòng sông thơ ấu” như là nhân chứng của ký ức lịch sử

Dòng sông trong tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng hiện diện như một “nhân vật” đặc biệt, chứng kiến sự lớn lên, trưởng thành của các nhân vật, sự đổi thay của quê hương và xã hội. Qua dòng sông, Nguyễn Quang Sáng kể lại những kỷ niệm hồn nhiên, những giấc mơ dang dở và cả những nỗi đau mất mát. Nó không chỉ là không gian sinh hoạt của tuổi thơ, của sự sôi động miền quê sông nước, mà còn là nơi lưu giữ những rung động đầu đời, những bài học đầu tiên về cuộc sống. Nhân vật cô gái Chi (hay còn gọi là Trâm) là hình ảnh đẹp lưu giữ trong ký ức tác giả và gây rung cảm sâu sắc với độc giả về một người phụ nữ lặng lẽ không lập gia đình, chờ đợi người yêu đi kháng chiến cho đến khi mái tóc đã pha sương và chàng trai ấy đã hy sinh, chưa kịp một lần gặp lại.

Tác phẩm “Dòng sông thơ ấu” không chỉ dừng lại ở tuổi thơ mà còn gợi lên bức tranh lớn hơn về xã hội miền Tây Nam Bộ thời kỳ trước năm 1945 và vắt ngang qua bằng những mảnh ký ức của những năm tháng sau này. Đó là xã hội mà những mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, giữa kháng chiến và thực dân, giữa lòng yêu nước và sự cơ hội chính trị bắt đầu lộ rõ. Dòng sông không còn là chốn bình yên của tuổi thơ mà dần mang theo cả những dòng chảy của biến cố và thay đổi của lịch sử. Đó là câu chuyện treo cờ đỏ búa liềm ở Cột Dây Thép hay về nhà cách mạng Châu Văn Liêm, về giáo chủ đạo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ, về đạo Cao Đài… Dù không miêu tả trực diện, chiến tranh thế giới thứ hai và bối cảnh đất nước Việt Nam thời đó vẫn hiện lên qua những câu chuyện nhỏ, những biến cố xảy ra quanh cuộc sống của cậu bé Năm.

Ở một tầng mức ý nghĩa sâu hơn, “Dòng sông thơ ấu” là một lời tri ân đối với quê hương miền Tây Nam Bộ, cụ thể là mảnh đất An Giang đã nuôi dưỡng tâm hồn và ký ức của nhà văn. Nguyễn Quang Sáng không chỉ tái hiện vẻ đẹp của vùng đất này mà còn gợi lên một khát vọng hòa bình và những ước vọng nhân văn, cũng như quyết tâm mở lòng ra với đất nước, với kháng chiến, như lời khẳng định của cậu bé Năm, nhân vật chính trong tác phẩm: “Lâu nay, mọi người như đi trên con sông, tôi thấy bạn bè và thiên hạ, ai ai cũng có một chỗ trên chiếc thuyền của mình, còn tôi, cứ phải lặn hụp, ngoi ngóp trên mặt sông. Đêm ấy, tôi như thấy được bóng dáng chiếc thuyền của mình, tôi sẽ bơi tới.”

 

“Dòng sông thơ ấu” và chất miền Tây Nam Bộ đậm đặc

Nguyễn Quang Sáng sử dụng giọng văn mộc mạc, gần gũi, mang đậm phong vị Nam Bộ. Từ cách xây dựng lời thoại đến cách miêu tả thiên nhiên, con người, ông đưa người đọc hòa mình vào không gian miền quê thân thuộc, cảm nhận được cả mùi bùn, mùi nước sông, ở đó có những con người miền Tây khẳng khái, nhân hậu, nghĩa tình. Ngôn ngữ của Nguyễn Quang Sáng đầy chất thơ, giàu hình ảnh nhưng không hề xa rời thực tế. Ông sử dụng những câu chữ giản dị nhưng giàu sức gợi, làm bật lên vẻ đẹp tự nhiên của dòng sông, làng quê và cả những cảm xúc tinh tế của nhân vật. “Từng mảng đất từ trên bờ đổ ùm xuống, bọt nước tung trắng xóa. Bờ sông hõm vô với màu đất đỏ. Và dòng sông như giận ai, từ nơi xa khơi, ở giữa dòng, nổi lên từng đợt sóng bạc đầu, gầm thét đuổi xô nhau đập vào bờ. Và xa kia, ở làng tôi, mây khói đen như kéo cả bầu trời hạ xuống, trên đầu của con sông. Ôi! Dòng sông thơ ấu của tôi chiều hôm ấy sao mà buồn thế!”

Cảnh sắc miền quê Tây Nam Bộ được Nguyễn Quang Sáng tái hiện như một bức tranh chân phương, mộc mạc, nhưng nhiều màu sắc. Dòng sông không chỉ là một không gian địa lý mà còn là một nhân tố tham gia vào dòng cảm xúc, ký ức và sự trưởng thành của nhân vật. Những nhân vật trong tác phẩm, từ cậu bé Năm đến những người lớn, đều được xây dựng gần gũi, chân thực. Dù là trẻ em hay người lớn, mỗi nhân vật đều mang trong mình những nét riêng, phản ánh rõ tính cách và hoàn cảnh sống của họ.

Dòng sông là biểu tượng trung tâm của tác phẩm, mang ý nghĩa đa tầng: sông là nơi nuôi dưỡng tuổi thơ, nhân chứng của những thay đổi, biến thiên của lịch sử, lòng người, và biểu tượng của dòng chảy cuộc đời. Nó vừa là chốn bình yên vừa là nơi khơi dậy những trăn trở và suy tư của một con người đã đi qua nhiều biến động thời cuộc, nay ngoảnh đầu nhìn lại. Tuổi thơ trong tác phẩm không chỉ là những ký ức đẹp đẽ mà còn là biểu tượng cho những giá trị nhân văn sâu sắc, nhắc nhở con người giữ gìn những ký ức quá khứ, dù có thể có những bất toàn, có những đau thương, nhưng quan trọng là những điều trong sáng và tốt đẹp trong cuộc sống của một thời đại đấu tranh cho quê hương, dân tộc, vẫn luôn được gìn giữ, nhớ về

“Dòng sông thơ ấu” là một tác phẩm mang giá trị lớn cả về nội dung và nghệ thuật. Nguyễn Quang Sáng không chỉ kể lại câu chuyện của riêng mình mà còn kể câu chuyện của cả một thế hệ, của cả một dân tộc. Tác phẩm là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của ký ức, về giá trị của tuổi thơ và tình yêu quê hương. Nguyễn Quang Sáng, với “Dòng sông thơ ấu,” đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong văn học Việt Nam. Tác phẩm không chỉ là một cuốn hồi ký văn chương mà còn là một tượng đài nghệ thuật về tuổi thơ và ký ức quê hương. Dưới ngòi bút của ông, dòng sông không chỉ chảy trên trang giấy mà còn chảy vào lòng người đọc, mang theo những xúc cảm và suy tư về cuộc đời.

Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn lớn với sự nghiệp gắn bó mật thiết với vận mệnh đất nước. Những tác phẩm của ông, trong đó có “Dòng sông thơ ấu” là một phần không thể thiếu trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại.

Bài viết liên quan

Xem thêm
6 gương mặt nữ sĩ trong nền văn học đương đại ở ‘Những người gánh sông trăng’
Nhân đọc tập Thơ – Ký chân dung Những người gánh sông trăng, Nxb Hội Nhà văn, 2024
Xem thêm
Nhật Quỳnh và những cơn mưa mang mặt người …
Bài viết Nhật Quỳnh và những cơn mưa mang mặt người của nhà thơ Xuân Trường qua giọng đọc của Kim Ngọc.
Xem thêm
Thuốc đâu mà chữa con người lẳng lơ
“Chỉ đâu mà buộc ngang trời/ Thuốc đâu mà chữa con người lẳng lơ” (Ca dao)
Xem thêm
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng tìm chi tiết nhỏ cho cuộc đời lớn
Tham luận viết cho Hội thảo Nguyễn Quang Sáng - cuộc đời và sự nghiệp
Xem thêm
Nhà thơ Thanh Hoàng lặng lẽ chiết gieo thơ vào đất mẹ
Bài viết của nhà văn Kao Sơn về tập thơ Vẽ nhớ của Thanh Hoàng
Xem thêm
Tìm hiểu lý luận phê bình văn học miền nam 1954-1975
Đọc chuyên luận Lý luận - Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng của PGS.TS Trần Hoài Anh
Xem thêm
PGS.TS Ngô Minh Oanh - phu chữ âm thầm
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành
Xem thêm
Đinh Nho Tuấn, trao em một mảnh vô thường
Ngô Đức Hành đọc tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên”, NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm