- Đọc “Bơi qua mây” của Trần Huy Minh Phương
Đọc “Bơi qua mây” của Trần Huy Minh Phương
HUỲNH KHANG
Tôi nhận tập truyện dài BƠI QUA MÂY từ chính tay anh bên lề cuộc ra mắt sách vào sáng ngày 21/4 vừa qua. Số là, sáng đó tôi có việc phải đi Bình Dương theo lịch trình đã có trước nên chỉ ghé Hội nhà văn thành phố cà phê mini cùng anh chứ không dự buổi ra mắt sách được. Tôi xin tóm lược như sau:
Võ Tự Cường, 20 tuổi, là sinh viên đại học Kiến trúc theo chú Trung Nhân lên đỉnh núi Linh Quy để tu tập thiền định 10 ngày. Chú Trung Nhân kể các câu chuyện về ba cậu (Võ Đại Thắng) và từ đây có sự kết nối tới các tuyến nhân vật khác. Đọc vài trang đầu tôi nghĩ rằng chắc là theo mô tuýp của Câu chuyện dòng sông của Hernann Hesse: sẽ là câu chuyện tâm linh, nhân quả.
Nhưng không, lồng chéo, đan xen giữa các câu chuyện của nhân vật Trung Nhân kể về cha Cường là Võ Đại Thắng và các câu chuyện của Cường với chú Nhân đã phơi bày ra hiện thực của ngành giáo dục hôm nay. Đó là chuyện chạy trường, chạy theo thành tích dạy và học, là ganh ti, đố kị nhau trong cùng bộ môn, là bản chất xấu xa của những người thầy cô mang trên người thiên chức cao quý làm nghề giáo: cô Vi, thầy Phồn, thầy hiệu trưởng... Những người có quyền thế nhưng chuyên môn kém, đạo đức kém đã đẩy ngành giáo dục xuống cấp. Chính vì tuổi trẻ nhiều khát vọng đổi mới, không khoan nhượng với cái xấu, lỗi thời… mà Thắng đã phải li dị, mất việc và lang thang lên Sài Gòn làm đủ nghề kiếm sống, học thêm và rồi trở thành phóng viên, biên tập viên một tờ báo.
Xen kẽ các câu chuyện thì tác giả còn khéo lồng, trích dẫn vào các bài thơ: thơ Thích Trí TỊnh dịch, thơ Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng, nhạc Trịnh Công Sơn… và các chuyện xảy ra trước đây mà báo chí đã viết nhiều: bé chết trên xe buýt, nạn bạo hành trong tường mẫu giáo, cô giáo quỳ ở sân trường xin lỗi phụ huynh… Ngồn ngộn những thực tế mà tác giả đã đọc, nghe thấy nhưng rất khéo léo lồng vào câu chuyện giữa Cường và chú Nhân. Việc trích dẫn này cũng có một chút hơi lạm dụng khi tác giả đưa các bài giảng tập đọc, bài toán cộng trừ, các lá đơn, chỉ tiêu phấn đấu, chương trình hành động… nguyên xi vào tác phẩm. Điều này nó làm cho người đọc có cảm giác thừa, trong khi chỉ cần nêu ra thôi chứ không cần trích nguyên văn các đơn thư, chỉ thị…
Các câu chuyện kể của chú Nhân được Cường ghi lại và đưa vào nhóm chung nên cả tác giả viết (Cường) và các nhân vật trong câu chuyện đều còn sống và đều đọc chuyện kể này khi nó được Cường cập nhật hàng ngày. Tất cả họ đều là những người có tâm huyết với nghề giáo và may thay thầy Pháp Sơn của chùa Linh Quy cũng đã dành phần đất cho họ để mở trường Tư thục với ước muốn đây sẽ là ngôi trường của yêu thương và chánh niệm.
BƠI QUA MÂY đã đưa người đọc vào muôn trùng mây và bơi trong đó, thoát qua nó để đi đến bến bờ tươi sáng hơn. Đời và đạo đan xen, ngôn từ miền Tây nam bộ xen kẽ các từ của giới trẻ hay dùng. Tôi đồ rằng tác giả Trần Huy Minh Phương là một nguyên mẫu trong câu chuyện kể này. Tôi cũng đồ rằng đây là những áng mây mù mà chính tác giả vướng phải và đã bơi qua nó bằng khát vọng của tuổi trẻ, bằng tình yêu với nghề và trên hết là trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Chúc mừng Trần Huy Minh Phương với tác phẩm mới. Một cuốn sách khó đọc theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi hi vọng là các thế hệ thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục sẽ tim mua và đọc cuốn sách này để thấy mình là ai trong đó và mình nên làm gì để giúp cho ngành giáo dục nước nhà ngày càng đi lên, lớn mạnh.
Sài Gòn, cuối tháng 4/2023.