TIN TỨC
  • Nguyễn Thánh Ngã đi lạc trong tiếng kêu nhỏ bé của mình | Xuân Trường

Nguyễn Thánh Ngã đi lạc trong tiếng kêu nhỏ bé của mình | Xuân Trường

Người đăng : tranductin
Ngày đăng: 2023-03-17 21:28:40
mail facebook google pos stwis
888 lượt xem

Tôi biết Nguyễn Thánh Ngã từ năm 1990 trong những hợp tuyển, với cặp lục bát để đời của anh: “Chạm vào em một chút ta/ Thì em hóa rắn bò qua thiên thần”, nghe ra cũng vạn dặm lắm. Trong vài năm trở lại đây anh chuyển về sinh hoạt tại Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh, tôi mới có dịp quen anh và hiểu anh nhiều hơn. Áo cơm và thi ca đã thôi thúc bước chân ly quê, lang bạt kỳ hồ của anh qua mọi miền đất lạ, cuộc đời anh là những sự bắt đầu.

Tập thơ Mặt nạ hương của Nguyễn Thánh Ngã

Có lẽ, sức bền của đất quê Ba Gia - Quảng Ngãi, đã giúp anh chịu đựng được với mọi sự đổi thay, rong ruổi của cuộc đời. Nguyễn Thánh Ngã luôn tĩnh lặng trước đám đông, ít muốn ra phía trước, nụ cười đã lắng trầm tích thời gian. Nhưng tầm nhìn thì xuyên suốt mặt trái của xã hội, để định hướng cho niềm tin và bước đi của mình trong đời và trong thơ. Nhiều khi anh thấy mình lưu lạc và nhỏ bé trước chiều kích của vũ trụ bao la này, nương tựa vào đâu, để tồn tại trong mong manh phận người: “...Tàn tro ngày đã hóa ban mai/ em cúi xuống tóc xanh ngày sóng bạc/ biển có bao giờ lặng lẽ/ để chú còng xây nốt những lo toan?/ Nên em ơi/ hãy cùng ta quỳ xuống/ lắng nghe hạt bụi mình tan vào hư không/ ví như mình đi lạc/ trong tiếng kêu nhỏ bé của chính mình”.

Ai mà không sửng sốt trước tiếng kêu này, và ngẫm lại sự mong manh, ngắn ngủi của đời mình, như Trịnh Công Sơn đã nói  “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi”, nhỏ bé lắm, yếu ớt lắm. Ấy vậy mà sao không sống hết mình, thương nhau giữa cái quán trọ trần gian này. Lật ngẫu nhiên giữa tập thơ “Mặt nạ hương” anh đã tặng tôi, tôi đã bắt gặp khổ thơ trên trong bài “Hãy quỳ xuống đây”, như vậy, xác suất tôi đọc được tâm hồn anh là tương đối...

Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã

Vì sao bạn bè thường gọi anh là “Gã thi sĩ hoang”, cái tên mới nghe đã thấy mênh mông, thiên lý quá, dễ thương quá! Hoang ở đây không phải hoang đàng, chơi bời, trác tán gì đâu, mà hoang ở đây là hồng hoang, hoang sơ, anh muốn ngược nguồn tìm về nơi bắt đầu của cái càn khôn vũ trụ này, nhưng đường về hun hút lắm khiến anh trở thành bé nhỏ. Phải chăng, cơ duyên ấy vận vào đời anh khiến cho hành trình áo cơm và thi ca luôn có những mốc bắt đầu. Đúng vậy, anh đi nhiều, viết nhiều, mỗi lần trải nghiệm là có sự bắt đầu cho thơ, nghĩa là cái mới được phát hiện, ngôn ngữ nghệ thuât được quan tâm, thi pháp thay đổi để mở đường cho cách tân. Cách nói như mời gọi người nghe “Giữa mùa đông ngập tràn biến động/ Thơ ta le lói tự thu mình/ Trong vỏ ốc mênh mông nhân loại/ Có người gọi ta Gã thi sĩ “Hoang”/ Thật kỳ diệu/ Ta là “hoang” dại/ Hạt bụi mong manh gõ vào thinh không/ Gõ vào những vì sao chậm tắt...”. Thế rồi anh tơ tưởng đến thuở bắt đầu, con chim không hoảng sợ vì chưa có cung tên, hoa cỏ dại vẫn nở an lành, khi chưa có máy cày máy ủi, dự án chưa ra đời: “Mặt trăng ơi hãy dừng lại bên sông này/ Hãy tĩnh lặng với “hoang nhiên”/ Để hoa cỏ dại có thể nở an lành/ Cánh chim nhỏ có thể đậu mà không nghi ngại”. Đây là tự sự của anh trong bài “Hoang”...

Bí ẩn nào sau chiếc “Mặt nạ hương”? Từ thế kỷ thứ 16 đến nay, nhân loại đã cho ra đời nhiều loại mặt nạ. Trước hết phải kể đến mặt nạ “Rọ Miệng” của các chủ nô Châu Phi dùng bịt miệng các nô lệ, không cho họ ăn giống cây trồng trong khi làm việc. Mặt nạ Rowley, xuất hiện từ thập niên 1890 quý bà dùng đắp cho mịn làn da. Mặt nạ Visard, quý bà đeo để ngăn sự tác dụng của ánh sáng mặt trời lên da. Nhưng nhà văn Phillip Stubbles lại cho rằng, khi đàn ông nhìn vào sẽ bị ám ảnh bởi đôi mắt sau cặp kính dày của mặt nạ. Mặt nạ Splatter, lính thiết giáp Anh đeo trong thế chiến thứ nhất, đây là mặt nạ xấu của lục địa già. Mặt nạ chống độc cho trẻ em xử dụng trong hai thế chiến. Đến nay, nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã cho ra đời “Mặt nạ hương”, theo tôi nghĩ, đây là chiếc mặt nạ làm bằng ý tưởng, mặt nạ này không có trong không gian ba chiều hình học, mà nó tồn tại trong không gian đa chiều của thơ. Thơ Nguyễn Thánh Ngã có mùi hương của trái tim, của tấm lòng, mặt nạ này giúp cho ta thấy được sự cựa quậy của thế giới quanh ta, hóa giải và tạo ra niềm tin. Sử dụng mặt nạ hương, ta sẽ thấy mát dịu tâm hồn. Tôi thích “Mặt nạ hương” cuả Nguyễn Thánh Ngã: “Mặt em/ Mọc từ vầng trăng mẹ/ Tròn khuyết thâu canh/ Đôi mắt em bơi/ Đôi mắt em lặn/ Vào thính giác cô đơn/ Mẹ khâu giấc mơ mặt nạ/ Đắp khuôn trăng/ Rong ruổi khắp bầu trời tối sẫm/ Ánh sáng em là đường/ Nỗi nhớ em là nhà/ Nhưng trái tim em là hương/ Lan tỏa một tình yêu lặng lẽ”.

 

Còn đây là một phát hiện rất bình thường mà ít ai để ý, hằng ngày ta dùng lưỡi để giao tiếp, ăn uống, nếm các mùi vị của cuộc đời. Cơ thể con người không thể thiếu lưỡi, mỗi khi lưỡi bị tổn thương thì ta đau khổ vô cùng. Ấy thế mà lưỡi đôi khi làm khổ thân người, và gây đau khổ cho nhau giữa con người: “Lưỡi như ghềnh thác/ Lởm chởm lời/ Ầm ào đổ nghiệp/ Cuốn trôi dòng nước mắt// Hơn thế/ Lưỡi âm thầm nuốt bọt/ Đủ đớn đau Lưỡi sẽ khóc/ Đủ yêu thương lưỡi sẽ cười/ Và đủ mềm/  Để ra khỏi mọi biên giới…”. Đúng vậy, do quá trình trải nghiệm người Việt ta đã có câu: “lưỡi không xương nhiều đường lắc léo” và thành ngữ phương Tây cũng có câu “il faut tourner sept fois sa langue dans sa bouche avant de parler”: trước khi nói phải uốn lưỡi bày lần, Nguyễn Thánh Ngã mở đầu tập thơ bằng bài “Lưỡi”, đã khơi gợi cho chúng ta những triết lý cuộc đời. Thơ anh ngày càng quan tâm đến môi trường sinh thái, quan tâm đến lá phổi của loài người. Đó cũng là xu hướng của thi ca thế giới ngày nay: “Tiếng chim hót trong rừng hay tiếng gió/  Mà trong xanh thánh thoát giữa không gian// Cần Giờ bây giờ và cần mãi về sau/ Những vết nám trở trăn thời công nghiệp/ Sẽ được xóa dần/  Trên khuôn mặt ban mai” (trong bài Cần Giờ).

Nhà thơ Xuân Trường

Thơ Nguyễn Thánh Ngã phát triển trên nền truyền thống. Trong tập này anh đã thoát ra khỏi vần điệu để đến với những câu thơ tự do ngắn, giàu về ý, mạnh về cấu trúc, nhiều lúc anh đã mã hóa, ẩn tứ, ngôn ngữ đa chiều, đa nghĩa, ta khó mà đi hết chiều sâu của nó. Tuy nhiên, nhớ đến anh thì trong đầu tôi lại hiện ra lục bát của anh, trong tập này anh vẫn có những câu lục bát hiện đại: “Có khi buông bút bên thềm/ Thò tay cầm lưỡi trăng liềm cắt khuya”, “Khuya khuya/ Trằn trọc với khuya/ Ra không gian đứng bên bìa thời gian/ Để nghe cho rõ hợp tan/ Để nhìn cho rõ tiếng đàn vô thanh”. Hoặc lục bát ngắt câu: “Về đây/ Cho tóc trăng cài/ Cho mi cong/ Vút một vài/ Nhớ nhung…”.

Cách tân là sự bắt đầu, tất nhiên sẽ còn nhiều gian khó để vượt qua. Thơ là một hành trình không đích đến, thơ là vô hạn, đời người là hữu hạn, ta luôn chú ý đến sự bắt đầu cũng là hợp lý. Không thể đi hết những gì trong thơ Nguyễn Thánh Ngã, tôi chỉ xin lượt thuật đôi điều cùng bạn đọc, gọi là chia sẻ mà thôi, tất cả dành lại cho quý bạn.

                                                                        TP. HCM tháng 3.2023

                                                                                           X.T  

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Nhà văn Gia Bảo bắt trend ‘soái ca’, viết cho trẻ thơ bằng tất cả cảm xúc
Sáng 25.11 tại Đường Sách TP.HCM, nhà văn Gia Bảo giao lưu với độc giả và ra mắt hai tác phẩm mới Soái ca Mèo Mái Ngói và Nông trại Hoa Đậu Biếc (do NXB Kim Đồng vừa phát hành).
Xem thêm
Ngọn gió lành đã gặp giữa chiêm bao
Không chủ đích làm thơ, và càng không có ý định tìm kiếm bất kỳ danh vọng gì ở thơ, Phan Nhật Tiến bắt gặp thi ca thật tình cờ như một run rủi của số phận.
Xem thêm
Người đi tìm bóng núi
Mất hơn một ngày để đọc xong 344 trang tiểu thuyết Người đi tìm bóng núi của nhà văn Thu Trân
Xem thêm
Buổi ra mắt, tọa đàm về tập truyện - ký của đạo diễn, nhà văn Nguyễn Ngọc Hiến
Đạo diễn, nhà văn Nguyễn Ngọc Hiến (Tư Diệu) ra mắt sách Tôi được sống.
Xem thêm
Đọc “Bơi qua mây” của Trần Huy Minh Phương
BƠI QUA MÂY đã đưa người đọc vào muôn trùng mây và bơi trong đó, thoát qua nó để đi đến bến bờ tươi sáng hơn. Đời và đạo đan xen, ngôn từ miền Tây nam bộ xen kẽ các từ của giới trẻ hay dùng.
Xem thêm
Nhà thơ Đặng Tường Vy kích hoạt Ngày Thơ bằng thơ tình
Giới thiệu tập “Thơ tình Đặng Tường Vy” được xem là hoạt động đầu tiên của Ngày Thơ Việt Nam tại TP.HCM, do Ban Nhà Văn Trẻ - Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức.
Xem thêm
Giới thiệu tập thơ Miền ký ức của Nguyễn Trường Thanh
Nhà thơ Nguyễn Trường Thanh là Hội viên Hội nhà văn TPHCM. Phụ thân anh là một nghệ nhân đàn đáy nổi tiếng
Xem thêm
Ra mắt tập sách “Hành trình tuổi trẻ” cùa tác giả Nguyễn Thanh Tuất
(Vanchuongthanhphohochiminh) - Vào 08 giờ 30 phút sáng Chủ Nhật ngày 06/11/2022, tác giả Nguyễn Thanh Tuất cùng Host Thanh Nhàn sẽ có buổi giao lưu, trò chuyện cùng quý độc giả để giới thiệu tác phẩm “Hành trình tuổi trẻ” tại Sân khấu chính - Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Văn Bình, Quận 1). Rất mong nhận được sự tham dự và hỗ trợ thông tin của Quý Phóng viên Báo, Đài
Xem thêm
Giới thiệu hai tác phẩm “Những miền xa trên hành tinh xinh đẹp” và “Tình mù trong bóng đêm dài”.
Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xin trân trọng giới thiệu cùng Quý độc giả hai tác phẩm “Những miền xa trên hành tinh xinh đẹp” và “Tình mù trong bóng đêm dài” của tác giả Huỳnh Thu Dung.
Xem thêm
Tóc bạc ngoảnh lại trời xưa
Trong nhịp sống gấp gáp hôm nay, nhà thơ Xuân Trường gom góp đủ thong dong để ngồi bên ngọn đèn lặng lẽ viết trường ca “Đếm lại bước chân mình”, đã là một sự nhẫn nại đáng nể trọng.
Xem thêm
Thơ Trần Trí Thông “Căng dây đàn tính so lời khát khao”
Bài viết của Xuân Trường về tập thơ Tôi, Em và Một...
Xem thêm
Ra mắt sách “Miền Nam xưa ngái”
“Miền Nam xưa ngái” dày 400 trang, gồm các phân đoạn: “Văn hoá khẩn hoang Nam Bộ”
Xem thêm
“Ân tình quê hương” với Vườn xanh và Người Tịnh Khê
Hai cuốn sách được trình làng là: tập thơ “Vườn xanh” của nhà thơ Võ Kim Cương; tập truyện ký “Người Tịnh Khê” của Mã Thiện Đồng.
Xem thêm
Phạm Thị Cúc Vàng - người thiếu phụ gọi mặt trời
Nhà thơ Phạm Thị Cúc Vàng, một hội viên tích cực, năng động
Xem thêm
Viết “Miền Nam xưa ngái”, tôi đặt cược tâm hồn vào câu chữ chính mình…
Bạn tin đi. Tôi là người khó tính trong đọc và viết. Một khi dám quảng bá tập truyện ký “Miền Nam xưa ngái” của mình, là tôi đã đặt cược tâm hồn vào câu chữ của chính mình…
Xem thêm
Sách mới: Hồi ức một sĩ quan tùy viên
Tiểu thuyết mới của nhà văn Bùi Anh Tấn
Xem thêm
Nhà thơ Võ Miên Trường và Triệu Kim Loan bất ngờ hội ngộ ‘2 trong 1”
Buổi ra mắt hai tập thơ mới Suy tư chiều và Nhặt sợi buồn thêu chữ (NXB Hội Nhà văn ấn hành) của hai nhà thơ Võ Miên Trường và Triệu Kim Loan.
Xem thêm