- Lý luận - Phê bình
- Đọc Cha tôi – nhà thơ Nguyễn Bính của Nguyễn Bính Hồng Cầu
Đọc Cha tôi – nhà thơ Nguyễn Bính của Nguyễn Bính Hồng Cầu
PGSTS. VÕ VĂN NHƠN
Ở trang 62 của tập ký sự nhân vật Cha tôi – Nhà thơ Nguyễn Bính này, nhà văn Nguyễn Bính Hồng Cầu có nói về nỗi bất hạnh chung của những người con của nhà thơ Nguyễn Bính, đó là “không một đứa con nào trong chúng tôi được sống gần gũi với cha mình quá ngàn ngày, cũng không một đứa con nào đủ trí khôn để lưu lại hình hài vóc dáng cha mình trong ký ức”. Có lẽ vì thế mà chị luôn đau đáu nghĩ về nguồn cội, lúc nào cũng muốn khắc họa một chân dung hoàn chỉnh cho cha mình.
Nguyễn Bính là một nhà thơ gắn liền với rất nhiều giai thoại, ông cũng là một nhà thơ lang bạt vào bậc nhất của Việt Nam. Đi đến nơi nào như cũng thấy dấu chân của ông, miền Bắc thì đã đành rồi, những chuyền giang hồ vặt cùng Đỗ Đức Thu, Thế Lữ, Tô Hoài, Lê Trọng Quỹ; những lần đi hát cô đầu cùng với Chu Ngọc, Vũ Trọng Can; những ngày phiêu du ở Hải Phòng, dẫn đến việc thành lập ban kịch Thăng Long cùng với Chu Ngọc, Vũ Hoàng Chương; rồi đất thần kinh với “giời mưa ở Huế sao buồn thế”. Sài Gòn, Mỹ Tho, Rạch Giá, cả Hà Tiên xa xôi cũng đều dấu vết của ông.
Tập ký sự đã ghi lại nhiều giai thoại rất lý thú về tài thơ của Nguyễn Bính, từ lúc còn tuổi thiếu niên, như việc bày trò phụ đồng tiên để thay lời tiên cho thơ mọi người, giúp được nhiều việc tốt cho làng xóm, cho đến những buổi họa thơ nhanh nhẹn, thông minh với bạn bè văn chương khi đã thành danh, những vần thơ khí phách khi đối mặt với bọn trọc phú, cường quyền. Chuyện lấy vợ, sinh con trong thời kỳ tham gia kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ; những vần thơ hào sàng mang đậm cảm hứng cách mạng, cảm hứng công dân trong thời kỳ này cũng được tập sách ghi nhận lại rất chi tiết.
Nhưng tập sách này không chỉ để thỏa mãn tò mò cho những người mến mộ nhà thơ muốn biết về cuộc đời chìm nổi của ông, những giai thoại xung quanh nhà thơ tài hoa, những bóng hồng trong đời ông. Nó không chỉ giúp cho độc giả yêu mến nhà thơ hiểu sâu hơn về đời và thơ của thì sĩ của đồng quê mà còn là tài liệu quý cho những người viết văn học sử, những ai quan tâm nghiên cứu về Nguyễn Bính. Ví dụ như hiện nay phê bình tiểu sử là một phương pháp rất được ưa chuộng. Quyển sách này sẽ giúp cho những ai muốn phê bình tiểu sử Nguyễn Bính sẽ có những tư liệu tin cậy để lý giải về hồn thơ độc đáo của ông. Chị Nguyễn Bính Hồng Cầu đã rất công phu khi tìm hiểu rất cặn kẻ về dòng tộc, từ ý nghĩa họ tên của cha mình, của ông bà mình. Chị cũng lý giải hồn cốt của nhà thơ chân quê, cho rằng đó là do ông sinh ra, được thụ hưởng một nền văn hóa dân gian phong phú của quê hương. Chị minh họa cuộc đời của cha mình bằng chính thơ của ông, ký sự vì thế đã rất sinh động, thú vị.
Phải nói là cuốn sách đem đến cho tôi nhiều xúc động khi đọc lại cuộc đời nhiều chìm nổi của nhà thơ Nguyễn Bính và đặc biệt xúc động trước lòng hiếu thảo hiểm thấy của nhà văn Nguyễn Bính Hồng Cầu đối với người cha tài hoa nhưng nhiều lận đận, khốn khó của mình. Tôi là người nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại, đọc khá nhiều về Nguyễn Bính, từ những giai thoại về sự thông mình trong đôi đáp văn thơ của ông lúc còn tuổi thiếu niên cho đến lúc đã là một thi sĩ nổi tiếng, đã hình dung về ông ở góc nhìn rất gần của bạn bè văn chương trong những hồi ký như Ta đã làm chi đời ta của Vũ Hoàng Chương, Từ bến sông Thương của Anh Thơ, Cát bụi chân ai của Tô Hoài, Núi Mộng sông Hồ của Mộng Tuyết, trong nhiều công trình nghiên cứu, nhiều khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án. Nhưng có lẽ tập ký sự nhân vật Cha tôi – Nhà thơ Nguyễn Bính của nhà văn Nguyễn Bính Hồng Cầu mới là cái nhìn gần nhất về Nguyễn Bính, một cuốn sách tập hợp đầy đủ nhất về cuộc đời của nhà thơ chân quê, một tài liệu đáng tin cậy, chi tiết nhất bởi nó được viết từ con gái của nhà thơ, người lúc nào cũng mong muốn mọi người hiểu đầy đủ, hiểu đúng về cha mình.
Dĩ nhiên là còn một số điều trong quyển ký sự nhân vật này còn phải trao đổi lại, nhưng tôi nghĩ chị Nguyễn Bính Hồng Cầu đã nỗ lực hết sức mình để cố gắng khắc họa một chân dung nhà thơ Nguyễn Bính hoàn chỉnh nhất.
Xin chúc mừng chị đã hoàn thành được công trình có lẽ là tâm huyết nhất của đời mình để trả hiếu cho người cha mà mình phải xa cách từ thuở còn quá thơ bé, một nhà thơ rất tài hoa nhưng phải chịu nhiều đắng cay trong cuộc đời.