TIN TỨC

Dọc thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông – Ký của Thanh Thảo

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
601 lượt xem

Năm 1973, khi tôi từ chiến trường Nam Lộ Bốn (Mỹ Tho) trở về lại cơ quan binh vận ở R, tôi rất phấn khởi vì cơ quan tôi đã dời về đất Tây Ninh, đóng căn cứ ở Bến Tháp ngay sát sông Vàm Cỏ Đông. Đoạn sông này là biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Campuchia, cũng là thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông. Từ Mỹ Tho, trước khi băng qua đồng Tháp Mười lên chiến khu, chúng tôi đã vượt qua sông Vàm Cỏ Tây, bây giờ lại được ở sát sông Vàm Cỏ Đông, thật thú vị.

Nhà thơ Thanh Thảo

Những ngày đầu tiên ở bên cạnh sông Vàm Cỏ Đông, con sông nổi tiếng qua ca khúc “Vàm Cỏ Đông” của Trương Quang Lục, lời thơ của nhà thơ Hoài Vũ, một ca khúc tôi đã thuộc nằm lòng, cứ như mình đã trở về với dòng sông thân yêu mà mình yêu thương, quen biết. Thực ra, đây là lần đầu tiên tôi được thực biết sông Vàm Cỏ Đông, còn trước đây chỉ biết qua bài hát.

Ngày ấy Vàm Cỏ Đông tuy không rộng lớn như sông Tiền ở Mỹ Tho, nhưng đó là dòng sông rất đẹp. Nước trong xanh biêng biếc, những dề lục bình không làm chật dòng sông như bây giờ, chỉ trôi từng khóm nhỏ, nhưng rất thuận tiện cho đám lính chúng tôi bơi trên sông và ngắt ngọn, phục vụ món “lục bình chấm mắm kho quẹt” mỗi bữa cơm trưa.

Có những địa chỉ dọc sông Vàm Cỏ Đông ngày đó rất quen thuộc với chúng tôi, đó là Bến Tháp ngay sát cạnh căn cứ chúng tôi, là Xóm Giữa chỉ cách “cứ” chúng tôi ba cây số, là Lò Gò cách chúng tôi dăm cây số, là Xa Mát xa hơn, cũng chỉ cách chúng tôi mấy tiếng đồng hồ đi xe đạp. Ngày ấy, đường trong rừng tuy nhỏ hẹp nhưng dùng xe đạp hay xe honda đều được, và chúng tôi đi công tác ở Xa Mát, ở Tân Biên đều đi xe đạp. Kể cả đi Lộc Ninh cũng đi xe đạp, dù mất tới hai ngày.

So với anh chị em ở chiến trường miền Trung, thì ở chiến khu R (Nam Bộ) vẫn thuận lợi về giao thông hơn.

Chỉ một địa chỉ gần căn cứ chúng tôi mà… chạy bộ cũng tới, đó là Trảng Còng. Anh em chúng tôi, cụ thể là tôi và bạn Hùng Nam, đã không ít lần chạy bộ từ “cứ” của mình ra Trảng Còng để… mua rượu uống,

Lại nói, cái quán mà tôi với Hùng Nam hay chạy mua rượu nằm ở một địa danh rất nổi tiếng trong âm nhạc Việt: Trảng Còng. Ai đã từng nghe bài hát “Lên ngàn” của nhạc sĩ Hoàng Việt, hẳn đều nhớ tên Trảng Còng:  “Em chèo thuyền đi lên rẫy Trảng Còng…”. Hóa ra, căn cứ của chúng tôi ở cách Trảng Còng nổi tiếng này không bao xa, vậy mà nếu không gặp được nhạc sĩ Xuân Hồng, chắc tôi vẫn không biết mình hay mua rượu ở một nơi đã vào “bài hát đi cùng năm tháng”.

Năm nay, 2023, kỷ niệm 95 năm ngày sinh của nhạc sĩ-anh hùng Hoàng Việt, xin nhớ một chút về địa danh Trảng Còng.

Nhớ một lần, Mao Trạch Phách (tức Cao Xuân Phách, bạn tôi, gọi như thế vì mặt hắn trông hơi giống mặt Mao chủ xị) cùng nhạc sĩ Xuân Hồng đi công tác đâu đó qua Trảng Còng, và tình cờ gặp tôi. Chính anh Xuân Hồng đã kể chuyện về Hoàng Việt và Trảng Còng-một trảng rẫy nằm ven sông Vàm Cỏ Đông cho tôi nghe. Hồi kháng chiến chống Pháp, người dân từ “dưới ruộng” lên trảng này tăng gia sản xuất trồng lúa rẫy, gặp mùa bão lụt năm Thìn (năm 1952) cực khổ quá, phải vì thế mà có bài ca “Lên ngàn” bất tử của Hoàng Việt. Về tên gọi “Trảng Còng”, dường như trảng rẫy này mùa nước ngập có rất nhiều con còng. Biết đâu chính từ đây đã sản sinh ra câu hò ngọt ngào:  “Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng/Về sông ăn cá/ Về đồng ăn cua/” mà người Nam Bộ nào cũng thuộc nằm lòng. Rẫy Còng-Trảng Còng, sông Vàm Cỏ, còn đồng thì chắc là đồng Tây Ninh hay Long An rồi!

Vàm Cỏ Đông phía thượng nguồn. Ảnh: Nguyễn Liên

Nhạc sĩ Xuân Hồng trông tướng rất nông dân Nam Bộ, thiệt thà và cởi mở. Chính câu chuyện về Trảng Còng của Xuân Hồng đã giúp tôi sau này khi viết trường ca “Những người đi tới biển” có được một đoạn thơ cảm động về nhạc sĩ Hoàng Việt và bài hát “Lên ngàn”.

“bây giờ không còn anh

mỗi chúng tôi còn một cuộc đời

trên bàn tay mở ra cân nhắc

tôi chưa hề tin phép lạ

nhưng tôi tin kỳ diệu những lời cất lên từ trái tim

ngôi sao hát lúc tối trời

dòng sông miên man chảy

hai mươi năm vợ anh vẫn chèo xuồng ngược nước

lặng lẽ cứu từng bông lúa

đưa ta qua mắt nhìn thẳng những vực sâu

con người không thể thiếu bài ca

dù chỉ một lần một lần thôi đã hát”

            (Những người đi tới biển)

Nhân nói về bài hát “Lên ngàn” và nhạc sĩ Hoàng Việt, lại thêm một lần ngạc nhiên: sao thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chúng ta có quá nhiều nhạc sĩ tài năng và tâm huyết như thế nhỉ? Nếu tính, văn học nghệ thuật đã góp phần vào cuộc kháng chiến như thế nào, thì công đầu phải thuộc về âm nhạc. Thơ ca chỉ đứng thứ hai. Nếu không có “nhạc Đỏ”, làm sao chúng tôi vượt qua được Trường Sơn? Chỉ nghe lại một giai điệu của Vũ Trọng Hối thôi: “Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn/Đá mòn mà đôi gót không mòn/” là đã thấy hiện trước mắt mình cả Trường Sơn của một thời mãnh liệt, khổ đau, hùng vĩ.

Quay lại với sông Vàm Cỏ Đông. Những địa danh bây giờ thành những điểm du lịch về rừng nguyên sinh, về căn cứ trên chiến khu R ngày xưa ấy, là những địa danh chúng tôi từng ở hay từng qua lại. Đó là Bến Tháp, Trảng Còng, Xóm Giữa, Lò Gò, Xa Mát… những cái tên nhắc về một thời kháng chiến gian khổ nhưng đầy cảm xúc.

Tôi sắp vào Sài Gòn thăm người bạn già của tôi là anh Ba Khanh (tên thật của anh là Nguyễn Khắc Vỹ). Thời còn ở chiến khu, anh Ba Khanh ở bên căn cứ của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Anh Ba là trợ lý của bác Huỳnh Tấn Phát – Thủ tướng Chính phủ Cách mạng lâm thời, lại là bạn chúng tôi, mấy anh em bên Binh vận, nên anh Ba hay qua chơi, uống trà trò chuyện bên sông Vàm Cỏ Đông. Thực ra, chúng tôi ở sát sông là may mắn, không phải căn cứ nào cũng được chỗ ở quá dễ thương như vậy. Vì thế, khi Ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) về phụ trách Trưởng ban Binh Vận R, lính của Ông đã dựng cho thủ trưởng của mình một ngôi nhà gỗ thiệt đẹp ngay sát sông Vàm Cỏ. Dù chỉ thỉnh thoảng Ông Sáu mới về ngôi nhà gỗ lợp lá trung quân, nhưng có cảm giác, đó mới là “Nhà Đỏ” mà sau này người ta hay gọi. Ông Võ Văn Kiệt sau hòa bình từng là Thủ tướng nước CHXHCNVN, ngôi nhà bên sông Vàm Cỏ ấy như báo trước câu chuyện này.

Nhóm anh em tuyên truyền binh vận chúng tôi đã ở bên sông Vàm Cỏ Đông đúng hai năm trời, trước khi “nhổ lều trại” về thẳng Sài Gòn.

Bây giờ, mỗi khi nghe lại những cái tên như Bến Tháp, Trảng Còng, Xóm Giữa, Lò Gò, Xa Mát… lại nhớ da diết căn cứ nơi mình ở bên sông Vàm Cỏ Đông. “Ở tận sông Hồng anh có biết/Quê hương em cũng có dòng sông”… Là dòng sông Vàm Cỏ Đông đấy ạ!

THANH THẢO

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm
Nợ sách đèn
Ngày ấy, chúng tôi từ khi đầu tiên mới tập tễnh cặp sách vào lớp 1 bậc tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, thế hệ học trò chúng tôi trải qua khá nhiều kỳ thi qui định. Học trò có thi đỗ mới được lên lớp.
Xem thêm