TIN TỨC
  • Truyện
  • Tình nhỏ mau quên | Vũ Hồng Lam

Tình nhỏ mau quên | Vũ Hồng Lam

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
830 lượt xem

 CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

VŨ HỒNG LAM

Phùng về lại thành phố lúc trời đang sụp tối. Cơn mưa chiều vừa dứt hột làm mặt đường nhựa đen ướt đẫm. Vài vũng nước tung tóe văng khi những bánh xe lướt ngang. Phố xá đang rục rịch lên đèn.

Chuyến xe buýt cuối cùng thả Phùng xuống vỉa hè trước dãy phố bán quần áo thời trang, rực rỡ ánh đèn màu. Một cặp loa đang phát ra bản nhạc tình tươi trẻ. Phùng đứng chần chừ một lúc chưa biết đi về hướng nào, chốn thân quen ngày xưa, bây giờ đã trở nên lạ lẫm.

Những căn nhà phố buồn thiu cũ kĩ không còn nữa. Thay vào đó là những shop thời trang sang trọng nườm nượp người ra kẻ vào mua sắm. Bất chợt Phùng đưa mắt nhìn sang bên kia đường. Ngôi nhà một trệt một lầu có tấm biển sơn xanh đề chữ Bưu điện Vườn Xoài vẫn còn nguyên đó. Trải qua bao mùa mưa nắng, tấm biển xanh có vẻ cũ kĩ hơn.

Một cô nhân viên mặc áo xanh, khoác giỏ xách đi ra. Cánh cửa sắt khép lại. Có lẽ đã hết giờ làm việc. Phùng nhìn đồng hồ tay thấy vừa đúng 6 giờ, không khác gì 3 năm trước.

Cửa hiệu Phùng đang đứng trước đây là một văn phòng công ty địa ốc. Phùng xin làm bảo vệ ở đó. Ngày nào anh cũng bắt ghế ngồi bên cánh phải cửa ra vào, vừa coi giữ đồ đạc, vừa trông xe cho khách đến liên hệ mua bán nhà cửa.

 Giờ giấc anh làm gần như trùng khớp với giờ mở cửa của bưu điện bên kia. Ông trưởng bưu điện người tầm thước, dáng vẻ điềm đạm, thỉnh thoảng bước ra ngoài dạo phố vẫn thường ghé sang chỗ Phùng đứng nói chuyện. Anh muốn mời ông điếu thuốc. Kéo một hơi dài thoải mái, ông hỏi Phùng:

 - Cậu người Bình Định hả?

 - Dạ không, em người Phú Yên.

 - Vợ tôi cũng người Phú Yên. Bả khéo tay lắm!

 - Anh về làm đây lâu chưa?

 - Tôi làm ở Bưu điện Thành phố, chuyển về đây 3 năm rồi. Cậu vào đây bao giờ?

 - Dạ, được 5 năm! Trước đây em làm công nhân xây dựng ở Bình Dương, mới xin làm bảo vệ ở đây hơn 2 tháng.

 - Tôi để ý thấy cậu mới tới đây thôi!

 Hút xong điếu thuốc ông lại vào làm việc tiếp. Lâu ngày như thế rồi thành quen. Nhiều hôm rảnh, Phùng mời ông một bữa cà phê ở quán bên, ngồi nói chuyện thân tình.

 Giữa mùa mưa, Phùng để ý sau tấm kính trong suốt trên quầy tiếp khách bên bưu điện có một cặp mắt tròn xoe, thỉnh thoảng nhìn sang anh. Bất chợt anh nhìn lại thì cặp mắt ấy lảng tránh qua chỗ khác. Gương mặt tròn trịa của cô gái trạc tuổi Phùng thấp thoáng, làm lòng anh thoáng chút xuyến xao…

 Một hôm Phùng hỏi ông Bằng, trưởng bưu điện:

 - Bên anh có nhân viên mới về hả?

 - Ừ, có cô Hân từ Bưu cục Gia Định mới chuyển qua hơn tuần nay.

 - Cô ấy lớn tuổi chưa anh?

 - Mới hăm ba, chắc nhỏ hơn cậu ít tuổi.

 Bỗng ông nhoẻn miệng cười:

 - Bộ cậu để ý cô ta sao?

 Phùng đỏ mặt chống chế:

 - Dạ, không có đâu! Em thấy lạ nên hỏi thế thôi.

 - Nói thật đi! Cậu có thích thì tôi làm mai cho?

 - Dạ thích thì thích, nhưng em không dám đâu!

 Ông Bằng mỉm cười tỏ vẻ thông cảm. Chẳng biết ông Bằng có về nói lại với Hân gì không mà từ hôm đó, mỗi khi có dịp ra khỏi quầy người con gái ấy lại thong thả dạo tới dạo lui trước cửa. Tà áo dài thiên thanh thướt tha trong gió. Đôi mắt tròn xoe, lâu lâu lại liếc sang phía Phùng. Gặp ánh nhìn của anh, nàng giả bộ làm ngơ ngó qua nơi khác.

 Một buổi chiều mưa lâm thâm, đường phố vắng vẻ, bưu điện ít khách, Phùng thấy Hân xăm xăm bước sang. Hôm nay nàng mặc bộ đồ tây, dáng người gọn gàng nhỏ nhắn.

 Hân đến trước công ty. Phùng đứng dậy mở cửa. Ánh mắt nhìn thẳng vào nhau, ngượng ngùng một lúc. Hân nói nhỏ:

- Em vào công ty có chút việc.

 - Em cần gặp ai không?

 - Dạ không, em vào xem mấy khu dự án mới!

 Hân bước vào trong. Đứng gần, Phùng thấy Hân xinh xắn tự nhiên. Đôi mắt ấy nhìn sao xa vắng quá. Anh như bị hớp hồn, làm kẻ bị thôi miên, rơi vào khoảng không đặc quánh buổi chiều mưa.

 Chừng nửa tiếng sau, Hân bước ra. Phùng vẫn thập thò bên cánh cửa kiếng trong suốt. Hân nhoẻn nụ cười tươi rói:

 - Em về nghen!

 Phùng gật đầu. Lòng anh vui như pháo hoa rực rỡ. Mấy bữa sau ông Bằng sang ngồi uống cà phê chợt hỏi:

 - Sao, thấy Hân được không?

 - Cô ấy xinh lắm!

 - Nghe nói cô ấy chưa có bạn trai. Cậu thích thì làm quen đi!

 Nửa tháng sau, công ty tuyển thêm một bảo vệ tên Hòa. Hai người chia ca thay nhau trực. Nhờ vậy Phùng có được thời giờ rảnh rang hơn. Nhiều bữa anh đánh bạo qua bưu điện ngồi chuyện trò với Hân.

 Nàng mềm mỏng dịu dàng, nói năng nhỏ nhẹ, có duyên ngầm. Chẳng bao lâu đã chinh phục được trái tim Phùng. Ngày lẫn đêm anh nhớ nàng tha thiết. Tuy không thể hiện ra ngoài, nhưng Hân cũng thấy có cảm tình với người con trai cao ráo rắn rỏi ấy.

 Một buổi trời vừa xâm xẩm tối, mưa lâm thâm không dứt hột, Phùng thấy Hân dẫn xe đạp ra về. Anh lấy xe đạp theo, chỉ một lát đã bắt kịp Hân. Hai người song đôi bên nhau. Phùng hỏi với sang:

 - Hân về nhà hả?

 - Vâng!

 - Mình đi uống nước nghen!

- Để bữa khác anh, hôm nay em về sớm còn đi học thêm Anh văn nữa!

 - Nhà Hân ở đường này hả?

 - Không, em ở ngã tư Bảy Hiền đầu đường Võ Thành Trang.

 - Anh ở gần Bà Quẹo. Mình đi chung đường rồi.

 Đến ngã tư Hân rẽ vào đường Võ Thành Trang dẫn Phùng tới một con hẻm rồi dừng lại trước căn nhà cũ, ngoài cổng có giàn hoa thiên lý rậm rạp, quay lại nói với Phùng:

 - Em ở đây nè! Nhà lớn vậy nhưng chỉ có ba mẹ con thôi! Em ở với mẹ và đứa em gái. Ba em sống bên Pháp, lâu lâu mới về thăm một lần.

 - Ở đây yên tĩnh, em nhỉ!

 - Vâng, xóm này vắng vẻ, an ninh lắm! Bữa nào có dịp rảnh anh vào chơi nghen!

 Hân vào nhà, đưa tay vẫy vẫy từ biệt. Phùng lên xe tiếp tục đạp về.

 Quen Hân 2 tháng Phùng mời được nàng uống nước ở quán cà phê sân vườn cuối kênh Nhiêu Lộc. Hai người ngồi đối diện nhau tâm sự. Qua những câu chuyện vội vã lúc cuối chiều Phùng biết được gia đình Hân đang sống trong cảnh neo người.

 Ba Hân ra nước ngoài trước ngày giải phóng thành phố và hiện sống bên Pháp với người vợ thứ hai. Lâu lâu về nước thăm bà con ở Long An ông mới ghé vào thăm mẹ con Hân một lần. Những lần đó nhà Hân mới mở cửa đông vui. Chị em Hân hớn hở theo cha ra chợ An Đông sắm đồ. Niềm hạnh phúc có cha chỉ được mấy ngày, sau đó lại chìm trong trầm lắng u buồn. Mẹ và em Hân vào bệnh viện trực ca đêm như cũ. Hai người làm hộ lý trong Bệnh viện An Bình.

 Nhà Phùng cũng neo đơn. Anh mồ côi cha từ năm lên 4 tuổi. Hai anh lớn của Phùng lên Tây Nguyên làm ăn rồi lấy vợ luôn trên đó. Mẹ anh bán hết đất đai ở Phú Yên, theo Phùng vào Bình Thạnh thuê nhà ở một thời gian. Gần 2 năm sau, vì không thích cuộc sống ồn ào nhộn nhịp ở thành phố nên bà quyết định lên Đắk Nông sống với vợ chồng người anh cả.

 Phùng theo chú Ba Huấn về Bình Dương làm nghề trang trí nội thất. Được 2 năm thì chú ngã bệnh, Phùng chán nản với cái nghề suốt ngày bụi bặm nên bỏ về thành phố thuê căn phòng gần chợ Võ Thành Trang ở rồi xin vào làm bảo vệ công ty.

 Từ sau bữa biết nhà Hân, sáng nào Phùng cũng dậy sớm ăn uống qua loa, canh đúng 6 giờ là đạp xe đến trước cửa nhà Hân đón nàng đi làm. Bên kia hẻm là quán cà phê cóc. Bà chủ quán cắm cúi pha trà. Hai người khách ngồi chăm chú đọc báo. Ngồi quanh chiếc bàn sát bờ tường mấy ông đang tám chuyện vui vẻ.

 Phùng muốn kéo ghế ngồi, gọi ly cà phê, đợi Hân mở cửa dẫn xe ra, nhưng anh chưa dám vì sợ không đủ thời gian. Phùng đành ngồi trên yên xe, mắt nhìn đăm đăm về phía ngôi nhà cũ, có giàn thiên lý giăng cao…

 Sốt ruột, anh nhìn đồng hồ đeo tay. Gần 7 giờ sáng, chẳng thấy bóng dáng Hân đâu. Không lẽ nàng đi làm sớm? Hết hy vọng lẫn hứng thú Phùng tiu nghỉu lên xe đạp nhanh để kịp giờ đến công ty.

 Vừa tới cửa Phùng ngó sang bên kia thấy Hân đã ngồi làm việc từ lúc nào. Nàng vẫn vô tư, ung dung tiếp khách chẳng biết chuyện gì xảy ra.

 Liên tục 3 hôm sau Phùng dậy sớm hơn. Mới năm giờ rưỡi sáng anh đã có mặt ở quán, gọi ly cà phê uống, ngồi đợi Hân lúc trời mới vừa mờ sáng. Nhưng dù chăm chú quan sát Phùng vẫn không thấy Hân dắt xe ra đi làm. Khi anh tới công ty thì Hân đã có mặt ở bưu điện rồi. 6 giờ chiều, Phùng đạp xe song đôi đưa nàng về tới tận cửa nhà.

 Hân vẫy tay chào từ biệt. Nàng vẫn không mời Phùng vào chơi. Thấy nàng chưa có nhã ý hay đang còn ngại ngùng với mẹ và em nên Phùng không đề cập gì thêm. Đợi Hân đóng cửa lại anh mới quay về. Một bữa Phùng nói với Hân lúc đang đứng tần ngần trước cổng:

 - Hân nè, sáng nào anh cũng đợi em ở đây để cùng đi làm mà sao không thấy em ra?

- Vậy hả?

 - Năm giờ rưỡi sáng, anh đã ngồi quán cà phê bên kia rồi.

 - Anh đến gì sớm thế! Sáu rưỡi em mới ra khỏi nhà mà!

 - Sao anh không thấy?

 - Em vẫn đi cửa này mà!

 - Hay là em đi cửa sau?

 - Nhà chỉ có cửa trước thôi!

 Phùng vẫn chưa yên tâm với chuyện đó. Lòng anh còn đang thắc mắc nghi ngại điều gì. Chiều thứ bảy trời chưa tối hẳn, đợi Hân quay lưng đóng cửa lại Phùng lên xe đạp ra ngõ.

 Được một đoạn, anh trở vào, kiễng chân dòm qua khe hở cánh cửa sắt đã đóng kín. Trong ánh sáng lờ mờ của buổi chiều tàn nhàn nhạt tối Phùng nhận ra mảnh sân con với mấy chậu cây khô cằn xơ xác vì thiếu nước. Một chiếc xích đu cũ kĩ dựa sát tường. Cánh cửa sổ nửa khép nửa mở. Cửa ra vào đóng kín mít. Tất cả đều toát lên vẻ hoang vu xa vắng. Tịnh không một bóng người. Hình như ở đây đã lâu rồi không có ai ra vào sinh sống. Một ánh đèn mờ ảo cũng không. Vậy thì Hân đi đâu? Người con gái bằng xương bằng thịt mới vừa khuất sau cánh cửa kia ở đâu rồi? Lòng Phùng hoang mang quá đỗi. Anh quay người đạp xe đi một mạch.

 Sáng hôm sau dù không phải ca trực, Phùng vẫn lên công ty ngồi uống cà phê với Hòa. Nhìn sang bưu điện Phùng vẫn thấy đôi mắt tròn xoe của Hân sau tấm kính trắng nhìn ra. Bình dị và hồn nhiên như mọi ngày.

 Yên tâm vì Hân sẽ làm việc ở đó cho đến hết buổi chiều. Phùng lẳng lặng đạp xe về hẻm nhà nàng ở. Căn nhà với giàn thiên lý rậm rạp trên cổng sắt đóng kín đang tắm mình trong ánh nắng vàng rực rỡ.

 Giờ này quán cà phê cóc dọc hẻm đang vắng khách. Chị chủ quán đứng tuổi đang lúi húi rửa ly tách sau chiếc tủ đẩy bằng inox chất nhiều loại thuốc lá. Phùng kêu một ly cà phê. Trong lúc ngồi đợi, anh hỏi:

 - Chị ơi, căn nhà có giàn hoa leo bên kia có ai ở không chị?

 Chị chủ quán nhìn theo hướng tay Phùng chỉ, hỏi lại:

 - Cậu nói căn nhà ông Đăng bác sĩ hay căn nhà có cánh cửa sắt xanh?

 - Dạ, căn nhà có cánh cổng sơn xanh!

 - Căn nhà đó đâu có ai ở! Nó bỏ hoang lâu lắm rồi. Tôi bán cà phê ở đây hơn 15 năm, chưa hề thấy ai ra vào hay sống ở trong đó.

 - Chị biết chủ nhà là ai không?

 - Nghe nói hồi xưa nó là của một ông công chức. Lúc chộn rộn, ông ấy bỏ ra nước ngoài. Một thời gian sau thì bà vợ dắt mấy đứa con đi theo. Căn nhà vì thế bỏ không từ đó đến nay.

 - Vậy là bà ấy có một người con gái tên Hân?

 - Hân nào? Tôi không biết! Cậu quen cô ấy sao?

 Phùng lặng lẽ gật đầu rồi hỏi tiếp:

 - Căn nhà ấy có cửa sau phải không chị?

 - Không, nó chỉ có cửa trước với cánh cổng sắt đó thôi. Sau đuôi của nó là căn nhà lầu 5 tầng của ông Tính chụp hình, cho sinh viên thuê phòng trọ kia kìa!

Phùng nhìn lên thấy căn nhà lầu cao ngất ngưởng sơn màu trắng lóa vàng trong nắng. Lòng anh thấy hoang mang, bán tín bán nghi.

 Thấy chị chủ quán có vẻ muốn dọn hàng, anh trả tiền rồi đứng dậy đạp xe về. Bầu trời trên cao xanh trong, không một gợn mây. Thành phố sắp sang mùa nắng. Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là Tết. Tết này được nghỉ một tuần Phùng sẽ đón xe về Đắk Nông thăm mẹ ít bữa rồi ăn Tết trên đó luôn.

 Phùng vẫn đi làm thường, gặp Hân từng bữa. Nàng đối xử hồn nhiên và tế nhị với anh. Trong sâu thẳm, trái tim anh mách bảo: Anh yêu nàng thật rồi! Dù nhiều đêm hoang mang suy nghĩ, anh vẫn mơ hồ thấy, hình như mối tình ấy mong manh không đoạn kết.

 Hân lảng tránh đẩy đưa, không mời anh vào nhà. Cứ đến trước cổng sắt là nàng vẫy tay chào từ biệt, nhoẻn miệng cười, chúc anh về ngủ ngon. Phùng cười lại rồi buồn bã đạp xe ra ngõ. Nắng vẫn úa vàng trên hàng me xanh trước sân Bệnh viện Thống Nhất.

 Vào một buổi chiều cuối mùa mưa năm sau, Hân chủ động rủ Phùng vào quán nước quen thuộc cuối kênh Nhiêu Lộc. Ngồi chưa ấm chỗ Hân đã đột ngột báo một tin làm Phùng choáng váng.

 - Tháng sau em xuất cảnh sang Pháp rồi!

Phùng cố trấn tĩnh:

 - Em ra nước ngoài định cư luôn sao?

 - Ba em bảo lãnh cho mẹ và hai chị em đi luôn. Thủ tục đã xong, chỉ còn chờ vé máy bay. Tháng sau là em đi!

 Phùng buồn bã không nói gì. Mọi thứ trước mắt anh gần như đổ sụp. Mối tình nhỏ nhoi coi như vụt mất. Hân đi rồi lòng anh trống trải xót xa. Phùng chỉ còn biết cầu chúc cho Hân lên đường vạn sự bình an.

 Hai người chia tay nhau lúc trời sâm sẩm tối cũng tại ngã ba hẻm trước căn nhà cũ ấy như mọi lần. Hân vẫn không mời anh vào nhà. Phùng chẳng nài nỉ. Bây giờ biết để làm gì! Tất cả sắp sửa hết rồi.

 Một tuần sau, Phùng không còn thấy Hân đi làm nữa. Ông Bằng qua chơi, anh hỏi thăm. Ông cho biết Hân đã nghỉ việc ở nhà lo mọi thứ. Các thủ tục ở cơ quan nàng đã giải quyết xong.

 - Cậu biết nhà cô ấy không?

- Dạ, em không biết!

- Quen nhau lâu rồi mà cậu vẫn chưa biết nhà cô ấy sao?

 - Mấy lần em hỏi để đến thăm, nhưng cô ấy vẫn không cho.

 - Kỳ lạ thật!

 - Anh có biết không?

 - Nghe nói cô ấy ở đâu bên Tân Bình. Chuyện gia đình Hân kín đáo lắm!

 Gặp dịp, Phùng kể lại cho ông Bằng nghe, anh từng nhiều lần về chung đường và đến nhà Hân, nhưng nàng từ chối không mời anh vào. Ông Bằng nghe xong vẻ đăm chiêu suy nghĩ.

 Phùng đạp xe ghé vào căn nhà có giàn hoa thiên lý, nhưng mấy lần vẫn thấy cửa đóng then cài, chẳng có bóng ai. Hỏi bà chủ quán cà phê, bà cũng ái ngại lắc đầu. Cuối tháng sau, ông Bằng qua chơi cho anh biết, Hân đã lặng lẽ lên máy bay đi rồi. Cơ quan chỉ có chị Đào và chị Hồng đưa tiễn.

 Phùng buồn phiền phờ phạc một thời gian rồi từ từ cũng nguôi ngoai. Tình nhỏ làm sao quên nhanh được. Mỗi ngày Phùng vẫn giữ thói quen nhìn sang bưu điện, nhưng đôi mắt tròn xoe tinh nghịch đã không còn sau màn kính trắng nữa. Anh hụt hẫng ngó ra con đường xa hoe nắng, nườm nượp xe cộ chạy qua, lòng thấy dâng lên nỗi niềm xa vắng.

 Hơn năm sau thì công ty môi giới bất động sản làm ăn kém hiệu quả giải thể luôn. Căn nhà mặt tiền giao về cho chủ cũ. Phùng đâm ra thất nghiệp. Anh nộp đơn xin làm vài chỗ nữa, nhưng không có chỗ nào nhận. Túng quá Phùng xách xe ra hông chợ, chạy xe ôm kiếm tiền sống đỡ qua ngày…

 Mấy tháng sau, anh Hai của Phùng có dịp về thành phố, ghé vào chỗ Phùng ở trọ. Thấy em ở một mình, nghề nghiệp vất vả bấp bênh, anh bảo Phùng về Đắk Nông sống, mẹ con, anh chị được gần nhau.

 Nghe lời anh, Phùng trả phòng trọ cho chủ về Đắk Nông ở với mẹ. Mẹ anh có riêng 2 mẫu đất trồng điều và cà phê. Ngày ngày Phùng vác cuốc theo mẹ đi vào rẫy. Màu đất đỏ tươi dưới bầu trời xanh lộng gió. Núi đồi hùng vĩ nối tiếp nhau, kéo dài tới tận chân trời cũng không làm anh nguôi quên nỗi nhớ phố phường với ánh đèn vàng dưới đêm mưa tầm tã, xe cộ nối đuôi nhau ngày đêm không dứt. Và những chiều buồn ngồi quán đợi Hân về.

  Ba năm sau, anh xin mẹ trở về thành phố tìm việc làm mong kiếm được chỗ ở ổn định. Dù sao ở chốn thị thành có nhiều cơ hội tốt cho Phùng hơn.

 Căn nhà lầu 3 tầng chỗ Phùng ngồi làm vẫn điềm nhiên đứng đó. Bây giờ nó đã trở thành shop thời trang cao cấp, sáng đèn rực rỡ. Phùng nhìn sang bên kia đường, cánh cửa sắt bưu điện đã khép kín, chút kỷ niệm buồn làm xa xót lòng anh.

 Phùng khoác giỏ xách lên vai, đi bộ về phía chợ Mới dưới trời mưa bay lất phất.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tiếng chuông muộn màng – Truyện ngắn của Trần Minh Ánh
Đêm đã khuya, mọi cảnh vật đã chìm vào giấc ngủ, tiếng điện thoại tôi đổ chuông, bên kia đầu dây là một giọng đàn ông tiếng Quảng Nam nhưng rất lạ: Alo có phải anh Minh không?
Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chuyện ngày cuối năm - Truyện Ngắn Cát Huỳnh
Nhìn hắn bây giờ với dáng vẻ đường bệ. Nếu là người lạ chắc thế nào cũng lầm tưởng hắn là một cán bộ cấp cao ở tỉnh.
Xem thêm
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
 Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Xem thêm