Dù với động cơ và mục đích tốt đẹp đi chăng nữa thì động từ “ép” luôn miêu tả một hành vi cứng rắn, áp đặt và thô bạo. Hành vi này không ngừng diễn ra. Đối tượng bị ép nhiều khi chẳng những bị tước khả năng tự vệ, khả năng phản kháng mà ngược lại, còn hàm ơn sức mạnh của lực ép.
“Ép” luôn là một từ quen thuộc. Quen thuộc đến mức trở thành hành vi đương nhiên mà con người trưởng thành, con người thành đạt (chưa hẳn là con người hạnh phúc) trong mắt của thiên hạ thường được tôi luyện trong cái khuôn ý chí lạnh lùng đó.
Tuy nhiên, việc ép nghỉ ngơi coi bộ khó đối với những người mà tuổi tác đã ở buổi xế chiều và ánh nắng ngày luôn là những khoảnh khắc rực rỡ vừa trêu ngươi vừa khích lệ.
Nghỉ ngơi, dưỡng sức, thông thường là nghĩ tới việc, ngoài thong thả dành thời gian vui chơi với cháu con, chăm cây chăm hoa thì đọc sách. Cây cỏ hoa lá không phải ai cũng có được một góc sân, một mảnh vườn để chăm sóc. Vài ba bồn đất trồng cây trồng hoa, năm bảy chậu cây kiểng, mươi giò lan treo lủng lẳng không đủ không gian cho chăm chút, thư giãn trong nghỉ ngơi. Chỉ còn có sách.
Sách hay lại là loại sách không thể đọc lướt qua, không thể đọc chỉ để biết câu chuyện hay cốt truyện. Sách hay là sách mà người đọc dành tâm trí cho từng chữ, từng dòng. Sách hay khước từ hành vi đọc lơi phơi, đọc lớt phớt. Sách hay không dành cho người ham vui, thích an nhàn. Sách hay chỉ thật sự hay khi người đọc dành đủ thời gian và có được năng lực cảm thụ. Sách hay phải nghiền ngẫm vẻ đẹp của câu chữ, của hồn cốt tinh thần mà tác giả của nó đã ép mình chết sống với từng con chữ.
Nhà văn Bích Ngân tại buổi Lễ Tổng kết “Workshop Biên dịch Văn học Hàn Quốc 2022”.
Sách hay khiến người đọc thẫn thờ, khiến trái tim cựa quậy, khiến không gian sống như xê dịch. Chân trời rộng mở. Lòng người cơi nới. Những khoảng cách diệu vợi như được thu hẹp. Ánh sáng và cả bóng tối nơi lòng người trên hành tinh vẫn còn nhiều máu và nước mắt này cũng trở nên rõ ràng hơn. Tri kiến về lẽ phải, về công lý cũng như về những trận cuồng phong như không bao giờ ngưng nghỉ của cái ác, của lòng tham, dường như cũng tường tận hơn.
Sách hay còn khiến ta ngộ ra, cái dốc đời không chỉ là con đường một chiều, là giới hạn bởi cái dốc thoai thoải vừa hoa thơm vừa rắn rết hay ngọn núi sừng sững chắn ngang trước mặt. Bước chân vấp ngã của đời người có thể song hành với tất cả, kể cả những con đường mà bàn chân chưa một lần được đặt đến.
Mà sách hay không hiếm. Cả một kho tàng quý giá…
Thôi thì, đừng ép mình nghỉ ngơi, đừng thô bạo với chính mình.
Nguồn: https://nhandan.vn/