- Truyện
- Duyên phận | Truyện ngắn dự thi của Hoàng Thị Tuấn Hương
Duyên phận | Truyện ngắn dự thi của Hoàng Thị Tuấn Hương
Trời đang nắng chang chang bỗng đổ cơn mưa rào. Mọi du khách cuống quýt tìm chỗ trú hoặc giương ô, mặc áo mưa tiếp tục đi bách bộ. Riêng có một người đàn ông trung niên, mái tóc hoa râm vẫn bình thản tắm mình trong mưa, thong thả dạo bước. Ông ngửa mặt nhìn bầu trời, đón nhận những hạt mưa và dang rộng đôi tay xoay tròn người. Nhìn dáng vẻ và nét mặt ông thấy toát lên một niềm vui sướng trẻ thơ. Từ vườn hoa trung tâm, ông rảo bước lại ngôi nhà thờ đá, địa chỉ đặc trưng của Sa Pa. Ông đưa tay xoa bức tường đá, mắt đăm đắm nhìn ngắm ngôi nhà thờ. Cả ngày hôm nay, ông đã lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm trong cái thị xã nhỏ bé này rồi. Ký ức xa xưa ùa về ăm ắp như mới ngày hôm qua…
*
Bầu trời âm u như sà xuống thấp. Mưa xì xụp suốt mấy ngày rồi. Con đường đất đá lổng chổng, nhem nhép, lầy lội. Những căn nhà gỗ ẩn hiện trên sườn đồi vắng, đìu hiu. Một chàng trai khoảng ngoài 20 tuổi, đeo tay nải, chân bước thấp bước cao vừa đi vừa ngó nghiêng. Ở lối rẽ đầu đường xuất hiện một cô gái, lưng đeo lù cởi, trên đầu đội chiếc nón rộng vành của người dân tộc. Chàng trai mau chóng tiến lại:
- Cô cho tôi hỏi thăm nhà ông Thống bán thuốc bắc ở đâu?
Cô gái liếc qua chàng trai rồi đưa tay chỉ đường. Không đợi lời cảm ơn, cô gái lại cặm cụi bước đi trong mưa gió.
Trong ngôi nhà gỗ ven sườn đồi, bên bếp lửa hồng lép bép, chủ và khách chén tạc chén thù. Mùi rượu nóng tỏa ra thơm ngào ngạt hòa với mùi thịt trâu gác bếp thơm lừng. Tuy mới gặp nhau lần đầu nhưng nhìn họ như kiểu thân quen từ lâu. Nghe tiếng lạch cạch ngoài sân, ông Thống bảo: “Cái Sâm đi hái thuốc về đấy!”. Khách nghển cổ ra nhìn. Ơ! Chẳng phải là cô gái lúc nãy vừa chỉ đường cho mình đó sao? Cô gái tháo lù cởi để vào góc nhà rồi cúi đầu chào khách. Một đôi mắt hồ thu thăm thẳm, hai má đỏ hồng như trái bồ quân, nét rất riêng của con gái vùng cao và miệng cười tươi như hoa nở khoe chiếc răng khểnh duyên dáng. Khách ngẩn người nhìn. Ông Thống vỗ nhẹ vào vai chàng trai: “Nào! Uống đi Cung! Mai cái Sâm nó dẫn đi xem nơi lấy thuốc”.
Mấy ngày lưu lại Sa Pa, Cung theo Sâm lên nương thuốc của gia đình và đến vài nhà trong bản có thuốc bắc bán. Gia đình Cung dưới Hà Nội có hiệu thuốc bắc to ở phố Phúc Kiến từ lâu đời. Nay gia đình muốn buôn tận gốc, bán tận ngọn chứ không qua trung gian nữa nên Cung cất công lên đây xem xét. Những ngày cùng cô sơn nữ đi xem hàng, Cung đã bị tính nết hồn nhiên, trong trẻo và sắc đẹp thánh thiện của cô đánh gục. Ngày Cung xuôi Hà Nội cùng những gùi hàng, chàng đã đánh rơi trái tim nơi miền sương mờ. Hàng tháng, Cung lại theo chuyến tàu lên miền biên ải, ngồi trên lưng ngựa lóc cóc mấy chục cây số để gặp người thương và lấy hàng. Ông Thống rất ủng hộ cho mối tình của đôi trẻ. Nhà ông có 4 cô con gái đẹp như hoa rừng, được ông đặt tên theo các loài thuốc quý: Sâm, Nhung, Quy, Thục. Sâm là chị cả đang bước vào tuổi 18. Vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc của nàng đã lọt vào mắt xanh của nhiếp ảnh gia Võ An Ninh. Nàng chuyên được mời làm người mẫu ảnh mỗi khi nhiếp ảnh gia lên Sa Pa. Ngày qua tháng lại, Cung vui mừng được đón Sâm về dinh. Cô sơn nữ từ giã phố núi về Hà Nội làm dâu trong một nhà buôn nổi tiếng thời bấy giờ. Đôi vợ chồng trẻ được bố mẹ cho ra ở riêng và tự tạo dựng cơ nghiệp. Nhờ kinh nghiệm buôn bán của chồng cộng với sự hiểu biết về các loại thuốc của Sâm từ ngày còn ở nhà nên hai vợ chồng làm ăn phát đạt. Những đứa con lần lượt ra đời càng thắt thêm tình cảm vợ chồng gắn bó. Cung xây dựng một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi và các loại hoa thơm trái ngọt trên Sa Pa để thỉnh thoảng đưa vợ con về quê ngoại nghỉ dưỡng. Sâm tỏ rõ tài năng thiên bẩm về quản lý kinh doanh và tề gia nội trợ. Quả là một cuộc sống viên mãn mà bao gia đình mơ ước!
Khi cuộc sống đạt tới đỉnh cao thì con người sẽ muốn hưởng thụ nhiều. Cung không phải ngược xuôi tìm nguồn hàng nữa. Công việc đã có người làm lo. Trong những cuộc giao lưu trong giới làm ăn, Cung quen với Toản - một lái buôn gỗ nhà ở Bến Nứa. Hai người rất tâm đầu, ý hợp. Toản có một cô con gái với người vợ Pháp rất xinh đẹp năm nay vừa mới bước sang tuổi trăng tròn. Cô tên Nguyệt, cái tên đẹp như độ tuổi của cô. Vợ Toản bỏ về nước khi Nguyệt mới được 5 tuổi. Toản hận đàn bà nên ở vậy nuôi con dù rất nhiều đám mai mối. Nguyệt càng lớn càng xinh đẹp. Cô bé thừa hưởng nét đẹp của mẹ với mái tóc vàng óng như tơ, đôi mắt xanh biếc, sống mũi cao trên khuôn mặt trắng ngần. Tuy mới 15 tuổi nhưng cô phổng phao như thiếu nữ. Mỗi khi cô ra đường bao ánh mắt ngẩn ngơ nhìn theo.
Cung và Toản thường xuyên đến chơi nhà nhau. Hai người rủ nhau đi săn, đi hát cô đầu… Những khi Toản đi vắng, Nguyệt được gửi tới nhà Cung.Trong đám, Nguyệt bằng tuổi con gái thứ tư của Cung nên Sâm yêu thương cô bé như con đẻ. Nguyệt có thể vô tư bá vai bá cổ Cung nũng nịu đòi quà mà không ngại gì cả. Thật tình cảm không ai ngờ được. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén! Khi Toản và Sâm phát hiện ra thì tình cảm của Cung và Nguyệt đã vượt quá giới hạn. Toản đau đớn nói với Cung:
- Tao không ngờ mày lại xiên cho tao một nhát dao chí mạng như vậy. Mày biết Nguyệt là báu vật của tao mà! Từ nay, tao và mày không còn bạn bè gì nữa!
Được một tuần, Toản phải muối mặt tới nhà Cung và xuống nước:
- Mày giúp tao với! Con bé từ hôm ấy đến nay giam mình trong phòng, không gặp ai hay ăn uống gì cả. Tao lo nó làm sao quá! Nó cứ đòi gặp mày thôi!
Cung tới, gõ cửa phòng Nguyệt. Tưởng người nhà nên cô không mở cửa. Khi nghe tiếng Cung gọi, cô bé gượng dậy mở hé cánh cửa và ngã ập vào lòng Cung. Mới một tuần không gặp mà Nguyệt xác xơ như người từ cõi chết trở về. Mọi người vội vã đưa cô đi viện. Thôi! Đất không chịu trời thì trời phải chịu đất! Một tháng sau, hôn lễ được cử hành khi Nguyệt bước sang tuổi 16. Sâm như đứt từng khúc ruột khi chứng kiến người chồng đầu ấp tay gối của mình kết hôn cùng người mà vợ chồng Sâm coi như con cái. Là mẹ của 5 đứa con, chưa tới 50 tuổi nhưng Sâm vẫn đẹp quý phái. Sau hôn lễ của chồng, cô lặng lẽ đưa đứa con nhỏ về Sa Pa sống, nhường cơ ngơi mà cô cùng chồng tạo dựng cho mối tình chú cháu. Mấy người con lớn đã trưởng thành nên cô không lo ngại. Trước khi rời Hà Nội, cô nói với Cung:
- Duyên phận của ông với tôi đến nay đã hết. Bây giờ, ông là của cô ấy. Ông có thể cho các con và mẹ con cô ấy lên gặp tôi, riêng ông thì không!
*
Trở về khách sạn ven đồi, người đàn ông được chủ nhà đón tiếp bên mâm cỗ đợi sẵn:
- Chú đã đi được những đâu rồi?
- Em đã đi khắp nhưng tìm mãi vẫn không định hình được những chỗ ngày trước anh em mình vẫn tới. Sa Pa thay đổi nhiều quá anh ạ!
- Ừ! Sáu mươi năm rồi còn gì ! Vật đổi, sao dời. Chỉ tình cảm anh em mình là còn mãi.
Họ cùng trầm ngâm bên mâm rượu và ký ức lại quay ngược thời gian.
Ngày ấy, Sâm đang mang thai nhưng hận chồng nên không nói ra. Nhờ tài sản có sẵn nên cô cũng không vất vả gì. Buồn nỗi, đứa con được sinh ra trong hoàn cảnh ấy nên không vui vẻ hồn nhiên đúng tuổi. Nguyệt lúc đó cũng mang thai và sinh ra một bé trai bụ bẫm. Hai đứa con, hai khoảng trời khác biệt. Một bên đầy đủ tình yêu thương của cha mẹ, một bên đi học bị bạn bè bắt nạt vì cha không quan tâm. Cung và Nguyệt có với nhau 3 đứa con, 2 trai và 1 gái. Hàng năm, Nguyệt vẫn đưa các con lên Sa Pa thăm Sâm. Tình cảm giữa hai người vợ và các con của cả hai đều êm ấm. Duy có Cung là không sao gặp được Sâm. Một thời gian sau, con trai lớn của Cung với Nguyệt được bà ngoại đón sang Pháp và định cư ở đấy. Bao năm xa quê, nay ông trở về chốn xưa với mái tóc muối tiêu và tìm lại cảnh vật trong hồi ức. Hiệu thuốc xưa ở phố Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông) được truyền cho con trai cả của Sâm. Ngôi nhà trên Sa Pa để dành cho cậu út, nay được làm khách sạn. Bà Sâm vì tâm bệnh nên mất ở tuổi 53 và được an nghỉ tại phố núi quê nhà. Trước khi mất, bà căn dặn các con phải thương yêu nhau như anh em cùng cha mẹ. Ông Cung hưởng thọ 70 tuổi. Sau đó một thời gian, bà Nguyệt xuống tóc đi tu ở một ngôi chùa cổ thuộc vùng Ninh Bình và mất ở tuổi 60. Các con của ông bà thực hiện đúng lời dặn của bà Sâm, đối đãi với nhau rất chân tình. Một mối tình tay ba mặn nồng nhưng đau xót!
H.T.T.H