TIN TỨC

Em đi tát nước… Tản văn của Nguyễn Linh Giang

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2023-11-06 09:06:40
mail facebook google pos stwis
1973 lượt xem

Tát nước là công việc quen thuộc của người làm nông ngày trước. Tát nước để chống hạn. Nghề làm nông trước đây, cứ đến vụ lúa tháng 6 là cánh đồng thiếu nước, nhà nào cũng lo khơi thông mương nước, rồi dùng nát, gàu, xe đạp nước để ngày đêm tát nước cho lúa. Làm nông rất vất vả, nhưng rồi làm nghề nào yêu nghề đó. Mùa nắng hạn ở miền Trung rất khắc nghiệt, trên cánh đồng lúc nào cũng có nhiều người tát nước, cứu lúa. Tát nước thường tập trung vào tầm chiều mát hay sáng sớm. Tuy vậy, tát nước đông vui nhất là vào những đêm trăng, tiếng nước chảy hòa cùng tiếng cười vui rộn ràng, xen lẫn giọng hò khoan dìu dặt. “Lúa khô, nước cạn ai ơi/ Rủ nhau tát nước, chờ trời còn lâu”; “Cô kia tát nước một mình/ Cho anh tát với chung tình làm đôi” (Ca dao). Và câu thơ quen thuộc, gần gũi như một lời ca dao: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?” (thơ Bàng Bá Lân).

Nhà văn Nguyễn Linh Giang

Ở quê tôi, tát nước một người thì dùng chiếc nát (miền Bắc gọi là gàu sòng). Miệng nát tựa như nửa hình bầu dục được cạp tre. Thân nát đan bằng tre (sau này được làm bằng tôn hoặc nhôm cho nhẹ và dễ làm), dài gần một mét và thuôn thuôn nhỏ dần về phía đáy. Cuối đáy là một cái chuôi có cán dài dùng để cầm tát nước. Nếu tát nước trong một thời gian dài thì cắm 3 đoạn tre già xuống ba góc ao hay mương nước, một đầu chụm lại buộc cho chắc thành đỉnh tam giác; rồi lấy dây thừng to ròng từ đỉnh ấy xuống đoạn giữa cán của nát, sao cho cân bằng “lực”. Khi tát nước, một tay nắm cuối chuôi cán của nát, một tay nắm đoạn giữa cán, gần chỗ buộc dây thừng, vục từng gàu nước, đẩy qua bờ ruộng. Nếu tát ít thì không cần làm giá (cột chụm ba đoạn tre già) mà chỉ cần đứng chân vững chãi, cầm nát tát thẳng từ mương lên ruộng. Tát nước kiểu này đòi hỏi sức lực, đôi tay khỏe mạnh của đàn ông, con trai.

Tát nước thông dụng nhất là dùng gàu (miền Bắc gọi là gàu dai). Gàu đan bằng tre, có hình dáng hao hao đầu cá tràu (cá lóc, cá quả) mà đáy gàu là miệng cá. Vành gàu là thanh tre, bản to hơn vành nong, hai bên hông và đáy gàu được nẹp bằng khung tre, được dùi lỗ nức mây vào thân gàu. Dùng phân bò trộn với dầu rái trét cho kín, chống chảy nước và mối mọt. Dây gàu thường làm bằng lạt tre, bỏ ruột giữ cật, chuốt nhẵn, xoắn lại thành dây. Một chiếc gàu có 4 dây, 2 dây miệng và 2 dây đáy, cột ở hai phía đối xứng nhau. Chặt một lóng hóp to vừa lòng nắm tay, dài bằng chiều ngang bàn tay, xỏ 4 đầu dây vào làm tay gàu, cầm tát cho êm.

Bài được rút trong tập "Sông vẫn chảy đời sông" vừa xuất bản năm 2023

Tát nước bằng gàu phải có 2 người, thường là một đôi nam nữ, ở hai phía đối diện nhau, thế đứng mỗi người hơi nghiêng về phía sau. Mỗi người cầm một dây miệng và một dây đáy. Dây miệng ngắn hơn dây đáy một cẳng tay. Khi tát nước bằng gàu, các động tác tay phối hợp với chân, lưng, bụng nhịp nhàng và đòi hỏi hai người phải ăn khớp với nhau. Động tác tát nước của cặp đôi nam nữ rất gợi cảm, tình tứ. Họ tát nước như múa, là dùng đà chứ không dùng sức, dây lúc căng lúc chùng theo nhịp của đôi tay. Tát nước bằng gàu thường là đôi nam nữ, nhất là thanh niên. Người ta háo hức đi tát nước, vừa tát vừa trò chuyện, vừa hát đối giao duyên. “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen/ Em được thì cho anh xin/ Hay là em để làm tin trong nhà?” (Ca dao). Có những cặp đôi tát nước không biết mệt, ấy là khi họ phối hợp nhịp nhàng, các động tác thực hiện một cách nhuần nhuyễn, tát nước như nhịp múa. Những đôi nam nữ có tình ý với nhau thì tát nước là cơ hội trời cho. Hai đôi tay điều khiển 4 dây và chiếc gàu lượn vòng uyển chuyển, nước bung lên trắng xóa như hoa. Thường qua mùa tát nước, họ nên vợ nên chồng. Hình ảnh người con gái, người yêu, người vợ ở nông thôn đi tát nước toát lên vẻ đẹp hồn hậu của người phụ nữ nông dân, là hình ảnh neo giữ tình cảm đối với những chàng trai đi chinh chiến phương xa theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc: “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương/ Nhớ ai dãi nắng dầm sương/ Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao” (thơ Á Nam Trần Tuấn Khải).

Ở quê tôi còn tát nước bằng xe đạp nước. Xe được làm hoàn toàn bằng gỗ. Cấu tạo của xe bao gồm ba bộ phận chính: thùng xe (máng dẫn nước); hệ thống lá quạt đẩy nước; hệ thống trục quay làm nhiệm vụ kéo và đẩy. Ngoài ra, khi vận hành trên ruộng còn có thêm bốn trụ tre chống, một thanh tre để làm đòn ngồi và một thanh tre khác để làm tay vịn. Xe đạp nước dùng để đưa nước từ thấp lên cao, chống hạn rất hiệu quả ở vùng đồng bằng và trung du Quảng Trị. Xe đạp nước hoạt động được do 2 người cùng phối hợp đạp nước. Và cũng từ những đợt chống hạn này, bao mối tình đã nảy nở, nên duyên. Có những cặp đôi “say” nhau, cùng đạp nước từ tối đến khuya, có khi nước đầy tràn ra ruộng lúc nào không hay…

Tôi lớn lên, vào những năm sau 1975, ruộng đồng vào mùa khô vẫn phải chống hạn bằng xe đạp nước. Có lần, được ngồi xe đạp nước đêm trăng cùng với cô bạn gái tôi mới biết giọt mồ hôi trên sợi tóc mai cùa cô thôn nữ vừa nghe mằn mặn vừa nồng ngầy ngậy, khó tả. Qua bao mùa trăng, tôi vẫn còn mơ được đi tát nước: “Hôm qua trăng sáng tờ mờ/ Em đi tát nước tình cờ gặp anh” (Ca dao).

Nguyễn Linh Giang

Bài viết liên quan

Xem thêm
Vu vơ ngày cuối tháng Ba – tản văn của Võ Thị Như Mai
Cuộc đời tôi, dẫu có những ngày lặng lẽ bước qua những con đường cũ, vẫn là một khu vườn đầy ắp màu sắc - có cả xanh tươi của hy vọng, cả vàng úa của hoài niệm, nhưng quan trọng nhất, vẫn còn đó những chồi non kiên trì vươn lên sau mỗi lần đổi thay.
Xem thêm
Hélène – con gái ông Tây Việt Minh
Bài của nhà văn Nguyễn Thanh
Xem thêm
Cô bé và đóa hoa hồng – Tạp bút của Võ Đào Phương Trâm
Chiếc xe đạp lộc cộc băng qua con đường đông đúc, lách qua những làn xe liên tục của Sài Gòn, cái dáng mỏng manh, độ chừng mười hai tuổi, bé nhỏ liêu xiêu trên chiếc xe đạp cà tàng, nghe cót két, hình như chiếc xe bị hư gì đó nên thấy nó đạp một cách cực nhọc hơn bình thường.
Xem thêm
Thành phố của lòng nhân ái - Ký của Nguyên Hùng
Ký dự thi “Thành phố tôi yêu, thành phố nghĩa tình” của Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Về Tiên Động nhớ Ngư Phong – Nguyễn Quang Bích
Ngư Phong là tên hiệu của thủ lĩnh miền Thao - Đà trong thời Cần Vương chống Pháp ở Bắc Kỳ. Ông tên thật là Nguyễn Quang Bích (1832 – 1890). Đương thời ông được nhân dân miền Tây Bắc xưng tụng là “phật sống” và hết lòng yêu quý, ngưỡng mộ.
Xem thêm
Lỗi tại Sài Gòn…
Tản văn của La Mai Thi Gia
Xem thêm
Phù Điêu tại đền thờ liệt sĩ Phú Yên
Phù điêu là dạng di sản văn hoá của nhân loại. Đó là hình thức nghệ thuật khắc (chạm) nổi mô tả không gian rộng lớn của một sự kiện lịch sử hoặc chuỗi sự kiện lịch sử. Từ xa xưa, trên thế giới đã xuất hiện những phù điêu nổi tiếng như: La Sơn đại phật (Trung Quốc), Tag- Bostan (I Ran), Tôronat - Sanchi (Ấn Độ), Ăng kor Wat (CPC)… Ở nước ta, nhiều nơi đã có phù điêu gắn với sự kiện lịch sử nổi bật với hình thức thể hiện đa dạng, hoành tráng. Có thể kể tên vài địa danh như phù điêu về “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong” tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ); Phù điêu ở Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ (Điện Biên); Phù điêu ở Bảo tàng Quân khu 4; ở Quảng Ninh, Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) …
Xem thêm
Đi tìm hiểu vì sao nước uống Fujiwa lại có lợi cho sức khỏe?
Bài viết giải thích công dụng của nước ion kiềm Fujiwa dựa trên cơ sở khoa học
Xem thêm
Một gia đình phi công
Bài viết của Đại tá nhà văn Nguyễn Minh Ngọc
Xem thêm
Đoàn nhà văn TP. HCM tham quan Nhà máy nước Fujiwa Củ Chi
Bài viết về người phụ nữ năng động năng động, sáng tạo và không ngừng vươn lên
Xem thêm
Sức mạnh hoà bình
Khi chiếc F5-E tách khỏi đội hình/ Dưới cánh bay vẫn đường băng của địch
Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm