- Truyện
- Gấu Ngựa - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Gấu Ngựa - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Những chú Voọc có chiếc đuôi dài hơn thân mình, trắng muốt đưa hai tay bám lấy cành cây như người đánh đu, cất tiếng hú vang động cả bầu trời. Loài Voọc ở đây lạ lắm: mặt có lông màu trắng; đầu, lưng và tứ chi lông đen thui; vùng bụng lại có lông màu bạch kim. Chúng sống thành từng đàn năm bảy chục con, mỗi sáng sớm kéo nhau đi ăn, hoặc chiều về lại hò hét, gọi nhau inh ỏi. Chúng thích ăn lá cây khác với họ nhà khỉ chỉ thích ăn quả. Có lẽ bầy Voọc chưa bao giờ gặp người nên thấy H’Chi đi một mình chúng nhìn chằm chằm rồi đua nhau đuổi theo, quăng mình từ cành này sang cành khác như người làm xiếc.
Nhà văn Hồng Chiến
- Bốp! Bốp! Bốp!
Có tiếng chặt cây đột ngột vang lên ngay trước mặt; H’ Chi mừng quá, có lẽ sắp tới bìa rừng rồi nên mới có người chặt cây. Thế là đêm nay lại được quây quần bên bếp lửa chứ không phải ngủ một mình trong rừng nữa. Người Êđê cũng giống như nhiều dân tộc anh em khác, bao giờ ở phòng khách cũng có một bếp lửa được đắp bằng đất, có diện tích gần một mét vuông, cao hơn mặt sàn nửa gang tay; đêm đêm lửa được đốt lên để sưởi ấm, xua đi cái lạnh và cũng là nơi người lớn thường hay quây quần nghe người già kể chuyện, bàn việc… Đối với đám trẻ con có lẽ thú vị nhất là được đặt chiếc bắp bóc hết lớp bẹ, khoe hạt trắng tinh vừa đông sữa; để sát than hồng, chỉ một lúc sau những hạt bắp màu trắng chuyển sang màu vàng toả mùi thơm ngào ngạt; lấy ra, thổi cho nguội rồi nhẹ nhàng tách từng hạt bỏ vào miệng nhâm nhi cho vị ngọt, vị bùi trôi vào bụng trong lúc được nghe người già kể chuyện, thật thú vị làm sao. Cách nướng bắp hay khoai mì của người Tây Nguyên khác hẳn với các bạn học cùng lớp ở miền Bắc vào.
H’ Chi bật cười nhớ lại: hôm mời mấy bạn học cùng lớp về nhà chơi, bọn bạn lấy khoai mì, bắp tươi để nguyên cả vỏ vùi dưới tro nóng chờ chín làm cả nhà ngạc nhiên. Cách nướng mấy thứ ấy của người Tây Nguyên có nét độc đáo riêng. Khoai mì phải bóc sạch vỏ, còn bắp tước hết bẹ rồi dựng lên bên bếp, thỉnh thoảng xoay nhẹ cho chúng chín đều. Cái khéo của người nướng là làm sao phải chín đều có màu vàng sậm đẹp mắt, làm được điều đó là cả một kì công.
***
Sau gần trọn một ngày, lần đầu tiên một mình vào rừng hái lá thuốc giúp amí(1) về chữa bệnh cho người ốm, H’Chi vừa đi vừa nghĩ tới bữa tối vui vẻ thường diễn ra quanh bếp lửa làm cho đôi chân bước đi nhẹ nhàng hơn. Bỗng H’Chi sững người dừng lại khi thấy nơi phát ra tiếng “chặt cây” ấy không phải người mà một chú gấu cao hơn sải tay đang dùng hai chân trước vả vào gốc cây bằng lăng bóc ra từng mảng lớn giống người ta tước vỏ mía vậy. Vây quanh con gấu, bầy ong mật đông đúc quần đảo; mặc kệ, gấu vẫn thản nhiên dùng móng sắc của mình xé cây tìm mật.
Con gấu đen thui, gần sát cổ có một chòm lông trắng hình chữ V, mũi nhọn quay xuống phía ngực - đích thực đây là gấu ngựa. Gấu ngựa con trưởng thành nặng trên cả tạ, thích ăn mật ong, quả cây và cả thịt, cá. Thú lớn như: nai, heo, mang... Bắt được chúng cũng chén tất. Gấu ngựa là loài hung hăng sẵn sàng liều chết đánh nhau với hổ tranh giành thức ăn; chúng cũng tấn công lại con người khi bị xua đuổi, săn bắn bị thương.
Trong rừng còn có loại gấu chó, lông đen tuyền, trên ngực có túm lông cong cong hình lưỡi liềm màu nâu nhạt khác với gấu ngựa, ngực có lông trắng hình chữ V. Gấu chó con cái trưởng thành nặng khoảng hai lắm ký - có lẽ vì trọng lượng cơ thể như con chó sói nên người ta gọi là gấu chó chăng? Con đực trưởng thành lớn gấp đôi con cái. Gấu chó thường đi ăn một mình, nếu không phải là gấu cái nuôi con nhỏ. Chúng di chuyển bằng bốn chân, thỉnh thoảng lại đứng thẳng lên như người bằng hai chân sau quay nhìn bốn phía xem có kẻ thù không. Loài gấu chó thích ăn kiến và mối như tê tê, nhưng cũng có lúc chúng ăn thịt chim, thú nhỏ, các loài bò sát và trứng.
Trời sinh ra loài gấu có một sức mạnh phi thường ở đôi bàn tay để nó có thể xé tất cả các loài cây dù to đến mấy, cứng đến mấy nếu bên trong có tổ ong mật. Người già nói gấu tuy khoẻ nhưng chúng rất hiền đối với con người, luôn luôn tìm cách tránh nếu như bất ngờ gặp nhau. Song mới cách đây một tuần thôi đã có một trường hợp ngoại lệ làm thay đổi cách nghĩ ấy...
***
Vào buổi chiều khi mọi người từ ngoài rẫy theo nhau về nhà chuẩn bị bữa cơm tối. Bỗng có người phụ nữ mảnh dẻ, một cánh tay bê bết máu cõng một người đàn ông phải to gấp rưỡi chị ta lảo đảo bước đến chân cầu thang nhà H’Chi thì xỉu. Khi tỉnh lại chi ta cho biết đã cõng chồng mình hơn mười cây số, băng qua đèo, lội qua suối đến đây nhờ cứu chữa. Qua lời chị kể, H’Chi dần hiểu ra: Đôi vợ chồng trẻ người dân tộc Mường từ Hoà Bình di cư tự do vào làm rẫy trong rừng sâu. Trưa hôm ấy, người vợ ra hái đậu, bất ngờ một chú gấu lớn trong rừng từ từ đi ra, nó đi bằng hai chân sau, hai chân trước khuơ khuơ như múa tiến đến bên chị và bất ngờ vả một cái thật mạnh vào vai. Chị đau đớn thét lên và ngã sấp xuống mặt đất. Người chồng thấy vậy xách dao chạy ra hỏi: “Tại sao mày phá đậu, còn đánh vợ tao?” Con gấu không trả lời, xông lại tát anh chàng túi bụi, đến lúc lăn quay ra đất mới chịu bỏ đi. Không biết người phụ nữ ấy lấy đâu ra sức mạnh để mang được chồng đi xa đến vậy, trong lúc mình cũng bị thương. Amí cho họ uống thuốc, đắp lá vào vêt thương rồi nhờ người trong buôn chở lên bệnh viện kịp thời; vì thế vợ chồng họ thoát chết.
Nhưng như thế là loài gấu ngày nay không còn sống hoà bình với loài người nữa rồi. Ama(2) bảo: “Tại người ta phá hết rừng, chúng không còn chỗ sống nên mới nổi giận chống lại người”! Bây giờ gặp nhau giữa rừng thế này đành phải chờ nó bỏ đi vậy. Con gấu có lẽ phải trên cả tạ, điềm nhiên móc từng tảng sáp có mật vàng óng bỏ vào mồm. Nó ăn tất cả mật, sáp, ong con... một cách ngon lành; không thèm để ý đến bầy ong đông đặc xúm xít bâu vào mặt, vào đầu.
***
Người già bảo: Ong mật Tây Nguyên có ba loài chính, loài có thân hình lớn nhất phải to gấp rưỡi con ruồi chuyên làm tổ bám vào cành cây, vách đá nhìn qua có thể nhầm là chiếc dậm đánh cá treo áp miệng vào cành cây; loài ong này hung dữ lắm, các loài thú ăn mật đều sợ nó trừ loài gấu; một tổ ong loại này có thể lấy được cả chục lít mật. Loài thứ hai nhỏ hơn, làm tổ trong các thân cây cổ thụ, mật thơm và ngọt hơn, người dân gọi là ong ruồi. Gọi là ong ruồi - vì nó chỉ to bằng con ruồi, thích làm tổ trong các thân cây bằng lăng và có lẽ vì thế chỉ có loài gấu mới phá được tổ của chúng. Loài ong mật nhỏ nhất, con trưởng thành chỉ to bằng chân que nhang lại làm tổ dưới đất, vì thế chúng hay bị các loài thú ăn mật quấy nhiễu nhiều nhất; mật loài này hơi chua, người lớn không dùng chỉ có loài thú nhỏ và bọn trẻ con chăn trâu, bò lấy ăn.
Cuối cùng con gấu cũng bỏ đi sau khi đã ăn hết nhẵn cả mật lẫn sáp ong. Bầy ong đuổi theo một đọan rồi quay lại bay vòng quanh gốc cây tổ vừa bị phá như không hiểu điều gì xảy ra, tiếng kêu u… u như khóc.
Chờ con gấu đi khỏi một lúc H’Chi mới rời chỗ núp đi tiếp. Những gốc cây cổ thụ đã sẫm màu, báo hiệu màn đêm sắp ập xuống. H’Chi thầm nghĩ: có lẽ mình không kịp về nhà trước trời tối mất rồi, chỉ tại con gấu cản đường. Nhưng đây cũng là lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy gấu ngựa phá tổ ong lấy mật. Mai mình về kể lại chuyện này, cả lớp sẽ ngạc nhiên lắm đây!
Hồng Chiến