TIN TỨC

Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2024-07-17 17:47:17
mail facebook google pos stwis
261 lượt xem

 “Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.

Nhà văn Thúy Dung

           Còn nhạc sỹ Thuận Yến đã phổ bài “Chia tay hoàng hôn” của Hoài Vũ, có câu “Em sẽ về thôi, xa anh thôi, hoàng hôn yên lặng cũng theo về”. Nhạc sỹ Thanh Tùng có bài hát “Hoàng hôn màu lá”. Nơi tôi đứng nhìn khung cảnh hoàng hôn, không có màu lam tím, không có màu lá, và không yên lặng. Hoàng hôn ở đây đỏ rực, và gió và sóng làm tóc tôi bay lòa xòa, làn da tôi thấm hơi muối biển.

          Đây là lần thứ hai tôi đến Hòn Gùi, thuộc quần đảo Hải Tặc. Tôi thích nhất được ngắm hoàng hôn và bình minh nơi đảo vắng này. Sau bữa cơm chiều cùng gia đình và những người giữ Hòn Gùi (Hòn này do một tư nhân sống tại thành phố Hồ Chí Minh đầu tư), tôi và cô bạn đi bộ ra bờ biển phía sau để ngắm hoàng hôn. Bạn tôi đi tiếp hơn trăm mét, nơi có những tảng đá cao và hành lang bảo vệ. Còn tôi, vẫn đứng sát mép biển, hai chân đặt trên hòn đá nhỏ, khá bằng phẳng.  Mỗi đợt sóng dâng, chỉ cách bàn chân tôi hai mét. Gió chiều lồng lộng, biển ào ào, không chút bình yên. Phía sau tôi là khu rừng âm u. Tôi không cần trò chuyện với ai, tôi chỉ thích ngắm hoàng hôn một mình. Mặt trời bị đám mây che khuất, nhưng xung quanh vẫn ánh lên, rọi cái màu đỏ, cam, vàng xuống mặt biển. Sau mỗi mười lăm phút, tôi chụp một tấm ảnh. Có hai chiếc tàu cá di chuyển dưới ánh hoàng hôn, nơi “đường chân trời” từ góc nhìn của tôi. Tôi không ngớt kêu lên “đẹp quá”. Rồi đám mây bay qua, để lộ một mặt trời tròn vo, một quả cầu lửa chói lọi. Chỉ có tôi giữa bao la trời đất. Càng về sau, khi mặt trời từ từ lặn xuống mặt biển, ánh sáng vàng rực rọi vào rừng cây phía sau tôi.

          Bầu trời bắt đầu tối. Gió thổi mạnh hơn nhưng ánh sáng cam cam, vàng vàng vẫn còn nơi chân trời. Cái hình tròn chỉ còn một nữa, sau đó chỉ còn một phần ba. Khi không còn nhìn thấy hình tròn, nhưng áng mây quanh nó vẫn còn sáng, cứ y như mặt trời đang cố hết sức tỏa hào quang lần cuối trước khi nhường lại cho mặt trăng tỏa ánh sáng dìu dịu.

          Lúc này, trong tâm trí tôi không còn vướng bận chuyện nhân tình thế thái, chỉ còn lại thiên nhiên hoang sơ đẹp đến nao lòng. Sóng vẫn là “sóng của ngày xưa và ngày sau vẫn thế” (Xuân Quỳnh) và mặt trời vẫn là hành tinh to lớn của vũ trụ bao la. Đời người thật ngắn ngủi. Thân xác này rồi sẽ thành cát bụi. Tôi đã thật hạnh phúc khi được ngắm trọn hoàng hôn trên đảo vắng./.

T.D 

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lỗi tại Sài Gòn…
Tản văn của La Mai Thi Gia
Xem thêm
Phù Điêu tại đền thờ liệt sĩ Phú Yên
Phù điêu là dạng di sản văn hoá của nhân loại. Đó là hình thức nghệ thuật khắc (chạm) nổi mô tả không gian rộng lớn của một sự kiện lịch sử hoặc chuỗi sự kiện lịch sử. Từ xa xưa, trên thế giới đã xuất hiện những phù điêu nổi tiếng như: La Sơn đại phật (Trung Quốc), Tag- Bostan (I Ran), Tôronat - Sanchi (Ấn Độ), Ăng kor Wat (CPC)… Ở nước ta, nhiều nơi đã có phù điêu gắn với sự kiện lịch sử nổi bật với hình thức thể hiện đa dạng, hoành tráng. Có thể kể tên vài địa danh như phù điêu về “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong” tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ); Phù điêu ở Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ (Điện Biên); Phù điêu ở Bảo tàng Quân khu 4; ở Quảng Ninh, Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) …
Xem thêm
Đi tìm hiểu vì sao nước uống Fujiwa lại có lợi cho sức khỏe?
Bài viết giải thích công dụng của nước ion kiềm Fujiwa dựa trên cơ sở khoa học
Xem thêm
Một gia đình phi công
Bài viết của Đại tá nhà văn Nguyễn Minh Ngọc
Xem thêm
Đoàn nhà văn TP. HCM tham quan Nhà máy nước Fujiwa Củ Chi
Bài viết về người phụ nữ năng động năng động, sáng tạo và không ngừng vươn lên
Xem thêm
Sức mạnh hoà bình
Khi chiếc F5-E tách khỏi đội hình/ Dưới cánh bay vẫn đường băng của địch
Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm