TIN TỨC
  • Truyện
  • Tàn tích | Huỳnh Phi Hải

Tàn tích | Huỳnh Phi Hải

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
839 lượt xem

 CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

HUỲNH PHI HẢI

10 giờ đêm. Con đường vắng lặng không bóng người. Mưa như trút, gió giật liên hồi. Tiếng gió rít qua khe hở tạo ra những âm thanh vù vù ma quái. Bên trong cái đồn công an nhỏ bé nằm biệt lập trên một gò đất cao ở một xã biển chỉ có vài trăm hộ dân, Viên - cậu thanh niên mới vừa tốt nghiệp ra trường - đang cố gắng giữ sự điềm tĩnh trên gương mặt. Cậu đang cố giữ cho đầu óc mình tỉnh táo bằng cách xâu chuỗi lại mọi sự kiện diễn ra trong ngày hôm nay. Bản tin dự báo thời tiết báo ngày đầu tiên của tháng 11 là một ngày nắng đẹp, đêm trời nhiều mây không mưa; Anh Long - Phó trưởng công an - người sẽ trực chung ca đêm nay với cậu chạy về đưa vợ đi đẻ. Mọi thứ vẫn sẽ như thường ngày và nếu không có gì thay đổi Viên sẽ đưa người yêu đi ngắm bình minh vào sáng mai. Nhưng đó là trước khi cơn mưa bất chợt ập đến. Giờ đây đối diện với Viên là một nghi phạm giết người và cậu cần đổ lỗi cho một cái gì đó hòng giữ sự cân bằng trong tình huống mà cậu chưa có kinh nghiệm để xử lý. Cậu đổ lỗi cho cơn mưa chết tiệt bên ngoài.

Hơn 20 phút trôi qua nhưng gã đàn ông trước mặt Viên chẳng chịu hé môi nửa lời. Gã cao gầy, tóc xõa ngang vai.  Trong bộ đồ có phần hầm hố với quần lính, giày đen đế cao, áo ba-đờ-xuy thoạt nhìn có nét giống với một tay du đãng chính hiệu lại cũng có nét của một nghệ sỹ ưa cô độc để tìm cảm hứng sáng tác. Gương mặt gã góc cạnh nhưng điều thu hút Viên đó là đôi mắt. Gã này có đôi mắt u buồn, trong suốt đến mức bất cứ ai nhìn vào cũng sẽ có ý nghĩ mình có thể tan ra bất cứ lúc nào. Từ khi gã bị bắt tại trận cho đến khi được Viên áp giải về đồn tuyệt nhiên gã không và cũng không hề có dấu hiệu phản kháng. Gã chỉ nói đúng hai câu: “Đưa cô bé đi viện ngay” và “Cho tôi xin một điếu thuốc”. Trên người gã không hề có một vật dụng gì ngoài một cây cọ vẽ nhỏ còn mới tinh. Viên nhìn gã đàn ông trước mặt nhất thời cậu không biết phải làm gì tiếp theo. Gương mặt gã xạm đen, nhẵn nhụi, cộng với những đường nét cứng ngắc nhưng lại tạo cảm giác hài hòa, cân xứng, khó mà đoán được gã này chính xác bao nhiêu tuổi. Một gương mặt mà khi chăm chú nhìn bất chợt cảm giác bất an xuất hiện, một sự khuấy động sâu xa, vài kí ức buồn hiện lên. Viên rời mắt khỏi gương mặt gã, hít một hơi thật sâu, cố định hình lại thực tế. Cậu đã làm đúng quy trình gọi báo cho sếp của mình cũng như trực ban Công an huyện. Tuy nhiên, khi nghĩ đến cả đêm nay phải ở một mình với gã này cậu bất giác thở dài một hơi.

Cơn cuồng phong đêm hôm trước đến và đi chẳng để lại bất cứ dấu vết nào. Nó gột rửa bầu không khí của cái xã Bình Thạnh này và cũng gột rửa luôn ký ức của mọi người về nó.  Nói là xã nhưng người dân xung quanh vẫn quen gọi đây là làng, làng Bình Thạnh, ngôi làng nhỏ biệt lập nằm ép mình giữa một bên là bờ biển với đầy đá lỏm chỏm và một bên là đồi cát cao che chắn những luồng gió Bắc lạnh lẽo. Cả ngôi làng chỉ có một con đường nhựa duy nhất dài thẳng tắp từ cổng vào, nếu không tính những đường xương cá nhỏ rẽ xuống từng khu nhà ở, thì đến gần cuối làng con đường sẽ rẽ làm hai nhánh chính, nhánh hướng xuống khu du lịch Cổ Thạch, nhánh hướng đến gò đất cao nơi có ngôi đình Bình An, Lăng Ông Nam Hải nằm nép mình bên đồi cát cao có hướng nhìn ra biển. Từ đồi cát cao, men theo bờ biển đích đến cuối cùng chính là Mũi La Gàn như một chiếc lưỡi thò ra mặt biển có hình cánh cung dài khoảng 2 km, nơi những tảng đá cuội lớn nhỏ đủ loại xếp chồng lên nhau tạo ra vô số hình thù kỳ dị. Qua hàng ngàn năm, đá vẫn trầm mình trong nước lắng nghe lời tỉ tê của những con sóng đại dương.

Sáng nay, tại quán cà phê nhỏ nằm gần ngôi đình cổ của anh Ba Bé, khách đông đảo lạ thường. Có nam, có nữ, có người già, và cũng có trẻ nhỏ. Hòa lẫn trong tiếng gió vút qua hàng dương, tiếng sóng ì ầm đập vào bãi đá là tiếng người ta bàn tán nhộn nhịp về vụ án tối qua. Tất cả không hẹn mà đều nhìn về hướng chỉ tay của ông Sáu Nộ, một trong hai người có mặt tại thời điểm xảy ra vụ án. Địa điểm ông chỉ tay nằm chếch bên trái cổng Lăng Ông Nam Hải, nơi giáp giữa đường đất với đường bê tông. Con đường đất này sẽ hướng ra gò đất cao cuối ngôi làng, nơi mà dân làng vẫn hay gọi là bãi ngoài.

Bà Tư mỏ chuột - đầu nậu cá lớn nhất làng kiêm cho vay lãi nặng - ngồi chễm chệ trên chiếc ghế nhựa màu đỏ của quán. Thân hình đồ sộ, cơ mặt căng lên, bà ta cất thứ giọng chuyên đi đòi tiền những kẻ vay tiền chay trả sau khi lắng nghe ông Sáu Nộ kể lại mọi chuyện.

- Thằng đó ngay từ đầu đến đây tôi đã thấy nó là một thằng cô hồn rồi. Mọi người nghĩ đi, nó vẽ cái chết tiệt gì chứ, ngay từ đầu chúng ta lẽ ra không nên cho hắn dựng lều ở ngoài đấy.

- Nhưng tại sao đêm hôm khuya khoắt con Na lại đi ra đó - Giọng một ông trung niên đứng trong đám đông cất tiếng.

- Chắc nó đi dạo mát. Thường ngày bọn trẻ trong làng vẫn hay đi ra đó hóng gió vào những ngày trăng sáng mà! - Một giọng nữ chí chóe.

- Tôi mới từ nhà bà Hai bánh căn qua đây. Con Na bị chấn thương sọ não, chuyển vào chợ rẫy rồi. Con Thủy đang chăm sóc cho nó.

- Thế còn thằng Hưng, ba nó đâu? - Bà Tư mỏ chuột cất tiếng hỏi trong khi lòng lại nghĩ đến món tiền vay quá hạn mà vợ chồng thằng Hưng chưa trả.

- Thằng Hưng nó đi biển chưa vô - Ai đó trong đám đông trả lời.

- Cầu mong con bé không sao. Thằng khốn nạn đó nó đập con người ta bằng đá mà! - Giờ đây người đàn ông thứ hai được cho là chứng kiến vụ án xảy ra cất tiếng sau khi xem xét kỹ càng một lần nữa hiện trường. Ông ta tên Hoàng nay đã ngoài 60 tuổi nhưng thân hình vẫn còn khá vạm vỡ, cộng với quá khứ bất hảo của ông ta khi trẻ thì người dân trong làng vẫn nhớ cái tên “Hai máy chém” hơn.

Nói về ông Hoàng cũng là một câu chuyện dài. Thuở niên thiếu, ông ta từng là mối họa trong mắt người dân nơi đây. Đánh nhau, trộm cắp, thậm chí là bảo kê bến cá của làng vào những tháng mùa nam. Nhưng rồi đùng một cái ông ta biệt tăm, đến tận năm ngoái, khi mà dịch bệnh hoành hành thì ông ta mới mò về. Ông ta mua đất, cất ngôi nhà lầu to nhất ở đầu làng, ăn mặc lúc nào cũng chỉn chu, đạo mạo và luôn tỏ ra là người đàn ông hào phóng giúp đỡ mọi người. Chẳng ai biết ông ta làm gì, ở đâu và tại sao lại trở nên giàu có như thế. Nhưng dần dà họ chẳng còn quan tâm. Cái họ quan tâm là cố tỏ ra thân thiện, niềm nở mỗi khi bắt gặp ông ta ở đâu đó hòng để nhờ vả những lúc khó khăn. Giờ đây với vợ đẹp con ngoan, tấm lòng rộng mở, ông Hoàng được người dân trong làng kính trọng muôn phần.

Tiếng bàn tán rôm rả chỉ vơi dần và quán cà phê của anh Ba Bé lấy lại được bình yên khi hai anh công an khám nghiệm xong hiện trường, lấy lời khai hai người chứng kiến. Trong khi đó, ngồi thu mình một góc, ông Tám Thiên với cây gậy đặt lên đầu gối lộ rõ ánh mắt đăm chiêu, đồng thời ông cũng cố tránh cái nhìn như thể nghi hoặc của mọi người về phía mình. Vì ông là người duy nhất trò chuyện với gã. Hay nói cách khác là gã tìm đến ông. Gã muốn thông tin về một cái xác chết trôi 40 năm trước.

Ông Tám Thiên còn nhớ rõ, hôm đó là một ngày nắng ráo, năm 80 hay 81 thì ông không nhớ nữa. Không phải vì ông quên mà chính vì ông không thể quên, ông đã nghĩ nhiều đến mức những hình ảnh trong ngày hôm đó mờ nhạt đi, như thể ông rút tỉa hết tất cả linh hồn của những kí ức xưa cũ đó và cất nó tận ở nơi rìa của ý thức. Khi đó ông đang lang thang trên bờ của bãi ngoài để nhặt nhạnh vỏ chai thì bất ngờ ở một hóc đá ông phát hiện ra một xác chết đã tới kỳ phân hủy. Là phụ nữ, tóc dài và trần truồng. Không tên, không tuổi, không nơi chốn. Sau khi công an khám nghiệm thì quyết định cho mai táng và hội Phước thiện của làng đã đứng ra chôn cất người phụ nữ xấu số ấy chính trên gò đất cao cuối làng. Nhưng nếu không có những sự kiện xảy ra sau đó, ông Tám Thiên nghĩ mình cũng chẳng nghĩ nhiều về người phụ nữ ấy như vậy. Chuyện là sau sự việc đó, người dân trong làng tự thêu dệt nên câu chuyện về người phụ nữ tội nghiệp. Câu chuyện sau nhuốm màu thần bí, thê lương hơn câu chuyện trước. Thế rồi mọi người râm ran bàn tán với nhau về sự linh thiêng của mộ phần không tên. Ai cầu gì cứ ra mộ khấn vái ắt sẽ được. Và tự lúc nào cái tên mộ Cô May dần xuất hiện. Một đồn mười, mười đồn trăm, khách phương xa về cũng ra mộ phần đó mà khấn vái. Chẳng biết có được hay không nhưng rồi có người đứng ra xin chính quyền cho di dời mộ cô May về nơi rộng rãi hơn, thoáng đãng hơn. Sau bao nhiêu chờ đợi, mộ Cô May đã được xây dựng khang trang trên con đường lớn bên ngoài làng. Họ xây nhà mộ có mái che, đặt tủ kiếng nơi có các vật dụng cần thiết cho Cô sinh hoạt và 24/24 đều có người túc trực. Giờ đây đó gần như là một điểm đến tâm linh thu hút rất nhiều du khách đến viếng và cầu khấn.  

Nhưng đó là với mọi người, còn riêng phần ông Tám Thiên, người phát hiện ra cái xác lại chẳng cầu khấn gì cho mình. Cuộc đời ông đã ngả bóng xế chiều và điều ông cần là bình yên. Nhớ lại những ngày tháng đó, khi mộ cô May như cái cách người ta gọi vẫn là một phần mộ đất không tên, ông là người thường xuyên ra đó, ngồi trò chuyện một mình bên phần mộ. Vì vợ ông đã mất, con cháu ông thì mải lo làm ăn cộng thêm ông là một người không giỏi ăn nói nên bạn bè cũng chẳng lui tới. Ngồi trên gò đất cao nhìn những lớp sóng đập vào đá bọt tung trắng xóa, ngắm cảnh hoàng hôn, lắng nghe tiếng gió rít bên tai và nói đủ thứ về đời. Đó là cách ông Tám Thiên đối diện với nỗi cô đơn, trống rỗng bên trong con người mình. Giờ đây, ông Tám Thiên - hơn 90 tuổi - là một trong những người cao tuổi của làng. Dù thân thể ông cơ hồ chỉ như một bộ xương di động, hai chân đã yếu mỗi khi đi cần phải chống gậy. Thỉnh thoảng đêm trở mình trên bộ ván gỗ mun, ông nghe tiếng xương mình kêu răng rắc như thể có thể gãy lìa bất cứ khi nào. Nhưng, mắt ông sáng hơn và não ông lại minh mẫn hơn bao giờ hết. Không chạm đến sự thông tuệ nhưng cũng là cái nhìn tĩnh lặng, sáng suốt. Nhưng chính sự thấu suốt, sự minh mẫn ở thời điểm cuối của cuộc đời lại làm ông đau khổ dù ông cũng chẳng hiểu tại sao.   

Quay trở lại cách đây 7 ngày trước, lần đầu tiên gã xuất hiện tại cái làng chài hiu quạnh này. Gã đeo kính râm, áo thun sát nách, giày đế mềm cùng chiếc quần jean rách tả tơi, trên vai đeo một chiếc ba lô to tướng, một tay gã còn xách theo cây đàn ghi-ta cũ. Gã tháo đôi kính râm, hỏi đường đến bãi ngoài của làng. Rồi gã dựng lều du lịch và ở luôn ngoài đấy. Hai ngày một lần vào buổi sáng gã sẽ đi vào chợ và mua những vật dụng cần thiết. Ngày đầu, ngày thứ hai, mọi người còn nhìn gã với đôi mắt tò mò, phán xét và có phần cảnh giác ở những nơi gã đến nhưng từ ngày thứ ba trở đi thì họ chẳng còn quan tâm. Thỉnh thoảng cũng có một vài người bắt chuyện nhưng đáp lại chỉ là ánh mắt bàng quan và có phần bất cần của gã. Vài người đàn ông ngồi ở quán cà phê xầm xì khi thấy gã. Họ kể rằng khi ghe họ đi ngang qua mũi La Gàn vào sáng sớm thì gã sẽ ở đó, khi ngồi trên một tảng đá cao vẽ tranh, khi thì gã trần truồng tắm tiên như thể gã chẳng sợ ai nhìn thấy.

Ngày thứ hai ở đây, gã đến tìm ông Tám Thiên sau khi dò hỏi người dân trong làng. Gã mời ông Tám Thiên ra căn lều của gã pha cho ông một cốc cà phê nóng được đun từ bình ga mini gã mua trong làng. Sau khi lắng nghe toàn bộ câu chuyện của ông Tám, hắn cứ hỏi đi hỏi lại mãi rằng ông có thấy vết chàm nào bên vai trái của người phụ nữ hay không? “Anh biết đấy, khi tôi phát hiện thì cái xác đó đã phân hủy khá nặng rồi và nếu có vết chàm thì tôi nghĩ chắc cũng chẳng thể nào nhận ra được”. Ông Tám Thiên nói giơ hai bàn tay gầy gò, nhăn nheo về phía trước như thể hiện sự chân thật. Đến đây gã trở nên trầm lặng, gã đi ra ngồi ở mép vực nhìn ánh hoàng hôn nhuộm đỏ cả chân trời phía tây trước mặt. Ngày hôm sau khi đến nhìn quanh căn lều của gã, ông Tám Thiên thấy khá nhiều tranh vẽ được gã treo bằng móc kẹp trên một sợi dây căng ngang lều. Một vài bức tranh về phong cảnh nơi đây, một vài bức vẽ về một người phụ nữ, cùng một tư thế, cùng một địa điểm, trần truồng. Ông Tám Thiên há hốc mồm. Gã đã vẽ lại qua lời ông kể với gã. Chỉ khác là mỗi bức tranh biểu hiện trên gương mặt của người phụ nữ sẽ khác nhau. Gã đã vẽ tất cả những bức tranh này chỉ trong một ngày. Ông Tám Thiên khẽ nhíu mày.

Ngày thứ 4, cả hai ngồi sánh đôi nhau trên bờ vực ngắm hoàng hôn trong im lặng. Sau đó gã đứng dậy đi vào lều và đem ra cây ghi-ta. Ngón đàn gã điêu luyện, giọng khàn khàn vì thuốc lá nhưng khá hay. Gã hát một loạt bài hát của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và kết thúc bằng bài “Một cõi đi về”.

- Ông sống vì điều gì? - Đặt cây ghi-ta sang một bên, vuốt mái tóc tung bay trong gió, gã cất tiếng hỏi. Đây là lần đầu tiên gã hỏi một chuyện không liên quan đến cái xác.

Ông Tám Thiên suy nghĩ một hồi trả lời:

- Từ khi vợ mất, tôi chẳng còn thiết sống nữa. Đó là sự thật. Nhưng cậu biết không khoảnh khắc khi gặp cái xác chết trôi, nhìn cơ thể trương phình, phân hủy và bốc mùi hôi thối. Ý tôi là cái chết, bản thân quá trình của nó diễn ra trần trụi đập vào mắt. Tôi không biết nhưng cái gì đó, thứ gì đó bất thường đã xảy ra với tôi. Mắt tôi sáng hơn, đầu tôi minh mẫn hơn. Để làm gì cơ chứ? - Ông Tám Thiên nói, nhìn kỹ vào hai bàn tay giơ lên trước mặt như thể người ta tìm ánh sao trời trong những đêm đầy mây.

- Chúng ta cần đợi cho tàn tích bị phá hủy - Gã buông lời. Ông Tám Thiên thì chẳng hiểu gã đang nói gì.  

- Ông biết không? Năm 10 tuổi, tôi đã phạm một sai lầm khiến người chị của tôi bỏ nhà ra đi và đi mãi. Suốt cả cuộc đời, tôi đã sống với điều đó, đã đi không biết bao nơi để tìm chị ấy - Gã châm một điếu thuốc hít một hơi dài.

- Gần đây tôi vô tình gặp lại một người bạn của chị ấy. Và người đó bảo ở lần viết thư cuối cùng chị ấy nói sẽ tới đây.

- Vậy cậu nghĩ rằng - Ông Tám Thiên còn chưa kịp nói hết thì gã đã cất tiếng.

- Tôi đã dùng mối quan hệ để tra hết những người có thể ở khu vực này. Dù cho thay tên đổi họ nếu chị ấy không bỏ đi nguyên quán thì tôi đều lần ra được. Nhưng kết quả là không có ai như vậy cả.

Nói đến đây gã im lặng, nhất thời ông Tám Thiên cũng chẳng biết hỏi gì. Mặt trời đã lặn, gió thì vẫn cứ thổi mãi. Bên dưới bọt sóng trắng xóa khi xô vào đá. Kể từ hôm đó, ông Tám Thiên cũng không còn ra với gã nữa cho đến khi vụ án xảy ra.

Hai tháng sau.

Tại đồn công an huyện, gã trong bộ đồ phạm nhân đối diện với 4 bức tường. Gã ngồi xếp bằng yên lặng trong bóng tối mịt mùng. Gã cố gắng thở chậm, cảm nhận thân thể mình, cảm nhận không khí xung quanh. Bên ngoài trời đang mưa, gã có thể ngửi được mùi ẩm thấp của không khí tràn qua khe cửa buồng giam. Gã nhớ lại cô bé tên Na. Một cô bé xinh xắn, yêu đời và thích vẽ tranh. Những giờ phút gã cầm tay cô bé nguệch ngoạc vẽ lên những vệt màu trên giá vẽ bằng gỗ, nhìn nụ cười của cô bé lòng gã thấy bình yên đến kỳ lạ. Lần đầu tiên gã nghĩ đến cuộc sống yên bình, không còn phải tìm kiếm nữa. Gã thấy yêu làng chài nhỏ bé này, gã muốn mở một lớp dạy vẽ cho bọn trẻ nơi đây. “Cô bé không được chết, phải sống, nhất định phải sống” - Gã bất chợt hét lớn.

Ở bệnh viện, sau bao ngày hôn mê cô bé cuối cùng cũng tỉnh. Hai hàng nước mắt chảy dài khi cô bé nghe mẹ mình nói về gã như một tên tội phạm. “Không, không phải chú ấy!”. Cô bé cố hét lên nhưng cổ họng không có chút hơi nào.

Sau tin tức cô bé hồi tỉnh. Trong đêm mưa, một người đàn ông lẳng lặng bỏ trốn khỏi làng Bình Thạnh.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM.

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm