TIN TỨC

Lê Minh Quốc và cuộc hành trình chữ nghĩa

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-01-31 23:01:29
mail facebook google pos stwis
600 lượt xem

NGÔ XUÂN HỘI

Hồi mới chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sống, tôi có ý định gặp gỡ kết giao với một số anh em bạn văn người miền Nam, nghĩ chơi với họ khả năng hội nhập của mình sẽ tốt hơn. Nhắc đến Lê Minh Quốc, ai đó bảo: “Tay ấy khó chơi. Để có hộ khẩu thành phố, hắn đã yêu và cưới con gái ông Giám đốc Công an. Cưới xong, nhập khẩu xong, trở thành công dân thành phố Hồ Chí Minh rồi hắn liền trở cờ, ly dị ngay con nhà người ta…”

Ờ, người như thế thì ghê gớm và cũng khó chơi thật. Tôi “ấn tượng” với Quốc từ đó. Thế rồi trong một lần ra Hà Nội, Nguyễn Trọng Tạo nhờ tôi chuyển cho  Quốc mấy cuốn sách. Trở vào, dù không muốn tôi cũng phải đến gặp anh để đưa tận tay. Thấy anh niềm nở chuyện trò, tôi lựa lời hỏi về lời đồn nghe dạo nào. Quốc ngớ người: “Đâu có, vợ tôi con nhà bình dân, có dính dáng gì tới công  an đâu…”.

Quả vậy. Nhưng Quốc cưới vợ lần đầu năm nào nhỉ?  Khi tôi hỏi, anh thú thật không nhớ. Rồi lại cưới, rồi lại chia tay và hiện nay như anh tự nhủ là vẫn: “Đi không ai nhớ/  Về chẳng ai mong/  Xa không ai đợi/ Gần chẳng ai trông/ Mình tôi một bóng/ Sống phải phân tâm/ Vừa đóng vai vợ/ Lại diễn vai chồng”. Tự trách mình đã quá hồ đồ, tôi mới để ý tìm hiểu thêm về Quốc, thì thấy lời đồn quả là độc địa. 

Khó chơi sao được khi một người mê chữ nghĩa, ra đường hễ thấy ở đâu có bán sách báo cũ là hăng hái lục tìm. Một lần đi qua mấy bà ve chai, theo thói quen, anh dừng xe sà xuống xem có sách báo cũ gì hay bán không. Thấy trước mắt là những bộ Bách khoa đóng bìa cứng nằm ngổn ngang. Anh mừng hú như bắt được vàng. Sờ tay vào túi quần, có tiền. Hỏi mua. Bà bán ve chai bảo đã có người mua, nhưng do không đủ tiền nên ổng mới đặt cọc, chút nữa sẽ quay lại lấy. Quốc choáng váng, tiếc hùi hụi. “Cậu trả hơn tiền thì tôi bán cho cậu” – Bà ve chai gợi ý. Dù có trả cao hơn mấy lần, “số vàng Bách khoa” kia vẫn rẻ rề, anh vẫn đủ sức. Nhưng “cuộc đời như cái chăn hẹp, người này co thì người khác hở” (Nam Cao). Mình vui ắt người kia buồn, anh đành ngậm ngùi chạy xe đi và tự trách mình không có duyên.

Khó chơi sao được khi sinh thời bà chị ruột của anh ở Đà Nẵng, tính mở tiệm cầm đồ, anh kiên quyết ngăn lại. “Chị thiếu tiền em cho chị tiền, nhưng không  được kiếm sống bằng cái nghề quái quỷ đó!” Chả là mấy năm học đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, Lê Minh Quốc ở trọ cạnh một tiệm cầm đồ, đôi lúc túng quá cũng cầm vài bộ quần áo, rồi chuộc lại, có khi bỏ luôn. Lúc mình ngặt họ tha hồ chê ỏng chê eo, chỉ cho vay bằng một phần mười giá trị đồ của mình. Biết thế, nhưng nhiều người nghèo trong cơn túng quẫn cũng phải đâm đầu vào, nghĩ mà thương. Cuối cùng bà chị phải nghe theo, quay qua kinh doanh quần áo cũ.

Khó chơi sao được với một người cất công vào Thư viện Trường Đại học Khoa học & Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh hì hụi lục tìm Gia định báo rồi photocppy lại sau đó đóng thành tập. Để thỏa mãn thú “chơi sách” của mình? Không phải. Để nghiên cứu? Không phải. Để biết đâu sau này có người cần nghiên cứu thấu đáo, cần tiếp cận cụ thể từng văn bản thì tặng lại.

Một người như thế, không bao giờ là kẻ khó chơi. Nhưng chơi với anh… thật khó! Vì anh có chơi bời gì đâu. Ngày nào cũng như ngày nào, kể cả chủ nhật, ngày nghỉ: buổi sáng thức dậy ngồi trước bàn phím, nhâm nhi ly cà phê và viết. Viết như một thói quen, không đợi cảm hứng. Không cà phê ngoài quán, sợ mất thời gian. Sáng nào bận họp thì rời nhà sớm, còn không cứ lặng lẽ viết một lèo đến chừng 9 hoặc 10 giờ, rồi đi ăn sáng, vào cơ quan. Chiều thức giấc lại ngồi trước máy tính, tiếp tục viết. Hôm nào có hẹn hò lai rai thì 17 giờ tắt máy, còn không cứ viết tiếp đến 19 giờ, sau đó mới cơm nước, khoảng 21 giờ đi nghỉ. “Một ngày của anh mưa nắng đã lập trình/ phải chạy đua cùng khoảnh khắc bình minh/ mười ngón tay gõ phím/ mười ngón tay quen đếm/ bao nhiêu niềm vui lọt xuống sàn nhà…”

Vì cố gắng suốt ngày chỉ làm mỗi việc viết nên Lê Minh Quốc viết được thật nhiều. Lấy năm 1989, năm Quốc ra tập thơ đầu tay Trong cõi chiêm bao (Nxb Trẻ) làm mốc, đến nay anh đã viết và in 11 tập thơ; 6 tập truyện dài, 6 tiểu thuyết; 11 tập tùy bút; 8 tập biên soạn. Tổng cộng 42 cuốn. Chưa kể cỡ ngàn bài báo Quốc viết in trên báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh và các báo khác. Chia trung bình mỗi năm Lê Minh Quốc viết và in một cuốn sách rưỡi. Đấy là những Ngày mai còn lại một mình tôi, Nếu không còn cổ tích, Đất bên ngoài Tổ quốc, Tôi chạy theo Thơ, Yêu em - Đà Nẵng, Hành trình của con kiến …(thơ). Sân trường kỷ niệm, Mùa thu đứng trước cổng trường, Về nơi nào để nhớ, Xin lỗi, ông là ai?... (truyện). Nguyễn Thái Học, Tướng quân Hoàng Hoa Thám, Chiến tướng Tôn Thất Thuyết, Bạch Thái Bưởi – người dám sống…(tiểu thuyết lịch sử). Tiếng cười dân gian hiện đại Việt Nam, Hành trình chữ viết, Kể chuyện danh nhân Việt Nam (đã phát hành 20 tập với 10 chủ đề khác nhau từ năm 1999 đến nay), được Bộ Giáo dục & Đào tạo chọn làm sách tham khảo cho học sinh trong nhà trường”, Hỏi đáp Giáo dục Việt Nam (hai tập), Hỏi đáp Báo chí Việt Nam, Hỏi đáp Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh, Người Quảng Nam… (biên khảo).

Hỏi, chữ nghĩa đâu mà ông viết nhiều vậy? Lê Minh Quốc cười. Đây cũng là điều đôi lúc anh tự hỏi, và ngạc nhiên chẳng biết làm sao chữ nghĩa trong đầu ở đâu ra nhiều thế? Nhiều đến bao nhiêu? Không thể biết. Cứ buổi sáng buổi chiều đúng theo thời khóa biểu, theo thói quen, ngồi vào bàn là viết. Thong thả. Tự tại. Viết mãi. Viết hoài. Viết từ ngày này qua ngày nọ. Như con suối cứ tuôn chảy trên dòng thời gian. Một ngày không viết tự dưng thấy nhớ. Thấy một ngày trôi qua vô ích quá, chẳng làm được cái gì nên hồn cả. Có hôm vừa tắt máy đi nghỉ, bỗng nhận được một cú điện thoại từ Hà Nội gọi vào: “Anh ơi, viết giúp em bài báo”. “Bao nhiêu chữ?”. “2.500 chữ”. “Bao giờ lấy”. “Hai tiếng đồng hồ nữa, 19 giờ lấy nhé anh!”. “Không thể chậm hơn à?” “Không thể…”. “Ok!”. Ok xong mới thấy mình nhẹ dạ, liều. Nhưng đã trót đành phải trét, lại mở máy ngồi viết. Rồi cũng xong.

Với những bài báo lẻ thì như vậy, mà với những tiểu thuyết đòi hỏi sự dụng công lâu dài anh làm cũng thật nhẹ nhàng. Năm 1994, trong một lần đến thăm thầy Trần Hữu Tá tại nhà riêng, chuyện trò, thầy cho biết chị Đỗ Thị Phấn – Giám đốc Fahasa và nhà văn Hoàng Lại Giang – Trưởng chi nhánh Nxb Văn học tại thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện Tủ sách Truyện danh nhân. Thầy gợi ý:“Lê Minh Quốc nên nhận lời viết về một nhân vật lịch sử mà mình hằng ngưỡng mộ”. Lập tức trong ký ức của anh hiện lên hình ảnh lãnh tụ Quốc dân đảng Nguyễn Thái Học. Chao ôi! Còn gì hấp dẫn tuổi trẻ hơn hình ảnh một nhà cách mạng lúc bước ra pháp trường còn ngẩng đầu lên đọc thơ. Những câu thơ “Chết vì Tổ quốc/ Cái chết vinh quang/ Lòng ta sung sướng/ Trí ta nhẹ nhàng” của Nguyễn bỗng hiển hiện trong tâm trí anh lúc ấy. Được thầy Tá ứng nhuận bút, trên đường về Quốc liền ghé qua chợ sách cũ nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, dốc hết ra để mua tài liệu liên quan đến nhân vật. Do khúc ngoặt của lịch sử, rất nhiều người ngại viết về tổ chức Quốc dân đảng. Nhưng điểm son, mặt tích cực của nó thì không thể phủ nhận. Đánh giá sự vật phải đặt nó trong hoàn cảnh lịch sử đương thời, vậy mới là khoa học. Đoan chắc thế nên anh càng quyết tâm. Nửa năm sau, ngày 26.11.1994 nhà văn đặt dấu chấm cuối cùng cho tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Thái Học. Năm 1995 sách in ra, phát hành, lập tức được nhiều báo, trong đó có báo Nhân dân (số ra ngày Chủ nhật 9.6.1996) giới thiệu rất trân trọng. Được đà, những năm sau đó hàng loạt tiểu thuyết, truyện lịch sử của nhà văn Lê Minh Quốc như Tướng quân Hoàng Hoa Thám (1996), Nguyễn An Ninh – dấu ấn để lại (1997), Chiến tướng Tôn Thất Thuyết (2003), Bạch Thái Bưởi – khẳng định doanh tài đất Việt (2007) ra đời.

Viết tiểu thuyết lịch sử, tái hiện chân thực, sinh động không khí lịch sử của đất nước một thời là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn theo tôi, qua đó, đưa ra được những kiến giải thấu đáo. Đọc tiểu thuyết lịch sử của Lê Minh Quốc, thấy tác giả đã làm được điều này khi cho thấy rõ một điều, chính từ khởi nghĩa Yên Bái, nhà cầm quyền Pháp nhận ra rằng, từ đây họ phải đối đầu với đường lối đấu tranh mới, khác hẳn trước đó. Nghĩa là, một dân tộc nô lệ đã có một chính đảng chỉ đạo và tổ chức, chứ không chỉ lệ thuộc vào vai trò của một cá nhân. Điều này khác hẳn với Tướng quân Hoàng Hoa Thám, cuộc kháng chiến của ông là sự nối dài của phong trào Cần Vương. Khởi nghĩa Yên Thế kéo dài ròng rã ba mươi năm, năm 1913 khi lãnh tụ Đề Thám qua đời, nó hoàn toàn chấm dứt. Vì thế, có thể lấy năm 1913 –  năm mất của Hùm thiêng Yên Thế làm năm kết thúc lời kêu gọi của vua Hàm Nghi (1885) khi nghiên cứu lịch sử đất nước giai đoạn này…

Viết nhanh, viết nhiều mà không ẩu, không qua loa đại khái. Có lần chỉ một chữ “đánh hôi” thôi mà Quốc phải tìm mãi, hết tra Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, Từ điển Tiếng Việt của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Vẫn chưa yên tâm. Mãi tới khi đọc hồi ký của ông Nguyễn Long Trảo, con rể cụ Ca Văn Thỉnh. Trong hồi ký, ông Trảo kể về quy ước tát đìa ở Nam bộ hồi trước, mỗi con cá khi vọt ra phía sau là đã thuộc về quyền sở hữu của những con hôi lúc nhúc bám theo sau, chủ nhà không được tiếc của mà quay lại bắt… Đọc xong vỗ đùi đánh đét, suy luận, “con hôi” trong ngữ cảnh trên là từ “hôi” mà có. “Hôi” có nghĩa là mót, nhặt bắt những thứ sót lại; dần dần “hôi” mang nghĩa xấu như hôi của, đánh hôi… Lúc thấy mình đã tìm ra nguyên nghĩa chữ “đánh hôi”, kẻ mê chữ Lê Minh Quốc mới có thể yên tâm kê cao gối ngủ.

Người như thế mà bị báo Tuổi trẻ từ chối với“Lý do: qua tám tháng thử việc (7/9/1987 – 1/5/1988), không thể hiện được hướng phát triển trong công việc làm báo” thì cũng lạ. Nhưng “Không có lửa làm sao có khói?”. Nuôi con “mọt sách” to tướng trong đầu, ngày đầu tiên đi làm, Quốc đánh hơi ngay ra thư viện báo. Đoán nơi đây hẳn phải lưu trữ nhiều những ấn phẩm sách báo của miền Nam in trước năm 1975, anh liền chui tọt vào và ngồi lì ở trỏng cho đến hết giờ. Quốc đoán đúng, thư viện báo Tuổi trẻ là một kho tư liệu khổng lồ. Từ đó mỗi ngày đến cơ quan, anh lại vào, tìm đọc ngốn ngấu những gì mình quan tâm như người ăn giả bữa, có những buổi trưa còn ngủ luôn trong đó, nên cuối cùng Quốc bị báo Tuổi trẻ từ chối thì cũng đích đáng thôi. Nhưng việc anh sau đó nhanh chóng tìm ra nơi dung mình - báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh - thì phải gọi là duyên. Đúng là duyên thật. Rời báo Tuổi trẻ, một buổi sáng đẹp trời năm 1989, Quốc qua báo Thanh Niên theo lời hẹn của Tổng Biên tập Nguyễn Công Khế, người từng có thời gian ở tù chung với ba anh tại nhà lao Đà Nẵng. Trên đường, bỗng dưng gặp nhà báo Thanh Bình ngay trước cổng báo Phụ nữ. Thanh Bình gọi anh vào tòa soạn ngồi chơi uống trà và gợi ý Quốc nên xin về báo Phụ nữ. Chần chừ, chưa biết trả lời sao, vừa lúc chị Tổng biên tập Thế Thanh đi ngang qua, biết chuyện chị cũng hiệp lời. Thế là Quốc đành lỗi hẹn với anh Nguyễn Công Khế mà “…bưng thúng theo đàn bà/ ra chợ bán văn…” (*) từ bấy đến nay.

Làm phóng viên báo Phụ nữ thành phố, Lê Minh Quốc ký nhiều bút danh nữ, trong đó có bút danh Huyền Sương. Một lần, một bạn đọc “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” xộc vào tòa soạn tìm nữ phóng viên Huyền Sương. Lê Minh Quốc buộc phải ra tiếp khách. Sau một hồi khen ngợi những bài viết của Huyền Sương, anh ta ngỏ ý muốn gặp nữ phóng viên này. Lê Minh Quốc đáp: “Cô ta đi vắng. Anh có nhắn lại gì không? Tôi sẽ chuyển giúp”. Sau một hồi suy nghĩ, người bạn đọc lấy từ trong túi áo ra một cánh hoa hồng và một lá thư tỏ tình nhờ Quốc chuyển giúp. Lê Minh Quốc hoảng quá, nhưng không thể không nói rõ với anh ta sự thật. Sau ba lần uốn lưỡi, Quốc nén tiếng thở dài: “Thưa anh, tôi chính là phóng viên ký tên Huyền Sương”. Vị khách nghe vậy sửng sốt đứng bật dậy, một đi không trở lại. Những chuyện dở khóc dở cười như thế trong nghề báo còn trở lại với anh thêm một vài lần nữa

Đọc nhiều, đời sống ít nếm trải. Vốn liếng để làm nên những cuốn sách của Lê Minh Quốc chủ yếu tìm trong sách vở và đào sâu vào bản thể mình. Nếu Nguyễn Trí được coi là một nhà văn thành công nhờ có vốn sống thực tế dồi dào, Lê Minh Quốc ngược lại, thành công nhờ học và đọc. Cuộc đời anh, trừ sáu năm (1977 – 1983) đi bộ đội chiến đấu trên chiến trường Kampuchia, bị quân Ponpot bắt rồi được ta giải thoát; sa vào bẫy mìn của địch mà không chết vì cái kíp mìn địch cài ngược, là ác liệt, còn lại đều thanh bình. Nhà văn đã qua trận mạc, nhiều người lấy đó làm chất liệu vàng để viết văn xuôi. Lê Minh Quốc làm ngược lại, những năm đánh giặc trên chiến trường K, cảm xúc anh dành trọn cho thơ, còn chất liệu cho hàng loạt văn xuôi của mình (như đã nói) anh lấy từ nguồn khác. Quốc có thơ in báo từ năm 14 tuổi, từ đó thơ trở thành môi trường sống của anh. Đời sống chiến trường, thiếu thốn đủ thứ, Lê Minh Quốc làm thơ, ghi vào giấy báo, giấy thuốc lá và ghi đầy trên cánh võng của mình. Những bài thơ giúp anh đoạt Giải Nhất thơ kỷ niệm 10 năm thành lập Lực lượng TNXP, cùng với Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Chí Vinh… về sau tập hợp trong tập Đất bên ngoài Tổ quốc, in chung với Đoàn Tuấn.

Thơ Lê Minh Quốc giàu tình cảm, nhiều triết luận, ngôn ngữ uyển chuyển, đặc biệt trong mảng thơ tình… Đọc Ngày mai còn lại một mình tôi, Nếu không còn cổ tích, Đất bên ngoài Tổ quốc, Yêu em - Đà Nẵng, Hành trình của con kiến… người đọc thích thú ngắm anh trong tư thế Tôi chạy theo Thơ. Riêng tôi, mong một lúc nào đó trong cuộc đua marathon không có điểm dừng này, thấy Lê Minh Quốc vượt lên, để được nhìn ngắm anh trong tư thế Thơ chạy theo tôi (**), dù biết đây là điều không tưởng.

Lê Minh Quốc sinh năm 1959, kết thúc năm Đinh Dậu này anh chưa tới ngưỡng sáu mươi, thời gian sáng tạo còn nhiều. Tương lai, có thể anh vẫn sẽ viết như đã viết, không ham những tác phẩm sử thi, hoành tráng. Nhưng trong chưa đầy ba chục năm, vẽ hàng chục bức tranh, viết 42 cuốn sách trên nhiều thể loại, trong đó nhiều cuốn được bạn đọc đón nhận, phải tái bản nhiều lần đã là một sự hoành tráng đáng nể.

Cuối năm Đinh Dậu 2017
(Tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam số 3 (3022) ra ngày 20-1-2018)

 * Thơ Nguyễn Vỹ: “…Còn tôi bưng thúng theo đàn bà/ Ra chợ bán văn ngày tháng qua…
**
Thơ ở đây còn có nghĩa là nữ sĩ Lưu Khánh Thơ, nhà Phê bình văn học, từng là giấc mộng không thành của nhà thơ Lê Minh Quốc.

Mời đọc trang Kỷ yếu của nhà thơ nhà báo Lê Minh Quốc.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Việc nước chưa xong đầu đã bạc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại cho mỗi người Việt Nam và cộng đồng quốc tế những cảm xúc khác nhau; trong tôi, đó là sự kính trọng và thương tiếc.
Xem thêm
Có một mái đầu tóc bạc - bài hát đầy yêu thương tự hào…
”Có một mái đầu bạc “, bài hát đầy yêu thương tự hào với nhà lãnh đạo được nhân dân vô cùng yêu quý: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Xem thêm
Có một ngôi sao sáng, một ngọn lửa đỏ rực không bao giờ tắt
Bài do tác giả gửi cho Văn chương TP Hồ Chí Minh
Xem thêm
Sáng mãi ánh Sao Khuê - Chùm thơ nhiều tác giả
Chùm thơ của Nguyễn Minh Tâm, Nguyên Hùng, Hồ Bá Thâm
Xem thêm
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, với tôi là xà ngang, cột dọc
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã khá lâu không gặp. Dù công việc tôi đều theo tư cách đàn em, luôn hỏi anh. Nhớ ngày xưa, khi rất khó khăn, cần tiền đúng như mong “Bác Hồ hiện diện”, anh đã mời và bố trí tôi viết kịch bản phim truyện để có cần câu cơm mưu sinh khi làm ông bố. Cuộc mưu sinh đó cũng đã rất xa rồi. Hậu duệ của cuộc mưu sinh chắc chắn hoàn toàn không biết. Bạn ấy đã là chủ gia đình riêng nhỏ. Phạm Ngọc Tiến đã biết sợ không dám nhận thách đấu bia rượu thuồng luồng như ngày trước.
Xem thêm
Nhà thơ Văn Công Hùng với nhà thơ Hoàng Cát
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng cùng bài thơ ký họa chân dung Hoàng Cát thay vài nén nhang viếng vọng từ xa.
Xem thêm
Một nhà quản lý thép với trái tim ấm nồng Trần Quỳnh Hoa
 Tập truyện ký “Bông Mai Xanh kiêu hãnh” là một tác phẩm mới, khá cuốn hút của nhà văn Kiều Bích Hậu, xoay quanh nhân vật chính – Cử nhân Khánh Hương.
Xem thêm
Nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa – tư tưởng Phan Khôi
Nhắc đến tiến trình vận động và phát triển của văn hóa, tư tưởng và báo chí Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX không ai có thể phủ nhận những đóng góp cũng như vai trò to lớn của một nhà báo, nhà văn và nhà văn hóa – tư tưởng xuất sắc Phan Khôi (1887-1959).
Xem thêm
Tác giả Phùng Hiệu: Nhà văn đi làm báo sẽ dễ hơn nhà báo đi viết văn
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, nhà báo Phùng Hiệu đã chia sẻ những chiến lược và phương pháp độc đáo giúp duy trì sự cân bằng giữa công việc viết báo và sáng tác sách.
Xem thêm
Nơi sâu thẳm trái tim vị tướng
Bài viết của Trung tướng, PGS-TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng
Xem thêm
Đan Thanh - nghệ sĩ kết nối thi ca và hội họa
Với hiểu biết khiêm tốn của một nhà giáo hâm mộ văn học nghệ thuật, tôi được biết thầy giáo - nhà văn Nguyễn Thanh. Thầy Nguyễn Thanh tên thật là Nguyễn Tấn Thành sinh ra tại xã Tân Quới, quận Bình Minh, Cần Thơ (nay thuộc Vĩnh Long). Khi làm văn nghệ, thầy Nguyễn Thanh còn dùng những bút danh khác để viết cho nhiều thể loại bài khác nhau : Thanh Huyền, Ngũ Lang, Đan Thanh, Phương Đình, Tương Như, Diễm Thi, Minh Khuê, Minh Văn, Lan Đình, Chàng Văn… Thầy tốt nghiệp Đại học Sư phạm - Cử nhân Văn khoa và đã qua 3 năm chưong trình Cao học Văn chương và Ngoại ngữ tại Đại học Văn khoa Sài Gòn (1975).
Xem thêm
Giao hưởng Điện Biên – thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh
Chiến thắng Điện Biên là một chiến thắng vĩ đại của chúng ta “Lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” (Tố Hữu). Chiến thắng đó làm rạng danh nước Việt trên thế giới. “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thằng bay trên nóc hầm tướng Đờ cát, ngày 12 tháng 5 Bác Hồ đã có bài thơ dài đăng trên báo Nhân Dân : “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”. Rồi sau đó Tố Hữu mới có bài thơ nổi tiếng “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Điện Biên còn được các nhà thơ, nhà văn Việt Nam nhắc đến nhiều trong các bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết. Điện Biên cũng được nhắc đến trong các cuốn sách của đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh, nhà báo của ta và phương Tây.
Xem thêm
“Chia lửa” với chiến dịch Điện Biên Phủ
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 122, thứ năm 2-5-2024
Xem thêm
Nhà thơ lê Đình Hòa chỉ thấy hoa phượng trắng
Bài viết của Lê Thiếu Nhơn về nhà thơ khiếm thị Lê Đình Hòa ở Phú Yên
Xem thêm
Lãng tử trong đời, chí thú trong văn
Bài viết về nhà văn Nguyễn Hoàng Thu trên báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm