- Truyện
- Giữa ngàn lau trắng xóa | Hữu Vi
Giữa ngàn lau trắng xóa | Hữu Vi
HỮU VI
“Mi lên xe chưa?” - Một tiếng “toong” vang lên và tôi thấy trên màn hình tin nhắn như vậy. Thằng Minh! Sao hắn biết chuyện tôi đang về nhà nhỉ? Nhưng rồi tôi chợt nhớ chỉ mới tối hôm qua đã lỡ bôi lên tường một dòng trạng thái gọn lỏn: “Hay là hồi hương?”. Minh chỉ nhấn like rồi im ỉm. Tôi mở camera trước bấm một cái hình gửi cho hắn. Phía sau tôi là những hàng ghế trống. Cả chuyến xe bắc nam mùa bão chỉ vỏn vẹn 3 hành khách. Xe đã đi qua hầm đèo Hải Vân được một quãng xa. Tôi đưa tay với tấm chăn quấn lên người. Nằm máy lạnh suốt chặng đường khiến cái mũi tôi bắt đầu khịt khịt. Nước lũ đã rút, xe khách đã bắt đầu lưu thông. Thế mà chẳng hiểu sao cả chiếc xe to kềnh càng lại hẻo đến thế. Hành trình hơn nghìn cây số mà chỉ có tôi và một cặp trai gái ngồi phía trước.
Minh cũng gửi cho tôi một cái ảnh. Nhìn mặt hắn khá phờ phạc. Chỉ thấy cái đầu thò ra khỏi tấm chăn trên tầng ghế thứ hai của xe giường nằm. “Tao cũng đang về. Có lẽ tối nay gặp nhau?”.
Minh và tôi học chung lớp từ cấp 1 đến hết phổ thông. Hai thằng cũng chẳng phải là quá thân thiết. Xong phổ thông tôi vào đại học. Hắn thi rớt và chọn cuộc sống công nhân. Suốt gần chục năm tôi học xong rồi đi làm, trải dăm ba lần nhảy việc. Hắn lăn lộn khắp các khu công nghiệp từ Nam chí Bắc. Chúng tôi ít liên lạc. Hứng chí lên mới nhắn vài dòng hỏi thăm nhau, nhưng chỉ năm thì mười họa. Cú nhắn của Minh khiến tôi có phần bất ngờ. Tôi trùm chăn cố tìm giấc ngủ nhưng cặp trai gái phía trước cứ rúc rích chuyện trò. Xe vắng người, ban đầu bọn nó nằm trùm chăn ở hai ghế đối diện nói với sang nhau. Đến hầm Đèo Cả thì đã về đêm, cậu con trai trèo sang chỗ nằm của bạn gái, rồi hai đứa cứ thế ngồi trùm chăn thủ thỉ nhỏ to đến sáng banh…
“Anh sắp phải xuống xe rồi”. Câu nói của gã trai khiến tôi để ý. Gã gỡ chiếc chăn khỏi người, trèo sang ghế đối diện nhanh như một con mèo rừng. Gã thu dọn đồ đoàn chuẩn bị xuống xe. Cô gái co rúm trong chăn một lúc sau thì xoài ra ghế.
“Lo gì? Ít bữa nữa lại gặp thôi mà. Anh thăm ba mẹ, hết lụt rồi thì ra em. Mình đi ngắm hoa dã quỳ”. Giọng cô gái có phần ngái ngủ.
Tôi ngó ra cửa sổ thấy một hàng dài xe tải đủ loại đậu san sát nối đuôi nhau. Hết thảy đều mang băng-rôn in chữ vàng trên nền vải bạt đỏ: “Ủng hộ đồng bào vùng lũ”. Xe chúng tôi đã đến Quảng Bình và trời bắt đầu ngả về chiều. Cậu con trai đã thu dọn xong hành lý. Gã chỉ có một chiếc ba lô nhỏ. Xe dừng. Chỉ vài giây sau, gã đã nhảy xuống một cách mau lẹ, không ngoái lại nhìn người bạn đồng hành. Cô con gái thò cổ ngó theo một chập rồi lại trùm chăn kín đầu.
“Đã đến mùa dã quỳ nở sao?”. Tôi muốn hỏi cô gái nhưng phía trước chỉ là một đống chăn lù lù im lìm. Cô gái vẫn trùm đầu kín mít suốt hành trình gần 300 cây số sau đó.
Lâu nay tôi nghĩ mình vẫn đang tìm một thứ gì đó không lý giải được. Thời niên thiếu, dường như người ta dễ định hình tương lai hơn. Với tôi thì xong phổ thông là vào đại học. Hai mươi năm đầu đời xem ra cuộc sống của tôi chỉ như chiếc bè nứa trôi trên con suối yên ả. Rời trường đại học, cầm tấm bằng cử nhân trung bình khá lại thêm chuyên môn thiết kế đồ họa, tôi hăm hở rời Hà Nội vào miền Nam kiếm việc. Người ta giao làm nhân viên kinh doanh và thiết kế banner quảng cáo cho công ty sàn gỗ. Ba năm làm cho doanh nghiệp, gần nửa năm không đạt doanh số, tôi nhận được cái giấy cho nghỉ việc. Lúc này thì quả là niềm hoan hỉ ban đầu của tôi như bị một gáo nước lạnh. Số tiền tiết kiệm được giúp tôi trụ lại được gần nửa năm để kiếm việc làm khác. Khi tiêu tốn hết những đồng cuối cùng trong thẻ ngân hàng, tôi mới có tháng lương đầu tiên ở chỗ làm mới. Lần này công việc có vẻ dễ chịu hơn. Một doanh nghiệp truyền thông tuyển tôi làm thiết kế đồ họa. Vậy là đúng chuyên môn rồi. Ấy vậy mà tôi chỉ trụ lại được gần 2 năm. Thu nhập khá, đủ trang trải sinh hoạt đắt đỏ ở Sài Gòn, lại có chút ít gửi tiết kiệm, nhưng rồi chính tôi lại chủ động xin nghỉ việc. Những ngày dài dằng dặc chỉ ngồi một chỗ khiến những ý tưởng thiết kế cũng trở nên cùn mòn. Thời gian này, tôi chủ yếu lang thang trên các trang mạng xã hội. Ý tưởng cho công việc chủ yếu từ những trang mạng. Một người bạn rủ rê nhảy việc sang mảng vẽ tranh tường, thiết kế không gian cho các quán cà phê, trường mẫu giáo... Tôi muốn thoát khỏi cảnh tự giam hãm mình trong phòng máy lạnh và lại chuyển sang một doanh nghiệp khác.
Công việc có vẻ cũng thuận buồm xuôi gió. Chúng tôi liên tiếp nhận được đặt hàng ở Sài Gòn rồi đến Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ. Công việc khiến tôi trở nên năng động hơn vì được làm đúng với sở thích của mình lại được nay đây mai đó. Thế rồi đại dịch Covid-19 ập đến. Người ta cấm bar, cà phê, quán hát, quán nhậu. Các đơn đặt hàng cũng giảm dần sau rồi chỉ còn những trường mầm non, một vài doanh nghiệp cần đến chúng tôi. Sau hơn tháng giam mình cách ly rồi, một lần nữa tôi lại nhận được cái giấy cho thôi việc. Người quản lý ra chiều cảm thông, đón về nhà ở mấy tháng để chờ việc khác. Sau cùng tôi quyết định trở về nhà. Miền Bắc Trung bộ quê tôi sắp vào mùa đông. Quả thực những năm qua tôi không về nhà, kể cả dịp Tết. Trong cảnh ngộ không có việc làm, tôi thấy nhớ cái giá lạnh miền Bắc da diết.
Minh xuống xe trước tôi hơn một giờ đồng hồ. Hắn chờ ở quán trà cạnh bến xe phố huyện mà chúng tôi vẫn ngồi với nhau từ hồi còn học trò. Đến lúc này tôi cũng chẳng giải mã được vì sao thằng bạn hàng xóm suốt hơn hai chục năm qua chẳng mấy thân thiết, giờ lại quyết tâm chờ để gặp mình trong suốt hơn một giờ đồng hồ. Hắn trùm một chiếc áo khoác mỏng màu đen, quay lưng ra đường và chỉ ngoái lại khi tôi cất tiếng gọi.
“Mi vẫn gầy như con cá mắm”. Hắn nhận xét rồi chìa tay cho tôi. Bàn tay Minh lạnh ngắt. Lúc này phố huyện đã về đêm. Hàng cột đèn vàng vọt khiến khung cảnh thêm phần u buồn. Tôi nhận ra người quả phụ bán nước ngày nào. Chồng bà buôn lậu ma túy dính án tử đã hơn 10 năm trước. Gia cảnh sa sút khiến bà phải ngồi bán nước suốt những năm qua. Từ khi còn là một cậu trò cấp 3, tôi và chúng bạn thường lân la đến ngồi trà đá. Bà ta lặng lẽ đẩy cốc nước chè nóng cho tôi và dường như chẳng còn chút ấn tượng quen thuộc nào. Sau vài câu xã giao, bà ta chúi đầu vào cái điện thoại. Minh ngó ra đường cái, chốc chốc lại nhìn tôi như muốn nói gì đó, rồi lại thôi.
“Mi về được bao lâu?”. Tôi hỏi, cốt để thằng bạn lâu năm không ngồi cùng nhau đỡ bối rối.
“Tao cũng không biết nữa. Mà cũng không biết sắp tới sẽ làm gì luôn”. Minh nói, vẻ chán chường. Tôi nhận ra dường như Minh và tôi, hai gã trai U30 đều đang tìm kiếm một điều gì đó không rõ ràng. Chúng tôi đều trong một cái vòng quay luẩn quẩn giữa làng và phố.
Những ngày sau đó tôi đã được tận hưởng lại không khí mùa đông quen thuộc suốt thuở ấu thơ cho đến khi rời giảng đường đại học. Căn nhà ấu thơ của tôi giờ chỉ còn mẹ lui cui sớm tối ra vào. Tóc mẹ giờ sợi bạc đã nhiều hơn sợi đen. Chỉ có cặp mắt vẫn sáng. Mẹ vẫn nhận ra khi tôi bước qua cánh cổng gỗ trong đêm muộn. Căn bệnh quái ác đã đưa cha về trời từ ngày tôi và bầy em còn nhỏ dại. Giờ chúng nó cũng mỗi đứa một phương. Mấy thằng em tôi bị mất việc làm vì dịch Covid, nhưng vẫn cố bám trụ lại thành phố. Tôi trở về khiến mẹ vui hẳn lên. Bà kể đủ thứ chuyện làng trên xóm dưới suốt mấy ngày trời mà không biết chán.
Đêm thứ ba, Minh tới tìm tôi. Hai thằng rủ nhau trải chiếu ngồi trong căn bếp của mẹ tôi. Để tiết kiệm điện, mẹ không để bóng đèn nào nên nhà bếp tối om. Ngồi một lúc lâu, hắn thủng thẳng: “Hay là chính cái không gian này?”.
“Ý mi là sao?” - Tôi hỏi.
“Cái mà tau đang đi tìm ấy. Lâu rồi tau không ngồi ở một nơi như thế này?”.
Bao năm qua tôi cũng tưởng như mình đã quên béng mất mùi khói bếp.
“Ngày mai có lẽ nắng đẹp mi ạ”. Tôi chỉ cho Minh xem những ngôi sao sáng lấp lánh trên nền trời đêm. Qua khung cửa nhỏ, gió và ánh sáng từ những vì sao xa xăm kia vẫn tìm đến được chỗ tôi. “Hay mình đi lên đồi hoa dã quỳ đi”. Tôi chợt gợi ý.
Thú thực rằng mấy ngày qua, câu chuyện của cặp trai gái trên chuyến xe cứ khiến tôi nhớ đến những khóm dã quỳ nối dài tít tắp cách nhà gần trăm cây số. Đó là một ngọn đồi hoang trên con đường quốc lộ heo hút mà tôi từng đến một lần nhưng đã nhiều năm về trước.
“Đồi hoa chỗ lớp mình chụp ảnh hồi cấp 3 phải không?”. Sau một chặp im lặng, Minh chợt hỏi. Tôi chỉ gật đầu. Dưới ánh lửa, nom sắc mặt hắn có khá hơn khi chúng tôi gặp nhau ở bến xe.
Hồi đó, trong một ngày đầu đông, Minh chính là đứa đầu têu chuyến đi đến ngọn đồi có hoa dã quỳ. Chẳng là cuối tuần trước đó, hắn vừa mới theo cha ngồi xe khách qua quãng đồi ấy và ấp ủ sẵn kế hoạch dẫn cả đám trai gái đến đó ngắm hoa, chụp ảnh. Thế là cuối tuần, cả lũ rồng rắn kéo nhau đến đồi hoa trên những chiếc xe gắn máy. Hồi đó chúng tôi chỉ có chiếc máy ảnh hiệu Olympus 6 “chấm” mượn của cha Minh. Chỉ trong mấy giờ đồng hồ, chiếc thẻ nhớ 520MB đã không còn dung lượng lưu ảnh. Đó là chuyến đi xa nhất của lớp chúng tôi suốt tuổi học trò. Nhưng dần dà, tôi chẳng còn nhớ đến ngày đó nữa. Cho đến khi tình cờ nghe được chuyện của cặp trai gái nọ.
Chuyến đi lần này thì chỉ có tôi và Minh. Trước khi tôi khoác ba lô lên vai, mẹ cằn nhằn: “Chẳng hiểu bọn trẻ chúng bay nữa. Cứ đi triền miên. Để kiếm tìm cái gì kia chớ?”. Tôi chỉ ngoái nhìn mẹ mà không biết trả lời làm sao. Ba mươi tuổi rồi, tôi vẫn đang kiếm tìm một điều gì đó mà chính bản thân cũng chẳng rõ.
Chiếc xe máy của cha Minh đã được đổ đầy xăng. Chúng tôi rẽ vào quốc lộ và đi về hướng tây. Niềm hứng khởi từ một chuyến đi mới khiến tôi dường như quên đi cái giá lạnh buổi ban mai. Trên dốc núi, từng đám lá bị gió thổi dạt xuống ngập đầy mương thoát nước. Một con sáo nhỏ đỗ trên nhánh tre ngó vu vơ rồi bay đi mất.
Non trưa, chúng tôi đến một thị trấn nhỏ. Minh điều khiển xe vào một ngã rẽ hình cánh cung men theo sườn núi. Chỉ một chốc sau, sự thay đổi độ cao khiến tai tôi ù đi. Tôi phóng tầm mắt dọc theo quốc lộ. Ven đường, một ngàn lau nở hoa trắng bạc chạy hút tầm mắt. Minh dừng xe khi chúng tôi đã lên đỉnh núi. Hắn mở chai nước tưới lên lốc máy, ống xả. Sức nóng động cơ khiến hơi nước bốc lên tạo thành một làn khói nhỏ rồi lẩn vào màn sương núi. Tôi nhìn khoảng đồi và dường như có chút quen thuộc. Cách một quãng ngắn có đôi trai gái cũng đang dừng xe nghỉ chân.
“Em nhớ là đồi hoa ở vị trí này mà. Sao chẳng còn khóm dã quỳ nào nữa hè?”. Cô gái tỏ ra băn khoăn. Tôi nhận ra cặp trai gái đi cùng chuyến xe cách đây ít hôm.
Minh cũng ngơ ngác nhìn tôi, lại ngó sang cô gái: “Mình cũng nhớ là đồi hoa ở đây. Hay là đã lâu ngày, không còn hoa nữa”.
Cô gái nhìn chúng tôi lạ lẫm. Nhưng rồi cô ta cũng nhận ra mỗi người trong chúng tôi đều cùng một mục đích là tìm đến đồi hoa.
“Mới cách đây hai năm, em đã ở đây mà”. Cô gái nói.
Tôi, Minh và cô gái chưa kịp nói thêm lời nào thì từ màn sương xuất hiện một bóng người chậm rãi đi đến. Một cụ ông tóc trắng như màu hoa lau nện gậy lộc cộc trên nền đường.
“Cụ ơi cho con hỏi…”. Cô gái ngập ngừng.
Ông lão nhìn khắp lượt 4 người chúng tôi rồi hỏi: “Các con tìm đồi hoa dã quỳ à? Mấy đứa nhầm đường rồi. Phải quay lại thị trấn rồi rẽ phải đi thêm nửa giờ đồng hồ nữa”.
Rồi ông lão lẩm bẩm: “Mấy ngày nay có gần chục người hỏi ta đường đến đồi hoa. Chẳng hiểu bọn trẻ đi tìm thứ gì ở đó nữa?”.
Nói rồi ông lão lẩn đi. Minh và cậu trai lạ mà chúng tôi còn chưa biết tên ngó theo ông lão. Và rồi, trước mắt chúng tôi chỉ còn lại một màn sương và ngàn lau đang trổ hoa trắng xóa.
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM.