TIN TỨC
  • Truyện
  • Lựu đỏ mắt ai | Minh Hằng

Lựu đỏ mắt ai | Minh Hằng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-07-23 05:53:22
mail facebook google pos stwis
679 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

MINH HẰNG

Muỗi đâu ra mà lắm thế? Bố khỉ, bỗng dưng đâm đầu ăn bờ ngủ bụi. Vớ va vớ vẩn một lũ đi theo đàn bà…

Tiếng đập muỗi đen đét, tiếng cằn nhằn cố ý lọt tai tôi. Trong bóng tối mờ mờ tôi thấy hắn cựa quậy liên tục. Vẻ mặt khỉ ăn mắm tôm của hắn khiến cổ họng tôi dợm đau như mắc xương cá.

- Này, ai khiến cậu theo chúng tôi mà cằn nhằn? – Trưởng phòng Kiên cố trầm giọng.

- Tôi báu theo các người lắm hả? Chẳng qua lãnh đạo bắt đi.

- Cậu về báo cáo lãnh đạo nhà cậu là ngủ đất ăn sương khổ lắm, cậu không chịu được. Thế cũng đòi làm phóng viên an ninh.

- Về thì về. Được bài báo nhục như con trùng trục…

Mặc tay trung úy thì thào giảng hòa, hắn phủi đít quần chui khỏi nơi mật phục. Tôi thở phào nhìn theo gã vác “con” camera lầm lũi hút vào bóng đêm. Năm phút sau, lệnh trên truyền xuống: Mục tiêu đã bị lộ, tất cả giải tán.

*
Tuần trước, tôi nhận được điện thoại của A Tu, bí thư chi đoàn Lũng Cả:

- Chị ơi, bản tan rồi.

- Em nói gì chị không hiểu?

- Dân phá hết bản rồi…

Lũng Cả nằm cheo leo trên đỉnh núi Múa. Ngọn núi nhìn xa như nàng tiên đang múa, vạt váy thổ cẩm xòe tung là nương ngô vàng ửng xen màu xanh thẫm của thảo quả và cỏ mía. Hai bầu vú mâm xôi vênh vểnh kiêu hãnh. Núm vú hồng tươi chính là Lũng Cả.

Ngày ngấp nghé chân phóng viên cho tờ báo tỉnh, tôi đã ở Lũng Cả 3 ngày. A Tu là con trai trưởng bản. Cậu học hết lớp 7, trình độ cao nhất bản Mông, được bầu làm bí thư chi đoàn có 3 đoàn viên không học hết cấp 1. Lũng Cả như hóa đá trong mùa đông. Gió mang triệu lưỡi dao lách ván gỗ thưa thếch xua người già người trẻ dính chặt bếp lửa đỏ ngày đêm. Mặt ai cũng nẻ toác, môi khô tróc, rướm máu. Tôi cởi áo phao mặc cho bà của Tu. Bà bằng tuổi bà tôi, ngón tay quăn rễ cây, tóc kết khói từng lọn quấn trong cái khăn loang lổ. Mấy đêm ở nhà Tu tôi không thấy bà ngủ. Bà ngồi canh hơi ấm cho con cháu nằm châu đầu như cá xếp quanh mẹt, mắt đăm đăm nhìn ngọn lửa. Không hiểu bà nghĩ gì?

Tu đưa tôi luồn rừng lên thác Dải Yếm. Chúng tôi ngẩn ngơ ngắm thác, nể phục những cây lát rễ phình căng bám đá, chịu dòng nước trắng xóa xối từ ngọn năm này qua năm khác. Tôi nói với Tu về thủy điện, về du lịch sẽ bật ra từ ngọn thác này. Mắt Tu lóng lánh như ngọn điện thắp trong ấy.

- Chị ơi, thác bản mình quý chị nhỉ? Những cây lát kia không chịu rét vô ích nữa.

- Ừ – Tôi nói như trong tay có đôi đũa thần gõ vào dòng nước là ra cơm ra điện – Chỉ cần tỉnh đầu tư thì bản mình dùng điện thoải mái. Máy xát ngô, máy sao chè chạy ro ro, trẻ con học đèn điện sáng trưng chả lo khói dầu ma-dút đen kịt lỗ mũi. Chỗ dòng suối đầy sỏi trắng chân thác này mà tạo cảnh chụp ảnh không đâu đẹp bằng. Gà chạy bộ, lợn cắp nách bán cho người xuôi lên, ai chà chà, chả mấy chốc bản mình giàu kém gì dưới xuôi.

Tôi thao thao diễn tưởng. Óc mơ mộng của cô sinh viên báo chí mới ra trường lây sang Tu. Nó bắc tay lên mồm hú át tiếng thác. Nó trèo lên cây lựu, ló mặt khỏi đám quả đỏ rực cho tôi chụp ảnh. Nó tung cái mũ nồi rách lên trời, chạy đón mũ rơi ụp vào đầu, nhìn tôi cười khanh khách. Quê em thích chị nhỉ, em sẽ mua hạt tam giác mạch về gieo khắp chân Dải Yếm, khách du lịch đến thì cho chi đoàn làm dịch vụ gây quỹ…

- Khoan đã em. Đợi đường đến rồi ta tính – Tôi phải làm nguội ý tưởng ngùn ngụt trong đầu Tu.

Mà đường đến thật. Tôi theo đoàn cán bộ của tỉnh đi đưa tin cắt băng khánh thành đường vào Lũng Cả. Mười kilômét bê tông nhựa nóng cõng niềm vui chạy đến từng nhà, khiến nở toác môi cười trên gần trăm khuôn mặt ám khói bếp. Dân bản xúng xính váy thổ cẩm tươi màu chỉ, áo đen sột soạt ra xem đường. Bà Tu xiêu xiêu như chiếc lá trước ống kính máy quay, bàn tay rễ cây vặn vẹo: Vui lắm lố, xuống chợ không phải đi từ nửa đêm nữa lố.

Ra vẻ “thổ công”, tôi và Tu dẫn đoàn cán bộ vào nhà người này người kia, lên xem thác Dải Yếm. Trưởng đoàn công tác vung tay nói về tiềm năng thủy điện và du lịch với những người có mặt ở nhà văn hóa bản. Tu nhìn tôi ra vẻ “mình biết thừa chị nhỉ”. Nó dúi vào tay tôi túm lựu đỏ chói, thì thào: Em hái ở cây chị chụp ảnh em ấy.

Tôi được tòa soạn nhận vào làm chính thức sau phóng sự về tình trạng nghèo đói của Lũng Cả. Công việc ở phòng phóng viên kinh tế cuốn tôi như chiếc lá rơi dòng nước xoáy. Nhoáng cái, 3 năm tôi không gặp A Tu.


Ngã giá – tranh sơn mài – Phạm Thanh Trúc.

*
Con Wave Alpha khựng lại. Đoạn đường trải bê tông nhựa biến mất như chưa từng có. Đến một mẩu nhựa, chút bê tông bám dính mép đất cũng không thấy. Trước mặt tôi, mặt đường tụt hoẳm như lỗ mắt thiếu ngủ, ai đó bắc qua miệng hố hai thanh gỗ bằng bàn tay. Tôi ủn xe vào bụi gai, lấy hết can đảm bò qua “cây cầu” bập bềnh, cuốc bộ vào Lũng Cả. Mắt tôi cắm xuống chân tránh hố to hố nhỏ. Sườn núi lở loét trơ thịt đỏ hỏn. Vết trượt miết vào “trái đào” nàng tiên Múa rướm máu. Cây táo dại đặc quả tôi ngắt ăn lấy sức leo núi giờ chết khô, quả cứng đờ như xác ướp. Quãng đường rợn vắng không nghe tiếng trẻ con chơi đùa.

Khi nhận điện thoại của Tu tôi không mường tượng nổi Lũng Cả lại thành cái tổ ong chi chít lỗ thế này. Đứng giữa sân nhà Tu tôi vẫn ngỡ mình nhầm. Vườn sụt hỏm thành ao. Mảnh sân dăm miệng giếng sâu hút. Cây mận trăm tuổi trơ rễ, lơ thơ vài nụ hoa bềnh bệch. Ngôi nhà mái chảy xẹo nghiêng như người thọt chân. Tôi gượng nhẹ bước vào gian chính, bà Tu vẫn mặc tấm áo tôi biếu, chân tím bầm. Mắt bà không nhìn ra tôi. Chảo cám lợn phì hơi trên bếp chua loét khiến lũ lợn nghếch mõm lên thềm kêu inh ỏi.
Tu già câng. Cậu lầm lì nhìn tôi chụp ảnh từng góc sân, khoảnh vườn.

- Họ vào tận đây để khai thác ư? – Tôi hỏi.

- Người bản mình tự đào chứ họ nào đâu chị.

Cậu vò cái mũ nồi không còn hình thù, kể: Bố lúc đầu không đào quặng đâu, nhưng cả bản đào, đếm tiền sột soạt, mua xe chạy vèo vèo. Sau bố bảo tội gì ngồi trên tiền mà chịu nghèo. Trưởng bản làm rồi thì dân bản còn sợ gì nữa.

- Người thuê dân mình là ai?

- Mọi người gọi tên Bưởng. Chả ai biết mặt hắn. Dân vác đất xuống, nhận tiền là xong.

- Vô lý, đống đất lù lù chứ phải cái kim đâu. Đào bới ầm ĩ hàng tháng trời chứ ít ngày đâu. Từ đây ra quốc lộ chỉ một đường độc đạo. Chả lẽ không đến tai chính quyền?

- Em chả biết.

Tu ngồi phệt xuống đất, bẻ cành cây vạch nhì nhằng. “Chi đoàn tan rồi. Cả bản tẩy chay em”. Tu vội quay đi giấu những giọt nước mắt như hạt lựu tuôn hối hả.

Lũng Cả lặng lẽ rợn người. Túm lá cấm người lạ treo trước cửa mỗi nhà đẩy bật tôi trở ra đường. Đêm chụp màn đồng lõa, bản thì thụp tiếng cuốc, tiếng thở dồn. Bóng người lom khom xiêu xiêu lẩn tiếng gió u u. Trong gian thờ nhà Tu, trưởng bản dồn những xẻng đất vàng khè vào bao tải, mồm lào khào khấn các vị ma nhà tha thứ cho. Cái hố hình huyệt mộ khoét vuông vắn chiếu thẳng 4 góc bàn thờ. Bát hương và những bức vẽ trên tường đu đưa theo nhịp xà beng lụp bụp.

*
Trưởng phòng phóng viên Trần Kiên chăm chú nghe tôi trình bày. “Nếu cứ thế này em cũng phải đào nhà mình lên thôi chị à”. Nhớ lại nét mặt Tu khi nói câu ấy, tôi bật khóc.

- Bình tĩnh nào. Anh sẽ báo cáo việc này với tổng biên tập. Có thể em sẽ quay lại làm một bài phóng sự dài kỳ…

- Sự việc đã nghiêm trọng thế, em nghĩ bài báo không phải giải pháp tốt nhất. Hay ta đề nghị bên công an tỉnh vào cuộc?

- Để anh suy nghĩ thêm. Em đừng nóng vội.

Trưởng phòng Trần Kiên hơn tôi 10 tuổi. Dáng điệu thung dung, đi đứng chững chạc, giọng nói vang khỏe. Người thạo nhân tướng bảo anh “không phải dạng vừa đâu”. Phóng viên quèn như tôi chỉ nem nép học hỏi. Nhiều bài báo “khét tiếng” của anh được tổng biên tập nhắc đến trong các cuộc hội thảo chuyên môn. Làm quản lý nhưng anh chỉ đạo chúng tôi “đánh bài” sát sạt. “Cứ tụng ca mãi người ta khinh cho. Phải tét vào mông người ta mới sáng mắt ra”. Chúng tôi thi nhau tét mông. Ngơ đi thì thôi, ngó lại thiếu gì mông phải tét. Doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, quản lý đất đai, thị trường, phòng thuế… sai phạm nhan nhản. Đi đến đâu cứ bảo “quân của trưởng phòng phóng viên kinh tế Trần Kiên”, các đơn vị không dám ho he.

Năm đầu về báo, tôi tuân lệ cuối năm đi mừng tuổi sếp. Với lũ phóng viên chúng tôi, Tết là nỗi kinh hoàng. Danh sách mừng tuổi gồm: 16 phó và trưởng các phòng (loại này chỉ túi quà hoặc thùng bia cỡ vài trăm ngàn). Bốn sếp nhì quà gấp ba số vừa kể. Sếp nhất thì vô cùng vô tận, cứ phong bì cho gọn, bao nhiêu cũng ô-sờ-kê không thấy phản ứng. Riêng trưởng phòng phụ trách trực tiếp tùy ân nghĩa mà xử sự. Anh Kiên với chúng tôi còn hơn cả ruột rà. Đánh ai, đánh chỗ nào, đánh như thế nào anh cầm tay chỉ việc. Phòng tôi toàn lính thiện chiến, liên tục giật giải báo chí quốc gia về chống tiêu cực.

Cũng phải nói ngay là chả ai bắt chúng tôi biếu xén. Nhưng lệ bất thành văn từ thuở nảo thuở nào như cái thòng lọng mơ hồ treo trên đầu, đố ai không chui vào. Có đứa vay nợ hàng chục triệu, sau Tết ăn mì tôm chờ nhuận bút, nhưng được cái tâm trạng nhẹ bẫng, đến cơ quan tự tin hẳn. Đố ai cả năm viết lách không sơ sẩy đấy? Nghề chữ nghĩa bạc hơn vôi. Bài báo giá trị đến mấy, chỉ sai một chữ là hỏng tuột. Có sếp trên sếp dưới che cho, chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, yên tâm 365 ngày. Vài triệu biếu xén chả hóa rẻ quá còn gì?

Vậy là chúng tôi rồng rắn đến nhà trưởng phòng Trần Kiên. Anh không có nhà, vợ anh nhận quà (gồm thùng bia “dẫn đường” cài cái phong bì 5 triệu, phòng mười lính, mỗi thằng góp 500). Buổi chiều, anh mang phong bì đến, quẳng vào mặt chúng tôi, quát um. “Các cô cậu không phải biếu xén tôi, làm thế hèn người đi đấy. Cứ thẳng lưng mà sống”.

*
Ba hôm sau ngày tôi báo cáo trưởng phòng, người của công an tỉnh sang làm việc với tổng biên tập, anh Kiên và tôi. Cùng đi với bên công an có tay phóng viên truyền hình kênh An ninh trật tự.

“Theo thông tin của quần chúng, xe chở quặng hoạt động ban đêm, từ Lũng Cả ra chúng chạy theo cao tốc về đổ hàng bến Gió Êm, bốc lên thuyền xuôi sông Hồng. Chúng tôi quyết định thành lập chuyên án LC1. Đề nghị đồng chí tổng biên tập cử đồng chí Kiên và đồng chí Thanh (tên tôi) tham gia” – Chàng trung úy công an triển khai dứt khoát.

Tôi và anh Kiên cùng tay phóng viên truyền hình lập tức bị niêm phong điện thoại, xe công an hộ tống về nhà lấy quần áo, máy ảnh đến chỗ tập trung.

Thú thực là tôi ghét tay phóng viên an ninh. Hắn cười nói thân tình nhưng ánh mắt lộ vẻ giễu cợt. “Báo trung ương coi thường báo đại ương chăng? Chẳng qua hắn chưa biết chất chúng ta thôi – Anh Kiên cười khểnh an ủi tôi”. Ban ngày, chúng tôi nghỉ tại nhà khách của công an. Tôi ở một mình với chiếc ti-vi đời cũ. Cũng may thư viện nhiều sách hay. Ba người còn lại ở chung phòng kế bên. Sập tối, chúng tôi lên đường. Tổ phục kích 4 người gồm: tôi, anh Kiên và gã báo trung ương, chịu chỉ huy của chàng trung úy lúc nào cũng kè kè chiếc bộ đàm. Chúng tôi ẹp đám chân rạ mới gặt, làm thành ổ phục kích ngay chạc ba đường từ Lũng Cả ra. Tôi thích thú hít hà mùi rơm, mùi đất ẩm, ngửa mặt ngắm núi Múa mờ mờ. Gió tháng 3 thoảng mùi lựu chín. Kim đồng hồ ì ạch dịch chuyển. Càng về khuya càng rét. Núi Múa tỏa hơi đá, luồng gió trắng là là mặt ruộng bọc cứng tôi lại. “Này cô em, mặc thêm cái áo của tôi vào” – Gã truyền hình thì thào – “Cảm ơn anh, tôi đủ ấm”. “Thì thôi”. Anh Kiên dõi mắt lên mặt đường phủ sương, nhưng tôi vẫn nhận ra nụ cười khỉnh quen thuộc.

Hai đêm như thế. Không chiếc xe chở quặng khả nghi nào chạy qua. Và đêm thứ ba, tay truyền hình phá thối. Chúng tôi được thả ai về nhà ấy.

Một tuần trôi qua chậm chạp. 5 giờ sáng ngày thứ hai, điện thoại của tôi réo rắt. Tiếng gã báo trung ương:

- Cô em dậy chưa? Có mua tin nóng bằng bát phở gà không?

Tôi hẹn hắn đến quán phở nổi tiếng phố Núi. Húp thìa nước dùng bỏng lưỡi, hắn thủng thẳng: Chuyên án LC1 đã xong.

- Hả? Sao tôi không biết gì?

- Thồi, phụ nữ thiếu ngủ già nhanh lắm. Cô em cứ ngủ và công an cứ tung lưới.

- Cụ thể thế nào, bắt được tay Bưởng chưa?

- Vội gì, theo tôi khắc biết.

Hắn chở tôi thẳng hướng Lũng Cả. Vượt qua chỗ chúng tôi phục kích chừng 2 cây số, hắn rẽ vào một nhà hàng hoa leo bốn phía. Lố nhố bóng áo vàng, ống kính máy quay, máy ảnh. Hắn rút tấm giấy nói gì đó với những người canh gác và chúng tôi được vào bên trong.

Đây là cửa hàng ăn hai tầng thiết kế kiểu nhà sàn đời mới. Cột nhà bằng bê tông giả gỗ, chắc mà thanh. Tầng dưới đặt chục bộ sập gỗ liền khối. Một quầy lễ tân gọi món tính tiền. Cánh cửa ăn thông sang khu bếp. Sau bếp là sườn núi Múa tràn xuống, phủ kín cây na dai.

Hắn dẫn tôi men vườn na, vòng sau những tảng đá tai mèo sắc lẻm. Oa. Thiên nhiên dành cho tôi bất ngờ lớn. Sau lưng đá sắc là dòng suối miên man khuất lấp bởi bốn bề núi thẳm. Nước suối đỏ ngầu. Trên bờ, bao tải chồng đống, đất tóe màu máu. Mùi hóa chất đặc muốn xắt khúc ra được.

- Đây là chỗ bọn chúng đãi quặng.

Hắn chỉ con đường ngoắt ngoéo vừa lọt chân người dẫn tụt vào hẻm núi thâm u.

- Lối đi độc đạo này dẫn từ núi Múa về. Bọn chúng mang hàng theo lối này tập kết bờ suối. Sau khi lọc đãi, hàng cất tại căn hầm bí mật ở nhà sàn, rồi chuyển đi công khai giữa ban ngày…

Khi hai chúng tôi quay về thì cuộc họp báo cũng bắt đầu. Dưới tay bấm phím của người chủ trì, hình ảnh Lũng Cả chi chít vết thương hiện trên màn hình khiến tim tôi thắt lại. Sườn cô tiên Múa lở loét, vạt váy thổ cẩm rách lỗ chỗ. Toán người lầm lũi lom khom trong đêm. Dòng suối ngầu bọt đỏ. Tiếng hô đanh gọn, đạn nổ, bước chân thình thịch đuổi bắt, hàng chục người lướt xướt ôm tang vật. Còng số 8 lóe sáng. Chuyên án LC1 đã kết thúc thắng lợi.

- Vâng, chắc mọi người muốn biết tên cầm đầu là ai? Xin thưa, bà con Lũng Cả gọi hắn là Bưởng. Biết Lũng Cả có mỏ kim loại quý, hắn đã cho mở con đường độc đạo từ chân núi Múa, dựng lên nhà hàng này (do người khác đứng tên) làm điểm tập kết và sơ chế. Hắn dùng tiền để sai khiến bà con phá nơi mình đang ở. Đã có 10 ngôi nhà bị đổ. Trong đó có nhà trưởng bản. Chúng tôi tốn khá nhiều thời gian điều nghiên địa hình, dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ mới bắt được hắn.

- Trời ơi – Mắt tôi như lồi ra nhìn người cúi mặt trên màn hình.

- Tên hắn là Trần Kiên, cầm đầu một số đường dây khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Chúng tôi sẽ cung cấp tài liệu thêm về hắn nếu cơ quan báo chí yêu cầu…

Trên đường về thành phố, tôi và tay phóng viên an ninh đều im lặng. Qua chỗ chúng tôi phục kích hôm nào, anh ta bỗng quay sang nói nhỏ: “Xin lỗi nhé, cô gái, thực lòng không muốn em nghĩ sai về tôi”. Lúc nói câu ấy, tôi thấy mắt anh ta không có chút gì là giễu cợt.

Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM số 29

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm
Cá sấu báo thù – Truyện ngắn của Hồng Chiến
 Những cây gỗ hương cao lừng lững, đứng thành hàng như được xếp vào ô bàn cờ, trải dài trước mắt gần như vô tận. Ngửa mặt nhìn lên không thấy gì ngoài lá và cành cây. Dưới mặt đất chỉ có một con đường mòn dày đặc dấu chân trâu rừng đi giữa các hàng cây.
Xem thêm
Đứa con không về | Truyện ngắn của Bích Ngân
Người sung sướng nhất hẳn là nội tôi. Thoạt đầu bà không tin người đàn ông cao lớn, để ria, mang kính cận đang ôm chầm lấy bà lại chính là thằng Sang sún, người tròn như củ khoai đã rời bà lên tàu ra Bắc khi vừa lên tám.
Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm