TIN TỨC

Mặc khải “tượng mồ” | Lê Xuân Lâm

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-11-02 12:11:13
mail facebook google pos stwis
2024 lượt xem

LÊ XUÂN LÂM

Đây là bài thơ “tượng mồ” của nhà thơ Văn Công Hùng:
 

tượng mồ
 

Chiều như lửa đốt lòng nhau

tượng mồ run rẩy về đâu kiếp người

 

đã đành hồn sẽ rong chơi

đã đành xác đã tơi bời gió sương

mà còn đây nỗi vấn vương

mà còn đây nhớ với thương một đời

nỗi đau khóc chẳng thành lời

lặn vào thớ gỗ ru người – người ơi

hoang sơ

chiều rót đầy vai

ché và chiêng

và đầy vơi rượu cần

nằm đây một nắm xương tàn

đứng đây tượng hát một ngàn lời yêu

chiều ơi chiều

chiều ơi chiều

cho tôi cùng hát tình yêu một đời

Chư Đrăng, 1990.

Trước hãy nói ngay, là bài thơ “tượng mồ” mà tôi dẫn ra đây, được rút từ trong tập thơ “bến đợi” của Văn Công Hùng, do Hội VHNT Gia Lai xuất bản năm 1992, trang 24 - 25...

Nhưng có lẽ, theo thiển nghĩ của tôi, không phải “rút từ trong tập thơ“bến đợi”, mà phải hiểu và nói rằng, “tượng mồ” là một bài thơ nhỏ, được rút ra từ bài thơ lớn:“bến đợi, mới đúng. Ai quan tâm đến thẩm định ý kiến này của tôi, xin hãy tìm đọc “bến đợi”. Phần mình, tôi muốn để một dịp khác sẽ tiếp tục quay lại tập thơ đầu tiên này của Văn Công Hùng(1). Ở đây, chỉ xin lưu ý, rằng “tượng mồ” được tôi dẫn trích nguyên bản, từ chữ viết hoa, không viết hoa, cách dòng, viết nghiêng… như trong sách. Vì “trình bày và sửa bản in” sách này là chính tác giả. Và bởi vì hình thức trình bày tập thơ, chữ viết của thơ in trong sách… thảy đều mang thông điệp nội dung ngữ nghĩa của tập thơ...

Chớ có để sót, chớ có bỏ qua! Vậy mà...

1. Mặc khải!...

Và xin các bạn yêu thơ hãy đọc “tượng mồ”đi …

Với tôi, từ lâu, ngay lần đầu đọc xong “tượng mồ”, tôi đã kêu lên, “Đúng là Mặc khải“tượng mồ” !” Nay ở đây, tôi vẫn chỉ biết kêu lên như thế!

Nhưng kêu thế thì chắc chỉ TƯỢNG MỒ mới hiểu tôi kêu gì về CÂY “tượng  mồ” mà nhà thơ đã dựng lên trong cái buổi xế chiều, giữa một mùa LỄ HỘI BỎ MẢ (đồng bào gọi là “pơ thi”) ở “Chư Đrăng…” năm ấy… mà thôi!...

Cho nên…, là tôi mong muốn để những ai đọc bài thơ này, cũng sẽ cùng mặc khải với tôi, nên tôi thấy cần phải nói đôi chút về TƯỢNG MỒ và về cả LỄ HỘI BỎ MẢ kia nữa. Vì đó chính là từ một hiện thực thơ (lễ hội bỏ mả), mà đối tượng thơ (tượng mồ) đã được điển hình hóa thành một hình tượng thơ (“tượng mồ”), của nhà thơ (Văn Công Hùng), bằng bài thơ này. Vì nếu không, tôi dám chắc phần đông người đọc bài thơ này sẽ khó có thể cảm nhận đủ được “tượng mồ” là một bài thơ hay đến như thế nào! Đơn giản là bởi TƯỢNG MỒLỄ HỘI BỎ MẢ chính là một đặc sản đặc trưng nhất, tiêu biểu nhất… cho văn hóa của đồng bào các dân tộc ít người Tây Nguyên (từ đây, tôi xin gọi là người Thượng); nhưng nó không phải là một phổ thông, để ai cũng dễ dàng cảm thụ và thức nhận ngay được.

…Vâng, là tôi muốn nói, ai đã lên Tây Nguyên, đúng “mùa con ong đi lấy mật”, nhất là thời cách đây dăm ba chục năm trở về trước, hay ít nhất cũng là vào thời điểm nhà thơ viết bài thơ này, thì dù nghỉ đêm tại thị trấn, thị xã, thành phố... xa làng bản của đồng bào, nhưng đêm đêm cũng vẫn có thể nghe thấy tiếng cồng chiêng, từ bốn phía rừng vọng đến. Càng về khuya tiếng chiêng nghe càng sâu lắng… rồi lịm dần như khúc cuối một bản bi - tình bolero…

Đó chính là tiếng cồng chiêng từ LỄ HỘI BỎ MẢ, thường diễn ra trong ngót ba tháng trời, của người Thượng. Càng về những đêm cuối mùa khô ấy, tiếng cồng chiêng càng dày đặc hơn, càng gấp gáp ngân vang… sâu… xa hơn.

Bởi đó là khi LỄ BỎ MẢ đã rộ mùa HỘI lớn.

Nhưng bỏ mả là gì? Hiểu đơn giản thì bỏ mả tức là bỏ ma, là không nuôi ma - là người chết, là không giữ mả - của người đã chết chôn dưới mồ nữa. LỄ BỎ MẢ là một truyền thống văn hóa xưa, vẫn tồn tại đến nay, trên nền tảng của một quan niệm nhân sinh của người Thượng, về sự sống và cái chết.

Theo người Thượng, ai sống cũng đều do bởi có xác và hồn. Nhưng khi người ta chết, là chỉ xác chết đã và sẽ... dần dần tan mất trong đất, nhưng còn hồn thì vẫn sống, không bao giờ mất (không chết). Khi đã chết, người chết hóa thành ma, gọi là Atâu; có hồn, gọi là hồn ma. Và ma vẫn sống quanh quẫn nơi mộ phần. Vì vậy, sau khi chôn cất người đã chết, người nhà thường dựng một ngôi nhà che mưa nắng cho phần mộ, gọi là nhà mồ, để ma ăn ở. Hằng ngày, người thân của ma vẫn đem cơm nước cho ma ăn uống (một cách trực tiếp, bằng đưa thẳng xuống dưới mộ qua một cây ống nứa, hay lồ ô đục lủng mắt...), vẫn quét dọn nhà mồ sạch sẽ cho ma nghỉ ngơi, vẫn khóc hờ than thở chuyện trò cho ma nghe…mãi cho đến khi (có thể đến nhiều năm sau), khi đã làm LỄ BỎ MẢ cho ma mới thôi.

Thôi, là từ sau LỄ BỎ MẢ, tức là sau việc bỏ mả được thực hiện, được làm xong rồi… là sau cuộc LỄ vĩnh biệt nhau mãi mãi rồi... thì người sống và người chết sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa. Cũng từ sau LỄ BỎ MẢ đó, “Cái chết được hồi  sinh” và “Người sống được giải phóng”(2). Hãy nhớ, “cái chết” chứ không phải “người chết”; “hồi sinh” chứ không phải “sống lại”. “Cái chết được hồi  sinh” nghĩa là theo quan niệm mang ý nghĩa triết học nhân sinh nói trên của người Thượng, thì hồn người chết, tức là ma, sau LỄ BỎ MẢ, sẽ mới được đến sống cùng tổ tiên, trong thế giới ma của họ; để rồi từ miền đất đó, hồn lại lần hồi chuyển hóa trở về, nhập vào một đứa trẻ nào đó, để lớn lên thành một người sống thực...

Cũng sau LỄ BỎ MẢ, thì “Người sống được giải phóng”. Tức là người sống sẽ bỏ cả ngôi nhà mồ và cốt xác người đã chết chôn dưới mả đó cho “rừng ăn”, dứt khoát không nhớ nhung, vướng bận gì với người chết nữa cả...

BỎ MẢ - một vĩnh biệt chung cuộc lớn lao như thế, đến thế… thì phải thực hiện cho đúng với ý nghĩa trọng đại và đầy nhân văn của nó chứ?!...

Cho nên, để bỏ mả, người ta phải mất cả tháng trời cất công dựng lại nhà mồ, sao cho thật đẹp…. Quanh và trong nhà mồ đó, TƯỢNG MỒ là “nhân vật” trung tâm, được tạc ra từ thân gỗ cây rừng và được dựng lên tại khu nhà mồ. TƯỢNG MỒ gồm nhiều loại, có tượng hình người, có tượng hình vật…,mà tâm điểm của các loại TƯỢNG MỒ là tượng tạc hình người, bằng rìu và rựa, theo lối biểu trưng thôi, nhưng vẫn gợi tả cực kỳ sống động về cuộc đời thực, mà người sống đang sống, mà người chết đã từng sống qua, cho đến khi phải mãi mãi vĩnh biệt nhau hôm nay...

Bởi vậy, có thể nói, TƯỢNG MỒ chính là “nhân vật” trung tâm của nhà mồ và của LỄ BỎ MẢ…

2. Thông điệp tư tưởng nhân – sinh...

Bài thơ “tượng mồ” khắc họa khoảng khắc TƯỢNG MỒ - hình tượng thơ trung tâm của bài thơ - buộc phải từ biệt thế giới CON NGƯỜI, trong ánh hoàng hôn của một buổi chiều tà sau cuối, để đi vào miền miên mãi …

Hãy nghe 2 câu mở đầu bài thơ về cuộc chia ly mặc khải này:

“Chiều như lửa đốt lòng nhau

tượng mồ run rẩy về đâu kiếp người”

Có một câu hỏi, không dấu hỏi, như một khắc khoải vô biên của “tượng mồ” cứ nhoi nhói mãi lên... Câu hỏi buông vào cả một chiều hoàng hôn sẫm đỏ… trước một cuộc chia ly đã biết là mãi mãi… khiến lòng tôi đau thắt… “Chiều như lửa đốt…” Câu thơ phác một nét tả thực, cái khoảng khắc hoàng hôn ánh lên, cả một vầng sáng đỏ, trước lúc rồi sẽ chìm lấp hẳn sau cánh rừng xa... Sắc đỏ tứa lên đó từ đâu?

Bạn nhớ luật tán sắc của ánh sáng chứ? Chính là nó đấy! Chính là cái ánh sáng chiều hôm kia (nắng quái), đã tán sắc qua ẩm khí trên ngọn rặng rừng xa, là cái ẩm khí vừa tích tụ được trong suốt một ngày nắng gió cao nguyên, đang xông bốc lên… đã tạo ra… và hắt lên cái ánh sáng màulửa kia đấy…

Đúng vào cái khoảng khắc ma hồn ngời hắt lên sắc đỏ chia ly ấy, “tượng mồ” đã “run rẩy” cất lên cái câu hỏi “về đâu kiếp người”…

Hẳn là “tượng mồ” không chỉ hỏi cho chính mình, mà còn cho cả người còn sống nữa. Thực ra thì có lẽ câu hỏi ấy chắc đã nấu nung, khắc khoải trong lòng “tượng mồ” từ lâu lắm rồi. Không thế thì không thể khiến lòng “tượng mồ” nóng “như lửa đốt”, thân “tượng mồ”“run rẩy” một niềm đau thương, tiếc nhớ đến nhường kia… “Chiều như lửa…”, câu thơ thực cảnh; “… đốt lòng nhau”, chuyển sang thực trạng, và lại kéo theo đó nữa là quan hệ người ở - người đi… khiến tôi thấy cứ hực mãi lên trong lòng “tượng mồ”là cả một niềm khát khao, mong ước...

Nhưng không phải là mong cho qua, mà là ước cho nó đừng đến… cái chiều chia xa miên mãi… này...

“Chiều như lửa đốt lòng nhau

tượng mồ run rẩy về đâu kiếp người”

Hai câu thơ chỉ tập trung đặc tả một khoảng khắc thôi – đó là ánh xế chiều, một hành động nhân vật thôi – đó là “tượng mồ”, một tâm trạng thôi – đó là sự chia ly, một tình cảm thôi – đó là niềm tiếc thương… nhưng nó gợi lên tất cả không gian, thời gian của tồn tại, mang tầm vũ trụ nhân sinh của kiếp người, vẫn còn mãi đó, những luân hồi cuộc sống và cái chết, với một câu hỏi “về đâu”, đến đâu…, sẽ không bao giờ tìm thấy lời đáp!...

Trở xuống, “tượng mồ” nhọc nhằn thê lương… thấp cao thập thững… “đành lòng vậy, cầm lòng vậy”… bước…bước đi… những bước độc thoại cuối cùng… vào hoàng hôn… mà ai cũng đều có thể nhìn thấy rất rõ… có biết bao nỗi niềm trào lên… từ biết mấy nỗi lòng của “tượng…” !...

“đã đành hồn sẽ rong chơi

đã đành xác đã tơi bời gió sương

mà còn đây nỗi vấn vương

mà còn đây nhớ với thương một đời

nỗi đau khóc chẳng thành lời

lặn vào thớ gỗ ru người – người ơi”

Rồi đột nhiên, câu thơ lục bát đang giữ nhịp tự tình, độc thoại, bỗng chuyển vần, phá cách:

“hoang sơ

chiều rót đầy vai

ché và chiêng

và đầy vơi rượu cần

nằm đây một nắm xương tàn

đứng đây tượng hát một ngàn lời yêu

chiều ơi chiều

chiều ơi chiều

cho tôi cùng hát tình yêu một đời”

Ấy là “tượng mồ” cho tôi biết thời gian của cuộc tiễn đưa, đã đến sát vách ngăn cách cuối cùng, với thẳm sâu không gian của cuộc đưa tiễn.

Bạn hãy đọc đi, đọc đi.. Hãy đọc những câu thơ trên bằng chất giọng trầm thống nhất có thể, thì bạn sẽ nghe thấy điều tôi vừa nói. Nhất là đọc cho được tiếng đồng vọng của hai câu thơ này:

“chiều ơi… …

chiều/…

chiều ơi… …

chiều/…

Đó! Bạn nghe thấy gì chưa… nếu không phải là những tiếng gọi nhau đồng vọng qua vách ánh đỏ chiều ngăn cách đang dần đổ xuống thì là gì?! Mà ai gọi ai ở đây nữa nếu không phải là người đã chết, là “tượng mồ” đang đi vào ánh chiều tà… nhưng vẫn mãi ngoái lại thao thiết gọi ta, những người còn sống; là cả ta nữa, những người đang sống, dù đớn đau níu giữ “nhớ với thương một đời”, vẫn không thể không xuôi tay thất thần buông bỏ…với chỉ còn giữ lại… là ánh nhìn tình yêu của mình… đã vuột đi mất khỏi cuộc sống này…

Qua chiều sẽ là tối, là sự chết, người sống biết thế!...

Qua chiều sẽ là sáng, là sự sống, người chết biết thế!...

Chao ôi! Mặc khải “tượng mồ”!

Vâng! Đúng làMặc khải“tượng mồ”!

…Và… Cuối cùng thì nhân vật trữ tình của thi phẩm “tượng mồ” cũng không thể ngồi yên bên ché rượu cần, khuất lấp đâu đó bên ngôi nhà mồ được nữa.

Khúc tiễn đưa dù bi thiết nhất cũng đã qua rồi, phải đổi giọng, chuyển nhịp, để cuộc sống lại tiếp tục cái trật tự muôn thuở của nó. Đúng lúc này, thể thơ lục bát, với câu bát nhịp 2, lại trở lại làm câu kết bài thơ:

“cho tôi cùng hát tình yêu một đời”
 

3.Khúc khải ca mặc tưởng...

Giờ là lúc tôi muốn nói thêm, rằng mới đây tôi được biết, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đã đưa bài thơ “tượng mồ” của nhà thơ Văn Công Hùng vào giảng dạy cho sinh viên. Tôi nghĩ đó là một việc làm đúng, hay và rất tốt, bởi cái thông điệp tư tưởng của bài thơ, chính là động cơ tôi muốn được góp lời bình ở trên. Đến đây,tôi cho là theo cách của riêng mình, mỗi người đọc rất cần và phải trả lời cho được câu hỏi “do đâu mà bài thơ “tượng mồ” đã tạo ra được khúc khải ca mặc tưởng ấy?

Hãy hỏi, nhân vật trữ tình đó là ai? Và quan trọng hơn, đến đây, là câu hỏi cần có câu trả lời xác đáng, để có xác tín, là vì sao đọc bài thơ “tượng mồ” của Văn Công Hùng, tôi lại có thể có được cảm nhận thẩm mỹ như đã trình bày ở trên !?

Xác tín là khi và chỉ khi nào ta chứng minh được “cơ sở vật chất” (về hiện thực tồn sinh, là bỏ mả và Lễ Hội bỏ mả), để có cảm nhận tinh thần, tình cảm (về hiện thực thơ) nói trên... thì người đọc bài này mới “cóthể tin được” vì sao tôi gọi“tượng mồ”là một “khải ca mặc tưởng”.“Cơ sở vật chất” nói đây chính là nói đến Lễ hội bỏ mả kia, chứ không phải nói về ngôn ngữ, như là công cụ của Thơ, tức là bảochưa cần nói đến nghệ thuật ngôn ngữ thơ,trong Thi pháp của nhà thơ. Vì bài thơ “tượng mồ” gần như không dụng công cho nghệ thuật ngôn từ, thậm chí là cả về phá cách niêm luật thơ, tức là về Thi pháp, mà cốt chú tâm vào tư tưởng nhân sinh.

Ở bài thơ “tượng mồ”, thông điệp tư tưởng nhân – sinh mà bài thơ muốn chuyển tải đến độc giả là vấn đề cốt yếu. Thi pháp chuyển tải quan điểm triết học nhân sinh của người Thượng mới thật nhân văn làm sao!

Để kết thúc bài viết này, tôi muốn bạn đọc biết thêm bài thơ Pơ thi” mà Văn Công Hùng đã đăng ngay sau bài “tượng mồ” trong tập thơ nói trên:

Pơ thi
 

Chợt tan ra khoảng khắc hoàng hôn

dòng chiêng xoáy vào từng thân tượng gỗ

những bước chân giật lùi trên cỏ

tay trong tay hồn lại gặp tâm hồn

 

chẳng có gì là thật ở nơi đây

cũng chẳng có gì là ảo

tất cả cứ phơi ra như người ta phơi áo

ta lại gặp mình sau bao năm tháng cách xa

 

để rồi ngày mai lại phải chia xa

thì rượu ơi đêm nay đừng bao giờ cạn

cả ngọn lửa cũng đừng bao giờ tắt

đêm dài ra nối những tâm tình

 

có một đêm nay để ta gặp lại mình

kể hết đi những điều chưa biết

người đang sống nói với người đã chết

âm thanh chiêng công ngấm rượu ngả nghiêng

 

từng góc cạnh cuộc đời hiển hiện ở nơi đây

mọi sắc thái tâm tư lồng vào thớ gỗ

tượng mồ đứng lặng im mà dào lên sóng vỗ

nỗi đau lặn đi cho tuyệt tác phơi bày

 

Pơ thi – tôi gặp ở nơi này

nghệ thuật xoay nỗi đau vào trong ruột gỗ

để tài hoa của người cứ hiện lên rực rỡ

ở phía ngoài bức tượng trầm tư

                                           Tháng 5.1986

L.X.L.

________

(1) Tôi đã đọc, đã viết, cũng khá nhiều về thơ Văn Công Hùng. Đặc biệt quan tâm của tôi là nghệ thuật thơ, phong cách thơ của nhà thơ này. Nhưng vẫn thấy còn cần phải chờ đợi thêm ít lâu nữa, mới có thể đi đến khái luận về một phong cách thơ Văn Công Hùng. Bằng chứng là vài năm trở lại đây, thơ Văn Công Hùng ngày một mới hơn, độc đáo hơn, hay hơn nhiều.. nên tôi chưa từng dám công bố gì ở đâu cả, những bàn luận của tôi về thơ Văn Công Hùng. Ngay cả bài viết góp lời tham khảo với các Thầy - Cô giáo giảng bài thơ “tượng mồ”này, tôi cũng viết rồi để đấy… đến nay mới chuyển đăng,..., như một thư ngõ gửi các Thầy –Cô..., như một ngỏ lờitri ân nhà thơ đã cho tôi đọc nhiều thi phẩm rất hay của ông...

(2) TS. Ngô Văn Doanh – LỄ HỘI BỎ MẢ BẮC TÂY NGUYÊN, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội-1995.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn Bính ở phương Nam
Nguyễn Bính (1918-1966), tên thật là Nguyễn Trọng Bính (có lúc tên Nguyễn Bính Thuyết), quê ở Nam Định nhưng sống khắp ba miền đất nước. Ông có phong cách một nhà thơ lãng tử, sáng tác về chủ đề tình cảm làng quê và tình yêu, tổ quốc. Thơ tình cảm mộc mạc của ông được rất nhiều người thuộc. Tác phẩm gồm 26 thi tập trong đó có : + 1 kịch thơ : Bóng giai nhân (1942): + 3 truyện thơ : Truyện Tỳ Bà (1942); Trong bóng cờ bay (1957); Tiếng trống đêm xuân (1958): + 1 vở chèo : Người lái đò sông Vỹ (1964) và rất nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được nhạc sĩ phổ thành ca khúc : Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc, Quốc Hương ca);  Cô hái mơ (Phạm Duy); Ghen (Trọng Khương), Cô lái đò (Nguyễn Đình Phúc); Chân quê (Minh Quang). Hiện nay, nhiều thành phố có những con đường mang tên ông. Nhà thơ Nguyễn Bính nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2000) cùng với Hoài Thanh, Bùi Đức Ái, Nguyễn Quang Sáng, …
Xem thêm
“Đánh thức mình bằng chân lý vô ngôn”
Tôi biết Nguyễn Minh Thuận (nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk) làm thơ đã lâu, dễ hơn ba chục năm trước, thỉnh thoảng anh vẫn đọc cho tôi nghe và rải rác anh cho đăng trên facebook Trương Thị Hiền - vợ anh (TS, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên).
Xem thêm
Đọc “Thơ mười năm” của Hoàng Đình Quang
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh
Xem thêm
Hoàng hôn chín – chín mọng yêu thương
Về tập thơ in chung của Võ Miên Trường và Triệu Kim Loan
Xem thêm
Thơ Phan Hoàng trong hành trình ngược lối – Tiểu luận của Mai Thị Liên Giang
Tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng từng nhận được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM và Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012, sau đó tập thơ này được trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube năm 2023 của Hungary. Ngoài ra tập trường ca “Bước gió truyền kỳ” của ông cũng được Ủy ban nhân dân TPHCM trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ II. Để hiểu thêm về hành trình sáng tạo thi ca của nhà thơ Phan Hoàng, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà lý luận phê bình văn học Mai Thị Liên Giang.
Xem thêm
Những giải mã thú vị, khoa học của một người đọc tri âm
Với kiến văn sâu rộng, sự nghiên cứu cẩn trọng mang tính học thuật cao, khai thác nhiều vấn đề tri thức lý luận mới mẻ; Trần Hoài Anh đã đem đến những trang viết tinh tế, khai mở nhiều điều lý thú và bổ ích.
Xem thêm
Hồn xuân trong thơ Hồ Chí Minh
Nhà thơ Trung Quốc Viên Ưng đã nhận định sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một trí tuệ lớn, một dũng khí lớn, một tâm hồn lớn”.
Xem thêm
“Trung thực và quả cảm” trong sáng tác và phê bình văn học, nghệ thuật
Bài viết của nhà thơ Mai Nam Thắng trên Văn nghệ số 4/2024
Xem thêm
Nguyễn Quang Thiều với ‘Nhật ký người xem đồng hồ’
Bài viết của Nguyễn Văn Hòa về tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ của Nguyễn Quang Thiều
Xem thêm
Nửa lo giá chợ nửa ngây vì trời
Nguồn: Báo Văn nghệ số 4, ra ngày 27/1/2024.
Xem thêm
Dòng kinh yêu thương
Tháng 8 năm 1969, chương trình Thi văn Về Nguồn góp tiếng trên Đài phát thanh Cần Thơ vừa tròn một tuổi. Nhân dịp nầy, cơ sở xuất bản về Nguồn ấn hành đặc san kỷ niệm. Đặc san tập họp sáng tác của bằng hữu khắp nơi, với các thể loại như thơ, truyện, kịch… và phần ghi nhận sinh hoạt văn học nghệ thuật ở miền Tây trong một năm qua. Trong đặc san này, chúng tôi in một sáng tác của nhà thơ Ngũ Lang (Nguyễn Thanh) viết ngày 24/8/1969, gởi về từ Vị Thanh (Chương Thiện), có tựa đề “Đưa em xuôi thuyền trên kinh Xà No” Hơn nửa thế kỷ trôi qua với bao nhiêu biến động, ngay cả tác giả bài thơ chắc cũng không còn nhớ. Xin được chép lại trọn bài thơ của anh đã đăng trong Đặc san kỷ niệm Đệ nhất chu niên Chương trình Thi văn Về Nguồn, phát hành vào tháng 8 năm 1969.
Xem thêm
Minh Anh, người đánh thức thế giới
từng chữ từng chữ/ rơi vào từng dòng từng dòng/ chúng chụp lấy những khoảnh khắc/ đẹp não nùng/ không thể rời khỏi con tim/ cách duy nhất để tự nó đừng nở rộ quá mức/ vượt khỏi ký ức của ta/ là hãy viết xuống (Sự kỳ lạ của nghệ thuật viết).
Xem thêm
Ta sẽ không như cốc trà nguội cuối ngày
Bài viết của Nguyên Bình về tập thơ Vọng thiên hà của Hoa Mai.
Xem thêm
Con người Chí Phèo
Cái chết của Chí phèo như bản cáo trạng về xã hội thực dân nửa phong kiến thối rữa, nhàu nát, là tiếng kêu oan khốc thấu tận trời xanh của những kiếp người “siêu khổ”.
Xem thêm
Nguyễn Ngọc Hạnh - Hồn thơ reo mãi phía làng
Bài viết của Hoàng Thụy Anh và phóng sự ảnh của Nguyên Hùng
Xem thêm
‘Bút chiến’ thời Tự Lực Văn Đoàn
Trước khi được giải Lý luận phê bình của Hội Nhà văn năm nay thì “Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do” đã được chú ý trong cộng đồng đọc. “Câu chuyện cũ nhưng cách tiếp cận mới, khảo tả công phu, chưa kể những dẫn chứng “đấu đá” hậu trường văn chương, đọc rất vui”, độc giả bình luận.
Xem thêm
Khối đa diện “Mộng đế vương”
Nhà văn Nguyễn Trường chọn xứ đạo ở Cồn Phụng của ông Nguyễn Thành Nam, đạo vừa vừa, gọi là Đạo Dừa
Xem thêm
Hồn quê trong một sắc thơ miệt vườn
Nhà thơ Kiên Giang (1929-2014) - đúng ra năm sinh: 1927 - tên thật Trương Khương Trinh (bút danh khác: Hà Huy Hà, Ngân Hà, Trinh Ngọc, Cửu Long Giang…, gốc người làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, nay là Kiên Giang).
Xem thêm