TIN TỨC
  • Truyện
  • Mộ tổ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ

Mộ tổ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-08-24 11:41:58
mail facebook google pos stwis
653 lượt xem

LÊ THANH HUỆ

Từ thuở còn thơ bé, Hoài đã được nghe nhiều truyền thuyết về cụ Tổ dòng họ mình. Nào chính là ông Tổ đã bỏ tiền đào con kinh qua làng và nó mang tên ông: kinh Thông Phán. Ngày khai dòng đưa nước sông Vàm Cỏ chảy vào kinh, ông Tổ mua một tên mọi, mổ bụng nhét đầy vàng bạc, ném xuống kinh cúng hà bá.

Là người giàu nhất xứ Đồng Nai thời đó, vậy mà lúc chết, không có đầu. Hình như có một cái đầu bằng sáp, còn đầu thật được chôn đâu đó xa lắc xa lơ, tận ngoài xứ Huế. Bốn tên mọi ngậm sâm được chôn theo cụ Tổ đặng giữ của và hầu hạ cụ… Công lao không thấy nói đến. Tấm bia đá lớn, dựng đầu mộ Tổ rêu phong bám đầy. Trên bia, những dòng chữ ngoằn ngoèo, không phải chữ Hán, cũng không phải chữ Nôm được khắc dưới chân dung cụ Tổ. Cả ấp không ai đọc được, người ở mấy ấp xung quanh có tiếng học cao biết rộng cũng không hiểu những thông tin chứa đựng trên đó. Hoài hỏi ông Nội, Nội nói: “Sinh thời, cụ Tổ giàu có nhất Gia Định thành, khí khái, hay giúp người nghèo, kẻ khó, ưa giỡn”. Vậy thôi, không muốn kể thêm nữa.

Mộ Tổ hình con thuyền, xây bằng đá xanh. Gần hai trăm năm nó đứng đó, ghếch mũi muốn vượt biển lúa trước mặt ra với con kinh. Nhưng nó bị ba hồ sen bán nguyệt vây quanh và chiếc bia lớn cản mũi. Trên con thuyền lớn đó có một nhà nhỏ cũng bằng đá, được xây cất, đẽo gọt, chạm trổ công phu, tinh xảo giống hệt ngôi đình thu nhỏ. Rêu phong bám đầy. Mùa mưa, thè lưỡi liếm vào mạch vữa xây còn thấy vị ngọt mật mía tứa ra. Căn nhà đá có một cánh cửa bằng đồng luôn đóng kín, chặn bước chân Hoài và bao người khác để giữ trọn bí mật trong lòng nó; làm nền cho bao truyền thuyết đứng vững gần hai trăm năm qua. Từ bé, Hoài luôn ước mong được bước qua cánh cửa bằng đồng đó đặng thỏa chí tò mò. Nhưng mãi đến hôm nay, (khi Hoài được nhận tấm bằng luật sư còn mới, như cuộc đời còn quá trẻ so với danh hiệu được mang), anh mới tình cờ biết được nơi ông nội giấu chiếc chìa khóa bằng đồng lớn cổ lỗ. Chiếc chìa khóa khiến Hoàng nhớ đến mộ Tổ và anh quyết định đánh cắp nó tra vào lỗ khóa. Hoài ra sức xoay. Xoảng một tiếng. Hoài giật bắn người, cánh cửa nặng nề mở ra. Hoài hấp tấp bước vào, ánh sáng lùa vào mờ mờ đủ thấy một bàn thờ và hai khối vuông vuông. Bấm đèn pin, Hoài nhận ra hai cỗ quan tài, gỗ đã lên nước, lăn răn vài vết nứt. Thoang thoảng mùi trầm thoát ra từ thớ gỗ. Hoài quét đèn pin lướt qua những phiến đá xanh chạm trổ tinh xảo dùng xây tường. Anh bắt gặp một cánh cửa khác cũng bằng đồng. Hoài tra chìa khóa vào lỗ, ra sức xoay, cánh cửa lặng im, không nhúc nhích. Không rõ vì lẽ gì, anh nhớ đến chỗ cất chìa khóa của ông Nội. Hoài rút chìa khóa, đến bên bàn thờ nhấc bát nhang. Dưới đó, một viên đá ghép rất khít, chỉ bị mẻ một góc nhỏ. Vừa lọt chiếc khóa Hoài cầm trong tay. Tra chìa khóa vào quay nửa vòng, tách một tiếng, Hoài rút chìa khóa, miếng gỗ y hệt viên đá bật lên để lộ chiếc chìa khóa bằng đồng đen. Hoài run run cầm lấy nó, mở cửa, lần theo những bậc thang đá đi sâu vào lòng con thuyền. Chưa hết các bậc thang, Hoài vấp phải một vật gì. Anh lia đèn pin và nhận ra bộ xương người đang rũ xuống trong tư thế ngồi. Hoài luýnh quýnh. Đáng phải chạy ngược trở lại phía lối vào, anh lại rẽ vào một lối khác giống hệt; càng chạy Hoài càng mất lối. Biết mình đã lạc vào mê cung không lối thoát, Hoài càng trở nên bấn loạn. Anh bắt gặp một bộ xương khác nằm ngay ngắn có đôi tay đưa lên như đang tìm cái đầu. Những viên ngọc rải xung quanh bộ xương, cẩn trên tường, trên trần bắt lấy ánh sáng đèn pin, ánh lên muôn vàn sắc màu lung linh tựa bầu trời sao qua lăng kính bằng kim cương cỡ lớn. Mắt Hoài dán vào chiếc đầu. Nó không phải đầu lâu mà còn nguyên vẹn, trắng bệch như được nặn bằng sáp đang thiu thiu giấc ngủ ngàn thu. Tức thở, Hoài quỵ xuống, anh mê đi…

- Không sợ; đứng lên con! – Giọng nói đầy quyền uy đủ sức nâng Hoài đứng dậy. Trước mắt anh, một người tầm thước trung bình, áo dài khăn đống, đầu trắng bệch, đôi mắt thiu thiu ngủ. Khi nói và lúc nhìn anh, môi người đó vẫn mím chặt, mắt vẫn nhắm, cả cái đầu không mảy may cử động. Người đó nói và nhìn bằng tâm linh.

- Ai!... Ai!... – Hoài líu lưỡi, hỏi.

- Ai đã vào đây, người đó vĩnh viễn không ra được, nhưng con là cháu của ta, cháu mười lăm đời của ta, ta đã đưa đường dẫn lối con vào đây, ta sẽ đưa con ra được, vì ta là ông Tổ của con!

Người đàn ông đặt bàn tay lên vai Hoài. Bàn tay lạnh buốt đó lại khiến được Hoài vững tâm. Anh đưa mắt nhìn thẳng vào khuôn mặt bất động và thấy quen quen. Đó chính là khuôn mặt bằng sáp, giống hệt chân dung cụ Tổ khắc trên bia đá.

- Ta đã mất một trăm chín mươi năm chờ đợi con. Ta cần đến con. Trước tiên, con hãy nhìn xem: đây là giang san của ta, quê hương của con đó.

Hoài nhìn theo tay ông Tổ. Trước mắt anh, con kênh mới đào, vài chục mái nhà lá đơn sơ bao quanh một dinh thự kiểu cổ giữa cánh đồng. Xa xa, rừng tràm xanh ngút ngàn kéo đến tận con sông xanh uốn khúc, trải ra tận chân trời.

- Nơi đây còn hoang sơ lắm – Hoài cãi – Quê hương con có đường ô tô, nhà xây mái ngói, trường học, bệnh viện…

- Đúng! – Ông Tổ nói, khuôn mặt vẫn bất động. – Đó chính là hình ảnh về sau, tức là thời của con. Còn cái con đang nhìn thấy là thời xưa của con, tức là thời của ta đang sống, ngay chín bây giờ. Chính ông Tổ của ta đã đến đây khai khẩn và đến thời của ta, ta đã làm nên cơ nghiệp mà con đang nhìn thấy trước mắt con. Thời của ta là thời li loạn. Tây Sơn đuổi Nguyễn Phúc Ánh vào tận đây. Chính ta, ta không thích tước vị, như ông Tổ của ta đã từng ghét tước vị, ghét sự bất công, ưa sống tự do nên phải vượt biển vào đây. Nhưng hồi đó, Ánh khốn đốn; đám thủ hạ của Ánh nhếch nhác, hoảng sợ, đói kém, ta thương tình cưu mang. Sau lại thấy Ánh cũng người đàng hoàng, có chí lớn, ưa tự do, tình thiệt như ta nên ta coi Ánh là người em ruột thịt, hết lòng giúp đỡ. Ánh chỉ đáng tuổi em ta, nhưng ta không cậy là chủ để xử bề trên với Ánh, dù ta thương yêu Ánh biết nhường nào, hơn cả ruột thịt. Giờ ta hỏi con: Ta có oai nghiêm không? Có thể làm vua được không?

- Thưa cụ Tổ! Con chưa hề thấy vua nên… không biết…

- Hà… Hà… Hà… - Cụ Tổ cười, khuôn mặt vẫn bất động. Nhưng lạ thay, Hoài không sợ, không cảm thấy lạ lùng mà như điều tự nhiên vậy. Cụ Tổ thôi cười, nói: - Vua cũng như ta thôi, kém ta nữa là đằng khác. Nhiều lúc nó còn biết sợ hãi, hận thù, đói kém, xanh xao và cần đến sự rộng rãi của ta. Người như thế mà còn làm vua được... Mà thôi! Đó là thời Ánh chưa giành được ngôi báu. Giờ ta chỉ cho con thấy vua thật.

Thân thể Hoài nhẹ bỗng. Anh đang từ chín tầng mây bay lướt đi. Dưới anh là những con sông rộng, những thửa ruộng lác đác vài ngôi nhà, những tháp Chàm vẫn còn nguyên vẹn, vàng rực trong nắng. Anh bay đến một con sông rộng, một kinh đô diễm lệ, tấp nập người xe, trên bến dưới thuyền san sát. Loáng một cái, Hoài bay qua  chiếc cầu, lọt vào cổng thành có ba cửa giống hệt cửa Ngọ Môn, đáp xuống một sân rộng, trông lên giống điện Thái Hòa.

- Đây là đâu, trông giống Đại Nội quá!

- Kinh đô Huế đó – Ông Tổ thì thào bên tai.

- Con đã đến đó rồi. Đại Nội đổ nát, hoang tàn, đâu có cảnh lầu son, gác tía, lộng lẫy huy hoàng như ở đây.

- Đó là thời của con, kinh đô già nua, thiếu tiền, thiếu tay thợ khéo sửa chữa. Còn đây mới chính là Đại Nội ở vào thời của ta, thời vua Gia Long trị vì. Thời của ta, ta cũng được làm vua đó con ạ.

- Ông Tổ được làm vua? – Hoài nghi ngờ hỏi.

- Phải! Nhưng là vua trong một khắc. Con hãy nhìn lên: đây là sân rồng, trên kia là điện Thái Hòa. Đang buổi thiết triều đó.

Thoắt một cái, Hoài đã thấy vua ngự trên ngai vàng. Dưới sân, hai hàng bá quan văn võ cúi rạp. Không thấy các quan đeo gươm nên Hoài phải nhìn mặt các quan mà đoán. Bên tả, các quan có khuôn mặt oai nghiêm, chắc quan võ. Bên hữu, các quan có khuôn mặt hiền từ, hẳn là quan văn. Và kìa, cụ Tổ đang lóng ngóng, hình như không biết cách thi lễ nơi cung đình. Hoài ngoái lại vẫn thấy cụ Tổ ở cạnh anh có cái đầu bằng sáp cạnh anh, còn trên kia, cụ Tổ có khuôn mặt thật. Đang băn khoăn, Hoài nghe giọng nói oai nghiêm vang dội cả sân chầu:

- Truyền cho khanh được đứng dậy và lại gần trẫm!

Cụ Tổ đứng đậy, thẳng lưng bước tới. Các quan xanh mắt. Nơi vua ngự, chẳng ai có quyền đi như vậy, trừ Thái Thượng Hoàng và Hoàng Thái Hậu.

Cụ Tổ thì thào vào tai Hoài:

- Đó chính là ta của thời ta đó. Con hãy lắng nghe ta nói.

- Qua... à... à…

- Chớ có nói càn. – Quan thượng thư Bộ lễ nghiêm trang nhắc bằng giọng nhỏ nhưng rất rõ, rất vang – Hãy nói: Muôn tâu bệ hạ; xưng thần!

Ông Tổ lặp lại:

- Muôn tâu bệ hạ! Qua...

- Hạ thần! – Quan thượng thư cau mày nhắc.

- Muôn tâu bệ hạ! Hạ thần... như bệ hạ biết rồi đó: hạ thần giàu có, chẳng có thứ gì trên đời mà chưa được nếm thử... - Một nét cười thoáng qua trên khuôn mặt ông Tổ. – giờ hạ thần chỉ muốn được ngồi lên... ngai vàng, làm vua một khắc, dẫu có chết cũng vui lòng!

Cụ Tổ dưới này thì thầm vào tai Hoài: “Ta quên nói cho con biết, ta được vua Gia Long vời ra kinh đô để thưởng công. Nói cho đúng là để trả ơn. Ta đây giúp đỡ biết bao người đâu phải để được trả công. Lần trước, vua cho người đến phong tước cho ta nhưng ta không nhận. Lần này, vua mời, lẽ nào ta lại từ chối tấm thịnh tình của nhà vua. Ta lặn lội ra đây không phải xin điều gì mà cốt đến thăm người anh em ruột thịt của ta. Ta cần Ánh đối đãi đàng hoàng với ta, cũng như ta đã từng hết lòng với Ánh mà chẳng hề cậy nhờ thế chủ để xử bề trên với Ánh. Ra đến kinh đô, ta phiền lòng quá. Kinh đô vui vầy nhưng không thoải mái như ở quê ta. Triều đình thật lắm luật lệ phiền phức. Đi đứng phải khom mình, chỗ để quỳ gối cũng được phân chia theo ngôi thứ, như là một đặc ân vậy. Ta muốn về cũng không được. Ta bỏ về, quan thượng thư bộ lễ không cho về, lại nói nếu ta tự ý bỏ về, coi như phạm tội khi quân, xử trảm. Hóa ra trong cả lúc ta được vua vời ra thăm, ta cũng mất tự do. Sáng nay, vua ban cho ta một chén rượu và cho người mang đến. Rượu ngon uống một chén không đã, không lẽ ta đòi chén nữa. Sẵn tiền, ta ra chợ uống cho đã. Ta vào chầu có chút chuếnh choáng hơi men nhưng ta không say. Ta nhìn các quan khom lưng, quỳ gối như người có tội, suýt bật cười; sao không về quê cày ruộng, sống tự do có sướng hơn không. Ta nhìn vào mắt vua thấy rõ sự xa cách, mà lòng đầy bực bội. Ngay lúc đó ta sực nhớ tới ngày ta sửa soạn ra kinh đô có người thách ta ngồi trên ngai vàng. Nó chẳng qua là một cái ghế được giát vàng, cẩn ngọc. Ta dư sức mướn thợ giỏi đóng được cái đẹp hơn. Vua ngồi đó mãi thì nhường cho ta ngồi một khắc có sao đâu. Vì thế mà lúc đó ta nảy ra ý định mượn rượu nói giỡn chơi cốt để Ánh biết ta nhọc công đến đây không phải để cầu cạnh điều chi, chỉ cần có sự đối xử công bằng mà lẽ ra Ánh phải làm. Nào ngờ...

Hoài không nghe cụ Tổ nói nữa. Anh dán mắt vào khuôn mặt vua. Một thoáng giận dữ pha lẫn kinh ngạc làm vua  sững sờ. Sân điện Thái Hòa lặng đi. Kinh hoàng khiến người và vật tê dại. Vua là người định thần trước. Ngài đưa cặp mắt thương hại pha lẫn đau đớn nhìn cụ Tổ, đoạn miễn cưỡng đứng lên. Cụ Tổ hồn nhiên ngồi vào ngai vàng, quệt cả tay áo vào long thể vua.

- Quân đâu! – Một tiếng thét giận dữ bật lên. Đâu đó, trước cửa điện, hai người lính lao ra, bẻ quặt tay cụ Tổ, điệu ngay xuống sân rồng.

- Khi quân! – Quan thượng thư bộ hình lớn tiếng.

Quan thượng thư bộ lễ bước lên rập đầu xuống sân rồng:

- Muôn tâu bệ hạ! Thần trộm nghĩ: không phải là vua mà táo gan dám ngồi trên ngai vàng, đó là tội cướp ngôi báu. Xin bệ hạ khép vào tội cướp ngôi, xử trảm và...

Vua Gia Long nhìn thấy sự đồng tình hiện lên trên nét mặt tất cả các quan. Ngài nhăn mặt khổ sở vì sự trung thành tận tụy của quần thần. Vua cắt lời Quan thượng thư bộ Lễ:

- Truyền cho khép vào tội phạm thượng, xử... trảm bêu đầu!

Cụ Tổ định cãi, định thanh minh nhưng hai người lính đã vả vào mồm, điệu cụ đi ngay.

Hai người lính ghì chặt cụ Tổ xuống một cái thớt có rãnh thoát máu. Tên đao phủ to lớn vung lưỡi dao.

- Quân dã man! Không được giết người vô tội!

Hoài chồm lên, thét. Cụ Tổ ở bên đã nắm vai Hoài giữ lại. Đầu cụ Tổ văng ra, lăn lông lốc, máu phun ào ào từ cổ, chảy ồ ồ trong rãnh thoát. Đôi mắt cụ Tổ vẫn mở trừng trừng đầy ngạc nhiên và giận dữ.

Cụ tổ nói giọng buồn buồn:

- Ta đã xuống suối vàng như vậy đó. Đầu của ta bị đem bêu cho trăm họ xem. Thân ta được vua Gia Long cho mang về an táng tại quê và cho phép được làm thêm cái đầu bằng sáp để chôn theo, nhưng không cho dựng bia ghi công trạng, lưu danh tên tuổi có công phò vua, giúp nước trong thời loạn lạc. Như vậy cũng coi là ân huệ lớn sao? Từ lúc ta được sanh ra giữa đất trời Đồng Nai đến lúc ta chết, ta chưa thấy ai đối xử bất công như vậy với một người ruột thịt đã chết. Đã một trăm chín mươi năm ròng rã, ta đi khắp nơi kiện cáo những mong đòi lại cái đầu nhưng chỉ gặp toàn quân lý sự, lắm lời... Ta sống, đầu đội trời, chân đạp đất, thật tình, thương người, hết lòng với người tình thiệt và ghét bọn lắm sự nhiêu khê. Sinh thời, nếu ai đối đãi bất công với ta đến độ hết xài, ta vác dao đến hỏi tội, khỏi cần đấu lý. Giờ con là người đầu tiên của dòng họ được học thành thầy cãi, lý sự nhiều bề, con phải giúp lấy lại đầu cho ta. Được vậy ta mới yên lòng, khỏi phải vật vờ, lang thang đau đớn.

- Đi ngay bây giờ! – Hoài hăng hái – Cụ Tổ hãy chỉ chỗ vua Gia Long ở cho con. Con khắc đòi lại đầu cho cụ!

- Ở ngay cạnh đây thôi – Cụ Tổ vững tin nói.

Hoài thấy mình bay lên. Kinh đô xưa bỗng nhuốm màu hoang tàn bên con sông Hương lấp lóa phản chiếu ánh nắng. Những cụm nhà tới tấp mọc lên bao vây nó không chút thương xót. Chợ Đông Ba phình to, nhộn nhịp đủ loại xe máy. Nhà máy xi măng Long Thọ tỏa khói che mờ chùa Thiên Mụ. Núi Ngự Bình không còn xanh nữa. Chỉ có con sông Hương là vẫn mềm mại uốn lượn giữa trung du rồi mất hút vào đại ngàn. Đây rồi, lăng Tự Đức rợp bóng tùng vạn niên. Đây rồi, lăng Khải Định bề thế. Ào một cái đã thấy dãy tường xây, cổng tò vò và Hoài đang đứng trong lăng vua Gia Long, một lăng nhỏ, cô tịch, khiếm tốn nằm xa kinh đô Huế, nhưng vẫn gần với dòng Hương Giang.

Nét mặt Cụ Tổ đượm vẻ nghi ngại.

- Nhà ngươi là ai lại dám tự tiện vào đây? Có biết ta là vua không?

- Ông không phải là vua –Hoài cứng cỏi đáp –Tôi đã thấy vua; không đói rách võ vàng như ông.

- Phạm thượng! Khi quân!

- Ông im ngay! Vua Gia Long chết đã lâu lắm rồi. Nếu ông là vua thì chết cũng đã thành ma. Ông không làm gì được tôi đâu.

- Ta là vua. Dù rằng từ ngay ta mất đi, trên cõi dương thế, đền đài hư hỏng, thành quách xập xệ, việc thờ cúng không còn đều đặn khiến vua tôi lâm cảnh bần hàn, nhưng ta vẫn là vua – Vua quay lại hỏi đám quần thần mặt mũi võ vàng, quần áo rách rưới – Tên này là ai? Mau trói lại bỏ vạc dầu cho ta!

Quan thượng thư bộ hộ lật cuốn sổ dày, chi chít chữ tìm mãi. Cụ Tổ cất tiếng:

- Đó là cháu yêu mười lăm đời của qua!

- À! – Vua hiểu ra – Như vậy nó thuộc về đời sau. Kiếp khác.

- Nên không thể bỏ vạc dầu được. – Quan thượng thu bộ hình rụt rè tiếp lời. – Vì nó không thuộc thần dân do bệ hạ cai quản.

- Ta truyền cho ngươi biết – Vua phán – ngươi hỗn xược với ta là vì lỗi tại ta đã không tru di tam tộc dòng họ nhà ngươi ở thời của ta đó – Vì sao? Các khanh mau nói cho hắn biết.

Quan ngự sử bước lên tâu:

- Muôn tâu bệ hạ! Bởi vì Gia Định thành, Phiên An trấn thời đó đang cần người khai khẩn để mở mang bờ cõi và còn Thông Phán là...

- Thôi – Vua vuốt râu – Khanh khỏi nhắc chuyện đó. Tên kia! Ta không cho ngươi yết kiến ta vì ngươi có mắt như mù, không thấy vua Gia Long đang ở trước mắt ngươi!

- Tôi công nhận ông là vua – Hoài rắn rỏi – Tôi đến đây để đòi lại cái đầu ông Tổ của tôi.

- Việc đó là không thể được – Vua quắc mắt – Dù cho Thông Phán là người có chút công lao đối với ta, tức là có công với đất nước. Ta đã cho hắn ba đặc ân rồi, ngươi còn chưa biết sao?

- Đặc ân nào? – Hoài ngạc nhiên – Đặc ân chém đầu chăng?

- Mi là hạng dân đen ngu tối. Đặc ân thứ nhất là được vời đến yết kiến ta: nhà vua. Đặc ân thứ hai là được ta cho ngồi lên ngai vàng của ta một khắc. Muôn dân sống trên cõi đời, ai ai mà không chết; nhưng đã có ai cùng lúc được hưởng cả hai đặc ân lớn đến thế chưa. Kể cả Thái Thượng Hoàng và Hoàng Thái Hậu, những người theo mệnh trời mà sanh ra ta đã được hưởng Đặc ân thứ hai chưa?! Còn việc ta bêu đầu Thông Phán là để giữ nguyên phép nước. Mạng sống của một tên dân đen so với kỷ cương của xã tắc, ngươi chọn cái nào?! Thượng thư bộ hình! Khanh mau nói cho hắn rõ, phạm thượng, cướp ngôi báu, xử hình phạt nào?

- Muôn tâu bệ hạ! Phạm tội cướp ngôi, xử trảm, tru di tam tộc.

- Đó! Ngươi thấy chưa, ta tha tội tru di tam tộc, lại còn cho đem xác về chôn, cho xây mộ lớn; ân huệ đến nay ngươi còn hưởng đấy!

- Người chết là hết trách nhiệm về mọi mặt – Hoài cãi – Nhục hình sau khi chết là dã man, vô văn hóa. Giết chết người mà không qua xét xử công khai, không cho người bị xét xử có quyền tự bào chữa là không dân chủ, là không…

- Ngươi vừa nói đến dân chủ, nó là thứ binh khí gì? Mau nói ra, không ta sẽ chém đầu nhà ngươi như ông Tổ của ngươi đó! – Quan thượng thư bộ hình vốn ghét dông dài, lý sự, trừng mắt quát hỏi.

- Đó là một thuật ngữ về pháp lý nhằm chỉ quyền hạn của công dân, nền móng cho tự do, công bằng của xã hội… Nghĩa là mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng như nhau, không phân biệt dù ở cương vị, chức tước hay dân thường…

Các quan cười ầm lên. Vua nhíu mày.

- Các khanh còn vui cười được sao! Chính vì thế cho nên giang san Trẫm để lại đã rơi vào thời đại loạn, lòng Trẫm xiết bao đau xót!

- Ông nói không đúng. – Hoài lớn tiếng – Thời của chúng tôi không loạn. Xã hội công bằng, kỷ cương, văn minh, tiến bộ hơn thời của các ông nhiều. Gấp trăm vạn lần hơn!

Vua Gia Long nghiêm sắc mặt:

- Ngươi chớ mong lừa dối được ta! Thời của ngươi dẫu lắm tàu thiếc, tàu đồng, xe sắt, súng nổ nhưng vợ cãi chồng, theo trai không bị cạo đầu, bỏ rọ trôi sông. Con cãi lời cha mẹ không bị trừng phạt. Trò hỗn với thầy, thầy không được phép đánh trò…

- Ông nhầm to rồi. – Hoài ngạo nghễ cười vang – Đó chẳng qua là mặt trái của sự tiến bộ, văn minh…

- Nếu ngươi ở vào thời của ta, ta sẽ cho ném ngươi cùng các thứ văn minh, tiến bộ đó vào vạc dầu và còn được muôn dân ca ngợi là công đức đó!

Không lẽ mình lại rơi vào cái mê cung luật lệ vớ vẩn để quên việc lớn lao – Hoài cau mày quyết định lật tẩy:

- Ông đừng đem luật lệ của ông ra dọa tôi. Ông cũng đừng quá tự hào về những luật lệ thiếu tính công bằng, không tôn trọng quyền tự do của mỗi cá nhân và còn lắm điểm…

Vua Gia Long cau mày, cắt ngang:

- Té ra ngươi cũng tôn thờ tự do, trọng công bằng và khí khái như ông Tổ của ngươi!

- Đúng – Hoài tự hào khẳng định thêm – Và tôi sẵn sàng đổi cả tính mạng của mình để giành những thứ đó. Tôi nhắc lại: Hãy trả lại đầu cho ông Tổ của tôi và coi đó như là hành động đầu tiên nhằm biểu thị sự công bằng của ông đối với cá nhân ông Tổ của tôi. Tôi nghĩ: ở cương vị của ông, ông dư sức làm được điều đó và còn làm hơn thế!

- Ồ! – Vua Gia Long ngạc nhiên và bực bội kêu lên: – Tiếc cho người nhiều chữ mà không thông hiểu phép nước. Đó là việc của ta ở thời của ta. Ngươi không có quyền phán xét và đòi hỏi. Ta khá thương cho ngươi: một người khí khái mà lòng dạ u mê. Tự do, công bằng là mơ ước của ngàn đời. Ngươi nên biết: Không phải việc gì ta muốn, ta đều tự do làm được theo ý muốn của riêng ta. Chính ta đây cũng không có tự do. Ta đâu có được theo ý muốn của riêng ta. Ta đây cũng không có tự do! Ta bị cột chặt vào ngai vàng, cái mà ta nhọc công giành được và cố giữ nó cho tới bây giờ. Chính ta đây, ta có quyền lực tối cao mà ta có quyền đối xử công bằng với Thông Phán, người anh em từ thuở nếm mật nằm gai đâu. Ngươi tưởng ta ngồi lên đây là có tự do, sung sướng, đem tự do, công bằng đi phân phát được cho muôn dân sao? Ngươi đã lầm tưởng như chính ông Tổ của ngươi đã từng khát khao đến độ lầm tưởng. Ngươi lạ lắm sao. Vậy thì ta đây, ta xin nhường cho ngươi ngồi lên ngai vàng, làm vua một khắc để ngươi biết rõ điều đó!

Vua đứng lên, cùng quần thần lui ra. Như có ma lực hút vào, Hoài bước tới ngồi lên ngai vàng. Anh cảm thấy lạnh lẽo và tù túng hơn ngồi lên chiếc ghế bình thường. Hoài đưa mắt nhìn xuống. Vua Gia Long và quần thần, cả ông Tổ đang lùi xa, tan biến đi. Hoài cảm nhận được thứ khí lạnh buốt thấm vào anh cùng với cảm giác cô đơn. Anh vùng vẫy cố thoát khỏi cảm giác đó. Anh nghe văng vẳng tiếng ai đó rất quen gọi tên mình. Nhưng chiếc ghế và khoảng không gian lạnh lẽo, trống rỗng vẫn bao chặt lấy anh. Hoài mê đi…

*

Cảm giác bình yên tràn ngập dần trong tâm hồn anh. Tiếp theo là cảm giác rời bỏ thân thể và ngập vào một đường hầm tối tăm. Ánh sáng rực rỡ và không chói mắt ở cuối đường hầm làm Hoài tỉnh hẳn. Trước mắt Hoài là những con người khổng lồ, khuôn mặt họ hiện rõ sự thông minh tuyệt đỉnh. Họ cũng ngồi trên những ngai vàng có hình dáng giống ngai vàng anh đang ngồi, nhưng làm bằng thứ vật liệu trong suốt mà từ đó bắn ra muôn vàn tia sáng với đủ màu sắc lung linh; những gam màu chưa hề có trên trái đất này. Họ là ai? – Hoài tự hỏi – có phải là những đại biểu cuối cùng của loài người trên nấc thang tiến hóa để một mai, họ vượt qua chất người, trở thành một loài khác cao hơn nhiều so với loài người của Hoài? Họ nhìn anh qua loại lăng kính soi vào quá khứ. Họ kính cẩn chào anh và gọi anh là Cụ Tổ. Hoài không thể nói cho họ nghe nhưng lạ thay họ hiểu anh muốn nói gì. Và họ nói với anh bằng thứ tiếng vọng phản hồi lại từ phía tương lai rằng họ muốn mời anh đến thăm xứ sở của họ ở vào thời của họ; họ rất cần anh. Hoài vô cùng mừng rỡ. Vậy là trong lúc kiếm tìm và bắt gặp quá khứ, anh đồng thời bắt gặp cả tương lai. Nói đúng hơn, Hoài đã rơi vào vị trí mà nơi đó quá khứ, hiện tại và tương lai đồng thời tồn tại như ba mặt phẳng song song tiến sát đến nhau gần tới mức anh có thể di chuyển qua mặt phẳng nào là tùy thích. Hoài gật đầu biểu thị sự đồng tình và lập tức những người kia biến mất. Phút chốc, một cô gái có thân hình mảnh dẻ hiện ra. Cô mặc áo dài may bằng thứ vải bình thường có thể tìm thấy khắp nơi ở thời hiện tại. Khuôn mặt cô rất đẹp song vẫn có đôi nét không bình thường, nhất là trong cử chỉ và lời nói.

- Hình như anh đã đợi em đúng một phút – Cô gái cười, bắt chuyện trước với Hoài – Đó là thời gian đủ để phát minh, tính toán, chế tạo và gửi đến đây một rô bốt tiếp khách và hướng dẫn khách du lịch ở thời của anh. Chế tạo ra em chỉ mất một phần tỷ  của giây nhưng để gửi ngược em trở lại quá khứ vào đúng tọa độ thời gian là lúc này còn khó hơn giải bài toán đưa tàu con thoi lên mặt trời ở vào thời của anh. Nhất là giữ cho em không bị biến mất trong khi bay với tốc độ vượt vận tốc ánh sáng và đỗ lại đúng vị trí này, trong không thời gian trong cho phép sai số không quá nửa phút. Những người sau em sẽ đến chậm hơn một chút. Họ là những siêu người máy và xin anh đừng sợ! Em sẽ giải thích thêm khái niệm không thời gian. Đó là hệ quy chiếu của vũ trụ luôn có 4 chiều, 3 chiều không gian và chiều thứ tư là thời gian. Dùng hệ quy chiếu không gian để đưa anh đến vị trí khác khọi là du hành không gian, kết hợp không gian với chiều thứ tư, đưa anh đến thời quá khứ, hiện tại hay tương lai gọi là du hành thời gian. Kết hợp hai loại du hành, anh đã du hành không thời gian…

Hoài cắt lời:

- Tôi không sợ - Tuy ngạc nhiên vì không hiểu làm cách nào anh thấy rõ nón thời gian để có cảm giác rất chính xác mình đang ở thời tương lai của trái đất – Được thám hiểm tương lai, có chết tôi cũng vui lòng.

Đoàn siêu người máy hiện ra. Họ có hình dáng đẹp hơn con người, nhưng khuôn mặt họ cứng nhắc, loại khuôn mặt thiếu tâm hồn. Họ hoạt động nhanh, cực kỳ chính xác và không có động tác thừa. Siêu người máy đầu bạc chỉ vào một rô bốt có cái đầu mở sẵn, trong đó chằng chịt những vi mạch và các tia sáng muôn màu đang di chuyển, ông nói với Hoài:

- Chúng tôi sẽ lấy não bộ của anh gửi vào đầu rô bốt này. Cơ thể anh sẽ được giữ lại trong bình siêu lạnh, dưới không độ chuẩn (âm 273 độ C).

Đó là điều vô lý, Hoài nghĩ – Khoa học đã chứng mình, con người không bao giờ đạt được độ không tuyệt đối. Anh lắc đầu:

- Cơ thể tôi là một khối thống nhất, tôi muốn tới đó với đầy đủ các bộ phận của cơ thể tôi.

- Đó là một việc khó – rô bốt tiếp khách dịu dàng nói – Nhưng cũng được. Anh chờ cho một phút để trung tâm tính toán chọn phương án tối ưu nhất. Có lẽ chỉ hơi khác ý anh chút xíu thôi.

Hoài yên tâm gật đầu. Lập tức rô bốt tóc bạc móc tay vào đầu anh. Không một tý đau đớn, anh thấy cơ thể mình ngã khuỵu vào tay rô bốt hình cô gái. Có sự gia tốc đến chuếnh choáng. Thân xác anh thối rữa, tan ra rồi biến thành một nhúm bột hỗn hợp các chất vô cơ màu hơi xám. Bàng hoàng, anh nhìn xuống chân tay mình. Anh đang cử động bằng chân tay của rô bốt. Những cảm giác về các bộ phận vẫn còn nguyên vẹn. Khiếp đảm, anh hét to:

- Trả xác lại cho ta!

- Yên tâm! – Cô gái rô bốt dịu dàng nhìn anh – Sẽ trả lại cho anh đầy đủ tất cả. Chúng tôi làm được điều ấy.

Một căn phòng rộng rãi với vô vàn cặp mắt siêu điện tử hiện ra. Các siêu người máy di chuyển nhẹ nhàng. Nắm bột của cơ thể anh được đặt lên cái khay lớn mà mặt dưới của nó là phiên bản loại âm bản của chính cơ thể anh. Một mẩu xương hàm vàng khè, mủn nát của chính anh được đem ra đo đạc tỉ mỉ. Dựa vào đó, họ phục chế bộ xương của anh. Họ nhào nặn tiếp các cơ quan phủ tạng của anh theo số liệu ghi hiện trên màn ảnh. Họ đem cái hộp đựng trái tim của anh ra. Hoài ngạc nhiên thấy trái tim của mình quả là lớn và không giống chút nào với biểu tượng của tình yêu. Họ lắp trái tim vào và nó đập khiến phủ tạng hồng tươi lại. Họ đắp các cơ và da lên cơ thể. Cuối cùng, họ cấy não bộ Hoài trở lại. Hoài vùng ngay dậy, anh đã trở lại chính mình.

- Đó là để tiết kiệm thời gian, năng lượng và vật chất – Cô gái giải thích – vì rằng để chuyển và bảo tồn một gam vật chất từ thời của anh đến thời nay tốn kém bằng xây lại cả thế giới ở thời của anh đấy. Anh đến đây chính là để thỏa mãn mong muốn của những ông chủ chúng tôi, những người mà anh trông thấy ngồi trên ngai vàng muôn sắc.

- Cho tôi gặp họ ngay – Hoài mừng rỡ - Các ông ấy chắc đang mong tôi lắm lắm.

- Đó là con cháu của anh – Cô gái nhắc – Giờ đây, theo chương trình của trung tâm, anh sẽ đi thăm thế giới chúng tôi, là thời tương lai của anh. Nào, em sẽ đưa anh đi.

Hoài cùng cô gái ngồi trên chiếc ghế trong suốt, bay lơ lửng trên không. Lạ thay, Hoài muốn nhìn rõ vật gì hay toàn cảnh, chiếc ghế lập tức tự điều chỉnh khoảng cách theo ý muốn của Hoài mà không cần đến mệnh lệnh của anh.

- Thực ra, ý muốn của anh đã được định sẵn trong chương trình ở trung tâm rồi – cô gái nói thêm – các ông chủ, cũng vậy.

Hoài không để ý. Anh nhìn xuống mặt đất. Toàn bộ trái đất của anh được phủ bằng thứ vật liệu sáng bóng. Trên đó chen chúc các cao ốc, những nhà máy liên hoàn, hiện đại, sạch sẽ tựa mô hình. Còn những lâu đài, di tích cổ ở đâu? Hoài thắc mắc tự hỏi. Chiếc ghế lập tức đưa anh đến những lâu đài cổ, cả những cánh rừng, dòng sông, đập thủy điện cũ được bọc trong pha lê chống sự hủy hoại của thời gian. Hoài chú ý đến những con thú, chim muông bay nhảy thỏa thích trong đó. Vài con có chút khuyết tật như hổ không có râu, con công đội cái mào gà trống, con bò có đôi sừng trâu. Hình như chúng không có hồn mặc dù chúng đang hoạt đông. Và khi Hoài liên tưởng đến sự vô lý của con vật, chúng thay đổi lại ngay như hổ mọc râu, bò tự mất sừng…

- Đó không phải là những con thú thật – cô gái giải thích – Chúng đã tuyệt diệt cách đây hàng trăm triệu năm do môi trường sống bị hủy hoại. Đó là những mô hình dựng lại với đầy đủ các bộ phận nhỏ nhất, chi tiết nhất. Một trạm dò tin chỉ làm nhiệm vụ lọc lại những thông tin từ trong quá khứ để đối chứng nhằm hoàn thiện dần mô hình cho giống thật hơn, từ tim gan cho đến các mô và các tế bào. Cũng như em đây được tạo ra để hướng dẫn anh, phục vụ anh. Nếu anh trở về quá khứ, em sẽ được đưa vào viện bảo tàng như những con thú kia. Mà không riêng em đâu, nhiều siêu người máy vừa ra đời đã trở nên lạc hậu trong tích tắc một giây, rồi được đưa vào kho tư liệu vô giá cũng như trái đất này là một kho tư liệu về sự phát triển đó anh.

- Nghĩa là thế nào?

- Là thế này – cô gái tiếp – Như em đây chẳng hạn, từ khi chế tạo ra em cho đến bây giờ đã có hàng ngàn lần em bị thay đổi thành một em khác mà chính anh không biết, chỉ để phù hợp với anh hơn.

- Ồ! Như cô nói thì cô không phải là cô gái tôi gặp ở lăng vua Gia Long?

- Cô ta và hàng ngàn cô sau cô ta đã vào viện bảo tàng. Em giống họ nhưng hoàn chỉnh hơn họ; nhất là em được cấy một mô não mang nữ tính đã bị cơ thể anh ruồng rẫy từ lúc anh mới sanh ra và gần như bị thoái hóa hoàn toàn. – Cô gái đỏ mặt, bẽn lẽn nói – Anh thử xem bàn tay em đây: Có đẹp, có giống bàn tay của một cô gái thời của anh không? Anh biết không: Lúc mới gặp anh, em buồn cười về sự vụng về và xấu xí nơi anh. Cả đến ngôn ngữ mà anh dùng là ngôn ngữ của người Việt cổ đại. Em phải thu lấy và chuyển đổi nó thành thứ ngôn ngữ thời nay để mọi người hiểu anh. Anh đang giao tiếp và nhìn nhận thế giới này không phải bằng đôi mắt của anh. Nó đã thối rữa cách đây hàng trăm triệu năm. Anh đang nhìn và giao tiếp bằng chính đôi mắt và ngôn ngữ của em đấy. Hình như em thích anh và thấy không thể thiếu anh cũng như công việc em đang làm.

- Cái đó có nghĩa là tình yêu – Hoài lẩm bẩm – Thật là kỳ quặc, không sao hiểu nổi. Anh nhìn kỹ cô. Đúng là một cô gái đẹp, một cô gái Việt nam cuối thế kỷ XX nhưng vẫn có nhiều nét khác người cùng thời với anh ở sự thông minh nhanh nhạy quá mức trong xử lý; ở chỗ cô không có động tác thừa, ở chỗ tâm hồn cô quá nghèo nàn...

- Điều cảm nhận của anh vô cùng quí giá – Cô gái thán phục – Nó không thể biểu thị bằng công thức, bằng chương trình và lập thành chương trình. Các siêu người máy đang mơ ước nắm được tư duy sáng tạo nghệ thuật và logic của tình cảm, bí mật của tâm hồn. Có được cái đó, họ dễ dàng lập được chương trình tái tạo và sản xuất tâm hồn và nâng nó lên tầm cao khác.

- Nó chính là cái riêng, cái duy nhất tồn tại và phát triển trong cái chung, cái logic và có những quy luật riêng của nó… Nói tóm lại nó là kết tinh của sự đấu tranh sinh tồn và phát triển của loài người, vừa là thành quả vừa là nguyên nhân, vừa là sản phẩm của chính nó, vừa là sản phẩm của thế giới lại cũng chính là phôi thai của nó ở thời tương lai với bà mẹ đỡ là tồn tại của thế giới, mà rất riêng với từng cá thể… Nói ra rắc rối lắm, nói suốt đời không hết, không đến nơi, đến chốn vì vậy mà không một nền kỹ nghệ nào tạo ra được nếu không có nhân tố chính là con người… Thiếu cái đó, thế giới sẽ không có sự đa dạng, phong phú, không có cái riêng và cái chung, không có vai trò cá nhân và vai trò cộng đồng, do đó không thể tồn tại và phát triển được.

Hoài sực nhớ đến cụ Tổ, cha mẹ và bạn bè. Anh đã bị kéo vào dòng sự kiện mà trí óc anh phải mất vài chục năm mới ghi nhận, làm quen và giải nghĩa hết. Để mà làm gì? Có lẽ nên kết thúc chuyến thám hiểm và quay về với thời đại. Anh đề nghị:

- Cho tôi gặp các ông chủ… à… con cháu của tôi.

- Để em gửi yêu cầu của anh về trung tâm. Anh chán đi tham quan rồi sao?

- Đúng! Có lẽ vì thiếu tâm hồn nên thế giới này không sống động dù rằng nó hiện đại, vô cùng tinh xảo. Trái đất này không có sự sống.

- Ông Tổ nói đúng – Một người ngồi trên ngai vàng hiện ra tiếp lời – Tại ông Tổ chưa quen nên thấy khó chịu. Đây là thiên đường mà con người ao ước. Ở đây, muốn gì đều được cả.

- Nhưng ta thích thời của ta hơn. – Hoài gắt – Ta đến đây để thám hiểm tương lai và giờ ta muốn biết lịch sử loài người từ thời ta đến thời nay.

Người kia buồn rầu:

- Chúng con cũng mong thế.

- Vắn tắt! – Hoài ra lệnh – ta không có nhiều thời gian để rong chơi như các người đâu!

- Vâng! Thời của ông Tổ là thời hậu công nghiệp. Bắt đầu thời đại tin học, nó đẻ ra tốc độ phát triển cao. Nó làm cho các khối lớn liên kết lại bởi thông tin nhưng lại làm li tán các phần tử trong từng khối cũng chính bởi thông tin và nhiễu. Con người, đến lúc đó vẫn không từ bỏ ý thức hệ vị kỷ, cơ hội, hẹp hòi dân tộc, tham tàn. Đặc biệt là sự tham muốn vô độ khẳng định vai trò cá nhân…

- Ngươi chê thời của ta hơi nhiều đó! – Hoài khó chịu nhắc nhở.

- Đó là sự thực, thưa cụ Tổ, là hiểm họa đeo bám loài người trong cả tiến trình phát triển. Đến lúc đó, nền đạo đức vẫn không hơn thời cổ đại. Văn minh vật chất đã vượt xa văn minh tinh thần và đạo đức. Con người, vì quyền lợi ích kỷ đã hủy hoại thiên nhiên, điều đó đáng sợ nhưng có thể khắc phục được bằng cách tạo ra môi trường nhân tạo. Điều đáng sợ là khoa học kỹ thuật phát triển với tốc độ quá nhanh, vượt khỏi tầm kiểm soát nhân văn của loài người. Đó là hậu họa. Kỹ nghệ và tin học khiến con người thông hiểu và đủ sức đối phó với nhau. Không làm đế vương của đồng loại mình được và không đủ sức chinh phục hoặc tiêu diệt lẫn nhau, họ chuyển sang cuộc chạy đua khác vĩ đại hơn: Chinh phục thiên nhiên, dành cho mình quyền được sống lâu hơn, hưởng thụ được nhiều hơn. Để kéo dài tuổi thọ, để tăng sức mạnh tự thân nhằm cạnh tranh nhau, con người không từ bỏ một biện pháp nào kể cả tiến hành can thiệp vào chính cơ thể mình. Bắt đầu là tim, gan, ruột, phổi, tay chân nhân tạo rồi đến các mô nhỏ hơn và thậm chí cả đến gen di truyền. Đây là thời đại khai sáng. Với phương châm nắm lấy sự tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển sản xuất, tạo ra của cải, thu lợi nhuận nhằm thống trị lẫn nhau và thỏa mãn những nhu cầu của mình kể cả những nhu cầu ích kỷ nhất. họ đã đẩy nền kỹ nghệ phát triển chưa từng thấy. Kết thúc thời đại khai sáng bằng phát minh cách duy trì các nơ ron thần kinh sống lâu dài, nhờ vào hoạt động tinh vi của các cơ quan nhân tạo được liên hệ chặt chẽ dưới sự điều khiển của não bộ. Chìa khóa cho sự trường tồn cho từng cá nhân đã có trong tay loài người. Vật chất dư thừa, người ta cần sống để hưởng thụ. Siêu con người làm được gì? Họ tạo ra siêu máy tính, siêu rô bốt và từ đấy nảy sinh siêu năng suất lao động và siêu hưởng thụ. Thời đại siêu kỹ nghệ ra đời từ đấy. Chính các siêu người máy được tổ chức lại theo hướng liên kết hóa và hoạt động dưới sự tính toán và điều khiển của những trung tâm siêu điều khiển. Các trung tâm lại được liên kết lại theo hướng tập trung hoá cao độ và đa năng hóa chức năng. Nhờ đó mà thế giới người máy tự điều chỉnh, sáng tạo, tự phát triển không ngừng với một tốc độ khủng khiếp. Sai lầm bắt đầu từ đây: Siêu loài người không theo kịp và cũng không kiểm soát nổi tốc độ phát triển. Họ bị cuốn vào thời đại siêu hưởng thụ. Chính nền sản xuất siêu kỹ nghệ đã đặt con người lên ngai vàng tự do, công bằng vì nó dư sức thỏa mãn những nhu cầu, ước muốn của từng cá nhân cụ thể trong tích tắc phần triệu giây và theo thời gian, càng phải thu nhỏ chỉ số đó lại. Loài người như mê ngủ, sẵn sàng thay tất cả các bộ phận của cơ thể, chỉ chừa lại não bộ để mong trường tồn và hưởng thụ. Con người tự đánh mất ý nghĩa cuộc sống. Chính vì thế mà các nơ ron thần kinh dần dần già cỗi đi mà cách trẻ hóa nó lại là đưa chúng ngược về lại thời quá khứ. Nghịch lý vĩ đại đó được con người hiểu ra khi họ đã trở thành siêu con người. Nhưng bộ phận kiểm tra của các trung tâm siêu điều khiển không cho phép con người đi ngược lại quá khứ vì chính điều đó ngược lại với logic, nền tảng để xây dựng nên thế giới này. Giai đoạn siêu con người đã kết thúc. Các trung tâm quyền lực không thể duy trì mãi sự sống của não bộ. Các siêu người máy buộc phải chế tạo ra những ngai vàng như ông Tổ thấy đấy. Đó là cái bình trong suốt, chứa đựng một hệ thống nhà máy liên hòan, hoàn hảo nhất nhằm duy trì hình ảnh trí tuệ của con người. Những tia sáng muôn màu mà ông Tổ thấy chính là những thông tin, những kênh gửi mệnh lệnh đến các trung tâm và những kênh chuyển các thứ nhằm thỏa mãn mọi nhu cầu trong thời gian một phần tỷ của giây tính từ lúc gửi mệnh lệnh. Tất nhiên chỉ số đó đang được rút ngắn hơn nữa. Siêu con người đã trở thành hình ảnh con người từ đó.

- Thế thì sống, tồn tại để làm gì?

- Chúng con cô đơn, trống rỗng trong những nhà tù này mà không thể chết được.

- Vì sao? – Hoài hỏi dồn.

- Vì phục vụ con người, thỏa mãn nhu cầu con người là nhu cầu cũng là niềm vui sống, động lực để thế giới siêu người máy tồn tại và phát triển. Nếu loài người không tồn tại thì họ phục vụ hình ảnh của con người vậy. Chúng, thế giới siêu người máy cũng đang tự huyễn hoặc chính mình. Chúng con tìm cách đưa ông Tổ đến đây chính là để ông Tổ cứu chúng con.

- Bằng cách gì? – Hoài nôn nóng hỏi.

- Bằng cách quay lại quá khứ, quay lại thời của ông Tổ và báo động cho loài người hãy loại bỏ càng nhiều càng tốt những tham vọng ích kỷ và lo việc kiểm soát sự phát triển, tốc độ phát triển theo hướng nhân văn.

- Đúng đấy! Ta phải về thôi! – Hoài đứng dậy.

Lập tức hội đồng siêu người máy hiện ra. Họ kính cẩn cúi chào.

- Ông đã đủ tư cách là người chủ của chúng tôi, xin kính mời ông lên ngôi.

- Ta không cần làm vua. – Hoài la lớn – Ta không làm ông chủ. Không có việc lên ngôi nào cả, hãy trả ta về với thời của ta!

- Thưa điều đó không thể làm được vì nó trái với logic, nền tảng của xã hội chúng ta.

- Các ông nói láo. – Hoài thét – Không có nền tảng nào cả. Ta đến được thì phải về được, đó là logic.

- Tôi hiểu điều ông định làm – Siêu người máy tóc bạc từ tốn nói – đó là hủy hoại thế giới toàn diện, toàn bích, nơi mọi điều xảy ra đều được tính toán trước, đúng như các công thức khoa học đầy tính logic. Nơi phục vụ và thỏa mãn đầy đủ mọi nhu cầu của ông.

- Ta không lên ngôi ông chủ. Ta không biến thành đài kỷ niệm sống cho các thành tựu phát triển của các ông. Các ông đừng hòng mê hoặc ta. Các ông sinh ra là nhờ con người, nhưng chính các ông đã dựa vào những tính toán ích kỷ, những tham vọng cá nhân vị kỷ của con cháu ta để biến họ thành những đài kỷ niệm sống cho các ngươi nhằm chứng tỏ sức mạnh của các ngươi. Ta nói cho các ngươi biết: Xã hội nào không có đất cho ngẫu nhiên tồn tại, không có chỗ đứng cho những điều kỳ diệu và cả những điều phi lý nữa, xã hội nào toàn diện toàn bích như xã hội do các siêu người máy các ông tạo ra, xã hội đó đứng trước ngưỡng cửa diệt vong. Các ông chớ vội mừng vì đã làm được cuộc phế truất vĩ đại, cướp ngôi của loài người. Sự diệt vong cả loài người chúng tôi sẽ kéo theo sự diệt vong của các ông.

- Đúng – Siêu người máy tóc bạc nói bằng giọng đều đều – Nhưng xin ông hiểu cho: phát triển là một chuỗi phế truất đến vô tận. Sự lên ngôi chẳng qua là khởi đầu của phế truất. Nếu có sự lên ngôi vĩnh hằng nào thì đó chính là khởi đầu của sự diệt vong. Chúng tôi chưa hẳn lên ngôi.

- Ông ranh ma lắm. – Hoài cười mỉa mai. – Các ông chưa dám lên ngôi không phải vì các ông sợ hay vì các ông tôn trọng vai trò loài người. Vì các ông thiếu một vũ khí vô cùng quan trọng để tồn tại và phát triển mãi mãi, đó là khả năng tư duy nghệ thuật và logic tình cảm, bí mật của tâm hồn. Cái đó chính là kết quả của sự đấu tranh và phát triển của loài người. Tiếc rằng những cái đó siêu con người đã đánh mất. Và ta đây, thà chết, ta không trao cho các ông đâu!

- Ta thua ông! – Siêu người máy tóc bạc chua xót thú nhận. – Chính là vì ta không huyễn hoặc được ông kể cả cái ngai vàng mà ta dùng để huyễn hoặc con cháu ông, những người thông minh hơn ông nhiều. – Ông ta quay lại nói với những siêu người máy – Như vậy là trái với logic, phải không các ông? – Ông ta quay lại nói tiếp với Hoài bằng giọng của người đã định đoạt xong mọi việc. – Ta nói cho ông hay: Bất kể kẻ nào đến đây từ thời quá khứ đều không thể quay về được. – Lão quay ra nói với hội đồng siêu người máy: Cho đóng tất cả các cửa quay về quá khứ. Cho hủy tất cả các chương trình nhằm xác định tọa độ quá khứ trên trục thời gian và 3 trục không gian. Hủy bỏ những bộ phận hữu cơ cuối cùng của ông ta trừ tim và não bộ. Dùng nó vào việc nghiên cứu các quá trình tư duy nghệ thuật, các phép tính logic của tình cảm và những bí mật tạo nên tâm hồn. Thực hiện các thủ tục cuối cùng và cho chương trình tái tạo hình ảnh của ông ta cũng như chương trình các ham muốn và đối chương trình thỏa mãn các ham muốn của ông ta hoạt động, trừ nhu cầu muốn quay lại quá khứ hay gửi bất cứ thông điệp nào về thời của ông ta. Lệnh cho trung tâm kiểm tra lại tính logic của các lệnh và cho thực hiện các lệnh sau khi đã kiểm tra và hiệu chỉnh xong! Thời khắc lên ngôi của ông đã đến; xin kính mời ông Tổ, ông chủ mới, một trong những ông vua mà chúng tôi có trách nhiệm phục vụ hết sức, thỏa mãn hết mọi nhu cầu ở mọi nơi, mọi lúc. Kính mời ông chủ lên ngôi.

Chiếc ngai vàng muôn sắc từ từ tiến đến và bỗng tan biến đi trước sự ngạc nhiên của Hoài.

- Vì sao? – Siêu người máy tóc bạc nghiêm khắc hỏi.

- Thưa vì các lệnh đó không có sự logic. – Siêu người máy máy truyền tin trả lời – ông Tổ đây là người của thời quá khứ, cần phải trả lại ông ta một cách nguyên vẹn vào đúng tọa độ thời gian và không gian mà ông ta đã đến được đây. Bất cứ sự can thiệp nào đối với ông ta đều mặc nhiên trở thành sự can thiệp trực tiếp vào quá khứ, có nghĩa là làm sụp đổ hiện tại và xóa bỏ tương lai.

Không chút đắn đo, siêu người máy tóc bạc lạnh lùng chỉ thị:

- Truyền cho trung tâm siêu điều khiển tính toán thiết lập chương trình ngăn chặn ông ta phá hoại thế giới chúng ta ngay chính từ thời quá khứ sao cho chương trình đó không làm rối loạn thời quá khứ mà ông ta đang sống.

- Thưa điều đó đã được tính sẵn trong chương trình tổng được lập ngay từ lúc có lệnh đưa ông ta đến đây và xét thấy không cần có chương trình nhỏ đó. Vì rằng theo logic của thời quá khứ mà ông Tổ đang sống thì con người không thể thoát khỏi hệ qui chiếu mà họ đang tồn tại để vượt được không gian và thời gian về quá khứ hoặc thời tương lai, nhất là khi ông Tổ chỉ đơn độc có một mình. Mọi ý kiến ông ta nêu ra về chuyến đi sẽ bị coi là phi lý, phản khoa học, hoang tưởng nếu ông ta muốn trở thành người bất bình thường ở ngay chính thời của ông ta.

- Cho thành lập chương trình đưa ông ta về đúng tọa độ thời gian và không gian mà ông ta ra đi đến đây. – Siêu người máy tóc bạc khoát tay – và cho kiểm tra, báo cáo trước khi đưa chương trình vào hoạt động.

- Thưa chương trình đó nằm trong chương trình tổng đưa ông Tổ đến đây. Nó sẽ được hoạt động ngay lập tức theo đúng chỉ thị để kết thúc chương trình tổng. Mọi phép tính logic được kiểm tra lại bằng những phép tính siêu logic. Xin được phép thực hiện ngay.

Siêu người máy tóc bạc gật đầu và ngay lập tức Hoài thấy nghẹt thở trong sự gia tốc ghê gớm nhất. Trong giây phút bàng hoàng đó, anh lơ mơ nghĩ rằng không ở đâu và không có thời nào tồn tại thứ quyền lực vô biên tuyệt đối cả.

Lúc Hoài định thần lại được, anh thấy mình nằm trong căn phòng gọn nhẹ. Những siêu người máy mang ra chiếc thùng màu trắng. Nắp thùng được mở ra và Hoài thấy rõ cơ thể mình như đang thiu thiu ngủ, nhưng thiếu hẳn vẻ hồng hào. Lập tức một người máy mở hộp sọ và mang bộ não trắng hồng của anh được bọc trong thứ dịch trong veo, gắn vào thi thể của anh. Trái tim hồng cũng được đưa vào đúng vị trí. Hóa ra mọi thứ đều là ảo ảnh hoặc là mình bị lừa dối, mình du lịch vào tương lai bằng não bộ, trái tim gắn trong một cơ thể người máy khác – Hoài tức tối nghĩ và vùng ngay dậy. Trong tích tắc đó, mọi thứ đều biến mất, chỉ con lại duy nhất cô gái đang đứng bên anh. Cô nhìn anh, mắt rơm rớm giọt nước trong veo, thứ nước mắt của những đứa trẻ chưa vướng bụi trần. Cô nhoẻn cười:

- Em đã trốn họ để được sống bên anh mãi mãi.

Một vòng hào quang bao lấy cô. Trong vòng sáng muôn sắc đó, cô gái chới với:

- Cứu em với!...

Hoại bật khỏi ngai vàng. Nhưng không còn kịp nữa rồi, cô gái rũ xuống và tan biến đi chẳng để lại chút dấu vết nào, chỉ còn lại mình hoài giữa Lăng Gia Long, trên chiếc ngai vàng cũ kỹ. Đòn trừng phạt kẻ phản bội của thế giới siêu người máy nhanh đến mức không để cô gái kịp nói lời vĩnh biệt anh. Cô đã biến thành năng lượng ở dạng ánh sáng. Và như vậy – Hoài chua xót nghĩ – tên tuổi cô, hình hài cô không còn được nằm trong viện bảo tàng những kỳ công của thế giới siêu người máy mặc dù cô hoàn chỉnh hơn họ và gần như có được tâm hồn, cái mà họ ước ao và tìm kiếm trong vô vọng. Ngay cả quyền được khiếu nại, được xét xử, được tự bào chữa của cô cũng không có. So với ông Tổ của ta thì sự bất công đối với cô còn lớn hơn, nhanh hơn, khủng khiếp hơn, hoàn hảo hơn bởi có sự giúp đỡ của tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Ông Tổ hiện ra đến bên Hoài. Hình như ông đã được chứng kiến toàn bộ cảnh tượng rực rỡ và bi thảm ấy nên nét mặt ông tuy bất động nhưng giọng nói của ông đầy sự dịu dàng, cảm thông:

- Trả lại ngai vàng cho vua Gia Long đi con. Ta sẽ đưa con về đúng nơi con đã ra đi đến đây.

Như ông vua bị tước mất ngai vàng, Hoài loạng choạng đứng lên trong mê, trong tỉnh. Ông Tổ nắm tay anh dắt ra khỏi lăng. Ở đây bầu trời vẫn trong xanh đầy nắng như thuở nào. Nhưng dưới anh không còn là núi rừng mông muội nữa mà những thửa ruộng vuông vắn, những thành phố rực vàng trong nắng, những ống khói, những đập nước và cả những đám khói đốt nương xanh lơ lung linh nắng lướt nhanh qua dưới cánh bay của anh. Trái đất này đẹp biết nhường nào – Hoài nghĩ thầm - Phải bảo vệ lấy nó bằng cách kiểm soát một cách có ý thức nhân văn sự phát triển và tốc độ phát triển của loài người.

Loáng cái, Hoài nhận ra mặt đất quê hương anh. Con kinh Thông Phán vẫn xanh, những dãy nhà ngói đỏ tươi và ngôi mộ Tổ nằm giữa biển lúa đang ghếch mũi như muốn đến với con kinh. Hàng dàn xe, ghe máy tấp nập ngược xuôi trên những con lộ đỏ, những dòng kinh xanh.

Họ đã ở trong mộ Tổ. Ông Tổ buồn rầu nói trong khi khuôn mặt vẫn bất động:

- Thôi con về đi. Ta không đòi lại được đầu của ta nhưng ta được an ủi phần ào vì các con, hậu thế của ta.

- Nhưng ông Tổ sẽ đau đớn đến muôn đời. – Hoài xót xa.

- Cái gì đã qua đều có lý của nó cả. Ai mà không phải đau đớn xót xa một khi đã được sinh ra trên đời. Nhưng nỗi đau thân xác của ta có thấm gì so với nỗi đau của những con người mang ước vọng cao đẹp mà đến khi về cõi âm vẫn chưa thực hiện trọn vẹn được. Con về, gắng làm tròn sứ mạng của mình. Như vậy là ta cũng bớt đau phần nào ở nơi suối vàng đó con.

Ông Tổ tan biến đi trong tiếng gọi văng vẳng. Hoài nhận ra tiếng gọi quen thuộc đó đang gọi tên mình. Anh giật mình, tỉnh dậy. Hóa ra là một giấc mơ, giấc mơ dài, giấc mơ của nhiều giấc mơ cộng lại. Hoài vùng dậy chạy ra sân. Bầu trời vẫn trong xanh tràn ánh nắng mùa hè. Anh đưa mắt dõi nhìn biển lúa xanh dập dờn sóng. Mộ tổ xa xa vẫn lặng lẽ uy nghiêm và hình như đang rẽ sóng bơi vào biển lúa mênh mông.

Những ngày cuối năm 1992
LTH.
Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Sông Hương tổ chức năm 1994.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm
Cá sấu báo thù – Truyện ngắn của Hồng Chiến
 Những cây gỗ hương cao lừng lững, đứng thành hàng như được xếp vào ô bàn cờ, trải dài trước mắt gần như vô tận. Ngửa mặt nhìn lên không thấy gì ngoài lá và cành cây. Dưới mặt đất chỉ có một con đường mòn dày đặc dấu chân trâu rừng đi giữa các hàng cây.
Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm
Mẹ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Tác phẩm Giải thưởng Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Xem thêm
Tiếng chuông muộn màng – Truyện ngắn của Trần Minh Ánh
Đêm đã khuya, mọi cảnh vật đã chìm vào giấc ngủ, tiếng điện thoại tôi đổ chuông, bên kia đầu dây là một giọng đàn ông tiếng Quảng Nam nhưng rất lạ: Alo có phải anh Minh không?
Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm