TIN TỨC

Một thị trường văn học sôi động

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
487 lượt xem

Vào khoảng cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, nền văn học Việt Nam bắt đầu chuyển từ thời kì văn học trung đại sang thời kì văn học hiện đại với những biến đổi về chất. Văn chương giờ đây ngoài ý nghĩa “tải đạo” truyền thống còn là một “nghề”, một “nghiệp” để người viết “kiếm ăn xoàng” như lời cảm thán của Tản Đà. Và mặc dù thời đại đã biến thiên, văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX cho đến nay trải qua nhiều cung bậc thăng trầm, nhiều biến chuyển nhưng có một thứ hầu như không thay đổi đó là “phương thức” kiếm nhuận bút của những người đam mê nghề viết lách. Phương thức kéo dài hơn một thế kỉ nay rất đơn giản: tác giả gửi đứa con tinh thần của mình cho các báo, tạp chí hay các nhà xuất bản. Nếu được chọn đăng trên báo, tạp chí hoặc in thành sách thì người viết sẽ có nhuận bút. Các tòa soạn, nhà xuất bản sẽ căn cứ vào cơ chế tài chính, tên tuổi của người viết, sức hấp dẫn của tác phẩm mà trả thù lao cho tác giả một cách hợp tình hợp lí. Bước sang kỉ nguyên công nghệ số như hiện nay, ngoài phương thức “cổ điển”, những người cầm bút còn có một phương thức khác để vừa thỏa mãn niềm đam mê văn chương vừa có “đồng ra đồng vào”: viết cho văn học mạng.

Khi nói đến văn học mạng, chúng ta liền nghĩ tới những yếu tố nhanh nhạy, xuyên quốc gia, đa sắc thái và… miễn phí (cả ở phía người đọc và người đăng). Trên thực tế có một vài trang web văn học thuộc các cơ quan nhà nước như vannghequandoi.com.vn, vanhocquenha… cũng có trả nhuận bút cho tác giả khi đăng những bài mới. Tuy nhiên đây là những trường hợp rất hãn hữu, bị “khuất lấp” hoàn toàn trong cả “rừng” trang web văn học miễn phí. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không đề cập đến vấn đề viết, đăng bài có được trả nhuận bút trên những trang web có sự bảo trợ của cơ quan nhà nước như trên mà muốn bàn đến việc trả phí trên những trang web, diễn đàn văn học mạng do các cá nhân, tổ chức vì đam mê văn chương mà đứng ra thành lập.

Gõ dòng chữ “các website viết truyện kiếm tiền”, trang tìm kiếm google cho ra 4.720.000 Kết quả trong 0,53s. Điều này phản ánh mức độ phát triển thần tốc của một loại hình văn chương, chính xác hơn là một thị trường văn học mới, ở nước ta. Những diễn đàn văn chương có thu – trả phí như Vnkings, banlong.us, dembuon.vn, vipvandan.vn, nhavan.net… có số lượng thành viên đông đảo, lượng người truy cập lên đến hàng chục nghìn lượt mỗi ngày, gấp nhiều lần so với những trang web văn học của các cơ quan nhà nước. Sự phát triển thần tốc này theo tôi bắt nguồn từ những nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, thỏa mãn niềm đam mê văn chương của người Việt. Người Việt mê văn chương là điều hiển nhiên như một tiên đề toán học. Khi khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, niềm đam mê ấy có cơ hội được thỏa mãn một cách triệt để. Thay vì phải gửi đăng tác phẩm theo cách truyền thống (và chính thống) đến các báo, tạp chí văn học với quy trình xét duyệt vừa lâu vừa hồi hộp thì việc gửi lên các diễn đàn văn chương hay tự lập ra một trang web để phục vụ niềm đam mê văn học thuận tiện, nhanh chóng hơn rất nhiều. Song phàm những gì dễ dàng quá lại thường kém sang và không được coi trọng, đánh giá cao. Việc tác phẩm được đăng trên các trang web văn học miễn phí nhiều như nấm mọc sau mưa ở nước ta rõ ràng không đem lại cho những tác giả (đa phần là không chuyên) cảm xúc như khi được đăng trên báo giấy. Họ cần một sân chơi khác vừa có cơ chế xét duyệt bài thông thoáng hơn vừa có thể đem lại cho bản thân những khoái cảm văn chương như trên báo in truyền thống. Những diễn đàn văn học mạng có trả phí đã thỏa mãn được điều này. Các diễn đàn này đều có quy chế đăng, xét duyệt bài nhưng không quá khắt khe. Miễn là không đề cập đến các vấn đề nhạy cảm như chính trị, tôn giáo, không quá dung tục thì đều có thể được ban quản trị phê duyệt. Bên cạnh đó, những tác phẩm đăng lên nếu đáp ứng được yêu cầu, quy chế, thu hút được nhiều lượt người đọc, bình luận thì sẽ được trả nhuận bút bằng “tiền tươi thóc thật”. Những điều này có tác dụng kích thích rất mạnh đối với những người viết, tạo cho họ sự hào hứng và động lực để tiếp tục sáng tác và công bố trên mạng, dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của các diễn đàn văn học mạng.

Thứ hai, cơ hội kinh doanh tiềm năng. Không phủ nhận tình yêu, niềm đam mê văn chương của những người sáng lập ra các diễn đàn văn học mạng có trả phí cũng như những người viết, nhưng tôi vẫn cho rằng một trong những động lực chính để họ (người sáng lập và người viết) tham gia các diễn đàn là họ nhìn thấy tiềm năng sinh lời từ hoạt động này. Việc đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu của hàng chục nghìn người sẽ tạo ra nguồn thu đáng kể đến từ quảng cáo. Trên thực tế, những diễn đàn văn học kể trên đều có quảng cáo được chèn một cách khéo léo vào các bài đăng. Với số lượng bạn đọc truy cập đông đảo mỗi ngày, số tiền thu được từ các hoạt động quảng cáo là một con số biết nói. Ngoài ra còn tiền phí thành viên ban đầu của những người viết muốn đăng truyện, tiền phí bạn đọc trả để có quyền đọc tác phẩm… Nhìn chung, đây là một xu hướng kinh doanh có tương lai đầy hứa hẹn. Về phía người viết, những thành công của các hiện tượng văn học mạng Trung Quốc ví như Tiêu Đỉnh với Tru tiên là một nguồn cảm hứng lớn cho họ. Nếu thành công, nổi tiếng trên văn học mạng, chỉ qua một đêm họ sẽ vươn đến một… ngôi sao; tiền bạc, danh vọng, địa vị xã hội sẽ tự tìm đến theo cái cách… muốn tránh cũng không được.

Tóm lại, sự gặp gỡ giữa nhu cầu thỏa mãn đam mê văn học của một bộ phận không nhỏ người viết không chuyên và cơ hội kinh doanh trên nền tảng mạng đã hình thành nên những diễn đàn văn học mạng có trả phí. Các diễn đàn văn học mạng có trả phí hầu hết đều có “tuyên ngôn” riêng, có nội quy, quy chế, có hướng dẫn đăng bài, viết bài, trả tiền nhuận bút… Quan sát các diễn đàn này, chúng ta nhận thấy các đặc trưng cơ bản sau:

Các tác giả viết, dịch và bạn đọc đa phần là những người trẻ tuổi, có người còn ở độ tuổi cắp sách đến trường. Họ thành thạo về công nghệ, tham gia sâu vào thế giới mạng. Họ ẩn mình, che giấu thân phận sau những nickname, avatar, không muốn lộ danh tính ngoài đời thực. Đặc điểm này cũng là đặc điểm chung của thế giới mạng.

Tính linh hoạt, thuận tiện trong công tác thu phí, trả phí. Nếu ở báo in thông thường, bạn đọc chỉ có hai hình thức nhận nhuận bút là tiền mặt (đến tòa soạn hoặc ra bưu điện) và qua số tài khoản thì trên các diễn đàn văn mạng có trả phí việc trả nhuận bút rất đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người viết. Các diễn đàn như Vnkings, dembuon.vn… cho phép tác giả nhận nhuận bút qua thẻ ATM, qua các ví điện tử, hay qua các vật dụng có giá trị quy đổi ra tiền mặt như… thẻ cào điện thoại. Về phần thu phí các thành viên, thu phí bạn đọc cũng rất thuận lợi. Mọi người có vô số cách thức chuyển tiền cho ban quản trị các diễn đàn. Việc trả phí cho tác giả dù đều dựa trên số lượt người đọc nhưng mỗi diễn đàn lại có những điều khoản riêng. Trang nhavan.net quy định rõ với tác giả nhận 60% nhuận bút, 40% thì trang giữ lại để “thực hiện các thủ tục liên quan đến xuất bản”. Trang Vnkings chỉ tiến hành trả nhuận bút khi tài khoản của thành viên trong trang đạt mức 5000 xu (một dạng tiền ảo có giá trị sử dụng trong diễn đàn), tương đương với 50.000 tiền thật; trang dembuon.vn chỉ cho rút khi tài khoản là 200.000 xu, tương đương với 200.000 tiền thật.

Tính công bằng. Các diễn đàn văn học mạng đa phần đều có hai hình thức đọc miễn phí và trả phí. Với các bạn đọc trả phí, họ có nhiều quyền lợi mà những bạn đọc miễn phí không có như được đọc truyện sớm nhất, được tham gia vào một số hoạt động của diễn đàn… Điều này tạo ra sự bình đẳng cho người đọc. Rõ ràng, bạn đọc nào trả phí thì phải được phục vụ tốt hơn bạn đọc miễn phí. Đây là điểm mà các diễn đàn văn học mạng có trả phí đã đi trước, đi xa hơn nhiều cơ quan báo chí.

Tính cạnh tranh và tính giải trí. Độ mở của các diễn đàn văn học mạng có trả nhuận bút khiến cho nhiều người lầm tưởng việc kiếm tiền ở đây là dễ dàng. Nhưng trên thực tế, đây là một chiến trường khốc liệt, tính cạnh tranh rất cao… Để không bị chìm nghỉm do không ai đoái hoài (đồng nghĩa với việc không có nhuận bút) khi mà số lượng tác giả, tác phẩm mới xuất hiện mỗi ngày trên các diễn đàn văn học mạng có trả phí lên đến con số hàng chục, người viết phải cố gắng viết sao cho thật hấp dẫn, đáp ứng đúng nhu cầu, thị hiếu bạn đọc nhằm thu hút lượt đọc, bình luận, tương tác càng nhiều càng tốt. Sự cạnh tranh quyết liệt giành độc giả, kiếm tiền khó khăn đến mức thành viên ban quản trị dembuon.vn đã phải viết “tâm thư” khuyên những người muốn kiếm tiền bằng ngòi bút trên diễn đàn cần kiên nhẫn từ một vài tháng đến… hàng năm để tác phẩm của mình được bạn đọc để ý thì mới có hi vọng thu hoạch thành quả lao động. Và cũng để thu hút bạn đọc càng nhiều càng tốt nên các tác giả (hầu hết là những người trẻ tuổi) đều tập trung viết và dịch hai thể loại tiểu thuyết ăn khách nhất hiện nay là kiếm hiệp và ngôn tình. Hai dòng tiểu thuyết này chiếm đến 90% số lượng tác phẩm được post lên trên các diễn đàn. Các thể loại như thơ, truyện ngắn, bút kí, tản văn… chỉ xuất hiện lác đác, thưa thớt như “sao buổi sớm” và cũng có rất ít lượt đọc. Sự chênh lệch này phản ánh tính giải trí hoàn toàn lấn át tính hàn lâm, nghệ thuật trong các tác phẩm post lên trên các diễn đàn văn học mạng. Sự vượt trội này phản ánh quan niệm, nhu cầu và thị hiếu đọc văn chương của một bộ phận thế hệ trẻ hiện nay. Với họ, văn chương đơn thuần chỉ là một hình thức giải trí chứ không hề mang vác những trách nhiệm xã hội lớn lao khác như bộ môn lí luận văn học đề cập.

Tính thị trường. Tính thị trường thể hiện ở việc các diễn đàn đều phát hành một loại tiền ảo, gọi là xu. Xu được dùng để giao dịch trong diễn đàn, quy đổi ra tiền thật khi trả nhuận bút và thu phí bạn đọc. Mặt khác, bên cạnh công việc chính là đăng tải các sáng tác và các truyện dịch, các diễn đàn văn học mạng có trả phí còn là cầu nối giữa các thành viên, bạn đọc thông qua các box trao đổi, giúp họ kiếm “công ăn việc làm” từ các hoạt động liên quan đến văn chương như thiết kế bìa sách, dịch thuật, hay đơn thuần chỉ là giao lưu, trò chuyện… Các hoạt động này được quảng cáo, chào mời công khai, kèm theo mức giá rõ ràng giúp hai bên cung – cầu dễ dàng gặp nhau. Rõ ràng, các diễn đàn văn học mạng có trả phí không chỉ bó hẹp trong hoạt động của một tờ báo văn học đơn thuần mà đã mở rộng ra thành thị trường văn học, nơi mọi người có thể tìm kiếm và được đáp ứng những yêu cầu liên quan đến đời sống văn chương. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa các diễn đàn văn học mạng có trả phí với các trang web văn chương thông thường nói riêng, giữa văn học mạng với văn học giấy nói chung.

Những đặc trưng cơ bản trên của các diễn đàn văn học mạng có trả phí còn khá xa lạ không chỉ với nhiều cơ quan báo, tạp chí, nhà xuất bản văn học truyền thống mà còn đối với cả hệ thống văn học mạng vốn phần nhiều miễn phí xưa nay. Nhưng đó là những đặc trưng cần thiết, cần phải có của một nền “văn học mới” trong tương lai khi các hoạt động văn học trên báo, tạp chí giấy ngày càng bị thu hẹp về quy mô cũng như tầm ảnh hưởng. Những diễn đàn văn học mạng có trả phí hiện nay mặc dầu còn hoạt động có tính tự phát, đôi lúc còn chưa thật chuyên nghiệp, bài bản, các tác phẩm đăng tải thiên hẳn về giải trí… nhưng đây là tiền đề cơ bản để chúng ta hướng đến một nền văn học mạng có trả phí nghiêm túc, bài bản, giàu chất lượng nghệ thuật và sang trọng hơn trong tương lai.

Trần Thị Minh Tâm/VNQĐ

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Một bút pháp mới lạ qua truyện ngắn Khai khẩu
Nguồn: Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
GS Mai Quốc Liên – Người đất Quảng cương trực
Tôi gặp GS-TS Mai Quốc Liên tại nhiều sự kiện của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Trong các cuộc họp, mỗi khi đăng đàn, ông sang sảng chất giọng Quảng đậm đà, khảng khái, thẳng thắn, thậm chí có lúc tranh luận khá gay gắt, chẳng cần rào trước đón sau, mà cũng chẳng ngại va chạm, có thể hơi làm “nghịch nhĩ” ai đó, nhưng tư duy logic, liên tưởng, liên kết các vấn đề mạch lạc. 
Xem thêm
Để thơ không “thất lạc nhau” nữa
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 9/2024
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 350.000 tỉ đồng chấn hưng văn hóa vẫn là con số rất ít
Chiều 29.02 phát biểu tại buổi gặp mặt giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước với trí thức, nhà khoa học, văn nghệ xuân Giáp Thìn 2024, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã dành thời gian nói về vấn đề xây dựng văn hóa.
Xem thêm
Quyển sách là chữ nghĩa...
Quyển sách là chữ nghĩa. Mà chữ nghĩa của một quyển sách phải kết hợp vừa từ trí tuệ vừa từ trái tim.
Xem thêm
Nhà thơ Từ Quốc Hoài để lại “Khu vườn kí ức”
Từ Quốc Hoài, đến với thơ ca khá sớm. Ông là nhà thơ cùng thời với những tên tuổi quen thuộc: Trần Vũ Mai, Thanh Quế, Thanh Thảo, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh… cũng từng vào chiến trường khói lửa. Nhưng với con đường thơ ca, ông bước chậm, thận trọng, dè dặt. Cho tới tuổi hơn 80 ông chỉ cho ra mắt độc giả sáu tập thơ. Tập thơ thứ 5, “Sóng và khoảng lặng” (2010) đoạt giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam. Kỹ tính, khó tính (trong thơ và có lẽ cả trong cuộc sống), trăn trở, tìm tòi nên thơ Từ Quốc Hoài không lẫn, tự do, phóng khoáng, lần dò khám phá chiều sâu nội tâm.
Xem thêm
Im lặng- ngôn ngữ đặc biệt của văn chương
Nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương 2023 – Jon Fosse vừa có một buổi gặp gỡ và đọc diễn từ của mình tại Oslo
Xem thêm
Quyền lực thơ ca và quyền uy thi sĩ
Bài đăng báo Văn nghệ của nhà văn Bích Ngân; Thơ và ảnh của nhà thơ Nguyên Hùng...
Xem thêm
Nhớ Nguyễn Đình Thi: “Một chút trắng hồng dào dạt vàng”
Bài viết của nhà báo Nguyễn Thế Khoa nhân 99 năm ngày sinh nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi ,20/12/1924-20/12/2023
Xem thêm
Nguyễn Du bàn về sáng tác văn chương
Bài viết rất bổ ích của nhà thơ Vương Trọng
Xem thêm
Thử nêu cách chữa “chứng lười đọc sách” – Tác giả: Nhà văn Nguyễn Khắc Phê
“Dạy con từ thuở còn thơ”; “Uốn cây phải uốn khi non”… là những điều ai cũng biết, nhưng đã có những thời đoạn do bận rộn mưu sinh và vô số sự xô đẩy, lôi kéo khác nữa, nên rất nhiều người và gia đình đã quên hoặc sao nhãng bài học giản dị và chí lý đã có tự cổ xưa. Có phải những biểu hiện tha hóa trong xã hội hiện nay chủ yếu bắt nguồn từ đó? Thiết nghĩ, cuộc vận động sáng tác văn học hướng đến lớp trẻ và thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam phát động đầu năm 2022 là một hoạt động thiết thực của văn giới nhằm góp phần chấn hưng đạo đức xã hội nói chung và góp phần bồi đắp tâm hồn cho lớp trẻ nói riêng.
Xem thêm
Làm mới cải lương – con dao hai lưỡi
Gần đây, cải lương được đưa lên mạng với một số hình thức mới: kết hợp rap, trang phục ma mị… Nhiều người cho rằng cải lương cần phải được “làm mới” để phù hợp với thời đại, với lớp trẻ. Nhưng làm mới cách nào để không bị mất chất, để người xem vẫn còn “nhìn ra” cải lương là câu hỏi không dễ giải đáp.
Xem thêm
“Vua phóng sự” Vũ Trọng Phụng làm gì khi cuốn sách về gái điếm bị đá vào xó tường?
Nguyễn Vỹ lặng lẽ đưa mũi giày đá luôn quyển “Lục Xì” vào trong xó tường. Quyển sách vừa xuất bản, hãy còn mới tinh, nằm xơ xác bên chân tủ.
Xem thêm
Văn học dân gian Đồng Nai trong bối cảnh văn học dân gian Nam Bộ từ 1945 đến nay
Công tác sưu tầm và in ấn các tuyển tập văn học dân gian Việt Nam nói chung đã được các nhà Nho thực hiện từ cuối thế kỷ XVIII với các sưu tập bằng chữ Nôm, chữ Hán. Sang đến cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, cùng với sự phổ biến của chữ quốc ngữ thì các sưu tập văn học dân gian được phát hành phổ biến nhiều hơn nữa. Tuy nhiên trong giai đoạn này phần lớn vẫn là các sưu tập miền Bắc hay ở một số tỉnh thành miền Trung, ở Nam Bộ việc sưu tầm và phổ biến văn học dân gian dưới dạng các tuyển tập in ấn vẫn còn chưa được coi trọng đúng mức, do vậy không gian nghiên cứu văn học dân gian vùng miền cũng đồng thời bị bỏ ngỏ.
Xem thêm
Nhà thơ thì chơi với ai?
Nguồn: Website Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Bộ phim Đất rừng phương Nam: Một số điều “lấn cấn” về nội dung và nghệ thuật cùng với phản hồi của cục điện ảnh
“Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là một bộ phim đang gây ra nhiều dư luận sôi nổi. Bộ phim nhận được nhiều lời khen ngợi, nhưng cũng có không ít tiếng chê. Dĩ nhiên với tư cách là một sản phẩm nghệ thuật, những thành công của phim rất đáng ghi nhận, song khi xem xong bộ phim, đọng lại cũng là không ít điều “lấn cấn” trong lòng một khán giả như tôi.
Xem thêm