TIN TỨC

Người tốt trại Vân Hồ

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
501 lượt xem

NGÔ XUÂN HỘI

Ngày 7/11/1979, mình rời vùng Than Quảng Ninh lên Hà Nội học khóa I trường Đại học viết văn Nguyễn Du, buổi sáng hôm đến trường ở 103 Đê La Thành nạp giấy tờ, gặp Anh Chi ở Hội Văn Nghệ Thanh Hóa cũng ra làm thủ tục nhập học. Hai thằng được anh Giao cán bộ Văn phòng cho biết, lễ khai giảng ban đầu dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 11, sẽ dời sang đầu tháng 12. Tính ngày còn dài, mình bèn tranh thủ về Nghệ thăm ông bà già. Anh Chi (mới quen) dặn, hôm nào ra ghé Thanh Hóa chơi. Ngày trở lại đất Bắc mình ghé thị xã Thanh Hóa chơi với vợ chồng Anh Chi mấy ngày, sau đó cùng Anh Chi, Vương Anh, Đặng Ái đi tàu ra Hà Nội. Đặng Ái không học khóa I, tiện có bạn đi thì đi cho vui.

Tàu chạy ở ga Thanh Hóa lúc bốn giờ chiều, đến ga Hàng Cỏ hai giờ sáng hôm sau. Trời đêm mịt mù, cả bọn bàn nhau ghé trại viết của cánh nhà văn Quân đội ở Vân Hồ ngủ nhờ. Anh Chi, Vương Anh, Đặng Ái khi ấy đều đã lừng lẫy văn đàn. Vương Anh Á khoa cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1969 – 1971 (cuộc thi mà Phạm Tiến Duật đoạt giải nhất); Đặng Ái giải khuyến khích cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 1971 – 1972, truyện và thơ in khắp nơi, được nhiều bạn đọc trẻ nhất là đám sinh viên học sinh coi là thần tượng. Anh Chi chưa đoạt giải gì, nhưng tài thơ nhiều người biết, bài thơ Thuyền than lại đậu bến than của anh được nhà thơ Chế Lan Viên khen. Còn mình tiểu tốt vô danh mới chân ướt chân ráo từ vùng Than lên, không quen ai ở Hà Nội thân đến mức có thể giữa đêm gõ cửa nhà vào ngủ nhờ, nên đành đi theo, vừa đi vừa lo. Và quả đúng vậy, tới Vân Hồ gặp các thầy quyền ba văn sĩ xứ Thanh nhanh chóng tìm ra chỗ ngủ, còn trơ khấc lại mình. Vô kế khả thi, mình đứng bên một cây đại nhỏ trước hiên thềm ngẫm chuyện trời tròn đất vuông. Bất ngờ cánh cửa phòng đầu hồi của trại mở ra rồi một hắn người thấp, da đen, đầu tóc bù xù mặc quần đùi áo lót cộc tay đi về phía mình, hỏi:

 “Mày có chỗ ngủ chưa?”

 “Chưa”. Mình đáp.

 “Vậy vào ngủ với tao”.

Mình đi theo liền, vừa đi vừa nghĩ người đâu mà tốt thế không biết! Đến phòng, nhìn bảng tên chủ nhân treo trước cửa ra vào, mình hỏi: “Anh là Trung Trung Đỉnh à?”. Lập tức hắn quay lại quắc mắt nhìn mình, nạt:

“Anh gì, mày với tao bạn đồng môn, cứ mày tao cho khỏe, hơn nhau vài ba tuổi nhằm nhò gì đâu. Tao Trung Trung Đỉnh, sinh năm 1949, quê quán Hải Phòng, bộ đội ở Tây nguyên ra. Còn mày?”

          Mình ngu ở đâu không biết chứ trong chuyện này thì học rất nhanh, trả lời hắn liền một hơi:

“Tao Ngô Xuân Hội, công nhân mỏ Quảng Ninh, kém mày ba tuổi…”.

Đấy, cái buổi đầu tiên mình làm quen Trung Trung Đỉnh diễn ra như thế, đến chết cũng không quên. Sau đó cả hai chui vội vào chăn. Chăn bông ba cân, có tấm zồ trải bên dưới, ấm sực. Vân Hồ cách đường ray xe lửa Bắc Nam một công viên Thống Nhất, ở trong nhà đêm khuya nghe rõ tiếng còi tàu hỏa âm âm u u vọng về. Trung Trung Đỉnh lẩm bẩm:

“Đất nước mỗi đêm có hàng triệu người lang thang trên đường. Khổ!”.

Lúc bấy giờ cuộc chiến 17/2 cách chưa xa, Tổ quốc căng mình ở hai đầu biên giới. Cái đói khiến nhiều người ngược Bắc xuôi Nam, buôn đầu chợ bán cuối chợ để duy trì cơm áo. Mình đang độc thân, có cồn cào trong dạ cũng cố mà chịu đựng chứ chưa lúc nào thử lặn lội như các bậc làm cha làm mẹ. Nhưng vừa mới tóe ra từ một chuyến tàu đêm, nơi đầy ắp những gương mặt người sạm đen mưa nắng, nghe câu ấy xong bỗng thấy cái thằng nằm bên mình không phải Trung Trung Đỉnh mà là một cái gì đó hun hút mênh mông, hun hút mênh mông…

Rồi cũng đến ngày khóa I khai giảng, từ đó mình và Trung Trung Đỉnh gặp nhau thường xuyên. Thỉnh thoảng hắn vào phòng mình chơi, cũng như vào phòng Cao Duy Thảo, Trúc Phương, Lâm Thị Mỹ Dạ… Mình cũng thỉnh thoảng đạp xe sang Vân Hồ, thấy phòng nào mở cửa thì ghé vào, lúc với Phạm Hoa, Thái Bá Lợi, lúc với Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Hoa… không chừng. Chơi đâu thì chơi, cuối buổi lại mò tới phòng hắn thả câu tiếng Anh học cọp được: “I am hungry” (chẳng là nhà trường tổ chức cho học viên học ngoại ngữ, Anh, Nga tùy chọn. Trung Trung Đỉnh học tiếng Anh, mình học tiếng Nga) và thế là hắn lại lóc cóc đi nấu mì sợi cho mình ăn, ngon chảy giãi.

Ban đầu nghĩ hắn cũng như mình, văn chương chưa ai biết, mới ở xứ cà răng căng tai ra chưa quen biết ai. Nhưng cứ nghe cung cách hắn nói chuyện với những người khác thì thấy hình như không phải vậy, hình như hắn với họ quen biết nhau từ lâu lắm, vì trong câu chuyện thỉnh thoảng lại thấy cả hai nhắc tới một vài người nào đó, nhắc tới những sự kiện mà ba bên đối tác cùng tham gia, thấy lạ, không hiểu thằng này đã kịp sống ngần ấy từ khi nào. Cho đến hôm hắn làm đám cưới thì mình bái phục (hắn cưới vợ khi đang học trong trường). Đám cưới thời đói kém của hai anh chị học trò, chỉ có bánh kẹo (toàn những thứ tầm tầm) và nước trà mà khách dự chật cả hôn trường. Các nhà văn đã đành, vì hắn là học viên trường Viết văn Nguyễn Du mà, nhưng nhiều tên tuổi đầu ngành khác của đất nước cũng thấy xuất hiện. Ca sĩ Thanh Hoa cũng đến, hát góp vui miễn phí bài “Tàu anh qua núi”. Bác Thanh Tịnh thì khỏi nói rồi, mừng quá bác đứng dậy độc tấu một thôi dài gần suốt đám cưới. Không khí nói chung là vui. Chú rể không mặc quân phục, chỉ lễ phục quần đen áo trắng. Chiếc quần đen ấy của mình, may xong chưa mặc lần nào, cho hắn mượn. Còn áo, rất có thể hắn cũng mượn của một ai đó. Sau đám cưới, vợ chồng hắn ở trại Vân Hồ, mình lâu lâu mới ghé qua nên cũng không hiểu gì về đời sống của đôi anh chị, nhưng chắc là khó khăn.

Hết năm 1982 khóa I bế giảng. Với cánh Quân đội, chuyện tìm nơi làm việc sau khi tốt nghiệp không được đặt ra, tất cả đã có Tổng cục Chính trị lo. Và thế là Trung Trung Đỉnh về Ban ký sự lịch sử Quân đội, sau đó chuyển sang tạp chí Văn nghệ. Nhưng với cánh dân sự, người không muốn trở về nơi đã ra đi, người không thể trở về nơi đã ra đi nên nháo nhác chạy tìm việc. Mình vừa thuộc số này lại vừa thuộc số kia, nhưng chẳng chạy, cứ chơi dài ở Hà Nội để cho sự việc tự diễn biến. Việc mình về Hội Văn nghệ thành phố Nha Trang, tỉnh Phú Khánh chính là kết quả của sự tự diễn biến ấy.

Mình ở Nha Trang bốn năm rưỡi (1983 – 1987). Một lần không nhớ năm nào, anh Hữu Thỉnh vào. Gặp mình, anh cho biết vợ chồng Trung Trung Đỉnh bỏ nhau: “Khổ, khi lấy thì quyết lấy cho được, khi bỏ thì quyết bỏ cho được!...”. Hữu Thỉnh than thở. Và anh kể: “Ra tòa, sau khi hòa giải không được, tòa thuận tình cho hai đứa ly hôn. Điều kiện đặt ra với thằng Đỉnh là mỗi tháng phải nộp cho con Hương 200 đồng để con Hương nuôi con. Nghe đến đó thằng Đỉnh sùng lên bảo Tòa xúc phạm tôi! Tòa xúc phạm bị đơn cái gì? Ông Chánh án ngạc nhiên hỏi lại. Luật pháp đã quy định thế rồi, anh định chối bỏ nghĩa vụ làm bố à? Không phải vậy! Thằng Đỉnh phùng mang trợn mắt. Tôi sẽ gửi không chỉ mấy chục, mấy trăm mà toàn bộ số tiền lương hàng tháng của tôi cho cô ấy.”

“Thế thằng Đỉnh ăn c… mà sống à?”. Mình buột miệng hỏi.

Nhưng hắn không ăn chất thải, mà ăn giải thưởng Văn học. Thấp nhất là giải thưởng của Tạp chí nhà (tức VNQĐ), cao nhất là Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Giữa hai cái mốc cao thấp đó là hàng loạt những cái “con con” khác, như Giải thưởng báo Văn nghệ, giải thưởng Hội Nhà văn, Giải thưởng văn học sông Mêkông, Giải thưởng Asean… cái nào cũng cao sang, cũng là niềm mơ ước của nhiều người cầm bút.

Để đoạt ngần ấy mề đay, dĩ nhiên thằng Đỉnh phải đóng cửa phòng văn hì hục viết. Nếu không vậy sao có được những Thung lũng Đá Hoa, Bậc cao thủ, Người trong cuộc, Đêm Nguyệt thực, Những người không chịu thiệt thòi, Ngược chiều cái chết, Tiễn biệt những ngày buồn, Chuyện tình ngõ lỗ thủng, Sống khó hơn là chết… cái này là tập truyện ngắn, cái kia là tiểu thuyết, cứ thế ra sòn sòn. Mỗi lần đi dạo các nhà sách mình lại thấy sách của hắn cuốn dày bên cuốn mỏng, cuốn in lần đầu bên cuốn mới tái bản nằm một dãy. Thằng này viết như thế nào nhỉ? Đứng trước những cục gạch mang tên Trung Trung Đỉnh ấy nhiều lần mình bâng khuâng tự hỏi. Của đáng tội, chơi với nhau hơn ba mươi năm nay mà mình hầu như chẳng đọc của hắn cái gì. Tức mình, một lần mình mua cuốn Lạc rừng (vì cuốn này mỏng) về đọc và mê luôn. Chuyện chẳng có gì, chỉ là việc một anh lính lúc lâm trận lạc mất đơn vị, bị một tiểu đội dân quân du kích địa phương bắt… thế mà nó kéo dài cả trăm trang ngon ơ, chẳng khác gì Ernest Hemingway viết Ông già và biển cả. Ernest Hemingway viết chuyện dưới biển, hắn viết chuyện trên rừng, nhưng mình cam đoan khi viết cuốn này, hắn đã nghiên cứu rất kỹ bài văn mẫu của bậc đại sư. Và mặc dầu hắn tuyên bố nguyên tắc viết văn của mình là hư cấu, hư cấu và hư cấu thì mình vẫn nghĩ nhân vật xưng tôi trong Lạc rừng chẳng phải ai khác, mà chính là hắn - Trung Trung Đỉnh. Nghĩa là hắn chỉ kể chuyện của hắn ra thôi. Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam 1998 - 2000 trao cho Lạc rừng là hoàn toàn xứng đáng. Đọc Lạc rừng, thấy thằng Đỉnh viết kỹ, văn chương không hề có sạn sỏi, chứng tỏ tác giả đã lao động rất nghiêm túc. Lại nhớ lần mình và hắn trò chuyện với nhau, hắn bảo: “Truyện Võ sĩ đai đen mày viết được đấy, nhưng mày lười lắm, đọc biết ngay…” Truyện ngắn này mình in Văn nghệ Quân đội đã lâu, chẳng hiểu hắn đọc khi nào. Nghe xong mình chỉ muốn sụp xuống lạy hắn ba lạy, mà rằng: “Chuyện anh lười trong việc viết lách tưởng mình anh biết, vậy mà chú chỉ thoáng qua một chút đã biết tỏng. Chú mày giỏi, quá giỏi!”. Hắn còn bảo: “Đừng tin chúng nó, rằng tao viết truyện ngắn này hai tiếng đồng hồ, tiểu thuyết kia một tuần, vv… Bố láo cả, không đổ mồ hôi sôi nước mắt trên trang giấy thì đừng có hòng…”

Viết nhiều thì phải đi nhiều. Chuyện hắn “Ta ba-lô” sang Âu, Mỹ, sang Campuchia Nguyễn Quang Lập kể rồi, mình không kể nữa, chỉ kể vài mẫu hắn “du cư” trên đất Tây nguyên cho vui. Vốn là lính địa phương của huyện đội An Khê (tỉnh Gia Lai) trong chiến tranh chống Mỹ, hắn coi Tây nguyên là quê hương thứ hai, hầu như năm nào cũng vào ăn dầm nằm dề trong đó. Mình lên Kon Tum gặp anh Huỳnh Trung Hiếu, anh Hiếu bảo anh vừa nhậu với Trung Trung Đỉnh xong. Sang Gia Lai gặp Văn Công Hùng, Văn Công Hùng bảo tôi vừa đi với Trung Trung Đỉnh lên bệnh viện thăm mấy ông bạn người dân tộc đang điều trị ở đó  xong. Quá giang Đăklăk, vào nhà Văn Thanh. Chị Thuận, vợ anh Văn Thanh gặp mình cười hỉ hả:

 “Chị vừa bắt quả tang Trung Trung Đỉnh ăn cắp sách xong!”.

  Mình tò mò:

“Kể em nghe coi.”

Chị Thuận kể. Nhà anh chị ở Buôn Ma Thuột giống như một trạm khách, anh em văn nghệ lên đó thường ghé qua, người ở chơi một lúc, người tá túc một tuần… Giá sách của khổ chủ đặt ngay tại phòng khách. Thời ấy không như bây giờ, sách hiếm, có tiền cũng không dễ gì mua được, không ít người trước khi ra về tranh thủ cầm nhầm một vài cuốn. Trung Trung Đỉnh cũng vậy. Xui cho Đỉnh là hôm trước chị Thuận vừa bị chồng chửi về cái tội ở nhà mà không giữ được của, có cuốn sách nào hay để chúng nó vào khoắng sạch. Vì thế khi nghe khách gọi cổng, chị đã kêu thầm trong bụng “Ơrêka! Ơrêka!...” và quyết định đưa ngay khách vào tầm ngắm. Trung Trung Đỉnh không biết điều này. Ngồi một mình trong phòng, thấy trên giá cuốn Trường ca Êđê, đúng thứ mình cần. Cậu chàng liền lấy cho ngay vào người, sau đó chào ra về. Từ dưới bếp chị Thuận lên tiễn khách.  Khi chàng Đỉnh dợm bước qua bậc cửa, chính xác như một sát thủ chuyên nghiệp chị lạnh lùng khai hỏa:

“Anh bỏ quyển sách trong người ra!”

“Ơơơ…”

Thằng Đỉnh ú ớ. Trong bạn bè hắn được tiếng là người có trí tưởng tượng phong phú, nhưng đến muôn đời cậu chàng vẫn không hình dung ra nổi cảnh huống trớ trêu này. Nghẹn ngào không nói nên lời, Đỉnh đỏ mặt lôi trong bụng ra cuốn Trường ca Êđê để lại lên giá, mắt dáo dác tìm xem có cái lỗ nẻ nào dưới chân để chui xuống cho đỡ xấu hổ. Nhưng địa bất dung gian, Tây nguyên mùa mưa mọi lỗ nẻ đều được nước mưa tải đất đỏ bịt kín, thế là hắn đành cắm đầu đi thẳng ra hiệu sách Buôn Ma Thuột mua ngay mấy cuốn sách quý khác rồi quay lại tặng khổ chủ để chuộc tội, mà vẫn chưa hết dơ.

Người tốt trại Vân Hồ, người lấy trộm sách bị tóm, cây bút nhiều triển vọng trong lớp nhà văn thiếu úy xưa, bây giờ là một Đức ông khả kính, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, thích cuốn nào thì lập kế hoạch in ra, chẳng cần phải đi ăn trộm chi cho mang tiếng. Nhờ thế mà mình (và không chỉ riêng mình) thỉnh thoảng cũng được đọc vài cuốn sách đáng đồng tiền bát gạo dưới mác Hội Nhà văn.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh, tên khai sinh: Phạm Trung Đỉnh. Sinh ngày 21-9-1949. Quê quán: Vĩnh Long, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984

QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Xuất thân trong gia đình nông dân. Học hết phổ thông đi bộ đội, nhiều năm hoạt động ở chiến trường Tây nguyên thời chống Mỹ cứu nước. Học khóa I khoa Viết văn trường Đại học Văn hóa Hà Nội 1979 - 1982 (Trường Viết văn Nguyễn Du). Từng là biên tập viên văn xuôi tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó Tổng Biên tập báo Văn nghệ, Giám đốc Nxb Hội Nhà văn. Viết văn, làm thơ, viết kịch bản phim

TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN:  Thung lũng Đá Hoa (tập truyện ngắn, in chung, 1979); Người trong cuộc (tập truyện ngắn, 1980); Đêm nguyệt thực (tập truyện ngắn, 1982); Những người không chịu thiệt thòi (tập truyện ngắn, 1982); Ngược chiều cái chết (tiểu thuyết, 1989); Lạc rừng (tiểu thuyết, …); Tiễn biệt những ngày buồn (tiểu thuyết, 1990); Chuyện tình ngõ lỗ thủng (tiểu thuyết, 1990); Bậc cao thủ (tập truyện ngắn, 1994); Lạc rừng (tiểu thuyết); Sống khó hơn là chết (tiểu thuyết, 2008)…

GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

15 - 4 - 2014
(Tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam số 22 (2832) ra ngày 31-5-2014)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm