TIN TỨC

Nguyễn Quốc Trung đã về miền mây trắng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-09-10 16:03:59
mail facebook google pos stwis
689 lượt xem

Kỷ niệm tròn 2 năm Đại tá nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời vì đại dịch covid, Văn chương TP. Hồ Chí Minh trân trọng giới thiệu bài viết về ông của nhà thơ, nhà LLPB Lê Thành Nghị. Mời quý vị và các bạn cùng đọc.
 

LÊ THÀNH NGHỊ

Nguyễn Quốc Trung là người rất tâm huyết với nghề. Anh chăm đọc, chăm học hỏi, là cây bút văn xuôi chịu đi, chịu gặp gỡ, trò chuyện, ghi chép, thức đêm. Thời gian và những thành bại đã cho anh một nhận thức đúng: “Không có nghề nào vất vả và thú vị như nghề viết văn”…


Nhà văn Nguyễn Quốc Trung (1956 – 2021)

Chúng ta thường nghe nói về sức mạnh của con người. Có thể chinh phục vũ trụ, có thể chuyển dời cả một trái núi khổng lồ, chặn đứng cả một dòng sông hung dữ bắt chúng phải cúi đầu phục vụ mình. Nhân loại cũng đã từng chứng kiến sức sống bất diệt của con người khi rơi vào những tình huống ngặt nghèo (!). Nhưng từ khi trái đất lan tràn dịch covid -19, một siêu vi câm lặng vô hình đã đe dọa nghiêm trọng, dai dẳng, thường trực sự sống của con người trên phạm vi toàn cầu, thì chúng ta buộc phải nhận thức lại. Hóa ra sự sống mong manh biết dường nào!. Cho đến thời điểm tôi ngồi viết những dòng này, thế giới ghi nhận 4,55 triệu người đã tử vong vì covid -19. Và ngay đầu giờ chiều hôm nay (10 tháng 9 năm 2021) tin dữ: Nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã ra đi lúc 13g50 p. Một tập thể y, bác sỹ giỏi của bệnh viện 175, dù đã hết sức tận tình cứu chữa nhưng đã không thể cứu được anh.

Vì sao lại nói sự sống của con người quá đỗi mong manh? Riêng trường hợp Nguyễn Quốc Trung các bạn có thể hình dung như sau. Ngày 20 tháng 8 Trung báo tin đã chích vaccine mũi 1. Ngày 25 tháng 8 Trung gọi điện thoại nhắc tôi không được ra khỏi nhà. Ngày 26 tháng 8 Trung kể hôm nay phải ra chốt kiểm tra để lấy thực phẩm. Ngày 30 tháng 8 Trung nhắn: Em dinh FO roi anh a, anh nho can than. Trung nhập viện 175 ngay hôm đó. Sau đây là những tin nhắn của Trung lưu trong điện thoại của tôi (Trung viết không có dấu). Ngày 31/8: Em đuoc nam phong cap cuu đac biêt. Bac sy rat nhiet tinh. Ngày 1/9: Em an ít. An vào la non. Bac sy cho thuoc chong non. Ngày 2/9: Em met lam. Ngày 3/9: co đo hon. Nhưng van met. Ngày 4/9: Đau đau nhưc. Bac sy noi covid đang tan cong he than kinh. Đem qua tho o xy. Ngày 5/9: Đem qua em khong ngu đuoc. Ngày 6/9: Hom nay đo met. An đuoc mot đoi (bát) chao va mot bat sup. Ngày 7/9 tôi nhắn: Hôm nay sao rồi Trung ơi. Cố lên nhé. Im lặng. Im lặng. Ngày 8/9 hai lần Im lặng. Ngày 9/9 ba lần Im lặng. Sáng 10/9 Im lặng. Một sự im lặng đáng sợ! Tôi đã cố tự trấn an bằng cách nghĩ ra các tình huống có thể, có thể…Và lựa chọn cho mình một tình huống dễ chịu nhất: có thể các bác sỹ muốn giữ sức khỏe cho anh nên hạn chế nhắn tin…!

Nhưng ngay sau đó, lúc13g50 nhà văn Đào Văn Sử (bạn của Trung) nhắn tin cho tôi: Các bác sỹ bệnh viện 175 đau đớn báo tin: Nguyễn Quốc Trung đã ra đi!

Một chiến sỹ từng cầm súng xông xáo trên mặt trận biên giới Tây Nam, sau đó theo đoàn quân tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Đang chiến đấu ở mặt trận, sau vài ba tác phẩm đầu tay, có cả tiểu thuyết, anh được gọi về học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa III. Học xong lại trở về chiến trường. Bom đạn không kể xiết. Nhưng Nguyễn Quốc Trung không hề hấn gì

Chỉ có nắng gió, sốt rét và thời gian đã in dấu trên con người Trung. Nhiều giai thoại về Trung. Có ai đó trêu anh “cao hơn Tây, gầy hơn ta”, anh chỉ cười. Lần đầu gặp anh tại Sài Gòn: “Trời đất ơi! Sao mà ốm nhách ri em?”. Trung chỉ cười. Quả thật, thân thể anh lòng khòng, lênh khênh, gầy guộc, làm dáng đi của anh xiêu vẹo, khăc khổ. Làn da của anh tái sạm như thể được tráng một thứ “vaccine” tự có, kháng cự lại bất cứ thứ vi khuẩn nào xâm nhập.

Chỉ còn nụ cười trên vành môi thâm và cặp mắt sáng, chỉ còn giọng nói như “mở hết tốc độ có thể”, là biểu hiện sự sống không hề ngừng, sự vồ vập không hề giảm, bất chấp thời gian.Từ nơi anh toát ra một nghị lực hiếm có, vượt qua mọi gian nan để sống và viết của một người quả quyết trên con đường đã lựa chọn. Cái thân hình “coi bộ gầy guộc vậy” mà ít khi ốm nặng. Trái nắng trở trời chỉ xức một chút dầu gió là đâu lại vào đó.

Vậy mà Nguyễn Quốc Trung đã không chống đỡ được cái chết đến từ một sự con virus quái ác nhưng không ai nom thấy hình thù nó ra làm sao. Nó chẳng khác gì một họng súng của quân Ponpot đang rê theo anh từ trong bụi rậm. Một cái chết lãng xẹt, như thể không phải là chết. Điều đáng nói là anh nhận thức được “nó” có thể dến từ bốn phía, đến một cách bất ngờ, đến với bất cứ ai, đến bất cứ lúc nào và đã cảnh giác mỗi khi ra đường, sốt sắng tiêm phòng, 5K cẩn trọng…mà vẫn thua cuộc. Cho nên, nói sự sống của con người thực chất quá đỗi mong manh, là vì vậy!

***

Kết thúc chiến tranh Nguyễn Quốc Trung được điều về Tạp chí VNQĐ, được bố trí làm công tác thường trực phía Nam, thực chất là cơ quan muốn giải phóng cho anh những sự việc hành chính để tập trung sáng tác. Với vốn sống chiến trường phong phú, Nguyễn Quốc Trung như mầm cây được đặt vào mảnh đất tốt. Anh viết truyện ngắn, viết tiểu thuyết, làm thơ, hối hả, gấp gáp, vừa viết vừa học hỏi, rút kinh nghiệm cuốn trước, bổ sung cho cuốn sau, “thâm canh rồi quảng canh”, lấy ngắn nuôi dài, vụ này gối vụ kia…. Sau mấy chục năm cầm bút, Nguyễn Quốc Trung để lại 15 đầu sách. Có thể kể như  Biên giới (tiểu thuyết), Bên rừng thốt nốt (tiểu thuyết), Đất không đổi màu (tiểu thuyết), Người đàn bà hồn nhiên (tiểu thuyết), Đêm trừ tịch (tập truyện ngắn), Trong tiết thanh minh (tập tuyện ngắn), Người trong cõi người (tiểu thuyết), Thành phố độc thân (tiểu thuyết), Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu (tập truyện ngắn), Dòng sông bên cầu (tiểu thuyết)…Hai chủ đề chính được làm nổi bất trong sáng tác của Nguyễn Quốc Trung, đó là chủ đề chiến tranh cách mạng và chủ đề thế sự nhân tình.

Những người lính trong các tiểu thuyết Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Đất không đổi màu chính là những đồng đội của anh, những người vừa rời ghế nhà trường, vừa hân hoan với chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, lại ngỡ ngàng bước vào một cuộc chiến tranh mới, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ Quốc. Đối mặt với một cuộc xâm lăng mới, người lính có sau lưng cả một chiến công huy hoàng. Điều đó như một động lực giúp họ vượt qua mọi gian lao, chết chóc. Điều đó cũng giúp họ dũng cảm quét sạch bè lũ Ponpot, chặn đứng nạn diệt chủng quái gỡ đang hoành hành trên đật nước bạn. Nhưng sự hy sinh thầm lặng mà vô cùng to lớn của họ là điều mà Nguyễn Quốc Trung muốn độc giả cùng anh ghi nhớ. Máu xương của quân tình nguyện đổ xuống không làm đất đổi màu, mà đã kê cao tình gắn bó cưu mang giữa hai dân tộc. Nguyễn Quốc Trung đã ghi dấu khá đậm trong những trang tiểu thuyết hình ảnh người lính Việt Nam tình nguyện đang thực hiện sứ mệnh quốc tế cao cả của mình trên đất nước Campuchia. Năm 2007 Nguyễn Quốc Trung được tặng Giải thưởng văn học Mekong, rồi được Giải thưởng của Bộ Quốc phòng (2004 và 2009). Nhưng quan trọng nhất đối với anh, là đã góp phần trả món nợ với những đồng đội đã hy sinh vì nghĩa vụ Quốc tế cao cả..

Chủ đề thế sự nhân tình cũng được Nguyễn Quốc Trung chú ý khai thác. Trong những tập truyện ngắn như Đêm trừ tịch, Dời nhà lên phố, Trong tiết thanh minh, Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu…hay tiểu thuyết Dòng sông bên cầu, ngòi bút của Nguyễn Quốc Trung tỏ ra khá sắc sảo trước những tình huống nhân vật buộc phải lựa chọn đạo đức, lựa chọn thái độ sống với thời cuộc. Một tình thế quẫn bách khi bị mất hết niềm tin đã đưa cô gái đến bên cầu Rạch Miễu, trước sự sống và cái chết. Một hoàn cảnh éo le đã đưa nhân vật của Dòng sông bên cầu trước sự lựa chọn hòa nhập hay thúc thủ trước thời cuộc…Đưa nhân vật của mình trước một lựa chọn mang tính bi kịch là một thủ pháp nghệ thuật không mới, vì vậy, nếu non tay, tác giả rất dễ vi phạm tính chân thực nghệ thuật. Nguyễn Quốc Trung trong nhiều trường hợp đã “thoát hiểm” nhẹ nhàng…

Nguyễn Quốc Trung là người rất tâm huyết với nghề. Anh chăm đọc, chăm học hỏi, là cây bút văn xuôi chịu đi, chịu gặp gỡ, trò chuyện, ghi chép, thức đêm. Thời gian và những thành bại đã cho anh một nhận thức đúng: “Không có nghề nào vất vả và thú vị như nghề viết văn” (Nhà văn Việt Nam hiện đại. In lần thứ IV, tr.873)

***

Ở Tạp chí VNQĐ Nguyễn Quốc Trung là người sống rất tình cảm, tử tế với đồng đội, đồng nghiệp. Cơ quan thỉnh thoảng có ai vào công tác ở Sài Gòn, Trung chu đáo như người nhà, như ruột thịt. Anh lo từ cái bàn chải, cục xà bông, phích nước sôi. Anh đến sớm kéo đi ăn sáng, ăn trưa, ăn tối đến tận đêm muộn mới về nhà mình. Anh dẫn đi khắp thành phố. Có lần, anh rủ tôi đí Cần Giờ, cách thành phố trên 40 cây số bằng xe máy, thăm lại trận địa của bộ đội đặc công ngày chiến tranh chống Mỹ. Buổi trưa không có hàng quán, không có gì ăn, Trung sà vào cái chòi câu cá, gặp mấy bác già nhờ nấu cơm. Một bữa cơm giữa đất trời Cần Giờ nắng và gió, gạo ngon, cá tươi nhớ đến bây giờ. Trung là vậy, nhiệt tình với mọi người chứ không phải với riêng ai. Tuy ở xa cơ quan chính, nhưng anh luôn gọi điện, nhắn tin hỏi thăm, trao đổi nghề nghiệp với nhiều người. Mỗi lần ra Hà Nội họp, khi thì thấy anh mướt mát mồ hôi, vì vừa mới tất tưởi công việc đâu đó về, khi thì ướt sũng dầu tóc vì lau vội qua loa ở nhà tắm vừa ra. Bao giờ cũng sơ mi màu trứng sáo dài tay, cài khuy cẩn thận, xắc quàng qua vai, dáng đi vội vàng, gương mặt tươi tắn, giọng nói hồ hởi, gặp ai cũng tay bắt mặt mừng, biết anh dang vui. Anh là người mặn chuyện, căn vặn những gì muốn biết, lãng tránh những gì cần giấu. Anh sẵn sàng “bịa” ra một câu gì đó, hứa “đại” một điều gì đó cốt để vui lòng người mới gặp, một “cá tính rất Nguyễn Quốc Trung”. Nhưng đằng sau cá tính ấy là sự vô hại, là sự cởi mở chân thành. “Sống được mấy hồi, để cho vui, anh ạ!”. Không ai giận anh lâu được..

Nhưng Trung là người cô đơn, cô đơn ngay giữa thành phố nhộn nhịp, đông người, cô đơn ngay sau những tiếng cười mỗi khi anh gặp bạn bè, cô đơn trong mấy tầng lầu ngôi nhà hộp ngõ Yên Thế, quận Tân Bình. Có nỗi buồn đâu đó chợt hiện, chợt đi, đằng sau những tiếng cười kia, tận sâu trong khóe mắt kia, nhưng không ai nhìn thấy. Anh đã mang theo trong chuyến đi cuối cùng!

Chỉ cách hôm nay hai tuần, trước khi nhập viện, anh còn hẹn tôi hôm nào hết covid, rủ cả Nguyễn Thế Tường và một vài người bạn nữa về quê anh, uống rượu cất rừ nước sông Ngàn Phố, ngắm hoa muồng vàng mây trắng Hương Sơn…

Anh không ở lại yêu hoa mãi được/ Thiêu xong anh về các trời khác cũng đầy hoa (CLV). Các bác sỹ ở bệnh viện 175 báo tin rằng sau khi hỏa thiêu xong, họ sẽ mời đại diện Tạp chí VNQĐ đến nhận tro cốt. Vậy là mãi mãi không còn nghe anh gọi điện, không còn đọc tin nhắn của anh, không còn nhìn thấy anh nữa. Nguyễn Quốc Trung đã về miền mây trắng.

Trung đi nhé!

Ngày 10 tháng 9 năm 2021

Nguồn: VanVN.net

Bài viết liên quan

Xem thêm
Việc nước chưa xong đầu đã bạc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại cho mỗi người Việt Nam và cộng đồng quốc tế những cảm xúc khác nhau; trong tôi, đó là sự kính trọng và thương tiếc.
Xem thêm
Có một mái đầu tóc bạc - bài hát đầy yêu thương tự hào…
”Có một mái đầu bạc “, bài hát đầy yêu thương tự hào với nhà lãnh đạo được nhân dân vô cùng yêu quý: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Xem thêm
Có một ngôi sao sáng, một ngọn lửa đỏ rực không bao giờ tắt
Bài do tác giả gửi cho Văn chương TP Hồ Chí Minh
Xem thêm
Sáng mãi ánh Sao Khuê - Chùm thơ nhiều tác giả
Chùm thơ của Nguyễn Minh Tâm, Nguyên Hùng, Hồ Bá Thâm
Xem thêm
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, với tôi là xà ngang, cột dọc
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã khá lâu không gặp. Dù công việc tôi đều theo tư cách đàn em, luôn hỏi anh. Nhớ ngày xưa, khi rất khó khăn, cần tiền đúng như mong “Bác Hồ hiện diện”, anh đã mời và bố trí tôi viết kịch bản phim truyện để có cần câu cơm mưu sinh khi làm ông bố. Cuộc mưu sinh đó cũng đã rất xa rồi. Hậu duệ của cuộc mưu sinh chắc chắn hoàn toàn không biết. Bạn ấy đã là chủ gia đình riêng nhỏ. Phạm Ngọc Tiến đã biết sợ không dám nhận thách đấu bia rượu thuồng luồng như ngày trước.
Xem thêm
Nhà thơ Văn Công Hùng với nhà thơ Hoàng Cát
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng cùng bài thơ ký họa chân dung Hoàng Cát thay vài nén nhang viếng vọng từ xa.
Xem thêm
Một nhà quản lý thép với trái tim ấm nồng Trần Quỳnh Hoa
 Tập truyện ký “Bông Mai Xanh kiêu hãnh” là một tác phẩm mới, khá cuốn hút của nhà văn Kiều Bích Hậu, xoay quanh nhân vật chính – Cử nhân Khánh Hương.
Xem thêm
Nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa – tư tưởng Phan Khôi
Nhắc đến tiến trình vận động và phát triển của văn hóa, tư tưởng và báo chí Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX không ai có thể phủ nhận những đóng góp cũng như vai trò to lớn của một nhà báo, nhà văn và nhà văn hóa – tư tưởng xuất sắc Phan Khôi (1887-1959).
Xem thêm
Tác giả Phùng Hiệu: Nhà văn đi làm báo sẽ dễ hơn nhà báo đi viết văn
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, nhà báo Phùng Hiệu đã chia sẻ những chiến lược và phương pháp độc đáo giúp duy trì sự cân bằng giữa công việc viết báo và sáng tác sách.
Xem thêm
Nơi sâu thẳm trái tim vị tướng
Bài viết của Trung tướng, PGS-TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng
Xem thêm
Đan Thanh - nghệ sĩ kết nối thi ca và hội họa
Với hiểu biết khiêm tốn của một nhà giáo hâm mộ văn học nghệ thuật, tôi được biết thầy giáo - nhà văn Nguyễn Thanh. Thầy Nguyễn Thanh tên thật là Nguyễn Tấn Thành sinh ra tại xã Tân Quới, quận Bình Minh, Cần Thơ (nay thuộc Vĩnh Long). Khi làm văn nghệ, thầy Nguyễn Thanh còn dùng những bút danh khác để viết cho nhiều thể loại bài khác nhau : Thanh Huyền, Ngũ Lang, Đan Thanh, Phương Đình, Tương Như, Diễm Thi, Minh Khuê, Minh Văn, Lan Đình, Chàng Văn… Thầy tốt nghiệp Đại học Sư phạm - Cử nhân Văn khoa và đã qua 3 năm chưong trình Cao học Văn chương và Ngoại ngữ tại Đại học Văn khoa Sài Gòn (1975).
Xem thêm
Giao hưởng Điện Biên – thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh
Chiến thắng Điện Biên là một chiến thắng vĩ đại của chúng ta “Lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” (Tố Hữu). Chiến thắng đó làm rạng danh nước Việt trên thế giới. “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thằng bay trên nóc hầm tướng Đờ cát, ngày 12 tháng 5 Bác Hồ đã có bài thơ dài đăng trên báo Nhân Dân : “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”. Rồi sau đó Tố Hữu mới có bài thơ nổi tiếng “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Điện Biên còn được các nhà thơ, nhà văn Việt Nam nhắc đến nhiều trong các bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết. Điện Biên cũng được nhắc đến trong các cuốn sách của đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh, nhà báo của ta và phương Tây.
Xem thêm
“Chia lửa” với chiến dịch Điện Biên Phủ
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 122, thứ năm 2-5-2024
Xem thêm
Nhà thơ lê Đình Hòa chỉ thấy hoa phượng trắng
Bài viết của Lê Thiếu Nhơn về nhà thơ khiếm thị Lê Đình Hòa ở Phú Yên
Xem thêm
Lãng tử trong đời, chí thú trong văn
Bài viết về nhà văn Nguyễn Hoàng Thu trên báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm