- Chân dung & Phỏng vấn
- Hữu Loan – nhà thơ một thời…
Hữu Loan – nhà thơ một thời…
Anh Hữu Loan đang đứng trước mặt tôi, mái tóc bạc phơ dài lút cổ… đúng 30 năm rồi ‘bất ngờ’, vâng, như anh viết bài thơ thiêng liêng đề tặng tôi…
Nhà thơ Hữu Loan (1916-2010)
Tháng tư năm 1988!
Có tiếng gõ cửa! Tôi vừa mở cửa thì hiện ra trước mắt tôi là… một Tiên ông râu tóc bạc phơ: râu khá dài còn tóc thì phủ ra sau ót. Tôi ngỡ ngàng tưởng như mơ mà lại thực.
– Đoài phải không? Thái Vũ chứ gì? Mình đây…
– Chao ôi, anh Hữu Loan!
Anh Hữu Loan tác giải bài thơ Đèo Cả nổi tiếng trong thời gian đầu những ngày kháng chiến chống Pháp và các đoàn quân Nam tiến từ ngoài Bắc và các tỉnh miền Trung vào chi viện cho miền Nam, cho Sài Gòn khi ngày 23 tháng 9 năm 1945, giặc Pháp gây hấn ở Nam Bộ…
Chao ôi anh Hữu Loan thời ấy nổi tiếng với bài thơ Quách Xuân Kỳ can trường bất khuất của vùng đất Quảng Bình – quê nội tôi – đang bị giặc Pháp chiếm đóng, xắn tay áo hiên ngang trước họng súng của quân thù. Bài thơ dồn dập từng lời, từng đoạn, như nhịp đập con tim “thà chết không làm nô lệ”…
Đúng rồi anh Hữu Loan kí tên là Hữu dưới bài thơ đó, cả khi đang làm chủ bút của báo Bình Trị Thiên khói lửa, viết bài thơ Màu Tím Hoa Sim khóc nhớ người vợ trẻ của mình, chị Lê Đỗ Thị Ninh mất sớm… năm 1949: Khi tóc nàng/Xanh xanh
Còn anh: Tôi người Vệ Quốc Quân/Xa gia đình
Nhớ “Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím”, những bông hoa của đồng nội, mọc hoang dại đó đây trên sườn đồi, bãi cỏ và lau lác, màu tím giản dị giữa thiên nhiên, cây rừng và làng quê. Đúng rồi! Anh Hữu Loan đang đứng trước mặt tôi, cả da và thịt, cả chòm râu và mái tóc bạc phơ dài lút cổ… đúng 30 năm rồi “bất ngờ”, vâng, như anh viết bài thơ thiêng liêng đề tặng tôi, năm 1958 và năm 1988 gặp lại.
Nay anh đến với tôi, dáng dấp tiên ông trong bộ áo quần vải thô màu nâu như một lão nông hiền lành, hoà nhã, hết vẻ thi sĩ một thời, cái thủa người ta đang “giành chiếu” nhau trên trang giấy hòng chiếm lấy cái “địa vị độc tôn” về thơ năm 1957 đó. Đúng 30 năm đằng đẵng nửa đời người khi tôi gặp anh trong Đại hội sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, cũng tháng tư năm 1957, tại Câu lạc bộ Đoàn kết chếch bên Nhà hát Lớn Hà Nội.
Thuở đó tôi cũng làm thơ, cho riêng mình, nhưng vụng về, dù đã có hai bài thơ. Bài Các Anh đăng năm 1951 và bài Không đăng năm 1953 trên tạp chí Văn nghệ hiếm hoi từ Việt Bắc. Bài Các Anh tưởng niệm các bạn tôi, cả các liệt sĩ đã hy sinh, sau đó được đăng trong Tuyển tập thơ Việt Nam (1950-1954), cũng là bài đưa vào sách giáo khoa lớp 6 của Bộ Giáo dục. Bài Không là bài nói về chống bắt lính của Nguỵ quyền Sài Gòn mà lớp thanh niên, sinh viên Huế đang đấu tranh quyết liệt trong năm 1952. Cả bài thơ Qua Bồ Bồ in trong tập thơ chung Dọc Trường Sơn (NXB Văn nghệ năm 1957, Hoài Chân – Nguyễn Đức Phiên làm Giám đốc, Hoàng Cầm làm Phó Giám đốc) do Trinh Đường tuyển chọn.
Nhưng làm thơ đâu phải mộng đời tôi. Khi tôi còn đang là cán bộ giảng dạy Đại học, Thư ký học thuật bộ môn Văn, hướng theo cái nghề truyền thống của gia đình. Hồi ầy thật tình tôi rất quý anh Hữu Loan, chẳng những anh đã có bài thơ Quách Xuân Kỳ, người anh hùng bất khuất của Quảng Bình quê tôi, mà theo tôi, anh là một trong những đỉnh cao nhất của thi ca Việt Nam thời chống Pháp, trưởng thành theo cách mạng trong kháng chiến. Thế mà… ngọn gió phương Bắc của Chu Dương tràn qua Việt Nam, tưởng gió lành hoá ra “gió độc”, gây nên cái sau này anh em gọi là “tai nạn nghề nghiệp”, làm cho mấy nhà thơ, nhà văn sống chưa yên chỗ trong mấy năm đầu “hoà bình lập lại”, lại phải tan tác, nhiều kẻ ra đi mang theo “nỗi buồn của thế kỷ”. Và tôi cũng “cạch” làm thơ, hay viết truyện ngắn từ đó, như… một lời nguyền.
Với tôi, đâu chỉ riêng với Thúc Hà (Hà Thúc Chỉ) tuổi đời lên men với bài thơ Chờ con Má nhé, được giải thưởng thơ tại Đại hội thanh niên sinh viên thế giới Vácxava (Ba Lan) năm 1955, mà cả buổi chia tay với anh Hữu Loan khi anh từ giã Hà Nội về quê ruộng và đất đá vùng Nga Sơn lịch sử với khởi nghĩa Ba Đình. Hôm đó thật buồn, hai anh em bên một quán cóc bán “trà chén Thái Nguyên”, ngay sát tường Văn Miếu, ở góc đường có cây đa cổ thụ, người dân lành thường đến thắp hương cầu niệm. Anh đội cái nón là kiểu Liên khu 4 cũ, cái áo sơ mi đã trở màu cháo lòng, còn cái quần kaki thì không biết là màu gì, mà vàng như ngọn lá úa thiếu hạn.
Kinh Kha…. hề Dịch Thuỷ quá Tần
Hữu Loan… hề xứ Thanh, ôi Lê Lợi!
Thế đó năm 1958-1988… ba mươi năm qua mái tóc đen thời hoa niên nay đã là vị tiên ông “giáng trần” tóc đã bạc trắng, là ông Bụt hiện lên trong chuyện Tấm Cám.
Ở đây xin nói rõ thêm một chi tiết phụ như chính là niềm cổ vũ tôi khi tôi có định hướng viết tiểu thuyết lịch sử mà đề tài đầu tiên là cuộc chống Pháp ác liệt như thần thoại của nghĩa quân Ba Đình. Anh Hữu Loan là người Nga Sơn, quê anh bên bờ sông Lèn, gần làng Vân Hoàn là nơi Tả quân Trần Xuân Soạn đưa gia đình ra trú ngụ khi chuẩn bị cùng Đinh Công Tráng đối đầu với giặc Pháp trong thế trận chênh lệch, giữa một bên là đại diện cho chế độ phong kiến tiểu nông, thủ công nghiệp lạc hậu đối địch với phương Tây tư bản tài chính đang phát triển đi tranh giành thuộc địa Á – Phi để chiếm tài nguyên với đại bác súng máy và tàu chiến…
Làng quê anh nay là xã Nga Lĩnh, gần Vân Hoàn không xa cứ địa Ba Đình là bao nhhiêu. Anh sinh năm 1917, thân sinh anh từng giữ trận Ba Đình khi nghĩa quân mở vòng vây của giặc rút lên Mã Cao, nên anh biết khá nhiều chuyện về nghĩa quân Ba Đình. Có thể nói chính anh qua câu chuyện, đã giúp tôi hiểu thêm về con người Ba Đình thủa đó.
Vì vậy lần tái ngộ này, chính là tôi gặp lại Ba Đình và cũng “bất ngờ” là mấy ngày anh ở lại nhà tôi, đúng lúc mấy cán bộ của NXB Thanh Hoá – anh Cường, anh Ngân, cả anh Nguyễn Huy Sanh, Giám đốc NXB từ Thanh Hóa vào cũng ở nhà tôi, khi cuốn Ba Đình của NXB Thanh Hoá mới tái bản xong cả hai tập (1986 – 1988). Cho nên chuyện vui – tái ngộ gặp gỡ cũng là… kỳ ngộ với Ba Đình.
Anh Hữu Loan đến nhà tôi sau khi anh đã đi Đà Lạt thăm con, sau Tết Mậu Thìn 1988 đó anh mới vào thành phố Hồ Chí Minh, đã được mời nói chuyện về thơ ở nhà văn hoá quận Phú Nhuận. Năm 1988 là năm tôi được mùa về xuất bản sách, vì chỉ trong một năm đó, tôi được NXB Quân đội cho in cuốn Hịch truyền, do đại tá Đỗ Gia Hựu chủ biên và NXB Trẻ mới thành lập (sáp nhập với NXB Măng Non) in của tôi hai cuốn: Tình sử Mị Châu (in lần hai đổi tên sách là Nỏ thần An Dương Vương) và Tuổi xanh Nguyễn Đình Chiểu (cũng đã in lần hai năm 2000). Cuốn Hịch truyền nay đã in lại lần thứ ba, NXB Thanh Niên đổi tên là: Trần Hương Đạo – Thế trận những dòng sông.
Anh em lâu ngày gần nhau, biết tôi được in nhiều sách qua các nhà xuất bản có uy tín từ năm 1972 – 1988, nên anh gợi ý là muốn in một tập thơ trong đó có Màu tím hoa sim mới chỉnh lý lại và cả bài thơ độc đáo về tướng Nguyễn Sơn. Tất nhiên là tôi nhiệt tình…
Cần nói rõ thêm tình hình xã hội lúc ấy ở Việt Nam và quốc tế đang có nhiều biến động. Năm đó nếu ở Việt Nam đang ra rả trên đài và các báo về chuyện “giá lương tiền” đang làm khổ mọi tầng lớp nhân dân sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn mất, thì ở Liên Xô con bài phản bội của Goóc-ba-chốp theo phương Tây đang dần lộ diện với sự tan rã các nước Đông Âu và sau này Liên Xô sụp đổ. Thực trạng Việt Nam đang có nhiều biến chuyển tốt, tích cực với sự lãnh đạo sáng suốt của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Nhà văn không bẻ cong ngòi bút – hãy tự cứu lấy mình” mở hướng cho “Đổi mới”, “kinh tế thị trường” sau những năm 1980, cũng là lúc Hội Nhà văn Việt Nam mở Đại hội lần thứ tư (1989) thay Tổng thư kí. Trong tình hình đó tôi nghĩ cần giúp anh Hữu Loan đến NXB Trẻ nơi tôi vừa được in hai cuốn sách vừa kể trên. Trương Văn Khuê, Giám đốc NXB Trẻ và Tổng biên tập Hoàng Phủ Ngọc Phan, người đã biên tập chính cho cuốn sách của tôi. Qua tôi giới thiệu nhà thơ của bài Màu tím hoa sim mà dường như ai cũng biết, hai anh đã tiếp anh Hữu Loan rất ân cần và cở mở. Đó là ngày 23.4.1988.
Gặp gỡ thì vui nhưng NXB Trẻ mới thành lập, rất cần in sách tốt về chuyên ngành văn hay nghiên cứu để “mời” độc giả với những nhà văn quen thuộc, còn việc in và xuất bản thơ thì… “quả thật chưa in cuốn nào, của tác giả nào” nên đành hẹn với nhà thơ lão thành.
Chuyện in sách năm 1988 là thế, in một tập thơ dù là nhà thơ tên tuổi như Hữu Loan đâu đã được dễ dàng “cảm thông” khi thời bao cấp còn đó giám đốc dễ mất chức như chơi. Song vẫn hy vọng, sáng hôm sau tôi dẫn anh Hữu Loan tới NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh do anh Hà Mậu Nhai làm giám đốc. Anh Nhai là người am hiểu tình đời, rất tốt và quý bạn bè trong đó có tôi. Vì vậy ngoài vấn đề văn chương in sách còn là vấn đề chiến hữu trong thời gian kháng chiến chống Pháp. Anh Nhai đã tiếp khách nồng hậu tặng cả sách in của nhà xuất bản, nhưng hình như anh cũng nhạy cảm trước vị khách quý, nhà thơ tác giả bài thơ Màu tím hoa sim, nên đang vui vẻ chuyện trò anh đến tủ bản thảo lấy ra một tập hồi ký dày trang của một vị tướng từng lãnh đạo binh chủng không quân, rất tự nhiên anh “phân bua”, vui vẻ: “Tập hồi ký này công phu, tư liệu phong phú dường như là duy nhất, ông ấy cứ hỏi mà mình chưa đưa vào kế hoạch in tới đây”. Tôi nhìn anh sực nhớ mấy năm trước anh cho in tập hồi ký của một vị tướng… cũng “có dư luận”, nên tế nhị rủ anh Hữu Loan ra về, tất nhiên là không nhắc đến tập thơ của anh Hữu Loan.
Và người buồn thấm thía lại chính là tôi, còn anh Hữu Loan vẫn hồn nhiên vô tư… không biết có đúng không hay anh lại “đóng kịch vô tư” với tôi ngay cả khi về nhà, trò chuyện vui vẻ.
Năm 1988 tai nạn “giá lương tiền” vẫn còn ồn ào qua đài phát thanh. Nhà thơ xứ Huế kia vẫn luôn lên tiếng khuyến cáo bàn dân thiên hạ là một chủ trương… trường kỳ, chúng tôi ngồi nghe lòng đầy “thán phục”. Lúc ấy làm gì có ti vi như năm 1994 để chuyển kênh khác. Đang mải suy nghĩ đâu đâu bỗng nhà thơ Hữu Loan hỏi tôi và cũng tự trả lời:
– Đạo là gì? Là luật thăng bằng, thăng bằng trong vũ trụ, thăng bằng xã hội, thăng bằng giữa con người…
Anh nói một hơi để chứng minh về “cái luật thăng bằng” trong “cái đạo” của anh. Tôi bật cười vì cái triết lí đó của nhà thơ lão thành như chiến tranh và hoà bình, tả khuynh và hữu khuynh… mà không dám phản ứng vì anh đâu phải nhà lý luận hay thường triết lí về cuộc đời như ai. Kể cả người trước đây ở miền Nam được gọi là thi sĩ Bùi Giáng, điên mà không điên có thể nằm trong cái luật thăng bằng đó của nhà thơ Hữu Loan, “thăng bằng giữa con người với con người hay tự bản thân”.
Tôi hỏi anh là khi anh từ giã Hà Nội để về Thanh Hóa, đất quê một thủa sinh ra ông tú Loan, có phải là đi ở ẩn không? Anh đáp: “Xưa Đào Tiềm treo ấn từ quan về ở ẩn, sống được và làm thơ là nhờ có ruộng vườn hay còn gọi là của “tư hữu”, cụ thể hơn là một địa chủ trí thức một chân khoa bảng. Ngay “cụ” Tôn-tôi cũng thế, là chủ nông nô có nông trại rộng lớn mới sáng tác được Anna Karênin và nhất là Chiến tranh và Hoà bình cũng là nằm trong cái luật thăng bằng đó. “Cụ” hành đạo theo cái riêng của cụ”.
Anh cười nhẹ: “Ý cậu là mình về ở ẩn có sáng tác được gì không, phải không? Này nếu một anh cán bộ, một nhà giáo ra khỏi biên chế không có lương thì phải làm gì? Thời bao cấp ra khỏi biên chế là thất nghiệp, là… chết đói. Phải lao động thực sự, cởi trần ra nắng để khuân đá hộc, bổ vỡ đá như bổ củi để bán, để lấy tiền công nuôi bản thân và cả đám con cái còn nhỏ dại. Đó mình đã sống và làm việc nhưng không phải làm thơ, viết văn vì đâu được phép”.
Tôi cười: “Qủa đó mới đúng là giáng hương tiên, tuyệt diệu”.
Chuyện gẫu anh em như thế thêm vui, anh nói là có đem theo câu “tự vịnh” nhại theo Ngô Thì Nhậm đối lại câu đối ra của Đặng Trần Thường… “Ai công hầu, ai khanh tướng” với “Theo thời thế, thế thời phải thế”:
– Thế quỳ, thế đội, thế bò, thời phải thế, thế mà chẳng thế.
– Ai dại, ai khôn, ai biết, trần như ai, ai không thấy gì ai?
Quả là nhà thơ giỏi thơ mà không giỏi câu đối, dù sao cũng chỉ là câu đối… tự vịnh. Tôi chỉ ghi lại để kỉ niệm lần tâm sự với ông anh thi sĩ, vốn là ông “tú Loan”.
Tôi chợt nghĩ cuộc đời anh dù đã 30 năm, không như nàng Kiều 15 năm “ba chìm bảy nổi, chín long đong” anh vẫn là anh duy nhất, thuỷ chung một nếp sống dựa vào sức lao động cơ bắp nhưng tâm hồn vẫn nặng trĩu một tài thơ. Và thuỷ chung không những với người vợ cũ, mất hồi còn trẻ bên sông nước:
Gió sớm thu về
Rờn rợn
Nước sông
Anh vẫn tỏ lòng biết ơn bà mẹ vợ, cho dù anh chưa kịp khấn cụ khi “áo anh sứt chỉ đường tà – vợ anh chết sớm…”, nên anh có làm đôi câu đối khóc bên mộ cụ:
– Rể khôn đều, gái ngắn phận sao đều, ơn cứu ơn mang, ơn “đoán giữa” một thương nhân cách.
– Sống khổ gặp, chết vì sao không gặp, khóc nguồn khóc núi, khóc “ai cũng” mười nhớ thiên lương.
Câu đối khóc mẹ vợ nhưng chính là câu đối khóc nhớ vợ. Cuối câu đối sau tôi có xin phép anh chỉnh lại hai chữ “mười nhớ” thay cho ba chữ của anh. Anh vẫn ngồi yên, nhìn kĩ hoá ra anh đang “nhập thiền”. Buồn…
Như trên là thời gian trước năm 1989, những năm tháng “bao cấp” – Qua năm 1990, sự thế có nhiều “thay đổi”, nhất là sau khi các nước Đông Âu tan rã và Liên Xô sụp đổ. Ở Việt Nam tất nhiên có nhiều ảnh hưởng nhưng được Đảng ta và Chính phủ sớm lái con thuyền “thoáng gió” nên trong hoạt động văn chương chữ nghĩa, kể từ Hội Nhà văn cũng có nhiều nét khá “đặc trưng” trong đó có vấn đề “giải phóng” cho một số nhà văn, nhà thơ “lâm nạn” từ năm 1957 đến nay (1989) mới được chính thức có bài đăng trên báo và được sinh hoạt lại trong Hội Nhà văn Việt nam như Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán…
Đây là kỳ Đại hội Hội Nhà văn khóa IV (họp tháng 10.1989) khi Vũ Tú Nam làm Tổng Thư ký. Với Vũ Tú Nam thì còn lạ gì “bậc đàn anh, nhà thơ Hữu Loan” hồi kháng chiến chống Pháp ở Liên khu IV. Thế nhưng khi Đại hội sắp khai mạc, các hội viên về Hà Nội, không ngờ nhà thơ Hữu Loan lại “ngoại đạo”, không được mời họp, nghĩa là chưa “hoàn lương” nên Vũ Tú Nam không liệt vào hội viên, tuy năm 1957 Hữu Loan là hội viên sáng lập.
Anh gặp tôi ở nhà khách Chính phủ, vẫn râu tóc bạc phơ, quần áo khá bảnh bao với một túi xách đẹp bên hông. Anh gặp Ban Tổ chức, bị từ chối không được xếp vào “phòng trọ” Hùng Vương. Tất nhiên lớp sau từ Đại hội 2 và 3 không quen anh, còn những người biết Hữu Loan thì “lảng”. Tôi gặp anh trong hoàn cảnh đó khi nhìn Trần Dần đang giơ tay xin tiền một nhà văn nữ xứ Huế đi bên tôi. Anh nói nhỏ với tôi: “Cậu “vô” nói hộ…”. Tôi xót cả ruột qua câu nói của anh nên vào Ban Tổ chức bảo gọi điện thoại cho Tổng thư ký nói rõ “Hữu Loan… là ai”. Anh bạn trẻ văn thư chiều khách gọi điện thoại đến nơi cần gọi, nhưng bỏ ống nghe, lắc đầu…
Chiều ngày 27.10.1989, Ban chấp hành cũ trả lời phát biểu của hội viên, có đọc thư thắc mắc của Hữu Loan hỏi vì sao anh không được đi dự Đại hội…
Năm 1990, Ban chấp hành Hội Nhà văn mới thay, qua năm 1991, tin vui đến với anh Hữu Loan. Tôi xin ghi nguyên văn bài của Huyền Trang, Hội Văn nghệ Thanh Hóa như sau: Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho in tập thơ đầu tay “Màu tím hoa sim” của nhà thơ già, gần 10 bài cộng với các giai thoại và bài giới thiệu trân trọng.
In tập thơ này, Hữu Loan được nhà xuất bản cho nhuận bút. Số tiền thật ít ỏi, chỉ 80 ngàn đồng (hơn 3 yến gạo hoặc 7 cân thịt, hoặc 15 lon bia) nhưng đây là sự ưu ái đặc biệt. Các tác giả khác đều phải tự bỏ tiền ra mà in thơ để rồi chịu “lõm vốn”… Hữu Loan đã trở lại sinh hoạt với đại gia đình các nhà văn Việt Nam, sau hơn 30 năm gián đoạn. Vừa rồi Hội Nhà văn cũng đã trợ cấp cho ông (cùng với các nhà văn lão thành khác) số tiền gần một chỉ vàng. Nhưng quý giá hơn nữa là cái thẻ Hội viên mà ông luôn ấp iu ở túi áo ngực, thỉnh thoảng lại đưa cho mọi người xem.
Ở Thanh Hóa quê hương ông, ông cũng có nhiều chuyện vui. UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định xét tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm lần thứ nhất (1986 – 1990). Tập thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan ra đúng dịp, đã được trình Hội đồng. Chắc chắn ông sẽ nhận được tặng thưởng xứng đáng. Hội Văn nghệ Thanh Hóa đã mời ông làm hội viên danh dự – trường hợp duy nhất từ trước đến nay. Tiếp đó, các vị lãnh đạo của tỉnh đã nhận được từ Hội Văn nghệ một lá thư tâm huyết yêu cầu giúp đỡ nhà thơ đang sống khá vất vả ở quê nhà. Hội cũng đã làm công văn, đi vào việc cụ thể, xin tỉnh cấp đặc biệt cho khoản tiền 3,5 triệu để in thơ Hữu Loan.
Việc lấy bản thảo tưởng khó khăn hóa ra rất đơn giản. Giữa ngày nắng chói chang, nhà thơ đạp xe từ quê lên Hội, chưa kịp ngồi ráo mồ hôi, ông đã rút từ cái bao bì xác rắn ra một… bọc thơ trao cho ông Chủ tịch Hội mà rằng: “Anh đọc đi. Nếu thấy cần thì… cứ… cứ…”! Cầm tập bản thảo khá nặng, bằng thứ giấy đen, gồm những câu thơ “xuống thang” rất chi là gập ghềnh, ông Chủ tịch vội thưa: “Cháu không dám có ý cắt sửa thơ cụ, nhưng cụ đã cho phép thì… Vâng… Vâng”.
24 bài thơ Hữu Loan được biên tập xong. Tập thơ áng chừng 150 trang. Dày thế, vì mỗi bài “thơ ngắn” của ông thường xơi 5 – 6 trang giấy là thường. Hữu Loan sẽ nhận được một khoản nhuận bút ngoại ngạch chừng 1,5 triệu. Thêm vào đó toàn bộ số tiền bán sách cũng sẽ được trao cho ông. Cộng cái tặng thưởng của tỉnh chắc chắn Hữu Loan sẽ có một ngôi nhà với đúng nghĩa của nó – Xây cất ở khu vườn mà Nhà xuất bản Hội Nhà văn gọi một cách thơ mộng là “trang trại”.
Anh em văn nghệ Thanh Hóa được tin vui đều nhất trí rằng Trung ương và đặc biệt là tỉnh nhà ưu ái với Hữu Loan như vậy là rất xứng đáng, bởi những cống hiến của ông cho thơ ca và bởi nhiều lẽ khác. Còn các vị lão thành cách mạng cùng thế hệ Hữu Loan, có người đã sát cánh với Hữu Loan cướp chính quyền năm khởi nghĩa, hoặc có quan hệ công tác với nhà thơ khi ông làm giám đốc một lúc tới 4 ty của tỉnh, thì nghĩ rằng: Những việc làm của tỉnh đối với Hữu Loan như vậy thật quý giá và đúng đắn. Nó chứng tỏ Đảng ta rất trân trọng anh em văn nghệ và không hề có thành kiến với bất kỳ ai”.
Vâng, sau trên 30 năm, xin chép y nguyên cả bài…
THÁI VŨ