- Lý luận - Phê bình
- Nguyễn Văn Mạnh & Buồn vui chuyện đời…
Nguyễn Văn Mạnh & Buồn vui chuyện đời…
BÙI VIỆT THẮNG
Theo dấu chân cuộc sống (Tuyển tập phóng sự và bút ký báo chí) của tác giả Nguyễn Văn Mạnh ghi nhận nhiệt hứng, sự nhạy cảm của các nhà báo – vẫn được coi như là “phong vũ biểu”, hay là “thư ký” thời đại – trước sự biến chuyển mau lẹ bất ngờ, phức tạp và khó đoán định của thời cuộc vốn có tính gia tốc đặc biệt.
Thể loại phóng sự báo chí trước 1945 được coi là mặt tiền của “tân văn”, nay đang cố gắng “tái xuất” trên mọi loại hình báo chí (giấy, nói, hình, điện tử). Nhìn trên mặt bằng báo chí hiện nay, có thể nhớ được những cái tên gắn với viết phóng sự đều tay và có tiếng vang trong cộng đồng như Minh Chuyên, Xuân Ba, Nguyễn Như Phong, Nguyễn Thành Phong, Đức Dũng, Nguyễn Hồng Lam, Đỗ Doãn Hoàng, Huỳnh Dũng Nhân… Theo tôi, Nguyễn Văn Mạnh có thâm niên nghề báo ngót 30 năm (tính chuyên nghiệp thì từ 1996), cũng là một cái tên đang thu hút được độc giả ngày nay vốn thông minh, song khó tính và đôi khi đỏng đảnh.
Nhà báo – nhà thơ Nguyễn Văn Mạnh
Năm 2022, tác giả Nguyễn Văn Mạnh ra mắt tập thơ Miền Hoa phượng (NXB Văn học), với lời đầu sách (thay Lời giới thiệu) của nhà thơ Nguyễn Đình Minh chứa chan ân tình với bạn văn chương chữ nghĩa. Anh tặng tôi tập thơ này. Quả thật, tự nhận mình không sành thơ, nên khi đọc tôi cứ phải nương theo ý của đồng nghiệp Nguyễn Đình Minh, một cây bút tinh tế và thâm hậu. Nhưng khi đọc tập phóng sự và bút ký báo chí của Nguyễn Văn Mạnh thì tình hình khác hẳn, tôi tự lực được bình giá tác phẩm. Nếu nói đúng ra là sở trường của mình. Vậy nên tôi đã gặp được sở trường của tác giả Nguyễn Văn Mạnh trong địa hạt phóng sự, bút ký báo chí (song le chưa có điều kiện để lạm bàn kỹ càng hơn về quan hệ giữa phóng sự, bút ký báo chí và phóng sự, bút ký văn học).
Nói đến tận chân tơ kẽ tóc thì thể loại suy cho cùng vẫn chỉ là những “xiêm áo”. Trang phục không làm nên thầy tu. Ngụ ý của tôi là, đọc chữ của tác giả Nguyễn Văn Mạnh độc giả sẽ thấy/ ngộ ra được điều gì về đời sống, về con người trong một thời kỳ “nước sôi lửa bỏng” không phải trên chiến trường mà trong thời hậu chiến, thị trường. Ai dó nói chí lí “chữ bầu lên nhà văn”. Cũng có thể nói như thế trong nghề báo. Trong làng báo chí có một thuật ngữ tuy không mới nhưng bật lên được bản sắc – “phóng sự nhập cuộc” (thật ra thì nhà văn hay nhà báo muốn chinh phục độc giả không có cách nào hơn chính mình phải nhập cuộc, hay nói văn vẻ hơn thì phải dấn thân). Ngày xưa (trước 1945) văn tài Vũ Trọng Phụng được phong là “vua phóng sự đất Bắc”, thì hình như ngày nay trong làng báo chí, Huỳnh Dũng Nhân được ví là “con sói phóng sự”. Danh hiệu nào cũng hay, vả lại hậu sinh khả úy thì đáng mừng. Nhưng công bằng mà nói, cách viết phóng sự, bút ký báo chí của Nguyễn Văn Mạnh, theo cách ví von của nhà thơ Nguyễn Đình Minh thì, chữ cứ như tảng băng trôi, phần nổi chỉ một, phần chìm tới bảy. Đúng là mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.
Tâm sự với hoa hồng hay là những gam màu tối của đời sống
Trong một lần giao lưu nghề văn, một cây viết thế hệ 8X đặt câu hỏi với tôi: “Theo nhà phê bình thì nên viết về cái tốt hay cái xấu của đời sống và con người?”. Anh này chắc lòng nhủ lòng sẽ khiến tôi lúng túng và sẽ lựa chọn cách trả lời trung dung. Nhưng tôi rạch ròi trả lời: “Không có quy định nào về việc nhà văn (hay nhà báo) nên viết về cái xấu hay cái tốt. Nhưng điều đáng quan tâm là, nếu viết về cái xấu mà ra cái tốt thì tốt hơn viết về cái tốt mà không ra cái gì cả”. Cây bút trẻ nọ có vẻ thấm thía cách biện giải thuyết phục của tôi. Kể lại câu chuyện thật như bịa này cũng chỉ nhằm để nói thực tế sau: đọc phóng sự, bút ký báo chí của tác giả Nguyễn Văn Mạnh đập mạnh vào tình cảm và lý trí độc giả trước tiên là “những chuyện không muốn viết” (nói thế là có căn cứ khi đọc lại truyện ngắn Những truyện không muốn viết của văn tài Nam Cao, 1917-1951, đăng trên báo Tiểu thuyết Thứ Bảy, số 432, ra ngày 26/9/1942). Trong bài thơ Tâm sự với hoa hồng (in trong tập Miền Hoa phượng) tác giả viết: “Cứ ngỡ đời hoa…thơm như một nụ cười/ Nhưng ai biết kiếp hoa vùi trong lấm láp/ Nắng đổ, mưa vùi, bão giật/ Bướm ong rình rập/ Mong manh, giữa đất, giữa trời?/ Ai biết gương mặt hoa đẫm giọt cuối chiều/ Úa tàn lời giã biệt/ Để lại thân cành nhọn sắc những mũi gai/ Ai hiểu hồn hoa nặng tựa đá đeo/ Suốt kiếp gánh nỗi buồn hương sắc/ Rồi chìm trong cát bụi vần xoay?”.
Vì thế trong số 36 “thiên” (phóng sự, bút ký báo chí) tác giả Nguyễn Văn Mạnh đã đưa lên trước hết những Chuyện đời cô dâu Việt ở xứ Đài, Những điều trông thấy ở trại thu dung Tam Hiệp (Đài Loan), Lao động nữ nhập cư, sáng và tối con đường mưu sinh, Lời cảnh báo từ những khu du lịch, Thâm nhập “thiên đường cờ bạc”, Chuyện bên lề sân quần vợt, Vất vưởng thợ may công nghiệp, Góc khuất đêm Sài Gòn, “Xóm vé số”, Vũ trường bi hài ký, Nài ngựa, sinh nghề tử nghiệp, Thương lắm tóc dài ơi…Đọc những “thiên” này tôi lại có cái cảm giác đọc lại phóng sự báo chí trước 1945. Trong những “thiên” này, tôi chú ý tới việc ngòi bút của tác giả hướng về đâu? Về ai? Hóa ra là, cuối cùng vẫn hướng về những “ngõ hẻm”, những kiếp nạn, thân phận đời người, nhất là phụ nữ và trẻ em. Những con số biết nói làm tê tái tâm can người hay cả nghĩ: hiện có tới 100.000 cô dâu Việt ở Đài Loan, họ làm dâu xứ người với nước mắt nhiều hơn nụ cười (Chuyện đời cô dâu Việt ở xứ Đài).
Theo dấu chân cuộc sống – Tuyển tập phóng sự và bút ký báo chí của Nguyễn Văn Mạnh
Người xưa nói “hàm răng mái tóc là vóc/ góc con người”. Vẻ đẹp của người phụ nữ Á đông và Việt Nam xưa gắn với mái tóc vì “tóc dài ngài đẹp”. Vậy mà vì gia cảnh, vì mưu sinh đôi khi họ phải chào tạm biệt cái đẹp, cắt tóc mình bán đổi lấy món tiền hẻo để chi tiêu, bù đắp thiếu thốn (Thương lắm tóc dài ơi). Lại cũng vừa cám cảnh, vừa thương tâm những chàng trai sức dài vai rộng, bỗng hoàn cảnh xô đẩy phút chốc biến thành “trai bao”, kiểu nhân vật chỉ có trong thời kinh tế thị trưởng, mở cửa, hội nhập. Vì sao mà không ít những nam thanh tuấn tú lại phải vào vai trai “bánh mì” như thể là thứ “quà tặng” cho các quý bà sồn sồn lắm tiền và rửng mỡ hồi xuân (Vũ trường bi hài ký). Đọc những “thiên” này tôi lại nhớ tới chuyên mục “Xã hội ba đào ký” do nhà thơ Tản Đà lập ra trên An Nam tạp chí (từ 1926), nhà văn Nguyễn Công Hoan là cây bút chủ lực đã giữ chân độc giả với lối viết hoạt, giàu chất hài hước dân gian, thặng dư chữ nghĩa. Thậm chí khi báo ra mà thiếu tên ông trong chuyên mục này thì độc giả như thể mắc tương tư.
Cách viết của tác giả Nguyễn Văn Mạnh theo hướng này, tôi nghĩ, như cách một người từ tâm, vừa đi trên đường, vừa niệm, vừa cúi nhặt những mảnh vỡ của mảnh vỡ số phận con người. Nói đến phẩm tính văn hóa của ngòi bút (văn học hay báo chí) thì thước đo chính là sự quan tâm đến những con gười bình dân, dưới đáy, bởi họ là số đông, có tên chung là Nhân Dân, lúc nào và ở đâu cũng “Cày một tay, gươm một tay/ Đời nhân dân muôn nỗi đắng cay/ Máu cứ đổ mồ hôi cứ đổ” (S. Petofi – Nhân Dân). Nhưng thử hình dung, nếu cả 36 thiên của tập sách này chỉ trải dài ra một gam màu tối của đời sống thì sự thể sẽ như thế nào? Không cần tranh biện quyết liệt thì tất cả độc giả cũng sẽ hình dung được cái kết cục tất yếu. Cuộc đời luôn là một sự bù trừ song song (sáng/tối, tốt/ xấu, được /mất, hy vọng/ thất vọng…).
Vàng và cát hay là những gam màu sáng của đời sống
Trong mỗi chúng ta không bao giờ được ảo tưởng rằng đến một ngày nào đó cái xấu sẽ bị triệt tiêu, cái tốt lên ngôi, chễm chệ trị vì thế giới. Mãi mãi tốt/ xấu cứ như hai mặt của một tờ giấy, cái này là xúc tác, kích thích cái kia hành động và tồn tại. Thế giới cứ vận hành trên đại lộ này. Không tính toán chi ly theo kiểu số học, nhưng tôi thấy trong tổng số 36 “cái” (thiên) được đưa vào tập sách Theo dấu chân cuộc sống thì có đến một nửa dành viết về những cái hay, cái tốt, cái đẹp như là những lưu dấu văn hóa Việt thời hiện đại. Tinh thần thấu triệt biện chứng đời sống đã hối thúc tác giả viết về vàng và cát như là những gam màu tươi sáng của đời sống.
Vàng và cát là nhan đề một bài thơ có tính triết lý trong tập thơ Miền Hoa phượng: “Rõ ràng những nén vàng mười/ Chắt ra từ nửa kiếp người bôn ba/ Rõ ràng những hạt cát sa/ Tay phàm xúc vội khi qua đường mòn/ Tưởng cát vuông, tưởng vàng tròn/ Hóa ra vàng chẳng thể mòn vẫn vuông/ Người đo vàng, cát bằng khuôn/ Ở bầu vàng liệu có tròn được không?”. Từ quan niệm thống lĩnh này một loạt “thiên” chữ về Ông “vua” khoai mì, Người con của biển, “Nữ chúa” đảo hoang, Người gieo chữ ở Trường Sa, Xuân về nhớ Tết quê xưa, Về lại quê hương, Một thoáng Sa Pa, Trường Sa, Dọc đường Tây Bắc…là những “thiên” chữ, ở đó phát sáng nghĩa. Tôi gọi đó là những điểm độc sáng trong quá trình “đi – đọc – viết” của tác giả Nguyễn Văn Mạnh. Có thể hình dung một nửa số “thiên” chữ trong tập sách tạo dựng nên một vườn hoa đẹp gồm nhiều bông hoa đẹp – những người tốt, việc tốt.
Không riêng tôi thích những câu chuyện về Người con của biển (về nữ thuyền trưởng đầu tiên ở Việt Nam, chị Nguyễn Thị Hồng với tâm thế của con cháu nữ sỹ Hồ Xuân Hương “Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”). Đấy là trường hợp ta phục tài. Nhưng có trường hợp (câu chuyện) khiến ta khâm phục tình nghĩa. Đó là bà/cô Rô trong bài “Nữ chúa” đảo hoang. Xét đến cùng, bà là một Anh hùng trong nghĩa rộng của từ này. Lá cờ trên đảo Hòn Khô được bà chăm chút nâng niu như báu vật. Bà vá cờ, giữ cờ vì lý do giản dị: “Để có lá cờ này bao con người phải đổ máu hy sinh, bao cuộc đời phải chịu cảnh góa bụa, cô đơn”. Đó là biểu trưng của cái bình thương mà vĩ đại. Ngày nay chúng ta thích nói những chuyện đao to búa lớn hoặc giả là chuyện bao đồng, đặc biệt thích triết lý vặt. Nhưng những câu chuyện về hành động tín – lễ – nghĩa như thế có lẽ ít được nhiều người quan tâm săn sóc.
Là người làm nghề dạy học gần 50 năm nay nên tôi đồng cảm và xúc động với tấm gương của cô giáo Bùi Thị Nhung, người tình nguyện đưa chữ ra “trồng” ở đảo, trong thiên Người gieo chữ ở Trường Sa. Phẩm chất tốt đẹp của cô giáo Nhung biểu trưng cho tinh thần tự nguyện/tình nguyện theo giáo lý Phật (như trong ca khúc Tự nguyện của nhạc sỹ Trương Quốc Khánh).
Vĩ thanh
Có một danh ngôn hẳn nhiều người thích: “Mở một cuốn sách gặp một con người”. Đọc Theo dấu chân cuộc sống của tác giả Nguyễn Văn Mạnh, tôi hy vọng quý vị sẽ gặp một con người từng trải nghiệm sống trong chiến tranh, qua thời hậu chiến, thời đổi mới, kinh tế thị trường, mở cửa; thời của không gian mạng và chuyển đổi số, của cách mạng 4.0… Nghĩa là ngòi bút viết phóng sự, bút ký báo chí Nguyễn Văn Mạnh đã trải qua lửa đỏ và nước lạnh. Nghĩa là ngòi bút có sức mạnh của cái đúng, cái thật, cái đẹp. Viết lời giới thiệu một cuốn sách tôi không có ý định “toát yếu” nội dung của nó. Không có gì thay thế được việc đọc trực tiếp một tác phẩm hấp dẫn vì nó tiếp cận sự thật theo lời của danh họa thế giới Lenardo Da Vinci “ Sự thật là đứa con duy nhất của thời gian”.
Nguồn: https://vanvn.vn/