- Truyện
- “Nổi loạn” | Minh Hoàng
“Nổi loạn” | Minh Hoàng
MINH HOÀNG
- Chó đẻ nguyên bầy, xin một con không cho.
- Khùng hả?
- Mầy khùng thì có. Chó là bạn trung thành nhất, hơn cả người nghen mậy.
- Nửa đêm không lo ngủ, ở đó nói xàm!
- Kệ bà tao!
- Có ngày mầy khùng, chạy nhong ra đường y chang nó bây giờ, ở đó mà kệ.
- Kệ bà tao!
- Điên!
Nó cười ha hả, nhảy tưng, tay vỗ rầm rầm lên cửa. Tôi chắp tay cầu nguyện cho nó khùng thiệt, chứ sống kiểu này có ngày tôi điên.
Trọ chung với nó, hai từ “bình yên” không thấy đâu dù nó chẳng làm gì tôi cả. Bữa qua, nó vừa nhận lương xong là một đồng không còn dính túi khi nhỏ cháu bị xe đụng chuyển viện, hôn mê. Em nó nhậu xỉn té xe nhào xuống ruộng, mặt mày bấy bá. Nó mượn tiền đưa cho em dâu đóng viện phí, mà chẳng qua thăm, coi sống chết thế nào. “Thằng anh đúng là vô tâm!”.
Nợ tôi chưa trả, nó bán chiếc xe máy lấy tiền mua vàng vì nhà gái thách cưới “một cây mới gả” khi thấy anh nó tật nguyền mà bị thần tình yêu bắn nhầm tên. Thằng em té xe bữa trước xuất viện về, quẹt ngón tay vô lưỡi, thề: “Em mà uống giọt rượu nào nữa là chết liền!”. Thề hùng hồn nhưng nửa tháng sau là uống rượu bia trăm phần trăm khí thế lắm. Thề giả mà, ăn nhằm gì, vả lại có ai thấy ông trời ra sao mà sợ.
Tôi hỏi.
- Mầy tin lời thề à?
Nó trợn mắt lên.
- Kệ bà tao!
Càng bực tôi càng thắc mắc, nhất là những bữa trưa, tình cờ tôi về phòng lấy đồ thì thấy nó ngồi ăn tô mì gói ba ngàn, nước mắt cay như mấy khoanh ớt đỏ trong tô, nhai sần sật.
Tôi lim dim mà không sao ngủ được khi biết nó còn đứng ngoài ban công. Trăng lặn lâu rồi, những vì sao cũng khuất trong đám mây nặng trịch mùi nước. Gió thốc cửa sổ lùa hơi ẩm vào phòng, buộc tôi ngồi dậy, gọi nó.
- Mầy thấy mưa hôn? Đứng đó cho ướt à?
Nó không quay lại.
- Kệ bà tao!
Tôi trùm mền kín đầu, bực bội vì 3 tiếng của nó phát ra suốt một tháng qua.
Tiếng mưa mỗi ngày một lớn, gió hất những tia nước bay vào phòng. Tôi bật dậy, bước ra khép cửa. Nó vẫn đứng đó, xòe tay hứng mưa. Không biết nghĩ gì?
Nằm một hồi lâu, tôi không sao ngủ được. Ngoài kia, nó vẫn đứng đó ngắm mưa, ướt mem. Tóc ốp sát da đầu. Nước rơi xuống quần áo. Lặng im. Tôi nhanh chân đi ra, nắm tay nó kéo mạnh.
- Mầy khùng hả?
Nó trì tay vào lan can.
- Mưa đẹp mà. Mát mà. Mầy không thấy mưa giống như hạt gạo thi nhau rớt xuống sao? Hahaha... Nhà tao làm gì có cơn mưa gạo như vầy. Mầy ra đây hứng mưa gạo đi, đã lắm, tao nói thiệt đó!
Nó nói liên tục, ánh mắt van lơn, không biết nước mưa hay nước mắt tràn trong mi nó. Tôi bấm ngón tay mình vào nhau thật đau để biết mình không nghe nhầm, vì hai tháng về đây “cưa đôi” giá phòng ở căn trọ này, chưa bao giờ thấy nó lãng mạn như thế. Không hiểu sao tôi thích nghe lời nó vừa nói như bị thôi miên, rồi xòe tay theo hứng mưa. Những hạt nước to tròn rơi bộp trên tay, trên tóc, thấm áo, lạnh dần... Tôi giật mình, buông tay khỏi lan can, chạy vào phòng.
Cả tháng nay, cứ 3 giờ sáng là nó đi cho tới chạng vạng mới về. Đôi giày và chiếc cà-vạt treo trên tường vẫn nằm im đó. Những cuộc điện thoại thưa dần và mất hẳn tuần qua.
Tôi nhìn nó, nhìn kim ngắn đồng hồ đang dần chạm đến con số 4. Đèn đường bật sáng trước mặt, soi rõ gương mặt nó. Người cao, mắt sáng, những đường nét rắn chắc trên cơ thể như người mẫu điển trai. Trên vai, tấm lưng trần của nó dưới mưa thấy rõ những đường trầy xước như ánh chớp đang xẹt dọc xẹt ngang. Tôi hình dung ra những bao gạo mà lúc nó đi làm bốc xếp, vác gạo lên bồn của máy lau bóng, họ cắt dây cột miệng bao, gạo đổ ào xuống rào rào như cơn mưa này.
- Bánh mì đây, banh mì nóng giòn đây!
Mưa tạnh. Tiếng rao dưới đường cất lên. Nó bước nhanh vào phòng, móc túi quần lấy 5 ngàn cũ mèm chạy ra gọi xuống.
- Bánh mì!
*
Sáng dậy, nó đi mất. Đôi giày và chiếc cà-vạt cũng mất. Tôi gọi điện thoại cho nó chỉ nghe mấy tiếng ò e, thỉnh thoảng tổng đài báo đang bận.
Anh bảo vệ nhà trọ mang lên phòng một lá thư dán không kín lắm. Người nhận là tên nó. Bên góc trái phía trên in dòng chữ Công ty giải trí X. Tôi đem lên phòng trọ, bấm điện thoại cho nó, vẫn mấy tiếng ò í e nghe bực mình. Một chút tò mò, tôi mở ra xem, trợn mắt khi đọc chữ đầu tiên. Trời, nó là nghệ sĩ! Tôi đọc một mạch nội dung lá thư mà không hiểu rõ vấn đề bởi những thuật ngữ chuyên môn như: chỏi nhịp, chinh dây, sắp văn, xuống hò, lòng câu, lòng bản... Tôi chỉ hiểu một điều thư này là câu trả lời cuối cùng của phía công ty giải trí.
Bước xuống cầu thang, tôi hỏi anh bảo vệ.
- Thằng Hùng là nghệ sĩ hả anh?
Anh bảo vệ nhìn tôi, ngạc nhiên.
- Mầy ở chung với nó mà hỏi kỳ vậy mậy?
Tôi chưng hửng.
- Kỳ gì anh?
Anh nhìn tôi, chậm rãi.
- Nó đạt giải nhì cuộc thi vọng cổ đó.
- Hèn chi...
Bỗng dưng tôi nhớ lại cơn mưa hôm trước, thắc mắc.
- Nhưng nó nói thất nghiệp đi bốc vác ở nhà máy lau bóng gạo mà anh?
- Thì bị người ta chơi ra nông nổi vậy đó!
- Là sao anh?
Anh thở dài.
- Mấy tháng trước nó thi chương trình “Tiếng hát yêu thương” để kiếm tiền cho mẹ trị bệnh thoái hóa khớp, chị nó mổ thận. Chương trình thu hình xong rồi nhưng không biết tại sao lúc phát sóng thì nó hát trớt quớt. Bữa nó thi, tao có đi coi, làm chứng vụ này, giám khảo còn khen nó hát hay mà. Mà đời này cũng đâu có gì ngộ mậy, mầy mà “tới công chuyện luôn” thì bạn bè của mầy cũng ngoảnh mặt thôi, nói chi nó. Mấy đứa thi chung được dịp hả hê, ném đá, bình luận cho sướng cái tay quẹt lia quẹt lịa điện thoại. Bầu sô cũng không ai mời nó đi hát nữa, trong khi cái chân mẹ nó thì sưng chù vù.
Tôi chặc lưỡi.
- Tội nghiệp nó quá.
- Đã nghèo còn gặp cái eo. Tháng rồi có tay tác giả lôm côm nào đó thấy nó hát hay nên gởi bài ca mướn nó thu, ổng trả tiền. Bài đầu tiên thì trả ngon lắm, tới đợt cuối kêu nó mời thêm nghệ sĩ nữ song ca, rồi quỵt luôn, không trả cắc bạc nào. Cái số nó khổ triền miên, hết cha mẹ, anh chị em, con cháu tới bạn bè... Thằng này kiếp trước vay nợ nần gì đây nè.
Tôi ngồi nghe anh kể mà thấy mình tệ quá. Sống chung phòng với nhau, nó luôn hỏi thăm tôi về cuộc sống gia đình ở quê, ba mẹ thế nào, anh chị em ra sao, vợ tôi làm gì?... Bữa nào tôi đi làm về muộn là nó gọi điện hỏi thăm, sợ tôi bị tai nạn trên đường. Vậy mà tôi thì không quan tâm gì đến nó, ngay cả khi nó gặp nạn tôi cũng không hay. Chỉ để ý đến chuyện tiền bạc nó chi sạch túi mỗi khi gia đình nó có chuyện đến tìm, rồi hỏi mượn tôi vài chục ngàn mua mì gói.
Tôi mở youtube xem mấy tuồng cải lương, bài ca cổ nó hát mà anh bảo vệ chỉ đường link cho tôi khi nãy. Lần đầu tiên trong đời tôi xem loại hình âm nhạc này và lơ mơ hiểu vì sao được thế giới vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bỗng dưng nước mắt tôi rơi theo giọng ca buồn của nó khi hát bài tân cổ Thói đời.
Mắt tôi chưa ráo thì nó bước vào phòng, mặt hớn hở, tay xòe ra mấy tờ 500 mới cáu. Nó xoay một vòng trước khi nằm ngửa xuống giường.
- Mầy đi đâu hổm rày vậy?
Nó im lặng, sột soạt mấy tờ polimer xanh. Tôi bực mình lớn tiếng.
- Tao hỏi mầy đi đâu hổm rày?
Nó bật lên như lò xo, bước đến, kề vào tai tôi nói nhỏ như kiểu mèo vờn chuột.
- Kệ bà tao!
Tôi chìa lá thư ra trước mặt nó.
- Kệ kệ... Mầy kệ hoài... Sống vậy được à? Sao mầy không làm đơn thưa họ hại mầy chứ?
Nó không trả lời. Tôi tức lên.
- Tao hỏi mầy đi đâu hai bữa nay?
- Đi-làm-trai-bao. Được hôn?
Nó giật lá thư trên tay tôi, cười ha hả, rồi bất ngờ xé vụn lá thư mà không cần mở ra đọc. Nó hét vào mặt tôi.
- Tao làm nghề lương thiện không ai cho, làm việc đúng cũng thành sai, không ai chấp nhận, tất cả quay lưng hết, bạn bè úp một cái trắng thành đen. Mầy muốn tao làm gì? Mầy nói đi!
Tôi bối rối khi nghe nó hét lên.
Bất ngờ chuông điện thoại reo. Nó thay đổi ngay sắc mặt, giọng dịu đi.
- Dạ, em nghe chị. Dạ cũng khỏe. Hihi... Sức em tốt mà. Cảm ơn chị. Chị về khỏe không? Dạ. Dạ... Em về quê hai bữa thôi, xong em lên liền... Cảm ơn chị hai đêm qua... Dạ... Vậy chị hén! Em mong sớm gặp lại chị!
Tôi nghe nó nói mà thấy ghê tởm. Có bao nhiêu người làm trai bao như nó? Khán giả sẽ nghĩ sao khi biết nó hàng đêm hành nghề mạt hạng này? Tôi nổi gai ốc, nhìn miệng nó cười khi nghe điện thoại mà tay nó vẫn sột soạt mấy tờ tiền polimer.
*
Đi làm về, chưa kịp thay đồ, tôi nghe có tiếng gõ cửa.
- Ai vậy?
Tôi bước ra nhìn người đàn bà trung niên trong bộ váy màu nâu công sở tươm tất.
- Chị tìm ai?
- Chị kiếm Hùng. Em ấy có nhà không cưng?
Tôi nhìn chị ta mà nhớ cuộc gọi điện thoại hôm trước của nó.
- Chị quen sao với nó?
- Tình cờ có người giới thiệu Hùng cho chị.
- Tình cờ thiệt à?
Tôi buông giọng mỉa mai.
- Hiểu mà... nhưng nó về quê rồi. Bà chị ráng đợi, thế nào nó cũng tìm thôi.
Người phụ nữ vẫn giữ nụ cười thân thiện, giọng nhỏ nhẹ.
- Hùng hẹn với chị hôm nay, mà tối rồi chị không thấy, nên đến hỏi thăm.
- Chắc nó có máy bay khác sộp hơn.
- Là sao em?
- Là... hai đêm tới có thể nó lái máy bay cho ai đó...
Tôi bỏ lửng câu nói khi thấy nó xuất hiện phía cầu thang, hỗn hễn chạy tới.
- Em xin lỗi chị. Lúc trưa đưa mẹ đi bệnh viện, em bị mất cái điện thoại, không liên lạc với chị được. Mẹ phải mổ đầu gối nên em nán lại mấy tiếng. Mong chị thông cảm.
- Không sao em, chị chỉ lo cho ê-kíp họ chờ thôi. Bài “Lòng mẹ” hai đêm trước em quay hình còn mấy cảnh cuối chị thấy chưa tốt lắm, mà sáng mai chị phải bay ra Huế để quay ngoại cảnh cho MV mới sắp phát hành, nên có chút lo khi không liên lạc được với em.
- Chị chờ em lấy ít đồ, mình đi liền nghen chị.
- Ờ.
- Nói vậy... mầy làm...
Nó kéo tay tôi vào phòng.
- Muốn biết tao làm gì hôn?
- Muốn!
Tôi bước ra cửa, lí nhí một câu thiệt ngắn mà không thể tròn vành rõ chữ trước người phụ nữ vẫn giữ nụ cười an nhiên trên môi mình.
- Em xin… xin… lỗi chị.
Chị cười khi thấy nó quảy ba lô phóng ra.
- Chị cho thằng bạn em quá giang nghen, kiếm chỗ nào có máy bay chị cho nó vô lái.
Tôi đỏ mặt, lí nhí ba tiếng vô tai nó: “Kệ bà tao!”.
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. HCM.