- Văn chương thế giới
- ‘Pachinko’ khắc họa tình cảnh bi thương của cộng đồng người Bắc Hàn ở Nhật
‘Pachinko’ khắc họa tình cảnh bi thương của cộng đồng người Bắc Hàn ở Nhật
Là tác phẩm được đánh giá cao bởi giới phê bình cũng như được công chúng háo hức chờ đón, Pachinko vừa đi đến tập cuối và như kì vọng, là một trong những bộ phim hay nhất năm nay.
Xoáy sâu vào lịch sử
Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Mĩ gốc Hàn Min Jin Lee, Pachinko có sẵn cốt truyện thu hút và nhiều yếu tố có thể khai thác, khi được khắc họa trong bối cảnh lịch sử phức tạp và nhiều nhánh rẽ. Kể về hành trình của Sunja – người phụ nữ chứng kiến lịch sử thay đổi, Pachinko là bức tranh lớn về tình cảnh của cộng đồng zainichi – những người Bắc Hàn ở Nhật.
Điểm sáng lớn nhất ở bộ phim này là việc biên kịch Soo Hugh cũng như đạo diễn Justin Chon chỉ lấy tiểu thuyết gốc như một phông nền, để từ đó kể nên câu chuyện của riêng bản thân mình. Tính sử thi và cụ thể hóa trong văn bản của Min Jin Lee vừa là ưu điểm, mà cũng mang đầy “cám dỗ” trở thành yếu điểm. Bởi nếu quá trung thành với kịch bản gốc, thì khán giả không còn hứng thú; còn nếu khai thác theo hướng tiếp cận những góc nhìn khác, thì bất khả thi để đạt đến sự toàn vẹn mà tiểu thuyết có.
Dàn diễn viên của “Pachinko”.
Không phải đơn thuần mà Pachinko trở thành cuốn sách nổi tiếng thế giới. Và đứng trước bài toán “tiến thoái lưỡng nan”, cuối cùng ekip bộ phim cũng đã lựa chọn có phần đúng đắn, khi tập trung vào quá khứ cũng như nỗi đau, đề cao tính chất hiện thực. Tuy bỏ qua yếu tố nhân văn vốn là một trong những điểm quan trọng làm nên thành công của Min Jin Lee, thế nhưng với sự chặt chẽ và không ôm đồm trong khâu kịch bản, ít ra Pachinko đã khơi gợi được sự tò mò qua những điểm mới, mà các độc giả vốn đã thân quen với văn bản gốc không thấy nhàm chán.
Những điểm cuốn hút có thể kể ra như việc xây dựng song song hai tuyến thời gian, xử lí trơn tru những đoạn chuyển cảnh, hay thậm chí là thêm vào đó những tình tiết lạ mà trong văn bản gốc của Min Jin Lee không hề xuất hiện… Chẳng hạn như trong tập 7, bộ phim vừa kể về quãng trưởng thành của nhân vật Hansu, nhưng mặt nào đó cũng tái hiện lại sự kiện thảm sát những người Bắc Hàn sau cơn động đất ở vùng Kanto vào năm 1923 bởi những dân Nhật. Do đó có thể nói rằng Pachinko là những thước phim tái hiện lịch sử về một cộng đồng mà cho đến nay vẫn còn chưa được nghiên cứu một cách toàn diện vô cùng sống động.
Những điểm nổi bật
Với sự đầu tư và kinh phí khủng, có thể nói Pachinko có lợi thế rất lớn đối với một tác phẩm đòi hỏi xuyên biên giới và đa ngôn ngữ. Được quay ở Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc; cũng như sử dụng rất nhiều ngôn ngữ, qua những gì hiện ra trên màn ảnh nhỏ, khán giả đã được chứng kiến những cảnh quay đẹp, vô cùng mãn nhãn.
Dàn diễn viên đạt tới độ chín của Pachinko cũng là điểm nhấn rất đáng chú ý. Nếu Lee Min Ho trước đó đã có danh tiếng toàn cầu nhờ ngoại hình điển trai, thì qua bộ phim này, nam tài tử chính thức xóa bỏ danh xưng “mĩ nam một màu”, bởi màn thể hiện có phần thuyết phục cũng như đã thể hiện được nét diễn đa dạng cảm xúc. Sau thất bại ở The King: Eternal Monarch, Pachinko rất có thể sẽ mở ra một trang mới cho nam tài tử, với những vai diễn phức tạp.
Diễn viên gạo cội đoạt giải Oscar Youn Yuh Jung cũng có vai diễn thuyết phục và đầy ấn tượng trong vai Sunja lúc về già. Cũng là vai diễn vào tuổi xế chiều như trong Minari, thế nhưng lần này Youn Yuh Jung đã lột tả được sự cô độc cũng như còn đó là những tổn thương do quá khứ gây ra. Vai diễn của bà đánh gục người xem bằng những ánh mắt có phần xa xăm, cũng như một sự lạnh lùng cố hữu bởi một quá khứ đau thương vẫn chưa buông bỏ.
Ở tập cuối cùng của loạt phim này, đạo diễn Soo Hugh cũng kịp ghi lại những thước phim tài liệu về những cụ bà giờ đây kể lại kí ức kinh hoàng của mình. Họ là những thành viên thật sự của cộng đồng zainichi, nói về những ngày tháng cũ, cũng như lật lại kí ức những ngày còn ở Bắc Hàn. Đoạn phim tài liệu chiếm một dung lượng không lớn, thế nhưng nó như chứng nhân của một thời đoạn lịch sử, mà sau ngôn ngữ điện ảnh, Pachinko đã giúp tái hiện vô cùng chính xác và cũng rõ ràng.
Poster phim “Pachinko”.
Thế nhưng ngoài những điểm sáng thì Pachinko vẫn tồn tại một số vấn đề khiến cho bộ phim có phần thiếu trọn vẹn. Như đã nói trên khi phải chọn lựa giữa một trong hai, bộ phim giờ đây đang quá tập trung vào trong cảnh huống của cộng đồng người zainichi để khai thác nỗi đau cũng như áp bức họ phải chịu đựng. Trong khi ở văn bản gốc, Min Jin Lee được đánh giá là đã thắp lên được ánh sáng hi vọng cùng với hàng loạt các chi tiết cài cắm, khiến Pachinko mang đến giá trị nhân văn vô cùng sâu sắc. Chính sự đen tối cũng như cùng cực khiến bộ phim này thiếu phần tươi sáng như tiểu thuyết gốc.
Các mối quan hệ có phần đặc biệt như giữa Noa và Sunja, giữa Sunja và Hansu lúc về già… dường như bị bỏ qua, và chưa khai thác đến được đến tận cùng. Việc thêm trọn vẹn tập 7 chỉ để nói về một vụ thảm sát man rợ cũng không có nhiều kết nối với mạch truyện chung, thay vào đó bộ phim lại bỏ hoàn toàn phân đoạn bi kịch của nhân vật Noa khi đã trưởng thành, mà đây lại là nút thắt rất lớn trong tiểu thuyết gốc, khiến nội dung phim có phần dồn nén và quá ngắn gọn.
Thế nhưng với một thời lượng giới hạn gồm 8 tập phim cùng những cải biên vô cùng sáng tạo, đây là bộ phim vô cùng chỉn chu, đặt trong bối cảnh làn sóng thù ghét người gốc Á cũng như biến động chính trị đang lên cao dần. Nối tiếp thành công của điện ảnh châu Á sau Parasite, Minari hay Drive my car; Pachinko là một bộ phim không nên bỏ qua.
Ngô Minh/VNQĐ