- Tư liệu văn học
- Phạm Thiên Thư với những con suối tình thơm
Phạm Thiên Thư với những con suối tình thơm
Tôi đoán chắc những người quản lý đô thị ở khu Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh đã ưu ái cho nhà thơ Phạm Thiên Thư khi muốn mô phỏng khu vườn quanh “Động hoa vàng” của ông. Họ đã đặt tên 13 đường phố là những loài hoa.
Bởi lẽ cách đây chừng nửa hơn thế kỷ, nhà thơ Phạm Thiên Thư đã nuôi khát vọng của mình tại cù lao này qua hình ảnh: “Rằng xưa có gã từ quan/ Lên non tìm động hoa vàng ngủ say”.
Những nỗi lòng qua giai điệu mộng tình
Cuộc đời nhà thơ Phạm Thiên Thư (tên thật là Phạm Kim Long sinh năm 1940) lắm chuyện nổi trôi. Cha ông là một nho sĩ kiêm lang y rất say thơ và đã khích lệ con trai làm thơ từ nhỏ. Khi rời quê Thái Bình theo gia đình vào nam sinh sống Kim Long tròn 14 tuổi (1954). Hồi đầu mải chuyện học hành nên cậu Kim Long ngỡ như quên mất những vần điệu thi tứ một thuở say mê. Chàng theo học trường Đại học phật giáo Vạn Hạnh rồi bất ngờ vào chùa tu (1964). Tiếng mõ và tiếng chuông nhà chùa đã lôi kéo tâm hồn chàng đắm chìm trong những dòng kinh kệ. Chàng tu chí ngày đêm học Phật với pháp danh là Thích Huệ Không. Quả thật bất ngờ bốn năm sau, chàng đã cho in một tập thơ lấy bút danh là Phạm Thiên Thư (1968). Tập thơ dồn tụ lại những ký ức và những tự sự hồn nhiên của tuổi thiếu thời cùng những dòng thi thiền. Tập thơ Phạm Thiên Thư tưởng sẽ rơi vào quên lãng bởi bạn đọc ít khi có dịp ngó tới.
Phạm Thiên Thư trong đêm thơ nhạc của ông và Phạm Duy năm 2011.
Chỉ một năm sau cái tên Phạm Thiên Thư tiếp tục dậy sóng trong lòng bạn đọc qua ca khúc “Đưa em tìm động hoa vàng”, cũng do Phạm Duy phổ nhạc thơ ông. Bài thơ được Phạm Thiên Thư sáng tác khi gia đình về sống tại ốc đảo xóm nước đen khu Phan Xích Long cũ (1968). Ông đã dựng một nhà gác gỗ nhìn ra những vườn rậm rịt cỏ lau và hoa vàng hình quả chuông. Những ngôi chùa gần nhà như Vạn Thọ, Bà Đầm, Kỳ Quang là những nơi ẩn sĩ Huệ Không thường qua lại. Những bài thơ đã ra đời ở đây. Ông coi căn nhà gỗ tụ đầy hương sắc và khí trời là Động hoa vàng thiền tự bên con kênh chảy ra sông Sài Gòn. Tâm hồn ẩn sĩ vẫn luôn vương vấn duyên nợ trần gian. Tình yêu và cái đẹp trần tục vẫn quanh quẩn bên mình. Từ đó những cõi mộng nổi nênh trong sắc hoa vàng ngân reo luôn làm xáo động trái tim yếu đuối của ông. Ẩn sĩ đã tự thu mình: “Rằng xưa có gã từ quan/ Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau/ Thôi thì em chẳng còn yêu tôi/ Leo lên cành bưởi khóc người rưng rưng”. Và rồi ông nhỏ lệ: “Thôi thì thôi để mặc mây trôi/ Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan/ Thôi thì thôi chỉ là phù vân/ Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi”. Và câu hát kết thúc với lời thơ: “Mai ta chết dưới cội đào/ Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu”.
Nhưng có lẽ duyên nợ với thi ca của nhạc sĩ Phạm Duy cùng Phạm Thiên Thư vẫn còn dằng dịt lắm nỗi. Nhạc sĩ đã sáng tác bài hát ngay sau đó phổ thơ Phạm Thiên Thư qua hai bài: “Em lễ chùa này” và “Hãy gọi em là Đóa hoa sầu”. Lại những câu chuyện tình bên cửa chùa. Tình khúc “Em lễ chùa này” kể nỗi lòng yêu thương của một chú tiểu với nàng phật tử. Họ quấn quýt bên nhau cùng thỉnh chuông và dâng hương lễ phật. Tình thơm bẽn lẽn cùng hương khói vương vấn mà thôi. Nhưng ai dè nàng phật tử bất ngờ bị chết vì bom đạn do chiến tranh gây ra. Hồn tình thẳm sâu trong trái tim người ẩn sĩ cất lên đau đớn làm sao: “Mộ của em, mộ vừa mới lấp/ Có con chim nào hót trên cây/ Lời của chim chìm vào tiếng suối/ Suối xanh lơ buồn khóc ai hoài”. Không ngờ cả bốn tình khúc mang âm hưởng thiền đạo của Phạm Duy đã được truyền tụng sâu rộng. Người đọc háo hức tìm tới thơ Phạm Thiên Thư khi ông bắt đầu rời cửa Phật vào năm 1973 với những thi phẩm mang âm hưởng ngân nga chuông chùa.
Những câu thơ kỳ lạ hồn nhiên
Ẩn sĩ Phạm Thiên Thư đã gây dấu ấn đặc sắc qua hàng trăm bài thơ tình của mình trên sân chùa. Khi ở tuổi 43, ông rũ áo thiền dấn thân vào cuộc sống trần ai với bao điều trắc trở. Ông đã lấy tới ba đời vợ nhưng thuở sống với Động hoa vàng mới là cuộc đời của một thi nhân cư sĩ đầy mộng ảo. Trở về với đời thực Phạm Thiên Thư phải đối chọi với những khủng hoảng đời thường cùng cơm áo gạo tiền. Ông xoay vòng đủ chín năm mười nghề để nuôi vợ con. Nhưng ngược lại mười năm cạo đầu tu ẩn, thơ Phạm Thiên Thư mới để lại những thấp thỏm và du ca cùng những mộng tưởng kỳ thú. Thơ ông có sự khác biệt và độc đáo so với thời cuộc khi đó. Chính vì thế âm nhạc Phạm Duy đã định vị thêm một sắc màu mới lạ qua thơ Phạm Thiên Thư. Bạn đọc đã bị mê hoặc với những bí ẩn thần tiên qua thơ ông. Đó là những hình ảnh định vị cái tên Phạm Thiên Thư như: “Nụ cười nàng như neo/ Thả sâu vùng biển nhớ”, hoặc “Thời gian như con cá/ Quẫy đôi lòng bàn tay/ Thời gian như chiếc lá/ Rụng xuống đau nhành cây” (Vòng đóa hoa dương). Và không ít người giật mình vì sự liên tưởng bất ngờ: “Mắt nàng như con quay/ Xoay mãi vòng tưởng tượng/ Ta trở về khật khưỡng/ Buồn toa tầu đêm than” (Khói tím).
Nhà thơ Phạm Thiên Thư mười năm nhập thiền nên thơ ông không thoát khỏi tư duy Phật pháp nhưng lại cuộn trào cảm xúc qua những cơn sóng tình đời. Thơ ông trở nên kỳ thú cũng vì sự bứt thoát đó. Phạm Thiên Thư kiên trì với hai thể thơ lục bát và ngũ ngôn tự do gần gũi với thiền thi. Ông luôn có sự phân thân giữa thơ và đạo nhưng lại có sự hòa quyện tinh tế tài hoa. Đặc biệt những khoảng trống dư cảm luôn lộ diện qua những hình ảnh liên tưởng làm bạn đọc xao xuyến. Khi thì ông nhẹ nhàng: “Ta ướm hoài dấu chân/ Chưa vừa lòng nỗi nhớ”, khi lại ngộ nghĩnh tỏ bày: “Nàng cong đầu ngón tay/ Búng cái tàn quá khứ/ Đôi mắt dài tư lự/ Di di đầu ngón chân” (Câu chuyện tình). Và cũng không ai mới như ông khi ví tình cảm với ánh sắc của kim khí sắc nhọn: “Chàng biến thành cái đanh/ Giữ niềm tin trong lành/ Chàng đóng vào cuộc sống/ Thành tấm hình thơ mộng/ Trên tường đời long lanh” (Một ngày chàng).
Nhà thơ cũng là nhà thiền nên Phạm Thiên Thư nhìn đời bằng con mắt như nhiên, luôn ẩn chứa nỗi niềm trong mỗi biểu tượng. Đúng như người ta nói, thiền như cơn gió thổi nhẹ vào vườn hoa thơ, làm những cánh hoa thơ ánh lên muôn hồng ngàn tía. Những câu thơ tình của Phạm Thiên Thư đã ánh lên như thế: “Con thuyền đưa tình anh/ Trôi về xa man mác/ Ơi! Một con kiến lạc/ Trên bè xa cố hương” (Cầu thu). Hoặc những miền sâu thẳm nào đó được thắp sáng trong miền viễn ái tình: “Em gầy như chiêm bao/ Vu vơ cười trước kính/ Đôi mắt tình dấp dính/ Tròn như hai vì sao” (Tĩnh lặng). Giữa cái thực và ảo luôn đan xen tạo nên sự quyến rũ trong những câu thơ của Phạm Thiên Thư. Khi đọc một lần khó có thể quên như: “Tóc bay một thoáng chiều tao ngộ/ Em lợp hồn ta một mái hương” (Mái tóc)
Dìu nhau lên đỉnh cao
Nhà thơ Phạm Thiên Thư có không ít những công trình thơ đồ sộ. Người ta thường nhắc đến “Đoạn trường vô thanh” (Hậu Kiều) của ông với hơn 3.000 câu thơ (Giải thưởng văn học-1973). Thậm chí nhà thơ có những tác phẩm dày hơn thế. Riêng cuốn “Tự điển Cười” có tới 24.000 bài tứ tuyệt tiểu liệu pháp. Các nhà chuyên môn đánh giá nhà thơ Phạm Thiên Thư là một kỷ lục gia viết nhiều câu thơ nhất ở nước ta. Thi sĩ Bùi Giáng đã vẽ chân dung ông chỉ với mấy câu dí dỏm: “Chạy quanh khu vực thần tiên/ Mỗi chân mười ngón kết liên bốn mùa/ Vườn cây trái ngọt trái chua/ Mù sương hấp dẫn về chùa ngủ quên”.
Hàng trăm người yêu thơ Phạm Thiên Thư nay vẫn tới đọc thơ cùng ông tại quán “Cà phê Hoa vàng” ở khu cư xá Bắc Hải, quận 10. Đây là ngôi nhà duyên nợ thứ ba cột chân phiêu bồng của ông từ thập niên 90. Ông ngồi như một bức tượng trên chiếc ghế to. Những bạn trẻ ngồi vây quanh nhà thơ và lắng nghe thơ ông với ánh trăng khỏa thân bên “Con suối tình thơm nhất/ Bến tắm của thần linh”. Đôi mắt ông lim dim như đang chìm trong giấc mộng: “Tình anh như sợi chỉ/ Xâu muôn ngàn mắt kim”.
Theo Vương Tâm/Vanvn