- Bút ký - Tạp văn
- Phù Điêu tại đền thờ liệt sĩ Phú Yên
Phù Điêu tại đền thờ liệt sĩ Phú Yên
Phù điêu là dạng di sản văn hoá của nhân loại. Đó là hình thức nghệ thuật khắc (chạm) nổi mô tả không gian rộng lớn của một sự kiện lịch sử hoặc chuỗi sự kiện lịch sử. Từ xa xưa, trên thế giới đã xuất hiện những phù điêu nổi tiếng như: La Sơn đại phật (Trung Quốc), Tag- Bostan (I Ran), Tôronat - Sanchi (Ấn Độ), Ăng kor Wat (CPC)… Ở nước ta, nhiều nơi đã có phù điêu gắn với sự kiện lịch sử nổi bật với hình thức thể hiện đa dạng, hoành tráng. Có thể kể tên vài địa danh như phù điêu về “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong” tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ); Phù điêu ở Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ (Điện Biên); Phù điêu ở Bảo tàng Quân khu 4; ở Quảng Ninh, Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) …
Từ phải sang: Nhà thơ Trần Thế Tuyển, Nhà báo Phan Thanh Bình, KTS Đỗ Như Nông.
Mới đây, trong chuyến công tác tại tỉnh Phú Yên, tôi được chính tác giả của hai bức phù điêu nổi tiếng tại đền thờ liệt sĩ tỉnh hướng dẫn viếng đền và “mục sở thị” hai bức phù điêu ấy. Đó là kiến trúc sư Đỗ Như Nông, hội viên hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Là tác giả của nhiều công trình văn hoá nghệ thuật, KTS Đỗ Như Nông cho biết, đây là một trong những tác phẩm ông tâm huyết nhất. KTS Đỗ Như Nông nói: “Phù điêu bên trái, là bức tranh tổng thể tiến trình lịch sử hơn 400 năm tỉnh Phú Yên hình thành và phát triển gắn với những sự kiện tiêu biểu nhất từ mốc lịch sử Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh đưa lưu dân khai mở vùng đất này hình thành làng mạc và lập nên phủ Phú Yên có tên trên bản đồ Tổ quốc năm 1611, đến hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Phù điêu bên phải, mô tả sự hy sinh cao cả “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của các anh hùng liệt sĩ và quần chúng yêu nước đã “Thân ngã xuống thành đất đai tổ quốc / Hồn bay lên hoá linh khí quốc gia” (Thơ Trần Thế Tuyển được tạc dựng trong đền thờ này)”.
Tôi dừng lại hồi lâu trước hai bức phù điêu hoành tráng ấy. Phải nói, để chuyển tải thông điệp cho người đến viếng đền nói riêng và thế hệ mai sau nói chung, KTS Đỗ Như Nông và những người cộng sự của ông đã phải “lao tâm khổ tứ” lao động nghệ thuật với cái tâm trong sáng và sự biết ơn những người “mở cõi”; hy sinh để bảo vệ bờ cõi. Ngôn ngữ của phù điêu là đường nét chạm khắc. Hồn vía của tác phẩm nghệ thuật này chính là ở đường nét, hình hài mà tác giả của nó thể hiện. KTS Đỗ Như Nông bảo rằng, ông đã thức nhiều đêm để đọc, nghiên cứu các tài liêu liên quan đến nội dung cũng như cách thể hiện. Có khi căng thẳng quá, ông phóng xe ra bờ biển, một mình “trò chuyện” cùng từng đợt sóng vỗ liên hồi vào ghềnh đá. Và, cả chuyện đứng hồi lâu trong nghĩa trang liệt sĩ, bảo tàng tỉnh để cơ may có thể gặp gỡ tiền nhân- những người con ưu tú đã hy sinh vì đất nước để tìm nguồn cảm hứng sáng tạo cho tác phẩm “để đời” của mình.
Và, thực tâm huyết, sự dụng công của KTS Đỗ Như Nông và những người cộng sự của ông đã được đền đáp. Siêu phẩm của họ được đón nhận một cách nồng nhiệt, chân thành, sâu sắc. Những người đến viếng đền thờ liệt sĩ tỉnh Phú Yên đều có chung cảm giác linh thiêng, thấy trái tim mình nhói lên nhịp lạ trước cảnh quan, sự bài trí của ngôi đền thiêng này, trong đó có hai bức phù điêu đa thông điệp, giàu ngôn ngữ nghệ thuật của KTS Đỗ Như Nông.
Có thể vì lẽ đó, trong thời gian ngắn lưu lại nơi “Đất Phú Trời Yên” này, tôi và KTS Đỗ Như Nông không rời nhau. Và, đó cũng là cơ hội để tôi hiểu hồn vía, thông điệp tác phẩm- hai bức phù điêu trong đền thờ liệt sĩ tỉnh Phú Yên mà KTS Đỗ NhưNông và những người cộng sự của ông gửi gắm./.
TP HCM, cuối năm 2024
Đại tá nhà thơ TRẦN THẾ TUYỂN