- Truyện
- Pơ Thi | Truyện ngắn Phạm Đức Long
Pơ Thi | Truyện ngắn Phạm Đức Long
Đã lâu lắm tôi mới có thông tin về làng Lơ Bơ. Tất cả đến từ câu chuyện về anh hùng A Tin huyền thoại, người mà tôi từng gặp mặt vào thời khắc khốn khó cơ cực nhất. Tên người anh hùng ấy tưởng chừng đã bị người đời quên lãng nay bỗng nở rộ trên khắp các mặt báo nhờ những cái tít giật gân kiểu: “Ngôi mộ người anh hùng lừng lẫy thời chiến tranh ở đâu?”, “Mộ người anh hùng lực lượng vũ trang bị thất lạc”…
Đường đã tốt, xe đã dễ, cớ đã có, tôi quyết định trở lại nơi ấy.
Tất cả hồi ức núi rừng lãng mạn xa xôi cứ thế ùa về…
Đúng cao điểm mùa mưa năm cuối cùng của thời bao cấp, tôi được tăng cường về cơ sở tại làng Lơ Bơ giáp biên. Đó là thời làng vùng xa ở Tây Nguyên vẫn âm u rừng, giao thông chỉ toàn đường đất mà phần nhiều là lối mòn len lỏi dưới tán cây, quanh co ven lùm bụi. Vùng biên còn khó hơn, đi lại chủ yếu cuốc bộ vượt rừng, duy nhất chỉ các đồn biên phòng có thể lưu thông bằng xe U-oát trong mùa khô. Mùa mưa, hầu hết phương tiện vận chuyển đều khó vào được. Sáu tháng mùa mưa, vùng biên luôn ở vào thế cô lập, dân tự cấp tự túc gần như mọi thứ cần thiết của đời sống, bộ đội biên phòng thì dự trữ và tự tăng gia sản xuất đủ cho cả đồn trong chừng ấy tháng.
Mùa mưa năm ấy, làng Lơ Bơ xảy ra vụ bắt người và án mạng làm rúng động cả vùng. Đó là vụ việc bọn Fulro từ vùng biên giới Campuchia lợi dụng lúc các làng giáp biên giao thông bị ngăn trở cách biệt với tuyến nội địa, tràn về quấy phá. Bất ngờ một số chị phụ nữ đi đổi hàng vùng sâu bị chúng chặn bắt trên lối mòn vào làng, dùng súng AR15 áp giải vào rừng. Một chặp sau, bọn chúng gặp các chiến sĩ biên phòng đi chữa bệnh trên đường trở về đồn, lập tức xảy ra giao tranh. Lợi dụng tình thế lộn xộn, những người đàn bà đã chạy thoát về xã báo cho du kích đến trợ chiến. Khi du kích huy động súng đạn truy kích, tất cả bọn Fulro đã nhanh chân tẩu thoát vào rừng sâu. Kết cục hai bộ đội biên phòng hi sinh.
Đoàn tăng cường do tôi làm trưởng đoàn. Tư trang các cơ quan huyện mua sắm cho cứ như bộ đội hành quân. Nào võng màn, ba lô, quần áo, giày dép, gạo mắm, thuốc tây, xoong nồi bát đũa, li chén, cả đôi thùng gánh nước bằng tôn to tướng… Xe U-oát đưa đoàn chúng tôi xuống trung tâm huyện. Từ huyện phải nhờ xe máy cày bánh lớn chở vào đến dốc làng Me thì dừng, vì trơn trượt lầy lội xe không thể bò thêm được nữa, từ đây cả đoàn đành phải mang vác đi bộ túc tắc trên những lối mòn đồi dốc. Qua vùng đất đỏ lượn sóng, tiếp đến vùng đất trắng toàn rừng khộp. Rừng khộp mùa mưa buồn và đẹp đê mê. Cả một vùng đất bằng tít tắp chạy mãi về hướng biên giới. Cây dầu cao vút thẳng tắp, quang quẻ như rừng trồng. Dưới mặt đất là cỏ xanh rì mướt mát, xen lẫn những bụi le tua tủa măng. Thỉnh thoảng nơi chân đất thấp, nước trũng lại như những cái hồ nhỏ đầy nhóc cua cá. Quanh gốc cây đại thụ ẩm ướt phủ dày lá mục cành khô, qua trận mưa đêm nhu nhú những đám nấm lòng tong nõn tròn như đầu ngón tay ngón chân phủ một màu xám đen tươi rói. Trên thân cây dầu, nở rộ những giò phong lan đủ màu thoang thoảng hương thơm. Chim rừng réo rắt gọi nhau râm ran… Quãng đường đi bộ vào làng ước chừng gần năm mươi cây số, cứ túc tắc xuyên rừng, chúng tôi như trải nghiệm một cuộc picnic giữa thiên nhiên hoang dã đầy thú vị.
Đường vào làng Lơ Bơ có con suối Đục ngày mưa nước lớn cuồn cuộn đổ xuôi về bên kia rừng biên. Trong mùa mưa, không có chiếc cầu nào bắc qua được, người dân các làng muốn đi lại phải chặt những cây cổ thụ cao vút hai bên bờ cho chúng ngã đổ gác ngang suối mà làm cầu đi bộ vắt vẻo trên dòng nước lũ. Những hàng hóa thông thường nhỏ nhẹ đều được gùi cõng. Thứ cồng kềnh nặng nề thì chở bằng voi xuyên rừng vượt suối. Thời điểm ấy phòng thương nghiệp huyện điều cho làng một con voi to lớn. Bình thường nó được thả đi ăn trong rừng hoang. Khi cần vận tải người ta đưa voi về chất thồ đủ thứ.
Ở làng Lơ Bơ, tôi gặp và nhớ mãi một người được dân làng giới thiệu là Anh hùng lực lượng vũ trang A Tin. Trước mắt tôi lúc ấy, người anh hùng lừng lẫy một thời gầy gò đen đúa, sống trong ngôi nhà sàn trống trải phong phanh, tại ngôi làng hẻo lánh buồn tẻ. Đúng như triết lí của những người theo thuyết Lão Tử xưa: “Công thành, thân thoái!” Người Tây Nguyên xưa lạ thế. Nhiều người đi kháng chiến, đánh giặc rất oanh liệt, công trạng đầy mình, nhưng họ coi những việc làm ấy như bổn phận. Hết giặc thì lại trở về làng, sống với thường dân, giữa nhân gian rừng rú. Anh hùng A Tin trông chậm chạp, có vẻ yếu, vì một chân ông sưng vù mưng mủ hôi thối. Ở xứ rừng biên lúc bấy giờ, ngoài những bài thuốc lá cây, chẳng thể kiếm đâu ra tân dược chữa bệnh.
Đoàn chúng tôi đã có sự chuẩn bị tương đối nhiều thứ thuốc. Tôi là bác sĩ thú y, nhìn vị anh hùng sưng chân rất ái ngại mà bất lực, liền gọi anh Tám cán bộ y tế đến kê toa cấp thuốc kháng sinh, rửa vết thương lở loét cho ông. Chỉ sơ sơ vậy mà mấy hôm đã thấy anh hùng A Tin khỏe mạnh như thường.
*
* *
Thời chiến tranh chống Mĩ, Lơ Bơ là làng kháng chiến. Bộ đội, cán bộ từ bên kia biên giới kéo về, đi vào làng vận động nhân dân tổ chức bố phòng chiến đấu, chống càn quét, chống dồn dân lập ấp chiến lược. Có thời kì ác liệt người dân sống hẳn trong rừng, hễ bộ đội du kích đi đến đâu, làng di cư đến đó.
Để có đủ lương thực cho cuộc chiến, A Tin vận động dân làng phát rẫy chung gọi là rẫy cách mạng, lập kho thóc kháng chiến trong rừng sâu. Ngày ngày chị em phụ nữ thay nhau gùi lúa về làng giã gạo cho du kích.
Khi địch lập đồn trong vùng, đưa xe tăng và máy bay trực thăng quần đảo thị uy khắp núi rừng, dân làng được bộ đội hướng dẫn, trang bị vũ khí, họ đã đánh phương tiện cơ giới của giặc một cách táo bạo gan lì đến ngạc nhiên. A Tin như con sóc rừng, lội hết vùng này đến vùng khác, quan sát địa hình, nắm tình hình. Ông chủ động bày binh bố trận, hướng dẫn thanh niên làng tác chiến xuất quỷ nhập thần theo thế rừng thế núi. Đường vào làng được chôn dày những cọc rào bằng thân cây gỗ bao bọc dích dắc nhiều lớp. Những lối mòn hiểm yếu được gài mìn chống tăng, ở đó đặt cây gậy chứng để người làng biết mà tránh xa. Gậy chứng ở đây là que ngang gài ở nơi đánh bẫy thò, báo cho người khác biết để tránh, đồng thời xác nhận đó là cái bẫy của mình, con thú do mình đánh bẫy.
Trận đầu để cho chắc ăn, A Tin vác súng leo lên một gốc cây rậm, chờ trời tối, xe tăng đi qua sát bên, ông liền bắn hạ chiếc cuối cùng rồi chạy thốc vào rừng đêm. Cả đoàn xe rối loạn, dính cả vào bãi mìn, hư mất thêm hai chiếc.
Lại một đợt, nhân lúc xe tăng chạy qua vùng có hàng rào gỗ, tốc độ rất chậm, A Tin liền leo lên ném lựu đạn, làm cháy nổ một chiếc. Khi nhảy xuống đất thì tuột mất khố, bị mấy chiếc còn lại quay xe đuổi, A Tin phải chạy tới ba bốn cây số mới thoát, phải trốn cho đến lúc trời tối mới tồng ngồng về nhà.
Chỉ qua mấy trận, A Tin đã bắn cháy được bốn xe tăng, bắn rơi hai máy bay cánh quạt, ba máy bay trực thăng, được đi dự Hội nghị thi đua Bộ Tư lệnh B3. Từ đó dân làng có thêm niềm tin vào ông, coi ông là chỗ dựa tinh thần ẩn tàng quần thảo thách thức với lực lượng cơ giới của địch. Làng kháng chiến Lơ Bơ trở thành cứ điểm vững chắc, địch bao nhiêu lần muốn nhổ đi mà không được.
Ngày hòa bình lập lại, khi tổ chức bố trí công tác ở huyện, A Tin vừa làm được một thời gian ngắn là nhớ làng nôn nao. Con người của núi rừng làng buôn cứ râm ran bứt rứt trong ông. Sau, A Tin nằng nặc xin về xã để gần làng gần rừng rẫy. Đến lúc nghỉ hẳn, A Tin hoàn toàn thành người của làng của rừng. Hằng tháng, được đồng tiền lương hưu nào ông xòe ra chia hết cho bọn cháu chắt, chẳng bọc trong người làm gì.
Cái thú vui nhất của ông là ngày ngày ngậm tẩu với chiếc gùi trên lưng lẽo đẽo cùng con chó lội suối vào rẫy. Lúc xong việc gieo tỉa thì lên rừng gài cái bẫy thú, kí cách bới củ mài, bẻ mầm măng. Ai có việc gì muốn gặp ông thì dễ nhất là ở rừng ở rẫy. Về với làng, ông thoát khỏi nai nịt, lại cởi trần đóng khố chân đất thật là sung sướng.
Về làng Lơ Bơ chúng tôi ăn ở ngay trong nhà dân. Ở giữa ngôi làng tinh nguyên chất rừng rú. Làng khép kín co cụm gần bốn mươi nóc nhà bên một góc rừng cổ thụ nguyên sinh, như một thế giới biệt lập.
Những ngôi nhà sàn nối dài trên thế đất bằng phẳng. Nhà này san sát nhà kia, chủ yếu theo cùng một hướng, còn thì to nhỏ, ngắn dài đều ken vào nhau xúm xít, rất ngẫu hứng, không theo một trật tự nào. Mỗi căn nhà sàn có thể kéo dài đến chục gian. Mái lợp tranh săng, vách thưng tre đan, sàn gỗ lát tre đập dập. Mỗi gian là một gia đình nhỏ, có bếp riêng. Ban đêm toàn bộ gia đình nhỏ lăn ra ngủ ngay trên sàn nhà, quay lưng vào cái bếp ở giữa. Sát bếp, dựng những bầu nước suối để uống, nấu cơm và đề phòng hỏa hoạn. Chúng tôi được ngủ ở phòng khách ngay đầu hồi nhà bước vào. Những chiếc võng buộc vào kèo vào cột giăng ra khắp gian nhà. Bên dưới sàn nhà đủ loại trâu bò heo chó…, chúng lịch kịch suốt đêm.
Ban ngày, đoàn công tác phân công anh em đi nắm tình hình buôn làng từ an ninh, sản xuất, đời sống, đến dân cư hộ tịch hộ khẩu… Có nhóm đi theo dân vào rừng vào rẫy cùng sản xuất, giúp dân tiếp cận những cái mới trong canh tác một cách phù hợp. Cũng có lúc cùng các gia đình đi rừng hái măng hái nấm cải thiện cuộc sống. Tất cả mọi nhu cầu đời sống của người làng đều ở hết trong rừng. Làng chỉ là nơi cư trú, quần cư và trống trơ. Rẫy nương phát tỉa trong rừng trong suối, đến mùa tuốt lúa bẻ bắp thì thu hoạch để luôn tại kho ở ngay trong rừng. Vườn rau hoa trái trồng ven suối, mỗi bữa đi rừng cần thứ gì thì hái gùi về.
Thỉnh thoảng vào buổi tối đoàn công tác tổ chức họp mặt toàn thể dân làng, từ người già lọm khọm đến đứa trẻ còn bú địu trước ngực đều chăm chú tề tựu. Mọi người hồ hởi ngậm tẩu nghe cán bộ nói cả tiếng đồng hồ, đó như là dịp để quần tụ chen chúc. Trong làng có việc gì hệ trọng đoàn tham gia cùng với người dân. Người làng săn được con thú lớn hay có việc “ăn trâu”, “ăn bò” đoàn công tác đều được chia phần.
Qua mùa tuốt lúa là đến mùa Ning Nơng. Đó là mùa lễ hội của làng. Mùa quên. Tháng quên. Bầu trời khô ráo trong xanh. Mặt đất bắt đầu trở sang một màu nâu đỏ. Cái tai đã thấy nhớ tiếng cồng tiếng chiêng trầm bổng da diết. Cái mắt nhớ ánh lửa rừng rực hoang mơ. Cái môi nhớ hương rượu cần nồng nàn mê đắm. Bàn tay bàn chân nhớ nhịp xoang xao xuyến…
Đúng hôm trăng tròn, họ lớn nhất trong làng họp bàn chuẩn bị lễ hội Pơ Thi. Ngôi mộ của dòng họ ấy đã đầy rồi. Một năm qua lại không có người nào chôn mới vào trong cái quan tài ở ngôi mộ ấy nữa.
Theo phong tục, khi người đầu tiên chết, dân làng sẽ vào rừng hạ một cây gỗ lớn bằng hai người ôm, chặt lấy một khúc thẳng đẹp làm quan tài. Khúc gỗ ấy được lăn về bãi đất nghĩa địa. Ở đó họ đục rỗng cây gỗ theo hình lòng máng, thành một cái quan tài nguyên khối. Lại đẽo một tấm nắp để đậy vừa khít miệng quan tài. Trên nắp có khoét các lỗ ăn, lỗ thở cho hồn ma. Huyệt mộ chỉ đào đến hơn nửa thân gỗ áo quan. Người chết được bọc lá buông khiêng bằng đòn dài hoặc cho vào cũi gỗ khiêng tay đưa ra nghĩa địa, bỏ vào quan tài, đậy nắp và lấp đất sơ sài thành một ngôi mộ thấp. Bên trên mộ làm một mái tranh tạm thời che mưa nắng. Hàng ngày, tầm chiều vàng mặt trời, những người đàn bà thân thích đều đặn mang gùi cơm rượu đi nuôi hồn. Họ quét dọn ngôi mộ sạch sẽ, đổ cơm rượu vào lỗ ăn cho hồn ma. Xong thì ngồi khóc kể với hồn. Họ khóc thảm thiết nhưng không có nước mắt. Kể lể bất kì chuyện gì xảy ra hàng ngày. Mỗi ngày một câu chuyện. Những uất ức, những khúc mắc buồn tủi gặp phải trong ngày không nói được cùng ai, cuối chiều họ ra nhà mả kể lại cho hồn ma. Như thế họ thấy được nhẹ nhàng, được chia sẻ.
Khi có người trong họ chết, ngôi mộ lại được mở nắp, bỏ tiếp thi hài vào. Ma cũ cũng vui, ma mới cũng vui. Việc chôn chung cứ tiếp mãi đến khi quan tài đầy chật. Lúc ấy, có đủ heo bò, đủ rượu là làm Pơ Thi bỏ mả. Sau lễ bỏ mả, người và hồn ma mãi mãi xa nhau, không còn vương vấn, người ta không phải nuôi hồn nữa. Như thế hồn ma sẽ được giải phóng mà vĩnh viễn về cõi mang lung, một thế giới hoàn toàn lộn ngược với trần giới. Linh hồn sẽ gặp ông bà tổ tiên gọi là a tâu ở đó. Còn ngôi nhà mồ sẽ tàn tạ trôi vào quên lãng. Những bức tượng mồ trĩu nặng tâm tư sẽ trải sương gió nắng mưa để mà mục ruỗng, mà về với đất, với cỏ cây hoang dại…
Để chuẩn bị cho lễ hội Pơ Thi, người già cắt cử đám thanh niên vào rừng tìm gỗ tìm tre làm lại ngôi nhà mả mới, lấy gỗ đẹp đẽo tạc những bức tượng mồ. Đàn bà con gái mang gùi vào rừng bẻ măng, hái lá dầu đồng làm gói đựng thức ăn. Bởi từ xa xưa người Tây Nguyên có thói quen dùng lá dầu đồng, một thứ lá to như hai bàn tay ở trong rừng khộp đựng, dùng tay bốc thức ăn. Tốp xuống bến gùi bầu nước về chế rượu cần. Đàn ông lực lưỡng chuẩn bị giết trâu bò heo…
Pơ Thi là lễ hội lớn nhất, vui nhất trong làng, là nghi lễ quan trọng nhất trong vòng đời con người xứ rừng núi. Lễ của một dòng họ, nhưng là hội của cả làng, của nhiều làng lân cận thân thiết. Lễ hội ấy ăn uống vui chơi suốt hai ngày một đêm.
Vui nhất là đêm hội.
Trên trời trăng sáng vằng vặc. Rừng phủ những lớp vàng mơ sóng sánh.
Mặt đất nhập nhòa ánh lửa hừng hực tỏa ra từ đống củi lớn trên bãi hoang. Từng dãy rượu cần được cột ngay ngắn dọc theo thân cây lồ ô dài thẳng. Những cái cần trúc vút cong mềm mại tua ra trên miệng ghè mời gọi. Người trẻ người già, trai gái thay nhau chụm vào, lặng lẽ hút những ngụm rượu thơm ngọt hương vị của núi rừng. Quanh đống lửa lớn là vòng xoang nối nhau xoay tròn trên mặt đất. Cồng chiêng, trống vỗ ngân nga nhịp núi rừng thăm thẳm ngàn năm, đưa người ta đi trong cuồng mê cùng hồn ma mơ ảo…
Đó là đêm nhảy múa cuối cùng với ma. Là đêm ăn uống cuối cùng với ma. Là đêm say vĩnh biệt! Pơ Thi bùi ngùi luyến cảm. Hôm sau người làng sẽ thả một con gà giò ở trên ngôi mộ cho nó tự do đi vào rừng. Nó sẽ mang hồn ma trở về nơi hoang dã…
Người anh hùng A Tin cũng nằm xuống ở vùng đất ông cả đời gắn bó, với các phong tục cả đời ông tuân theo. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu vào ngày kỉ niệm nọ đoàn đại biểu của xã không đột nhiên muốn vào làng Lơ Bơ thắp nén hương cho vị anh hùng. Họ phát hiện ông không hề còn mộ. Ngôi mộ ấy đã bị bỏ phế sau lễ Pơ Thi theo phong tục của làng. Nó đã trở nên tàn tạ như bình địa, những bụi cây um tùm đã phủ kín cả vùng thành khu rừng hoang vu.
- A Tin đã được làm Pơ Thi rồi. Làng mừng lắm, ai cũng muốn giải thoát cho nó - Một người trong dòng họ phân trần.
- Sao thế được! - Cán bộ xã nêu ý kiến - A Tin là anh hùng, phải ghi nhớ cho con cháu muôn đời sau chớ!
- Không không. Thế hóa ra bắt tù bắt tội cái hồn nó mãi. Chẳng ai muốn giữ nó luôn bên mình cho tội nghiệp!
Sau lần bất ngờ ấy, tin đến huyện. Huyện yêu cầu cải táng cho vị anh hùng về nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Khi đã chuẩn bị đủ hậu cần phương tiện để đưa hài cốt A Tin về nơi trang trọng xứng đáng thì quả là không dễ.
- Không được đâu cán bộ ơi. Nó đã về theo các a tâu rồi!
- Cứ để hồn A Tin về với a tâu, nhưng xác cốt thì phải đưa về nghĩa trang liệt sĩ.
- Ồ không. Nó chôn chung một hòm với dòng họ, làm sao mà lấy đi được!
Lúc ấy mọi người mới té ngửa. Khi qua đời, ông được chôn chung trong một quan tài lớn gần chục con người. Tất cả đã được bỏ mả, đã mục nát hóa đất hóa cát. Ông đã về với ông bà tổ tiên dòng họ. Chỗ ấy bây giờ cây đã mọc thành rừng hoang rậm rịt. Mà các hài cốt nằm chung trong một cái quan tài độc mộc, qua nhiều năm sẽ chẳng thể nào lấy riêng cốt của một người nguyên vẹn ra được.
Việc cải táng cho vị anh hùng của rừng núi bất thành. Cán bộ ngành thương binh xã hội địa phương rất lo lắng. Chắc rồi sẽ có các cuộc tỉnh kiểm điểm huyện, huyện kiểm điểm xã, xã kiểm điểm làng. Nhưng làng biết kiểm điểm ai! Không ngờ việc mà người làng thấy rất giản dị, hóa ra lại lớn lao phức tạp với nhiều cấp ngành đến vậy!
*
* *
Tôi trở lại làng Lơ Bơ lần này, đường giao thông đã được đúc bê tông thẳng tắp. Suối Đục đã có chiếc cầu lớn bắc qua. Dọc hai bên đường những ruộng lúa nước đang thì con gái xanh mơn mởn. Làng đã tái định cư giãn dân tách hộ khang trang ngay hàng thẳng lối. Đời sống đã tốt lên, đủ đầy hơn.
Kí ức xa xôi một thời trai trẻ gian nan trong tôi bỗng ùa về ngập tràn tâm thức. Những đêm hội Pơ Thi lung linh mờ ảo đầy âm sắc xa xôi như chợt tái hiện rõ ràng đến lạ lùng...
Đang miên man trong dòng suy tư với bao điều cũ mới lẫn lộn, bất chợt có con chim lạ sà ngay xuống vai tôi. Phải chăng linh hồn A Tin đã trở về thân thương chào đón. Người Tây Nguyên vẫn tin rằng, linh hồn người chết thường hóa thành con chim diều mốc mà về thăm những người còn sống ở buôn làng…
P.Đ.L
Theo Tạp chí Văn nghệ Quân Đội