TIN TỨC

“Sa Mộc” – Trường ca mang thông điệp về những giá trị dân tộc

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-10-07 13:12:19
mail facebook google pos stwis
1200 lượt xem

Ngô Đức Hành

Năm 2016, Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh xuất bản trường ca “Sa mộc”. Trường ca này đã được trao giải Nhì cuộc vận động sáng tác về đề tài liệt sĩ và người có công năm 2017 và cuối năm 2020, trường ca này tiếp tục đạt giải Ba tác phẩm văn học viết về biên giới hải đảo của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2022, “Sa mộc” lại một lần nữa ra mắt độc giả với phiên bản song ngữ Anh - Việt do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Bản dịch tiếng anh do dịch giả trẻ Võ Hoàng Long chuyển ngữ. 

Bìa tập trường ca Sa Mộc, phiên bản song ngữ Anh - Việt

Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh là người đa tài. Vừa là nhà báo, nhà biên kịch điện ảnh của Bộ đội Biên phòng (tiền thân là Công an nhân dân vũ trang) vừa là nhà thơ, dịch giả và nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian. Khi mới 23 tuổi, chị ra mắt thi phẩm đầu tay "Tôi chào tôi" và đã đạt giải thưởng của Hội Liên hiệp các Hội văn học - nghệ thuật Việt Nam. Các năm tiếp theo, chị lần lượt xuất bản các tập thơ “Mùa tình”, "Góc", truyện ngắn "Khúc quân hành lặng lẽ", "Ngón hoa", bút ký "Đường biên cương dệt mùa xuân", “Những người phất cờ hồng”, “Binh pháp chống dịch”, “Theo dấu phù sa”, “Dặm dài Tổ quốc” cùng các công trình nghiên cứu văn nghệ dân gian như "Tam cúc điếm" và "Ca trù xứ Đông"...

Phạm Vân Anh qua hình tượng cây sa mộc cứng cỏi, uy dũng nơi núi rừng biên cương làm biểu tượng cho lực lượng Bộ đội Biên phòng. Hay nói cách khác, đó là một hình ảnh ẩn dụ để ca ngợi những người lính biên phòng đang ngày đêm bảo vệ vững chắc biên cương, hải đảo; chủ quyền, quyền chủ quyền lãnh thổ quốc gia từ rừng tới biển:“...Dặm dài miền dã sử/ Gặp những thân cây độc hành xẻ đá sinh sôi/ Vạm vỡ tiêu binh miền phên dậu/ Khảm trời xanh chí khí quật cường/ Sa mộc gom gió thành lời yêu khiến lòng núi, lòng người thôi khắc khoải” (Sa mộc)

Trường ca “Sa mộc” gồm 7 chương, gần 1.000 câu thơ. Tại sao chị viết 7 chương? Điều này hẳn có ý nghĩa về tâm linh. Theo quan niệm triết học Đông phương thì số bảy là con số biểu trưng cho sự hoàn hảo nhiếp thâu cả vũ trụ. Nó được xác lập trên bảy nguyên lý của thời gian và không gian. Vì thế con số 7 đã gắn liền ý nghĩa với sự hình thành và phát triển của nhân sinh và thế giới trong vũ trụ quan qua tầm nhìn Phật Giáo. Còn theo thánh Kinh, thì Thiên Chúa là đấng đã sáng tạo ra vũ trụ muôn loài trong sáu ngày và ngày thứ bảy Ngài nghỉ ngơi. Truyền thống của người Do Thái giáo thì cho rằng, số bảy là con số thông minh và do đó họ đã có bảy ngày Thánh lễ lớn trong năm...

Việt Nam là một quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương, khu vực Đông Nam Á, ven biển Thái Bình Dương. Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài 4.550 km tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Bắc, với Lào và Căm-pu-chia ở phía Tây; phía Đông giáp biển Đông. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, do sớm nhận thức vùng biên giới là "phên giậu", bờ cõi, tiền tiêu của Tổ quốc, là nơi địa đầu, hiểm yếu, có quan hệ sống còn đến an nguy và sự phát triển của đất nước, của dân tộc, nên bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia luôn được ông cha ta coi trọng không một phút lơ là, khinh suất.

Biên giới quốc gia là thiêng liêng, gắn liền với giá trị độc lập tự do của dân tộc, đất nước, có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nên cần phải được quản lý, bảo vệ chặt chẽ. Các triều đại phong kiến Việt Nam đã bố trí quân lính, đóng đồn, trại, tổ chức canh giữ trấn ải biên giới cẩn mật. Vua Lê Thái Tổ đặc biệt quan tâm đến "kế cửu an" cho xã tắc nơi biên giới và thường nhắc nhở con cháu "lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy". Về sau, vua Lê Thánh Tông đã căn dặn tướng sĩ: "Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào tự tiện vứt bỏ đi được... Nếu người nào dám đem một thước núi, một tấc đất đai của Thái Tổ để lại để làm mồi cho giặc, người ấy sẽ bị trừng trị nặng”.

Từ cổ chí kim, từ các triều đại phong kiến đến nay, “một thước núi, một tấc sông” biên giới quốc gia thấm máu biết bao thế hệ, đặc biệt để bảo vệ biên giới phía Bắc và chủ quyền và quyền chủ quyền biển đảo. “Đất nơi này không thể mất/ Cho kẻ giành sông giật núi đã quen”; “Giặc đến đây mưa chuyển thành giông tố/ Nắng bạc nắng vàng hóa lò sấy thiên nhiên”, (Sa mộc).

Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, biên giới quốc gia là hết sức quan trọng. Người chỉ rõ “Miền núi chiếm hai phần ba tổng số diện tích nước ta... Miền núi có tài nguyên rất phong phú, có nhiều khả năng để mở mang nông nghiệp và công nghiệp. Những điểm đó nói rõ rằng miền núi có một địa vị cực kỳ quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng của nước ta”. Xuất phát từ ý nghĩa đó, Người nhấn mạnh đến việc bảo vệ biên giới quốc gia, bảo vệ phên dậu nơi cửa ngõ: "Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước”.

Phương lược nổi bật là coi "sức dân như nước" và lấy đó làm quốc sách để "phòng bị biên sự" lâu dài. An ninh biên giới thời nay, khác xưa, đã bao gồm một khái niệm rộng lớn; không chỉ là bảo vệ “cột mốc” mà còn đấu tranh chống các loại tội phạm xuyên quốc gia như buôn lậu, nhất là buôn lậu ma túy các loại; buôn bán người; kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Lực lượng nòng cốt là ở mặt trận này là Bộ đội Biên phòng. Trong trường ca “Sa mộc”, hình ảnh người lính biên phòng được nhà thơ Phạm Vân Anh khắc họa: "...Con gặp lại tuổi bình minh trong lớp trẻ hôm nay/ Những mười chín đôi mươi, những non tơ khát vọng/ Quân hàm xanh/ Lấp lánh sao trời sau phiên gác/... Lũ chúng con/ Cầm mùa trăng đi qua phù sinh/ Cầm tuổi mình đi qua chiến tranh/ Lớn vội vàng cho thanh tân Tổ quốc/ Hát bài ca cánh võng/ Sa mộc treo vầng trăng khuyết tuổi giữa đêm rằm". (Sa mộc)

Trong ngày thành lập lực lượng Công an vũ trang nay là Bộ đội biên phòng (3/3/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị "Công an và Bộ đội phải cảnh giác, phải biết trấn áp kẻ địch bên trong và bên ngoài... là nhiệm vụ mà quân đội và công an phải dựa vào nhân dân mới hoàn thành tốt được... Khi tổ chức được nhân dân thì việc gì cũng làm được". Nhân dân là chủ thể của sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia, điều đó được khái lược qua những câu thơ: "...Trên dọc dài đất nước đã qua/ Núi uốn thang mây nhớ những đôi vai chung chiêng địu đá sỏi dựng cột cờ vạn thủa/...Nghìn năm trổ cửa hướng biên cương/ Mỗi nếp nhà một chồi canh đứng đợi/Đêm biên thùy ký thác hừng đông" (Sa mộc)

Đọc “Sa mộc” xúc động với tình cảm quân dân nơi biên cương. Hàng ngàn năm nay, cho đến hiện nay, bà con các dân tộc luôn sát cánh cùng người lính biên phòng, bọc đùm nhau qua biết bao nhiêu biến cố. “Mẹ nhìn trời biết nơi con trở rét/ Nén hương xa.../Không kịp ấm lạnh gần/ Chim Khảm Khá mổ hạt cườm lích chích/ Đậu rồi bay trên sương tuyết chốn con nằm”, (Sa mộc). Với người bính Biên phòng đã hy sinh, nằm lại biên cương thay “cột mốc” cho đến những người đang làm nhiệm vụ, người mẹ ở hậu phương và người mẹ các bản làng đều lo lắng, xa xót.

Biên giới, biên cương thì luôn gắn liền hình ảnh lính Biên phòng. Hình ảnh người lính trấn gác biên cương ấy, ngày nay được Phạm Vân Anh diễn đạt khái niệm này vừa hào tráng và bi hùng: “Lứa chúng con lớn vội lớn vàng/ Bỏ quên niên thiếu/ Quáng quàng ba lô, quáng quàng đạn pháo/ Tuổi quân chưa đầy năm đã ngược Cao Bằng, xuôi Thanh - Nghệ/ Ký ức biên cương dốc mắt chỉ rừng già…/ Lũ chúng con/ Cầm mùa trăng đi qua phù sinh/ Cầm tuổi mình đi qua chiến tranh/ Lớn vội lớn vàng cho thanh tân Tổ quốc”, (Sa mộc). Tổ quốc luôn “thanh tân” nhờ sự hy sinh ấy.

Lang thang miền dã sử/ Gọi ngàn năm mây bay/ Sa mộc đêm chốt lạnh/ Thức cùng non sông này”, đây là bốn câu thơ kết của trường ca Sa mộc. Người chiến sĩ biên phòng,  là cây sa mộc đã và đang thức cùng non sông yêu dấu. Họ đã và đang là trụ cột, cùng bà con các dân tộc đoàn kết tạo nên “rừng sa mộc”, tường thành bảo vệ Tổ quốc.

***

Nhà thơ, trung tá Phạm Vân Anh

Lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành và giữ độc lập cho thấy, dân tộc Việt Nam đã tạo nên một nền văn hóa giữ nước độc đáo, mang những giá trị, bản sắc riêng. Các giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam được biểu hiện dưới dạng thức vật thể và phi vật thể. Giá trị văn hóa giữ nước ở dạng vật thể, được biểu hiện ở cuộc sống và hoạt động rất phong phú đa dạng, được lưu giữ trong ý thức, tâm thức của dân tộc thông qua các di sản, di tích lịch sử, các hiện vật, di vật, bảo vật.. Giá trị văn hóa giữ nước ở dạng thức phi vật thể là những sáng tạo biểu hiện ở các di sản lý luận về truyền thống giữ nước độc đáo nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc, giữ vững chủ quyền, chống xâm lược, chống áp bức bóc lột.

Đọc “Sa mộc”, tự hào về lịch sử dựng nước và giữ nước từ ngàn năm nay của ông cha. Non sông bờ cõi Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược được đắp xây nên bằng xương máu của biết bao nhiêu thế hệ mà tươi đẹp như ngày hôm nay. Đặc biệt, đọc “Sa mộc” người đọc được sống trong một không gian văn hóa của người Kinh và bà con các dân tộc ít người trong cộng đồng người Việt. Truyền thống dựng nước, giữ nước đi vào sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, (dân tộc Mường), “Người Thái đánh giặc”, (người Thái), “Đam san, Xinh nhã” của người Bana, Ê đê...và biết bao sử tích truyền miệng khác. Văn hóa, theo nghĩa đó cũng là loại “sa mộc” phi vật thể bảo vệ biên giới lãnh thổ quốc gia. Một quốc gia có thể bị xâm lăng, cũng chưa mất nước; nhưng văn hóa bị xâm lăng là mất tất cả.

Lịch sử Việt Nam đã chứng minh trong 1000 năm Bắc thuộc. Khi thực dân Pháp đến Việt Nam, chính quyền thực dân Pháp tiến hành khai hóa trên nhiều phương diện. Để dễ bề cai trị, từ năm 1869 đến 1919, Pháp lần lượt ban hành các đạo luật G.Ohier, J.Lafont, Le Myre de Villers và Albert Sarraut nhằm “diệt Hán – Nôm, hưng Quốc ngữ”, nhằm tách dân chúng ra khỏi tầng lớp Nho sĩ, cô lập Đại Nam với các nước đồng văn và quan trọng nhất là “biến những đứa trẻ Annam trở thành người ngoại quốc trên chính đất nước của chúng” (trích lời Toàn quyền Paul Bert 1886).

Để viết nên “Sa mộc”, Phạm Vân Anh chắc hẳn mất rất nhiều năm tháng nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa các dân tộc anh em trải dài từ biên giới phía Nam, biên giới phía Tây và Tây Nam của đất nước: "...Đường núi sớm dạy ta thần thoại/ Chử Làu nắn đất khớp trời/ Chẩu Răng Dệt Pú đắp núi cao/ Chẩu Răng Dệt Phẳng đào khe sâu/ Chẩu Chục Chẩu Chao tạo nên nương rẫy/ Biết gọi ma Lô Lô cổ, ma Cờ-lao già/ Người sinh ra các hang, đẻ ra các động/... Đường rừng chiều dạy ta huyền tích/ Về quả bầu sinh ra người Xá, người Thái, người Lự, người Lào/ Vỏ bầu ít hóa người Dao, Mèo quản núi cao/ Cùi bầu vừa hóa người Tày, Nùng lo bình địa/ Hạt bầu nhiều thành người Kinh xuống khai khẩn đồng bằng/ Người Việt mình là cây chung gốc..." (Sa mộc)

Trong các dân tộc anh em, đều có văn hóa riêng về cội nguồn, ý thức và trách nhiệm bảo vệ buôn làng, biên cương kết tinh thành văn hóa dân gian, truyền miệng. Người Hà Nhì, địa bàn cư trú chủ yếu ở Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai có lời nguyện khi chết đi được trở thành cột mốc ngăn quân thù xâm chiếm quê hương. Ông Trời hiển linh biến linh hồn người Hà Nhì trở thành những cây mộc miên biên giới, khi quân thù đến những bông hoa đỏ tươi rụng xuống làm kẻ thù khiếp sợ.

Truyền thống dựng nước, giữ nước nói chung và giữ biên cương nói riêng đi ra từ huyền sử về ông Đùng, bà Đà...thấm đẫm vào ngọn nguồn từng dòng sông, núi đá điệp trùng, từng loài hoa cỏ biên cương, từng mái nhà đắp bằng đất đá Tổ tiên, trở thành sức mạnh cội nguồn, truyền thống Lạc Hồng, Thánh Gióng... Phạm Vân Anh, với tư cách tác giả trường ca, quá trình tìm hiểu cũng rưng rức xúc động: “Miền dã sử tôi qua/ Vùng đất Tổ bao sắc dân thiểu số/ Vầng trán mẹ hoài chứa ngàn huyền thoại/ Chia vào tôi tình cảm mến thương/ Tặng cho tôi món quà tri thức bản địa/ Bền bỉ chảy trong huyết quản nhân sinh/ Thêm hiểu thêm yêu/ Thêm hành trang những góc tâm hồn Việt”, (Sa mộc).

Có thể thấy, “Sa mộc” của Phạm Vân Anh là một thông điệp lớn trong “bữa tiệc” hội nhập hiện nay, khi mà không ít người đã bị “vong quốc” về văn hóa ngay trên quê hương, Tổ quốc mình.

***

Biên cương và sự cống hiến, hi sinh của quân dân biên giới bảo vệ bờ cõi thiêng liêng suốt ngàn năm lịch sử là nguồn cảm hứng chủ đạo trong trường ca Sa Mộc

Trường ca là loại hình văn học có bốn đặc điểm cơ bản: được viết bằng thơ; nội dung lớn, chia thành nhiều phần; chất trữ tình lấn át chất tự sự; cảm hứng ngợi ca trở thành điểm tựa chủ đạo và nhất thiết phải có nhạc điệu...Đọc “Sa mộc” của Phạm Vân Anh thấy rõ hơn chất trữ tình, cảm hứng ngợi ca và tư tưởng của tác phẩm được “thơ hóa” đầy thơ và âm nhạc.

Biên cương trong trường ca “Sa mộc” của Phạm Vân Anh thật đẹp, con người biên cương khí phách không khác gì sa mộc vươn thẳng từ đất, hiên ngang giữa trời. Nhưng cũng rất đỗi bình yên, thân thiện, hữu nghị: "...Những ngôi nhà lẫn vào bông cỏ mật/ Vệt hoàng hôn treo đầu đá trập trùng/ Nơi biên dã có cần chi sổ đỏ/ Vỡ ra điều giản dị/ Họ lặng thầm giữ sổ quê hương" (Sa mộc)

Sổ đỏ” với cư dân đô thị là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã và đang mang lại giàu có cho giới buôn bán bất động sản trong cơn lốc “tiền” hiện nay. “Sổ đỏ” trong “Sa mộc” là thi ảnh, thông điệp về tư tưởng. Không chỉ sa mộc là ẩn dụ của hình ảnh người lính Biên phòng; tác phẩm “Sa mộc” ẩn dụ cho tư tưởng của tác phẩm. Trong tác phẩm này người đọc còn phát hiện ra vô vàn thi ảnh ẩn dụ của một tác phẩm nghệ thuật đích thực.

 “Sa mộc” là một trường ca đậm chất về chất trữ tình. Trong trường ca nà có đầy đủ các loại hình ngôn ngữ kể chuyện, ngữ biểu cảm, đối thoại, ngữ phản tư: "... Ở nơi này tìm thấy một tình yêu/ Trong thế núi dáng sông/ Trong nhà dựng sát nhà, mái kề liền mái/ Trong vầng mặt trời ngày lại ngày giục con gà gáy sáng/ Trong con đường sắc đỏ trải mênh mông" (Sa mộc)

Sa mộc” giàu chất thơ và chiêm nghiệm suy tư. Phạm Vân Anh là một nhà văn trẻ, nhưng qua “Sa mộc” thể hiện giàu nội lực và cảm hứng nghệ thuật. Với “Sa mộc” chị đã góp phần làm hấp dẫn thêm trường ca theo chiều hướng nội tâm hoá, đáp ứng đòi hỏi “nội dung hoành tráng và cảm xúc lớn lao” của văn học nghệ thuật cũng như kỳ vọng của bạn đọc đối với thể loại trường ca./.

NĐH

1. PGS.TS. Cao Thanh Tân: Chiến lược biên cương của Lê Thái Tổ

2.  GS. Lê Văn Lan: Lời "dụ"truyền đời của vua Lê Thánh Tông
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, t.10, tr.608
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, t8, tr.151.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.1985, t. 8, tr.381.

 

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Bồi hồi, thổn thức, bâng khuâng…
Bài viết cảm nhận của nhà thơ Hoa Ngọc Dung
Xem thêm
Bàn về tính lý luận trong các bài giảng của thầy và bài viết của trò hiện nay
Lý luận văn học Lý luận văn học (LLVH) là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong đó bao gồm sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội-thẩm mỹ của văn học, đồng thời xác định phương pháp lý luận và phân tích văn học. Lý luận văn học tồn tại như một môn học độc lập ở một số trường đại học; nó cũng là một phân môn cho sinh viên và học sinh THPT thế hệ trước. Cho dù độc lập hay là phân môn của môn Ngữ văn thì vai trò của LLVH là vô cùng lớn.
Xem thêm
“Lời của gió” - Lời của nước mắt, nụ cười
Tôi may mắn được người anh, người đồng nghiệp quý mến - Nhà thơ, Nhà báo Trần Thế Tuyển gửi bản thảo trường ca “Lời của gió” với tin nhắn giản dị, mộc mạc “Gửi chú đọc và thẩm cho anh”. Đọc thì đương nhiên rồi, nhưng không dám “thẩm”. Mấy lời sau đây tôi viết với tư cách là bạn đọc, là người em của Nhà thơ Trần Thế Tuyển.
Xem thêm
Không gian thiền tịnh và buông xả trong thơ Nguyễn Thị Sơn
Chùm thơ 4 bài: Thiền, Tịnh, Buông, Nhàn của nhà thơ Nguyễn Thị Sơn đã khái quát một không gian thơ mang tính tâm linh cho riêng mình, ở đó mỗi bài đều chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc về tâm trạng và trải nghiệm của con người. Những bài thơ này thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa thiên nhiên và tâm hồn. Mỗi bài thơ là một khía cạnh khác nhau của sự tìm kiếm sự an lạc và bình yên trong cuộc sống.
Xem thêm
Dòng sông tâm thức của Elena trong “Hạt bụi lênh đênh”
Trong những câu chuyện đan xen giữa thể loại tùy bút và truyện ngắn và tôi chọn 7 bài viết trong “Hạt bụi lênh đênh” để nói về “dòng sông tâm thức” của Elena đã trải qua .
Xem thêm
Nỗi buồn trổ bông và tình mẹ trong thơ Nguyễn Minh Ngọc Hà
Nguyễn Minh Ngọc Hà sinh năm 1985 tại vùng đất An Sơn thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nơi đây vốn là chiến khu cách mạng hào hùng trong hai cuộc kháng chiến và là một phần của Vườn trái cây đặc sản Lái Thiêu nổi tiếng. Có lẽ đặc điểm, truyền thống quê hương đã sớm chắp cánh cho hồn thơ của chị. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong đầu cô cựu học sinh lớp chuyên toán của trường trung học phổ thông chuyên Hùng Vương luôn phảng phất âm điệu của thi ca. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng tại trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh rồi vào làm việc tại một ngân hàng lớn chưa bao lâu, như duyên phận đã định trước, Nguyễn Minh Ngọc Hà “rẽ bước”, chọn nghề tự do để có thời gian dành cho văn chương nghệ thuật
Xem thêm
So sánh bài thơ Cây đánh đu của Lê Thánh Tông và bài thơ Đánh đu của Hồ Xuân Hương
ĐÁNH ĐUTám cột khen ai khéo khéo trồngNgười thì lên đánh kẻ ngồi trôngGiai du gối hạc khom khom cậtGái uốn lưng ong ngửa ngửa lòngBốn mảnh quần hồng bay phấp phớiHai hàng chân ngọc duỗi song songChơi xuân đã biết xuân chăng tá?Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật, ngày 22/8/2024
Xem thêm
Nhịp điệu của sức bền
1. Trong nhiều tác phẩm và bài viết trao đổi, Mai Văn Phấn thường nhắc đến quan niệm viết (và sáng tạo nghệ thuật nói chung) như một hành động kiến tạo không gian khác – khác với người khác và khác với chính mình, xem đấy như kim chỉ nam cho quá trình tìm tòi của ông. Đấy là một ý tưởng dễ được chia sẻ (và dễ biến thành các tuyên ngôn to tát) nhưng rất khó để hiện thực hoá, bởi nó buộc người viết phải ý thức đầy đủ về bản chất sáng tạo, biết liên tục đổi mới, hoặc nói cách khác, biết phủ định và tự phủ định. Càng ngày, khi càng đi xa và đạt nhiều thành tựu hơn, Mai Văn Phấn càng thấy rõ áp lực của việc phải khác trong thực hành sáng tạo. Nhưng đồng thời, việc viết trong áp lực (chủ yếu xuất phát từ đòi hỏi của ông với chính bản thân) đã hình thành ở tác giả này một tinh thần và thái độ thực tế mà ta có thể nói đơn giản như sau: muốn viết khác thì phải đọc sâu, đọc rộng. Có lẽ vì vậy, sau nhiều tác phẩm thơ liên tiếp xuất bản trong và ngoài nước, Mai Văn Phấn chọn nhịp bước chậm lại và rẽ sang phê bình với tập Không gian khác (2016) và mới đây nhất, là Nhịp điệu vẽ lối đi (2024).
Xem thêm
Hoa thơm, trái ngọt của lòng yêu thương
Nguồn: Thời báo Văn học - Nghệ thuật số ra ngày 15/8/2024
Xem thêm
Đọc thơ Trần Mai Hường
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần
Xem thêm