TIN TỨC

Sài Gòn thương khó - Sài Gòn hồi sinh

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-10-16 15:49:15
mail facebook google pos stwis
1792 lượt xem

HOÀI HƯƠNG

“Trong nỗi hân hoan phố phường mở cửa

Nhìn kìa, khói bếp

Đến lúc phố thưa lại đầy như xưa

Một cuộc sống mới

Khắp lối tái sinh rạng ngời yên vui…”

(Bài ca tôi hát lần này- Thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương).

Nhà văn Phương Huyền - Ủy viên BCH Hội NV TPHCM trao quà cho người yếu thế trong mùa dịch.

Nghe câu hát có vẻ rất vui sau hơn 120 ngày Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh được mở “phong ấn”, nhưng sao giai điệu phảng phất nỗi trầm buồn man mác, như một khúc bi ca gợi lại ký ức còn “nóng” chuỗi ngày đã qua với bao nhiêu thương khó, bi thống đến gần tận cùng của cảm xúc. Một quãng ngắn trong cuộc đời mà như vừa trải qua một cơn lốc xoáy khốc liệt nhấn chìm cả trăm năm thành phố, cả hơn 300 năm Sài Gòn chưa từng ai bao giờ một lần trải nghiệm, càng chưa khi nào có trong tưởng tượng lại the thắt nhói buốt, ám ảnh đến thế.

Cứ nghĩ rồi sẽ qua nhanh, chỉ là một lần 14 ngày, thành phố sẽ lại bình yên như lần 2 tuần tháng 4/2020. Không ai có thể ngờ, lần quay lại thành phố của virus có hình dáng chiếc vương miện mỹ miều Corona-Covid-19 mang độc dược Tử thần đã kéo dài tới 9 lần 14 ngày, với lực tàn phá siêu cấp, càn quét, hủy diệt, dọc ngang thành phố, không chừa một góc hẻm nào, chỉ cần đi qua là tất cả nơi đó như hóa thạch, đóng băng, lạnh lẽo và cô đơn.

Nhà tôi nằm ở con phố nhỏ, trong chung cư cũ theo kiểu Pháp có tuổ trên 70, nằm chung lưng với bệnh viện đa khoa Sài Gòn cũng ở tuổi 82, có cái cổng nhỏ hay được các cô dâu chú rể làm bối cảnh chụp hình kỷ niệm…, giữa hai đại lộ xưa có tuổi trên trăm năm là Hàm Nghi và Lê Lợi. Phố khá yên tĩnh, mang vẻ đẹp có phần hơi xưa bởi hàng cây xanh và vài kiến trúc từ thời Pháp vẫn lưu dấu, như khu nhà Sở Hỏa xa Sài Gòn của Công ty hỏa xa Đông Dương từ năm 1914 nằm ngay đầu đường, Đặc biệt cuối phố, ăn thông ra đại lộ Nguyễn Huệ, lại mang không khí đầy hào nhoáng, là một không gian của ánh đèn màu rực rỡ từ các tòa nhà cao tầng lộng lẫy, của hội hè vui chơi, nhộn nhịp mua sắm…

Dịch bệnh Covid-19 tràn vào thành phố, bệnh viện trở thành bệnh viện thu dung chữa trị Covid-19, con phố nhà tôi không còn yên bình như vốn có, mà khá ồn ào chỉ với một âm thanh đơn sắc đầy ấn tượng, nghe muốn xé ruột gan - tiếng còi xe cứu thương, đầy thắc thỏm lo âu. Có lẽ suốt đời tôi không thề quên mùi nhang loại tẩm hóa chất hắc nồng được cắm từng bó to ngay dưới gốc cây truớc bệnh viện, từng làn khói theo gió là là bay ngang phố, chùng chình dưới tán lá mãi không tan. Hơn 2 tháng trời, thở cũng không dám thở sâu, trái tim nặng trĩu, nhịp đập hình như chậm hơn, giữa trưa, trời nắng mà thấy lành lạnh, hoang vắng, buồn thao thiết.

Vâng! Riêng TP Hồ Chí Minh, trong 4 tháng dịch bệnh đã có hơn 18.000 người đi về nơi miền xa, bỏ lại khoảng trống vắng vĩnh viễn không gì bù đắp trong gia đình, người thân, bè bạn. Và con số hơn 1.500 trẻ em trong chớp mắt trở thành mồ côi, không còn được vòng tay yêu thương ấm áp của cha mẹ ấp ủ, chăm sóc, nghe mặn đắng xa xót, cảm thương trào nước mắt thương đau. Những con số như một vết dao cứa sâu, một vết thương bi thiết ăn sâu vào tâm khảm của hơn 10 triệu người ở Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, ám ảnh biết bao mảnh đời, phận người  thành phố trong những thời khắc thảm họa dịch bệnh hoành hành.

Ai từng nghĩ một ngày, có những cuộc “qui hương”, “về nhà”, một sự chuyển dịch đầy thương khó trên dặm đường thiên lý của hàng triệu dân lạo động nhập cư thành phố? Sài Gòn từ trước tới giờ là miền đất hứa, không chỉ là thành phố hoa lệ, mà đây là đất lành, lòng người bao dung, tình người trượng nghĩa, dễ sống dễ kiếm tiền, trăm con sông, ngàn con suối, vạn ngôi làng, triệu mảnh đời…, muốn đổ về, muốn tìm đến, dừng đậu lại, mong ưóc đổi đời, khát khao tạo dựng, thỏa chí vẫy vùng, đơn giản hơn là kiếm sống.

Đắng đót nhìn dòng người từ trong thành phố nhao nhác, rối bời bời, xuôi Nam ngược Bắc trong cơn mưa mùa trắng trời, gió lạnh se sắt. Những ánh mắt nuối tiếc ngoái nhìn lại, những giọt nước mắt nhọc nhằn cứ đọng đầy níu kéo… Biết là đau mà đành phải dứt tình, biết sẽ khổ muôn vàn lần hơn nhưng nhắm mắt chấp nhận, đã ráng cầm cự qua mấy tháng giữa no - đói bấp bênh, giữa sinh - tử - bệnh tật thấp thỏm, thôi thì về quê, về nhà, ở lại thành phố, lo âu cũng đủ héo hắt cả người. Những thiện lành từ tâm của người Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh giúp nhau giữa mùa dịch như những đốm lửa ấm áp tình người giữa lúc nguy nan, nhưng rõ ràng không đủ sức neo lại. Nỗi buồn đau miền đất hứa  trở thành ký ức nhọc nhằn khắc vào đường đời.

Tạm xa thôi nha! Mong hẹn gặp lại Sài Gòn! Tôi chỉ biết lặng lẽ nhìn dòng người gửi thầm câu chào, câu hẹn, và nguyện cầu cho họ bình an trở về nhà.

Hơn 120 ngày đã qua như trong cơn ác mộng, để một bình minh ngày mới, thấy  thành phố chuyển động trong nắng mai  với những âm thanh quen thuộc như vốn có. Lướt qua dòng người trên đường, cho dù gần như bao bọc kín mít, nón kính, khẩu trang, áo choàng, nhưng vẫn gặp những ánh mắt lấp lánh vui nhìn nhau, mừng bình an dù không biết nhau. Và ở tòa nhà Liên hiệp hội VHNT TP Hồ Chí Minh, những cuộc gặp gỡ mừng tủi trào nước mắt, không tay bắt, không ôm nhau, chỉ là cái đụng tay khe khẽ, mà thấy xốn xang “vui sao nước mắt lại trào”. Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP thì tất bật lo ngay việc tổ chức chấm chung khảo cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam”, nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội thì kể câu chuyện phải trả tiền gấp đôi cho một dịch vụ nhỏ mà vui như bắt được của. Và rồi cái câu nói quen mà tự dưng như mới: “Hôm nay ăn gì”, cũng làm mọi người bất chợt khoảnh khắc chùng xuống.

Chắc chắn năm tháng sẽ qua đi, những cam go, khốc liệt, khổ đau, mất mát…, do đại dịch sẽ dịu dần và chỉ còn trong một trang lịch sử thương khó của thành phố hơn 300 năm. Cho tới hôm nay, ngày 10/10, những con số buồn ngày càng giảm sâu, những con số vui ngày càng tăng mạnh, mang đến nguồn hy vọng thật nhiều cho sự hồi sinh của thành phố. Thành phố sẽ từng bước cẩn trọng trong “bình thường mới” để mở cửa, để phục hồi, để kiến tạo lại, đưa thành phố “bình thường” như trước, dù biết rằng nỗi đau vẫn sẽ âm ỉ dài trong một góc ký ức người thành phố, khó có thể quên, không thể nào bỏ sang bên như chưa hề có những thương đau cứa vào tim.

Trước đã yêu Sài Gòn.

Trong mất mát yêu  hơn Sài Gòn

Qua thương khó càng yêu Sài Gòn

Và càng tin Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh sẽ hồi sinh mạnh mẽ.

(Bài đăng Thời Nay – báo Nhân Dân, 14/10/2021).

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm