- Lý luận - Phê bình
- Tạ Ký, nỗi buồn ở lại
Tạ Ký, nỗi buồn ở lại
HUỲNH VĂN HOA
Thủ bút của Tạ Ký
1. Tạ Ký sinh năm 1928 (Mậu Thìn) tại làng Trung Phước, huyện Quế Sơn (nay là huyện Nông Sơn), tỉnh Quảng Nam. Làng Trung Phước nằm trên hữu ngạn con sông Thu Bồn, là một vùng có nhiểu núi non, từ đây càng tiến về phía tây thì càng đi vào vùng rừng núi cao. Phong cảnh vùng này hữu tình, đồi núi quê ông là nơi Bùi Giáng đã đi chăn dê, hai chàng thi sĩ đất Quảng xuất thân cùng một làng, thậm chí nhà ở cùng một xóm với nhau.
Tạ Ký làm thơ tử thuở còn học tiểu học cho mãi đến những năm cuối của đời mình. Cuộc đời Tạ Ký gắn liền với thơ, cũng như với việc dạy học. Năm 1970, Tạ Ký xuất bản tập thơ Sầu Ở Lại, đã đoạt giải thơ của VNCH, tập thơ thứ nhì Cô Đơn Còn Mãi ra đời năm 1973.
Cuối năm 1978, Tạ Ký từ Sài Gòn đi về sống ở An Giang và đã qua đời trong cô độc tại đây vào tháng Ba năm 1979.
Sau khi qua đời, an táng tại An Giang, sau đó thân hữu và gia đình cải táng, đưa về Nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức, vào đúng ngày Thanh Minh, năm Tân Tỵ (ngày 5 tháng 4 năm 2001), nằm gần phần mộ Bùi Giáng, nhà thơ cùng quê, cùng thời, người mà từ thưở thiếu thời từng có những ngày cùng chăn dê nơi núi rừng Trung Phước, Trung Lộc, Cà Tang,...
Tạ Ký tin và yêu cuộc đời, bao giờ cũng nghĩ những điều tốt đẹp đối với người thân, bạn bè. Thơ ông bàng bạc thứ ngôn ngữ của tình yêu. Có cảm tưởng, trong thơ, tiếng nói chân thành, hồn hậu lẫn khuất tâm sự ẩn trong từng bài thơ. Con người ấy bao giờ cũng trung thực với người và với mình.
Trong đời, Tạ Ký có những ngày tháng hết sức buồn bã, nhất là vào những năm tháng cuối đời. Khi in Sầu ở lại, lấy ý từ một câu thơ của Huy Cận trong bài Bi ca: "Tình đi mau, sầu ở lại lâu dài". Tập thơ như dự cảm một phía trước gập ghềnh, bi thương, cay đắng. Chút tình chẳng ở lại lâu, đi mau quá ! Nỗi buồn ở lại, vương vấn trên những vần thơ sầu thương.
Cao Thế Dung nhận định về thơ Tạ Ký: Tạ Ký hiện diện như một nhà thơ của đau xót, trữ tình... Tạ Ký đứng riêng rẻ. Con đường ông đi cũng âm thầm như tiếng thơ ông song vẫn là sự lan rộng trong cái âm thầm yêu dấu của Quê Hương. Thơ ông đặc biệt Việt Nam (Văn học hiện đại, Thi ca và thi nhân, NXB Quần Chúng, Sài Gòn, 1969, trang 107, 108).
1. Tạ Ký và tâm tình quê hương
Thơ Tạ Ký trong giai đoạn đầu vào những năm cuối 40 đầu những năm 50, một thế hệ lớn lên từ sau 1945, mang tâm tình đất nước. Trên Giai phẩm Quảng Đà, 1972, bài thơ Gánh gạo qua đèo trong trẻo, đượm tình xứ sở. Những địa danh quen thuộc của Quế Sơn, Thăng Bình, Hòa Vang, những hình ảnh đèo cao, đá dựng, đêm dày ngủ núi, ánh lửa chập chờn, lũy tre xanh, trăng sáng ngập trời:
Trăng sáng đèo Le
Mây che Giảm Thọ
Dầu cho mưa gió
Không bỏ được đèo
Đường thì đá dựng cheo leo
Tình anh cả gánh anh trèo núi non
Thương nhau mấy dép cũng mòn
Nhớ nhau thức những đêm tròn gánh đi
... Gạo đi, nuôi chí căm hờn
Chừ đây gánh gạo quý hơn gánh vàng
Núi rừng che khuất Hòa Vang
Nơi nao Phú Tứ xóm làng vắng hiu
Dừng chân mở gói cơm thiu
Uống sơ nước suối, sợ chiều đổ nhanh
Anh ở Quế Sơn
Anh ở Thăng Bình ...
Mỗi lần trong lệnh trong làng
Anh đi gánh gạo quên đàng xa xôi
Đêm nay trăng sáng ngập trời
Qua đèo gió lạnh quen hơi núi rừng.
Cũng như Tường Linh, Tạ Ký yêu làng quê Trung Phước với tình cảm sâu nặng. Những tên đất, tên làng, tên sông, tên núi đầy thương nhớ đi vào thơ:
Trung Phước ơi, sông sâu dài uốn khúc,
Tình cheo leo cao vút một con đèo,
Núi Chèo Bẻo vươn mình trong khói đục,
Hòn Cà Tang thương nhớ vọng tình theo...
(Trung Phước ơi)
Tạ Ký có những dòng thơ cảm động viết về mẹ, về quê hương. Hình ảnh người mẹ ở chốn quê, sống với lúa vàng, cau xanh, bao đêm thương nhớ con, có em Ngọc hàng xóm, sắp lấy chồng có sang chơi ? Cha vẫn ngâm nga khúc viễn hành ? Thương nhất những câu thơ chân chất, dân dã:
Thuở ấy cầm tay mẹ dặn dò:
Phố phường không phải dễ chi mô!
Và đôi mắt mẹ rưng rưng lệ,
Đôi mắt bây giờ chắc héo khô!
Thân nghèo nhiều lúc không vui lắm,
Nhưng chẳng bao giờ con ước mong
Một cuộc đời như thiên hạ ước,
Bởi vì còn chuyện đục hay trong.
Nói mãi rồi ra cũng thế thôi,
Núi sông cách trở mấy năm rồi,
Con mong nếu bắt thư này được
Thì mẹ cho con biết ít lời.
(Thư gửi mẹ)
Xa quê, xuân về, lại nhớ mẹ, "đầu xuân con biết mẹ đang buồn". Chiến tranh, quê nghèo, nơi đó: Ra đi từ dạo mùa cam chín / Đã mấy mùa cam con chửa về / Tóc mẹ hoa râm, nay bạc trắng / Vô tình trước ngõ trắng hoa lê / Có những đêm buồn con phát khóc, / Nhớ xưa tết đến dậy mai vàng / Tha hương thân bé còn lăn lóc / Mỗi độ xuân về mỗi dở dang / Quê nhà hoang vắng ra sao mẹ ? (Bức thư đầu xuân).
Cảnh giao thừa giữa phố phường đông đúc, một kẻ không nhà, xa xôi mòn gót nơi đất khách quê người, cảm thương thân phận:
Thẩn thơ đón lạnh giữa đường
Núi xa trùng điệp, cố hương khuất rồi!
(Giao thừa giữa phố)
2. Tạ Ký, giai điệu trầm lắng
Dần về sau, Tạ Ký chọn hướng đi riêng, vừa mang tâm hồn phương Đông vừa thao thức những nỗi niềm thế sự. Các cung bậc tình yêu phả lên hồn thơ Tạ Ký những giai điệu trầm lắng.
Tạ Ký, cảm khái cuộc đời của những nhân vật trong Truyện Kiều: Thúy Kiều, Thúy Vân, Từ Hải.
Với Kiều, người con gái tài hoa bạc mệnh, có nhan sắc và tài năng hơn người nhưng phải chịu một cuộc đời truân chuyên, chìm nổi suốt mười lăm năm trường. Kiều là hiện thực của nỗi đau khổ khôn cùng của con người trong xã hội phong kiến. Số phận nghiệt ngã, đầy bi kịch, bất hạnh nối tiếp bất hạnh. Hạnh phúc ngỡ như đến với nàng, rồi vuột khỏi tầm tay.
Như bao thi sĩ khác, Tạ Ký đồng cảm với thân phận nàng Kiều qua bài thơ Đoạn trường gợi lại. Mười sáu câu thơ đẫm đầy nước mắt, gợi lại những năm tháng buồn bã của đời Kiều:
Bước chân nào nặng phù du,
Ngón tay nào thắt sầu tư trói hồn.
Cô đơn rồi vẫn cô đơn,
Bốn mươi thu đó đòi cơn đoạn trường.
Sông xa bãi cát vàng hanh,
Đìu hiu bến vắng, mong manh sương chiều.
Mười lăm năm giấc mộng vèo,
Bốn dây nhỏ máu xuôi theo Tiền Đường.
Từ em lần lữa lầu xanh,
Cuộc say đầy tháng, tàn canh, vẫn thừa.
Chừ đây bên cạnh người xưa,
Nửa đêm tái ngộ nghe mưa cuối trời.
Mà thôi, đàn kiếm giang hồ,
Trở về cát bụi, cơ đồ ngả nghiêng.
Say đến khóc, cười như điên,
Ngàn xưa đọng lại một thiên não người!
Cái hay của bài thơ là những hình ảnh về cô đơn, là tiếng đàn rỏ máu, là dòng nước Tiền Đường, là thân trói lầu xanh, là cuộc say đầy tháng, là đêm mưa cuối trời khi gặp lại người xưa, là Từ Hải với đàn kiếm giang hồ, khóc cười điên đảo, cuối cùng, vẫn chỉ "một thiên bạc mệnh lại càng não nhân".
Tạ Ký đồng cảm với đời Kiều, cũng say, cũng khóc. Tạ Ký - một cuộc đời cũng mong manh sương chiều, đìu hiu nơi bến vắng: Bốn mươi thu đó đòi cơn đoạn trường.
Với nhân vật Thúy Vân, Tạ Ký không đi về phía vẻ đẹp quý phái, hài hòa với thiên nhiên, "mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da". Ông nghiêng về những dòng đời bất hạnh của Thúy Vân. Chỉ bốn câu, ba dấu hỏi (ấy chi ? / làm gì ? ai ?), tạc dựng chân dung nàng:
Còn em chén cúc tàng tàng,
Cuộc vui nói tiếng đoạn tràng ấy chi ?
Thưa rằng: cũng chẳng làm gì ?
Ai mê dáng chị mà vì duyên em?
(Thúy Vân)
Những câu thơ cũng dự báo một cuộc sống không bằng phẳng, chẳng bình yên, thiếu hạnh phúc của Thúy Vân.
Còn đây là Từ Hải, nhân vật mà Nguyễn Du gọi "anh hào", "đại vương", "anh hung", "đấng anh hùng" và gửi gắm bao tình cảm vào con người dọc ngang, khí phách, ngang tàng, khẳng khái, nghĩa khí, đậm chất nghệ sĩ, khiến ta yêu, ta quý, đúng như nhà thơ viết:
Nghe rằng dậy lửa đao binh,
Đoạn trường ngay thuở thân nghênh cửa ngoài.
Mặt trăng lơ lửng non đoài,
Mà hồn lơ lửng với loài thảo hoa
(Từ Hải)
Thêm một lần Tạ Ký làm ta yêu hơn Từ Hải, một biểu tượng của ước mơ và hạnh phúc, của tự do và công lý, của mảnh trăng treo lơ lửng nơi non đoài, sáng một góc trời, cùng sánh với thảo hoa đầy hương sắc.
Có khi, ngẫm thân thế: Bể Nam chim chẳng theo chiều gió / Nhịp sóng trùng dương vẫn thở than, Tạ Ký nhớ Nguyễn Du: Bất tri tam bách… ngàn năm nữa / Tiếng thở than còn nguyên thở than! / Một bước chân người qua trước cửa, / Rồi xa, xa mãi chẳng dư vang (Một mình). Có quá nhiều "tiếng thở than" trong một bài thơ ngắn. Lại có khi nhìn mình qua thân phận Kiều:
Mười lăm năm: một Kiều nhi,
Ba mươi năm hỏi làm chi bây giờ?
Tâm tình: lỗi một đường tơ,
Thế tình: loạn giữa hai bờ lợi danh,
Nhân tình: khi rách, khi lành,
Thì trang tình sử lại đành dở dang.
(Thì trang tình sử…)
Cả tâm tình và nhân tình đều lỗi đường tơ, đều đành dang dở. Tạ Ký đồng cảm với Kiều, với Nguyễn Du, trải lòng qua từng trang tình sử.
3. Tạ Ký, nghĩa tình bằng hữu
Tạ Ký có nhiều bài thơ tặng bạn bè như tặng Cao Thế Dung (Dâng, Ngõ lạc), Thế Viên (Viết trang tình sử), Phạm Công Thiện (Anh cho em mùa xuân), Bùi Giáng (Dáng xưa), Cam Duy Lễ (Đếm sao), Huy Trâm (Bài thơ cuối mùa), Tôn Thất Trung Nghĩa (Buồn như, Em chỉ trả lời), Tạ Hồng Nguyện (Thư gửi mẹ), Hoài Khanh (Giao thừa giữa phố), Nguyễn Liệu (Thế hệ bốn lăm), Lê Sử (Lại một bài thơ tâm tình), Phổ Đức (Hẹn một ngày mai), Trương Đình Ngữ (Xuân về thương nhớ với ai đây?, ...
Thơ tặng bạn thể hiện tình cảm nồng ấm, chân tình. Trong các nhà thơ ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, Tạ Ký là nhà thơ có nhiều thơ tặng bạn. Thơ tặng bạn nằm trong truyền thống thi ca phương Đông. Đó là Hoàng Hạc lâu Tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng của Lý Bạch, Đông nhật hữu hoài Lý Bạch, Xuân nhật ức Lý Bạch của Đỗ Phủ, Đông dương tửu gia tặng biệt của Vi Trang, Nam hành biệt đệ của Vi Thừa Khánh, Hữu nhân dạ phỏng của Bạch Cư Dị, ...
Tạ Ký, qua thơ, dễ thấy rằng, thi sĩ đã phổ tâm tình của mình vào những không gian, cảnh vật như bài Tôn Thất Trung Nghĩa: Từng đêm chợ Đũi đẫm sầu / Ly la-ve đổ gội đầu tóc xanh / Người sơn dã lạc kinh thành / Ngả nghiêng đáy cốc độc hành trong đêm. Bốn câu lục bát nói lên nỗi sầu ở buổi tóc xanh, như người hoang dã của núi rừng, lạc giữa kinh thành, một mình đi trong đêm, ngả nghiêng, chênh choáng đáy cốc.
Xuân về thương nhớ với ai đây? tặng Trương Đình Ngữ là bài thơ xuân đầy tâm trạng. Bài thơ mở ra chân trời đầy nỗi niềm. Năm tháng dằng dặc những dang dở, giang hồ vẫn trắng đôi tay, đất trời ngày mai chỉ còn là cuộc hẹn, xuân vẫn còn xuân với đọa đày. Một câu chuyện tâm tình không biết tỏ cùng ai. Hiên người hoa lại nở. Năm tháng cầm bằng một cơn say. Không gian tâm tưởng. Thời gian tâm trạng, một mùa xuân:
Đâu đây nhạc rót mừng xuân mới, / Không hiểu thương ai nước mắt đầy ! / Nhà trống tha hồ mơ mộng đến / Tiền đâu mua lấy nửa cơn say / Thơ chẳng ai yêu, rồi cũng vẫn / Đêm đêm nằm tính chuyện tương lai / Cố tri dăm đứa nghèo xơ xác / Ăn chực nằm chờ khắp đó đây / Tán gẫu, cười suông, ngâm lạc giọng / “Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây” / Thuốc chưa hết điếu mà cay mắt / Tình chủng muôn đời vẫn đắng cay / Xuân bỗng tưng bừng trên má thắm / Xuân về thương nhớ với ai đây ?
Bài thơ cuối mùa tặng Huy Trâm, một bài thơ tình, như tác giả viết: Không vui từ dạo mới quen nhau / Ngày tháng buồn tênh vẫn lướt qua, để rồi: Mùa cuối, năm tàn, yêu nữa thôi ? / Kìa em, vừa thoáng ánh sao rơi / Đợi khi lòng đất đưa tay đón /Ta sẽ dần quên chuyện đổi dời.
Thơ tặng bạn thường mang tâm trạng chia lìa, không gian ít khi hòa điệu với con người, tiêu biểu là Sầu ở lại. Chén rượu không vơi nỗi đoạn trường, ngồi bên nhau, vẫn dòng lệ chứa chan:
Đời lỡ nhúng sầu bên cốc rượu
Mượn vui bè bạn sống qua ngày
Đoạn trường hơn cả thân ca kỹ
Cơm áo làm quên chuyện nước mây
Năm cùng tháng tận đời hoang vắng
Bên quán ngờ đâu lại gặp mầy
Gọi để mừng nhau khi hội ngộ
Thì xin hãy cạn chục ly đầy
Quàng vai tìm chút dư hương cũ
Nhắc đến hằng trăm chuyện đổi thay
Nhắc đến những thằng nay đã chết
Những thằng đang sống kiếp trâu cày
Bạn ơi nước mắt mình tuôn chảy
Ngồi nhậu bên đường ta khóc đây.
Chén rượu, ly rượu, hình ảnh thường thấy trong thơ Tạ Ký. Rượu đi đôi với sầu, với nỗi buồn: Buồn như ly rượu cạn / Không còn rượu cho say / Buồn như ly rượu đầy / Không còn một người bạn / Buồn như buồn như thế / Buồn như một kiếp người / Ðây cõi lòng quạnh quẽ / Buồn như đoá hoa rơi !” (Buồn như).
Có và không. Không và có. Rượu không vơi niềm cô đơn:
Có rượu nhiều không mà say đêm nay?
Có tiếng giai nhân cười vang đường dài?
Cô đơn từng bước lê trong tối,
Có hoa nào không mà anh đưa tay?
(Em chỉ trả lời)
4. Tạ Ký, những trang tình sử
Tạ Ký viết nhiều thơ tình. Như một Nguyễn Bính trong Chân quê, Tạ Ký trong Viết trang tình sử, tặng Thế Viên, về tình cảm đối với cô gái Huế của "xứ mộng, xứ mơ", thẹn thùng khi nhắc chuyện chồng con, nhưng rồi:
Giận mình chưa đạt lời nguyền,
Anh không mong được chung thuyền ấy đâu.
Khi mô người bỏ cau trầu,
Cho anh biết để ủ sầu lên men,
Để anh vặn nhỏ ngọn đèn,
Viết trang tình sử cùng tên một người.
Trong thơ, Tạ Ký bộc lộ tâm tình: “Hỡi Thượng Ðế, suốt đời con đơn chiếc,/ Ði vu vơ như lạc nẻo Thiên Ðường,/ Thân cát bụi chẳng còn chi hối tiếc,/ Nhưng lòng riêng khao khát chút Tình Thương.” (Đêm giáng thế). Nhà thơ mãi đi tìm… “Tôi biết nói gì khi ta quên nhau?/ Tôi biết muốn gì, trời còn mưa mau / Em vẫn là em, xưa kia tuy khác / Tôi hết là tôi, chừ đây cúi đầu / Tôi lại say rồi, ngả nghiêng, ngả nghiêng / Nhạc cuồng gào lên, nhạc cuồng không tên...” (Cúi đầu)
Ngày đầu của tình yêu, có suối biếc, có hoa rừng, có cỏ cây: Đó là ngày vừa mới được quen em. Rồi theo thời gian, những câu thơ thật buồn: Ngày mái tóc không còn xanh được nữa / Ngày đôi tay thôi dệt mộng phù hoa / Thì em sẽ vì anh mà mở cửa / Trông lên trời, đếm những điểm sao xa (Đếm sao).
Trong tình yêu, Tạ Ký dự cảm những điều sẽ đến: Nước trong vắt coi chừng đau sỏi cuội / Em của anh chừ, ai của ngày mai ? / Trong tiếng gió, nghe chừng hoa trách móc / Hương dù bay, lòng gió vẫn vương hương / Trong tiếng suối, nghe chừng hoa muốn khóc / Suối dù tuôn, hoa vẫn đẹp như thường! (Đếm sao). Cớ gì có những ngôi sao xa xôi, ngồi đếm trong những ngày đang yêu !
Đọc kỹ thơ Tạ Ký, vẫn thấy nỗi niềm lắng trong những câu thơ, đầy tâm trạng. Giữa dòng vui cũng lắm câu buồn. Nỗi buồn thế sự phả vào chuyện tóc tơ:
Ta vẫn chờ em héo cả thơ,
Đèn khuya đêm trắng nẻo tương tư.
Tóc tơ có kẻ ngàn năm hẹn,
Ai hẹn ngàn năm chuyện tóc tơ?
Từ thuở quen nhau, rồi cách biệt,
Lòng nghe còn nặng chuyện tang thương,
Mà dâu bể dậy từ chinh chiến,
Từ thuở trên đầu tóc điểm sương.
Sơ nguyện, một bài thơ, một tình sử, tặng Tuyết Hồng, những đóa tình của một thời xuân, song:
Mong manh mong manh,
Nửa chiều sơ nguyện.
5. Tạ Ký, đời không như thơ
Tạ Ký có tập Sầu ở lại, đúng như tiên cảm về cuộc đời. Đời không vui nên sầu ở lại. Tạ Ký là kiểu người phong trần, kiêu bạt, phóng túng, đậm chất Quảng. Khi đã tỉnh rượu, từng mảnh con hy vọng / chìm trong đêm sâu dày, thấy mình:
Có ai ngồi trong xó
Hát khúc hoàng-hôn-ca?
Tuy bóng chiều chưa đổ,
Đầy những mặt dơi già!
(Khi tỉnh rượu)
Có một bài thơ mang chút ai oán, ngậm ngùi thân thế, bài có tên HOÀI, chỉ một chữ, chứa chan tâm trạng từ buổi còn mơ nguyệt mái Tây, rồi gió đổi chiều xoay hướng:
Từ dạo tay không mơ nghiệp lớn,
Sử kinh qua một tiếng than dài!
Trường thành vạn dặm rêu xanh đá,
Thắng những ai mà bại những ai?
Đình trưởng một phen trời ngó lại,
Múa gươm trên mộ kẻ anh tài!
Hỡi ơi những chuyện ngàn xưa ấy
Chép miệng mà nghe thấm đắng cay!
Một giấc hoàng hoa chưa chắc tỉnh
Nửa ly hoan ngộ lấy gì say
Ai mài kiếm rỉ, ai nâng chén?
Cửa sổ chiều chiều mây trắng bay.
Có nỗi buồn lan tỏa trên nhiều câu thơ của Tạ Ký. Rượu không giải tỏa hết nỗi sầu: Ngày xưa dặm liễu xanh còn xanh/ Ngày xưa trang thư thêm trang tình / Ngày nay một phút vô tư mất / Ngày nay một phút buồn mông mênh (Em chỉ trả lời, tặng Tôn Thất Trung Nghĩa)
Nhớ Tạ Ký, nhớ những câu thơ viết về quê quán cũ, xin chút nắng ấm, sưởi một linh hồn nho nhỏ:
Mùa hy vọng thắp đôi hàng nến đỏ,
Chép bài thơ thương nhớ giữa kinh thành.
Ôi yếu đuối một linh hồn nho nhỏ,
Chỉ mong ngày nắng ấm ngọn cau xanh.
(Trung Phước ơi!)
Tháng 8 năm 2022.