TIN TỨC

Tấm lòng với đồng đội

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-05-07 15:46:34
mail facebook google pos stwis
769 lượt xem

CUỘC THI "ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA"

HÀ AN

Hơn Chục Năm Nay, Cựu Chiến Binh Nguyễn Tiến Đãi Và Đồng Đội Trực Tiếp Tìm Kiếm, Kết Nối Thông Tin Xác Minh Đối Chiếu Giữa Hồ Sơ Với Phần Mộ Trên 1.000 Liệt Sĩ, Trong Đó Hơn 300 Liệt Sĩ Được Gia Đình Đưa Vào Nghĩa Trang Liệt Sĩ Và Về Với Quê Hương.

Mệnh Lệnh Từ Trái Tim

Cũng như bao lớp thanh niên ngày ấy, chàng thanh niên Nguyễn Tiến Đãi nghe theo tiếng gọi của chiến trường… tình nguyện gác bút lên đường nhập ngũ khi tuổi đời chưa tròn 18. Vào chiến trường chiến đấu cho đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc. Đất nước thống nhất chưa được bao lâu, tiếp tục tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Tốt nghiệp đào tạo từ Học viện Lục quân Đà Lạt, ông sang làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia trong đội hình Mặt trận 579, về nước công tác ở Phòng Tác chiến Quân khu V cho đến khi nghỉ hưu. Do đặc thù của chuyên ngành ông đã đi đến hầu hết các huyện thuộc 11 tỉnh trên địa bàn Quân khu V.

Danh tính, phần mộ của liệt sĩ đang ở đâu? Câu hỏi ấy như những vết thương hằn trên chính cơ thể của các ông. “Đồng đội của chúng mình còn nằm lại ở đâu, khi chưa tìm thấy và kết nối được với thân nhân của họ thì chúng tôi chưa được phép nghỉ ngơi”. Các anh vận dụng “Sức mạnh tổng hợp” của từng thành viên trong từng hoàn cảnh để trợ giúp TNLS với tiêu chí “Việc làm phải cụ thể – thiết thực, cách làm phải thận trọng – tỷ mỷ – chính xác”. Ngầm chia việc cho nhau không cần văn bản, nhưng phối hợp rất nhịp nhàng đến từng chi tiết, tận dụng thế mạnh của từng người ở các vùng miền, cương vị, kinh nghiệm công tác của các thành viên trước đây đã từng chiến đấu, sinh sống để khai thác thông tin có hiệu quả. Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Tiến Đãi từng công tác ở Phòng Tác chiến Quân khu V, nên ít nhiều đã tích lũy được kinh nghiệm về bản đồ, địa hình, phiên hiệu, ký hiệu đơn vị, thời gian và vị trí đóng quân… nên khi tiếp xúc, xác minh đối chiếu các thông tin trong hồ sơ của liệt sĩ và phần mộ ở thực địa có nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, các thành viên khác cũng rất am hiểu địa bàn, lịch sử truyền thống, địa giới – tổ chức hành chính của các địa phương, vì phần lớn họ đều đã trải qua công tác chỉ huy hoặc trực tiếp chiến đấu trên chính những nơi có liệt sĩ hy sinh đang cần tìm. Phối kết hợp tốt với các cơ quan, đơn vị làm công tác chính sách trong và ngoài quân đội, với CCB, cựu du kích, các nhân chứng, các tổ chức đoàn thể nên đi đến đâu cũng đều được tin tưởng, ủng hộ về cách làm, được tạo điều kiện tốt nhất có thể cho TNGĐ liệt sĩ. Vì vậy, TNLS ở mọi miền luôn coi các anh là một địa chỉ tin cậy, từ khắp nơi tìm về để liên hệ được hỗ trợ tìm kiếm người thân.


Đưa hài cốt liệt sĩ về đất Mẹ.

Những Bước Chân Không Mỏi

Trong máy tính của CCB Nguyễn Tiến Đãi luôn lưu trữ phần mềm danh sách hàng chục nghìn liệt sĩ hy sinh ở các chiến trường cùng các thông tin hỗ trợ khác. Với vai trò là Phó ban liên lạc truyền thống của Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu 5, hàng năm đã cùng Ban liên lạc tổ chức đưa đón CCB của đơn vị cũ về thăm lại chiến trường xưa, thăm các địa chỉ đỏ trên mọi miền đất nước… Vận động từ nhiều nguồn để có kinh phí hỗ trợ các CCB nghèo có hoàn cảnh đặc biệt, góp phần nâng cấp tôn tạo nhà bia tưởng niệm khắc tên 140 liệt sĩ của đơn vị đã hi sinh ở Hốc Thượng, Quế Trung, Nông Sơn (Quảng Nam).

Xem trong nhật ký đi tìm đồng đội của các anh mới thấy rằng, dấu chân các anh có mặt trên mọi miền Đất Quảng: “Ngày… tháng… năm… cuối ngày thứ ba trong hành trình, chúng tôi đã hỗ trợ thân nhân liệt sĩ Phạm Hồng Phủ, quê Lâm Thao (Phú Thọ) đến được nơi cần đến, gặp được những người cần gặp”. “Ngày… chúng tôi đến di tích lịch sử “Hang ông Tân” ở thôn Tam Hòa, Sơn Thành (Quế Sơn), nơi đây là Sở chỉ huy tiền phương Sư đoàn 711, Quân khu 5, Sở chỉ huy Trung đoàn 31 trực tiếp chỉ huy tiêu diệt căn cứ Cấm Dơi tháng 8/1972”. “Ngày nay, chúng tôi đến Bệnh xá Tiền phương Sư đoàn 711 còn in nhiều vết tích bom đạn trong chiến tranh”. “Qua 4 ngày, hành trình tìm kiếm liệt sĩ Nguyễn Văn Thơ, Hải Dương hi sinh tại Khu nhà in ở chân núi Hòn Tàu (tiếp giáp Hậu cứ các đơn vị trên hướng Mặt trận 4, Quảng Đà) trong điều kiện thời tiết nắng nóng vô cùng khắc nghiệt cộng thêm địa hình hiểm trở của núi rừng Hòn Tàu nhưng “Tìm anh không biết mộ nào/Phải chăng anh đã hóa vào cỏ cây/Gió ơi, đưa khói hương bay”…

“Mừng quá, vừa kết nối được với gia đình thân nhân liệt sĩ Vũ Duy Quang ở Kim Bảng (Hà Nam), anh hy sinh năm 1971. Sau gần 50 năm, hôm nay chị gái 85 tuổi mới nhận được tin phần mộ em trai yên nghỉ”; “Báo cáo với các anh liệt sĩ: ngày hôm nay là một ngày cực tốt hết sức may mắn đã kết nối thông tin mộ liệt sĩ đến với 4 gia đình và xác thực cho 1 liệt sĩ bị thiếu thông tin”; “Chuyến đò cuối cùng từ 22 giờ gửi tin đến 22 giờ 40 trong ngày kết nối được với thân nhân gia đình liệt sĩ quê xã Tân An, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đã nhận được tin vui mộ liệt sĩ Nguyễn Minh Bộ được an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Bình Sơn, Hiệp Đức”; Đã xác định được bản vẽ là vị trí đóng quân của Tiền phương Đoàn 565 trên hướng Khu 5”; “Thông tin tìm người thân của liệt sĩ Hứa Viết Lầy đã được xác nhận thuộc xóm Phúc Lẩm, Tiên Hội, Đại Từ (Thái Nguyên), một ngày gần đây người thân của liệt sĩ sẽ vào thăm viếng mộ”; “Chuyến đò tri ân, tiễn đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Đức từ Nghĩa trang Liệt sĩ xã Quế Minh (Quế Sơn) về Tây An, Tiền Hải (Thái Bình) sau 46 năm được trở về nơi chôn nhau cắt rốn”…

Sống Mãi Với Tình Đồng Đội

Giữ vững 10 lời thề danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam “Hết lòng giúp đỡ nhau, lúc thường cũng như lúc ra trận”. Không một đồng lương hay trợ cấp, không kể ngày hay đêm, mưa nắng. Dù tốn khá nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc, nhưng dường như các CCB chưa bao giờ tỏ ra mệt mỏi, chán nản với công việc của mình. Chi phí cho các chuyến đi được trích từ đồng lương hưu và có cả phần hỗ trợ của vợ con, mà không nhận bất cứ sự cảm ơn nào bằng tài chính của thân nhân các liệt sĩ. Nhưng các CCB ấy vẫn miệt mài âm thầm đến những nơi diễn ra các trận đánh phù hợp với nơi hy sinh, mai táng ban đầu của liệt sĩ để tìm thêm thông tin. Đến từng nghĩa trang, tìm nhân chứng trận đánh, nhân chứng lịch sử vì TNLS ngày đêm mong ngóng đón chờ tin. Vừa xử lý số liệu, đăng tải thông tin và hình ảnh lên mạng xã hội, trả lời email, tin nhắn và các cuộc điện thoại từ mọi miền… mong sao được xác minh nhanh thông tin sai sót ghi trên bia mộ, hoặc trong hồ sơ, địa danh nơi liệt sĩ hy sinh…

Lật giở từng trang cuốn sổ cũ ghi chép rất cẩn thận về thông tin các liệt sĩ đã tìm được và chưa tìm được, CCB Nguyễn Tiến Đãi chia sẻ với tôi về các chuyến hành trình đầy ắp những kỉ niệm và khó khăn, vất vả để tìm đồng đội. Bất cứ khi nào xác định được thông tin về một liệt sĩ đã hy sinh, các anh lại tức tốc lên đường, bất kể trời nắng hay mưa, tận vùng núi cao hay biên giới… Từ những kỷ vật rất mong manh của TNLS mang theo như những lá thư thời chiến tranh, chiếc dây thắt lưng là di vật có họ và tên được chôn cùng liệt sĩ, bị đạn địch bắn đứt đôi mất tên đệm ở giữa nên phải vừa xác minh vừa giám định AND đến 2 năm sau mới trả được danh tính đúng của liệt sĩ…

Nhiều TNLS đã viết tặng các anh “Người ta siêu thị, nhà hàng/Còn anh thì cứ nghĩa trang đêm ngày”. “Cứ lặng thầm tìm bạn trong cỏ cây/Ngày qua ngày lặng lẽ đi tìm/Những cái tên im lìm trong lòng đất/Nghỉ hưu rồi các chú vẫn tất bật/Làm việc quên thân, danh lợi cũng chẳng cần”… Chị Lê Thúy ở Thủ đô Hà Nội có TNLS hy sinh ở Quế Sơn viết: “Các chú rất nhiệt tình chu đáo đưa đón gia đình và đi làm thủ tục rất nhanh gọn. Tấm lòng cao cả của các chú đúng với bản chất “Người lính Cụ Hồ”. Thân nhân của liệt sĩ Trương Minh Hảo viết từ Hà Tĩnh: “Gia đình cháu không bao giờ quên, 50 năm đã tìm thấy mộ bố cháu, như một giấc mơ, hồi hộp quá cháu đang chờ bố cháu về. Các chú cũng như bao lớp cha ông lên đường nhập ngũ, không vì bổng lộc, chức quyền, không vì lợi ích cá nhân”. Con trai liệt sĩ Vũ Duy Hùng (nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 36) 5 năm liền, các con của liệt sĩ từ quê hương “5 tấn” đồng hành cùng các CCB tìm kiếm hồ sơ và phần mộ liệt sĩ và đã đưa liệt sĩ về đất Mẹ.

Chị Nguyễn Thị Nga ở thành phố Hồ Chí Minh – em gái của liệt sĩ Nguyễn Văn Dũng, đã đến Hiệp Đức hai lần để tìm mộ anh mình. Theo giấy báo tử, anh hy sinh ở Gò Chùa, Bình Lâm, nhưng khi đến nơi thì không tìm được mộ. Quá thất vọng, nhưng nhờ tấm lòng của CCB mà gia đình liệt sĩ cảm thấy ấm áp hơn. Trong bức thư gửi về có đoạn: “Tôi trân trọng, biết ơn tấm lòng, tình cảm, những việc làm cao đẹp, ý nghĩa và thiết thực trong công việc tri ân liệt sĩ của các anh chị CCB thị trấn Tân An, nhất là vợ chồng anh chị Đặng Ngọc Nga, kính chúc anh chị luôn có sức khỏe để hành trình cùng các thân nhân liệt sĩ”. Anh Huỳnh Tiến Nam là con của liệt sĩ Huỳnh Thanh Phong (nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 2) đã xúc động viết: “Gặp được những con người quanh năm không quản gian nan vất vả đi tìm đồng đội, ngay cả trong giấc ngủ họ cũng mong có điều kỳ diệu. Từ khi được quen biết các anh, sự suy nghĩ, cách nhìn trong tôi cũng khác hơn. Tôi thầm cảm phục họ, những con người luôn sống mãi với tình đồng đội – đồng chí và cao cả hơn là tình người. Trong lòng tôi, họ mới thực sự là những tượng đài”.

Luật sư Lê Đăng Liệu ở thành phố Hồ Chí Minh, anh có người anh trai hy sinh ở chiến trường Thượng Đức, gia đình có ý định đưa hài cốt của anh trai mình về quê. Nhưng khi anh đến Nghĩa trang Liệt sĩ xã Đại Lãnh còn gọi là Nghĩa trang Thượng Đức, nhìn nơi yên nghỉ của anh trai mình và đồng đội, cảnh quan sạch đẹp, ấm cúng anh bỏ ý định đưa anh trai về bản quán. Anh bảo rằng: “Máu xương của các anh đã tan vào dòng Vu Gia và thấm vào lòng đất Quảng mấy chục năm qua khó có thể tìm về. Anh trai mình được nằm ở một nơi tuyệt đẹp, giữa bao đồng đội, ấm tình quê hương, và về thăm chiến trường xưa âu cũng dễ dàng”.

Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM số 21

Bài viết liên quan

Xem thêm
Sức quyến rũ của sự chân thành
16 giờ ngày 14.4.2024, Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu giữa tác giả - Tiến sĩ Lê Kiên Thành (con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn)
Xem thêm
Sông chảy bên đời – Tuỳ bút của Nguyễn Thị Thu Thủy
Một đời người đã đi qua biết bao dòng sông, bao nhiêu ngã rẽ, khúc cua; mỗi dòng sông đều để lại bao luyến lưu, vương vấn, để lại những kí ức luôn tươi xanh mỗi khi nhớ về. Sông vẫn cứ chảy như thời gian trôi đi mải miết vì vậy “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”.
Xem thêm
Rặng Diên Vĩ - Tản văn của Quốc Tuấn
Gió vẫn thổi, mái tóc thơm tuột khỏi giây buộc, quấn quanh đầu như vòng hoa nâu thẫm, vô tình quất bỏng môi người. Mùi hương đó, quen quá. Mùi tóc mẹ, hương quê vị quán. Tựa như làn nước lung linh, hơi thở chị uyển chuyển theo nhịp điệu không gian. Đôi mắt và đôi môi vẫn mỉm cười nhưng đã có chút tiếc nuối. Chính nỗi buồn ẩn chứa trên khuôn dung đã khiến chị trở nên hấp dẫn, pha lẫn sự hồn nhiên, ngây thơ tạo nên một tổng thể đẹp đến khó tin.
Xem thêm
Trần Bảo Định - Thú thưởng ngoạn văn chương qua tác phẩm “Đọc thơ bạn”
Có thể nói Trần Bảo Định là một hiện tượng văn học Việt Nam hiện đại: Chỉ trong vòng khoảng hơn 10 năm trở lại đây, từ khi về hưu anh đã cho ra đời 6 tập thơ, hơn 10 tập tản văn, truyện ngắn và 3 tập tiểu luận phê bình trong khi phải chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác...
Xem thêm
Canh cá rô đồng – Tản văn của Châu Duyên
Tôi biết về món canh cá rô đồng đã lâu theo lời kể của cô bạn đang ở thành phố mang tên Bác, toàn những tin nhắn như là: Ê! Trưa nay tớ đang ăn canh cá rô đồng nè.
Xem thêm
Sài Gòn như nhà, như mẹ, như quê… – Tản văn của Triệu Vẽ
Ở Sài Gòn, không có ranh giới trọng khinh giữa dân “Sài Gòn” hay dân “tỉnh lẻ”, dân “phố” hay dân “phèn”. Trong huyết quản sâu xa của người Sài Gòn có ruộng đồng, bờ bãi, con trâu, con gà.
Xem thêm
Ơi mùa hoa ban! – Bút ký của Nguyễn Huy Bang
Chiếc máy bay VJ 299 từ Tân Sơn Nhất (sau 2 giờ 5 phút) bay qua không phận 3 nước.
Xem thêm
Tháng Ba hoa gạo – Tản văn của Bằng Lăng Tím
Đào phai, mai vàng là sự kì diệu của tháng giêng. Chúa của các loài hoa tháng ba chính là hoa gạo. Xuân sắp sửa đi qua, hạ lấp ló ở đầu ngõ. Hoa gạo đẹp theo nét riêng và tùy vào thời tiết. Hôm nào trời quang hoa đỏ thắm, ngời sắc trong khoảng không. Ríu rít đàn chim, lao xao ong bướm. Hoa như đốm lửa thắp sáng cả bình minh. Hôm nào sương dày đặc, nhìn hoa như ánh lửa đêm đông, lập lòe mang đến sự ấm áp lạ thường.
Xem thêm
Nhớ hoa đào - Tùy văn của Nguyễn Linh Khiếu
Mỗi năm khi sắp tết bao giờ mình cũng mua hoa đào. Hà Nội không có hoa đào làm sao gọi là tết. Dù là bích đào bạch đào hay đào phai thì hoa đào bao giờ cũng mang tết đến mỗi ngôi nhà thân thương. 
Xem thêm
Giữa những mùa hoa nở - Bút ký Nguyễn Xuân Thủy
Từ Yên Khương, thuộc huyện Lang Chánh chúng tôi đi theo đường tuần tra biên giới lên Đồn Biên phòng Bát Mọt, thuộc huyện Thường Xuân. Đường tuần tra biên giới chập chùng uốn lượn giữa núi non, len lỏi giữa màu xanh của rừng. Càng lên hướng Cửa khẩu Khẹo càng có cảm giác đang đi về nơi thâm sơn cùng cốc. Cũng đúng, Bát Mọt là tuyến cuối của dải biên giới xứ Thanh, nơi có cột mốc 378 là nơi tiếp giáp biên giới giữa Thanh Hóa và Nghệ An. Những nơi cuối đất cùng trời bao giờ cũng gợi cho người ta sự rưng rưng về những niềm thương nỗi nhớ.
Xem thêm
Lửa Cát Bi, ngọn trao truyền khí chất Hải Phòng
“Ơi Hải Phòng cửa biển quê hương/ Tổ quốc đang ghi những trang lịch sử/ Của Hải Phòng viết trên sóng bão Thái Bình Dương”. Với vị thế địa lý của Hải Phòng, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, nơi đây luôn là miền đất tiền tiêu quan trọng, cửa ngõ chiến lược. Bởi kẻ thù thường tiến hành xâm lược Hải Phòng đầu tiên, lấy đó làm bàn đạp để đánh chiếm Thăng Long – Hà Nội. Khi thất bại, chúng cũng thường chọn Hải Phòng là một trong những tuyến đường rút chạy cuối cùng. Hải Phòng là địa phương luôn “đi trước về sau”, có vị trí xứng đáng, giữ vai trò quan trọng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc cũng như các cuộc kháng chiến của cách mạng Việt Nam, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố Cảng trung dũng, quyết thắng”.
Xem thêm
Mùi Tết vương dấu chân xa – Tản văn của Đặng Tường Vy
Mỗi độ xuân về, người con xa xứ không tránh khỏi rưng rức, chạnh lòng. Nỗi nhớ trong lòng người tha hương rất lạ: sâu lắng, dịu dàng, chôn kín. Như gái đôi mươi thầm thương trộm nhớ một ai đó, âm thầm, mãnh liệt, nồng nàn,  tha thiết.
Xem thêm
Mùi hương thảo - Tản văn Quốc Tuấn
Chị mười tám, hay hai lăm tuổi. Tôi cũng chẳng biết và không cần biết, chỉ cần trong tôi đã bận lòng trước vẻ đẹp thuần khiết của loài cúc lam đồng thảo ấy. Nơi đáy mắt thể hiện những đốm lửa vui, những nét cong, nếp gấp mong manh nơi khóe miệng, bờ môi thể hiện sự phong phú nơi nhiệt tâm.
Xem thêm
Phép màu đã không đến với chị, chị Hồng Oanh ơi!
Chia sẻ của nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Vào vườn hương
Thành phố Cần Thơ đất rộng người thưa không chỉ có gạo trắng nước trong để níu chân người và du khách bốn phương. Tây Đô còn là mảnh đất văn hiến với không hiếm những trang anh hùng hào kiệt yêu nước và nghệ sĩ phong lưu tài hoa nhân cách. Kế thừa truyền thống văn chương của Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt … và các bậc văn nghệ sĩ đàn anh: Kiều Thanh Quế, Lưu Hữu Phước, Hoài Sơn, Mai Văn Bộ, Trần Kiết Tường, …đã có không ít thế hệ đàn em kế thừa xứng đáng trên lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Xem thêm
Suy ngẫm về “chữ” của “một thời vang bóng”_ Tản mạn của Quốc Tuấn
Người xưa, dẫu không biết chữ nhưng khi thấy một mẫu giấy có vết mực sẽ lượm lên, mang về cất giữ. Điều đó thể hiện sự “sùng chữ” (trân trọng giá trị của văn chương, chữ nghĩa) của ông cha. Những người không biết chữ đã biết đối xử với con chữ bằng tấm lòng trân quý như thế, thì dễ hiểu các trí giả đời trước họ sống với chữ nghĩa sâu sắc đến độ nào.
Xem thêm
Má tôi
Bài đăng báo Người Lao động Xuân Giáp Thìn 2024
Xem thêm
Xuân yêu thương - Tết sum vầy
Phút giao thừa, nhìn ngắm dòng người “tống cựu”, “nghinh tân”, cảm nhận trong mắt mỗi người lấp lánh ánh nhìn hạnh phúc, nhất là khi trên bầu trời đêm pháo hoa rực rỡ...
Xem thêm
Ngày cuối năm... - Tản văn Lê Thiếu Nhơn
Kẻ tha phương dù mải mê danh lợi cũng bất giác bần thần trước mênh mông tiếng gọi quê nhà ngày Tết. Tháng Chạp bao giờ cũng vội vàng trong mắt kẻ tha phương. Tháng Chạp bao giờ cũng hấp tấp trong lòng kẻ tha phương. Vì vậy, càng nhiều tuổi, tôi càng thấy sốt ruột khi thời gian nhích dần vào khoảnh khắc tất niên mà mình chưa kịp trở về ngôi nhà thơ ấu.
Xem thêm