- Bút ký - Tạp văn
- Lỗi tại Sài Gòn…
Lỗi tại Sài Gòn…
Chiều muộn, nàng kết thúc buổi dạy cuối cùng, đám sinh viên lao nhao rối rít đòi chụp hình chung với cô rồi thay nhau chào cô để sau khi thi xong sẽ về quê ăn tết. Xe đưa giảng viên từ Thủ Đức về đến quận 1 cũng đã hơn 5 giờ, hoàng hôn xuống nhập nhoạng trong sân trường vắng bóng sinh viên.
Nàng lững thững dắt xe ra phố, hòa vào dòng người tấp nập rộn ràng của những ngày giáp tết. Nàng chạy thật chậm, nghe hơi gió ban chiều lao xao đùa trên tóc và mơn man trên váy. Sài Gòn chiều nay thật lạ, cứ như níu chân nàng dừng lại mà nghe phố, không quày quả trở về nhà để lo cơm tối cho chồng và hai đứa con thơ như mọi ngày nữa. Hay là chớm vào đông, những ngày cuối năm tiết trời cũng trở nên đỏng đảnh khiến lòng nàng cũng đỏng đảnh theo? Lúc chạy về ngang qua cầu Thủ Thiêm, nàng thấy sương mờ đặc quánh từ phía xa sát bờ sông Sài Gòn, lòng bỗng trỗi lên cái khao khát được ùa mình vào đám hơi sương mờ ảo đó.
Xuống đến chân cầu, nàng không rẽ trái theo con đường quen về nhà nữa mà rẽ theo hướng ngược lại xuôi theo dòng sông. Nàng muốn đứng một mình lặng thinh một chút vì không nỡ đi qua đám hơi sương quyến dụ lạ lùng kia. Nàng dừng lại phía bên kia bờ sông ở quận 2, xung quanh còn ngổn ngang cát đá của một con đường men theo bờ sông đang sắp sửa hoàn thành. Phía đối diện nơi nàng đang đứng sặc sỡ ánh đèn của một quận trung tâm xa hoa bật nhất thành phố. Tòa nhà Bitexco cao vút và lừng lững trong chiều, đứng hiên ngang chọc thẳng lên bầu hoàng hôn bảng lảng. Bóng mặt trời dần lặn xuống, treo lơ lửng trên đỉnh cao. Nàng nghe dân săn hình vẫn nói với nhau, đó là lúc đẹp nhất và mê hoặc nhất của chiếc linga thành phố.
Nàng đứng một mình trong sương mờ ban chiều, chờ ánh trời tắt hẳn và ánh đèn thắp lên trong phố, quanh mình. Nàng nhắm nghiền đôi mắt, mường tượng ra những kỷ niệm đang trôi đi mờ ảo trong sương, nàng đưa tay vào khoảng không trước mặt, hình như Sài Gòn vừa lướt qua nàng thật khẽ, hơi ấm từ đâu len lén chui vào ngực nàng trong hơi lạnh chớm đông. Khiến nàng nhớ, nhớ quá hình ảnh cô con gái miền Trung 18 tuổi đứng giữa sân ga Hòa Hưng một hoàng hôn nào đó đã thật xa, hơn 20 năm về trước. Đứa con gái nhà quê ngơ ngác lần đầu tiên xa mẹ xa cha, lặn lội vào Nam đi tìm con chữ.
Sài Gòn của nàng thật lạ, cứ như thể vùng đất này được sinh ra là để đón nhận tất cả những người con ở các vùng quê Việt Nam ly hương đi tìm vùng đất mới. Quê nhà đói nghèo quá, kiếm sống khó khăn quá, sao không vào Sài Gòn đi? Sinh ra ở vùng núi cao, ở miền biển sâu, ở những vùng quê khốn khó mà lỡ đam mê khát thèm con chữ, kiến thức cha mẹ cho, thầy cô cho chưa vừa với nỗi khát khao chân trời tri thức rộng lớn của nhân loại thì… đi thôi. Trước tiên là vào Sài Gòn cái đã, gói ghém hành trang của những cô cậu sinh viên tỉnh lẻ với chút quần áo sách vở cũ mềm. Run run cầm trên tay gói tiền mẹ vừa bán heo, cha vừa bán lúa, anh vừa nhận lương, chị vừa vay thêm từ họ hàng… để vào Sài Gòn rực rỡ ánh đèn, để đến với những ngôi trường đại học cao vút, nơi có thể thỏa chí theo đuổi con chữ của những đứa học trò khắp các vùng quê nghèo mà hiếu học. Sài Gòn chẳng bao giờ thiếu chỗ cho những con người siêng năng cần mẫn, Sài Gòn chẳng bao giờ thiếu chỗ cho những con người có chí lập thân. Ai ai dù bắt đầu đặt chân đến đây cũng chỉ với hai bàn tay trắng nhưng chịu khó cần cù, đam mê học hỏi, gặp trở ngại quyết vượt qua mà không bỏ cuộc, rồi thì Sài Gòn sẽ đáp tặng lại họ, sẽ cho họ những gì họ ước ao xứng vừa với những nỗ lực của mình.
Bởi tại Sài Gòn quá bao dung nên những con người được sinh ra ở đây cũng chẳng ai kênh kiệu nhận mình là dân thành phố, chẳng phân biệt ai là dân quê dân tỉnh. Thỉnh thoảng còn hồn hậu vỗ vai người ly quê để nhận đồng hương rằng đời cha đời ông mình cũng từ nơi chốn ấy mà vào Nam lập nghiệp. Rồi ông đẻ ra cha và cha mới đẻ ra mình. Rồi khẳng định chắc nịch: quê quán tui cũng ở miền Trung như ông chớ đâu. Và nàng cũng vậy, thoắt mà thành người con của Sài Gòn từ khi nào không biết. Hai lần làm khai sinh cho con là hai lần rưng rưng khi đặt bút ghi vào phần “quê quán”, chồng của nàng cũng đã từng là một cậu sinh viên miền Trung vào Nam tìm chữ. Những đứa con thơ vừa được sinh ra tại Sài Gòn đã có đủ trong tim hai miền quê nghèo xa xôi của cha của mẹ, để mỗi hè sang hay tết đến lại hăm hở tàu xe về thăm nội ngoại. Điều mà những đứa bạn Sài Gòn “thuần chủng” lâu đời chẳng thể nào có được.
Sài Gòn có phải là nơi cắt rốn chôn nhau của nàng đâu? Có phải là nơi nàng trải qua tuổi thơ đầy ắp kỉ niệm thương yêu trong vòng tay gia đình đâu? Mà sao khi đến đây rồi, ở lại đây rồi, nàng lại nghe yêu thương nơi chốn này quá đỗi? Lẽ nào là lỗi tại Sài Gòn?
Ảnh: Internet
Lỗi tại Sài Gòn chẳng đủ gió mưa, chẳng đủ sương đêm cho cái lạnh run người khiến người ta khát thèm hơi ấm tỏa ra từ bếp lửa thân thương quê xa. Sài Gòn cứ mãi miết nồng nàn ấm áp, cứ mãi miết nắng rực rỡ ban ngày và mát dịu ban đêm, cứ nóng ran mùa nắng và mát lành mùa mưa, khiến cho tim nàng cứ dùng dằng không biết là nên về hay nên ở. Mà về đâu? ở đâu? Khi mà chỉ nghĩ đến việc phải rời xa nơi này đã khiến cho nàng da diết nhớ. Nhớ một lần nọ khi còn ở tuổi đôi mươi, vừa ra trường và gặp cú sốc đầu đời, nàng tuyệt vọng và khóc hết nước mắt, lòng quả quyết: Về nhà. Vậy mà đã hai mươi mấy năm trôi qua, nàng vẫn cứ đứng ở đây trên mảnh đất không phải là quê hương, lòng cứ đau đáu nỗi nhớ mảnh đất nơi mình được sinh ra nhưng lòng thì đã không còn có thể rời xa Sài Gòn được nữa. Mặc nàng lạnh lùng chối bỏ, mặc nàng giận dỗi đòi xa, Sài Gòn vẫn cứ ân cần và dịu dàng, kiên trì và nhẫn nại, như một người đàn ông đã yêu nàng vô điều kiện, người đàn ông đã luôn xem nàng và những đứa con thơ “Sài Gòn chánh hiệu” của mình với nàng là kho báu.
Sài Gòn mang đến cho nàng người đàn ông đó, mang đến cho nàng thứ tình yêu lặng thầm và dịu ngọt, không hoan hỉ phô bày, không náo nức mê say, chỉ vừa vẹn đủ cho nàng biết mình là tất cả.
Lỗi tại Sài Gòn đã dâng tặng nàng những thứ khiến trái tim nàng mê đắm
Lỗi tại Sài Gòn đã khiến trái tim nàng da diết yêu thương
Và lỗi tại Sài Gòn đâu dễ để rời xa.