- Bút ký - Tạp văn
- ‘Thời nắng xanh…’ của Trương Nam Hương
‘Thời nắng xanh…’ của Trương Nam Hương
Lại Văn Long
(Vanchuongthanhphohochiminh.vn) – Đầu năm 2022 bất ngờ nhận được tập thơ với nét chữ đề tặng rất đẹp của tác giả, tôi thật sự xúc động vì đúng 30 năm rồi, Trương Nam Hương mới tặng tôi tập thơ thứ hai và tựa sách như lời nhắc nhở chúng tôi đã đi qua “thời nắng xanh” của mình. Bao kỷ niệm ùa về…
Nhà văn Lại Văn Long (bên trái) và nhà thơ Trương Nam Hương.
38 năm trước (1984), tôi vào năm nhất khoa Triết – Kinh tế thì Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc – hai nhà thơ nổi tiếng hiện nay đang học năm hai khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM. Chúng tôi ở chung ký túc xá Thủ Đức, cùng chia sẻ nắng gió trên những đường mòn cát trắng len lỏi trong rừng bạch đàn xanh tươi, những bữa ăn kham khổ, những đêm dài nóng nực bị cúp điện, những chiều quay quắt chờ nước tắm và cục xà phòng Liên Xô cứng như đá tiêu chuẩn của mỗi sinh viên thời bao cấp…!
Đó chính là “thời nắng xanh” của chúng tôi, thời mà Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương đã được gọi là nhà thơ khi đang là sinh viên. Đó là lý do tôi không thể không đọc cuốn sách Trương Nam Hương vừa tặng. Càng đọc tôi càng thấm thía, bồi hồi, càng hiểu vì sao thơ Trương Nam Hương được nhiều người thuộc.
Tập thơ “Thời nắng xanh” của Trương Nam Hương.
Tôi vừa giỗ đầu mẹ xong, “lạnh người” khi đọc những câu: “Mẹ giờ hóa nén hương thơm đỏ/ Thương lặng nhìn con chẳng rụng tàn… Đưa mẹ vào tháp cốt/ Quay về, con bần thần/ Quên hóa vàng đôi guốc/ Lên đó người lạnh chân…”.
Tôi cũng thích câu chữ ngắn gọn khi anh dựng chân dung nhà văn Sơn Nam: “Dáng gầy như lau sậy/ Lênh thênh dọc cõi nhân tình”… hay tả về cuộc yêu nổi tiếng trong văn học Việt Nam: “Trăng ởm ờ Thị Nở/ tình vật say Chí Phèo/ Gió đầm đìa hớp thở/ lá chuối vườn giãy yêu…”.
Ở thể lục bát Trương Nam Hương cũng có những câu thơ dễ đi vào lòng người: “Đưa tay định ngắt ngọn ngò/ Chợt thương đứt ruột câu hò lấm trăng… Tình ta may quá chưa già/Cúi hôn sông Hậu qua tà áo em” (chữ “lấm trăng” quá hay).
Viết về Hà Nội, Trương Nam Hương có cái nhìn độc đáo: “… Anh cầm sương khói trên tay/ Phố sâu đuôi mắt mưa gầy cơn mê… Nghi Tàm cà vạt áo phông/ Có em ngồi rót mùa đông tràn trề…”.
Cuối sách là bài thơ dài mang tựa cho cả tập thơ Thời nắng xanh: “Nắng trong mắt những ngày thơ bé/ Cũng xanh mơn như thể lá trầu…”. Đó là lá trầu của bà ngoại cùng những ký ức mênh mang, buồn vợi… “Hoàng hôn đọng trên môi bà quạnh thẩm/ Nắng xiên khoai qua liếp vách không cài… Chân bấm lên rêu/ Bà tôi gánh cả gió chiều – xót xa… Tôi chạy theo bà đòn tre kẻo kẹt/ Tiếng chim gù khuất khuất/ Bóng làng xa…”.
Cả tập thơ khép lại về câu chữ, những dư âm lại tạo ra cảm xúc thật khó tả – buồn hiu hiu cùng ngọt ngào lãng đãng, cứ như thể vừa bước ra khỏi vùng sương khói mơ hồ của giấc mơ tinh khiết, nhẹ nhàng. Ai cũng có một “thời nắng xanh” và luôn ao ước được quay về với thơ dại, trẻ trung. Câu chữ trong thơ Trương Nam Hương ngắn gọn nhưng đầy nội lực, xứng đáng với cả chục giải thưởng văn học nghệ thuật anh đã nhận, xứng đáng với những độc giả luôn trông đợi tác phẩm mới của anh.
20/01/2022
L.V.L