- Chân dung & Phỏng vấn
- Tiên ông đi xe đạp
Tiên ông đi xe đạp
PGS - Nhà giáo ưu tú Chu Xuân Diên sinh năm 1934 tại tỉnh Bắc Ninh. Sau khi tốt nghiệp khóa đầu tiên (1956 - 1959) ngành Ngữ văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy văn học dân gian. Từ năm 1986 đến năm 2000, ông công tác tại Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (hiện nay là Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh).
Năm 2000, ông về hưu và chuyển sang làm việc ở Trường Đại học dân lập Văn hiến (TP. Hồ Chí Minh) với trách nhiệm Chủ nhiệm Khoa Văn hóa. Năm 1984, ông được Nhà nước phong chức danh Phó Giáo sư Văn học.
Nhà giáo Ưu tú Chu Xuân Diên đã có nhiều năm nghiên cứu, viết sách, giảng dạy đại học và sau đại học, trên các lĩnh vực chính văn học dân gian, văn hóa dân gian, văn hóa, dân tộc học. Ngoài ra, ông còn có đóng góp đáng kể trong lĩnh vực dịch thuật.
HỒ KHÁNH VÂN[1]
Tôi may mắn được học thầy từ năm lớp 10 ở trường Phổ thông Năng Khiếu. Đến bây giờ ngẫm lại, làm phép tính trừ tới trừ lui, tôi vẫn không tin được lúc đó, năm 1997, khi dạy lớp tôi chuyên đề về văn học dân gian thì thầy đã 63 tuổi.
Bởi vì lúc đó thầy còn trẻ quá, trẻ từ dáng người đến tâm hồn, tính cách. Tôi không biết đến khi mình đã ngoài 60, ở cái tuổi bắt đầu “mỏi gối chồn chân”, tôi có còn được nhanh nhẹn, minh mẫn, tinh tấn để thong dong đạp xe đến trường và tiếp tục “gõ đầu trẻ” như thầy không.
Tiên ông với chiếc xe đạp: giữa nắng và sứ trắng
Những buổi chiều đến dạy chúng tôi, thầy đều mặc áo sơ mi, quần tây giản dị, đi bằng xe đạp và nhẹ nhàng gạt chân chống dựng xe dưới gốc cây sứ đầu tiên trong sân trường. Tôi nhớ hoài mái tóc thầy cắt ngắn gọn ghẽ, màu bạc trắng lấp lánh hòa vào màu nắng trong vắt như lẫn vào màu hoa sứ, làm cả một vùng sân trường dưới tán cây sứ sáng bừng lên. Tôi ngồi ngay cửa sổ lớp, tính lại hay mơ mộng nên thường nhìn qua khung cửa ngắm nắng, ngắm mây trời và những cội sứ trắng huyền thoại. Vì vậy mà hình ảnh ban đầu về thầy trong tôi không gắn liền với không gian bảng đen phấn trắng mà là không gian của vùng hoa sứ đẫm nắng trong veo. Thầy hiện ra, đẹp như một tiên ông nhỏ nhắn đi xe đạp giữa ánh sáng hoa nắng ấy. Tôi nghĩ lần đầu Tấm gặp gỡ Bụt, chắc nàng cũng thấy vùng ánh sáng rạng rỡ, vừa bừng lên, nhưng cũng vừa đằm ngọt dịu dàng như vậy.
Mà khi giảng bài, thầy cũng giảng như một tiên ông. Thầy lúc nào cũng từ tốn đi từ ý này sang ý kia một cách lớp lang, rõ ràng, dễ hiểu nhưng lại truyền tải cả hệ kiến thức uyên thâm về văn hóa dân gian cho lũ học trò chuyên Văn còn ngơ ngác ở cái tuổi 15 chúng tôi. Có thể nói, thầy là người đầu tiên mở ra cho chúng tôi một cánh cửa khác, một thấu kính khác để nhìn vào các câu chuyện cổ tích quen thuộc, từ Tấm Cám, Sọ Dừa, Thạch Sanh Lý Thông đến Sự tích trầu cau, Hòn vọng phu, câu chuyện Cây khế,… Từ đó, chúng tôi vỡ lẽ ra rằng mình có thể đọc cổ tích bằng đôi mắt hồn nhiên, long lanh của thế giới trẻ thơ và cũng có thể đọc bằng tư duy luận lý khách quan, xem cổ tích như những di chỉ khảo cổ sống động của hình thái xã hội cổ xưa, của các tập quán, tín ngưỡng và cách thức thực hành nghi lễ ở các cộng đồng từ trong quá khứ. Những bài giảng của thầy vừa êm đềm trong veo cổ tích, vừa thăm thẳm uyên bác hang động u huyền, xuyên qua cả triệu năm nhân loại lớn dậy từ thuở ấu thơ. Thầy đứng giữa lớp thanh nhẹ như tiên ông không cần đũa phép, giọng nói nhẹ nhàng, nụ cười cũng hiền lành nhẹ nhàng, như thể Bụt trong truyện cổ hiện ra giữa đời thường.
Nhưng rồi có lần tôi tranh luận với Bụt. Và lần tranh luận đó trở thành một kỷ niệm đáng nhớ, một bài học có muôn vàn ý nghĩa trong hành trình trưởng thành của tôi.
Chuyện cái vần “ưa”: đôi khi ta không cần hoạch định trước tương lai
Tôi vẫn nhớ trong buổi học thứ hai, thầy giảng về ca dao dân ca và đọc cho chúng tôi nghe bài ca dễ thương của dân gian:
“Trời mưa cho ướt lá dừa
Đôi ta be bé đi bừa với nhau
Trời mưa cho ướt lá cau
Đôi ta be bé rủ nhau đi bừa”
Trong lúc phân tích, thầy giảng về đặc trưng tư duy sáng tạo và nói rằng nhiều khi tác giả dân gian chỉ nương theo vần, điệu để cho chữ gọi chữ và hình thành nên bài ca. Thế nhưng khi ấy, tôi không chấp nhận kiến giải đó, đưa tay phát biểu. Được thầy mời, tôi trình bày huyên thuyên với giọng điệu hùng hổ của tuổi mới lớn rằng tác giả dân gian phải có ý thức, có chủ đích lựa chọn lá dừa, lá cau, đi bừa vì đó là những hình ảnh gắn liền với đời sống dân tộc, tạo nên chất dân dã chứ không thể chỉ vì tình cờ gieo vần “ưa” rồi tạo ra bài thơ. Thầy cười nhẹ nhàng, từ tốn bảo tôi rằng bài thơ chứa những điều tôi vừa phân tích, nhưng cũng có sự ngẫu hứng, tình cờ của con chữ nữa. Nhưng con bé tuổi 15 “trẻ trâu” trong tôi lúc đấy không chịu chấp nhận, lại tiếp tục đứng lên “cãi thầy” bằng cái giọng ào ào, sục sôi. Thầy vẫn điềm tĩnh để cho tôi nói hết tất cả những gì muốn nói, rồi cười nụ cười thật hiền, nhìn tôi bằng đôi mắt trong veo và chỉ nói một câu: “Có thể sau này, từ từ em sẽ hiểu ra và nghĩ khác”.
PGS-NGƯT Chu Xuân Diên cùng các học trò và đồng nghiệp
Rồi thời gian trôi đi, tôi giã từ thời cấp ba, trở thành sinh viên ngành Văn học và được gặp lại thầy trong môn học Thi pháp truyện cổ tích. Công trình nghiên cứu nổi danh của thầy khi ấy Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học là một trong những cuốn sách giúp tôi học cách tư duy phân tích văn học một cách rõ ràng, thuyết phục từ cái nhìn có tính liên ngành. Sau gần 7 năm, tôi thấy thầy vẫn giữ vẹn nguyên vóc dáng ấy, phong thái ấy, sự uyên bác giản dị và từ tốn ấy. Chỉ có điều tôi không còn được nhìn thấy thầy trên chiếc xe đạp giữa một vùng nắng huyền thoại bên cội sứ trắng nữa. Khi ấy tôi đã tập tành làm thơ nhiều hơn, gửi đăng báo và tham dự cuộc thi Bút mới trên báo Tuổi Trẻ. Với trải nghiệm làm thơ, tôi dần vỡ lẽ ra bài giảng thầy cho tôi năm 15 tuổi. Nhiều bài thơ, tôi viết câu đầu tiên với ý tưởng đang nảy nở, nhưng các câu tiếp theo là chữ gọi chữ, vần gọi vần, cứ nối nhau đi theo một sự ngẫu hứng kỳ lạ. Những con chữ khi ấy như đang chủ động trong một cuộc chơi riêng, vượt lên trên tôi, choài ra khỏi tôi. Tôi thấm thía kết luận của thầy hôm đó và hiểu ra rằng cái ngẫu hứng, cái không dự định trước cũng là cái giá trị, chứ không phải là cái vô nghĩa.
Rồi nhờ bài học ứng xử hấp thụ được từ thầy, tôi biết kiên nhẫn, bao dung hơn với học trò của mình, từ những học trò cấp ba đang tuổi lớn, tuổi khẳng định cái tôi ở trường Phổ thông Năng Khiếu đến những lứa sinh viên ở Đại học. Tôi hiểu rằng đôi lúc mình cần kiên trì chờ ai đó lớn lên, trải nghiệm để vỡ lẽ cái điều mà người đi trước nhìn thấy, đừng nên gò ép, phán xét, áp đặt những kinh nghiệm của mình vào người trẻ. Khoảng không tự do trong tri thức và ứng xử thầy dành cho tôi để trưởng thành thật trong lành, đẹp đẽ. Và tôi tâm niệm mình cũng sẽ dành điều đó cho những người trẻ quanh tôi.
Xa hơn nữa, bài học hôm ấy của thầy không chỉ có giá trị với tôi trong môi trường học thuật, mà dần dần, với những trải nghiệm đời người, tôi còn hiểu ra rằng đôi khi mình cứ hồn nhiên nương nhờ theo dòng chảy cuộc sống, không cần phải hoạch định trước, có mục tiêu trước với tất cả những gì xảy ra trong đời, như người làm thơ không cần phải chăm chăm hoạch định từng câu thơ một. Hẳn nhiên, chúng ta cần sống có mục đích để không bơ vơ, hoang mang kiểu “người bay không có chân trời” như câu thơ nổi tiếng của Trần Dần. Nhưng nhiều khi giữa đời, ta cũng cần nới lỏng mình ra, thả ta phiêu diêu tự do như bong bóng bay vuột khỏi tay đứa trẻ, lửng lơ tận hưởng mây trời. Những nhân duyên đầy ngẫu hứng của cuộc đời sẽ đưa đẩy ta đến bao điều thú vị mà biết đâu, khi ta chăm chăm đi tìm thì lại không gặp, không thấy.
Những kỉ niệm với thầy nuôi nấng tôi trưởng thành từng ngày, từ năm 15 tuổi đến nay. Suốt 27 năm qua, lần nào được gặp thầy, tôi cũng thấy như mình được gặp nắng ấm từ nụ cười nồng hậu, ánh mắt hiền từ và cử chỉ, giọng nói nhẹ nhàng, từ tốn của thầy. Tiên ông đi xe đạp của những đứa học trò lớp 10 chúng tôi thuở ấy thực sự bước ra từ cổ tích và khiến chúng tôi thêm yêu cổ tích vì khi nhìn thấy thầy, chúng tôi có thể tin một cách chắc chắn rằng: cổ tích có thật giữa cuộc đời này.
[1] TS. Phó trưởng khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.