TIN TỨC

Tĩnh vật - Thơ

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-08-28 08:37:00
mail facebook google pos stwis
187 lượt xem

NGUYỄN THANH TÂM

(Đọc Ngoài mây trời đầy trống vắng, tập thơ của Đoàn Văn Mật, NXB Hội Nhà văn, 2023)



Nhà thơ Đoàn Văn Mật và tập thơ mới của anh.

 

Để nhận diện chất thơ (rộng hơn là tạng thơ, phong cách trữ tình…) của một bài, một tập, một tác giả, một loại hình, một khuynh hướng, một chặng đường thơ… là điều không hề dễ dàng.

Công việc này cần sự mẫn cảm đặc biệt (thuộc về năng khiếu - để cảm) và một tư duy khoa học vừa tỉ mỉ, cẩn trọng (để hiểu) vừa có khả năng bao quát (để đánh giá). Với những trường hợp “thường thường bậc trung” (bỏ qua thơ dở - không có chất thơ), kết quả “chẩn đoán” nhanh chóng được đưa ra, và thường là (với tôi) sau đó có thể tạm yên lòng xếp tập thơ lên giá sách. Thế nhưng, những ca khó, phức tạp thì lại khác. Phải đọc, đọc nhiều lần, với tâm thế, thao tác khác nhau, nhằm định hình được ấn tượng và gọi ra đích xác điều mà mình cảm nhận về đối tượng. Do đòi hỏi này, những tác phẩm thơ khó thường bám chặt vào trí tưởng, không dễ để yên lòng xếp lên giá sách, thậm chí, phải đặt tác phẩm trên bàn, trước mặt, để không ngừng nhìn thấy nó, suy ngẫm về nó.

Cái khó trong thơ có nhiều dạng thức. Có cái khó ở chiều sâu tư tưởng mà mình chưa đủ sức vươn tới; có cái khó thuộc về hệ thống kí hiệu, biểu tượng, ngôn từ, cách thức trình bày định dạng văn bản thơ; có cái khó nằm trong cấu trúc tầng bậc phức tạp của thi giới; có cái khó đến từ sự mơ hồ, huyền bí; có cái khó ẩn hiện trong sự mong manh, phiêu tán, không dễ nắm bắt… Ngoài mây trời đầy trống vắng của Đoàn Văn Mật (Nxb Hội Nhà văn, 2023) trong hình dung ban đầu, có nét mơ hồ xa vắng, hương thơ mỏng và chập chờn lay tỏa, vừa ngưng đọng lại thoắt biến tan, quả tình đã gieo vào tôi một thử thách như vậy.

Trước hết, xem xét ngôn ngữ thơ của Đoàn Văn Mật, ta có thể cảm nhận, thi sĩ là người kỹ lưỡng, tỉ mỉ, cẩn trọng, không dễ bằng lòng với những lựa chọn hời hợt, vội vã. Cũng vì thế, con người này không ưa mạo hiểm, phiêu lưu. Chữ trong thơ Đoàn Văn Mật được giũa mài tròn trịa, được “lựa chọn” kỹ càng và “kết hợp” đủ khéo để gói ghém được ý - tình của thi sĩ (lựa chọn và kết hợp là hai thao tác sáng tạo được nêu lên bởi R. Jakobson, trong công trình nổi tiếng Thi học và Ngữ học). Tạng chữ này rõ ràng là của “dân chuyên nghiệp”. Có thể dẫn bất kỳ bài thơ nào trong tập Ngoài mây trời đầy trống vắng để bảo chứng cho ấn tượng này (ngay từ tên tập thơ):

 giữa lẻ loi cô độc

ánh sáng vẫn tìm nhau

nhưng không ai thấy được (Cuối đường)

“Ngoài mây trời đầy trống vắng” có thể được hiểu là ngoài mây (ra), trời (chỉ toàn, chỉ có) trống vắng. Cũng có thể hiểu, (bên) ngoài mây, trời (tất cả) đầy trống vắng hoặc ngoài mây (trời), lòng đầy trống vắng… Tùy theo cách ngắt nghỉ mà chúng ta có những mệnh đề khác nhau cùng với đó là những tiền giả định phục sẵn trong trường liên tưởng của người đọc. Tuy vậy, cách bố cục, thiết kế bìa của tập thơ đã vô tình làm lộ ý tưởng của tác giả (hoặc đó là một cách đọc, cách hiểu đến từ họa sĩ). Sự cầu toàn đã can dự vào hình thức biểu đạt này.

Vậy thì, tên tập thơ trong liên tưởng của tôi là gì? Có lẽ, ý tưởng trung tâm ở đây là “trời đầy trống vắng”. Sự trống vắng bao phủ, ẩn chứa trạng thái, cảm quan của chủ thể. Hiểu rộng ra, đó là sự trống vắng của thế giới, của vũ trụ, của cõi lòng thi nhân. Mây kia, như một thực tại hữu hình có thể tri nhận (cái có - dù bản mệnh của mây là phiêu tán), còn lại chỉ là những trống vắng mà thôi.

Trống vắng có gì? Đó là nguồn cơn của ý - tình làm nên chất thơ, cũng là nguồn cơn của sự khó như hình dung ban đầu. Thực ra, trống vắng không phải là trống rỗng, không có gì. Trống vắng là cảm quan, tâm trạng, xuất phát từ chính nội tâm thi sĩ. Đồng hóa thế giới - vũ trụ vào bên trong mình hay phổ chiếu tâm cảnh lên ngoại cảnh, thi sĩ bày tỏ sự trống vắng của cõi lòng. Xuyên suốt tập thơ là một cái nhìn vừa thảng thốt, vừa ngơ ngác trước những mong manh của hình, của bóng, của hương. Những thực thể ấy là cội rễ của giá trị sống, thế nhưng, trong trạng thái mong manh, mọi thứ dễ trượt trôi và tan biến. Thức nhận điều đó, chủ thể trữ tình lại càng ngơ ngác, thảng thốt:

bóng em

bóng cây

rờ rợ trên đường

anh đến sao ngại ngần chân bước

 

sợ làm tan chiếc bóng

sợ làm lay chiếc bóng

sợ làn hương bay đi

 

anh đứng từ xa

anh ngóng từ xa

chớp xuống gặp bóng mình đơn lẻ

 

anh đợi từ xa

anh ngóng từ xa

ngước lên chạm vầng trăng lặng lẽ. (Bóng)

Trống vắng có tất cả. Có anh, có em, có tình yêu - hạnh phúc và những lo âu, có mẹ cha và quê hương, có ngôi nhà và những con đường, có những mùa hoa, có những làn hương, có sự sống và cái chết, có những bộn bề nông nổi và cả những điều sâu xa cao cả, có những điều thực và không thực, có những thứ đã biến tan thành hư ảnh, có những tháng năm dằng dặc, lại có cả những khoảnh khắc cứ kéo dài bám riết vào tâm can… Hóa ra, cái mong manh thoáng chốc vụt dâng đầy trong đáy mắt là kết quả của một quá trình nhìn ngắm, chiêm nghiệm lâu dài. Thơ ở đó như là vọng âm, ngân lên sau tiếng thở dài đã cố nín vào trong:

anh muốn nhìn em lúc này

cùng những điều anh chưa từng thấy

khi tuổi trẻ sẽ không về lại

chỉ giấc mơ là thành thực với mình. (Lúc này)

Nhưng, nếu chỉ thấy trống vắng như một trạng thái, cảm quan, thì dường như ta đã bị đồng hóa vào vũ trụ ấy. Nhập vào thi giới để cảm, để hiểu, nhưng phải thoát ra, lùi lại phía sau để quan sát, mới vỡ lẽ, trống vắng kia chỉ là hình hài của một nỗi cô đơn - một cô đơn tự mình. Đứng trước đời sống, chủ thể luôn bị ám ảnh bởi những biến tan có thể xảy đến. Lo âu, sợ hãi làm nên cô đơn. Xem ra, phẩm tính ấy là đặc trưng của những người lãng mạn:

có ai nói mùa thu đang chết

giữa vô vàn khoảng trống

một bông hoa vừa rời khỏi cuống

cánh tàn lay trăng đêm xa

 

nhưng triệu bông cúc ma

lại bắt đầu nở rộ

khoác lên những mùa di tịch

theo một nghi lễ:

sinh ra cũng bởi cô đơn. (Mùa di tịch)

Gốc rễ của trống vắng là cô đơn, nhưng dưỡng chất của cô đơn lại là những bất an, lo âu và sợ hãi. Tâm thế định hình tư thế, bởi vậy, ta bắt gặp một người ngơ ngác, cứ ngước lên với ánh nhìn thảng thốt. “Ta sinh ra cô đơn/ giờ cô đơn đã cũ” (Nguyễn Bình Phương), chỉ có nỗi bất an là luôn mới, vì mọi thứ vẫn hiển hiện trước mắt, vẫn chuyển chảy trong thân tâm. Gắn bó như hình và bóng, đẹp như làn hương, cao cả như lẽ sống, ấm áp dịu dàng như hạnh phúc… rồi cũng sẽ biến tan đi mất. Càng đẹp, càng thiết tha gìn giữ, khao khát, lại càng gợi lên nhiều âu lo:

bông hoa mùa thu vẫn đấy

đêm nay đã héo mất rồi

tôi giấu điều gì cho tôi

 

tôi giấu tôi vào đêm

một ngọn đèn mười năm chưa tắt

mười năm soi cùng khuya khoắt

không sao rõ mặt một người. (Vắng)

Tôi muốn gọi Ngoài mây trời đầy trống vắng là “Tĩnh vật - Thơ” bởi những khoảnh khắc ngưng đọng trong không gian thẩm mĩ của tác phẩm. Dẫu thế nào, nghệ thuật vẫn luôn là sự tự biểu hiện, mang dấu ấn bản sắc chủ thể. Tính ngưng đọng của thơ Đoàn Văn Mật trong tập này thể hiện ở sự im vắng, ít xao động của ngoại cảnh. Khẽ khàng thôi để giữ lấy hương thơ như là nhung tuyết của lời, như là những thân thương quyến luyến còn phảng phất trong ký ức của hình và bóng, mỗi bài thơ là một khoảnh khắc tĩnh đọng. Nhưng, khi đặt trong tổng thể, những khoảnh khắc lại kết liên với nhau làm thành một chuỗi ưu tư. Thế nên, tĩnh ở bề mặt, ngưng đọng ở hình thái mà thực ra lại là động. Cái động ở thẳm sâu của những nghiệm suy về tồn tại và giá trị. Lựa chọn “an lạc” giữa bất an định hình tư thế trữ tình, tỏ bày thái độ, giọng điệu, góp phần biểu đạt tư tưởng nghệ thuật của Đoàn Văn Mật. Lặng lẽ âu lo, lặng lẽ chất vấn, lặng lẽ thương yêu, lặng lẽ quan sát, lặng lẽ đợi những mùa lá mới trong hi vọng trắc ẩn, đó chính là phong cách trữ tình chủ đạo trong tập thơ Ngoài mây trời đầy trống vắng. Có thể mường tượng ra, trong lời thơ, những sắc thái của giọng, thủ thỉ, nhỏ nhẹ, dần nghiêng chìm vào im vắng:

mười năm mơ một ngôi nhà

đựng vừa tiếng trẻ

im lặng vẽ từng cánh hoa

đêm vừa mở làn hương thật khẽ

 

một bầu trời đơn lẻ

sáng lên từ những nhỏ nhoi. (Vẽ một người)

Ý - tình - giọng - chữ trong thơ Đoàn Văn Mật không giục ta “tuốt kiếm, vẩy áo” dấn thân để cải tạo hoàn cảnh sống theo lý tưởng của mình. Ngoài mây trời đầy trống vắng níu ta lại, nhủ ta ngồi xuống, nhìn và ngẫm nghĩ về cuộc đời - một cuộc đời với tất cả dáng vẻ miệt mài, mong manh, thực và ảo, ồn ã và tĩnh đọng của nó. Tất cả rồi sẽ tan biến, nhưng sau hết, ta biết thế mà vẫn không ngừng yêu thương cuộc đời, bằng những thoáng chốc, nhỏ nhoi của hiện hữu. Năng lượng thanh tẩy của tập thơ khá cao. Đó là dấu ấn đặc biệt mà tôi tin rằng, người đọc cẩn trọng, với nhiều ân iu trìu mến sẽ nhận ra. Đọc một bài thơ là ngắm một bông hoa. Đọc nhiều hơn một bài thơ là thưởng lãm một làn hương. Đọc cả tập thơ là chiêm nghiệm về sự hiến dâng của cái đẹp. Năng lượng thanh tẩy sinh ra trong lặng im trống vắng như thế. Đó là cách Đoàn Văn Mật ứng xử với cuộc đời, ứng xử với nghệ thuật. Và hẳn nhiên, dưỡng chất vô hình mà ta gọi là “chất thơ” chính là hương của nguồn mạch thanh tẩy ấy. Ai cũng nhìn thấy tĩnh vật, nhưng chỉ những ai dừng lại với lòng trắc ẩn mới nhận ra những tự tình nơi tĩnh vật.

Nguồn: Văn nghệ số 33/2023

Bài viết liên quan

Xem thêm
Hoàng Lan - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Không nói chuyện không thể biết chị là người Việt. Mỗi sáng, tôi mở cửa mang rác ra vệ đường, nơi có thùng rác công cộng đều gặp chị. Là hàng xóm, nhà chị sát vách nhà con gái chúng tôi, nên tôi thấy chị cũng thường xuyên đổ rác.
Xem thêm
Mặn nồng một chút tình thơ với nhà giáo Phạm Như Vân
Rời chiến trường / Thầy về hậu phương/ với những vết thương đau nhức trên mình/ và một bên chân đứt lìa gửi lại/
Xem thêm
Trắng tay mình những cánh ngọc lan tang
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Nguyễn Tấn On với tập Tiết tấu thơ
Nhận được tập sách Tiết tấu thơ của Nguyễn Tấn On gửi tặng vào một chiều cuối thu đã muộn, tôi vội mở ra và tìm đọc ngay bài thơ cùng tên. Tên tập thơ và những câu thơ trong bài thơ cùng tên với thi tập Tiết tấu thơ đã tạo cho tôi ấn tượng. Ở đó, hiển hiện tâm thế, tấm lòng, sự chân thành của một người yêu thơ và sống trọn vẹn cho thơ.
Xem thêm
Những vần thơ nẩy mầm đơm hoa theo dấu chân nhà thơ khoát áo lính
     Tôi cầm trong tay tập thơ “Quang Chuyền thơ và đời” điện thoại hỏi anh: “Đây có phải là tuyển tập thơ không anh”? Anh cười: “Cũng là gom các bài thơ viết cả đời lại thành một tập, vì mình nay cũng đã tới ngưỡng tuổi 80 rồi”. Cắm cúi đọc hết tập thơ,tôi mới hiểu ra đây gần như là tập nhật ký bằng thơ của nhà thơ Quang Chuyền.
Xem thêm
Trình Quang Phú - tầm nhìn trong kí sự
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội
Xem thêm
Êm ả một nỗi buồn của Lê Hoàng Anh
Rút từ tập thơ “Hạt Thời Gian” của Lê Hoàng Anh
Xem thêm
Cảm nhận về tập phê bình văn học “Đi tìm hương sắc văn chương” của Nguyễn Thanh
“Hương là mùi thơm, sắc là vẻ đẹp”. “Đi tìm hương sắc văn chương” * chính là thấu cảm sự thanh cao (hương) và trác tuyệt (sắc) của văn chương. Điều gì làm cho đời người thêm phong phú, điều ấy chính là cái Đẹp. Nước ta tự hào là “Văn hiến chi bang” với một nền văn học thơm hương đậm sắc. Cái hương sắc ấy trường tồn trong nhiều thư tịch, gởi tấm lòng người viết để lại muôn đời. Nếu người xưa quan niệm trong sách có người ngọc (Thư trung hữu nữ nhan như ngọc), thì ngày nay Nguyễn Thanh lại tìm thấy “hương sắc” trong văn chương ! Gẫm lại, người đẹp cũng chính là hương sắc (Quốc sắc thiên hương).
Xem thêm
Lưu Quang Vũ- Để gió và tình yêu thổi mãi
Lưu Quang Vũ (1948-1988) là một nghệ sĩ tài năng trên nhiều lĩnh vực: thơ, văn, kịch, họa... ông được đánh giá là nhà viết kịch xuất sắc nhất của nền kịch Việt Nam hiên đại, bên cạnh đó ở lĩnh vực thơ ông cũng có những đóng góp giá trị.
Xem thêm
Hoàng Phủ Ngọc Tường – Người hái nỗi buồn trong cõi phù vân
Không phải ngẫu nhiên trong Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, tập 4 – Thơ (Nxb. Trẻ ấn hành, 2002), trong lời mở đầu ông đã xác quyết: “Mỗi người chỉ thực là chính mình trong căn nhà của nó. Thơ cũng vậy. Thơ cần phải trở về căn – nhà - ở - đời của nó là nỗi buồn. Một quyền của thi sĩ là quyền được buồn”. (1)
Xem thêm
Lưu Quang Vũ từng say đắm 3 Nàng Thơ
Công chúng ngưỡng mộ nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948-1988) không chỉ bởi những vở diễn “Tôi và chúng ta”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Tin ở hoa hồng”, “Lời thề thứ 9”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, “Lời nói dối cuối cùng”... có sức rung động mạnh mẽ, mà còn bởi trái tim đa cảm mà ông thổ lộ trong thơ “đã có lần tôi muốn nguôi yên/ khép cánh cửa lòng mình cho gió lặng/ nhưng vô ích làm sao quên được/ những yêu thương khao khát của đời tôi”.
Xem thêm
Quang Chuyền: Sáng một tấm lòng lành
Với nhà thơ Quang Chuyền, đã có rất nhiều báo, đài dựng chân dung, phỏng vấn, viết về ông và thơ của ông. Những trình bày của tôi hôm nay, chỉ là góp thêm một góc nhìn về một đời người, một đời thơ khá đồ sộ, một sự nghiệp thơ vững vàng, đáng ngưỡng mộ.
Xem thêm
Hồi ức chân thực của một người lính thời chống Mỹ cứu nước
Nhân đọc tập Ký - Tản văn Tìm dấu chân xưa của Trần Ngọc Phượng, Nxb Hội Nhà văn
Xem thêm
Người suốt đời nhập cuộc thơ
Quang Chuyền ở Hội Văn Nghệ Việt Bắc ba năm, năm 1968 chích máu viết đơn xin đi bộ đội, ở binh chủng Thông tin cho tới ngày nghỉ hưu.
Xem thêm
Nguyễn Bính Hồng Cầu - Thức với miền xưa
Bài viết về tập thơ “Thức với miền xưa”, NXB Hội Nhà văn
Xem thêm
Giá của đam mê
Bài của nhà văn Ngô Xuân Hội đăng Tuần báo Văn ngh của Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín
Tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín được viết công phu, tâm huyết, tài năng, trách nhiệm và say mê; một truyện hiện thực nhưng giàu tính tư tưởng; một tiểu thuyết “Hiện thực nhân văn dân chủ” rất mới về hiện thực miền Nam trước và sau 1975.
Xem thêm