TIN TỨC
  • Truyện
  • Tôi và Tự – Truyện ngắn của Hồ Thị Ngọc Hoài

Tôi và Tự – Truyện ngắn của Hồ Thị Ngọc Hoài

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2023-01-02 13:39:37
mail facebook google pos stwis
307 lượt xem

Tôi loay hoay thoát ra khỏi dây dợ của tình yêu. Người ta yêu mình rồi phụ mình cũng giúp tôi hiểu được mình hơn, hiểu ra, khổ đau trách hận đến thế vẫn có thể vượt qua, vẫn có thể bỏ qua cho họ, không trách hận nữa. Tôi loay hoay với ý nghĩ về Tự, băn khoăn ngày đi tìm gặp Tự, thư gửi cho Tự không thấy hồi âm, Tự đi đâu? Làm gì? Đang như thế nào? Tự có nhận được thư tôi? Tôi cũng loay hoay lo chút ít phấn son, áo quần, nhan sắc… 

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài

Tôi và Tự đã cùng đến đó, đất dưới chân mềm ẩm ướt, cỏ hai bên lối đi xanh tốt quết nước sang chân những ngày mưa hay những sớm nhiều sương. Những con đường, những lối mòn lẫn vào cỏ, dưới những gốc phi lao vào mùa mưa xâm xấp, nhì nhượi nước, cơn mưa trước chưa kịp khô ráo thì cơn mưa sau đã lại về, bão, mưa lũ, và nỗi buồn vẫn thường vô cớ đỏng đảnh mắc trên cành, ủ nơi lối mòn bên vệ cỏ, bám dính bức tường rào hoang hủy.

Tự ít nói, chầm chậm và buồn buồn, hay vu vơ, mông lung. Cũng có khi Tự nghịch ngợm, từng bôi vẽ mặt đi nhát bạn, và thi thoảng hát khẽ rất lạ, và lắm bạn ngạc nhiên khi Tự nhảy hết mình, ngẫu hứng, tự nhiên và đẹp trong đêm sinh nhật bạn. Tự cả ưu tư, già cạu, bất chợt vui buồn và thường miên man, hay nhìn trời, nhìn cây, nhìn xa xăm, nhiều lần tôi gặp Tự như thế, và có lần Tự nói: “Cây, và bầu trời thật hợp nhau mặc dù chúng ở xa nhau. Không có cây, bầu trời khó mà đẹp được như vậy!”. Có lẽ là đúng, Tự phát hiện ra điều hiển nhiên đơn giản thú vị đã làm tôi nhớ mãi. Dần dần tôi thích được cùng Tự chia sẻ mọi chuyện, nhưng Tự nói: “Chẳng hiểu sao hầu như mình không tự tin lắm về điều mình biết, lại còn có lúc lời đi khỏi miệng thì mọi chuyện thành ra khác lạc, rất ngại, rất sợ…”. Tôi chơi thân, quý Tự hơn nhiều nhưng chẳng mấy khi quấn quýt, vì Tự thích trốn góc nào đó, ở nơi nào đó tĩnh vắng, một mình, không hẳn là để chúi đầu triền miên đọc sách mặc dù bên cạnh Tự luôn có cái để đọc. Thực sự nhiều khi không tài nào hiểu Tự, không hiểu được vì sao Tự có ý nghĩ: “Mình hay có cảm giác đang hao tổn, hoài phí, hay bị mất cái gì đó…”. Tự có vẻ không ổn định, kể cả lực học, có những môn Tự rất xuất sắc, cái môn nhiều đứa sợ hãi là triết học, thì bạn bè có thể hỏi, trao đổi để đỡ ngán. Trong khi bọn bạn trong phòng cầm sách học thuộc thì Tự nói khẽ với tôi: “Đọc cho rộng ra thì dễ hiểu, dễ nhớ những điều cốt lõi”. Tôi cũng cố như thế nhưng vẫn thấy ngán mấy quyển liên quan đến triết, đến tư tưởng cao vời này nọ.

Tôi có bạn trai. Những cảm giác lạ gắn với cái giường của kí túc xá. Đêm ấy mưa, tôi đưa ô giục bạn trai về khi đã khuya lắm, mọi người trong phòng đã lần lượt đi ngủ. Tôi châm nến, ngoài trời mưa trút từng đợt ầm ào, rồi nhẹ, rồi ầm ào. Bạn trai liều lĩnh mở cúc áo và tắt nến. Mưa tới tấp, và những âm thanh lẫn vào nhau. Chuyện gì đã xảy ra? Nó là như vậy? Là như vậy? Có nghĩa là tôi muốn quên đi, bỗng thấy ghét cái con người bên cạnh. Tôi mềm yếu thì người ta có thể giữ cho tôi chứ! Tôi im lặng và tránh mặt.

Tôi muốn tâm sự với Tự, muốn giải bức bí với Tự về chuyện đêm mưa của tôi, muốn nhưng không tài nào mở miệng ra được. Hồi Tự mười lăm tuổi cũng đã có người bạn trai thân thiết, chẳng phải Tự yêu từ đó sao? Đòi kể chuyện yêu đương mãi Tự mới kể: “ Đầu tiên là gửi thư, bạn trai nói là hay nghĩ về Tự, lúc học, lúc ăn, lúc ngủ, hình như là nhớ hay sao sao đó, Tự vẫn im lặng, nhưng từ đó, nhìn trời, nhìn cây… thì người bạn ấy như cùng nhìn, khi đó là cuối mùa đông, bắt đầu thấy thích mưa phùn, và dần dần nhiều khi không hiểu sao thấy rất buồn, rồi mình nói không, không thể, nhưng trong lòng thì khác.”.

Tự thường ngóng thư, tìm chỗ nào đó tĩnh lặng đọc. Tự đọc bất cứ gì, rất dễ bắt gặp lúc Tự dứt mắt khỏi trang, đắm chìm, có núi nhìn núi, có cây nhìn cây… có lần khi từ giường bên này, tôi bắt gặp Tự lén lau nước mắt, ngoài trời, những cây phi lao trước kí túc xá cũng đang nhỏ những giọt nước tròn, trắng trong đầu ngọn lá, tôi muốn chộp lấy, vặn hỏi Tự, nhưng lại thôi. Mưa nhiều khi cũng rất tai hại. Hết mưa lũ, đến mưa phùn, mưa kiểu gì cũng miên man dai dẳng, buồn buồn. Tự như kìm nén những điều gì đó rất khó hiểu. Tự có nói với tôi: “Thèm được đi một chuyến…”. Có lẽ những giới hạn đã lắm lúc khiến tôi khá căng thẳng. Tôi không dám gặp bạn trai nhiều, còn Tự yêu mãnh liệt mà cách trở, Tự hay hoài nhớ hương hoa chanh, hoa bưởi trong vườn mưa xuân, lộc nhú. Còn tôi, từ đêm mưa lũ đó, tôi im lặng, giận hờn, né tránh, nhưng vẫn học hành ăn ngủ không yên được. Ăn ngủ học hành không yên, tôi cảm thấy mình chậm chứ không phải là Tự.

Từ mưa lũ, rồi mưa phùn, tôi không muốn nói với Tự về chuyện đêm mưa dữ dội đó nữa, nhưng tôi vẫn rất muốn biết anh lính, bạn trai của Tự có giữ cho Tự chuyện ấy không? Nếu anh lính muốn câu chuyện sâu hơn, dài và lạ hơn thì Tự sẽ như thế nào?

Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng

Tôi biết nhiều hơn những âm thanh rất lạ, khô khốc, không cơn mưa lũ nào a dua theo. Yêu. Học. Lăn lóc hết góc này đến xó khác, thư viện, giảng đường, gốc cây, trùm chăn bít tai, ngủ, thức… Mưa phùn, và bạn trai tôi không vụng về nữa, còn tôi vẫn rất muốn hỏi, nói chuyện với Tự về những điều sâu xa hơn nhưng khó mở miệng quá!

“Tự, mày yêu như thế nào, kể thêm chuyện tình yêu của mày đi!”. Tự thoáng bối rối, rồi không nói gì, tôi biết Tự rất thật, không phải giấu diếm gì tôi, nhưng có vẻ như ý muốn của tôi khiến cho Tự không biết nói sao thì được. Thực ra Tự yêu như thế nào thì tôi là đứa được biết nhiều nhất, nhưng tôi muốn Tự tâm sự sâu hơn, nhiều hơn, tất tật những gì về tình yêu của Tự, có cảnh đoạn như tôi và như một số bạn bè, và như phim ảnh, báo chí nói tới không? Tôi cảm thấy như Tự chưa biết gì về chuyện ấy.

Bể nước kí túc xá trong vắt, nhiều hôm nhìn thấy cả khăn, giấy, que, lá và những ô nhà tắm nghẹt thở vì hôi hám, sáng ra và chiều lại thường đông đúc, ở đó nhiều khi có những bạn khỏa thân, tôi liên tưởng tới hoa sen, sen lại cho tôi những tưởng tượng khác.

Mưa phùn từ mùa đông vắt qua mùa xuân. Tôi thấy cơ thể mình khác, bánh, thịt, kẹo mấy ngày tết khiến người nân nân, căng lên. Nhưng không. Tôi lo lắng, hoảng sợ, mong ngày xuống trường, mong gặp lại bạn trai, mong gặp Tự. Lần này tôi phải tâm sự với Tự thôi. Tôi nghĩ đến Tự, khác với nghĩ tới mọi người. Tự khiến tôi được an ủi, được yên lành hơn cả. Tôi linh cảm tai họa, mà chỉ có Tự mới là người có thể giúp đỡ tôi được, chỉ từ trong ý nghĩ, tôi đã biết ơn Tự rồi.

Tự lắng nghe chuyện tôi, suy tư hồi lâu rồi hỏi: “Sao không làm mẹ?”. Tôi không thể! Tôi phải học tiếp, không thể khác được. Mắt Tự trong veo, băn khoăn, ưu tư lắm. Tự nghĩ gì tôi không biết, chắc là cũng nghĩ như tôi, hẳn nỗi buồn khổ của Tự cũng như tôi. Tôi giục, Tự mượn xe đạp chở tôi đi viện. Tôi đau đớn quằn quại. Bạn trai xa lánh tôi, tránh hết mọi chuyện. Chỉ có Tự an ủi, chỉ Tự biết bí mật này. Tôi nhìn Tự, cảm ơn cuộc sống mà đau lòng. Tôi dứt bỏ, nhẹ thân và nặng lòng. Mất ngủ, xanh xao, ủ dột, nhưng tôi cố an ổn để học tiếp, không thể khác được.

Thế rồi bỗng nhiên Tự biến mất. Tự đã nộp đơn xin nghỉ học từ lúc nào? Vì sao? Tôi biết Tự thất thường. Tự còn đáng thương hơn tôi. Những u uẩn trong lòng Tự có vẻ như không thể nói, không thể tháo gỡ được, trong khi Tự có thể giúp người khác nhẹ nhõm, thanh thản, an lành hơn. Tôi biết vậy mà không biết làm gì giúp Tự, chỉ biết gào lên trong lòng: Không! Không thể!

Bạn bè ngơ ngác, băn khoăn, thắc mắc, lo lắng. Tự bỏ học về quê làm gì? Vì sao? Nhưng cũng lao xao một hôm, dăm bữa thôi, ừ hẳn phải có nhiều lí do cộng lại mới đủ để thay đổi, hoặc không thì phải là một lí do cực kì nghiêm trọng nào đó! Tôi muốn tìm về tận quê Tự, cho biết quê, biết nhà, biết về gia đình và Tự đang thế nào? Tự ít nói, im lặng quá nhiều, còn tôi thì mải mê với yêu đương, bận rộn bao thứ linh tinh, và luôn nghĩ thời gian còn nhiều, còn có nhiều dịp hiểu nhau, chẳng vội gì, và cũng không nên tò mò, mọi điều sẽ tự nó đến, sẽ được biết, nếu không cần phải biết, không được biết, cũng không phải là dở. Người như Tự, không khoe, không than thở, mà tôi cũng không thích kiểu giàu có thì khoe khoang, kiêu căng, hay nghèo khó thì kêu ca than thở. Ai mà không có gia đình với trăm chuyện, trăm thứ thế này thế nọ. Tự, khiêm nhường, lặng lẽ, hiền lành quá. Tự có vẻ tự làm khó mình chứ chẳng thể làm hại được ai. Còn tôi, tại tuổi trẻ hay tại tôi là người vô tư vô tâm? Có vẻ như Tự cũng thế? Có cái chưa đến lúc phải biết, hoặc không đáng biết thì thôi. Những tháng ngày đi qua bộn bề mà sao ngoảnh lại thấy mình trống rỗng? Mà trống rỗng cũng không đúng, chật chội yêu đương, khổ đau khiến mình già hay chai lì, hay ngộ ra mà lớn lên? Nhưng hôm qua tôi với Tự vô tư, hồn nhiên, thủng thẳng bao nhiêu thì hôm nay tôi day dứt mình vô tâm bấy nhiêu. Nhiều đứa tò mò, bản tính buôn chuyện, ngồi lê đôi mách, vờ chia sẻ… vì vậy mà tôi không nên tò mò, nhưng với Tự sao tôi không khơi cho hiểu thêm ra mọi chuyện? Để chia sẻ ư? Chia sẻ như thế nào? Tự bí ẩn hay giản đơn? Tôi muốn đi tìm Tự.

Mưa. Sấm trốn biệt một năm đã trở về, dữ dội. Mưa ào đến, mạnh mẽ, rồi tạnh. Lắng trong, thanh thơi. Tôi nhớ Tự, hẳn Tự cũng đang nhìn cây, nhìn trời, cũng thấy trời đất thanh thơi, trong trẻo, xanh quyện?

Tôi sẽ đi, có thể là ít ngày nữa, dù thế nào tôi cũng phải gặp lại Tự. Những ý nghĩ, mong muốn… nó cũng dễ bị xô dạt như những chiếc lá nhỏ trên dòng nước, tứ tung chia lìa vô định, khó đến chỗ cần đến, nhưng chắc chắn tôi sẽ gặp lại Tự. Không biết ngày nào thì tôi có thể đi? Chỉ là mong muốn thường tình, nhỏ bé, nhưng nếu không thể thực hiện sớm, thì tôi vẫn nhất định gặp lại Tự.

Tôi loay hoay thoát ra khỏi dây dợ của tình yêu. Người ta yêu mình rồi phụ mình cũng giúp tôi hiểu được mình hơn, hiểu ra, khổ đau trách hận đến thế vẫn có thể vượt qua, vẫn có thể bỏ qua cho họ, không trách hận nữa. Tôi loay hoay với ý nghĩ về Tự, băn khoăn ngày đi tìm gặp Tự, thư gửi cho Tự không thấy hồi âm, Tự đi đâu? Làm gì? Đang như thế nào? Tự có nhận được thư tôi? Tôi cũng loay hoay lo chút ít phấn son, áo quần, nhan sắc… dù sao, tôi cũng không thể cẩu thả, tôi phải sống và ăn mặc học hành ra sao đó cho người yêu cũ hiểu, không yêu nhau nữa có nghĩa là người ta đang được sống khác đi, mới hơn với không ít điều đáng cảm ơn từ tình yêu, từ người đã tạm biệt. Tôi hoay hoay nhìn, lục tìm trong ngày cũ có gì quý giá, và chờ ngày mới đến có thêm bí mật nào được mở ra, có gì vui may?

Trong khi loay hoay với đủ thứ, tôi lại có thêm bạn mới, cả bạn trai mới tỏ tình, điều tôi vừa chờ đợi vừa tự ngăn cấm, rất mâu thuẫn. Khi nhận được lời tỏ tình, tôi vấn vương, lại gồng lên ngăn cản, tôi tự đề ra nguyên tắc, lại muốn phá bỏ… thật là bề bộn, có thêm điều gắn bó, có thêm điều nhạt phai, chưa thấy cái gì ra cái gì thì đến kì thi, đến kì nghỉ hè.

Hè mới có thể thay đổi nhịp sống, thực hiện một vài kế hoạch… Nhìn lại, cảm thấy thời gian đi nhanh, như mới từ một ga tàu này đã đến một ga tàu khác, tháng ngày tẻ nhạt và ngưng đọng hay không, tôi cũng không hẳn chắc chắn, thấy mình khác, già, và, có những điều trước đó mong mỏi, bỗng quay ra dùng dằng.

Có đi tìm Tự không? Có gì như là phai lạt? Có gì ngăn cản? Thời gian và lòng người là như thế? Tôi đang thay lòng đổi dạ, không giữ tình bạn như hồi nào, bào chữa cho mình thế này thế nọ, xa xôi, mất liên lạc, Tự không hồi âm thư, Tự cũng vô tình với mình, và… hơn gì khi tôi đi tìm Tự? Biết đâu Tự đã đi đâu xa, không còn ở nhà nữa?! Gặp gỡ, chia xa, nghĩa tình… không lẽ đang như nước chảy? Không lẽ tôi đã khác, đã chẳng là tôi mới đó chưa xa?

Nghỉ hè chưa bao lâu thì tôi có thư, một bức thư tình làm tôi khó dứt đầu ra khỏi nó. Những con chữ nét cứng nét mềm, và những lời ngọt ngào. Người ta khen nụ cười, đôi mắt thế nọ thế này… Tôi nghĩ, còn nước da thì sao? Tôi đen, càng đen nhẻm vì hè, vì nắng nôi đồng muối rát mặn. Soi gương… xinh xắn ra sao cũng không rõ, chỉ thấy da dẻ đen hoắc nên cười trông càng trắng lóa, tươi hớn… Tôi không trả lời thư, như là nén cảm xúc, cảm xúc cũng khiến cho nắng gió đồng muối đỡ rát mặn, nhưng tôi đã thề là phải dừng chuyện yêu đương lại.

Về hè, cùng cha mẹ úp mặt vào đồng muốiNắng lớn, được muối nhiều. Nắng gió đồng muối rát mặn từ chân lên tận tóc, rát mặn từ ruộng muối, lên đường, đến tận đêm sâu. Càng rát mặn càng thương mẹ cha, tôi không nỡ dứt ra, chưa thể vì việc riêng của tôi mà dứt ra khỏi nhọc nhằn nắng rát, mặn bỏng nơi ruộng muối. Ai cũng trong guồng của muối. Nắng bỏng và muối rát, tôi mong mưa, nắng lớn càng dày muối. Nhưng nắng đã lâu quá, đã dài quá rồi, nắng khô ráp bỏng giòn, đỏ gay cả mặt mũi, rát ráy… thèm trời mưa liền mấy ngày như lên đồng, tôi sẽ  thu xếp đi tìm Tự. Ngày nào đó muốn là vậy, thế mà thời gian dần qua, tôi vẫn cứ lần chần, như không còn thật sự mong muốn?! Ừ thì một lúc nào đó thuận lợi sẽ đi, có gì đâu, còn bao việc nữa.

Những khoảng nhàn rỗi thì nhớ lại, nghĩ ngợi, và nhiều khi ray rứt. Đã muốn đi tìm Tự, lại đổ cho bao chuyện trong cuộc sống chằng lấy, khi tỉnh queo, khô khốc, ù ì, và cũng có lắm lúc muốn dứt mình bước chân ra khỏi nhà. Những gì về Tự treo lửng lơ, tôi tự ràng buộc, rồi tự hỏi về đổi thay. Biết là không dứt khỏi… Nếu đi tìm Tự, tôi phải đi hai lần xe, cắt đường theo tuyến xe miền ngược, hơn trăm cây số nữa. Đứa con gái đồng muối, đồng bằng mới ra khỏi vùng quê mình vào phố học, chưa đi đâu xa quá trăm cây số, chưa biết miền ngược ra sao?! Ngày nào nghe Tự nói, từ thị trấn còn phải đi hơn hai cây số nữa mới tới nhà, có đoạn đường sá, xe cộ vào khó khăn vì cheo leo, khúc khuỷu… không phải là tôi không ngại đường xa trắc trở, lạ lẫm, mà địa chỉ cụ thể cũng không có, việc đứt liên lạc, biệt vô âm tín cũng khiến tôi ngán ngẩm!

Thế rồi trước khi vào trường học tôi nhất định phải đi tìm Tự. Xuống xe, lên xe, đi hai chặng dài lắc lư. Khi hai bên đường cây núi, lau sậy, cảnh vật chuyển dần, vừa như an ủi gọi mời, vừa dọa. Sự khác biệt xa lạ của độ cao, xanh mênh mông bạt ngàn, sông nhỏ uốn quanh, mất hút, lại bất ngờ hiện ra bên cạnh, dưới chân núi. Đường ngoằn ngoèo, vừa chóng mặt, vừa kì lạ. Nghĩ mà thấy tôi bé mọn vì muộn mằn được mở mang với những điều như thế. Thỉnh thoảng bên đường những phụ nữ mặc váy, mang gùi… tôi càng thấy mình đã sai khi quá phân vân, lần lựa để đi.

Hỏi tìm nhà Tự rất khó khăn. Tôi huy động, lục lọi hết mọi thông tin, các mô tả, rồi cũng gặp người biết sơ sơ, nói hình như, hình như… Hỏi thì được, nhưng đêm tối, tôi không dám đi, nghe nói vắng vẻ, và có đoạn cheo leo, khúc khuỷu. Thật sự mệt mỏi, đói, không thiết tha gì xung quanh ngoài tìm cái gì ăn và có thể xin ngủ. Vào quán tre mua bánh chưng ăn, nói chuyện với bà già bán quán, biết chuyện, bà quán bảo ngủ với bà, bà ngủ trông quán, có một mình thôi. Mệt quá, tôi thiếp đi cho đến sáng hôm sau, khỏe khoắn, tỉnh táo.

Tôi đi tìm nhà Tự. Ngôi nhà gỗ nho nhỏ, vườn có chanh, bưởi, ổi, đào. Tôi ngồi bệt xuống một hòn đá tảng lộ thiên trước nhà chờ vì cửa khóa, nhà vắng vẻ.

Tôi chờ. Xung quanh, đất đồi sỏi đá, rải rác đá tảng lộ mình, với cây lá, núi non, và nắng đầu ngày.

Người đàn bà dưới dốc đi lên. Không lẽ là mẹ Tự? Làn hoa quả, chuối, cam… Tôi đứng lên đón, chào hỏi, người đàn bà gầy gò, nét mặt buồn bã dưới vành nón. Mẹ Tự. Nhưng tôi chưa kịp mừng, mới chạm vào tên Tự, nước mắt người mẹ đã trào ra, ắng nghẹn. Tôi chết lặng. Tôi đã nhìn thấy vành tang trắng.

Vẻ đẹp như thiên thần, mắt trong veo, nụ cười của Tự luôn như một thứ ánh sáng dịu êm, thứ ánh sáng… bây giờ càng trở nên mộng ảo, đưa tôi vào bậc hương hoa, thầm thì, lắng tịnh.

Như là Tự truyền vào tôi sự im lắng, dịu dàng, tinh khôi. Những bông lau trắng nhẹ lay.

Tự dẫn tôi, bên bàn, cửa sổ hứng sáng, hứng khoảng trời cuối hạ xanh lam, những quyển sách, mới và cũ, dày và mỏng. Sách vở…

Nhật ký của Tự…

Có đám mây trắng qua cửa sổ, trời quá xanh, càng nắng, trời càng lam ngăn ngắt, đám mây càng trắng, chúng đang tự phá vỡ miên man, tất cả đều lơ lửng trôi, thỉnh thoảng trong cây lá có tiếng chim hót, có ánh mắt, nụ cười, gương mặt và dáng dấp ai đó nhòa trong nắng, nhòa sắc lá ngoài ô cửa sổ trong veo, xanh, và buồn…  Chẳng có sự kết thúc nào, cậu thấy không, chúng ta lại đang mở ra, lại bắt đầu những ngày mới… phải vậy không?

Tôi chào mẹ Tự, xuống trường, thầm hứa sẽ quay lại. Nhưng bao chảy trôi, đường vắng phố đông vẫn có Tự trong lòng, cả day dứt khi bao điều không từng, chưa thể.

HỒ THỊ NGỌC HOÀI 

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bài điếu văn của lão Tân - Truyện ngắn Kim Uyên
Lão Tân thấy nhà đám náo động thì đứng dậy thất thểu ra về. Vừa đi lão vừa suy nghĩ căng thẳng lắm, lão chưa biết viết thế nào để hoàn thành bài điếu văn về ông chủ tịch cho em trai đọc vào lúc di quan sáng mai.
Xem thêm
Chạm mặt voi rừng - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Những cơn gió trong rừng già bao giờ cũng khác với cơn gió bình thường. Trước khi đưa bàn tay mát rượi mơn man lên làn da, mái tóc chúng ta, gió thể hiện vũ khúc của mình bằng tiếng reo ầm ĩ như có hằng trăm, hằng ngàn con nai cùng chạy, làm các cành cây nghiêng ngã, xô đập vào nhau rầm rầm.
Xem thêm
Hai người mẹ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Truyện hay về người mẹ Việt Nam
Xem thêm
Bắt cá trên cao nguyên - Truyện ngắn của Hồng Chiến
H’Lê làm lớp trưởng lớp 9A1, người dân tộc Êđê có nước da bánh mật, mặt trái xoan, tóc xoăn tự nhiên tạo nên một vẻ đẹp huyền bí. H’Lê học cùng lớp nhưng hơn Thanh một tuổi, người rắn chắc, khỏe mạnh ra dáng một thiếu nữ. Còn Thanh sinh ra, lớn lên ở ngoại ô thành phố, quanh năm nghe tiếng gầm của sóng biển.
Xem thêm
Bản năng kép - Truyện ngắn Phùng Phương Quý
Ta nắm tay đấm vào đầu để nhớ lại. Đuổi ngay cái dự án khu công nghiệp ra khỏi bộ nhớ. Mười phần trăm là cái gì. Mười lăm phần trăm cũng chả là cái gì. Lại hai mươi à? Cút xéo ngay cái phần trăm hoa hồng của chúng mày. Tao đếch cần! Tao thích bia hơi, thích tăng gô...
Xem thêm
Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn
Ba đang ngồi đọc lại những trang viết về cuộc trò chuyện của cha con mình từ bấy đến nay. Và ngẫm ngợi lại những gì đã xảy ra trong chuyến Đông Du định mệnh.
Xem thêm
Bóng chim tăm cá – Truyện ngắn Phùng Phương Qúy
Con đò cố lách qua đám lục bình rin rít, cố nhoi lên từng thước. Khói dầu máy phun mù mịt phía sau, khét lẹt. Hai Loan ngồi bên bao mì mót, lấm láp mủ, đất. Mái tóc rối bù, cần cổ vươn về cuối sông, sắp dài thành cổ cò. Vậy mà chiếc xuồng cũ của chồng không thấy xuất hiện.
Xem thêm
Người viết sử | Truyện ngắn của Nguyễn Trường
Nguồn: Văn nghệ số 35+36 (ngày 2/9/2023)
Xem thêm
Mộ tổ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Sông Hương tổ chức năm 1994.
Xem thêm
Chè chốt Truyện ngắn của Lê Na  
Lần đầu tôi gặp em, một ngày chớm đông. Em mặc chiếc áo len cộc tay màu hoa mười giờ. Màu hoa ấm áp làm sao. Tôi như được trời cho duyên cớ ấy. Thỉnh thoảng hai cái xe đạp ngược chiều lại chạm nhau. Có lẽ chẳng bao giờ em để ý đến tôi, còn tôi thì ngóng đợi đến mỏi mòn. Dẫu chỉ lướt qua nhau, tôi vẫn bị hút hồn bởi đôi mắt ấy. Đôi mắt ngơ ngác, lung linh như được vẽ bằng sương mai. Màu áo len hắt ánh hồng lên má. Đâu có son phấn gì, một cô gái đậm chất quê. Bầu má mịn màng, non tơ. Tôi đã vô cớ nhớ em, một người dưng, giữa ngàn vạn người tôi gặp.
Xem thêm
Tình yêu cao thượng | Truyện ngắn của Nguyễn Thanh
Nguyễn Thanh, nguyên Tổng thơ ký Hội Văn nghệ Giải phóng TP. Cần Thơ
Xem thêm
Chờ đợi hóa thân | Truyện ngắn Đặng Chương Ngạn
Tác phẩm đăng Nhà văn & cuộc sống số 14
Xem thêm
Tu hú gọi bầy | Truyện ngắn Lệ Hồng
Truyện đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 86 (ngày 10/8/23)
Xem thêm
Tâm “điếu văn” – Truyện ngắn Phùng Chí Cường
Sinh – Lão – Bệnh – Tử là quy luật của một đời người. Sinh thì có hạn nhưng tử thì bất kỳ không ai có thể định trước được. Có những người vừa mới cách đây không lâu vẫn còn cười phơ phớ, thế mà đùng cái lăn ra chết bất đắc kỳ tử.
Xem thêm
Thẻ nhà văn | Bích Ngân
Truyện đăng Tuổi Trẻ Cười
Xem thêm
Chó robot | Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện đăng Văn nghệ quân đội
Xem thêm
Gấu Ngựa - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Những chú Voọc có chiếc đuôi dài hơn thân mình, trắng muốt đưa hai tay bám lấy cành cây như người đánh đu, cất tiếng hú vang động cả bầu trời. Loài Voọc ở đây lạ lắm: mặt có lông màu trắng; đầu, lưng và tứ chi lông đen thui; vùng bụng lại có lông màu bạch kim. Chúng sống thành từng đàn năm bảy chục con, mỗi sáng sớm kéo nhau đi ăn, hoặc chiều về lại hò hét, gọi nhau inh ỏi. Chúng thích ăn lá cây khác với họ nhà khỉ chỉ thích ăn quả. Có lẽ bầy Voọc chưa bao giờ gặp người nên thấy H’Chi đi một mình chúng nhìn chằm chằm rồi đua nhau đuổi theo, quăng mình từ cành này sang cành khác như người làm xiếc.
Xem thêm
Thị trấn biết cười – Truyện ngắn của Tống Phước Bảo
Rừng nối đất. Cây nối gió. Mưa nối lạnh. Và cô đơn nối những con người chẳng biết cười gần với nhau.
Xem thêm
Cây mẫu đơn hoa đỏ – Truyện ngắn của Hồ Loan
Cơn ho sặc sụa của ông khiến bà bừng tỉnh. Cơn ho như thể lấy cả buồng phổi của ông ra ngoài. Đưa tay dụi vội hai mắt, bà lập cập tiến ngay lại, một tay vỗ lưng, một tay vuốt ngực cho ông:
Xem thêm