TIN TỨC

Trịnh Bích Ngân, người đi tìm ngôi đền thiêng tâm thức

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2025-01-22 07:34:00
mail facebook google pos stwis
68 lượt xem

HƯƠNG THU

Không biết từ lúc nào, nhưng bắt đầu từ khi tôi được nhìn thấy những bức ảnh nhà văn Trịnh Bích Ngân chụp đăng trên face book, tôi đã nghĩ cô ấy ngoài nhà văn còn là một nhà thơ bởi từ những góc nhìn sự vật, sự việc có chiều sâu và mang tính nghệ thuật cao đã cho tôi cái cảm giác ấy.

Không nằm ngoài suy nghĩ của tôi, không lâu sau đó, tôi đã đọc được những dòng thơ đầu tiên của Trịnh Bích Ngân trên trang cá nhân của cô ấy. Những dòng thơ đã để lại trong tôi một ấn tượng mạnh mẽ bởi tính triết luận sâu sắc, và khi tập thơ đầu tiên của nhà văn Trịnh Bích Ngân “Nghiêng về phía nỗi đau” được ra mắt bạn bè và độc giả yêu thơ tôi không hề ngạc nhiên, vì đó là một điều tất yếu.

Dấn thân vào thế giới thơ, một thế giới vừa lung linh, rực rỡ vừa khắc khoải suy tư, Trịnh Bích Ngân đã chọn cho mình một lối đi riêng biệt của dòng thơ hiện thực. Vẫn biết, thơ hiện thực là một trong những dòng chảy của nền thi ca hiện đại. Song. điều khác biệt ở Trịnh Bích Ngân chính là tác giả đã không khai thác cái bên ngoài quen thuộc và luôn phô bày như một thực thể của cuộc sống. Điều nhà thơ hướng tới và luôn khao khát kiếm tìm chính là những điều ẩn khuất, sâu thẳm đầy những ưu tư, trăn trở của thế giới nội tâm. Cái hiện thực được nhà thơ Trịnh Bích Ngân phô bày trên trang giấy, rõ ràng và cụ thể, tưởng chừng như một với một bằng hai, chẳng qua chỉ là phương tiện để giúp nhà thơ gởi đi những mật hàm đầy ý nghĩa nhân văn.

Cuộc sống vốn luôn không hoàn hảo, bên cạnh những điều “sạch sẽ” vẫn luôn có những vết ố, lem luốc hiện diện như một thách thức, và người đàn bà thơ Trịnh Bích Ngân đã thức giấc lúc hai giờ sáng để “chiến đấu” với những vết bẩn làm xấu đi không gian sống, đó là “Những vết bẩn/ tướt đi giấc ngủ/ tướt đi bình yên…”. “Những vết bẩn không thể tẩy rửa bằng hóa chất/ Những vết bẩn ô uế cả những thứ/ Tưởng không thể nào ô uế”, những vết bẩn “Cứ lừng lững nghênh ngang/ Như nhà không chủ, như phố không người” (Người đàn bà tẩy rửa bếp lúc 2g sáng). Đọc thơ Trịnh Bích Ngân và nhận ra nhà thơ luôn dụng lối “Tá hoa trước y”, mượn thực tại để diễn ngôn cho tư tưởng sâu sắc ẩn chứa. Đó là hành trình của người đi tìm “ngôi đền thiêng tâm thức” và chỉ ngộ ra khi đã vượt qua những rào chắn của một dãy sự kiện. Người đọc như khách lữ hành cứ lần lượt vượt qua những hữu hạn của ngôn ngữ và cuối cùng chạm đến cái vô hạn của tư tưởng ngời sáng.

Thơ Trịnh Bích Ngân vì vậy vừa hiện thực giản đơn, vừa sâu sắc ý niệm, vừa gần gũi cuộc sống, vừa cao vời cảm xúc. Đó là những đúc kết từ những trải nghiệm của cuộc sống thường hằng, nó tự nhiên như hơi thở, nó gần gũi như chính mỗi chúng ta đều là người trong cuộc. Nó vừa thực, vừa ảo, tùy vào góc nhìn và cự ly xa gần của mỗi người khi đối diện với thực thể và cho đi một tầng suất cảm xúc như thế nào “Tôi chờ từng giọt cà phê/ nhỏ xuống lòng chiếc ly sứ/ trong tiếng nhạc của trăm năm trước/ trong nỗi đau của ngàn năm trước/ đặc sánh như giọt đắng tôi uống/ mỗi ngày/ Mỗi ngày/ trong tầm nhìn của tôi/ dường như tất cả vẹn nguyên/ mỗi sáng của những ngày đã qua/ mất còn của năm tháng đã lùi xa/ tất cả vẫn vẹn nguyên…” (Ở cự ly gần)

Có một điều tôi dường như đã bắt gặp chính mình trong thơ của Trịnh Bích Ngân, đó là nỗi cô đơn khi đối diện với đêm. Bóng tối soi rọi ý thức, níu gần khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại, những suy tưởng miên man khi đắm chìm trong khoảng tối của đêm thật dịu dàng như một dòng sông êm đềm tĩnh lặng cứ mãi miết trôi đi, âm thầm và lặng lẽ: “Đêm/ dòng sông quá đỗi dịu dàng…”, nhưng, cũng có lúc “Đêm dềnh dàng như bóng ma thiên cổ”, chiếm ngự và ghì siết cả cõi tâm linh của tầng ý thức, Một “Đêm Cửu Long” khác với một “Đêm Thủ Đức” càng không giống với một “Đêm Sài Gòn”.

“Nghiêng về phía nỗi đau” Trịnh Bích Ngân đã đến gần hơn với nỗi đau của tha nhân, trái tim người thơ run lên theo từng cung bậc cảm xúc “Biết người khác đau/ và mình cũng cảm thấy đau/ bên kia bến, bên này bờ/ những nhịp cầu chênh vênh/ trên dòng sông/ chảy xiết…” (Khoảng cách đôi bờ). Hình ảnh nhịp cầu chênh vênh, dòng sông, con nước chảy xiết… cho người đọc một liên tưởng đến nỗi đau của sự chia cắt, của phận người nhỏ bé mong manh trước những bạo liệt của cuộc sống. Ở đó có cả “Nỗi đau của lẽ tử sinh”. Trịnh Bích Ngân đã quán chiếu bằng những ý niệm sâu sắc để làm nhẹ bớt, hoặc giả để xoa dịu bớt những nỗi đau, có thể làm người ta gục ngã “Sự sống không khởi đầu/ cũng không kết thúc/ chỉ là một hành trình/ mỗi bước chân cũng là đến đích/ những bước chân trên lối đi chưa ai đi…/ Cái chết không kết thúc/ cũng không khởi đầu…” (Ánh sáng của sự lịm tắt).  

Xuyên suốt cả tập thơ, Trịnh Bích Ngân chỉ sử dụng một lối thơ duy nhất. Không hề có bóng dáng niêm luật vần điệu của các thể thơ truyền thống. Tác giả chọn thể thơ tự do và sáng tạo với lối ngắt câu không theo “nghĩa” mà theo “cảm” để làm rõ hơn, mạnh hơn thông điệp muốn truyền đạt. ví dụ “Những nỗi đau/ cuồn cuộn/ khói đen/ Tôi ngồi đây/ Hít thở ban mai/ Mà thấy mình/ Có tội” (Lối thoát nào cho nỗi đau). Một lối viết không cho phép người đọc dừng lại nửa chừng, cứ cuốn miết, cuốn miết, nó thôi thúc người đọc cứ phải rảo bước, đi cho hết con đường khi chưa tìm ra được thứ ánh sáng của ý niệm, và cứ như thế, thơ Trịnh Bích Ngân như một dòng chảy khi nhẹ nhàng, khi thúc bách, khi cuồn cuộn chảy siết, khi thư thả thong dong và cuối cùng ánh sáng chân lý bừng lên cho người đọc một cảm giác thỏa mãn sự tò mò và tìm kiếm, và luôn để lại một nỗi băn khoăn, một niềm trăn trở hay một sự cảm thông, ray rứt nơi người đọc, và tôi nghĩ Trịnh Bích Ngân đã thành công. 

Là nhà văn nên Trịnh Bích Ngân biết cách chọn lựa, sử dụng ngôn ngữ sao cho đơn giản, dễ hiểu nhất, nhưng phải truyền tải được những triết luận sâu sắc. Chính những điều đó đã tạo nên những giá trị cho tập thơ “Nghiêng về phía nỗi đau”.

Là Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, nhà văn Trịnh Bích Ngân đã rất thành công qua nhiều tác phẩm về truyện ngắn, Ttiểu thuyết, kịch bản sân khấu, truyện hài hước… đặc biệt tiểu thuyết “Thế giới xô lệch” đã được tái bản đến sáu lần, và tôi nghĩ hiện tại, cũng như ở một tương lai rất gần ngoài chức danh nhà văn, chúng ta sẽ có thêm một nhà thơ Trịnh Bích Ngân với nhiều tác phẩm thơ được người đọc yêu thích.

 

THƠ BÍCH NGÂN

Trích từ tập thơ “Nghiêng về phía nỗi đau”

 

Nghiêng về phía nỗi đau

 

Vũ trụ bao la

chỉ có trái đất cưu mang sự sống

chỉ có trái đất trĩu nặng

hạnh phúc và nỗi đau.

 

Hạnh phúc

một thoáng nhẹ tênh

vùn vụt thời gian

ngắn ngủi

đời người.

 

Nỗi đau

luồn sâu huyết quản

đôi khi chẳng khác dòng nham thạch

phun trào

 

Nước mắt

không thể cân đo đong đếm

trái đất bồng bềnh

nghiêng về phía nỗi đau

 

Trái đất cưu mang

trái đất khước từ

trái đất kéo căng

trái đất xô lệch

và mong manh

như quả trứng

trong sấp ngửa bàn tay

 

Anh và em

có kịp yêu thương

có kịp tha thứ

có kịp nắm tay nhau

cho đến khi

tóc không còn bạc hơn được nữa.

 

 

Ở cự ly gần

 

Tôi chờ từng giọt cà phê

Nhỏ xuống lòng chiếc ly sứ

Trong tiếng nhạc của trăm năm trước

Trong nỗi đau của ngàn năm trước

Đặc sánh như giọt đắng tôi uống mỗi ngày

 

Mỗi ngày trong tầm nhìn của tôi

Dường như tất cả vẹn nguyên

Mỗi sáng của những ngày đã qua

Mất còn của năm tháng đã lùi xa

Tất cả vẫn vẹn nguyên

 

Tượng Phật bạn tôi thỉnh từ một ngôi chùa

Nằm bên bờ sông Hằng văng vẳng tiếng kinh cầu

Vẫn trước mặt tôi

Mỗi sáng nhìn dáng tọa thiền

Thấy lòng chùng xuống, chùng xuống

Tận đáy sâu

 

Tượng nữ thần tự do nhỏ bé

Bạn tôi mang về từ đảo Liberty

Nơi nữ thần mãi giơ cao ngọn đuốc

Dù trăm năm qua hay ngàn năm tới

Vẫn đứng chôn chân một chỗ

Trước bão tố bủa vây

 

Ở cự ly gần

Tôi ngắm dáng lưng Đức Phật

Hơi ngã về sau

Nơi chúng sinh khát giọt cam lồ

 

Ở cự ly gần

Tôi nhận ra bàn tay nữ thần thiếu ngón

Ngọn lửa như ngọn giáo

Những phiên bản tự do có mặt khắp nơi

Những phiên bản khác xa bản gốc

Dù cánh tay vẫn vươn về

Phía trời xanh

 

Phía trời xanh

Mây đang trôi

Thời gian đang trôi

Phật tọa thiền

Phiên bản nữ thần tự do giơ cao ngọn giáo

Tách cà phê không còn bốc khói

Ngụm cà phê nguội và đắng

Thấm dần

Trong một ban mai.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.
Xem thêm
Hành trình trở về trong chùm thơ Phạm Thanh Bình
Những ngày cuối năm, khi mùi Tết đã phảng phất đâu đó, tôi bỗng nhận được chùm lục bát của nhà thơ Phạm Thanh Bình ở thành phố Hồ Chí Minh gửi tặng. Thật lạ, giữa thành phố ồn ào náo nhiệt vậy mà từng câu thơ lục bát vẫn trong trẻo chân quê. Bao hình ảnh về cảnh quê, Tết quê dường như cứ thao thiết chảy trong dòng cảm xúc thương nhớ của nhà thơ. Tôi cũng là người xa xứ cùng thế hệ với tác giả nên đọc thơ mà cảm thấy lòng mình cứ nao nao nỗi nhớ cố hương.
Xem thêm
Nguyễn Bình Phương, nhà thơ chơi chữ họa lên tương phản thực hư của hiện thực huyền ảo
Thơ Nguyễn Bình Phương không dễ đọc. Sáng tác của ông không hướng tới công chúng xã hội mặc định thường giới, mà cho một tầng tinh anh chỉ định, dù thơ ông chính là trữ tình tự sự, câu nào cũng dựng hình ảnh biểu tượng.
Xem thêm
Từ một trang văn Trang Thế Hy
“Tiếng sấm Đồng Khởi” Bến Tre (1960) âm vang dai dẳng dồn dập nhiều năm khiến chế độ cộng hòa đương thời còn chịu sự tác động ngoại lai phải kinh hoàng lo sợ, tiếp tục bắt lính khắp nơi để tăng quân, không chừa cả sinh viên, giáo viên ở các trường học. Năm 1963, bị gọi đi trình diện học sĩ trù bị, tôi âm thầm trốn học trò và hiệu trưởng, rời bỏ Trường Trung học Long Mỹ - Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Hậu Giang) - một huyện lỵ xa, lánh về Cần Thơ xin dạy Việt văn tại Trung học Tư thục Thủ Khoa Huân tại đường Thủ Khoa Huân (Cần Thơ) của ông Trần Đình Thân. Tình cờ, không, phải nói là may mắn, tôi được gặp một bài văn của Trang Thế Hy mà không rõ vì lý do nào, soạn giả lại không ghi xuất xứ. Đoạn văn được nhà văn, nhà giáo yêu nước Thẩm Thệ Hà (1) biên soạn, đưa vào quyển Giảng văn lớp Đệ Lục (nay là lớp 7) do nhà xuất bản Sống Mới ấn hành năm 1962. Nhan đề bài giảng văn là “Con người quả cảm”.
Xem thêm
“Bình yên từ phía quê nhà” của Nguyễn Văn Hòa
Cầm cuốn tản văn nho nhỏ trên tay: “Bình yên từ phía quê nhà”, giữa chốn nhộn nhịp của đất Sài Gòn, mà trong lòng tôi cảm thấy có một điều gì đó rất đỗi là chân quê, rất đỗi là an yên trong tâm hồn của một con người, khi bản thân chúng ta luôn quay cuồng với những tất bất hơn thua, cố gắng, lăn lộn ngoài đời sống, để đi tìm những giá trị vật chất hay tinh thần nhằm thỏa mãn những ham muốn khát vọng ở đời thường, thì khi đọc bình yên từ phía quê nhà, chúng ta dường như, hoặc đã có trong tay liều thuốc cho sự tự chữa lành, cho việc quân bình, cân bằng lại trong cuộc sống.
Xem thêm
Có một buổi chiều như thế!
Đọc bài thơ “Thơ viết chiều cuối năm” của tác giả Ngô Minh Oanh
Xem thêm
Nhà thơ Quang Chuyền - nhìn trời thấy hiện dòng sông
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 157, ngày 2/1/2025
Xem thêm
Một bông hoa lặng lẽ thiền trên cát bỏng
Bài viết của Khuất Bình Nguyên về thơ Mai Quỳnh Nam đăng trên báo Văn nghệ.
Xem thêm
‘Mùa xuân’ trong thơ Trần Ngọc Phượng
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
“Hoa cho tình yêu” kết quả “ngọt lành”
Về tiểu thuyết “Hoa cho tình yêu” của Nhà văn Hoàng Phương Nhâm, tác phẩm được trao giải thưởng của TPHCM...
Xem thêm
Những ngón tay mải miết lần tìm mạch sống
Cảm tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên” của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Tôn thờ mảnh hồn quê thô mộc mà thiêng liêng trong Vẽ nhớ”
Thanh thoát, nhẹ nhàng, trầm tư, ưu nhã nhưng nhiều nỗi bồn chồn: Nỗi bồn chồn mang tên Thanh Hoàng. Tâm sự lòng riêng của một hồn thơ chọn vị trí kẻ làm con để tạo tác cái đẹp nén đau
Xem thêm
Anh Đức: Nhà văn - chiến sĩ tiêu biểu của nền văn nghệ cách mạng miền Nam
Tham luận của PGS-TS Võ Văn Nhơn đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 156, ngày 26/12/2024.
Xem thêm
Anh Đức, cuộc sống và quan niệm sáng tác
Bài viết của nhà phê bình Bùi Công Thuấn
Xem thêm
“Minh Châu tỏa sáng” với nhiều góc nhìn
Bài của nhà văn Lê Thanh Huệ về truyện ngắn “Minh Châu tỏa sáng” của Nguyễn Trường
Xem thêm