TIN TỨC

Trương Nam Hương thích vùi trấu bếp của tình yêu

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-02-01 22:05:58
mail facebook google pos stwis
2765 lượt xem

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Tập thơ Thời nắng xanh và những bài thơ khác (NXB Hội Nhà văn) là món quà sách đầu năm 2022 do “chính chủ” Trương Nam Hương gửi tặng. Dẫu văn chương là một nghề đầy nhọc nhằn và bất trắc như nhà thơ từng chia sẻ, nhưng Nam Hương luôn thủy chung, bền bỉ với thơ, bởi đó là con đường tìm mình và về với chính mình.

Tập thơ Thời nắng xanh và những bài thơ khác ra đời sau 14 năm (kể từ tập thơ Mini thơ xuất bản năm 2008) như đã được “ủ lửa”, được kết tinh, lắng đọng bởi những mặn mòi, trải nghiệm của nhà thơ tuổi Quý Mão trước thềm “lục thập giáp hoa”.

Nhớ hồi 2017, nhà thơ Trương Nam Hương từ TP.HCM xuống Vũng Tàu thăm đoàn nhà văn Hà Nội dự Trại sáng tác. Buổi giao lưu ở biển bao cảm xúc khó quên. Chúng tôi tự nhận nhau là “F1” – khái niệm vui chỉ thế hệ 6X, 7X hợp huyết từ cha mẹ tập kết ở hai miền Nam - Bắc. Tôi và Hương đều có ba tập kết từ Huế, cùng gốc Huế quê nội, Bắc Ninh quê ngoại, cùng sinh ra ở miền biển. Nam Hương sinh năm 1963 ở Hải Phòng gắn cả tuổi thơ với Hà Nội. Tôi sinh ở Hạ Long rồi về Hà Nội định cư. Sau khi miền Nam giải phóng (1975), cậu bé Hương theo gia đình vào Nam. Cũng năm đó cô bé tôi vừa rời khăn quàng đỏ đã lặn lội đưa cậu em 9 tuổi về Huế tìm quê nội…

Đã tưởng “Quan họ ở chúng em ra về”, hẹn “đến hẹn lại lên” khép lại màn giã bạn ở Vũng Tàu đê mấy… nhưng cả đoàn bất ngờ, xúc động khi vợ chồng Nam Hương ra sân bay Tân Sơn Nhất tiễn đoàn ra Hà Nội.

Tranh chân dung Trương Nam Hương

Duyên thơ tụ kết các miền quê hương

Tôi tìm thấy trong thơ Trương Nam Hương yếu tố địa văn hóa, giao thoa các miền quê cố đô Huế - Kinh Bắc - Thủ đô Hà Nội- phương Nam. Anh đã nói hộ tuổi thơ của nhiều người, trong đó có tôi “Tuổi thơ con lấm láp bãi bồi/ Cho chuồn ngô cắn rốn/ Tưởng sông Hồng hẹp hơn”; là “Trong giấc ngủ của con/Đỏ rát rời đạn lửa…/Không có bà Tiên, cô Tấm/ Chỉ có u u những hồi còi báo động…”.

Thời nắng xanh và những bài thơ khác là tập thơ thứ 11 sau gần 32 năm Nam Hương trình làng tập thơ Khúc hát người xa xứ (1990). Mỗi tập thơ thể hiện nỗ lực sáng tạo định hình phong cách Trương Nam Hương không dễ lẫn. Rất tự nhiên, anh đã tự định vị vùng văn hóa như “chốn đi về”. Thơ anh ký thác muôn mặt cuộc sống, tình yêu, gia đình, bạn hữu, sự chiêm nghiệm… được viết bằng trái tim đa cảm, bằng ngôn ngữ thơ trong sáng, thuần khiết, tinh tế, nhẹ nhàng, sâu lắng…

Văn hóa dân tộc là nguồn cội cho người sáng tác. Nhưng khai thác nó lại tùy thuộc vào tài hoa của người cầm bút. Thơ Nam Hương hút mỡ màu mạch nguồn văn hóa các vùng miền để tạo nên sản phẩm thơ rất riêng, độc đáo.
 

Tập thơ “Thời nắng xanh và những bài thơ khác” của Trương Nam Hương

Tập thơ hiện lên nhiều hình ảnh thân thương của làng quê Bắc Bộ với hoa xoan, hoa gạo, trúc, bánh đa, bánh đúc…Điểm tựa thơ anh là nguồn văn hóa dân gian chảy trôi, là tinh hoa các vùng quê tụ kết. Câu “gừng cay muối mặn” đã được anh đưa vào thơ nhuần nhị “Trăm năm mặn muối cay gừng cũng EM” (Khúc em). Câu ca dao “Gió đưa cây cải lên trời…” thấm bện vào thơ “Bà ơi cây cải lên trời/ Rau răm cay đắng phận người đắng theo” (Thời nắng xanh). Những câu ca quan họ nhuyễn nhòa đan dệt thơ “Ơi trúc xinh này, em ở đâu/ Về thương anh dạm ngõ sông Cầu” (Ngỏ với trúc xinh);“Bèo dạt mây trôi lại xót lòng…Sông Cầu buông dải thắt lưng ong” (Câu hát ấy); “Mưa Giêng ướt câu Quan họ/ Dải khăn hoa lý ơ hờ” (Thương câu hát cũ). Truyền thuyết Chử Đồng Tử trong câu thơ liêu trai “Giấu mình dưới cát tưởng yên/ Gáo em chưa dội đã nguyên…hình hài” (Chử Đồng Tử).

Gợi từ câu ca “Gối lụa không mềm bằng gối tay em”, nhà thơ sáng tạo nên câu thơ trong trẻo, lãng mạn: “Hai chỗ ngả đầu yên ả nhất/ Cỏ với vai em những lúc buồn” (Cỏ và em). Tiêu chí phụ nữ đẹp “mắt lá răm” nhuyễn hòa vào thơ “Em tiễn cái nhìn đau cả gió/ Chiều chớp đầy anh…mắt lá răm”…

Rời Thủ đô “hành phương Nam” đã gần nửa thế kỷ, nhưng hồn thơ Nam Hương vẫn luyến lưu, dăng mắc về phía cố đô Huế - quê cha, miền Kinh Bắc – quê mẹ, Hà Nội – có tuổi thơ “dù có đi bốn phương trời”.

Ký ức tuổi thơ ám ảnh. Miền Kinh Bắc quê mẹ trở đi trở lại trong thơ “Tuổi thơ mót gió trên đồng/ Giấc mơ vun vùi trấu bếp” (Hoa gạo); là “nùi rơm nhọ bếp”, là “Tuổi thơ em dế nhũi cua còng”, “Tuổi thơ ơi gọi mãi không đầy” (Bóng quê)…

Tuổi thơ trong trẻo, hồn nhiên ấy có người bà tảo tần khuya sớm: “Bà bổ cau thành tám chiếc thuyền cau/ Chở sớm chiều tóm tém/ Hoàng hôn đọng trên môi bà quạch thẫm/ Nắng xiên khoai qua liếp vách không cài”. Có sự day dứt không quên: “Tôi chan lên suốt dọc tuổi thơ mình” những “rau má, rau sam” để “thành bát canh ngọt mát” của bà. Hình ảnh bà “Chân bấm lên rêu/ Bà tôi gánh cả gió chiều - xót xa…/ Tôi chạy theo bà đòn tre kẽo kẹt/ Tiếng chim gù khuất khuất/ Bóng làng xa”. Và nhà thơ vùi mình an yên trong miền ký ức: “Tôi như thể chú mèo dim dim mắt/ Trong lòng bà tro trấu thật bình yên” (Thời nắng xanh)…
 

Nhà thơ Trương Nam Hương cùng các bạn văn năm 2017

Tuổi thơ dăng bện “Mùa Xuân theo mẹ lên chùa/ Oản, xôi hóng nhận – chuỗi, bùa hóng đeo/ Mẹ quỳ, tôi nép quỳ theo/ Lạy từ ngọn cỏ lạy veo tới trời” (Tuổi thơ);“Mẹ nuông ấm đời con bằng Quan họ/ Thuở trúc xinh gọi chú ớt ơi à” (Nhớ sông Mẹ); “Mẹ nhìn chớp bờ đê nhoáy nhóa/ Lặng ngước về Kinh Bắc hồi lâu” (Hồi tưởng)…Anh tự bạch bị ký ức tuổi thơ ám ảnh “Gột vết bùn cõng ký ức trên lưng” (Mơ về).

Trương Nam Hương sống nặng tình nghĩa, nặng ký ức, hồi tưởng. Dẫu đi đâu, anh vẫn thiết thao miền Quan họ: “Có chở dùm Quan họ theo không…Kinh Bắc níu tháng ngày son trẻ/ Mẹ xuống đò nhận đắm thời xanh” (Hồi tưởng). Là nơi ấy “Tháng Giêng hoa xoan rơi vụng dại” (Lỗi hẹn với sông Cầu)…

Chỉ 12 năm sống ở Thủ đô mà thao thiết cả đời. Anh nói giọng Bắc, thích vẻ Hà Nội trầm lắng, suy tư. Là Hà Nội hào hoa với bốn nét phác thảo: “Mặt hồ giữa phố như nghiên mực/ Sông thảo hoa văn một nét rồng/ Hoa sữa thơm nồng trên giấy điệp/ Bốn mùa thao thức tuổi rêu phong”. Giữa Sài Gòn, nhà thơ vẫn hoang hoải tháng Giêng: “Gặp một Sài Gòn thật lạ/ Mưa Xuân đất Bắc vương vào/ Anh mời heo may ghé quán/ Gọi cà phê nhớ xôn xao” (Lời mời tháng Giêng). Gặp bình cúc họa mi thấy“Sài Gòn bất chợt tinh khôi…Bên em anh gọi một ly gió mùa” (Vào quán với cúc họa mi)…

 

Nhà thơ Trương Nam Hương (thứ 2 phải sang) tiễn các nhà văn ở sân bay Tân Sơn Nhất (2017)

Nhớ Hà Nội là nhớ heo may ngọt“Gửi anh một chút heo may ngọt” (Nhắn),“Mùa nhắc heo may ghé cửa phòng” (Giao mùa); “Heo may dầm sấu” (Về lại)… Anh thích nhâm nhi cà phê kiểu Hà Nội: “Cà phê đắng những vỉa hè Hà Nội” (Tặng những mùa xưa);“Cho tách cà phê thấm vị buồn/ Không nhớ bao lần anh hỏi nhớ/ Tây Hồ em khuấy có lên sương” (Nhắn);“Cà phê khuấy mãi chưa tan nhớ”(Mùa gọi).Hay: “Tạ ơn Hà Nội trọn đời/ Nuôi tôi thương khó. Tôi thời trong veo”(Một thời Hà Nội)...

Trong Nam Hương có dòng máu Huế “Con từ xa Huế sinh ra…Con thương với Huế câu thơ lụy tình/ Chênh vênh quá nửa Ngự Bình/ Huế cho con cả cung đình rêu phong”. Trong tên anh có dòng sông quê “Con cùng tên với dòng Hương/ Thơ con trắc ẩn cánh buồm, cha ơi” (Lời thưa). Huế tổ quán trong anh máu thịt: “Anh mượn màu rêu Huế để yêu em…/Anh mượn màu nắng Huế để thương em” (Màu Huế). Nam Hương trải lòng mối ân tình bởi “Trong tôi có chút sâu đằm/ Của Kinh Bắc với thâm trầm Cố đô/ Sông Hồng hắt đỏ lên thơ/ Tôi buông lục bát xanh bờ Hương Giang”; và cất tiếng gọi: “Ơi sông Hương, hỡi sông Hồng/ Giọng tôi lạc giữa mênh mông nỗi buồn” (Gửi hai dòng sông quê)…

Cách làm mới ngôn từ của Trương Nam Hương
Thơ Nam Hương có nhiều câu thơ trong một dòng thơ: “Bờ đê. Đêm ấy/ Sóng. Trăng. Cỏ mềm” (Sông 17 tuổi); “Đêm. Từng đêm. Ngồi nhớ quê, buồn!” (Gửi một người xa)…Đặc biệt, cách ngắt câu trong dòng thơ lục bát “Nhớ lim dim phố đuôi mày xếch. Trăng…” (Trăng phố) quả là độc đáo!
Trương Nam Hương còn sáng tạo những từ láyđặc sắc tài hoa làm câu thơ giàu giá trị biểu cảm: “Sáng nay trời đất ngây ngoai quá” (
Giao mùa); “Những mộ cỏ đầu gà ngúc ngắc” (Thời nắng xanh); “Nếu không em nữa sông lơ lạc” (Khúc em); “Buồn từ lơ lắc nghiêng đâu cũng buồn” (Hoa lau),“Loăn thoăn đồng đất tối ngày”, “Thun thăn váy lá bỏ bùa ai đây” (Trăng phố),“Cỏ may giăng vấp víu áo quần…Mẹ nhìn chớp bờ đê nhoáy nhóa” (Hồi tưởng)…
Đặc biệt từ “xanh” – vốn là tính từ chỉ màu sắc được nhà thơ sử dụng với tần suất lớn (khoảng 45 lần) trên cơ sở sáng tạo chuyển đổi các lớp nghĩa: “Tùng thắp xanh trời vạn nén thơm” (
Lên Yên Tử), “Cỏ mềm xanh tốt trái tim” (Khoảng lặng), “Biển nhắc thu về giọt máu xanh” (Khúc em), “Cha đi về phía xanh lời cỏ hoa” (Dâng cha), “Anh với sông Cầu xanh ở lại” (Lỗi hẹn sông Cầu), “Anh xanh với Huế suốt chiều ngó sen (Nhỡ mùa sen), “Khi mắt lá xanh đằm mắt lá” (Cà phê ban mai), “Thời nắng xanh…”…
Trương Nam Hương thể hiện sự tài hoa tìm tòi, thể nghiệm, làm mới các thể thơ lục bát, thơ tự do, thơ sáu chữ, thơ bảy chữ. Thơ có dáng dấp tứ tuyệt, khuôn chữ nghiêm ngắn, nhưng luôn có độ giãn nở tung tẩy: “Từ hội Đạp Thanh đến Tiền Đường nước mắt/ Hai trăm năm sóng cỏ cuốn xanh về/ Không vớt nổi Thúy Kiều qua mực bút/ Nguyễn Du buồn sợi tóc nhuốm hoa lê” (
Nỗi niềm Nguyễn Du);“Chị vẫn mời trầu, thơ đãi khách/ Xòe tay hầu quạt thế nhân này/ Duyên chung không thắm, tình riêng bạc”. Và thật tài tình khi nhà thơ dùng từ láy sáng tạo “ngốc ngây” trong câu “Váy vén ngôn từ ghẹo ngốc ngây!”(Còn mãi Hồ Xuân Hương)…

“Trong thăm thẳm có vô thường thi ca...”

Đi qua mọi va đập cuộc sống, thơ Trương Nam Hương thường đằm sâu nỗi buồn, sự cô đơn, ẩn ức, suy tư như lời tự bạch chân thành: “Câu thơ tôi sinh thành từ nỗi cô đơn để an ủi những điều bất hạnh”. Anh nói về nỗi buồn, sự cô đơn đan trộn nhiều cảm xúc rất riêng: “Người cô đơn cả bóng người/ Lau thao thức bạc chỏm trời phơ lau/ Sâu từ thơ thẳm niềm sâu/ Buồn từ lơ lắc nghiêng đâu cũng buồn” (Hoa lau); “Ba mươi tuổi thơ anh òa giọt khóc” (Trăng mật); “Câu thơ chở chòng chành tiếng khóc” (Xa lắc mùa Thu)…Ý tưởng thơ được nhà thơ đúc kết súc tích:

Tứ như vốc hạt tình gieo xuống

Mảnh đất hồn ta chữ lặng chờ

Ngày như giấy trắng, đêm như mực

Ngọn bút khơi mầm – những luống thơ

(Ý nghĩ trên vườn sân thượng)

Nhà thơ Trương Nam Hương (thứ 2 trái sang) đến thăm các nhà văn dự trại sáng tác Vũng Tàu năm 2017

Thơ Trương Nam Hương trĩu nặng yêu thương với gia đình. Những bài thơ dành cho đấng sinh thành đọc cay cay khóe mắt: “Mẹ giờ hóa nén hương thơm đỏ/ Thương lặng nhìn con chẳng rụng tàn/ Khói thắt se vòng lo mẹ nặng/ Cõi về cong vít cả chân nhang" (Mẹ gió khuya); “Ngọn gió hay là hồn mẹ/ Mong manh bậc cửa đêm về” (Gió khuya)...Đặc biệt hình ảnh “đôi guốc” thật ám ảnh: “Đưa mẹ vào Tháp cốt/ Quay về, con bần thần/ Quên hóa vàng đôi guốc/ Lên đó Người lạnh chân”…

Đứng “Trước sông”, anh thấy “Bóng cha đáy nước/ Người khuất lâu rồi/ Vớt thương chẳng được”. Bỗng trở về câu thơ của anh: “Trong cha có một câu hò/ Trong câu hò có con đò sông Hương/ Trong sông Hương có nỗi buồn/ Trong thăm thẳm có vô thường thi ca...”.

Đi qua bao sóng gió, thơ tình yêu có lắng mặn, trầm tư, nhưng muôn đời vẫn đắm say: “Anh cúi hôn em ở thế trăng quỳ/ Em nở trên anh đóa sen hây múa”; hoặc kín đáo và mãnh liệt: “Đất trời cuống quýt khỏa xiêm y” (Trăng biển). Em là Nàng thơ: “Lặng đến cuối cơn mưa bất chợt/ Lộng lẫy sau lưng bảy sắc cầu vồng” (Cuối cơn mưa). Có hạnh phúc nào hơn định nghĩa ANH từ EM: “Anh chắc từ em anh mới anh/ Mẹ sinh anh trước để anh thành/ Nếu không em nữa sông lơ lạc/ Biển nhắc Thu về giọt máu xanh” (Khúc em).

An nhiên, tự tại một niềm với thơ tránh xa sự xô bồ. Anh thả những câu thơ bất ngờ, ngợi ngẫm khi dòng đời bon chen: “Lúc người đánh bóng tuổi tên/ Anh đi tìm hộp xi đen…đánh giày” (Không đề). Mẹ là bến đỗ mỗi khi đứa con trở về “Đứng ngoài các cuộc bon chen/ Lắng trong nước mắt muộn phiền nhân gian/ Chẳng quen khoanh dạ mặt bàn/ Về thưa ghế đẩu cơ hàn mẹ cho” (Dặn lòng).

Nguồn: https://www.thethaovanhoa.vn/

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm
Những vần thơ sáng nghĩa kim bằng
Nhà thơ Trinh Bửu Hoài là người bạn văn tốt của tôi đã quen thân nhau từ năm 1970 khi anh hoạt động văn nghệ ở An Giang. Cách nay hơn 10 năm, sau khi nhà văn quá cố Nguyễn Khai Phong đã vài lần giục tôi làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam cùng với tán thành của nhà thơ đánh kính Trịnh Bửu Hoài. Dù biết ở Cần Thơ mình là người mồ côi, kém tài lại vụng về trong giao tiếp nên ít có bằng hữu tình thâm, năm 1918, tôi vẫn đánh bạo nghe lời những người bạn tốt xin vô Hội Nhà văn Việt Nam với sự giới thiệu nhiệt tình cùng lúc của các nhà văn : Nguyễn Khai Phong, Trịnh Bửu Hoài, Lê Đình Bích, Lương Minh Hinh, Nguyễn Trọng Tín. Mặc dù biết rằng với mình, con đường về La Mã vẫn còn diệu vợi ! Hôm nay, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã về với cõi Ly Tao bất diệt, tôi viết bài này để ân tình bày tỏ lòng nhớ ơn anh, một thi sĩ tài hoa nhân cách rất tốt với bạn bè.
Xem thêm
Nội trú trong ta một nỗi buồn
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về “Năm ngón chưa đặt tên” của Đinh Nho Tuấn, NXB Hội Nhà văn 2024
Xem thêm
Thấy gì từ “Ký họa thơ” của Nguyên Hùng?
Bài viết của Lê Xuân Lâm, cộng tác viên tích cực của Văn chương TPHCM.
Xem thêm
Mấy điều bất thường xung quanh bài thơ “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ
Không phải vì tác giả là người viết kịch, có duy nhất một bài thơ được chọn vào sách “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân, mà bài thơ này có tính bất thường. Trong sách của Hoài Thanh và Hoài Chân có những tác giả sau chỉ có một bài : Thúc Tề, Đoàn Phú Tứ, Vân Đài, Phan Khắc Khoan, Thâm Tâm, Phan Thanh Phước, Hằng Phương, Mộng Huyền. Có hai tác giả được nói đến mà không trích bài nào trọn vẹn là T.T.KH, và Trần Huyền Trân. Vậy thì bài thơ của Đoàn Phú Tứ bất thường ở chỗ nào?
Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Bồi hồi, thổn thức, bâng khuâng…
Bài viết cảm nhận của nhà thơ Hoa Ngọc Dung
Xem thêm
Bàn về tính lý luận trong các bài giảng của thầy và bài viết của trò hiện nay
Lý luận văn học Lý luận văn học (LLVH) là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong đó bao gồm sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội-thẩm mỹ của văn học, đồng thời xác định phương pháp lý luận và phân tích văn học. Lý luận văn học tồn tại như một môn học độc lập ở một số trường đại học; nó cũng là một phân môn cho sinh viên và học sinh THPT thế hệ trước. Cho dù độc lập hay là phân môn của môn Ngữ văn thì vai trò của LLVH là vô cùng lớn.
Xem thêm
“Lời của gió” - Lời của nước mắt, nụ cười
Tôi may mắn được người anh, người đồng nghiệp quý mến - Nhà thơ, Nhà báo Trần Thế Tuyển gửi bản thảo trường ca “Lời của gió” với tin nhắn giản dị, mộc mạc “Gửi chú đọc và thẩm cho anh”. Đọc thì đương nhiên rồi, nhưng không dám “thẩm”. Mấy lời sau đây tôi viết với tư cách là bạn đọc, là người em của Nhà thơ Trần Thế Tuyển.
Xem thêm
Không gian thiền tịnh và buông xả trong thơ Nguyễn Thị Sơn
Chùm thơ 4 bài: Thiền, Tịnh, Buông, Nhàn của nhà thơ Nguyễn Thị Sơn đã khái quát một không gian thơ mang tính tâm linh cho riêng mình, ở đó mỗi bài đều chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc về tâm trạng và trải nghiệm của con người. Những bài thơ này thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa thiên nhiên và tâm hồn. Mỗi bài thơ là một khía cạnh khác nhau của sự tìm kiếm sự an lạc và bình yên trong cuộc sống.
Xem thêm