TIN TỨC

Văn Đắc – thơ một cõi tình

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-06-01 14:27:35
mail facebook google pos stwis
1217 lượt xem

Các nhà thơ xứ Thanh thường gọi Văn Đắc là thi sĩ xứ Thanh. Điều ấy nói lên sự ngưỡng mộ với ông. Để có thơ một cõi tình, Văn Đắc đã thấm và trải qua một đời bút văn khá giàu cảm xúc. Thơ ông, qua các giai đoạn lịch sử mà đất nước thăng trầm, vui có, buồn có, thăng hoa có. Càng trải, thơ càng lên men. Và chất men trong thơ ông cứ tung tẩy đến lạ lùng. Cao hơn chữ nghĩa ý tứ, ngoài chất lãng mạn có cả tư duy, lặng thầm triết học và mang tính nhân văn sâu sắc.

Nghĩ lại, trong lúc bão thơ ngày nay bung tỏa đến dữ dội, khi mà thơ ghép vần ngày càng chen lấn với số lượng nhiều, lại được truyền thông PR đến inh tai mỏi mắt, mới biết thơ Văn Đắc theo cái câu ông thường nói hết sức ý nghĩa và hàm ẩn biết bao: “Thơ dạo này vui lắm, nhưng các cậu hãy nhớ. Văn Đắc chơi thì vẫn chơi nhưng đường đi riêng của ta thì các bạn chơi với ta ắt hiểu. Người ta thì mặc người ta. Đường họ dẫu có đường ta vẫn giàu”. Mới biết, khí chất trong con người thơ của ông rất giàu có. Giàu ở ông là giàu cách chơi chữ nghĩa văn chương, giàu nghĩa bạn bè thủy chung. Ông đã từng nếm trải khắp nước non. Ra Nam ngoài Bắc, lên rừng xuống biển. Đâu đâu cũng có dấu chân của ông để lại. Phải chăng đó là nguồn sống nuôi dưỡng cho thơ ông xanh thì mãi mãi. Hơn nữa, ông thích sống phóng khoáng tự do theo kiểu nghệ sĩ. Thích thì ông đọc thơ cho mọi người nghe, khi thấy sướng thì mọi người vỗ tay. Thế mới biết, chàng thi sĩ xứ Thanh này, chất thi sĩ đã ngấm vào máu nên thơ ông có phong cách rất riêng và lạ.

Nhà thơ Văn Đắc

Cái lạ ở đây là gì? Tôi nghĩ chỉ có nhiều người hiểu thơ ông đến gan ruột mới thấu hiểu chất thơ và giọng điệu thơ Văn Đắc. Chất thơ ấy trước hết gắn với cảm xúc trong cuộc đời mà ông đã từng đi qua, để rồi tạo cho trái tim thi sĩ ngân rung. Nếu xem cảm xúc là nguyên liệu tinh thần thuộc về tư chất của thi sĩ thì điều đó hiện rất rõ trong thơ Văn Đắc. Nó không chỉ là cái gốc của hồn thơ mà còn là nhân tố tạo nên hình tượng thơ, tạo nên duyên thơ độc đáo.

Tôi muốn nói đến cái duyên trời cho với thơ ông, như là một định mệnh. Là cái nghiệp phu chữ mà suốt đời, ông đã sách bầu rượu túi thơ đi khắp mọi ngả đường để sinh ra những bài thơ để đời cho lớp trẻ. Ông có lòng tự trọng cao lắm. Nhiều bài thơ trên báo văn nghệ trước đây của một số tác giả trẻ mới viết được đăng, họ đọc cho ông nghe. Ông mỉm cười: Thế bài thơ cậu được gửi báo Văn nghệ đăng mà không thuộc à? Sao cứ phải cầm khư khư tờ báo để đọc. Ông hiểu thấu sự đời về cái danh của thời thế. Nên trong thơ ông, tính triết lý nhân sinh luôn được đề cập của lòng tự trọng rất cao. Với ông, hiện nay vẫn được nhiều nhà thơ trẻ đến tận nhà, chỉ mong ông viết cho mấy lời giới thiệu là đã thỏa nguyện đem về. Nói như vậy để cắt nghĩa, thơ Văn Đắc thực sự có tiếng ở vùng đất học xứ Thanh với sức lan tỏa rộng là những điểm đáng chú ý để hiểu về ông hơn.

Văn Đắc làm thơ bao giờ cũng không quên duyên nợ với quê. Đấy là cái gốc để thơ ông đượm tình. Có lẽ cái làng Triều, vùng biển Sầm Sơn – Thanh Hóa quê ông, nuôi ông từ cái thuở chăn trâu bắt bướm ấy đã sinh ra một Văn Đắc, đặc chất mặn mòi với biển. Biển không chỉ gắn bó với tuổi thơ ông mà còn tạo nên trạng thái đặc biệt để sản sinh thơ Văn Đắc. Chả thế mà cái vùng quê ấy, đã tạo cho Văn Đắc cất lên một giọng điệu thơ da diết đau đáu nhớ về quê:

Một mình ngồi kể chuyện quê

Ngổn ngang mây trắng bay về cửa sông

Đọc đến đây tôi lại nhớ đến câu hát của nhạc sĩ Thanh Tùng khi “một mình nhớ em” đã hiện bao tâm trạng. Còn Văn Đắc một mình ngồi kể chuyện quê, với nỗi niềm tâm sự ngỗn ngang. Ở đó có mây trắng của một miền cổ tích hiện về. Vừa gợi, vừa nhớ nhung chuyện đời, chuyện làng, chuyện bãi. Trong đó có cái làng Triều đã nuôi ông khôn lớn. Và chính cái cửa sông ấy đã neo hồn thơ ông vào biển rộng, nuôi dưỡng cảm xúc, để ông bước vào nghiệp thơ như mắc nợ với đời, với con tim mà ông đã thầm yêu, trộm nhớ.

Văn Đắc đã có tới 700 bài thơ. Mỗi bài mỗi vẻ. Trong tuyển thơ Văn Đắc có rất nhiều bài hay. Tôi muốn nói nhiều hơn ở phong cách thơ Văn Đắc. Đường thơ của ông có nhiều câu thơ hay và lạ. Nhiều câu thơ như lên đồng, nhập vào hồn người cứ man mác một chất riêng. Cái vần thơ mà ông nâng niu như có dáng chiều, có cả cái con nước lên xuống trước cửa nhà ông mà ông đêm ngày mơ thức. Thế rồi ông đã đem theo ký ức quê ông đi khắp mọi nẻo đường đất nước. Mỗi bài thơ, mỗi câu thơ có sức thu hút đến lạ kỳ.

Bài thơ Em và con đường mở ra một không gian vừa hiện thực vừa lãng mạn. Những hình ảnh, cảm nghĩ cứ bay lượn đi về, rồi niềm xúc động bung lên mãnh liệt: Một con đường để hát riêng em/ Là viết bài thơ về con đường em mở/ Đất nước mình trăm năm nghìn năm… qua bao nhiêu thời mà chưa lời nào nói hết…” (Em và con đường). Năm 1974, thời điểm chiến tranh ác liệt ông trỏ về thành phố sau những lần ông mãi miết trên những cánh rừng dãy núi thấu hiểu chiến tranh đi qua. Và những ngày ấy, bài thơ Em ơi thành phố có một tâm sự riêng hòa vào cái chung nhớ lại cảnh bom giặc phá nát những ngôi nhà làm cho ông bàng hoàng chìm sâu trong ký ức:

 Anh bước lạc giữa lòng sâu thành phố

Mưa chiều qua còn đọng nước ổ gà

Chua me đất mọc len vào gạch vỡ

Những khuy hoa năm cánh nở mơ màng

Trong những thi ngôn, thi ảnh thơ ông có cả những kỷ niệm ẩn vào trong. Bom đạn là thế, nhưng bên cạnh luôn ẩn đằng sau là cả một tâm sự nỗi niềm.

Anh không muốn tìm ra kỷ niệm riêng mình

Trong dấu vết chiến tranh hằn sót lại

Vành nón trắng trưa nay em đội

Niềm vui trên đầu chưa che đủ gian lao

Thơ Văn Đắc rất mượt, âm vần hòa chung điệu nhịp, vừa bộc lộ cái khát khao vừa âm trầm tha thiết. Chất trữ tình thăng hoa trong ngòi bút, như hiểu hết lòng tâm sự với người thân.

“Anh lặng nhìn chiếc áo em phơi/ Bên cửa vỡ ngôi nhà bom đánh ngã/ Tiếng trẻ học bài vô tư trong trẻo quá/ Đã yên lành sao em cứ băn khoăn”. Vẫn con đường theo suốt dọc miền Trung, Văn Đắc đã thả hồn vào cảnh sắc với một giọng thơ trữ tình tươi mát. Một đèo Hải Vân núi lượn mây bay, một Đèo Ngang bâng khuâng hoài cổ, một Quảng Trị in hằn dấu vết chiến tranh chưa mờ đi đôi chút. Tất cả đã vào thơ ông đậm đà ý vị gợi nhiều cảm xúc thiêng liêng:

“Chúng tôi dừng xe trên đèo Hải Vân

Nơi sóng biển đang thì thầm ca hát

Nơi cát trắng ùn lên nỗi nhớ

Đường miền Trung gấp khúc bánh xe lăn

 

Vết tích con đường đi qua chiến tranh

Còn hun hút hai bên làng Quảng Trị

Rừng với suối, núi với đồng gặp bể

Một dải trời trong mắt quá mênh mông

 

Một chút chạnh lòng gặp cảnh Đèo Ngang

Đừng nói đó là nỗi buồn hoài cổ

Ta không thể để lòng ta bé nhỏ

Khi con đường rộng mở dưới chân đi”

(Tâm sự với con đường – Văn Đắc)

Tôi có cảm giác Văn Đắc tri âm với hình tượng thơ bắt đầu từ tri giác. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều bài thơ ông đặt tên đề có hình ảnh con đường. Phải có cái gì đó thao thức ông, đánh thức ông trong tâm khảm mà ông bắt gặp sau mỗi chuyến đi để xuất hiện thành thơ. Tôi nghĩ có đi mới biết trải lòng, bao nhiêu khám phá ẩn vào túi thơ. Hình ảnh “Con đường” trong tập thơ “Một mình với cỏ thi” có tới 6 bài đặt tên đề bài thơ có hình ảnh con đường. Đó là: Đám cháy con đường; Em và con đường; Tâm sự với con đường; Dọc đường Nhà Nguyễn; Trái tim dọc đường; Hoa bên đường. Những thi hứng tạo thành tứ thơ hay, xem ra mới biết Văn Đắc giàu vốn từ lắm. Hình ảnh thơ có chiều sâu khái quát. Ngôn ngữ thơ trong vắt. Nhịp điệu tưng tửng mà lạ. Cứ men dần vào cõi người để tìm về những phút giây tĩnh nhưng bung tỏa nở rộ những ý tưởng triết lý nhân sinh. Bài thơ Dọc đường Nhà Nguyễn Có những câu thơ ông viết giản dị mà khí chất gợi nhiều liên tưởng:

Đường dọc miền Trung ngờm ngợp cát

Lô nhô nhìn dãy núi chọc trời

Rừng biển trập trùng khói sóng

Bao đời mở nước xứ Thanh ơi!

Đến Sài gòn rồi trở về Phan Rang ngược về Đền Hùng nhớ bạn, ông có thơ ngũ ngôn trong một tứ thơ hay. Trong cách nhìn rộng dài về đất nước, thơ Văn Đắc bay bổng cảm xúc đa chiều, phủ vàng ánh nắng, rợp bóng mây bay. Mỗi một nơi ông đến, thơ ông như thốt lên những tự sự nhớ về lịch sử, đậm chất dân gian. Mà ở đời cái quan trọng là tấm lòng: Mười tám đời vua không nhớ hết tuổi tên/ Để có một Vua Hùng dựng nước/Một thời vua ẩn mình trong truyền thuyết/ Chuyện anh hùng hóa chuyện thần tiên/ (Viết ở Đền Hùng). Văn Đắc đã đưa truyền thuyết vào thơ có cả cánh cò gọi về câu ca dao một thuở, để rồi hiện nguyên tâm trạng đến se lòng:

Các Lang Quân và Mỵ Nương đã khép mắt ngủ rồi

Thôi lặng lẽ chiều Đền Hùng đóng cửa

Kìa cánh cò, cánh cò vàng giữa lúa

Gọi ta về làm dân đất Phong Châu.

(Viết ở Đền Hùng- Văn Đắc)

Trong thơ Văn Đắc chứa chất một chất men của những câu từ đa thanh, đa cảm. Có nhiều câu lấp lánh hình tượng nghệ thuật. Có sự giao cảm giữa thế giới bên ngoài và thế giới nội tâm. Không cầu kỳ nhưng chải chuốt. Thế mới lạ. Nghĩ ra thì đó là cái tạng của ông. Tôi rất thích những bài ông viết về Huế. Địa chỉ của cái nôi văn hóa, khúc ruột miền Trung. “Ai kê sông lệch bên trời/ Để câu ca Huế một đời rơi nghiêng”.Hình như nhiều câu, có cả cái chất ngông thi sĩ. Văn Đắc mỗi khi ông sướng lên, cao hứng lên bao giờ cũng có những câu thơ ngang tàng mà chí khí. Để lại bóng hình ngao du như ẩn sĩ. Khi ở Huế, thơ ông khắc bóng hình như một kẽ lãng du đi tìm chất Huế. Ngồi Thuyền động nước Sông Hương/ Mà chênh chao cả con đường miền Trung quả là liên tưởng xa xăm lắm để rồi ông tự nhận mình:

Khách tiêu dao là ta

Khách giang hồ là ta

…Ai đó gặp rồi xa khuất mãi

Để ta dằng dặc Huế bên lòng

(Huế bên lòng)

Sức nặng của thơ ông có chí khí phi thường. Hình như có cả khẩu khí của thơ Cao Bá Quát chăng? Ước chi mang được núi đồi/ Ghé vai cho đất cuối trời lên cao (Mưa Năm Căn-1997).

Tôi nghĩ gốc của thơ ông mang bản năng thi sĩ. Mà đã thi sĩ thì chất lãng mạn luôn bay bổng. Dạo chơi khắp đó đây là một biểu hiện. Có lúc ẩn mình, có lúc khuấy đảo. Nhưng dồn vào nội cảm không quên thả vào thơ chất trữ tình của sông nước, làng quê, phố xá. Văn Đắc đến đâu cũng hiểu người hiểu ta. Ở đời hiểu cái bên trong mới khó. Muốn hiểu phải khám phá. Ông đã “điểm nhãn” vào nhân sinh, vào khúc nhạc của lòng trai sau bao năm xa thành phố trở về:

Tôi có một thời trai Hà Nội

Một thời trai như ngô bãi sông Hồng

Lá lúng liếng vào trăng chừng đã nói

Một câu gì để Hà Nội bâng khuâng

Người ta nói Văn Đắc có trái tim thi sĩ quả không sai. Cái thời trai của ông nồng nàn lắm. Một lần đưa người yêu bạn tìm người yêu trong men say ở Hà Nội, hồn thơ của ông phảng phất gió sông Hồng, đem lại cảm xúc không thể nào quên được. Người trai chắp hai bàn tay cảm ơn/ Tay bắt rất chặt/ như là để tình yêu của mình khỏi mất/ suốt dọc con đường tấm tức/ Hai hàng phố càu nhàu/ Hà Nội lặng phắc.

 Em ơi, lạ lùng

Hà Nội giận hờn quá thế

Phân vân mấy nẻo đường về

Mình ta lẽo đẽo đường khuya/ Nửa mê đã tỉnh, nửa chia lại đầy/

Xòe tay Hà Nội trong tay

Ngả nghiêng mắt phố ướt say mặt hồ.

(Một lần Hà Nội- Văn Đắc)

Thơ Văn Đắc có đường dẫn trong cảm hứng sáng tạo. Đặc biệt đến với thi nhân có những câu thơ không dễ viết nếu như không có sáng tạo độc đáo. “Sóng Mộng Cầm dắt bể Hàn Mặc Tử/ Đi trong đời như một tiếng chuông tan”. Tôi chắc Văn Đắc mê Hàn nên mới có được những câu thơ hay như thế. Hình ảnh trăng có điều gì được giải mã căn nguyên trong thơ ông. Người xưa thường nói “thi sĩ là của vầng trăng/ Trăm năm theo gió đêm nằm đợi trăng”. Chính cái chất thi sĩ hiện nguyên trong đôi bàn tay bút hoa của ông thường vẽ đã làm nên đường trăng trong thơ ông như rượu ngọt hương nồng:

Tôi bắt được một vầng trăng trong quá

Lúc lá cây rung hết giọt mưa chiều

 Bao bụi đất nằm im trong đám cỏ

Gió phiêu bồng cùng gió dưới trăng treo

(Bất chợt một vầng trăng)

Văn Đắc đúng là một thi sĩ trong cõi tình đắm say và mơ mộng. Nhưng đâu chỉ có thế, mà ông luôn chạm vào những vô hình để tìm đến hữu hình trong khát vọng: Cát nhập vào mây, mây nhòa vào cát/ Bất chợt một lần tôi được đóa trăng yêu. (Bất chợt một lần trăng- Văn Đắc).

Trong cách sử dụng từ ngữ cho thơ, để làm dậy sóng cho cảm xúc, Văn Đắc có một sáng tạo đến bất ngờ. Nhất là sử dụng biện pháp tả cảnh ngụ tình. Hoặc phép tu từ đầy biến hóa. Rất tinh tế kiểu nghệ sĩ điêu luyện sử dụng tiếng Việt, làm tỏa sáng cho thơ. Khi nhớ về nơi xa ấy, dù cho vùng rừng tới biển hay tại thủ đô, ông viết với một phong cách rất riêng: Bây giờ Hà Nội xa vời vợi/ Len lén đường trăng xuống ngoại ô. Cách sử dụng từ láy “Len lén” đặt vào văn cảnh tỏ ra khá cao tay, đem đến sức gợi lớn.

Với Văn Đắc, thơ ông tuyệt đối không bịn rịn đến mức tuyệt vọng. Sự chia tay và gặp gỡ trong thơ ông bao giờ cũng sáng lạn một niềm tin. Trong đường thơ của ông không thể không nói đến chữ tình trong tình yêu. Đó là tình yêu quê, yêu vợ, yêu cái làng nơi ông sinh ra và lớn lên. Từ khi là một chàng trai đến khi trở về già. Quê hương nơi ông lớn lên cùng với cát, với sóng xôn xao sớm chiều ra biển đã thức tỉnh ông trong cả lúc say sưa nhất. Trong thơ hiện đại, mỗi nhà thơ đều có cách cảm và nghĩ riêng của mình khi viết về quê hương. Riêng Văn Đắc ông đã dồn hết tâm huyết cho thơ bằng những bài thơ ông viết về làng. Làng ông ở gần biển. Nơi những con sóng thức dậy trước bình minh đã thấy xôn xao những khúc nhạc của tình biển dội vào cảm thức. Ông từng tâm sự:

Biển cách sông trở một cánh buồm qua/

Chiều ra bể sáng đã về quét ngõ/

Rượu mới nhấp, đầu đã say ngọn gió/

Một tiếng gà gáy nhớ khơi xa…

Trời cửa lạch như một vần thơ cổ/

Một câu Kiều sáng sớm đã sang sông. 

(Làng biển).

Thơ Văn Đắc luôn giữ thái độ trầm tư trong suy nghĩ. Những cung bậc cảm xúc mà ông đã gắn bó với nơi ông sinh ra và lớn lên từ cái làng chài ven biển ấy, cứ  thấm dần như dòng sữa nuôi ông khôn lớn. Ông có những dự cảm những hoài niệm, có vóc dáng một tầm suy tưởng trí tuệ, xoáy vào cuộc sống mà xã hội thường đề cập: Câu tục ngữ xưa mà làng đã nay rồi/ Đời lại đẻ ra nhiều câu nói nữa/ Tôi muốn hát một điều gì nhỏ nhẹ/ Như là câu tục ngữ thế này thôi. (Tìm câu tục ngữ của dòng sông).

Đặt Văn Đắc vào ghế nào cùng với các nhà thơ hay của văn học đương đại, theo tôi xứ Thanh thơ ông, vẫn có một ghế đầu trịnh trọng giành cho ông. Bởi thơ ông ngoài các yếu tố thành công khác, về mặt thi pháp thơ có giọng điệu, ngôn ngữ riêng. Cái hay là ở chất lạ, có khẩu khí, không gấp khúc, không chối âm vần. Hơn nữa, thơ ông nổi bật ở giọng điệu trữ tình. Mà biểu hiện rõ nhất là cái tôi trữ tình đằm thắm, êm dịu, ngọt ngào, đậm sắc thái biểu cảm.

 Em ơi! Mùa xuân

Biển biếc ngàn năm em cũng không ngờ.

Cứ xanh thế, để sóng làm con trẻ

Để ngọn gió về em đậu ngủ

Mặt trời lên như quả chín cây buồm.

(Đón xuân đang về)

Trong thơ Văn Đắc, cái tôi trữ tình đa dạng, phong phú, nhiều mầu sắc. Có khi cái tôi trữ tình thể hiện dưới dạng trực tiếp, phản ánh tâm trạng khắc khoải bồi hồi, gắn  với tâm tư của nhà thơ. Trong trường hợp này, cái tôi trữ tình chính là cái tôi của tác giả. Văn Đắc thể hiện bản tính của một kẽ si tình có hạng. Nhưng không phải vì thế mà ông sa đà vào chốn tình trường. Thơ ông dung dị nhưng khi đã si mê thì cái gì cũng sẽ đến. Nó đưa hình tượng nghệ thuật chạm đến điển hình hóa. Có nhiều câu thể hiện nghệ thuật so sánh, phép liên tưởng rất đặc trưng:

Tay em đã vịn vào cành/ Thì bao nhiêu lá cũng thành lời yêu. (Vụng thầm)

Ngay cả cách thể hiện trong bài thơ mượn rượu để ngụ tình đã vượt qua bão tố thời gian để khẳng định thương hiệu thơ Văn Đắc. Lại nhớ đến một câu thơ của một nhà thơ si tình: “Em là rượu của thế gian. Còn ta say vẫn mong mang em về”. Với Văn Đắc lại khác: Em rót vào ta/ Rượu rót vào chai…Chả lẽ ôm chai khô khốc trong tay/ Để chịu khát hết một đời trai trẻ/ Dẫu mang tiếng ta cũng đành đập vỡ/ Xem mảnh chai nào ngấm rượu của em không. (Rượu – Văn Đắc).

Những điểm đáng chú ý trong thơ trữ tình Văn Đắc là có nhiều tứ hay và lạ, lạ đến sững sờ. Ông có nhiều bài thơ tình đặc sắc như bài thơ “Vợ” là một bài thơ điển hình trong thơ ông mang phong cách Văn Đắc. Mặc dù gợi nhiều sắc dục nhưng nổi hơn, thành công hơn là nghệ thuật so sánh: Khi anh đang nhấp chén trà như nhấp mật ong/ Thì mồ hôi em ướt hai đầu vú. Quá lạ! Những câu thơ táo bạo như lao dốc, đưa thơ về vùng sông đẫm nước, khi mà người nghệ sĩ nóng tràn muốn tìm những giọt nước chống hong khô. Văn Đắc đã từng có những câu thơ đặt vào khoảng trống làm ấm áp cả mùa đông: Mùa đông có già đâu/ mà em ghé đầu vào anh cho trẻ lại/ Để suốt đời trong anh em là con gái. (Áo đỏ – tặng vợ).

Tôi cứ trăn trở trong cách viết thơ có cái gì đó làm cho người ta chú ý nhiều hơn trong phong cách viết của ông. Mà “phong cách chính là con người” (Câu nói của Bufon). Còn người xưa thường có câu nói “văn là người”. Với nhà thơ Văn Đắc trong mấy chục năm làm thơ, do có duyên thơ sâu đậm với ký ức cuộc đời mà thơ ông cứ tái sinh làm cho ông như trẻ lại. Cảm xúc trong cái tôi trữ tình thường lên ngôi để nảy sinh những câu thơ hay: “Vầng trăng cuối tháng lẳng lơ/ Ai hái dâu về tắm bến. (Hạt phù sa). Ông đã có nhiều lần bất chợt. Từ bất chợt một vầng trăng đến bất chợt nhìn một cái gì đó nuột nà như hoa ngọc: “vườn cây khép nép/ Em cởi mùa mướt mát hiện sau mưa”. Văn Đắc có tài khi chớp được những khoảnh khắc đẹp để biến những hình ảnh thành những câu thơ hay. Chỉ một lần cảm nhận mà ông đã kéo theo nỗi nhớ bằng những thi ảnh liên tưởng độc đáo: Tóc vừa thả ướt bên sông/ Đã hong khô nắng sau lưng thị thành. Trong những câu thơ hay không phải chỉ có tả mà còn có hồn thi cảm: Sỏi nhìn trắng tận gót chân/ Ô kìa con suối tắm trần bến sông/ cây nghiêng đầu/ núi khom lưng/ Trời cao nghiêng cả bóng rừng xuống em (Suối tắm).

  Có thể nói, thơ Văn Đắc nói về nhiều chuyện trên đời nhưng bao giờ cũng có chất riêng của người Thanh Hóa. Dù ông có xuất hiện trên khắp nẻo đường đất nước, từ miền xuôi đến miền ngược, kể cả ra Bắc vào Nam, người ta vẫn nhận ra ông là người Thanh Hóa. Bởi lẽ Văn Đắc là người yêu quê hương như máu thịt. Dù khổ đau đến tận cùng vẫn không làm nhạt nhòa chí khí mà ông tự nhận mình chất Thanh trong thơ ông không lẫn vào đâu được: Cái khuôn đúc sẵn của trời/ Đã xoay đủ cách vẫn trồi tôi ra/. Vì ông có tư thế nên những câu thơ ông viết mang đặc điểm phong cách ông rõ nét. Ngồi ăn đặc sản tán toàn chuyện vua cho đến Rau má là tôi, là anh/ Cứ xanh mắt lá hiền lành là ta.

“Văn Đắc đã từ cát luyện thành thủy tinh thơ mình” đó là câu nói của một nhà phê bình nhưng chưa đủ. Cái mà ông có dư, chính là tấm lòng rộng mở. Với ông, thơ là tất cả. Nó mang theo “cái tạng” của một đời thơ thi sĩ. Một chất thơ mang cốt cách tâm hồn cao đẹp thanh tao bất diệt. Dẫu thời gian vô tận, còn đời người hữu hạn trong kiếp nhân sinh nhưng với thi sĩ Văn Đắc còn nặng nợ với thơ với đời nhiều lắm. Hiện tại ông đang cư trú nơi phồn hoa phố thị, nhưng ông vẫn giành hết cả trí lực cho một đời thơ. Cho một cõi tình mà ông đã sống chết vì thơ. Xin được chúc mừng tình thơ Văn Đắc, được người đời nhớ mãi không quên.

TRỊNH VĨNH ĐỨC

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.
Xem thêm
Hành trình trở về trong chùm thơ Phạm Thanh Bình
Những ngày cuối năm, khi mùi Tết đã phảng phất đâu đó, tôi bỗng nhận được chùm lục bát của nhà thơ Phạm Thanh Bình ở thành phố Hồ Chí Minh gửi tặng. Thật lạ, giữa thành phố ồn ào náo nhiệt vậy mà từng câu thơ lục bát vẫn trong trẻo chân quê. Bao hình ảnh về cảnh quê, Tết quê dường như cứ thao thiết chảy trong dòng cảm xúc thương nhớ của nhà thơ. Tôi cũng là người xa xứ cùng thế hệ với tác giả nên đọc thơ mà cảm thấy lòng mình cứ nao nao nỗi nhớ cố hương.
Xem thêm
Nguyễn Bình Phương, nhà thơ chơi chữ họa lên tương phản thực hư của hiện thực huyền ảo
Thơ Nguyễn Bình Phương không dễ đọc. Sáng tác của ông không hướng tới công chúng xã hội mặc định thường giới, mà cho một tầng tinh anh chỉ định, dù thơ ông chính là trữ tình tự sự, câu nào cũng dựng hình ảnh biểu tượng.
Xem thêm
Từ một trang văn Trang Thế Hy
“Tiếng sấm Đồng Khởi” Bến Tre (1960) âm vang dai dẳng dồn dập nhiều năm khiến chế độ cộng hòa đương thời còn chịu sự tác động ngoại lai phải kinh hoàng lo sợ, tiếp tục bắt lính khắp nơi để tăng quân, không chừa cả sinh viên, giáo viên ở các trường học. Năm 1963, bị gọi đi trình diện học sĩ trù bị, tôi âm thầm trốn học trò và hiệu trưởng, rời bỏ Trường Trung học Long Mỹ - Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Hậu Giang) - một huyện lỵ xa, lánh về Cần Thơ xin dạy Việt văn tại Trung học Tư thục Thủ Khoa Huân tại đường Thủ Khoa Huân (Cần Thơ) của ông Trần Đình Thân. Tình cờ, không, phải nói là may mắn, tôi được gặp một bài văn của Trang Thế Hy mà không rõ vì lý do nào, soạn giả lại không ghi xuất xứ. Đoạn văn được nhà văn, nhà giáo yêu nước Thẩm Thệ Hà (1) biên soạn, đưa vào quyển Giảng văn lớp Đệ Lục (nay là lớp 7) do nhà xuất bản Sống Mới ấn hành năm 1962. Nhan đề bài giảng văn là “Con người quả cảm”.
Xem thêm
“Bình yên từ phía quê nhà” của Nguyễn Văn Hòa
Cầm cuốn tản văn nho nhỏ trên tay: “Bình yên từ phía quê nhà”, giữa chốn nhộn nhịp của đất Sài Gòn, mà trong lòng tôi cảm thấy có một điều gì đó rất đỗi là chân quê, rất đỗi là an yên trong tâm hồn của một con người, khi bản thân chúng ta luôn quay cuồng với những tất bất hơn thua, cố gắng, lăn lộn ngoài đời sống, để đi tìm những giá trị vật chất hay tinh thần nhằm thỏa mãn những ham muốn khát vọng ở đời thường, thì khi đọc bình yên từ phía quê nhà, chúng ta dường như, hoặc đã có trong tay liều thuốc cho sự tự chữa lành, cho việc quân bình, cân bằng lại trong cuộc sống.
Xem thêm
Có một buổi chiều như thế!
Đọc bài thơ “Thơ viết chiều cuối năm” của tác giả Ngô Minh Oanh
Xem thêm
Nhà thơ Quang Chuyền - nhìn trời thấy hiện dòng sông
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 157, ngày 2/1/2025
Xem thêm
Một bông hoa lặng lẽ thiền trên cát bỏng
Bài viết của Khuất Bình Nguyên về thơ Mai Quỳnh Nam đăng trên báo Văn nghệ.
Xem thêm
‘Mùa xuân’ trong thơ Trần Ngọc Phượng
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
“Hoa cho tình yêu” kết quả “ngọt lành”
Về tiểu thuyết “Hoa cho tình yêu” của Nhà văn Hoàng Phương Nhâm, tác phẩm được trao giải thưởng của TPHCM...
Xem thêm
Những ngón tay mải miết lần tìm mạch sống
Cảm tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên” của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Tôn thờ mảnh hồn quê thô mộc mà thiêng liêng trong Vẽ nhớ”
Thanh thoát, nhẹ nhàng, trầm tư, ưu nhã nhưng nhiều nỗi bồn chồn: Nỗi bồn chồn mang tên Thanh Hoàng. Tâm sự lòng riêng của một hồn thơ chọn vị trí kẻ làm con để tạo tác cái đẹp nén đau
Xem thêm
Anh Đức: Nhà văn - chiến sĩ tiêu biểu của nền văn nghệ cách mạng miền Nam
Tham luận của PGS-TS Võ Văn Nhơn đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 156, ngày 26/12/2024.
Xem thêm
Anh Đức, cuộc sống và quan niệm sáng tác
Bài viết của nhà phê bình Bùi Công Thuấn
Xem thêm
“Minh Châu tỏa sáng” với nhiều góc nhìn
Bài của nhà văn Lê Thanh Huệ về truyện ngắn “Minh Châu tỏa sáng” của Nguyễn Trường
Xem thêm
Thơ tạo sinh nghĩa của Mai Quỳnh Nam
Nguồn: Website Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm